Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

472. Phạm Công Thiện phê bình Socrates!!!

Hôm qua, LB có ghé nhà anh Trần Minh Châu xem bài viết về Socrates, mình trích một đoạn lời bình của mình nhé:
À, Phạm Công Thiện có viết: ‘Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empedocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrates, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta’ (Hố thẳm của tư tưởng, chương 5, Họa và tính). LB có bình rằng đầu óc của ông PCT là ‘có vấn đề’, nhưng có blogger lại bảo là ‘rất ngưỡng mộ’ ông!
Vì thế mà mình viết bài này, nhưng không nói dài dòng về ông Phạm Công Thiện (các bạn có thể đọc chi tiết trên Google), mà dẫn đến điều tổng quát hơn. Và lưu ý rằng dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân.
*
Socrates có tiểu sử không rõ ràng vì ông không để lại sách (!) mà do các thế hệ sau khắc họa lại tốt nhất hình ảnh của ông:
-sinh 469/470-399TCN, tại Athens, Hy Lạp,
-sống vào thời thịnh vượng của thành bang Athena,
-là thầy của triết gia Platon, 
-đã đưa ra thuyết nghịch lý và cách chẻ nhỏ vấn đề (phương Tây gọi là phương pháp truy vấn biện chứng, LB gọi là triết lý thuận-nghịch, hihi…),
-có nhà tiên tri cho rằng ‘Socrates là người có trí tuệ nhất trong (mọi) thời đại’,
-có các câu nói nổi tiếng trên 2000 năm: ‘Hãy tự biết lấy chính mình’, ‘Sự thật còn quan trọng hơn sự sống’ và ‘Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả’…,
-xem tư tưởng của ông là sự kế thừa của các vị ‘thầy’ đi trước như Prodicus, Anaxagoras, Archelaus (thầy chính), mẹ ông, Diotima (một phù thủy kiêm nữ tu) và Aspasia (tình nhân của Pericles)…,
-chấp nhận sống ‘nghèo’, xem mình là có sứ mệnh thần linh, không thừa nhận ‘các vị thần cũ’ của Athena, bị kết tội ‘dị giáo’ và làm hư hỏng đầu óc của thế hệ trẻ (tương tự như Spinoza, entry 463),
-được gọi là ‘ruồi trâu’ của thời đó, vì (là một con ruồi) châm chính chính quyền Athena (ông ca tụng những người Sparta mà đã làm cho Athena suy tàn),
-bị xử uống thuốc độc và chết năm 399TCN, được hậu thế rất ngưỡng mộ và có cảm tình.
Ngoài ra, học giả Renan cho rằng ‘Socrates đem triết lý cho nhân loại, còn Aristoteles đem khoa học cho nhân loại’. Socrates là thầy của Platon (sống vào khoảng 427-347TCN), rồi Platon là thầy của Aristoteles (384-322TCN). 
Bộ ba ‘Socrates-Platon-Aristoteles’ là sư tổ của triết học phương Tây, tuy nhiên, người đã đặt nền móng cơ bản cho ‘Luận lý học/Logic học’ lại là Aristoteles - người chống lại quan điểm của Platon, và là thầy của Alxandros đại đế: ‘Socrates rất chú trọng đến những định nghĩa, đó là bước đầu của luận lý học. Platon luôn luôn tìm cách làm sáng tỏ các ý niệm của mình… Lối suy luận của người Hy Lạp trước thời Aristoteles không được minh bạch, chính Aristoteles đã chấn chỉnh tình trạng này bằng cách đặt ra những quy luật cho sự suy luận. Ngay cả Platon đôi khi cũng vấp phải lỗi lầm suy luận không chính xác. Dưới thời trung cổ, một ngàn năm sau khi Aristoteles qua đời, người ta còn hăng say dịch lại các sách về luận lý để theo đó mà hướng dẫn tư tưởng’ (sites.google.com).
*
Các câu chuyện liên quan đến Socrates, Platon và Aristoteles:
-Socrates đang cùng bạn nhậu ở lan can trên lầu, vợ ông ta rất quá quắt, đem hết đồ nhậu ném xuống sân. Ông và bạn bèn xuống sân nhậu tiếp, vợ ông ta lại đem hết đồ nhậu ném ra ngoài đường. Thế là… hết nhậu, hihi… (entry 471)
-Nhà hiền triết Platon hỏi các bạn thực khách: 'Trong một chậu nước đầy, bỏ cục gạch vào thì nước tràn ra. Còn bỏ con cá lớn bằng cục gạch vào thì nước chẳng tràn ra, là tại sao?'. Các thực khách trả lời: kẻ bảo tại con cá nó hít nước, người bảo tại con cá nó ngo ngoe lội tới lội lui. Platon cho gia nhân mang chậu nước ra làm thí nghiệm, lúc bỏ con cá vào, thì nước cũng... tràn ra! Với thí nghiệm đó, Platon cho chúng ta câu châm ngôn dùng dạy trẻ là 'hãy quan sát trước khi suy luận - observer avant de raisonner’ (entry 367).
-Aristoteles cho rằng: 2 vật thể cùng rơi tự do, vật nặng hơn thì rơi nhanh hơn (và ông không thừa nhận khái niệm ‘chân không’ trong vũ trụ, sites.google.com). Nhưng mãi đến thời Galileo, ông đã chứng minh được rằng: 2 vật thể bất kỳ cùng rơi với vận tốc như nhau trong môi trường chân không.
*
Quay lại câu chuyện ‘Phạm Công Thiện phê bình Socrates: ‘Socrates, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta.’

