Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

509. Ăn Tết ở Việt Nam

CHÚC CÁC BLOGGER TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI HƯỞNG MỘT MÙA TẾT ĐẦM ẤM, VUI VẺ VÀ AN BÌNH.

LTS: À, để tránh bài viết trông… quá dài, LB đã dùng Font chữ ‘nhỏ’, và để đọc chữ ‘to’, các bạn có thể dùng ngón tay trái, giữ nút ‘Control’, rồi dùng ngón tay phải, lăn cái vòng (trên con chuột) lên hoặc xuống, chữ sẽ to nhỏ tùy ý. Thân ái.
À, còn nữa, để tham khảo thêm, các bạn có thể đọc entry 'Tết xưa và nay' nhé:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/311-chuc-mung-nam-moi-tet-thoi-xua-va.html 

ĂN TẾT Ở VIỆT NAM: CHUYẾN XE BẮT ĐẦU
Hạ về nắng lượn trước sân
Thu về hoa lá dập dành dưới mưa
Đông về băng giá có thừa
Xuân về một thoáng tiếng xưa rụng rời
(NGLB)
Bài viết này gồm có: 1. Không khí Tết ở chợ Bà Chiểu, 2. Uống cà phê ở Sài Gòn trước Tết, 3. Chuyện ở Sân bay Tân Sơn Nhất…, 4. Hắn đặt chân đến Tây Nguyên, 5. Tôi có hỏi người dân, 6. Tết ta và Tết Tây!, 7. Gia Lai và chuyện tình ‘kiếm hiệp’, 8. Kon Tum và cô đơn, 9. (còn tiếp)...
Tối 12/1/2014
1. Không khí Tết ở chợ Bà Chiểu (Sài Gòn)
Ba món dưa muối trong ngày Tết 3Cách đây vài hôm, LB ghé một quán tạp hóa, thấy một chị mập ơi là mập, người miền Tây, đang phơi củ hành bóc vỏ trong một cái mâm, LB mới hỏi:
-Chị phơi cái này làm gì vậy?
Mới hỏi xong, LB chợt 'ngộ' ra:
-À, cái này chị làm món 'cụ kiệu' để chuẩn bị Tết phải không?
Chị ta vui vẻ nói 'ừ'. 
Rồi sang một quán khác, LB lại gặp một anh, cũng người miền Tây, thấy có một cái bọc giống như một củ hành to, bọc bằng giấy kính (giấy gương), có cột nơ phía trên, ở bên trong có một chai rượu, mấy bịch bánh kẹo, mức và hạt dưa, mỗi phần trị giá từ 100-200.000 đồng. Té ra là các công ty tư nhân đã chuẩn bị sẵn quà Tết 'trọn gói' và phân phối đến các đại lý để các gia đình mua về làm quà tặng bà con, bạn bè hay đồng nghiệp. Anh ta vừa cười, vừa tiếp thị và nói:
-Không khí Tết đã bắt đầu.
Nói thêm là, ở Sài Gòn (hay miền Bắc), nếu tặng cà phê (Trung Nguyên chẳng hạn) thì hơi bị 'vô duyên', vì dân Sài Gòn hay dân miền Tây thường thích ra ngoài uống cà phê đá ở các quán bên đường và tụ tập nhậu lai rai từ 3-4 giờ chiều đến 10-11g tối! Xin bật mí một tí, ở miền Nam, có món trà Ô Long rất ngon, nhưng chưa phổ biến, còn người Bắc sống ở SG, nếu muốn dễ tìm món trà Bắc 'búp bùm bụp, chát chàn chạt, xít xìn xịt' thì hãy qua cầu Bình Triệu, đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ Kha Vạn Cân, rẽ phải chừng 1km, các bạn sẽ thấy bày bán đủ các loại trà Bắc loại 1, loại 2, loại 3, giá từ 20-40.000 đồng/lạng.
Ở SG, đặc biệt là các sinh viên/cán bộ đến từ các tỉnh, đã và đang chuẩn bị tích cực mua vé để về quê ăn Tết, thường phải mua vé xe giường nằm (máy bay, tàu hỏa) cách đây 1-2 tháng, nếu không thì có nguy cơ phải đi 'xe dù' và phải ra đứng ở cây xăng chờ đi vé 'nằm sàn xe': vâng, không khí Tết đã bắt đầu.
Ngày 13/1/2014
2. Uống cà phê ở Sài Gòn trước Tết
Dĩ nhiên hầu như ai cũng biết các quán cà phê ‘xập xình’ ở quận 1 hay quận 3, chủ yếu là dành cho thanh niên và trung niên, và ở các nơi đó, các bạn có thể dễ dàng ‘cải thiện mắt’ bởi các em cẳng dài đẹp mê hồn; lãng mạn hơn là ở các vùng ngoại ô quận Gò Vấp với những quán cà phê vườn (như ở Ban Mê Thuột) mà tối có thể nhìn lên cả bầu trời sao nhấp nháy và rất phù hợp cho những đôi tình nhân tâm sự. Nhưng lý thú nhất, có lẽ là uống cà phê ‘cóc’ ở các quán bình dân nằm ở trong các đường hẽm chi chít khắp Sài Gòn.
…Và thế là LB chui vào một đường hẽm (gần khu Đa Kao), tại đây, LB đã hỏi nhiều ‘hai lúa’ với cùng một câu: ‘Anh/chị chuẩn bị Tết gì chưa?’, sau đây là các câu trả lời của họ:
-Năm nay kinh tế  khó khăn quá, làm chỉ đủ ăn, không để dành được.
-Làm ăn không được gì hết.
-Về quê mới chuẩn bị Tết.
-Còn bận lắm, đi làm hoài à…
...Ở quán cà phê, LB còn đọc được báo Tuổi trẻ, có đăng bài ‘Chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ’ của TS Phạm Duy Nghĩa (báo Tuổi trẻ, 13/1/2014, trang 3), viết tốt, ví dụ: '...Tham nhũng có tội không chỉ ở chỗ ăn đi phần nhiều miếng bánh phúc lợi mà còn tước đi cơ hội của hàng triệu người, chuyển nguồn tài nguyên tích cóp của tổ tiên sang tay cho các ông chủ trong nước và nước ngoài. Điều chua xót nó nằm ở chỗ đó!', các bạn tìm đọc cho... vui nghen.
