Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

192. ‘Vô cùng bé’ và quy luật nghiệt ngã của thượng đế


Đã hết rồi mùa xuân
Hè đã vươn ngoài ngõ
Nắng đã vào trong sân
Sao em còn thấy lạnh?
Hãy để cho nuối tiếc
Theo ngày tháng qua mau
Tình là khúc ly biệt
Sao em mãi âu sầu?

1. Các nhà bác học… nói về ‘vô cùng bé’
Trong đời, mình may mắn có biết được vài mẩu chuyện về các nhà bác học, nhà văn/thơ hay nhạc sĩ nổi tiếng. Khi viết bài này, mình chỉ vận dụng trí nhớ, ‘lấy việc toát ý là chính’ chứ không sa vào tư liệu. Mong các bạn đọc thông cảm, mình không thể kể hết các nhân vật mả chỉ có một số nhân vật được ngẫu hứng chọn lựa và sắp xếp theo thứ tự A, B, C…
Mỗi một con người chỉ là một hạt cát trong sa mạc, một hạt muối trong đại dương, là.. một hạt bụi trong vũ trụ, nói tóm lại về cả không gian lẫn thời gian, con người là vô cùng bé so với vũ trụ đại ngàn, nhưng để ‘bù’ cho sự tự ti mặc cảm về cái thân phận vô cùng nhỏ bé của mình, con người đã tự gán cho mình chữ ‘nhất’, ‘số một’ hay là ‘vĩ đại’!!! Vậy một số ngài hay nhân vật nêu lên dưới đây đã có ý kiến như thế nào?
- Aitmatov (1928-2008)
nhà văn lớn của Nga và Kyrgyzstan, ông có ảnh hưởng rt lớn đối với nền văn học thế giới, đặc biệt là ở Liên bang Xô viết (cũ), châu Âu và Việt Nam, những tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 170 thứ tiếng, trong đó có chuyện ‘núi đồi và thảo nguyên’, đoạn đầu đài’, ‘con tàu trắng’… Khi ông mất năm 2008 tại Đức, Thủ tướng Nga V. Putin viết trong điện chia buồn như sau: ‘Đây là tổn thất lớn không sao bù đắp được cho tất cả chúng ta. Chingiz Aitmatov luôn ngự trị trong ký ức của chúng ta như một nhà văn vĩ đại, một nhà tư tưởng, một trí thức và một nhà nhân văn’…
Để chỉ ‘không tính’ của đời người, trong truyện ‘Đọan đầu đài’, Aitmatov đã có nói rằngsố phận luôn theo đuổi con người, còn con người luôn tìm kiếm số phận’ và cuối cùng, nói gì thì nói, ‘trái đất vẫn quay cuồng trong vũ trụ’
- Archimède (287-212, TCN)
Ông là nhà vật lý, nhà toán học thời Hy Lạp cổ đại, có câu nói nổi tiếng ‘cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nhấc bổng cả trái đất’. Ông là người phát minh ra những nguyên lý đầu tiên về Thủy tĩnh học, nguyên lý đòn bẩy, nguyên lý về vật nổi, số Pi, …, nhiều công trình của ông mãi đến thế kỷ 17-19 mới được phát hiện và được Pascal, Monge và Carnot đưa vào công trình nghiên cứu của họ...