Phạm Công Thiện là một vị ‘thầy’ có bộ óc kinh người nên rất khó để nói là ông đã… sai. Ta hãy dùng chính cái của Soccrates (xem trên) để… ‘nhìn’ Phạm Công Thiện, hì.. hì…
-Có nhà tiên tri cho rằng ‘Socrates là người có trí tuệ nhất trong (mọi) thời đại’. Chúng ta tự hỏi ‘có phải Phạm Công Thiện là người có trí tuệ nhất trong thời đại này không?’, dĩ nhiên là không, vì vào thời ông, ta còn có Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Hoàng Phương, Thích Nhất Hạnh (nhà tâm linh đứng hàng thứ tư thế giới), chưa kể đến Lê Văn Tuấn (được Unesco công nhận là nhà khoa học thế giới!), Đỗ Khánh Trường (là kỷ lục gia dịch thuật của Việt Nam) hay Ngô Bảo Châu (gần đây)… Trong số này, (theo quan điểm cá nhân), LB đã từng đánh giá Đỗ Long Vân là có trí tuệ sâu sắc nhất, Bùi Giáng là có trí tuệ ‘hỗn mang’ nhất, Nguyên Hiến Lê là có đầu óc ‘thực tế’ nhất, Trịnh Công Sơn là gần ‘ngộ’ nhất, hihi…
-Và như thế: Có phải những nhân vật nói trên, giới trí thức thời đó, kể cả các blogger đang đọc entry này, là chỉ đáng giá trí thức ‘mười lăm xu’, ái quốc nhân đạo ‘ba mươi lăm xu’, triết lý tôn giáo ‘bốn mươi lăm xu’ không? Có phải ‘Bây giờ nếu có Phật Thich Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa’? Có phải ‘những trường đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn’? Có phải ‘Hölderlin là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Đức và toàn thể lịch sử văn học Tây phương, cũng như Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Việt Nam và toàn thể lịch sử văn học Á Đông’?...
-Và như thế, Phạm Công Thiện có ‘hãy tự biết lấy chính mình’ không? Không.
-Và như thế, ‘tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả’: Phạm Công Thiện có biết là ông không biết những gì không? Không.
-Và như thế, một trong những hệ quả của cái tôi của ông là: ‘Phạm Công Thiện cũng giống như ‘nhà thơ thần - thiền’..., đọc và biết về anh ta mà thấy thật nực cười’ (Trần Minh Châu), hihi... Lưu ý là LB chưa có nhận định gì về vấn đề này.
*
-Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. (Trịnh Công Sơn)

