Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

1421. Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn (Thư giãn)

Người ta nói đời là vô thường
Làm sao mà lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra!
---
Từ ‘tháo chạy’ ở đây không có ý gì xấu, chẳng hạn như năm 1965 tôi tháo chạy khỏi vùng quê (tản cư) và trở thành người Đà Nẵng, năm 1975 tôi tháo chạy khỏi ĐN (tìm vùng đất mới) và trở thành người của xứ ‘đi năm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng thấy bâng khuâng...’ (Phố Núi), rồi đi học ĐH mà thành người SG, trước năm 2000 do đi làm ở miền Bắc mà tôi trở thành người... Hà Nội, rồi lại trở về làm người SG, rồi người Phố Núi...
Làm sao để... hiểu được Sài Gòn?
Hãy dùng phép ‘Trang Chu Mộng Hồ Điệp’ hay phép ‘Thần hành’* của Tôn Ngộ Không... để đến SG ngồi uống cà phê ngâm cứu SG nguyên một ngày hay một tuần...
Ở khu chợ Bà Chiểu, quanh khu Vườn Chuối*, khu Bến xe miền Đông, BX miền Tây, Ngã Tư An Sương, chợ Gò Vấp, dọc các Hương lộ xưa, xa lộ Đại Hàn xưa, dọc miệt Cát Lái, Hóc Môn hay Lái Thiêu..., ta sẽ gặp rất nhiều người miền Tây...;
ở các xóm ‘nhà thờ’ như nhà thờ Ba Chuông, Thủ Đức, các đường lô đối diện Sân bay TSN, khu Mai Thị Lựu ra đến bờ kênh Thị Nghè, bên kia cầu Khánh Hội, phía bên kia cầu Nhà Bè, khu đối diện bv Bình Dân hay BX miền Tây, trường ĐH Bách Khoa SG hay hai bên đại lộ Phân Bò ở Làng ĐH Thủ Đức*..., ta sẽ gặp rất nhiều người miền Bắc hay Bắc 54...;
ở khu chợ Cây Điệp/Bùi Đình Túy, chợ Bà Hom, chợ Bà Chiểu/khu Cầu Bông/Phan Đăng Lưu, khu Cá Sấu Hoa Cà, khu Bầu Cát, khu Trạm cân Nhơn Hòa, khu Gò Dầu/Bình Hưng Hòa, cũng dọc hai bên các Hương lộ xưa..., ta sẽ gặp rất nhiều người Quảng, người Tây Nguyên hay người ‘Phan’*, v..v...;
tương đối thôi, vì các khu ở SG thường là các ‘Tiểu Hợp Chủng Quốc’ - pha lẫn, pha trộn nhiều dân tứ xứ, nói chung ở SG nhiều nhất là người miền Tây, sau đó mới đến người từ sông Bé xưa và năm tỉnh Tây Nguyên, rồi người Quảng, người ‘Phan’, còn lại là người từ Huế đổ ra và người Tàu*...
Dễ kiểm tra bằng cách đi ra các quán ăn (trừ mùa Cô Vít), ta sẽ gặp các món như ba khía, bánh canh, bánh mì thịt, bánh xèo/bánh bèo/bánh khọt/bánh chưng/bánh tét/bánh bột lọc, bò bía, bò né (Bốn Triệu), bún bò Huế/bún bò giò heo, bún riêu, bún thịt nướng, cá basa/cá linh/cá kèo, cơm tấm/cơm sườn, cua Cà Mau/tôm càng xanh Đồng Nai, gạo Tám Xoan/gạo Chợ Đào (Long An)/gạo Campuchia, hủ tíu (Nam Vang), khô cá sặc Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp hay U Minh (Cà Mau), lạp xưởng Sóc Trăng, lẩu mắm miền Tây/lẩu cua Cà Mau/lẩu trâu Kiên Giang, mì Quảng, mực một nắng Phan Thiết, nem Lai Vung, rượu Gò Đen, trà đá/cà phê đá/sữa đậu nành... mà đa số là của những người đến từ miền Tây, Tây Nguyên hay xứ ‘Phan’, đặc biệt là đặc sản cơm tấm/cơm sườn bì chả (sà bì chưởng) và bánh mì Sài Gòn (bánh mì thịt) - một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới!...
