Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

299. Thế giới blog và ngôn ngữ tiếng Việt

LTS: Mình chỉ đề cập ‘một số’ vấn đề về sử dụng từ ngữ trong thế giới blog và chỉ ‘tâm sự cho vui’, do đó không thể đỏi hỏi có độ chính xác cao vì đề tài quá rộng (mình lại không phải là nhà ngôn ngữ học, không luận bàn về tôn giáo/chính trị), xin dành nghiên cứu này cho các bậc ‘cao nhân’ khác.
Có khi tôi ngắm chiều tà
Tôi ôm gọn tím mượt mà dại hoang
Có khi tôi thoáng mơ màng
'Tôi ôm gọn tím mơn man cả đời'
Tím làm tôi - lúc chơi vơi
Tím làm tôi - lúc tuyệt vời trần gian
Tím làm tôi - lúc ngỡ ngàng
Tím làm tôi - lúc lang thang đợi chờ
(Chiều tím-NGLB)
1. Trước tiên, xin nói sơ là do ‘số phận’ xui khiến mà Lá Bàng có làm nghề dịch tiếng Anh sang tiếng Việt (và ngược lại) trong khoảng 20 năm, dĩ nhiên là có rất nhiều dịch thuật viên giỏi hơn mình, nhưng điều quan trọng là trong khi làm việc, mình phải dịch sao cho người Việt và người nói tiếng Anh dễ hiểu. Do đó, mình đã làm việc với hàng trăm chuyên gia nước ngoài, khi họ viết tiếng Anh, mình có đề xuất rằng ‘ông/bà viết vậy thì người Việt Nam khó hiểu’ thì họ ‘xin lỗi’ và lập tức tìm các từ khác dễ hiểu hơn để thay thế.
 
2. Từ thời Hàn Thuyên (thế kỷ thứ 13), ta đã có chữ viết - đó là chữ Nôm, và từ thời Alexandre de Rhodes (thế kỷ thứ 17) ta đã cho chữ quốc ngữ. Hồi nhỏ, có một lần mình lỡ buộc miệng nói ‘Hán Việt’ thì bị ông chú mắng cho một trận, ông nói ‘chỉ có Việt chứ không có Hán gì hết’ (!), ý ông chú dạy mình ‘lưu tâm’ là từ ngàn xưa đến nay, dân tộc Việt chỉ có một thứ tiếng, đó là tiếng Việt.
(Bổ sung: Chữ Nôm thuộc loại hình văn tự khối vuông - nghĩa là toàn bộ chữ được cấu tạo trong một ô vuông, được xây dựng trên cơ sở chất liệu là chữ Hán và được đọc theo âm Việt - theo vn.answers. yahoo.com). Chữ Hán (từ Hán-Việt) là từ vựng sử dụng trong tiếng Việt có gốc từ tiếng Trung Quốc nhưng đọc theo âm Việt - theo Wikipedia). 

3. Dưới đây là một số ví dụ trong đời thường.
-Truyện ‘Thủy Hử’ dịch trước 1975 có dùng các từ là ‘Hắc toàn phong’ (Lý Quỳ), ‘Cập thời vũ’ (Tống Giang), ‘Trí đa tinh’ (Ngô Dụng)…, còn bản dịch sau 1975 dùng từ ‘Gió lốc đen’, ‘Mưa cứu hạn’, ‘Mưu sáng ngàn sao!’. Các từ Hán-Việt nghe có vẻ ‘khí thế’ hơn, nhưng dường như bản dịch sau giải phóng có tiến bộ hơn...
-Truyện tình ‘Trương Vô Kỵ - Triệu Minh/Chu Chỉ  Nhược’, trước giải  phóng Từ Khánh Phụng dịch thoáng là ‘Cô gái đồ long’ (đồ long = giết rồng), còn sau giải phóng dịch là ‘Ỷ thiên đồ long ký’, nhưng dường như cách dịch trước giải phóng có tiến bộ hơn! về mặt từ ngữ (chứ không nói ý). Ngoài ra, các biệt danh như ‘Kim mao sư vương’ (Tạ Tốn), ‘Bạch mi ưng vương’ (Hân Thiên Chính), ‘Thái hoa đạo tặc’ (Điền Bá Quang), ‘Đạo soái’ (Sở Lưu Hương)… có người dịch là ‘Chúa sư tử chúa lông vàng’, ‘Chúa chim ưng mi trắng’, ‘Tên cướp hái hoa’, ‘Vua trộm’ là dễ hiểu hơn…
(Bổ sung: Cái tên Cô gái Đồ Long đã "thuộc về lịch sử" rồi, bây giờ không cần bàn đúng sai nữa. Bạn có lấy kính hiển vi mà soi cũng không ra "cô gái giết rồng" nào trong truyện cả. Nhưng dân ghiền kiếm hiệp có ý kiến bảo "cô gái đồ long" là Chu Chỉ Nhược. Còn bảo "cô gái đồ long" là Quách Tương thì tôi mới nghe bạn nói lần đầu - theo Wikipeida)
-Những từ/cụm từ như ‘bóng câu qua cửa sổ’ (câu = ngựa), ‘đỉnh thiên lập địa’ (đầu đội trời, chân đạp đất), ‘Trang Chu mộng hồ điệp’ (Trang Chu mơ thấy mình là bướm), ‘đoạn trường’ (đứt ruột), ‘thập diện mai phục’ (mai phục 10 phía), quy phạm (?), hay ‘cam tuyền’, ‘bóng nguyệt’ (trong ‘trống Trường thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam tuyền mờ mịt thức mây’)…, thiết nghĩ là nên hạn chế việc dùng từ trong ‘cổ văn’ hay ‘tứ thư, ngũ kinh’ trừ trường hợp cần thiết.
-Khi ta vô tình ‘Tàu hóa’ tiếng Việt như ‘Tây du ký’, ‘Tứ hải giai huynh đệ’, ‘Đắc nhân tâm’, 'Vạn lý trường thành'… thì người phương Tây lại ‘dân tộc hóa’ nó, họ viết là ‘Cuộc du hành về phía Tây’, ‘Tất cả đều là anh em’, ‘Làm thế nào để chinh phục lòng người’, ‘Bức tường vĩ đại’ (The trip to the West, All are brothers, How to win friends and influence people, ‘The Great Wall’)!
-Kênh truyền hình SCTV có chiếu một phim là ‘Đề hình quan Đại Tống’ mà có 2 sinh viên ngồi toát mồ hôi lạnh chả hiểu ‘Đề hình quan’ là cái quái gì, xem vài tập mới biết là ông này cũng như ông Bao Công làm nghề xử án thôi, ối trời ơi! Và kênh truyền hình SCTV còn có chiếu một phim là ‘Khang Hi vi hành’ trong đó một loạt từ khó hiểu đã liên tục được sử dụng như ‘lê đầu kí, đồng đỉnh kí, bát bảo chúc kí, tử sa kí, man đầu kí, hà bí kí, quế viên kí, thực hạp kí, cẩm bào kí, linh đương kí…’, nếu các blogger mà hiểu hết được thì mình cũng xin kêu bằng sư cụ!
-Ngày xưa mình có theo bà nội (hình như chỉ biết đọc, biết viết) lên chùa nghe một số sư (kể cả một số người yêu Phật học ngày nay) dùng các từ như ‘nhất thể, như thị, sát-na, bát nhã, tứ diệu đế, chuyển pháp luân, vô minh, tâm thức, diện bích, u mặc, áo nghĩa thư…’, bỗng dưng mình cảm thấy không thích nghe hay đọc các tài liệu có những ngôn từ ‘siêu việt’ đó, vì mình chỉ là một người bình thường, và thiết nghĩ là các ‘thầy’ cũng muốn người thường hiểu/‘ngộ’ chân lý của đạo Phật nên việc dùng ngôn từ dễ hiểu là rất quan trọng.
-Từ ngữ dùng trong các tài liệu triết học hay kinh tế học kinh điển sau 1975 là tương đối súc tích và không quá phức tạp mặc dù có nhiều khái niệm cơ bản như ‘phạm trù, kiến trúc thượng tầng/cơ sở hạ tầng, ý thức xã hội/tồn tại xã hội, quan hệ sản xuất/lực lượng sản xuất, chủ nghĩa hiện sinh/siêu thực…’, nhưng sẽ tốt hơn nếu những thuật ngữ đó ít sử dụng trong thế giới blog.
-Ngoài ra, việc sử dụng từ Việt hóa như nhà thơ Gớt, nhà văn Đốt-tôi-ép-xki/Mô-ôm, danh họa Lê-ô-na đờ Vanh-xi, điêu khắc gia Mi-ken Lăng-giơ, nhạc sĩ Giô-han Xâu-xơ, thành phố Niu-oóc… làm ta chả biết viết thế nào cho đúng, đặc biệt là rất khó tra tìm tư liệu trên Google, thiết nghĩ là sau tên Việt hóa thì nên mở ngoặc đơn, ví dụ Gớt (Goethe) hay Niu-oóc (New York), v..v…
 