Tóm lại, phải thừa nhận Phạm Công Thiện là một nhân tài, nhưng ông Socrates lại là trên… nhân tài, và, cái tôi quá cực đoan của Phạm Công Thiện đã làm cho ông tưởng là biết hết mọi thứ, hay tưởng ‘tôi là số một’, nói nhẹ nhàng, có lẽ khi phát biểu, ông bốc quá nên quên mất đi cái 'hệ quy chiếu' mà cần phải so sánh với gốc 0, nhất là quên mất ‘đôi vầng nhật nguyệt’ ở trên trời
*
Trước khi dừng bút, mời các bạn đọc một đoạn thư giãn nhé:
‘Khi viết xong bài này, chưa kịp sửa nhiều, hắn lại lên đường để tìm về tổ ấm, trời mưa to suốt gần 200km đường đi, ngồi trên xe, hắn nhìn thấy rất nhiều mây đen từ xa xa. Hắn chợt nghĩ, một đám mây đen nhỏ bé kia là từ đâu mà có, có phải nó có là từ vô số kiếp xa xôi, có phải nó có là do sự tác động tương hỗ của vô số yếu tố trong quá khứ và hiện tại, nó chỉ xuất hiện trong thời gian là 0 đối với vũ trụ, trong tương lai rất rất gần, nó không còn là nó, nó thuộc về tất cả, vì vũ trụ với nó là một.
Hắn chợt biết ta xuất hiện từ vô lượng kiếp và tồn tại vô cùng ngắn ngủi. Ta là một cá thể không biết đâu là nguồn gốc xuất xứ và không biết đâu là bến bờ. Hắn chạnh lòng nghĩ, ta là ai? Và hắn chợt bàng hoàng biết rằng ta không là ai cả...’.
Cô đơn nào giữa cuộc đời
Cô đơn lòng thấy chơi vơi đêm về
Cô đơn chìm giữa cơn mê
Cô đơn than khóc cũng về hư không
Cô đơn nơi chốn biệt phòng
Cô đơn tin nhắn nào mong đến mình
Cô đơn dòng chữ vô tình
Cô đơn thượng đế lặng thinh chẳng nhìn. 
(NGLB)
Và cuối cùng, nói thượng đế làm gì cho xa xôi, cứ sáng tối nhìn lên ‘đôi vầng nhật nguyệt’ thì biết, ‘trí tuệ của ta là cái gì?’, cứ xưng trí tuệ hoài thì ‘trái đất vẫn quay cuồng trong vũ trụ' (Aitmatov), và ‘cô đơn thượng đế lặng thinh chẳng nhìn’: chỉ có con người là có cảm tình với thượng đế (cụ thể là LB đã hết lòng làm thơ vì các bóng hồng rồi, hihi...), chứ thượng đế thì vĩnh viễn lặng lẽ và vô tình với con người, hình như vậy, phải hôn?

-----------------
Các tài liệu có liên quan:

19 nhận xét:

  1. Các câu chuyện liên quan đến Socrates, Platon và Aristoteles:
    -Socrates đang cùng bạn nhậu ở lan can trên lầu, vợ ông ta rất quá quắt, đem hết đồ nhậu ném xuống sân. Ông và bạn bèn xuống sân nhậu tiếp, vợ ông ta lại đem hết đồ nhậu ném ra ngoài đường. Thế là… hết nhậu, hihi… (entry 471)
    -Nhà hiền triết Platon hỏi các bạn thực khách: Trong một chậu nước đầy, bỏ cục gạch vào thì nước tràn ra. Còn bỏ con cá lớn bằng cục gạch vào thì nước chẳng tràn ra, là tại sao?
    Các thực khách trả lời: kẻ bảo tại con cá nó hít nước, người bảo tại con cá nó ngo ngoe lội tới lội lui. Platon cho gia nhân mang chậu nước ra làm thí nghiệm, lúc bỏ con cá vào, thì nước cũng... tràn ra! Với thí nghiệm đó, Platon cho chúng ta câu châm ngôn dùng dạy trẻ là 'hãy quan sát trước khi suy luận - observer avant de raisonner’ (entry 367).
    -Aristoteles cho rằng: 2 vật thể cùng rơi tự do, vật nặng hơn thì rơi nhanh hơn (và ông không thừa nhận khái niệm ‘chân không’ trong vũ trụ, sites.google.com). Nhưng mãi đến thời Galileo, ông đã chứng minh được rằng: 2 vật thể bất kỳ cùng rơi với vận tốc như nhau trong môi trường chân không.

    Trả lờiXóa
  2. Trả lời
    1. Cám ơn bạn PĐ,
      mình đang chỉnh sửa bài,
      mình phải bổ sung là 'nói nhẹ nhàng',
      vì không muốn 'thầy' ở thiên đường (!) mà lại nổi giận,
      hihi...

      Xóa
  3. Câu chuyện về cái chết của Socrates:
    Socrate bị xử phải uống thuốc độc. Môn đệ của ông tìm cách cứu ông một lần chót: những kẻ giữ ngục đồng ý nhận một món tiền hối lộ và làm ngơ cho Socrate trốn đi. Socrate từ chối. Ông đã bảy mươi tuổi, có lẽ ông nghĩ rằng có chết cũng vừa, vả lại đây cũng là một cơ hội tốt để mà chết. Với các môn đệ đến ngục thất để tiễn đưa Socrate về cõi chết, Socrate nói:
    -Hãy cứ vui đi, các con chỉ chôn cái thể phách của thầy.
    Nói xong ông đứng dậy và đi vào phòng tắm với Criton. Chúng tôi (theo Platon kể lại) ngồi đợi ở ngoài, lòng buồn vô hạn. Ông cũng như cha, bây giờ ông chết, chúng tôi không khác gì những kẻ mồ côi. Giờ mặt trời lặn đã gần kề. Khi ông trở ra, ông lại ngồi với chúng tôi, chuyện trò rất ít. Chằng bao lâu người giữ ngục đi vào, đến gần ông và nói như sau:
    -Ông thật là người cao quý nhất, hiền lành nhất trong đời. Chắc rằng ông không có ý nghĩ giận tôi giống như những kẻ thường chửi bới mắng nhiếc tôi khi tôi tuân lệnh trên, đem chén thuốc độc vào đây cho họ uống. Xin ông thông cảm, tôi với ông không thù hằn gì. Chúc ông can đảm chịu đựng.
    Nói xong người giữ ngục oà khóc và ôm mặt đi ra ngoài. Socrate trả lời như sau:
    -Tôi sẽ làm như lời ông nói và chúc ông mọi sự tốt lành.