Dân số SG có bao nhiêu người?
Mặc dù trên mạng nói Sài Gòn có khoảng 8,9 triệu người (số liệu đầu năm 2019), nhưng không cần phải tra tư liệu nhiều mà làm gì cho nhức óc!...
Tạm định nghĩa những người ở SG từ trước 1954 (hay trước 1963) là ‘người Sài Gòn gốc’... Rồi, hãy giả định nhà nọ có 2 đứa con đi làm/đi học ở Sài Gòn, cha mẹ lên ở SG luôn (đi đi về về), 2 đứa con này lại đẻ ra 4 đứa con, vị chi SG ‘từ chỗ có 0 đến 4 người có thể thành... 8 người’!..., mà không nói quá cực đoan hay lý thuyết, thì - theo tính trung bình thống kê - cứ ‘4 người SG thì có ít nhất 4 vệ tinh ở các tỉnh khác ăn theo’, dễ suy ra lưu lượng người hoạt động hàng ngày ở SG có nhiều lúc có thể lên đến trên... 15, 16 triệu người!
Họ kiếm ăn bằng nghề gì?
Ăn nhậu, tụ tập bầy đàn, chém gió, gây lộn, đánh nhau, thậm chí... giết người..., bán cà phê cà pháo/đồ giải khát, trà các kiểu, chưa kể nghề bán nước... trà đá..., bán bánh mì, xôi chè, đậu hũ, sữa đậu nành, khoai sắn, hột vịt lộn..., bán quán (quán ăn, cơm cháo bún phở, các món ăn/nhậu bình dân khác)..., bán hàng tạp hóa, điện thoại, máy tính, thuốc Tây..., bán thịt (heo, bò, gà) hay mổ thịt bán lẻ..., bán vé số, chơi lô đề, đá gà, cá độ, bài bạc, trộm cắp, đĩ điếm, xì ke ma túy..., buôn bán nhỏ ở chợ, mua đầu này, bán đầu kia..., làm nghề bảo vệ, giữ xe, chạy xe ôm/Grab/Taxi/xe tải các loại..., làm phu khuân vác, thợ hồ, công nhân (Tân Tạo, Tân Bình, Sóng Thần, các khu công nghiệp khác)..., làm nghề chạy mánh/mánh mung, chạy giấy tờ, công chứng các kiểu, kinh doanh bất động sản..., làm nghề hớt tóc/uốn tóc có thể kèm theo bán mỹ phẩm..., làm nghề ‘hát 1 rờ 5’ (karaoke), mát-xa, mát gần (đĩ điếm)..., làm thợ (điện, nước), bơm vá, rửa xe, sửa xe, sửa khoá/làm chìa khoá, sửa điện thoại, ti vi, tủ lạnh, đồng hồ..., sản xuất nhỏ (bao bì, dây thun, hàng may mặc, chai/bình nhựa, xà bông dỏm, nhang đèn, cà phê rang xay, các loại bánh kẹo)..., chưa kể một lực lượng không ít cán bộ về hưu... Lưu ý rằng nếu họ... lỡ có làm nhân viên (có lương) thì chủ yếu là ở ‘nhà thuê’ và làm cho các cơ sở/công ty tư nhân mà chỉ có một số rất ít làm cho các cơ quan nhà nước (# 10%)...
Với mấy nghề này thì ‘người dân Sài Gòn’ trung bình kiếm mỗi tháng bao nhiêu? Thiểu số kiếm được 5-10 triệu/tháng, còn đại đa số kiếm tb khoảng 4,5 triệu đồng/tháng (kể cả nhiều cán bộ phường xã, quận huyện, công ty, không loại trừ các ‘kỹ sư’, thậm chí giáo sư hay tiến sĩ)...
Bao nhiêu người tháo chạy ra khỏi Sài Gòn?
Tôi không biết, mà chỉ... nằm mơ thấy con số thôi!
Khi Cô Vít xảy ra, do không có việc làm suy ra không có thu nhập tức không có tiền, nên có khoảng 95% trong số ‘lực lượng lao động ở Sài Gòn’ bị từ ‘ngáp ngáp cho tới... chết’, nên dân tỉnh lẻ buộc phải ‘bung’ và tháo chạy ra khỏi Sài Gòn! (H.1)... Số này, mặc dù ta chỉ thấy một số hình ảnh (có kiểm duyệt) ở trên mạng, nhưng thực ra có lẽ phải đến vài... triệu người! Thực vậy, fbker Thai Vu viết:
-Lịch sử Việt Nam từng có 2 cuộc Exodus (di cư, di dân) vĩ đại bi hùng: 1) Cuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954 về phía tự do. Gọi Bắc kỳ 54 bằng cụm từ "Bắc kỳ tự do" là vậy! Thủa xưa, Mô Sê dắt dân Do Thái di cư ra khỏi Ai Cập chắc cũng giống như cuộc di cư Bắc Nam này. Lịch sử thế giới cho đến nay chắc chỉ có 2 cuộc di cư như vậy. 2) Cuộc di cư thứ hai 1975. Chạy tán loạn về phía Sài Gòn, và rồi chạy tán loạn ra biển, tán loạn vào rừng, vượt biên, vượt biển, chấp nhận đói khát, hãm hiếp, chết chóc trên đường để tìm tự do. Và lại là tự do. 3) Hôm nay, lại 1 cuộc exodus, chạy loạn về quê.
Lưu ý rằng ý của bạn Thai Vu chỉ có giá trị tham khảo, nhưng tối hôm qua nằm không ngủ được, tôi... mơ hồ thấy ở VN đang có một cuộc ‘Come back to Le Nhaque’ vĩ đại, như vào năm 75 vậy!..., trong đó, ‘Come back to Le Nhaque’ là trở về quê xưa, nhái trong tựa đề bài hát ‘Come Back To Sorrento’ là ‘Trở về mái nhà xưa’ (lời Phạm Duy), còn ‘le nhaque’ tiếng Pháp là nhà quê...
*Trở về mái nhà xưa, trình bày Tuấn Ngọc, Khanh Ha: https://www.youtube.com/watch?v=YyEcBG4XRKk
Cuộc tháo chạy trở về quê của người Vịt, kể cả các đại gia, ông Bự Thiệt hay ông Ngoại (H.2, cho vui thôi!) không phải là để mần cú ‘hồ tử thú khâu’ (cáo chết quay đầu về núi, ý nói nhớ cố hương)..., mà là mần cái mà người miền Bắc gọi là ‘cóc đói quay đầu về hang’ để tránh... đại dịch Cô Vít... Tàu, nhưng thực ra là để tạm kiếm miếng cơm manh áo, nói @ hơn là để kiếm cái ‘3G - Gạo Quê, Gà Quê và... Gái Quê’ ở cái miền quê, tỉnh lẻ mà họ đã ra đi, cho dù có thể đơn sơ hay đạm bạc, nhưng... sơm ngon hơn rất rất nhiều!
H...ết.
---
Chú dẫn:
1. Hai bên đại lộ Phân Bò ở Làng ĐH Thủ Đức (nơi có hồ Than Thở và xa hơn là thung lũng Tình Yêu ở Hồ Đá) trước đây thường có khu tập thể của gv, CBCNV miền Bắc vào sau năm 75.
2. Khu Vườn Chuối: Quanh và sau lưng bv Bình Dân ở đường Điện Biên Phủ ngày nay.
3. Người ‘Phan’ tức dân Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đến Ngã Ba Dầu Dây - nam Bình Thuận giáp đông bắc Đồng Nai.
4. Người Tàu: Chủ yếu là ở Chợ Lớn, rồi Sóc Trăng hay Rạch Giá..., số này đã 100% đồng hóa.
5. Phép ‘Thần hành’ (hay có người gọi là ‘Phân thân’) của Tôn Ngộ Không là phép làm cho nguyên thần/hồn rời khỏi thể xác mà có thể đi lại được trong tam giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét