Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Vương Chiêu Quân là người Việt Nam!

 
LTS: Bài này được viết vào tháng 11/2012 với sự hỗ trợ tinh thần của blogger Lộc Vừng (phóng viên!, ở Hà Nội), nay tôi xin đăng tải để các blogger tham khảo cùng với phần bổ sung được viết vào tối hôm nay (ngày 10/7/2014). 
Thắt đáy lưng ong mới đậm đà
Đôi gò bồng đảo mắt ai sa
Bì bạch da trắng mùi nhân thế
Đáy mắt hồ thu, vũ trụ này.
Lúc 13h41, ngày 10/11/2012, blogger Cỏ Dại bình rằng: ‘sao không viết về VN đi anh’, mình mới tức cười và thầm nghĩ: ‘thì anh viết đang viết về VN đây’, vì thế mình viết về đề tài ‘Vương Chiêu Quân là người Việt Nam!’ cho vui. Bài này gồm có: 1. Vài nét về ‘Tứ đại mỹ nhân’, 2. Vương Chiêu Quân bên Tàu, 3. Vương Chiêu Quân bên Việt Nam, 4. Tam đại mỹ nhân!

1. Vài nét về ‘Tứ đại mỹ nhân’
Người Tàu thường tự hào là trong lịch sử của họ có ‘Tứ đại mỹ nhân’, trong đó ‘già nhất’ là Tây Thi và ‘trẻ nhất’ là Dương Quý Phi, được sắp theo thứ tự lịch sử như sau:
-Tây Thi, thời Xuân Thu (thời Câu Tiễn và Ngô Phù Sai), sinh năm 506 TCN (không rõ năm mất),
-Vương Chiêu Quân, thời Tây Hán, sống vào thế kỷ thứ 1 TCN (không rõ năm sinh, mất),
-Điêu Thuyền (truyền thuyết), thời Tam Quốc, sống vào thế kỷ thứ 3, (không rõ năm sinh, mất),
-Dương Quý Phi, thời nhà Đường, sinh 719-756.
Người ta thường dùng các cụm từ như ‘lạc nhạn, trầm ngư, bế nguyệt, tu hoa’, có nghĩa là ‘chim sa, cá lặng, hoa nhường, nguyệt thẹn’ để nói về 4 nàng, trong đó:
-Vương Chiêu Quân được phong là ‘Lạc nhạn’ vì ‘khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn ‘Xuất tái khúc’. Có một con chim nhạn bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất’ (theo newvietart.com).
-Tây Thi được phong là ‘Trầm ngư’ vì ‘khi cô giặt áo bên bờ sông, bóng cô soi trên mặt nước sông trong suốt làm cô thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy ảnh cô, say mê đến quên cả bơi, dần dần chìm xuống đáy sông’ (theo newvietart.com).
- Điêu Thuyền được phong là ‘Bế nguyệt’ vì ‘Điêu Thuyền bái nguyệt ở hậu hoa viên của Tư Đồ Vương Doãn, đại thần của Hán Hiến Đế thời Tam Quốc. Đột nhiên có một cơn gió nhẹ thổi đến, một vầng mây trôi che khuất mặt trăng. Đúng lúc đó, Vương Doãn bước ra nhìn thấy. Để khen con gái nuôi mình xinh đẹp như thế nào, Vương Doãn thường nói với mọi người rằng con gái mình đẹp đến nỗi trăng sáng nhìn thấy cũng phải trốn vào sau lưng mây’ (theo newvietart.com).
-Dương Quý Phi (hay Dương Ngọc Hoàn) được phong là ‘Tu hoa’ vì ‘Sau khi vào cung, Ngọc Hoàn tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kiềm được, buông lời than thở: ‘Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?’. Lời chưa dứt lệ đã tuôn rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại’ (xem entry Đường Thái Tôn, NGLB).
Ngoài ra, có một thi sĩ (Khuyết danh) đã làm 4 câu thơ liên kết các ‘thiên chất’ trên của các nàng như sau:
Tây Thi làm cá lặn
Chiêu Quân khiến chim sa
Trăng phải núp Điêu Thuyền
Hoa cũng nhường Qúy Phi