Là người say mê nghiên cứu đến nỗi ông thường sống trong thế giới ‘duy lý’ mà quên mất ‘cái tôi’ của mình, có truyền thuyết rằng khi đang tắm, ông đã phát hiện ra nguyên lý Archimède (nguyên lý về lực đẩy của nước, hay nguyên lý về vật nổi) và chạy ra ngoài đường sung sướng kêu to lên ‘tìm thấy rồi’ (= eureca) trong lúc vẫn còn trần truồng. Vào năm 212 trước Công nguyên, khi quân viễn chinh La Mã tấn công chiếm thành Syracus, đang ngồi nghiên cứu về một bài toán, ông chỉ nói câu ‘đừng động vào cái hình tròn của tôi’ thì một lưỡi kiếm đã xuyên qua người và ông đã ngã xuống bên cạnh cái hình tròn đó…
- Einstein (1879-1955)
Người gốc Do Thái, sinh ra tại Đức bên dòng sông Danube, ông là nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, là cha đẻ của Vật lý hiện đại, đã sáng tạo ra thuyết tương đối gồm tương đối hẹp năm 1905 và tương đối rộng năm 1915, lý thuyết trường thống nhất (chưa được kiểm chứng vì những khó khăn về toán học)… Các công trình của ông đã đóng góp rất lớn cho Cơ học lượng tử, Nhiệt động lực học (khái niệm Entropy…), Vật lý thống kê, Thiên văn học/Vũ trụ học, Triết học (về tính tương đối của không -thời gian)…
Là bạn thân của anh hề Charlot, là người ‘duy lý’ đến nỗi quên cả ‘cái tôi’ của mình, ông đã… không phân biệt đâu là điếu thuốc không mốc và điếu thuốc mốc!... Có truyền thuyết rằng, trong khi ngồi nghiên cứu về lý thuyết ‘trường thống nhất’ ở Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ), bỗng một con ‘bọ cánh cam’ bay vào đậu trên bàn, ông sững sờ nhận thấy rằng sự hiểu biết của mình là vô cùng mỏng manh so với sự kỳ diệu vô cùng của thượng đế: ‘Tôi hài lòng với sự huyền bí của đời sống vô tận và với sự tỉnh thức và đại cương cấu trúc diệu kỳ của thế giới hiện hữu cùng với sự cố gắng cống hiến để lĩnh hội phần mình, bởi vì nó mãi mãi là quá bé nhỏ, của Chân Lý đã tự biểu hiện trong thiên nhiên’...
- Goethe (1749-1832)
Người Đức, được xem là ‘người khổng lồ của thiên niên kỷ’ và xếp ngang hàng với Homère, Shakepeare, Lev Tolstoi…, là nhà thông thái và là đại thi hào của thế giới vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19’ Là người biết nhiều ngoại ngữ, ông đã để lại cho nhân loại một di sản lớn gồm hơn 100 tác phẩm về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thi ca của ông là ‘chan chứa thiên nhiên’, ‘tràn trề sức sống’ và ‘dạt đào tình yêu’. Ngày 28/8 năm nay là ngày sinh nhật của tác giả của cuốn tiểu thuyết ‘Nỗi đau khổ của chàng Werthers’ và truyện thơ ‘Faust’ bất hủ…
Gần 200 năm nay, công chúng Đức đã quá quen thuộc với chuyện ‘dị thường’ về tình yêu của một nhà thơ lớn của họ với một cô gái kém ông tới… 55 tuổi! Vài câu thơ tình lãng mạn và si tình tiêu biểu của là ‘Ta gom những ánh trăng ngà. Ta nhìn, và cũng biết là sáng hơn. Trong trăng, ánh bạc chập chờn. Tưởng đâu trăng gọi, gửi hồn cho trăng’. Đặc biệt, ông có câu phát biểu bất hủ nói lên sự hiểu biết vô cùng hạn hẹp của con người đối với sự vận động vô cùng vô tận của thế giới: ‘lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi’…
- Heraclitus (535-475, TCN)
Ông là nhà triết học thời Hy Lạp cổ đại, cho rằng bản nguyên của thế giới là từ ‘lửa’, một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm về vận động là vĩnh viễn, hay vận động là tuyệt đối…
Cho đến ngày nay, đặc biệt là trên bục giảng, các thầy cô giáo thường nhắc đến câu nói bất tử của ông ‘không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông’ (nước không bao giờ chảy hai lần qua một dòng sông) để chỉ ra sự vận động không ngừng và vô cùng lớn của vũ trụ so với cái thân phận vô cùng nhỏ bé, mỏng manh và ngắn ngủi của con người...
- Hồ Thích (1891 - 1962 )
Ông là ‘nhà triết học Trung Quốc thời cận - hiện đại, người An Huy (Anhui). Năm 18 tuổi, sang Mỹ du học, bảo vệ luận án về triết học cổ đại Trung Quốc ở Đại học Columbia (1915), sau đó ông dạy triết học ở Bắc Kinh’. Với ‘thuyết xã hội bất hủ’, ông cho rằng con người được sinh ra bởi ‘trùng trùng duyên khởi’ và bất tử bằng cách ‘tồn tại’ trong người khác, ví dụ bây giờ ta còn nhắc đến Khổng Tử, vậy ông ấy đã bất tử, mặc dù ông ấy đã thành cát bụi cách đây trên 2500 năm rồi!…
Qua thuyết trên, để chỉ ra cái bất tử của con người trong cái thiên biến vạn hóa của vũ trụ, ông có đoạn: ‘Hai ngàn sáu bảy trăm năm trước, ở Ấn Độ có một người cùng dân chết vì bệnh, không ai chôn cho, cái sọ phơi trên đường đã thối nát. Một chiếc xe đi ngang ở bên, trên xe có một vị Thái tử ngồi thấy cái thây người thối nát đó mà bỏ cả phú quý, bỏ cả cha mẹ, vợ con, một mình tự đi tìm phương pháp giải thoát cảnh sanh, lão, bệnh, tử. Sau vị vương tử đó trở thành một giáo chủ, sáng lập ra một tôn giáo triết học, cảm hóa vô số người. Thế lực ảnh hưởng của người đó, đến nay vẫn còn, vĩnh viễn còn lại, cho đến vô cùng. Sự đó, người chết ở bên đường mà thây thôi nát kia, có thể tưởng đến được không?’
- Huệ Năng (638-713)
Là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc và là môn đệ của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, thiền sư Huệ Năng là người đã khai sáng dòng thiền Trung Quốc (!)…
Một trong những câu chuyện vẫn còn được lưu truyền đến nay là cuộc ‘thiền đàm’ giữa thiền sư Huệ Năng và thiền sư Hoằng Nhẫn (là người vẫn còn trong vòng ‘ngã chấp!’), trong đó 4 câu kệ về ý niệm ‘sắc sắc - không không’ của Huệ Năng đã trở thành bất tử là ‘Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, nhân mạc giám ư lưu thủy, nhi giám ư chỉ thủy’, dịch trích từ Wikipedia ‘Bồ đề vốn không phải là cây, gương sáng cũng không phải là đài, người chẳng soi ở nước chảy, mà soi ở nước dừng’...
- Khổng Tử (551-479, TCN)
Sinh ra thời Xuân Thu, người nước Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), ông là một trong những ‘triết gia’ lỗi lạc của mọi thời đại, triết lý của ông đã ảnh hưởng sâu đậm về nhiều mặt trong xã hội ở cả phương Đông lẫn phương Tây cho đến tận ngày nay, ông là người đã biên soạn ‘Ngũ Kinh’ (!), đã để lại cho nhân loại tác phẩm bất tử ‘Luận ngữ’ đề cao sự cai trị xã hội thông qua ‘tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’…
Mặc dù được gọi là ‘Thánh nhân’ của mọi thời đại, trong quá khứ ông đã tự nhận là trời đất còn không nói gì, huống gì là ông: dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai, tạm dịch ‘ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu’…
- Kim Dung (1924-nay)