Cũng xin nói thêm, năm vừa qua, ở VN, có nhiều doanh nghiệp thu nhập ‘âm’, cụ thể là có 61000 doanh nghiệp phá sản (năm 2011 là 53000, năm 2012 là 54000, theo báo Thanh niên, 13/1/2014)... Nói chung, người dân vẫn làm ăn bình thường, chưa có dấu hiệu chuẩn bị Tết, nhưng, trước mắt, LB có cảm giác rằng họ có vẻ không phấn khởi lắm... 
3. Chuyện ở Sân bay Tân Sơn Nhất…
Thời buổi này, lạc hậu kiểu ‘cộng đồng’ cũng mệt, mà hiện đại quá đôi khi cũng… mệt. Ở Sân bay Tân Sơn Nhất, xếp hàng làm thủ tục mất 10-15’, xếp hàng chờ qua cửa ‘an ninh’ hết 20-25’ (nếu trước bạn có 30-40 người), đau tim quá trời, lại bị ‘phải cởi hết đồ ra’ (áo khoác, nịt, ví tiền, ĐTDĐ, bút, chìa khóa, thuốc lá, quẹt ga…), đây là lời nói đùa của một ông về Hà Nội ăn Tết, đứng bên cạnh...
Nói chung, ở tầng 1, tầng 2, hay trên máy bay, (các) bóng hồng đều được liếc, nhưng thường thì người không có nhiều thì giờ để liếc... Có nhiều hãng máy bay như Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar… Hình như ghế trên máy bay Jetstar có chật hơn một chút so với các máy bay của các hãng khác (cẳng dài ngồi cảm thấy khó chịu tí), và trên máy bay, đọc cuốn tạp chí của hãng, LB chôm được một cụm từ là ‘Women - leaders of the year’ (tạm dịch, ‘Phụ nữ - nữ hoàng của năm’) và một từ mới là ‘pork rolls' (giò chả), ngoài ra còn gom được một công thức là ‘Cơm cá sốt chua ngọt + 1 Sting = 60000 đồng’, hihi…
LB rất… may mắn, đó là lần nào bay cũng được gặp ‘tiên nữ’, lần này cũng vậy, trên chiếc máy bay Airbus của hãng Jetstar, có một tiếp viên (hướng dẫn cách mặc áo phao…), nàng có khuôn mặt thu hút như Củng Lợi thời trẻ, nhất là cong ơi là cong, làm cho đến giờ, LB vẫn còn… nhớ, hihi…
Trước đây, trung bình một tuần LB bay khứ hồi HN-SG một lần, nay ít bay hơn, nhưng lại thấy có cảm giác hơi sợ... chết và không thích đi làm xa nữa. Nhưng LB tự an ủi rằng:
-Có hàng ngàn chuyến máy bay, mắc gì mà phải lựa chuyến ta đi để mà… rớt!, mà dẫu nó có… rớt thì có sao đâu, chỉ vài tích tắc sau là ta không còn biết gì nữa: hết buồn, hết khổ, hết yêu đương.
Thực ra, trong số những người sắp chết, có khoảng 10% là biết trước, chấp nhận hay hiểu là sẽ như vậy, nên họ bình tĩnh, còn 90% còn lại là sợ chết và suy nghĩ lung tung, thậm chí cho cái chết là một cái gì đó vô cùng ‘khủng khiếp’, chính cái 90% này là vùng đất màu mỡ để ‘thần thánh’ có công ăn việc làm, hihi…
Và trên máy bay, có một ông để cái cặp laptop trên đùi, cô tiếp viên mới bảo ông ta bỏ xuống dưới ghế ngồi, ông ta chấp hành, nhưng vừa cười vừa nói:
-Trong đó có hình của người yêu, nên tôi phải giữ bên mình, sợ mất.
Và đây là câu nói đùa hay nhất trong ngày…
Ngày 14/1/2014
4. Hắn đặt chân đến Tây Nguyên
'Chiếc máy bay hơi rung lắc lúc mạnh lúc nhẹ khi chui vào những đám mây. Hắn cũng nhớ lại chuyện những đám mây khi hắn viết về ‘Kỷ niệm Hà Nội’. Những đám mây trôi bàng bạc lơ lửng như đang thể hiện cuộc nhân sinh. Có vô số phân tử hơi nước trong những đám mây kia. Hắn thừa biết một ngày nào đó không xa, mình sẽ tan biến thành mây khói và một mai điều đó xảy ra thì hắn chắc chắn không thể xác định mình sẽ là một phân tử vô danh trong đám mây nào nữa.
Hôm nay hắn bỗng nhiên có nhiều rung cảm. Nhìn thấy bầu trời Ban Mê, thấy những núi đồi chập chùng với màu xanh của ao hồ sông nước, thấy những rừng cao su ẩn hiện đó đây, thấy những ô cà phê ngăn nắp có nhiều hàng cây tràm chạy song song với hoa vàng nở rộ, hắn lắng nghe chính mình bỗng thấy quả tim rung động từng hồi nhè nhẹ, một tí xúc cảm ươn ướt nơi khóe mắt, một cái cảm giác hạnh phúc mơ hồ mà hắn không thể nào mô tả nỗi: hắn sắp về đến Ban Mê Thuột!'
(NGLB)
Ui, hắn đã ngồi uống cà phê ở một quán đối diện vườn điều.
Trước đó, hắn đã chạy xe máy trên một đường phố ở Ban Mê, quả đúng là 'đường mây rộng thênh thênh cử bộ' (thơ Nguyễn Công Trứ), thấy 'phẻ' cả người. Hắn định đến nhà một blogger để 'chém gió' chơi, nhưng lạnh quá, đóng cửa vào nhà, mà vẫn còn thấy... run, nên thôi.