    Trả lờiXóa
  4. Quay về phía chúng tôi Socrate nói như sau:
    -Người đó rất tốt với thầy từ lúc thầy vào đây, y đến thăm hỏi luôn, bây giờ y thực tình mến tiếc, nhưng Criton ơi, hãy đem chén thuốc vào đây nếu thuốc đã chế xong. Nếu thuốc chưa chế xong, hãy nói người ta chế.
    Criton nói:
    -Thưa sư phụ, mặt trời còn trên đỉnh đồi. Nhiều kẻ đợi trời tối mới uống và trước khi uống họ được quyền ăn uống no say thoả thích. Xin sư phụ chớ gấp gáp, hãy còn thì giờ.
    Socrate nói:
    -Những kẻ ấy làm rất phải, vì họ có lợi trong sự chần chờ, nhưng ta thì không thấy có lợi gì khi uống chén thuốc độc chậm hơn một chút, đời của ta kể như đã hết. Hãy làm như ta đã nói và xin đừng từ chối. Criton ra dấu cho người giúp việc, người này đi ra một lúc rồi trở lại với người giữ ngục, tay cầm chén thuốc. Socrate nói:
    -Ông bạn là người thông thạo về vấn đề này, xin ông cho biết tôi phải làm thế nào?
    Người giữ ngục trả lời:
    -Uống xong ông nên đi dạo một lúc, khi nào cảm thấy nặng ở hai chân thì nằm xuống, thuốc sẽ ngấm dần lên đến tim.
    Nói xong hắn đưa chén thuốc cho Socrate. Socrate nhận lấy một cách vô cùng nhã nhặn, không chút sợ sệt hoặc thay đổi sắc mặt.
    -Trước khi uống, tôi cần dành một phần chén thuốc để dâng cúng thần linh không?
    -Chúng tôi chế thuốc vừa đủ.
    -Tôi hiểu rồi, nhưng dù sao tôi cũng cầu nguyện thần linh phù hộ cho tôi trong cuộc hành trình sang thế giới bên kia.
    Nói xong Socrate cầm chén thuốc đưa lên môi và uống một cách vui vẻ.
    Từ trước đến giờ chúng tôi cố nén sự đau buồn thương tiếc, nhưng khi thấy ông uống cạn chén thuốc, chúng tôi không còn cầm lòng được nữa. Nước mắt tôi tuôn trào, tôi ôm mặt khóc. Không phải tôi khóc ông, mà chính là tôi khóc tôi từ nay vĩnh biệt tôn sư. Criton khóc trước tôi, y ôm mặt đi lãng xa vì không thể chứng kiến nổi cảnh ấy. Tôi cũng ôm mặt theo Criton. Trong lúc ấy thì Apollodorus đang khóc bỗng thét lên một tiếng làm tất cả chúng tôi đều giật mình. Socrate vẫn bình tĩnh, ông nói:
    -Cái gì lạ vậy? Không cho phụ nữ vào đây là để tránh cái cảnh này. Người ta cần phải chết trong thanh tịnh. Các con hãy bình tĩnh và nhẫn nại.
    Nghe những lời nói ấy chúng tôi hổ thẹn và thôi không khóc. Ông đi dạo một hồi cho đến khi cảm thấy nặng ở chân, rồi nằm xuống đúng theo lời dặn. Người giữ ngục quan sát tay chân ông, đè mạnh xuống hai bàn chân và hỏi:
    -Ông cảm thấy gì không?
    -Không.
    Người ấy đi lần lên phía trên, vừa đè vừa hỏi. Chúng tôi thấy hai chân ông đã cứng và lạnh, Socrate cũng lấy tay ấn thử và nói:
    -Khi nào thuốc ngấm đến tim là xong.
    Khi lạnh đến thắt lưng, ông bỏ miếng vải che mặt và nói:
    -Criton, thầy nợ Asclepius một con gà, con nhớ trả món nợ ấy.
    -Con sẽ trả, còn gì nữa không?
    Không có tiếng trả lời, vài phút sau Socrate cử động, người giữ ngục bỏ miếng vải che mặt ra, Criton vuốt mắt và miệng cho người chết. Đó là giây phút cuối cùng của tôn sư chúng tôi, ông là người minh triết nhất, công bằng nhất và tốt nhất (sites.google.com)

    Trả lờiXóa
  5. Chúc Anh những ngày nghỉ cuối tuần nhiều niềm vui, an lành và hạnh phúc bên người thân yêu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi,,,, viết cho vui, bạn làm mình nhớ lai câu tuyên bố không sợ trời không sợ đất của PCT, có lẽ vào thời đó, ông tưởng ông là người hiểu biết... nhất, mình có mấy người bạn cũng y như vậy, hihi...
      Cám ơn bạn TMC, chúc chiều t6 vui.

      Xóa
  6. Chào anh
    Đọc 2 câu này sợ quá :
    " -Và như thế, Phạm Công Thiện có ‘Hãy tự biết lấy chính mình’ không? Không.
    -Và như thế, ‘tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả’: Phạm Công Thiện có biết là ông không biết những gì không? Không."
    Ngày mai anh em mình gặp mặt nhé.
    Chúc anh hằng bình an tâm hồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi..., bây giờ đọc lại, mình thấy 'thầy' PTC phát biểu cũng dễ... thương đấy chứ, cứ như là... con nít vậy, hèn chi PCT và Bùi Giáng cứ cãi nhau hoài, hihi...
      Cám ơn bạn TC, mình chuẩn bị rồi, chúc thượng lộ bình an.