Là triết gia và là nhà viết truyện võ hiệp ‘tình cảm’ có một không hai của Trung Quốc, những truyện tiểu thuyết võ hiệp của ông đã được in ra 300 triệu bản (chưa kể in lậu), ông bắt đầu viết truyện võ hiệp từ 1955 (Thư kiếm ân cừu lục) và cuối cùng là năm 1972 (Lộc Đỉnh ký), chưa kể các chỉnh sửa sau này (đến 1976). Ông đã sống lưu lạc từ Trùng Khánh, Hàng Châu, Thượng Hải, rồi Hồng Kông, đến năm 1995, chính quyền Trung Quốc mời ông về giảng tại Đại học Bắc Kinh và trao tặng ông hàm ‘giáo sư danh dự’. Hiện nay, tất cả học sinh lớp 12 ở Trung Quốc và tất cả những trường học dạy tiếng Hoa ở Singapore đều phải học chương trình ‘bắt buộc’ về Kim Dung (theo Wikipedia)…
Hồi nhỏ mình nghe chú mình nói là trong tác phẩm ‘Tiếu ngạo giang hồ’, ông đã dùng nhân vật Nhậm Ngã Hành để ‘nói bóng nói gió’ về ‘bệnh vĩ cuồng’! Bài bình luận xuất xắc nhất về ông là ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’ của Đỗ Long Vân, xuất bản năm 1967. Kim Dung đã chỉ ra tính ‘cát bụi’ hay ‘hư vô’ của đời người bằng câu nói nổi tiếng qua miệng của Tạ Tốn ‘Tạ Tốn cũng là cục phân, cục phân cũng là Tạ Tốn, ‘Viên’ cũng là không mà ‘Không’ cũng là không, không tức thị sắc, sắc tức thị không’ hay lời kệ của Minh giáo Trung thổ ‘Đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thành bốc cháy hồng hồng. Sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ. Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên. Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều (trong ‘Ỷ thiên đồ long ký’)
- Jesus (Chúa Giê-su, khoảng 5 TCN-30)
Người viết sẽ không nói nhiều về phần này...
Nhiều người ta đã thuộc lòng một số câu nói nổi tiếng của Ngài. Ngài sẵn sàng đến với con người nếu con người bỏ đi bớt tham vọng đầy rẫy của mình: ‘hãy đến thì sẽ thấy, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở’ (xin vui lòng xem bài ‘đêm Noel không thể nào quên’ trong blog này). Ban đêm, Ngài thường ngồi một mình bên một tảng đá, nhìn những vì sao mà suy tư, một trong những phát biểu bất tử của Ngài là ‘ngươi là cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi’… 

- Newton (1642-1727)

Người Anh, ông là nhà vật lý, nhà toán học và nhà triết học, có thể nói là nhà bác học vĩ đại nhất của mọi thời đại: ‘Loài người nên hoan hỉ rằng một vinh quang lớn lao bực ấy của nhân loại đã xuất hiện’ (hàng chữ khắc trên mộ của Newton tại điện Westminster). Ông đã cho ra đời luận thuyết về ‘Các nguyên lý toán học của triết lý về tự nhiên’ trong đó trình bày về  định luật 1, 2, 3 và định luật ‘vạn vật hấp dẫn’, đã sáng tạo ra phép tính tích phân và vi phân (cùng với Leibniz)…
Có truyền thuyết rằng, khi ngồi dưới gốc cây táo, nhìn thấy trái táo rụng mà nghĩ ra định luật vạn vật hấp dẫn (định luật 4 - Newton), ông đã im lặng 10 năm sau mới công bố. Với nhiều công trình khoa học lớn, trở thành người vĩ đại nhất trong số những người vĩ đại, ông đã luộc cái đồng hồ thay vì luộc quả trứng!, đã không thể giải được bài toán là chỉ đục một cái lỗ trên vách mà cả con chó và con mèo đều chui qua được!, một hôm đi dạo trên bãi biển, ông đã sững sờ nhận thấy rắng sự hiểu biết của mình chỉ là con số 0, là bất khả so sánh với cái chưa hiểu biết, và nói rằng ‘tôi chỉ là một em bé chơi đùa trên bờ biển và lượm được một một cái vỏ sò đẹp lóng lánh, trong khi đó một đại dương chân lý mênh mông đang trải rộng trước mắt tôi’…
- Phạm Duy (1921-nay!)