2. Vương Chiêu Quân bên Tàu
Về Dương Quý Phi, mình đã viết khá kỹ trong entry ‘Đường Thái Tôn’, về Tây Thi hay Điêu Thuyền sẽ nói trong một dịp khác, còn entry này chủ yếu nói về Vương Chiêu Quân.
Vương Chiêu Quân được nhiều người biết đến theo sự tích ‘Chiêu Quân cống Hồ’. Nàng có tên là Vương Tường, năm sinh năm mất không rõ, quê ở huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Nàng được tuyển vào cung khoảng năm 40 TCN, thời Hán Nguyên Đế (trị vì từ năm 49-33 TCN). Năm 33 TCN, theo quan hệ triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô (là một bộ lạc chiếm cứ một vùng đất rộng lớn thuộc Mông Cổ ngày nay), vua đã ban 5 cung nữ cho Thiền vu Hung Nô (là Hô Hàn Tà), trong đó có Vương Chiêu Quân.
Các đoạn kết về Vương Chiêu Quân không được rõ ràng. Có giả thiết nói rằng sau khi qua khỏi Nhạn Môn Quan, nàng gieo mình xuống sông tự vẫn. Có giả thiết nói rằng khi đến đất Hồ, nàng yêu cầu vua Hồ giết Mao Diên Thọ, rồi nhảy sông tự tử, xác trôi về Nam. Có giả thiết rằng nàng đến Hung Nô, được Hô Hàn Tà rất yêu quý, sinh được 2 trai và 1 gái, sau khi y mất, theo phong tục Hung Nô, nàng lấy tiếp con trai lớn của y và sinh thêm được 2 con gái, và sau khi chết, nàng được an táng tại vùng ‘Thanh Trủng’ (có nghĩa là ‘mồ xanh’), phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông.
Vương Chiêu Quân được xem như là một ‘đại sứ hòa bình’ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (đem lại hòa bình trong hơn 60 năm) và sau này nàng được rất nhiều danh sĩ ca tụng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạnh, Quách Mạc Nhược…

3. Vương Chiêu Quân bên Việt Nam
Chính vì Vương Chiêu Quân có tên là ‘Vương Tường’ mới nẩy sinh ra vấn đề, vì cũng vào năm 40 TCN, ở Việt Nam cũng có một tuyệt sắc giai nhân tên là Vương Tường được tuyển vào cung thời Hán Nguyên Đế.
Vương Tường quê ở làng Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (ngày nay). Hàng mấy trăm năm nay, người địa phương ở đây gọi nàng là ‘Bà Chúa Vương Chiêu Quân’, họ khẳng định nàng chính là ‘Chiêu Quân cống Hồ’, có đền thờ và tổ chức lễ hội ngày sinh và ngày mất của nàng hàng năm (12/3 và 13/12 Âm lịch).
Hiện nay dân làng còn lưu lại một cuốn sách mỏng cách đây mấy trăm năm, gọi là ‘Thần tích’, hiện để ở nhà ông Hoàng Ngọc Phin. Cuốn sách này được chép lại từ thời vua Lê Chiêu Thống (năm 1786) và có chỉnh sửa vào thời vua Khải Định (năm 1924).
Theo cuốn sách này thì vào thời nhà Hán, ở xứ Hạ, xưa gọi là phủ ‘Hạ Bát Đụn Tang’ (tám cái gò nổi lên ở xứ Hạ, tức là vùng Thái Bình), có viên Thái thú tên là Vương Hạ, vợ ông là Phạm Thị Dụ. Đêm 12/3 Âm lịch, năm 55 TCN! (cuốn 'Thần tích' không ghi rõ năm sinh), bà nằm thấy mộng đẹp, sinh ra quý nữ đặt tên là Vương Tường. Nàng học rất giỏi, đến năm 14 tuổi thì triển nở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp.
Đêm ngày 8/1 Âm lịch, năm 40 TCN, Hán Nguyên Đế nằm mơ thấy tiên báo mộng là có một kỳ nữ xuất hiện ở phương Nam, tại nhà quan Thái thú ở xứ Hạ. Ngày sau, vua kể lại giấc mơ với bá quan văn võ, hội ý, rồi cử một họa sĩ là Mao Diên Thọ đến xứ Hạ xem sao, nếu có thật thì vẽ hình kỳ nữ đó đem về. Quả nhiên, Diên Thọ gặp ‘tuyệt sắc giai nhân’ Vương Tường’ tại nhà quan Thái thú, nhưng nàng cứ ngồi đọc sách, không tiếp, mà chỉ vẽ một bức tranh chân dung của mình đưa cho Diên Thọ. Hán Nguyên Đế xem xong rất hài lòng, bèn truyền đưa nàng vào cung và đặt tên là Vương Chiêu Quân.
Năm 33 TCN, lợi dụng cơ hội Hô Hàn Tà xứ Hung Nô sang triều cống nhà Hán, Diên Thọ vì ‘thù vặt’ chuyện nàng không thèm tiếp khi y đến xứ Hạ, bèn đem bức tranh của nàng giới thiệu cho Hô Hàn Tà, cuối cùng, nàng bị vua ban cho gã họ Hô này.
...Đến thời vua Lê Ỷ Tông (1735-1740), Vương Chiêu Quân được phong là ‘Hiển linh tạ thuận thiên vi thái tỷ công chúa’ và được thờ ở phủ Bát Đụn Tang (Thái Bình). Trên 2 cột của đền thờ nàng, có 2 câu đối là:
Nam thổ giáng sinh phù đế mộng
Bắc phương tuyệt sắc hiển thần cơ
(Nghĩa là: Sinh ra tại nước Nam ứng với giấc mộng của nhà vua. Là bậc tuyệt sắc ở xứ Bắc hiển hiện do thần linh)
Và ngày nay, hậu duệ của Vương Chiêu Quân vẫn còn ở tỉnh Thái Bình...

4. Tam đại mỹ nhân!
Cuối cùng, đây là chuyện cần nghiên cứu đến nơi đến chốn. Có ít nhất hai chuyên gia về sử học là Lê Văn Lan và Nguyễn Hồng Kiên không nghĩ vậy (vì nếu có như vậy thì các sử gia phong kiến biết lâu rồi). Nhưng việc dân gian lập đền thờ Vương Chiêu Quân và lưu giữ 'Thần tích' là không dễ bác bỏ, đồng thời trong trong các trang web như ‘wikipedia.org’, ‘kienthuc.net.vn’ và 'nong nghiep.vn' có viết rằng: ‘Nhắc đến Vương Chiêu Quân, hẳn rất nhiều người biết đó là một trong ‘tứ đại mỹ nhân’ của Trung Hoa cổ đại. Nhưng tại một làng quê nhỏ vùng đồng bằng Bắc bộ (làng Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Việt Nam) cũng có một Vương Chiêu Quân mà đền thờ còn hiển hiện và Thần tích còn ghi rõ’.
Mình cũng khá tin việc này, vì thời đó, 'tỉnh Thái Bình' thuộc về quận Giao Chỉ của nhà Hán nên việc tuyệt sắc giai nhân Vương Chiêu Quân được tuyển vào cung là chuyện bình thường. Hơn nữa, chính lịch sử Tàu cũng không xác định được rõ ràng nguồn gốc xuất thân của Vương Chiêu Quân, lưu ý rằng nhiều khi các sử gia Tàu cũng 'phóng tác' nhiều chuyện rất mâu thuẫn, chẳng hạn Điêu Thuyền là một nhân vật không có thật trong lịch sử mà họ thêu dệt nên vô số chuyện!
Chân lý không thuộc về một số 'sử gia' mà thuộc về người dân, ví dụ:
Bà ngoại em (quê Thái Bình) cũng nhiều lần kể chuyện Vương Chiêu Quân ở Việt Nam đó anh’, chuyện như sau:
'Quê ngoại em đi qua huyện Thái Thụy. Khi em còn nhỏ, lúc bà đọc câu Kiều "Quá quan này khúc Chiêu Quân - Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia" trong "Truyện Kiều" - Nguyễn Du, bà nói Chiêu Quân này là nàng Vương Chiêu Quân ở quê mình đấy. Và bà kể câu chuyện cũng đại loại như tư liệu anh nêu ở trên. Bà cũng khẳng định là hồi trẻ bà từng đến đền thờ Vương Chiêu Quân nhiều lần. Sau này đọc sách, em biết chuyện về Tứ đại mỹ nhân của TQ nên nghĩ chuyện bà kể chắc là do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thôi. Nhưng khi nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du, em cũng có lúc lăn tăn với suy nghĩ: Cụ Nguyễn Tiên Điền đã từng sống 10 năm ở quê vợ (Thái Bình). Trong thơ Nguyễn Du có nhiều từ được dùng bắt nguồn từ cuộc sống và lao động của miền quê ấy. Ví dụ: "Một vùng cỏ áy bóng tà" - chữ "áy" đó chính là từ của vùng trồng cây cói làm chiếu nổi tiếng của Thái Bình, tả cỏ vàng úa. Vậy, phải chăng khi đó cụ Nguyễn cũng biết đến tích Vương Chiêu Quân ở Thái Bình?' (blogger Lộc Vừng).
-'Lúc đó Việt Nam mình bị Bắc thuộc mà hàng năm vẫn phải cống vàng và gái đẹp. Nên Vương Chiêu Quân là ngừơi VN cũng có thể chứ' (blogger Quế Hằng)...

Nếu đúng như truyền thuyết nhân gian nói trên thì Vương Chiêu Quân là người tỉnh Thái Bình, Việt Nam, và do đó, Trung Quốc chỉ còn có ‘Tam đại mỹ nhân’, nếu muốn có đủ ‘bộ tứ’ thì họ phải bầu thêm một đại mỹ nhân khác!