      Xóa
  7. Van Pham Thi Thuy 3:57 PM1
    Ủng hộ bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Cuối tuần vui và có nhiều "độ" nhé huynh :)
    Bài viết nhiều thông tin triết lí quá làm sao nhớ hết đây huynh?
    Chắc là mỗi lần qua nhà lại đọc một đoạn.

    Trả lờiXóa
  9. Phạm Công Thiện trước 1975 ở Saigon được xem là một tong ba kì nhân (hai người kia là Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn).
    SVHS thời bấy giờ ai cũng mua sách PCT, có người cũng đọc, còn rất nhiều người chỉ để che đầu làm dáng khi đi cafe :).
    Và những người đọc ông thì thì khi nghe ông tuyên bố, ví dụ HTL là nhà thơ lớn nhất trong lịch sử thi ca VN thì chẳng ai nghĩ PCT thực sự đã xếp nhà thơ HTL lên trên tất cả mọi nhà thơ khác của VN từ trước tới nay, tương tự khi PCT chửi triết gia Y là ngu dốt, là kẻ tội đồ của nền văn minh nhân loại thì cũng ko ai nghĩ triết gia Y lại vĩ đại :) đến thế .. Nhưng chẳng ai cãi nhau với ông (*), chỉ đọc và cười vui, vì biết PCT đang dùng kính lúp để xem mấy vị này, nên thấy cái hay cái dở của họ to hẳn lên cũng là chuyện bình thường .. Tuy nhiên khi nghe PCT khen hay chê ai hết lời thì tác giả ấy thường rất đáng để bỏ công tìm hiểu thêm. (Nói đến đây chợt nhớ Nhậm Ngã Hành với 2 người rưỡi phục và 2 người rưỡi ko phục trong Tiếu Ngạo Gaing Hồ ). Vì phải nhìn nhận một điều rất đáng học tập ở PCT là sức đọc của ông - đọc nhiều, và đọc rất nghiêm túc. Ông kể chuyện nhiều lần để có thể thấm một tác phẩm nào đó, ông cất công ngồi chép tay lại trọn vẹn tác phẩm ấy, cũng như để tìm hiểu một tác giả nào đó, ông tìm đọc tác phẩm của họ bằng nguyên ngữ nếu có thể được (đấy là lí do để ông học nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Sanskrit .. ).
    Phải chăng cách nói nồng nhiệt và rất cực đoan của ông chính là nhằm mục đích ấy - kéo sự chú ý của người đọc để họ tìm hiểu sâu hơn một vấn đề ông muốn giới thiệu ?
    ---
    (*) Thật ra thì cũng có lần có người cãi nhau với ông, là nhà thơ Nguyên Sa. Hai người cãi nhau qua lại bằng mấy kì báo (trên tờ Hòa Bình thì phải ?), sau này loạt bài này NS có cho in thành sách. PCT và NS sau này cũng trở thành bạn bè ..
    Riêng Nguyễn Văn Trung thì luận án tiến sĩ của ông bị PCT chê thậm tệ, không chỉ chuyện học thuật mà cả ở cách sử dụng tiếng Pháp (luận án trình ở một đại học ở Bỉ thì phải, viết bằng tiếng Phap). Nhưng chẳng thấy NVT nói gì public (còn riêng tư thì theo NVT là có, và sau này tái bản cuốn Hố Thẳm phần phụ lục là bài phê bình ấy bị bỏ đi .. )

    Cuối tuần ghé bạn thăm và góp tí cho vui. Chúc bạn cuối tuần vui, khỏe nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn sự bày tỏ quan điểm của bạn Khung K,
      vâng, mọi cái là ' chỉ đọc và cười vui'
      đúng là ý của LB.
      Chúc tối vui

      Xóa
  10. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  11. Chiều cuối tuần vui vẻ chủ nhà nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn TVQ, LB mới đi cả ngày về, chúc tối vui.

      Xóa
  12. NM qua thăm LB nè, chúc LB đêm an giấc nhé! (NM đọc cả bài viết của LB, cả comment và repl nữa nhưng không có ý kiến gì, hi hi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cô giáo đã ghé nhà nghen, lâu ngày quá, chúc tối ngọt ngào.

      Xóa