Sinh ra tại phố Hàng Cót (Hà Nội), là một con người có tâm trạng ‘phức tạp’, mặc dù chưa có những đánh giá đầy đủ về ông, có lẽ ông là một con chim đầu đàn của nền âm nhạc Việt Nam (!) trước giải phóng, ông đã để lại khoảng 900 ca khúc, trong đó người ta ngưỡng mộ nhất là dân ca, nhạc tình (‘Ngày xưa Hoàng Thị’, ‘Bên cầu biên giới’, ‘Thuyền viễn xứ’…), đặc biệt là ông đã dịch những bản nhạc nước ngoài ra tiếng Việt với những lời lẽ về tình yêu rất ‘siêu thoát’. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã nhận định ‘như tiếng chuông vọng đến từ hư vô, như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối, như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa đông giá lạnh, như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống, âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam (trong bài viết ‘Phạm Duy, nắng chiều rực rỡ’)…
Chắc không mấy ai không biết nhiều lời nhạc hay lời dịch ‘siêu thoát’ này của ông như: ‘sống trong lòng người đẹp Tô châu, hay là chết bên bờ sông Danube’ (bài ‘Bên cầu biên giới’) hay ‘Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến như chuyện thần tiên. Niềm mơ xưa là đó. Cho ta nâng niu lời ca. Chiều mơ không gian. Hờ hững cõi Thiên Đàng. Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ. Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà’ (bài ‘Chiều tà’)…

- Pythagore (500-580, TCN)
Ông là nhà toán học thời Hy Lạp cổ đại, dạy Triết học, Thần học, Đạo đức học và Toán học trong khoảng 30 năm, người đã có công chứng minh và mở rộng phạm vi áp dụng định lý về sự liên hệ giữa 3 cạnh trong một tam giác vuông (định lý Pythagore) mà nhờ đó nhiều định lý khác trong hình học đã được xây dựng và nhờ đó mà các nhà toán học sau này đã xây dựng được một số bài toán mới có ý nghĩa lịch sử rất lớn...
Một trong những câu nói bất tử của ông về ảo tưởng ‘vĩ đại’ của con người nhỏ bé trước thế giới vô cùng vô tận là ‘đừng thấy cái bóng to của mình trên tường mà tưởng mình là vĩ đại’…
- Tất-đạt-đa (Phật Thích-ca Mâu-ni, 563-483 hay 623-543, TCN)
Người viết sẽ không nói nhiều về phần này...
Ngài nói ‘Ta xem những nơi các vua và các nhà cầm quyền cai trị như là những hạt bụi. Ta xem những kho vàng và châu ngọc như những viên gạch và những viên sỏi. Ta nhìn những chiếc áo lụa tốt đẹp nhất như những mảnh vải rách tả tơi. Ta thấy vô số thế giới của vũ trụ này nhỏ như những hạt trái cây, và chiếc hồ lớn nhất ở Ấn Ðộ như một giọt dầu trên chân ta. Ta biết những giáo lý của thế gian là những ảo thuật của những tên phù thủy. Ta thấy rõ tư tưởng cao siêu của sự giải thoát như là một miếng nhung vàng trong giấc mộng, và thấy thánh đạo của những kẻ thông sáng như những đóa hoa xuất hiện trước mắt một người. Ta xem sự thiền định như là một cột trụ trên núi cao và Niết bàn là một cơn mộng du giữa ban ngày. Ta xem những lời phán quyết về đúng và sai như là sự uốn mình nhảy múa của một con rồng, và sự lên xuống của đức tin là dấu vết của bốn mùa để lại’… 
- Thanh Tùng (1948-nay)
Sinh tại Nha Trang, nhạc sĩ Thanh Tùng có nhiều ca khúc nhạc trẻ phổ biến như ‘Giọt nắng bên thềm’, ‘Thành phố đầy sao’, ‘Lối cũ ta về’, ‘Lời tỏ tình của mùa xuân’, ‘Hoàng hôn màu lá’, ‘Trái tim không ngủ yên’… rất được các bạn yêu ‘karake’ yêu thích...