Ngồi đây, ngắm rừng điều toát lên một cái gì đó rất là tĩnh lặng và 'tự do tự tại', hắn thấy Ban Mê quả là 'thiên đường', mặc dù người ta nói ở Tây Tạng có một thiên đường trên trần thế gì đó (Cửu Trại Câu). 
Trong quán cà phê, có khoảng 10 người, trước mặt hắn là 4 người: 2 người Kinh và 2 người dân tộc, họ đang ngồi nói chuyện với nhau rất thoải mái. Thiết nghĩ, gọi là người 'dân tộc' cũng chả sao, miễn sao ta thực lòng tôn trọng họ, hắn nhớ, có lần, có một người bạn nói không có dấu là: 'tôi là cái người 'dan toc', còn hắn nghe ca sĩ Phương Thanh - lúc tâm sự về vụ 'ca sĩ Siu Black phá sản' - đã dùng chữ 'Đê' hay 'Thượng' để nói về họ, hắn cảm thấy 'không thích' những từ như vậy. À, cách đây mấy tháng, trong một đám giỗ, hắn có gặp một người (bà con của anh Y Moan hay Y Giắc gì đó!), thấy anh ta ăn nói có vẻ hơi... ngại, vì chung quanh anh toàn là người Kinh có địa vị xã hội cao...
Đại thể, quán cà phê 'bình dân' này có 3 loại người: người dân tộc thì mặc áo màu đậm hơn và có 'sọc', người miền Nam hay miền Tây thì ăn mặc xuề xòa hơn, áo sơ mi rộng, bỏ ngoài 'thùng', mang giép da hay giép 'tông', còn người miền Bắc thì nai nịt gọn gàng, áo bỏ trong 'thùng' (nếu không đeo nịt thì họ phê bình là 'giống như cởi truồng', thiệt).
Cũng tại quá cà phê này, người ta mở nhạc Đàm Vĩnh Hưng và nghe anh ta hát: 'Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng' (Trịnh Công Sơn), không xét đến cá nhân anh, riêng trong cái không gian nhỏ này, Đàm đã thắng ông Nguyễn Ánh 9 với tỉ số là '1-0', hihi... 
Còn cái cô gái bán cà phê này, nhìn kỹ thì thấy rất 'cong', chị của cô ta càng cong hơn, hắn hỏi: 'Em chuẩn bị Tết chưa?', nàng trả lời:
-Ba mươi Tết, em sẽ về huyên Krông Bách (Krông Pắc) ăn Tết, đến mùng 5 hay mùng 6, em mới lên...
Hắn nói:
-Thế thì Tết này anh uống cà phê với ai, híc.. híc...
Ngày 15/1/2014
5. Tôi có hỏi người dân
Tôi có hỏi người dân ‘chuẩn bị Tết gì chưa?’, họ nói ‘nay siêu thị có đầy hàng, có gì đâu mà chuẩn bị, khoảng 27-28 Tết đi mua sắm cũng được rồi', nghe cũng có lý.
Tôi có hỏi người dân ‘viết về chủ nghĩa M. được không?’, có người nói ‘ông M. là người của công chúng, nên dĩ nhiên là ta có quyền phát biểu cảm tưởng…’. Tôi có hỏi người dân khác câu hỏi tương tự, anh ta nói ‘đây là vấn đề nhạy cảm, ta không nên nói…’.
Tôi có hỏi tôi và nghĩ rằng ‘ở VN, nói chung là ai cũng biết điều này, thường là trước 20 tuổi, cho đến tuổi tri-thiên-mệnh, mà nếu không nói gì về nó, thì tư tưởng của xã hội sẽ đứng yên tại chỗ sao!, xã hội muốn phát triển thì cần phải có sự phản biện', đúng hôn?
Tôi có hỏi người dân, họ nói ‘bây giờ sống có sướng, nhưng thấy sao sao ấy’, tôi mới hỏi ‘thấy sao sao ấy là sao?’, họ trả lời đủ thứ, tôi biết rằng đây là một câu hỏi rất khó mà trả lời một cách (tương đối) hoàn chỉnh.
Tôi có hỏi người dân về bài phát biểu đầu năm của Thủ tướng, rất ít người biết, và ‘miễn bình luận’.
Tôi lại có hỏi người dân về ‘vụ ông TD Nhất’, ít người biết, về ‘vụ ông TM Hảo, HN Chênh’, rồi 'Huyền Chíp', 'nhà thơ thần-thiền'..., hầu như không ai biết, nên cũng ‘miễn bình luận’.
Tôi có hỏi người dân về ‘vụ ông Dương Chí Dũng’, có người nói ‘đã xử, bị xử tử hình, đã đăng trên báo’, có người nói ‘ta mới biết các sự kiện đàng trước ‘cánh gà’, có người nói ‘nếu ông Bao Thanh Thiên mà sống lại thì cũng phải kêu bằng cụ’…
Tôi có hỏi người dân, có người nói ‘chết bây giờ hay chết 20-30 năm sau cũng vậy thôi, đời là ‘hư ảo’, tôi nghĩ rằng đây là một câu trả lời ‘thông thái'.
Tôi có được cô pé Happiness hỏi thăm (trên mạng), tôi mới trả lời rằng ‘cô pé ơi, LB sẽ không xuất hiện trên giang hồ nữa, LB sẽ không… gặp ai nữa, chúc cô pé hạnh phúc’.
Tôi có hỏi tôi, hình như tôi thích nhân vật Sở Lưu Hương (trong truyện kiếm hiệp của Cổ Long), anh ta có trí tuệ siêu phàm, đấu tranh kiên cường với các hiện tượng trong xã hội và rất đào hoa…, mà tôi bị thiếu nhiều lắm, nên nhiều lúc tôi cảm thấy rất… mặc cảm, nên tôi thầm nhủ là ‘hẹn kiếp sau’, hỡi các thiên thần bé nhỏ!
Và tôi cũng có hỏi tôi là ‘tôi viết cái gì?, tôi viết những điều mà tôi nghe được từ người dân, mỗi lần viết mỗi khác, và đề tài là vô tận...
Ngày 16/1/2014
6. Tết ta và Tết Tây!
