Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

816. Ta ca ngợi địa ngục! (Thư giãn)

Buồn buồn dạo bước Kiên Giang
Ngờ đâu đã thấy giàu sang mấy lần!
Ngắm đời qua đỉnh phù vân
Thế nhân, nhân thế, luần quần tử sinh!


Bài viết này gồm có:
1. Tôi đi thăm nhà anh... Ba Dzũng
2. Câu chuyện tiếu lâm của ông Chủ tịch tỉnh, và
3. Ta ca ngợi địa ngục!


Vốn thích nhất… Trang Tử, và nhất là cụm từ ‘Thuận theo tự nhiên mà sống’, mà tôi sống như là một người vô hình trong cõi đời này, tất nhiên là đôi khi cũng có ‘xía vô’ chuyện người ta một tí, nhưng thực ra thì tôi không quan tâm lắm. Bởi vậy, bài viết dưới đây không có mục tiêu ‘nhớ’ các nhà chính trị hay nhà giàu, mà trọng tâm là tôi rất chú ý đến khát vọng của người dân.
Nhiều người miền Nam, đặc biệt là nữ, gọi tôi là ‘anh Hai’ (ngoài Bắc gọi là 'anh Hải'), với ý nói rằng nếu tôi đã gặp ai một lần thì hiếm khi có duyên gặp lại lần hai, vì thế, mặc dù có đọc bài này thì các ‘thiên thần bé nhỏ’ cũng không thể biết tôi là ai, tuy nhiên, tôi vẫn thương, vẫn nhớ các nàng… Ngoài ra, từ ‘anh Hai’ còn có nghĩa là nếu tôi đã đến thăm nơi nào ai một lần thì không có dịp ghé lại lần hai, thế mà tôi lại có dịp quay lại Kiên Giang!
Cơ duyên như sau… Số là trước Tết, tôi đang ngồi ‘đánh phỏm’ với thương gia X, ảnh nói là ảnh sống cùng đường với nhà anh Ba Dzũng, hồi trước thường nhậu với nhau…, bỗng có được tin báo là có bán một tấm ván gỗ pơ-mu với giá vài tỉ, anh X liền lên taxi đi xem liền, không rõ là cuối cùng có mua không!... Lúc đó, tôi nghĩ là anh ta nói phét: Thủ tướng dễ gì gặp!, vài tỉ dễ gì có! Vào khoảng năm 2010, tôi có đi ngang qua nhà anh Ba Dzũng, nhưng về kể ít ai tin!, nên cũng nghĩ là nếu một ngày nào đó có dịp thì ghé lại để nhìn kỹ hơn, hay xem lại thử có gì mới không, để… chém gió! Và duyên đã đến: tuần trước, có người hỏi:
-Có đi Rạch Giá chơi không?
-Đi thì đi.
Thế là từ 4g sáng ngày 15/4, tôi đã có mặt ở Sân bay Tân Sân Nhất để lên đường đi Rạch Giá.
Và tôi bắt đầu kể.


1. Tôi đi thăm nhà anh... Ba Dzũng

Bước khỏi máy bay, tôi liền bị chói mắt bởi ánh nắng chói chang ở Sân bay Rạch Giá, vội lấy tay che mắt lại. Ra cửa Sân bay, người đón (chúng) tôi là một anh chàng da khá trắng, khá đẹp trai và hơi mập một tí: chính là thương gia X… Ối giời ơi, anh đến bằng hai chiếc xe Camry màu đen, mà ngồi nhìn từ xe sau, chả thấy có ‘chấm’ gì hết, nên một cậu sinh viên bảo nó là xe ‘không chấm nỗi’ - tức là đắt tiền lắm!, đắt hơn xe có ‘chấm’ (ý nói là so với xe Camry 2.5 hay 3.5) ; tôi có đùa với anh và với một phụ nữ về vụ ‘xe không chấm’ này, cổ nói:
-Ừ, xe có ‘chấm’ là xưa rồi! (ha..ha…)
Xe đi vào trung tâm thành phố, qua cầu Quay, Khu Lấn Biển, rồi ghé vào Nhà hàng Marina (King Night Club, mà chúng tôi gọi đùa là ‘Nhà hàng Lấn Biển’), ở đây, tôi được thưởng thức một món đặc sản Rạch Giá là ‘bánh tầm xíu mại’ - rất ngon.
Ăn sáng xong, sau khi về khách sạn để ‘check in’, anh đến đón tôi đi tham quan Rạch Giá. Xe đi lòng vòng qua cái Cổng chào ‘Rạch Sỏi’ mà anh nói là cổng vào tỉnh Rạch Giá xưa - được thành lập từ thời Pháp thuộc (1867!, xem dưới); đồng thời nghe anh kể về địa danh của các ‘Khu Dinh Điền’ như Kênh 5, Rạch Sỏi!, nơi tập trung các loại di dân từ miền Bắc vào chủ yếu đến từ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… có từ thời Ngô Đình Diệm (!).

Rồi tôi nói: ‘Chạy qua nhà ông Dzũng một tí’, ông X bèn cho xe chạy qua cầu Quay, xuống dốc: tôi đang đứng trước nhà ông Ba Dzũng.
Trước đó, khoảng năm 2010, đi họp ở Ủy ban tỉnh, tôi có ghé qua nhà này một lần. Lúc đó, đường Nguyễn Trung Trực mới xây xong (mở rộng), lề đường còn rộng thênh thang (chưa có buôn bán/không bị lấn chiếm), và nhà cửa, biệt thự còn ít, nên tôi thấy nhà ông Dzũng rất rõ, đại khái là trong khuôn viên cỡ 1000m2, có một cái nhà cấp 4 - rộng, và một cái nhà thờ nhỏ - trông rất giống cái ‘Chùa Một Cột’ ở Hồ Hoàn Kiếm, nên tôi có ấn tượng và nhớ rất lâu… Lúc đó, (nghe nói) ông Dzũng đã chuyển mẹ ở Cà Mau về đây ở…
Nay thì căn-nhà-cấp-4 nói trên đã lên ‘mê’, tức là có thêm một ‘lầu’, nhìn từ cổng vào có màu xi măng (màu xám), không sơn/quét lòe loẹt, riêng cái ‘Chùa Một Cột’ thì đã bị che khuất bởi hàng cây cau cảnh cao và xum xuê, nên tôi chỉ thấy cái mái ngói đỏ của nó mà thôi. Với số nhà ‘mười nút’ (‘nhà TT mà cũng có số nhà số bù à’ (số 1108!), một sinh viên vừa cười vừa hỏi), nói chung thì căn nhà này trông cũng phình phường, giống như mấy cái ‘biệt thự cà phê’ của những người nông dân khá giả mà tôi thường thấy ở Ban Mê thôi… Tôi hỏi:
-Ông Dzũng là thứ mấy trong gia đình?
-Thứ ba, nên gọi là Ba Dzũng… Từ khi ổng lên làm TT, tôi ra HN có gặp ổng mấy lần, nhưng qua chỗ bảo vệ khó quá, nên tôi thường chơi thân với anh Tư (gọi là Tư Thắng)… Nay em út của ổng ở đây… Nhà ổng ở trên SG, thường chỉ khi có đám giỗ đám quảy thì ổng mới về...
-Tính cách của ổng như thế nào?
-Thích nhậu. (‘Còn chuyện em út?’, ‘Không’). Ổng uống được lắm, ngồi dai, nhưng có điều là khi uống thì ổng ‘kiểm tra’ dữ lắm, đã hô ‘100%’ thì ai đó không thể uống nhấp nhấp, uống nửa ly, uống còn ‘long đền’, hay tìm cách chuồn, mà phải uống hết ổng mới chịu…

Khi về, xe lại đi vòng đường vành đai, dài cả chục km!, tôi thấy vô số ruộng lúa với rạ vàng khô khốc, xơ xác nằm trơ thân phơi nắng trên các cánh đồng: không thấy bóng một giọt nước nào!, cũng như không thấy bóng một người nông dân nào! Được hỏi, anh tâm sự:
-Ở đây, làm lúa 1 vụ, 2 vụ, thậm chí có nơi làm 3 vụ, nhưng năm được, năm mất, năm hòa, nói chung làm lúa là lỗ; ngoài ra, còn có bị ngập mặn, nên người dân đã có ý tưởng về việc trồng những loại cây mới thích nghi… Thế mà ‘ở trên’ cứ chỉ đạo trồng lúa từ đời này sang đời khác, không cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng!
-Tại sao?
-Vì muốn giữ cái ‘sĩ diện’ sản xuất lúa gạo đứng thứ hai hay thứ ba thế giới (2105, khoảng 42 triệu tấn lúa, sau Ấn Độ và Thái Lan), nhưng chỉ có ‘tiếng’ chứ không có ‘danh’, vì gạo Việt thường có chất lượng kém, lại không ngon, chẳng hạn như so với gạo Thái hay gạo Campuchia (nhà tôi đang ăn gạo Campuchia, ngon lắm), thiết nghĩ là ta không nên sản xuất lúa gạo nhiều, chỉ nên đủ ăn hay đủ ‘an toàn lương thực’ mà thôi, nên chuyển hướng sang các loại cây lương thực khác có khả năng ‘chịu mặn’ và có lời…
(‘Đó là chưa kể đến ‘3 lớp công ty môi giới’, hết công ty này đến công ty khác ăn ‘phết phẩy’ vào giá lúa, dân lời hay lỗ họ không cần biết, ép dân đến giá thấp thê thảm luôn’, anh bổ sung)
-Còn vụ xả nước ở đập Cảnh Hồng (TQ) thì sao?
-Ôi, cái đó thì chỉ thấy trên… ti-vi, anh thấy đấy, trên cánh đồng có bóng dáng giọt nước nào đâu, TQ điên gì mà cứu dân ta!, mà ta phải tự cứu mình là chính…

2. Câu chuyện tiếu lâm của ông Chủ tịch tỉnh

Nói chuyện đến đây thì xe đã về đến nhà, và trên một cái bàn ăn, tôi được giới thiệu là có một lãnh đạo tỉnh đang ngồi ở đó (dưới đây tôi gọi là ông ‘Chủ tịch tỉnh’).
Xưa nay, đi Nam Bắc, trong các bữa chiêu đãi, tôi hầu như tránh ngồi cùng bàn với các vị ‘chiếu trên’ như chủ tịch tỉnh, bí thư, các chức sắc tôn giáo..., mà thường chọn một bàn khác và ngồi với đám trẻ con, vì tôi thích ‘con nít’ hay các ‘thiên thần bé nhỏ’ (cười). Nhưng nay, ‘kẹt’ quá, vì ông Chủ tịch nói chuyện tiếu lâm vui lắm, nên tôi chọn chỗ ngồi đối diện ông để nghe cho đỡ… mệt.
Khi gặp các ông lớn như… tổng thống Mỹ chẳng hạn (cười), tôi thường có kinh nghiệm, một cách tự nhiên, là hãy im lặng, lắng nghe thật kỹ không sót một lời nào, nhìn thẳng vào mắt ông ta (bà ta) và tỏ vẻ tán thưởng ‘ngầm’ khi cần, thì một thời gian khoảng 15-20’ sau, ông ta sẽ để ý đến mình, nói chung là ông ta sẽ bị thu hút và cởi mở với mình.
Quả nhiên đúng vậy!, ông Chủ tịch càng vui và chuyển dần ánh mắt về phía tôi… Trong số các câu chuyện tiếu lâm, tôi chấm hay nhất là hai câu chuyện ‘Vitamin L’ và ‘Con mèo bị bệnh’, và suy nghĩ cho đến chiều (gặp ông hai lần), tôi chọn chuyện ‘Con mèo’ là hay nhất.
Lưu ý rằng, cũng từ bàn tiệc này, tôi cũng dần hiểu là sở dĩ dân ta thường nghĩ ra các câu chuyện tiếu lâm (có thể là nhất thế giới!, thường là chuyện ‘tục’), một trong những nguyên nhân là vì cuộc sống của họ quá cơ cực (bị đô hộ ngàn năm, rồi trăm năm, thân phận bọt bèo, giun dế, ‘đèn cù’, có nơi làm lụng cực khổ từ 3g sáng đến tối mịt, ‘một nắng, hai sương’, hay sống quá căng thẳng…), nên họ ‘thường’ tụ tập bầy đàn và kể những câu chuyện tiếu lâm để quên bớt cái cuộc sống quá ư là ‘mệt mỏi’ này, để thể hiện cái ‘phú quý sinh lễ nghĩa’, hay ít nhất là để xả stress…, mà những người dân ở trên những cánh đồng bị ngập mặn/hạn hán (đã kể ở trên), những người tụ tập ở đây, kể cả tôi, là một ví dụ.

Dưới đây là câu chuyện hay nhất, chuyện ‘Con mèo bị bệnh’:
Có một bà nọ có một con mèo bị bệnh. Bả mới đưa con mèo đi khám bác sĩ. Bác sĩ cho một toa thuốc dài dằng dặc và bảo bả mua thuốc về cho mèo uống. Bả hỏi:
-Xin bác sĩ cho biết là nó bị bệnh gì?
-Bà đâu có phải là bác sĩ, nói bệnh gì thì bà cũng không biết.
-Thế thì bác sĩ cho biết là tại sao nó bị bệnh?
-Đó là tại vì nó có tật hay liếm lông.
Bả liền nổi giận, nói:
-Ông đúng là bác sĩ L.
-Ủa, sao bà lại nói móc tôi?
-Vì nếu nó liếm lông mà bị bệnh thì chồng tôi đã bị bệnh chết lâu rồi.
Ha..ha..ha…

3. Ta ca ngợi địa ngục!

Nói chung là ‘bữa tiệc nào cũng có lúc tàn’... Nhậu từ trưa, rồi lại nhậu chiều - từ lúc 5g, trời chập choạng tối, khoảng 7g30, ông Chủ tịch ra về, nhưng mọi người vẫn chưa… về. Ôi, tôi mệt lắm rồi (dậy từ lúc 3 giờ rưỡi sáng để ra Sân bay, lại đi thăm cả đống bà con, lại phải trò chuyện hỏi han tại các bữa tiệc…), nhưng người ta ‘nể nhau’, vì cái được gọi là truyền thống, tập quán, lễ nghĩa, tình thương mến thương… mà ở lại đến 9g30 tối, mà tôi cứ đi đi lại lại, hút thuốc, muốn khùng luôn! Bỗng có một người đề xuất là đi uống cà phê, tôi liền ủng hộ.
Chiếc xe Camry ‘không chấm’ lại chạy vòng vòng ra Khu Lấn Biển, tìm một hồi, rồi ghé vào ‘Quán cà phê Bến Du Thuyền’ (Phú Cường). Ôi, hôm đó (16/4) trời nóng và đứng gió, nhiệt độ ở Rạch Giá là 34 độ (Phú Quốc là 33 độ, Sài Gòn là 36 độ), bước vào quán cà phê, rồi ra bờ biển thì mới có tí gió, nhưng lên Du Thuyền thì chả có tí gió nào… Ra đây, bị thiếu bàn ghế, một số đồ uống cũng hết (dừa chẳng hạn), có lẽ vì người ta không dự tính được là vào ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (17/4) sẽ có đủ các loại người từ các nơi chuyển về, làm số lượng khách trên Du Thuyền tăng lên đột xuất! (chưa tính đến vụ kẹt xe mất khoảng 2 tiếng đồng hồ ở Phà Vàm Cống - Đồng Tháp).

Được ngồi gần một anh bộ đội - có tham gia trận chiến biên giới vào ngày 17/2/1979, tôi hỏi:
-Anh về có được hưởng chế độ gì không? (‘Không’). Tại sao? Anh kể cho tôi nghe thử xem.
-Tôi tham gia chiến trận từ đầu năm 1975, đánh ở Kon Tum, rồi đánh vào Ban Mê Thuột (10/3/1975), rồi tiến vào Sài Gòn, rồi làm cán bộ trong quân đội… Đầu năm 1979, khi tôi đang ở chiến trường Campuchia thì được điều động lập tức bay ra phía Bắc, và đánh nhau với quân Tàu ở Thái Nguyên... Lúc đó (ngày 17/2/1979), bên Tàu điều động đến 80 vạn binh (bao gồm 60 vạn lính chính quy + 20 vạn dân binh) sang tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta; nghe nói trong 3 ngày đầu, ta đã tiêu diệt khoảng 60.000 lính Tàu - một phần là do bị bom hơi ngạt từ Xuân Lộc (chế độ cũ để lại) và từ Hải Phòng (của Liên-Xô)! mà chết như kiến: quân ta đại thắng, quân Tàu đại bại - mà phải tuyên bố một cách sĩ diện là ‘dạy cho VN một bài học’, rồi im lặng cuốn cờ rút quân về nước một cách nhục nhã (!)… Sau đó tôi ra quân, được ‘thanh toán chế độ’ một lần, rồi về nhà mà không có miếng đất cắm dùi (anh vừa nói, vừa cười), mấy chục năm trôi qua, lâu lâu tôi chỉ ngày 27/7 được mời đến khối làm một bữa nhậu, mà không ai nhắc đến cuộc ‘Chiến tranh biên giới phía Bắc’, cũng như ‘Trận tử chiến ở Gạc Ma’ (14/3/1988)...
Dưới bóng đèn nhấp nháy, mờ mờ ảo ảo trong chiếc Du Thuyền, tôi ngắm nhìn vị... ‘anh hùng vô danh’! này một cách xót xa.
Ôi, đời là thế sao!

Phù hợp với ngữ cảnh này, bỗng bàn kế bên có một ông nói oang oang:
-Kinh Thánh nói chết là sẽ được lên thiên đường hết, nhưng tôi không đồng ý, mặc dù tôi là người theo Đạo.
-Tại sao?
-Lên thiên đường dễ lắm sao? Nếu anh làm điều ác thì anh phải bị kỷ luật, nói chung là anh phải xuống luyện địa ngục chịu hình phạt một thời gian, ngắn hay dài (hay mãi mãi), tùy theo cái tội ác mà anh tạo dựng nên ở đời này, rồi mới được lên thiên đường…
Anh nói tiếp: Lên thiên đường là một thử thách, nói chung là sống ở đời, anh phải làm điều thiện, mà:
-Nếu anh làm điều ác, thì anh phải xuống luyện hỏa ngục.
Rồi anh X mới ‘đại diện nhân dân tỉnh Kiên Giang’ (cười) chúc chúng tôi sức khỏe, thượng lộ bình an và vạn sự như ý..., anh còn giải thích:
-Tôi chúc các anh/chị ‘vạn sự như ý’ là chúc theo thói quen, tập quán, sĩ diện hảo thôi, chứ nếu anh mà được ‘vạn sự như ý’ thì người ta chết hết à, đúng ra là tôi nên chúc các anh ‘3 điều ước’, mà nếu chỉ được nửa điều trong 3 điều đó thì sướng quá rồi.
Ôi, 11g30 tối, tôi mới về được đến khách sạn, nhưng vì nể nhau mà mọi người còn ngồi nán lại, pha một bình trà Bắc, phì phèo thuốc lá, và lại… tâm sự nữa nữa: hết chúc lên rồi lại chúc xuống, chúc qua rồi lại chúc lại!!!, mà đến 12 giờ khuya, tôi mới lên được phòng ngủ.
Tóm lại, tôi có ấn tượng mạnh, quá mạnh, đến nỗi sợ hãi với việc ‘nể nhau' vì cái được gọi là truyền thống, tập quán, lễ nghĩa, tình nghĩa, tình thương mến thương… này, mà… đa số người bị ‘vướng vít tơ hồng’ cả đời, dính líu với nhau như mủ… mít, mà thường chả ai nghĩ ra được cái khoa học gì, hay phải đi vào cái triết lý ‘xà quần’, chỉ vì quá khổ, vì ‘giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, còn thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt’, mà họ phải tìm ‘lối thoát’, phải ‘anh phải sống’, phải vươn lên để chứng tỏ đẳng cấp của mình với bầy đàn, nói chung là phải bằng mọi giá để có càng nhiều ‘chiền’ càng tốt!
(Nói riêng, có thể cảm thông với những ‘Chí Phèo’, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Huỳnh Thục Vi, thậm chí mới đây là Nguyễn Khắc Phục… là họ chỉ phả ra cái ‘lửa tam muội’ quá bức xúc trong lòng của họ mà thôi!)
Còn vấn đề ‘đạo đức’ thì để thế hệ sau lo!!!, chẳng hạn như: ăn hết thú rừng - ‘đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu, thì đã nhậu hết rồi’, hay chặt hết cây rừng - mà VN phải nhập gỗ về từ Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Indonesia, thậm chí là từ Châu Phi (Công-gô)…
Vâng, một số ít người ở đây ‘đã thấy giàu sang mấy lần’, họ từ chỗ đáy vực thẳm mà vươn lên để có tiếng nói trong cuộc tử sinh một mất một còn này, nói một cách không bi quan: họ rất có tiềm năng, đáng nể phục!, tuy nhiên, việc biến tiềm năng này thành khả năng (như những Ngô Bảo Châu, Tôn Thất Tùng, Đặng Thái Sơn, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Hoàng Phương, Trịnh Xuân Thuận…) là một chuyện khác, điều đó tùy thuộc vào việc ‘người cầm lái’, lái dân đi vào ngõ cụt, vào hồ rác, hay đi vào con đường thênh thang rộng mở…
Nhớ lại câu ‘Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh’, tôi mới nhại vui là:
Con người sinh ra, ai không chết
Để lại sử xanh, cái đếch gì!