4. Đọc các dòng này cũng khá dễ hiểu: ‘Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông chợ mấy nhà’ (Bà Huyện Thanh Quan), hay ‘Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô’ (entry ‘Phi Kim - Dung và tình yêu’).
Đọc những dòng này rất khó hiểu, có lẽ ngôn ngữ đã sử dụng là quá xa rời với ngôn-ngữ-thực-tại: ‘Chỉ có tư tưởng, tơ tưởng và sử linh tư tưởng là xuất phát từ Hố Thẳm… Tư tưởng, Tơ tưởng và Sử linh Tư tưởng trú ngụ nơi Hố Thẳm Không Đáy mới mở ra tất cả chân trời cho Triết Học, Khoa Học, Toán Học và Tôn Giáo… Tất cả nền tảng đều sụp đổ, ngay đến Hố Thẳm Không Đáy cũng sụp đổ, và cả đến Hố Thẳm của Hố Thẳm cũng phải sụp đổ, tất cả mọi sự sụp đổ đều phải sụp đổ ngay lập tức, còn nói chi nữa đến những cái gọi là những kiến trúc ý niệm, những xây dựng lý tưởng, những hệ thống ý thức và những tập đại thành của ý tưởng…’ (Phạm Công Thiện - ‘Hố thẳm của tư tưởng’).

Mọi việc đều có tính chất tương đối, một ‘luật chơi’ nào đó sẽ được vận dụng tùy theo hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên, vì viết là viết cho người đọc chứ không phải viết cho ta, nên việc cố gắng ‘huyền bí hóa’ ngôn ngữ dường như là một điều tối kỵ trong ý thức văn chương hiện đại, đặc biệt là từ ngữ dùng trong thơ/văn trong blog nên là từ ngữ gần với thực tế và dễ hiểu.
Và có một sự kiện tỉ lệ nghịch trong thế giới blog là: việc dùng từ ngữ càng ‘siêu’ bao nhiêu thì sẽ làm cho chủ nhân blog càng ít ‘siêu’ bấy nhiêu!

15 nhận xét:

  1. Em sang thăm Nhà Gom Lá Bàng , kính chúc chủ nhân Nhà Gom Lá Bàng một năm mới an khang thịnh vượng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, xin cám ơn, hình như mình chưa gặp bạn ở ngoài đời, chúc năm mới vui, khỏe và ngọt ngào.

      Xóa
  2. Anh ziếc nhanh thế này Phù Thủy theo đọc hông kịp ! Bận ! Hic !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng để viết nhu thế này, LB phải đọc hơn 10 tư liệu và mất... 4 tiếng đồng hồ trong đêm khuya, híc..., tối vui nghen PT.

      Xóa
    2. Siêu thế , Phù Thủy là chẻ em đường phố chả có thời gian đọc ! Hic !

      Xóa
    3. Trùi, Sư thái chọc tiểu tử hoài, Tết này tiểu tử về quê rồi, híc...

      Xóa
  3. mấy hôm nay bận .nay mới ghé đọc bài viết của LB nè...
    uh e ít coi phim kiếm hiệp.. nhưng bữa cơm chiều thường muộn vào lúc vtv2 chiếu phim- hôm vừa rồi Hxr có thấy chiếu bộ phim ĐỒNG ĐỈNH KÝ- thực sự Hxr đã k mê kiếm hiệp- cộng với cái tên phim thật khó hiểu- nhưng bất đắc dĩ phải coi cùng những ng thích phim đó - khi bộ phim thấy có xuất hiện nhân vật SN- định coi chút nhưng rồi rồi nhân vật nam và các nữ trong bộ phim đã làm e càng k có hứng thú coi tiếp...hay tại em k hiểu hết đc nghĩa của ngôn ngữ, từ của nước bn nên k thấy hay chăng..
    ghé trò chuyện với a chút. chúc a tối vui nhé LB!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa, anh kg biết có phim đó, để anh xem sơ thử như thế nào rồi anh sẽ nói hay/dở thế nào nhé,hì... Ngày mới tốt lành, thân.

      Xóa
  4. Lâu quá không gặp.
    Chúc anh nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn, dạo này LB ít hoạt động (xã hội), hình như người không được khỏe. Cám ơn bạn, ngyaf mới vui.

      Xóa
  5. Mùa đông này nhiều lá bàng lắm, gom sao nổi bạn ơi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc có một ngày rất gần, ta sẽ hết gom, híc..., thank pạn, chúc chiều vui.

      Xóa
  6. Và có một sự kiện tỉ lệ nghịch trong thế giới blog là: việc dùng từ ngữ càng ‘siêu’ bao nhiêu thì sẽ làm cho chủ nhân blog càng ít ‘siêu’ bấy nhiêu!

    LB viết siêu quá MTV đọc mãi không hết. He he. MTV đùa tí cho vui ạ. chúc anh một ngày vui ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh mất ngủ nên viết tí cho vui, tối nay anh đóng entry này lại nghen, tối ngọt ngào.

      Xóa