Đáng lẽ tiểu đề ‘Tết ta và Tết Tây’ này, LB định lấy tên là ‘Tại sao lại phải hỏi ông Võ Tòng Xuân và ông Dương Trung Quốc?’ (rồi Phạm Chi Lan, Trịnh Hòa Bình, Hà Đình Đức, Nguyễn Anh Trí… hay ai đó nữa). Cách đây mấy năm, người ta có hỏi ông Xuân, rồi mới đây, người ta lại hỏi ông Quốc, là ‘có nên kết hợp Tết ta và Tết Tây làm một không?’, LB cảm thấy hơi... buồn (xin lỗi), tại sao mấy chuyện này lại phải hỏi mấy ông ‘nhà-gì-học’, hãy hỏi lão bá tánh ấy, Tết là của lão bá tánh chứ không phải của mấy ông ‘nhà-gì-học’ (mặc dầu đa số họ chọn Tết ta), hihi...
Nghe nói Nhật đã ‘xài Tết Tây’ từ năm 1873, mà trên mạng người ta đã nói vấn đề này quá nhiều rồi, LB chỉ có một câu thôi: ‘Tưởng ta học Nhật cái gì, té ra là học cách ăn Tết!’, híc.. híc...
Nghe nói Tàu vẫn ăn Tết là 7 ngày (31/1 đến 6/2/2014), mà không nghỉ ngày 30, LB chỉ có một câu thôi: ‘Tàu có việc của Tàu, ta học ‘Tứ thư ngũ kinh’ chưa chán sao?’.
Nghe người ta nói ‘cường quốc năm châu’ hay ‘võ lâm ngũ bá’ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật gì gì đó, LB chỉ có một câu thôi: ‘Việt Nam là Việt Nam’.
Việc quan trọng nhất, có tính chất sống còn, là vấn đề ‘tham nhũng’, hãy nói đến nền đạo đức ‘gốc’ và nền giáo dục ‘gốc’ trước khi nói đến khoa học, vì ‘chúng’ văn minh và hiện đại hơn bất cứ một thứ khoa học nào khác, ta sẽ không có hạnh phúc nếu ai đó có vài ngàn tỉ mà lại có con cái mất... đạo đức và vô... giáo dục, phải hôn các bạn? 
Tóm lại, ta yêu cái 'nồi bánh tét bánh chưng’ của ta, ta yêu cái ‘thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ’ của ta, ta yêu cái 'thời thơ ấu mà tổ tiên, ông bà đã truyền lại cho ta’, ta yêu cái 'linh hồn Lĩnh Nam chích quái’ của ta, ta yêu cái 'âm hưởng 'Tết ta' trong nhạc tiền chiến, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến’ của ta…, ta sẽ không bao giờ phản bội tình yêu đó, và cả thế giới sẽ yêu cái tình yêu đó của ta, và có vô số người nước ngoài đã, đang và sẽ mê say về cảnh đẹp ‘nông thôn’ của ta đó:
‘Trên đường đi, mình thấy mấy người Pháp bảo ‘dừng lại’, rồi họ say mê chụp hình mấy con trâu đang gặm cỏ trên những cánh đồng lúa đã gặt: mênh mông, dưới ánh chiều tà, gió đồng thổi mát rượi và (vào lúc đó) vắng tanh không một bóng người, nhìn khuôn mặt họ rạng rỡ như là trong đời họ chưa bao giờ thấy một cảnh đẹp tuyệt như vậy: vâng, đó là ‘thiên đường’.
Thiên đường thì ở đâu cũng có, đặc biệt là, ở Việt Nam có rất nhiều ‘thiên đường’.
(NGLB)
Và:
Ngày ấy tôi thăm chốn quê xưa
Ngọn núi xa xa thoáng thoáng mờ
Có cô gánh nước bên bờ giếng
Một giấc mơ qua hiện bóng người
Nhớ em nhớ về con sông nhỏ
Nhớ mấy hàng cau, mấy gốc dừa
Bao năm xa cách, nghe nàng chết
Để lại tình tôi, những giọt mưa…
7. Gia Lai và chuyện tình ‘kiếm hiệp’
Sở dĩ LB dùng từ ‘kiếm hiệp’ vì Gia Lai là một trong những tỉnh chịu rất nhiều biến động thăng trầm lớn nhỏ của lịch sử Tây Nguyên.
Trước 1975, Gia Lai đã được giới học sinh/sinh viên biết đến với các câu ‘Tôi có người yêu chết trận Plei-me’, ‘Tôi có người yêu chết trận Chu-prong’, ‘Người chết hai lần, thịt da nát tan’ (Trịnh Công Sơn), ‘Đi dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nao, lòng bỗng bâng khuâng… Em Pleku, má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…’ (*) (Vũ Hữu Định/Phạm Duy)… Sau 1975, từ Ban Mê, muốn qua Gia Lai thì phải qua Buôn Hồ, vào ban đêm lạnh ơi là lạnh (vì hồi đó còn trống hốc à), còn đoạn nối giữa Buôn Hồ và Ea H'Leo (cây số 82) thì, ôi, vào đêm, đường ngoằn ngoèo, sương mù phủ trắng xóa, ‘xe’ chả thấy gì hết, phải bò từng mét một… Ngày nay, ngoài việc nổi tiếng với cao su, gỗ, tiêu, mía đường hay cà phê, Gia Lai càng được biết đến với cụm từ ‘Em Pleiku, má đỏ môi hồng’, ‘đi năm phút, đã về chốn cũ’, ‘đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy’, rồi ‘buồn thay thị xã Plei, Ku… biết ngày nào lên’ (câu nói đùa), ‘Hoàng Anh-Gia Lai’, ‘trường trung cấp Lâm Nghiệp Tây Nguyên’… Giống như Daklak, Gia Lai cũng là một ‘hợp chủng quốc’ mà tụ tập người đến từ các miền Nam, Trung, Bắc, ngoài người bản xứ (Gia-rai, Ba-na…), có rất nhiều người từ Nghệ-Tĩnh, Bình Định, Phú Yên… đến làm ăn và định cư tại đây.
Pleime là một địa điểm cách phía Nam Pleiku khoảng 40 km. Chuprong ở thung lũng Ladrang, cách phía Tây nam Pleiku khoảng 30 km. Chết hai lần là vì người chết sau khi chôn xong lại bị (bom đạn) cày lên, nên gọi là chết hai lần (Nguồn: Google).
…Vào khoảng những năm 1990, Gia Lai là thủ phủ ăn chơi của Tây Nguyên với mốt nhà mái Thái lây lan sang tận Ban Mê… Ở ngoại ô Gia Lai (bán kính > 5km, tính từ trung tâm), có nhiều khu dân cư, nhà mọc thưa thớt hai bên những con đường đất đỏ (có thể tráng nhựa), mỗi nhà cách nhau khoảng 100m, đa số nhà thường có dàn Karaoke, họ rất mến khách và thích hát Karaoke + uống bia ‘Sài Gòn trắng’... 
Ngoài ra, GL có vài món ăn rất ấn tượng là ‘bún cua’ (có mùi hơi thum thủm và rất… hấp dẫn), mắm tôm chiên (trông giống như trứng gà chiên, màu đậm), và nhất là ‘phở khô’ (phở riêng, thịt bò/nước lèo riêng)…
Gia Lai cũng là một trong những tỉnh mà LB đi công tác nhiều lần, đã từng ăn Tết và có rất nhiều kỷ niệm ở đó... Có nhiều ‘nam thanh nữ tú’ (nhiều người ham ‘nghề lao động phổ thông’ mà bỏ học sớm), đặc biệt là các người đẹp Gia Lai chạy xe máy nhanh nhất-nhì VN, hihi…, hát Karaoke rất tốt, tính tình phóng khoáng và dễ làm quen, nhưng rất khó phân biệt các nàng là người miền nào, vì họ thường mặc quần áo Jean, ‘tíc-kê’ hay ‘quần lửng + áo thun’, mà trong vòng 15 phút, một nàng có thể nói tiếng miền Bắc, rồi bất chợt đổi ra tiếng Nam-Ngãi-Bình-Phú, rồi nổi hứng đổi sang tiếng Nghệ-Tĩnh…
Các bạn hay đến Gia Lai để tận mắt chứng kiến ‘đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy’ nhé...
8. Kon Tum và cô đơn
Chiếc xe ô tô chạy thêm khoảng 60km và đã đưa mối tình của LB từ Gia Lai sang Kon Tum.
Kon Tum có nghĩa là ‘Làng hồ’ (Kon = làng, Tum = hồ, ngôn ngữ dân tộc Ba Na). Nhớ đến Kon Tum là nhớ đến Cầu Đắk Bla, Nhà thờ Gỗ, Khu rừng thông ‘thiên đường’ Măng Đen (Huyện Kon Plông), Cửa khẩu Bờ Y/Ngã 3 Đông Dương (biên giới huyện Ngọc Hồi)…
Nhưng nếu LB kể ‘chuyện Tết’ ở Kon Tum thì cũng hơi giống Gia Lai, phải hôn?, vậy để thay đổi không khí, LB xin kể chuyện ‘có thật 100%’ nghen.
http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/03/29-co-on.html
Cô đơn
Ai nói nghe có lý ghê: ‘Nơi lạnh nhất không phải ở nam cực mà ngay trong trái tim của chính mình’.
…Cuối mỗi buổi chiều làm việc, hắn hầu như hết năng lượng, đi như lết về khách sạn, vội vã cởi tất và áo quần, bật máy điều hoà, lập tức nằm vật xuống giường. Có nơi, phòng ngủ của hắn gần một cái cửa sổ nhìn về hướng ruộng đồng. Gần 2 tiếng đồng hồ, hắn ngắm nhìn ánh chiều tà tắt dần, nhìn làn khói lay lắt bốc lên từ bếp của những người nông dân, thỉnh thoảng nghe tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy bậy đâu đó ... Nỗi cô đơn như làn khói chiều lén lén vào hồn hắn, từ chỗ mỏng manh đến dầy đặc. Cái đầu hắn thì nặng chình chịch với đầy rác rưỡi sau một ngày làm việc mà tâm hồn ban đầu thì rỗng tuếch, rồi dần dần giá lạnh như tảng băng nhưng trong đầu lại tích tụ đầy tâm ma đủ loại… Đến đó thì hắn bế tắc, lúc đó hắn cũng rất dễ bị ma cái hút lắm.
…Cứ như vậy, hắn chờ từng 5 phút, rồi từng một phút, không có cái gì thay đổi cả. Rồi hắn thử hình dung ra bên ngoài xã hội, hắn bỗng thèm chảy nước miếng được như thiên hạ. Giờ này thiên hạ đang tham gia hội chợ phù hoa một cách say sưa. Các con thiêu thân đang lao mình vào bóng đèn ảo ảnh một cách cuồng nhiệt. Các cô gái ‘ấy ấy’ đang hau háu mắt trong các cửa hàng shopping hay lao mình vào những điệu ‘nhảy’ điên cuồng. Các bà thì có thể mắt xem ti vi còn miệng đang nói chuyện ‘ba con vịt’ một cách đam mê. Các ông thì đang ‘vểnh dái’ ra nằm xem ti vi hay nói phét văng cả nước miếng ra ngoài. Các đôi tình nhân đang quay cuồng rên rỉ trong các vũ điệu đực cái. Các triết gia, nhà khoa học đang cho ra đời những luận cứ, có thể, vu vơ. Các nhà văn nhà thơ đang tích cực sản xuất ra, có thể, hàng giả. Các tay làm ăn kinh tế đang mai phục để ngay tối nay hay ngày mai, có thể, ‘đớp’ tiền của người khác.
…Có lúc hắn nhớ lại một chuyện phim, có một người đàn ông cô đơn tuyệt đối đang lang thang trên bãi biển, bỗng nhiên gặp một người đàn bà cũng cô đơn tuyệt đối đang lang thang trên bãi biển, hai người gặp nhau, hai cái cô đơn gặp nhau nên cảm thông với nhau… rồi hai người yêu nhau...
Chuyện chỉ có trong phim, làm gì có mà mong!
(NGLB)

9. (còn tiếp)

28 nhận xét:

  1. Nói thêm là, ở Sài Gòn (hay miền Bắc), nếu tặng cà phê (Trung Nguyên chẳng hạn) thì hơi bị 'vô duyên', vì dân Sài Gòn hay dân miền Tây thích uống cà phê đá ở các quán bên đường và tụ tập nhậu lai rai từ 3-4 giờ chiều đến 10-11g tối! Xin bật mí một tí, ở miền Nam, có món trà Ô Long rất ngon, nhưng chưa phổ biến, còn người Bắc sống ở SG, nếu muốn dễ tìm món trà Bắc 'búp bùm bụp, chát chàn chạt, xít xìn xịt' thì hãy qua cầu Bình Triệu, đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ Kha Vạn Cân, rẽ phải chừng 1km, các bạn sẽ thấy bày bán đủ các loại trà Bắc loại 1, loại 2, loại 3, giá từ 20-40.000 đồng/lạng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tết tặng chai nhẹ 2 lít đế Long An với ký khô sặt thôi anh Lá Bàng nhỉ.
      Gió chiều vi vút nhẹ xốn xang
      hoàng hôn trôi tím ngắt mênh mang
      Tìm qua sương ảo bóng hình nhỏ
      Như từ hẹn ước đón xuân sang.