Mình đặc biệt yêu thích bài ‘Giọt nắng bên thềm’, một hôm vào google để search bài này, mình thấy có một ông già mặc áo dài đen (hình như là Cha) vừa đánh đàn guitar vừa hát bài này, mình rất cảm động, lời nhạc như sau: ‘Bài hát tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên. Bài hát tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn. Còn lại trong tôi, còn lại trong anh. Chỉ là lung linh giọt nắng bên thềm. Trả lại cho tôi, trả lại cho anh. Trả về hư không giọt nắng bên thềm’… 
- Trang Tử (365-290, TCN)
Sinh ở đất Mông (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), sống dưới thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương (!), Trang Tử là một trong những ‘triết gia’ lỗi lạc của mọi thời đại, ông đã để lại cho nhân loại tác phẩm bất tử ‘Nam Hoa kinh’ (bản dịch ‘thoát’ nhất là của Nguyễn Duy Cần)...
Có truyền thuyết rằng ông thích đi giày rơm/cỏ, tiêu dao ở chốn hoang sơ, chắc ông chính là người đã đưa ra khái niệm ‘vô vi’ và ‘vô thường’, và thấy mình chỉ là một ‘con bướm nhỏ’ trong vũ trụ đại ngàn (Trang Chu mộng hồ điệp)…
Trong thời gian 1955-1972, ông Kim Dung đã vận dụng tốt tư tưởng triết học trong ‘Nam Hoa kinh’ và ‘Đạo đức kinh’ (của Lão Tử) vào các tiểu thuyết võ hiệp của mình, ví dụ như câu nói về tính ngẫu nhiên và ‘vô định xứ’ của đời người như: ‘Lai như thủy hề, thệ như phong, bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung!’, tạm dịch ‘Đến như nước chảy, đi như gió, không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!’...
- Trần Nhân Tông (1258-1308)
Cùng thời với Hàn Thuyên, có con gái là Huyền Trân công chúa, vua Trần Nhân Tông đã huy động nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông trong 2 lần xâm lăng Đại Việt (1285 và 1288), vua được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất của Việt Nam…
Ngoài ra, được coi là một trong những triết gia của VN, với đạo hiệu là ‘Trúc Lâm đầu đà’, vua là người sáng lập ra ‘Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử’ và còn được dân chúng gọi là Phật Hoàng... (sẽ có 1 bài riêng).
- Trịnh Công Sơn (1939-2001)

Sinh tại xã Lạc Giao (nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột), ông chưa có vợ và dĩ nhiên là chưa có con (!), là một nhạc sĩ nổi tiếng của nền Tân nhạc Việt Nam, ông đã để lại trên 600 ca khúc, đặc biệt là những ca khúc nói về tình yêu và thân phận con người...
Ông đã trăn trở về ‘hư vô tính’ của đời người như ‘Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà. Dòng sông trước kia tôi về. Bỗng giờ đây đã khô không ngờ. Lòng tôi có khi mơ hồ. Tưởng mình đang là cơn gió. Về chân núi thăm nấm mồ. Giữa đường trưa có tôi bơ phờChợt tôi thấy thiên thu. Là một đường không bến bờ (bài hát ‘Lời thiên thu’) hay ‘Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo’… (còn nữa)


2. Quy luật nghiệt ngã của thượng đế về sự không bất tử
Về đây mà uống cà phê
Về đây anh sẽ đê mê hồn người
Về đây 'em' mặt cười tươi
Về đây em tặng nụ cười ấy cho
Về đây em rủ hát hò
Về đây em rủ qua đò ngắm trăng
Về đây em ngón búp măng
Về đây em bớt giá băng cho chàng
Về đây anh khỏi lang thang
Về đây sưởi ấm đông tàn qua xuân
Về đây tình khúc tuyệt luân...
Hàng ngàn năm nay, nói cho cùng là nhân loại có hai khát vọng cơ bản, đó là tự tôn và bất tử, trong đó khát vọng tự tôn là khát vọng thỏa mãn cái ‘thị dục huyễn ngã’ của mình, sự thỏa mãn hai khát vọng đó của con người cũng là quy luật của muôn đời.
Khi con người thỏa mãn được khát vọng tự tôn thì họ tìm đến cái bất tử, hoặc đồng thời tìm kiếm cả hai. Ví dụ như Võ Tắc Thiên hay Tần Thủy Hoàng, sau khi làm ‘bá chủ thiên hạ’ thì lo đi tìm thuốc ‘trường sinh bất lão’. Không có vị hoàng đế nào là ‘thiên thu vạn tải’ cũng như không có sắc đẹp nào là 'mãi mãi trường xuân', đặc biệt là đàn ông sau khi đạt được tuyệt đỉnh của danh vọng thường bị rơi vào trạng thái ‘cô đơn tuyệt đối’, ví dụ như Thành Cát Tư Hãn hay Nhậm Ngã Hành/Nhạc Bất Quần (trong truyện của Kim Dung)..., đàn bà dù sắc đẹp thiên kiều bá mị đi chăng nữa thì một ngày nào đó sắc đẹp của họ cũng phải phai tàn mà ‘thiên hạ đệ nhất mỹ nhân’ cũng sẽ trở thành một bà lão không còn quyến rũ nam giới nữa, và kết cục hoàng đế hay người đẹp già cỗi này chỉ còn là một bộ xương khô và nằm ngủ chung với loài giun dế:
Được bao giây phút huy hoàng
Cuối cùng cũng nắm tro tàn mà thôi!
Lịch sử đã chứng minh rằng việc làm bá chủ thiên hạ hay việc đi tìm sự trường xuân chỉ là ảo tưởng của loài người, bởi lẽ Tần Thủy Hoàng, Napoléon, Alexander Đại đế (xứ Maxedonia) hay Võ Tắc Thiên cũng như mọi người khác, đều phải trở về với cát bụi. Ngay cả các nhà bác học/triết gia như Democrite, Aristote, Trang Tử/Khổng Tử, Shakespeare/Dostoevsky hay Newton/Einstein… tượng trưng cho trí tuệ siêu việt nhất của loài người nhưng vẫn là ‘vô cùng bé’ mà sự tồn tại vô cùng ngắn ngủi của họ (hay người bình thường) vẫn là một ‘con số không’ đối với vũ trụ vô cùng vô tận này.
Đứng trước thực tại vô cùng phủ phàng và hoàn toàn không cưỡng lại được này, con người mới nêu lên câu hỏi ‘ta là ai’ và ‘ta sẽ đi về đâu’, sự bế tắc trong việc trả lời hai câu trên đã đưa con người đến nỗi ám ảnh về hai chữ ‘hư vô’.
Đấng tạo hóa đâu có giáo điều, ngài chỉ sáng tạo ra con người vô cùng bé thôi, rồi ‘bỗng nhiên’ con người sáng tạo ra tình yêu, vì khi sống chết cho tình yêu, họ thoát khỏi cái tự ti mặc cảm rằng mình là vô cùng bé, và không có cứu cánh nào khác, dù cho yêu có đau khổ đến đâu đi chăng nữa nhưng lại là một loại 'đau khổ tuyệt vời', con người vẫn sẵn sàng ‘thiên thu vạn cổ yêu là khổ, vạn cổ thiên thu khổ cũng yêu’. Vì thế, trước thượng đế, con người đã kiêu hãnh đưa lên trái tim rực cháy tình yêu bất tử của họ - không chỉ là tình yêu nam nữ đơn thuần mà còn bao gồm cả khát vọng sống và khát vọng tự do.
Việc khám phá ra tình yêu của con người sau khi ‘ăn trái cấm’ đã làm thượng đế bất ngờ đến sững sờ trước cái tình yêu kỳ diệu và vĩ đại mà con người đã tạo nên. Thượng đế lại ghen tị bèn phán cho họ tình yêu không bất tử, nhưng loài người lại phản kháng bằng cách có ‘những giây phút bất tử của tình yêu’. Chính bằng cách này, con người đã chiến thắng ‘hư vô’ hay nói cách khác, họ đã chiến thắng cái quy luật nghiệt ngã của thượng đế về sự không bất tử ./. 

3 nhận xét: