Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

820. Đất nước mình sắc sắc không không… (Bút ký)

Lệ Quyên với các bản bolero buồn

Quê ngoại nhà tôi, những cánh đồng
Núi ngàn nhòn nhọn, nhớ như in
Cô đeo kính mát, chiều không viếng
Ta cứ chờ mong, em đến không!
Bút ký này gồm có:
1. Chuyện ‘người cá’ miền Tây và bầy đàn
2. Cái khoảng cách vô hình giữa ‘khoa học’ và ‘xã-hội-VN-đương-đại’
3. 'Tôi là thằng hèn'…
4. Cái cõi trần đầy ưu phiền và cay đắng này!
5. ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh?’

Ôi, đời quả là ‘sắc sắc không không’, muốn thì không được, không muốn thì được: tôi đã tắt điện thoại di động, nhưng mới hớ tay mở ra thì liền bị một ông anh rủ đi ăn mừng ngày 30/4! ‘Đi thì đi’, trên đường đi, tôi nghĩ rằng ‘lễ’ chỉ là cái cớ, mà chắc là họ tận dụng ngày thứ Bảy để tổ chức họp mặt bà con và nhậu nhẹt: quả đúng vậy, quy cho cùng thì bữa tiệc này tự nhiên biến thành một ‘bữa nhạc bolero buồn’... Trước đó một ngày, tôi có ghé nhà bà con chơi, thấy trên ti-vi đang chiếu cảnh dân miền Tây bắt cá…, dường như tôi có hơi đau đớn nghĩ đến hai chữ ‘bầy đàn’… Và chủ yếu cũng từ hai sự kiện này mà có bài viết này.

1. Chuyện ‘người cá’ miền Tây và bầy đàn
(Chuyện ở nhà một người bạn, chiều 29/4)

Cách đây khoảng mười năm về trước, ở các huyện vùng sâu vùng xa ở miền Tây, chẳng hạn ở Cà Mau (Đầm Dơi, U Minh, Trần Văn Thời…) vẫn còn có vô số cá, cá đầy ao/đầm, đến nỗi mà người ta có câu: ‘Cá nổi đầy sông, chó chạy qua không ướt lông’, nhưng nay hết rồi còn đâu: Mekong đã cạn dòng!
Mặc dù họ còn các đặc sản khác là ‘lúa’, ‘trái cây’, ‘sông nước’…, nhưng nhìn cảnh người dân đánh bắt cá, làm khô-cá, nhậu cá, mình đầy mùi cá, nói chung là ‘sống chung với cá’, tôi cứ muốn gọi vùng ĐBSCL là ‘vùng cá’, còn nếu ai đó lấy vợ miền Tây thì, dưới một góc độ nào đó, là lấy ‘người cá’ (cười)… Cũng từ đó, tôi dần hiểu được là tại sao người miền Tây lại thường ca Vọng Cổ, có món đặc sản là lẫu cá hay lẫu mắm, và nhạc của họ thường là ‘nhạc sến’, nói kiểu cách hơn là ‘nhạc vàng’, hay cụ thể hơn là nhạc ‘bolero buồn’… Nhìn cuộc sống ‘tự nhiên’ của họ, tôi nghĩ:
-Cả đời của họ: sinh ra cùng với con cá… con, sống quần tụ bầy đàn với con cá… tươi, và mặc nhiên vui lòng chết với con cá… khô, phải chăng cuộc đời của họ là hạnh phúc!, họ được sinh ra, sống, rồi chết theo cái quy luật tự nhiên vốn có của nó!, cần quái gì bác học, cần quái gì toán, lý, hóa, công nghệ thông tin, cần quái gì Obama hay Tập Lý Tứ!

Ôi, thường dân cũng chết, bác học cũng chết, và hoàng đế Đại Hán cũng chết, mà về bản chất của cuộc sống: họ đã đúng! Nhưng, nghĩ như vậy, tôi có chút đau lòng, phải chăng đây là một thứ ‘dân tộc tính’ của nền văn minh lúa nước (xem thêm bên dưới), chấp nhận mọi thứ (chỉ trừ khi nào bị ai làm động cái ‘nồi cơm’ của họ thì họ mới nổi lên chống lại), chứ không cần lắm là phải ‘ngẩng cao đầu’ như Mỹ, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc, híc!

2. Cái khoảng cách vô hình giữa ‘khoa học’ và ‘xã-hội-VN-đương-đại’
(Chuyện ở bàn nhậu, trưa 30/4)

Ôi, tôi sống cả đời người mới được ăn một bữa ăn ngon như vậy, quả là người ta không sai khi dùng từ ‘siêu đầu bếp’ với ý nói rằng nấu ăn là một khoa học - quan trọng không kém gì thuyết tương đối của Einstein! Nhưng, tôi đã rời bàn tiệc, ra ngồi một mình, vì đang nghĩ đến cái khoảng cách vô hình ngày càng lớn giữa cái được gọi là ‘khoa học’ và ‘xã-hội-VN-đương-đại’, và vì có tí hơn men, tôi CHÌM DẦN VÀO GIẤC MƠ.
Tôi mơ thấy một ông giáo sư - đã từng là trợ lý của Thủ tướng Hun Xen!, mặt hơi ửng đỏ, tiến lại…
-Campuchia nay tiến bộ hơn VN!, vì họ ‘open mind’ (thoáng) lắm, dễ chấp nhận cái mới và chịu thay đổi; hiện nay tất cả các bệnh viện (ở Pnom Penh) đều xài tiếng Anh, chứ mấy cái xét nghiệm bằng tiếng Việt gởi sang Mỹ thì bố ai mà đọc được, vả lại dân Campuchia có ngôn ngữ đa âm, nên trước đây họ nói tiếng Pháp như bắp rang, nay với tiếng Anh cũng vậy; một dân tộc phải biết tiếng Anh mới phát triển được… À, anh có biết tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc lại phát triển, còn Tàu*, Ấn Độ, Việt Nam… thì chưa?
-Tôi có suy nghĩ một thời gian, và thích cái ‘tinh thần samurai’ của người Nhật, cái này không phải là vì cá nhân, mà vì dân tộc, khi họ thấy mình thua người ta, thấy không thể ‘ngẩng cao đầu’, thì họ xấu hổ/tủi nhục, ngày xưa thì họ tự tử, nay thì biểu hiện bằng cái ‘văn hóa xin lỗi’ và ‘văn hóa từ chức’, nhưng ở mình có mấy khi thấy ai nhận lỗi… Tôi cũng thích cái ‘tinh thần Lý Quang Diệu’ về việc chọn tiếng Anh là ngôn ngữ/ngoại ngữ chính, với câu nói rất nổi tiếng ‘Hãy bước qua xác tôi cái đã, trước khi bàn đến việc dân Singapore học tiếng Trung’, hay thích cái ‘tinh thần cow-boy’ của người Mỹ, nó rất sòng phẳng, rõ ràng, cái gì ra cái đó, tuyên bố thẳng thừng, ngay cả chơi xấu thì cũng tuyên bố thẳng vào mặt, thậm chí là thâm ra thâm, chứ không có mù mờ như ở mình… Tôi có xem thời sự trên ti-vi, thấy hạ tầng của Ấn Độ, Campuchia còn nhiều lộn xộn…