      Xóa
    2. UI, BM làm thơ hay quá, có âm hưởng thơ Đường, còn LB thích làm thơ tự do, miễn sao có nhạc tính và cảm xúc mạnh là... được, hihi...
      Cám ơn muội nghen, ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
    3. Ui, BM ở Long An à, thế mà... cả đời không thấy mặt, híc.. híc...

      Xóa
    4. Tôi thường mơ mộng dáng huyền
      Chiều trong vườn vắng, cảnh tiên bỗng vào
      Ghế ngồi hai chỗ… xốn xao
      Người đâu không thấy, tím sa nước tình
      Đường trần vô cõi u minh
      Xa xa thấp thoáng bóng hình của ai
      Trên cao hoa nở miệt mài
      Dưới lao xao nước, bóng mây, tưởng… người.

      Xóa
  2. Coi bộ không khí Tết đã rộn ràng ở đâu đó và cả ở trong những bài viết của anh. Ngày hôm qua NT cũng chuẩn bị cho mình một cài Tết ê ẩm. Sáng sớm đi làm về bị chú choai choai mang báo đi giao sớm bằng xe gắn máy hit cho một cái văng xa 10 mét, tưởng chừng bắt tăm Tết nầy. May mắn sau khi định thần, nắm bóp kiểm tra từ đầu chí cuối thấy mình vẫn còn phây phây, dù có sứt mẻ chút ít.
    Ui, Tất ơi là Tết!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, may quá bạn NT à, nên làm một con gà để mừng hết lớn đi, hihi...
      LB thường khuyên mọi người là 'làm cái gì thì làm, nhưng tuyệt đối tránh TNGT', vì nó có thể làm ta hết được làm... người đóa.
      Chúc ngày mới tốt lành.

      Xóa
  3. Hạ về nắng lượn trước sân
    Thu về hoa lá dập dành dưới mưa
    Đông về băng giá có thừa
    Xuân về một thoáng tiếng xưa rụng rời
    .....
    Bốn câu thơ này của anh rất hay. Đang hồi hộp chờ đợi thiên phóng sự dài kỳ về chuyến đi ăn tết xuyên Việt của anh nè
    Chúc anh bình an và tràn ngập niềm vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, bạn TMC có năng khiếu cảm nhận thơ... rất tốt.
      LB có ghé Vinh, nhưng chưa biết là ghé có lâu không, bạn cho mình số đt thoại nhé (dán bên blog của mình), nhưng mình không hứa trước nghen, vì trên đường đi 'thân bất vô kỷ', hihi...
      Mình chia sẻ với cái lạnh ngoài đấy nhé, thân.

      Xóa
  4. Anh có dự định ăn Tết xuyên Việt sao LB? Có định ghé HN thăm MN không anh?
    Tết cận kề rồi, mà đúng là dân tình vẫn còn bình thản..Cuối tuần này Ngọc đem áo ấm, chăn ấm lên ủng hộ cái Tết lạnh thấu xương của HS và GV vùng biên giới! Có thể sẽ được ngắm Tuyết Lào Cai LB à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái đó là kế hoạch Nhớ à... LB đi đến chùa Hương thôi, vì lái xe trong khu vực HN rất phức tạp và rất dễ bị thẻ... vàng.
      Ỏ trong này cũng lạnh lắm, LB phải mặc áo len...
      LB gửi nắng ra ngoài đó cho Nhớ nghen, hihi...

      Xóa
  5. Lưu comt đt của GB, 20.03, 13/1 2014:
    …Chúc bài viết của anh luôn tràn đầy cảm xúc và luôn được người đọc mến mộ… em luôn đọc các bài viết của anh… chúc tối vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Lưu comt Nguyễn Thu:
    Theo anh về nhé, chốn 'sương sương'
    Đồi núi cong cong… lụy dáng nường
    Mơ theo tà áo… rơi triền dốc
    Tàn giấc mơ hoa, mỏi mắt buồn

    Trả lờiXóa
  7. Lưu comt Giáo Làng:
    Chiều nay tôi thử vòng quanh phố
    Xem thử người ta... 'Tết' cái gì?
    Họ bảo siêu thị… hàng đủ thứ
    Chỉ thiếu món là... không có em.

    Trả lờiXóa
  8. MT sàng tham , thấy anh chuẩn bị đón tết vui quá , cho MT xin 2 hộp cũ kiệu về anh tết anh nhé (hihi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da, ok niền, tím đem cái đó về bên Pháp ăn có ní nắm, hihi...
      Bên í vui nhìu nghen.

      Xóa
  9. hehe... đọc muốn chết mà đến câu cuối LB tự hỏi mình đang "viết cái gì?" Cái ông này khôn thí mồ lun vì những câu có vẻ tưng tửng mà thiệt ra là đầy ngụ ý. Rút ra được kết luận, ông LB thix... "cong cong"!? keke... Mà người "cong" cho đủ đô thì... hơi hiếm đó nhe ông anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì đàn ông ai mà không thít... cong,
      có điều bây giờ LB nười rồi,
      không thít chạy lung tung nữa,
      có gì vui nấy...
      Tối vui nghen GL.

      Xóa
  10. Dạo một vòng...
    Xem anh LB ăn tết vui nhộn zữ a! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. UI, Tết này thiếu BLT nên pùn, hihi...
      Ngày mới ngọt ngào nghen.

      Xóa
  11. Anh ăn tết từ Sài Gòn đến Tây Nguyên rồi sang cả Tây nữa mà không ghé thăm tết của Hà Nội sao anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. KH chưa chắc MTV à, có gì LB sẽ llạc nghen,
      ngày mới ngọt ngào

      Xóa
    2. Trời, oan cho anh, anh đâu có bận
      Suốt chiều này, anh trước cổng ngóng trông
      Một bóng hồng xa xăm nơi xứ ảo
      Biết làm gì, anh viết khúc cô đơn...
      Tối ngọt ngào nghen MTV.

      Xóa
  12. Lưu comt Trần Mính Châu:
    ...nếu anh đặt chân đến xứ Nghệ thì liên lạc với em nhé.

    Trả lờiXóa
  13. Lưu comt CTT:
    Úi chà, đôi mắt đam mê
    Đôi môi muốn cắn, đôi tay muốn... bồng.

    Trả lờiXóa
  14. Bao giờ bài viết của LB cũng rất ấn tượng, rất đặc biệt và phong phú. Đọc thì phải đọc kĩ và nghĩ rất nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, mỗi lần LB nghĩ ra đề tài mới viết được, và phải hợp với chủ đề chính nữa, khó nắm, híc.. híc...
      Cám ơn CTT, ngủ ngon nghen.

      Xóa