***
Rời quê anh Ba Dzũng, về lại Sài Gòn, tôi ngồi bên bờ sông, ngẫm nghĩ đến một câu nói nổi tiếng của người Tàu ‘Đạo cao nhất thước, ma cao nhất trượng’, hay mới đây có một người nói dễ hiểu hơn là ‘Phật cao một mét, ma cao mười mét’, nên ma đạo cao hơn hẳn chính đạo: phải chăng ta nhìn sự vật bằng cặp mắt phàm tục ‘ngũ uẩn’*, phải chăng vì ‘cái gì tồn tại thì hợp lý’, phải chăng cái chết mới làm sản sinh ra sự sống, phải chăng tình yêu thoát thai từ sự đau khổ tuyệt vời, và vì thế:
-Ta ca ngợi địa ngục, chứ không phải cái thiên đường… hư ảo, vì chính địa ngục mới là hạnh phúc… thật!

Thật vậy, trên máy bay, tôi có đi chung với hai ‘thiên thần bé nhỏ’, trong đó có một nàng tặng tôi những… 3kg quả ‘ấu’ Rạch Giá: rất… rung động!

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
1-Khu Lấn Biển: Triển khai từ khoảng năm 2009!, nay với chiều ngang khoảng 500m, chiều dài đến 7km, trông hiện đại như Khu Phú Mỹ Hưng hay Khu đô thị mới Nam Sài Gòn…
2-Mười lăm ngày Chiến tranh biên giới phía Bắc: từ 17/2 đến 3/3/1979, cả trận đó thì nghe nói bên ta bị chết khoảng 25.000 người - quân và dân.
3-Ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức, tức là thân xác, cảm thụ của thân xác, ghi nhận cảm thụ đó, tiền đề/xuất phát của hành động và nhận thức được sự khác biệt; tuy nhiên, để dễ hiểu, ta có thể hình dung đó là 5 giác quan (five senses) - thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, hay dễ hiểu hơn là: mắt, tai, mũi, lưỡi và da.
4-Quả ấu: Củ ấu gồm vài loài thực vật thuộc chi Trapa. Chúng là cây thủy sinh, bản địa ở miền ôn đới Âu-Á và Phi Châu, thường mọc ở vùng nước đọng không quá 5 m sâu. Ở Việt Nam ghi nhận có ít nhất ba loài: ấu trụi (ấu có hai sừng tù), ấu gai (ấu có hai sừng nhọn), và ấu sừng trâu… Tuy gọi là ‘củ’ (nhưng) đây đúng ra là ‘quả’... (wikipedia)
5-Rạch Giá, rồi Kiên Giang: …Cách SG khoảng 240km, ‘thành phố Rạch Giá (nay) với diện tích cỡ 9775ha và dân số 205.000 người, có bề dày lịch sử khai phá hơn 300 năm, trong khi vị trí hiện nay của nó từng là cảng thị sầm uất của quốc gia Phù Nam thuộc nền văn hóa Óc Eo tồn tại từ TK II-VII… Tên Rạch Giá có từ thời chúa Nguyễn, khi ấy ở đây có rất nhiều cây giá bên bờ rạch, đất rộng và hoang vu, dân cư thưa thớt, đa số là người Khmer và người Việt… Sau khi chiếm được Vĩnh Long và Hà Tiên, năm 1867, Pháp bắt đầu tiến đến Rạch Giá, ngày 18/8/1867, Pháp đặt hạt thanh tra Rạch Giá do đổi tên từ hạt thanh tra Kiên Giang… Ngày 22/10/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để ‘thay đổi địa giới’… Lúc này, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận là Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá (trước đó) để thành lập tỉnh Kiên Giang. Tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang đặt tại Rạch Giá và vẫn giữ nguyên tên là ‘Rạch Giá’… (wikipedia)
6-Sân bay Rạch Giá: thuộc địa phận phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ở cách trung tâm thành phố Rạch Giá 7 km về phía Nam, cách chợ Rạch Sỏi 1 km về phía Đông; phía Đông và phía Tây nam Sân bay là ruộng lúa ao hồ, phía Bắc giáp quốc lộ 80... (wikipedia)

9 nhận xét:

  1. Lưu comt Mưa:

    Tưởng nàng đã... vĩnh biệt rồi
    Ngờ đâu mưa đến, lại môi em cười
    Ở đời lúc xỉn lúc tươi
    Lúc đau đớn mắt, lúc cười cợt môi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lưu comt SMV:

      Người khen lão ấy có... tài
      Kẻ chê lão ấy là... ngu 'đến cùng'
      Ở đời thế sự mông lung
      Lái xiên, lái xẹo, lọt vùng tối tăm

      Xóa
  2. Vimua Dong (FB)
    Anh đã có một chuyến du lịch thú vị đấy chứ...
    55 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc là không đi được Phú Quốc, vì phải về ngay để... làm việc/vì có việc, híc...

      Xóa
    2. Vimua Dong
      Nghe đồn con gái ở đó đẹp lắm, có Casino nữa, tiếc thật anh nhỉ...^^
      1 giờ trước

      Xóa
  3. Anh đi nhiều hihihi
    Nay em mới biết nhà của đc TT.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn làm mình cừ quá đê, TT là gì, mình kg biết, hehe...,
      nhưng 'đc' là đồng chí phải hôn?, gớm!
      Tử An Giang qua Rạch Giá gần lắm, bạn có sang thì nhớ đứng ngoài cổng thôi nhé; mình thấy rùi, có con bẹc-giê to lắm!; nhưng yên tâm đê, nó bị nhốt trong chuồng rồi, hehe...

      Xóa
  4. Wow. NGLB biết rành KLB hơn hrg rùi. hrg mà xuống đây thì lạc như chơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng lòng vòng quanh khu trung tâm ấy mà, nhiều ấn tượng lắm, ...cảnh bãi biển Rạch Giá về đêm rất đẹp... Thank anh!

      Xóa