Anh ta gật đầu nhẹ, ra vẻ không phản đối, rồi tâm sự tiếp:
-Ở Sài Gòn, tôi cho con đi học Trường quốc tế ABC ở Phú Mỹ Hưng; học phí 850 triệu đồng/năm (cái gì?), mẫu giáo là 350 triệu/năm, tiểu học là 450 triệu/năm, còn trung học đắt hơn vì phải có nhiều giáo viên (‘như vậy là mỗi năm anh tốn cỡ 2 tỉ, vì có 2 đứa con?’, ‘ừ’); không những ở Sài Gòn, mà Hà Nội và Hải Phòng…, người ta cũng gởi con vào học rất nhiều (từ 2011 đến nay có 750 em), có lẽ là vì không tin vào nền giáo dục hiện nay! Vì chương trình đào tạo ở đây khác hẳn, người ta dạy theo ‘topic’ (chủ đề), ví dụ như ‘biến đổi khí hậu’, học sinh về nhà tự lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu, rồi đến lớp ‘presentation’ (trình bày) theo ý riêng của mình; lưu ý đặc biệt là ở đây người ta không cho rằng đạt môn toán 10 điểm hay môn tiếng Anh 10 điểm… là giỏi, mà giỏi là ở điểm ‘sáng tạo’… Ở nước ta, nay cứ 100.000 người thì có 300 người - chiếm tỉ lệ 3 phần ngàn - được đào tạo bởi nước ngoài (!) và ai cũng phải học về ‘bussiness’ (kinh doanh), và trong số 300 người này thì chỉ có 3 người là làm cho nhà nước (còn lại là làm cho các tổ chức phi chính phủ hay công ty tư nhân, ở lại nước ngoài…), mà 3 người này cũng không thể phát huy được hết tài năng của mình…
Được hỏi 'tại sao?', anh giải thích thêm: Khác với ta chủ yếu là các tập đoàn nhà nước thống trị nền kinh tế, vì thế, lãnh đạo nhà nước là do các tập đoàn này dựng lên, nên dù thế nào đi chăng nữa (làm sai, làm lỗ chẳng hạn) thì cũng không thể bỏ những tập đoàn này được; ngược lại, ở bên Mỹ (hay châu Âu, Nhật, Hàn…) tuyệt đại đa số là các công ty tư nhân, nên một tổng thống Mỹ phải thỏa ít nhất 3 tiêu chí: 1) tạo điều kiện cho các công ty tư nhân dễ thở (giảm thuế chẳng hạn), 2) tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội…, 3) Quan hệ quốc tế tốt (nhưng không phải là ưu tiên một)… Với cách đào tạo này của họ thì tổng thống Mỹ đầu tiên phải là người giỏi ‘presentation’ đủ sức thuyết phục được dân Mỹ, và lưu ý rằng tổng thống Mỹ là ‘người làm thuê’, mà nếu anh không làm được thì anh xuống, anh không có quyền lực gì đối với các công ty tư nhân hết, vì thế mà thủ tướng Nhật có thể thay đổi… hàng tháng, nhưng hạ tầng vẫn không bị ảnh hưởng; tóm lại:
-Một nhà lãnh đạo không cần phải đao to búa lớn, mà hãy giải quyết những thực tế bức xúc và gần gũi nhất của người dân, thế là tốt rồi.
Anh ta nghĩ vậy có đúng không nhỉ!

3. 'Tôi là thằng hèn'…
(Chuyện ở bàn trà, chiều 30/4)

Anh hỏi tiếp ‘anh nghĩ dân chủ là gì?’, tôi mới nói là:
-Theo tôi thì dường như chưa có ai hiểu rõ về hai chữ dân chủ!, vì ở ta, ‘hầu hết’ những nhà được gọi là dân chủ gì gì đó đều không có chuyên môn (professional), tôi thấy rõ một cái ‘big gap’ (khoảng cách rất lớn) giữa cái được gọi là ‘khoa học’ với các ‘nhà lãnh đạo’, nên họ chỉ nói, chứ bảo làm thì chỉ làm xà quần và không có ai chịu trách nhiệm, chủ yếu là… chém gió trên ti vi. Ví dụ như vụ ‘cá chết đầy biển’ vừa qua, không hiểu do vô tình hay cố ý mà để quá lâu, làm cho chất độc Formosa có cơ hội để phân tán mỏng thành chất ‘lạ’ rồi! Tuy nhiên, những động thái tích cực mới đây nhất của TT (và Đinh Tư Lệnh) làm tôi không thể không có lời khen ngợi! (cười).
-Dân chủ không có nghĩa là mang rác của nhà mình ném sang nhà khác, rộng hơn, không có nghĩa là anh biết xã hội ‘limit’ (hạn chế) cái gì đối với anh, mà anh phải tự biết anh bị limit ở chỗ nào…
-Uh, tôi cũng có lần nói với con tôi là ‘con đừng có phê phán ba sai ở chỗ này, ở chỗ kia, vì ba biết là mình sai ở chỗ nào và sẽ tự điều chỉnh, mà việc con phải biết là mình sai ở chỗ nào để sửa đổi mới là quan trọng. Tóm lại, nếu mỗi người tự cải thiện cái limit của mình, rồi nhiều người sẽ tạo nên một lực lượng, một sức mạnh đáng kể mà sẽ làm thay đổi xã hội, nói dễ hiểu là: Nếu ai nấy đều tự dọn ‘rác’ của nhà mình mà không ném rác qua nhà người khác, thế là tự nhiên có dân chủ, không cần phải định nghĩa, hihi…
Anh nói tiếp… Và, một xã hội dân chủ thì phải có phản biện, dân biết chứ, biết nhiều là đàng khác (vì nay đã có internet và giao lưu quốc tế, nếu muốn họ không biết thì hủy internet đi!, hay đóng cửa biên giới lại!, như Bắc Triều Tiên í!). Nhưng, nếu họ nói khác với cấp trên thì sẽ bị quy là… (nói khác cái gì?), như ở bên nước Tàu í, bàn tiệc với các món ăn ‘kiến trúc thượng tầng’ đã được cấp trên bày sẵn lên mâm rồi: món triết học đã có sẵn, món tư tưởng đã có sẵn, món lãnh tụ vĩ đại đã có sẵn, món luật pháp đã có sẵn, món ý thức hệ đã có sẵn, món ‘cục đại’ đã có sẵn…, dân chỉ còn việc ngồi vào bàn, nhắm mắt nhắm mũi mà măm măm thôi - nên ngài ‘hoàng đế Đại Hán’ mới gầm to lên:
-Thế mà bọn chúng dám đòi sáng tạo cái món ăn mới vượt ‘đỉnh cao trí tuệ’ của ta hử!, cái này không phải là phản… động thì là cái gì!
Vì thế, lão bá tánh tự động theo ‘chủ nghĩa MAKENO’, tức là mặc kệ nó, ai muốn làm gì thì làm, ta cứ sống như một tảng băng đối với xã hội, cứ nhậu triền miên, cứ uống bia cho nhiều vào để có cảm giác là... phát triển!
-‘Tôi cũng vậy, tôi là một thằng trí thức hèn, một thằng hèn, vì…’, rồi anh vừa cười nhạt, vừa nói nhỏ dần.

4. Cái cõi trần đầy ưu phiền và cay đắng này!
(Tại phòng hát karaoke, chiều 30/4)

Tôi lại nói... Nhưng tôi không hy vọng là xã hội mình sẽ thay đổi…
-Sao?
-Vì như anh thấy đấy, hôm nay họ định hát nhạc ‘30 tháng 4’, rồi định chuyển sang nhạc Phạm Duy, nhưng họ nói rằng nhạc Phạm Duy ‘bác học’ quá (mặc dù họ là những người được học nhạc khá bài bản và thừa sức hát nhạc Phạm), cuối cùng họ chọn nhạc vàng, chủ yếu là ‘nhạc sến’ hay nói một cách khác là nhạc bolero buồn ‘chách chách chách chách chách, chách chinh, chách chình, chách chinh’, cái chọn này đã nói lên rất nhiều điều… Họ tụ tập, nhậu nhẹt, và hát rống lên để vui cho quên đời, nhưng họ lại vui trong một cái buồn bí ẩn nào đó mà một nhà văn giỏi cũng không thể nào mô tả được!, họ đang nhảy, gõ son nồi rầm rầm, và hào hứng hát các bài ‘Ai khổ vì ai’, ‘Biển tình’, ‘Chuyến tàu hoàng hôn’, ‘Đoạn cuối tình yêu’, ‘Đồi thông hai mộ’, ‘Em là tất cả’, ‘Nếu chúng mình cách trở’, ‘Nếu anh đừng hẹn’, ‘Nhật ký đời tôi’, ‘Lệ đá’, ‘Sầu lẻ bóng’, ‘Tình lỡ’, ‘Trả lại thời gian’… Sau đây là một số lời bài hát:
-Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui/Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi/Ngồi viết tâm sự, nhớ ngược về quá khứ/chợt lên nét suy tư/Bao năm thầm kín trót thương tà áo tím/Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim/Thương tiếc nhiều mái tóc xõa bờ vai/Tình khôn lớn nỗi chờ mong ôi quá dài/Đời ai biết được ai/Chia ly là hết, xót xa nhiều cũng thế/Nếu mai sau gặp xin cúi mặt làm ngơ (Trả lại thời gian, nhạc: Thanh Sơn)
http://mp3.zing.vn/album/Tra-Lai-Thoi-Gian-Khuc-Tinh-Xua-2-Le-Quyen/ZWZ9EW9A.html
Không gian im nghe nhịp đôi tim hẹn ước
Mong sao tương lai đường trăng ta cùng bước
Xiết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân
Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian
(Biển tình, nhạc: Lam Phương)

https://www.youtube.com/watch?v=t3YWMRYaYOQ 

Tôi không ngờ là Lệ Quyên hát nhạc bolero buồn hay vậy!, và họ đang rất thích hát những từ/cụm từ như ‘chia ly’, ‘chia phôi’, ‘chờ mong’, ‘ngược về quá khứ’, ‘nhỏ lệ’, ‘những đêm sương lạnh’, ‘nước mắt’, ‘sầu rớt vào tim’, ‘thật buồn’, ‘thời gian qua mất’, ‘thương tiếc’, ‘xót xa’…, hay họ muốn lánh xa cái cõi trần đầy ưu phiền và cay đắng này, làm sao tôi biết!

Và, chữ ‘nhưng’ này chủ yếu có liên quan tới câu chuyện ‘người cá miền Tây’ và những bản bolero buồn, chuyện của giáo sư… MƠ, ngoài ra cũng có người… đồng cảm qua câu chuyện dưới đây.

4. ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh?’
(Chuyện trên ô-tô, tối 30/4)

-Chú ơi, chú có nghe cái vụ ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh’ không?
-À, mới nghe, cái vụ cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh chứ gì!, nghe nói là có bị hỏi thăm sức khỏe…
-‘Cô ta nói đúng, sao lại thế?’, tôi chưa nói dứt lời thì cậu ta nói có vẻ giận dỗi như thể tôi là người ăn hiếp… cô giáo Lam!
-Nhưng rồi thì không sao (xem dưới)… Chú thấy bài thơ đó là hay, phân tích thử nhé (vâng), nhưng lưu ý rằng chú không nói theo trên mạng, chú cũng không cần biết thơ hay thì phải… vĩ đại gì gì đó!
1) Hay nhất là nó ‘có nhạc tính’, ví dụ:
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ, v..v...
Thơ ta thường là thơ lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt (thường là 3-8 chữ, có 2 hay 3 vần), thơ-nhạc…, cháu có nhớ mấy câu ‘người nằm xuống, nghe tiếng ru, cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ’ không? (có). Nhưng, cháu và chú có đọc thơ Nguyễn Phong Việt rồi đó, mặc dù có ý sâu, tuy nhiên, cho đến nay chả nhớ chữ nào! (vâng)… Hơn nữa, cô ấy nói đúng đó chứ!, cháu có thích mấy cái ‘tượng đài nghìn tỉ’ không? (không).

2) Chú thích mấy câu này:
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Chú không luận về chuyện lề phải hay trái gì ở đây, chuyện đó để cháu tự suy nghĩ, nhưng nó làm chú nhớ lại câu chuyện mà ông giáo sư trên đã kể về các 'món' dọn sẵn và câu tự thú trước hoàng hôn: ‘Tôi cũng vậy, tôi là một thằng trí thức hèn…’.
3) Chú còn thích nhưng câu này:
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Thì kỳ họp quốc hội vừa rồi, có câu: ‘Đất lành chim đậu, mà chim chưa đậu, thì đã nhậu hết rồi’, tương tự, rừng hay biển dĩ nhiên là đã và đang bị… nhậu, cô ấy nói có sai đâu!
 
4) Các câu thơ của cô ấy đều xài ngôn ngữ ‘thuần Việt’, có nghĩa là khó lòng mà tìm thấy ngôn ngữ của mấy tay ‘Tàu khựa’ hay ‘hủ-nho-háng-rộng’ trong bài thơ này, v..v…

***
Cuối cùng…
Trước khi kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại câu chuyện cười của ông GS nói trên: Một ông làm giám đốc bệnh viện ở Sài Gòn, lương cỡ trên dưới 10 triệu/tháng, nhưng ổng lại có 2-3 căn nhà ở Phú Mỹ Hưng, được hỏi 'ở đâu mà có?', ổng trả lời 'của cha mẹ tôi để lại', ha..ha..ha..., ai mà hiểu nỗi nó là cái gì, vì thế:
-Đất nước mình quả là... quá sắc sắc không không!

Vâng, cậu sinh viên có vẻ chú ý với việc tôi phân tích… bài thơ nói trên, tuy nhiên đến trưa hôm nay:
-Cậu bé vẫn còn ấm ức.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
*Lưu ý rằng từ ‘bầy đàn’ ở trong bài tuyệt nhiên không có nghĩa xấu.
*Đất nước mình ngộ quá phải không anh? (Thơ Trần Thị Lam)
Đất nước mình ngộ quá phải không anh/Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn/Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm/Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…/Đất nước mình lạ quá phải không anh/Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ/Những dự án và tượng đài nghìn tỉ/Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…/Đất nước mình buồn quá phải không anh/Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc/Rừng đã hết và biển thì đang chết/Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…/Đất nước mình thương quá phải không anh/Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại/Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải/Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…/Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh/Anh không biết em làm sao biết được/Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước/Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
http://trankytrung.com/read.php?881

1-Lệ Quyên: tên thật là Vũ Lệ Quyên, sinh ngày 2 tháng 4 năm 1981 tại Hà Nội, là ca sĩ dòng nhạc nhẹ của Việt Nam. Từ khi còn là sinh viên khoa Quần Chúng - Đại học Văn hoá (Hà Nội), Lệ Quyên đã bắt đầu bước vào con đường ca hát. Tuy nhiên, sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của cô chỉ bắt đầu từ năm 2002 khi được chọn tham gia hát bài hát của nhà tài trợ cho SEA Games 22 tại Việt Nam… Đánh giá về âm nhạc của Lệ Quyên, cô là một ca sĩ sở hữu chất giọng nội lực đầy tình cảm, da diết mà không kém phần nồng nàn, cảm xúc và dễ chạm tới trái tim của người nghe nhạc... (mp3.zing.vn)
2-Trung Quốc chưa phát triển: ‘Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/1, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ trong năm 2015 đạt hơn 18,1 nghìn tỷ USD…, GDP của TQ vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ USD. (Tuy nhiên) đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD đã khiến giá trị GDP của Trung Quốc giảm theo khi quy đổi sang USD…’ (vneconomy.vn). Theo tôi, dân số TQ gấp (gần) 4,5 lần Mỹ, trong khi GDP chỉ bằng nửa của Mỹ, có thể dễ suy ra rằng phải 9 người TQ mới làm ra một giá trị bằng một người Mỹ, nên để ‘bằng’ Mỹ thì họ phải chờ một cơn Đại hồng thủy khác, và với một loài người khác!
3-Trường quốc tế ABC (ABC International School): …Giáo dục cho (các em) 2-18 tuổi, trường cung cấp hướng dẫn trong tất cả các môn học Anh thông qua môi trường tiếng Anh và cung cấp phiên bản giảng dạy chuyển thể của chương trình giảng dạy quốc gia Anh, Cambridge IGCSE… Các trường bao gồm các học sinh của ba mươi bảy quốc gia khác nhau, cung cấp sự đa dạng văn hóa phong phú. Giáo viên có nhiều kinh nghiệm đến từ Vương quốc Anh, Australia, Ireland, New Zealand, Trung Quốc và Pháp… (truongdiem.com)
4-Vụ cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh: …Bản thân cô giáo Lam cho hay, đây là bài thơ được sáng tác theo cảm hứng nhất thời chứ không nhằm mục đích nào khác. Do sức ép dư luận, trong ngày 27/4, cô giáo Lam đã xóa bài thơ và tự khóa Facebook cá nhân của mình. Hiện nay, cô đã mở tài khoản trở lại… ‘Hiện tại, nhà trường không hề có bất kì hình thức xử lý kỷ luật nào đối với cô giáo Lam. Việc sáng tác thơ là quyền tự do cá nhân, riêng tư của cô nên nhà trường không can thiệp. Cô vẫn đi dạy bình thường’, phát biểu của ông Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó nhà trường. (tamsugiadinh.vn)

9 nhận xét:

  1. Mietvuon Sau (FB)
    Dân chủ không có nghĩa là mang rác của nhà mình ném sang nhà khác, rộng hơn, không có nghĩa là anh biết xã hội ‘limit’ (hạn chế) cái gì đối với anh, mà anh phải tự biết anh bị limit ở chỗ nào…
    6 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi..., đó là câu của ông giáo sư... MƠ nói đó, thanks, chiều vui nhé!

      Xóa
  2. Lưu comt Hoa Mai:

    Nghe đồn có hai ông ác, thiện
    Ông thiện buồn đời say tí bỉ
    Ông ác vi vu với khựa già
    Cá sầu nổi trắng khóc nhân gian

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hoamai1 [Blogger] Email 02.05.16@15:11
      Hai ông say xỉn nên quên việc
      Bao chuyện nổi nênh nỗi nước nhà...

      Xóa
  3. Thơ Lê Xuân Thủy (Blog Trần Mỹ Giống)
    http://tranmygiong.vn102.net/2016/05/02/chum_binh_lu_n_th_s_le_xuan_th_y_15

    NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT

    Nguyên nhân cá biển chết
    Trong những ngày vừa qua
    Nhiều người dân phỏng đoán
    Nhiều kết quả đưa ra

    Người thì bảo do cá
    Dạo này cũng đánh nhau
    Do tranh chấp quyền lực
    Mới bị chết đó thôi

    Có người bảo là cá
    Chết là do yêu nhau
    Nhưng cũng bị cấm cản
    Nên tự tử vì yêu

    Người nêu lí do chết
    Bởi vì cá đã già
    Cũng sinh, lão, bệnh, tử
    Như con người chúng ta

    Có người bảo cá chết
    Là do không biết bơi
    Người bảo cá không nói
    Tức giận mà chết thôi

    Người thì nói cá chết
    Do tai biến, tăng xông
    Sau khi đã tranh cãi
    Về chủ quyền biển đông

    Các nhà khoa học báo
    Chết chưa rõ nguyên nhân
    Cũng đang phải nghiên cứu
    Cho rành rõ ngọn nguồn

    Còn các nhà quản lý
    Nói cá chết bình thường
    Chưa vượt ngưỡng cho phép
    Người ăn cũng như thường

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, nguyên nhân cá chết là do không biết... bơi: like!

      Xóa
  4. Lưu comt Phi Hùng:

    Ru tình quên lãng sao em!
    Nhưng anh vẫn thấy rộn ràng tối nay

    Trả lờiXóa