5. Phần bổ sung
Về chuyện Vương Chiêu Quân này, tôi có nêu lên 2 vấn đề (đã nói trong các entry trước):
-Tôi không đồng ý với cụ Nguyễn Du lắm (cười), vì ông đã viết ‘Truyện Kiều’ dựa trên một cuốn sách Tàu là ‘Kim Vân Kiều truyện’ của Thanh Tâm Tài Nhân, nó làm học sinh ta phải tìm hiểu các nhân vật Tàu như Từ Hải, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh…, mà vào thời của ông, khó khẳng định rằng ông đã sai vì hầu như cả xã hội phong kiến của ta (thậm chí cho đến... ngày nay) đều ‘sùng bái’ văn hóa Tàu!, nhưng vào năm 2014 với sự kiện Biển Đông nóng bỏng, học sinh ta đang học Truyện Kiều, ta thử hỏi ‘Thúy Kiều là người nước nào?’, trả lời ‘người Tàu’, trong khi đó, ngược lại, thử hỏi người Tàu viết văn/làm thơ thì họ có dựa vào truyện của VN không?, chắc chắn là không, ví dụ như truyện ‘Tây du ký’ thì từ Ngọc Hoàng Thượng Đế đến Thái Thượng Lão Quân, Lý Tịnh, Na Tra, Dương Tiễn… đều rặc mùi Tàu!, còn gần đây, Mạc Ngôn viết truyện ‘Phong nhũ phì đồn’ (Báu vật của đời, Nobel 2012) đã đưa ra các nhân vật chính như Lỗ Thị, Kim Đồng, Ngọc Nữ đều là người… Tàu!, đó là chưa kể những nhân vật trong truyện của Dostoievski như lũ người quỷ ám, anh em nhà Karamazov đều là người... Nga, trong phim/truyện của Mỹ như Batman, Robert, Superman, Spiderman, Lucky Luke đều là người… Mỹ, trong phim/truyện Nhật như Doremon, Teppi, Conan đều là người… Nhật, nói tóm lại là tuyệt đại đa số nhà văn/thơ trong nước (Đặng Trần Côn/Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng) và nước ngoài đều không làm như ông Nguyễn Du!
-Nói chung là tôi cũng không tin cậy vào các sử gia cho lắm… Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan (và một số nhà nghiên cứu khác) nói là ‘nếu Vương Chiêu Quân mà là người Việt Nam thì các sử gia phong kiến đã lên tiếng rồi’ (!), xin lỗi, lúc mà vua Lê Ỷ Tông ‘sắc phong’ cho Vương Chiêu Quân thì đó hình tượng ‘Tứ đại mỹ nhân’ chỉ có ảnh hưởng trong lão bá tánh Tàu mà thôi, chứ nó không có ảnh hưởng sâu rộng trong các cộng đồng ở nước ta, và chưa có đẳng cấp quốc tế (cũng chưa có thi hoa hậu) nên không có gì đáng để cho các sử gia phong kiến quan tâm lắm; ngoài ra, mặc dù Nguyễn Du có vợ ở Thái Bình, nhưng trước đó ông phải tụng niệm ‘tứ thư ngũ kinh’ của Tàu, sẵn có ‘cảm tình’ với Tàu, lại được cử đi sứ sang Tàu để… kết giao, rồi ông gom được một cuốn truyện Tàu… ‘vĩ đại’ để về nhà mà… phổ thơ cho vui, thế thì làm sao mà ông để tâm đến chuyện Vương Chiêu Quân! (xin nhắc lại, cái này cũng không phải là lỗi của ông).
Nhưng bây giờ, đến thời đại Biển Đông, thời đại 2014, thì việc lấy một hình tượng Tàu để đưa cái thăng hoa Việt vào đó là rất... không ổn, việc đưa nhiều công nhân Tàu vào làm dự án trong địa phương nào đó là… gần đâu đó, vì thiết nghĩ là hầu hết các blogger đều biết về tính nguy hiểm của âm mưu Đại Hán vô hình, tính nguy cơ của việc chọn lựa bóng hồng Helen vô ích, và tính nguy biến của việc đưa con ngựa của Athens vào thành Troia vô ý…

---------
*Chú thích:
-Helen: Ngày xửa ngày xưa, trên Thiên đình có 3 nữ thần đẹp nhất, đó là: Thiên hậu (hay Hera), nữ thần Athena và nữ thần Venus (hay Aphrodite). Thiên hậu là vợ của Thiên đế (hay thần Jeus), Athena là nữ thần trí tuệ (và bảo vệ hòa bình cho thành Troia sau này) và là con của Thiên đế, và Venus là nữ thần tình yêu. Trong một bữa tiệc chiêu đãi do Thiên đế tổ chức, có sự tham dự của cả 3 nữ thần, ngoài ra còn có một vị nữ thần là thần ‘Bất hòa’ (vợ của thần Chiến tranh Arex), bà ta đã ném vào trong bữa tiệc một quả táo vàng và nói rằng:
- 'Ai đẹp nhất trong số ba nữ thần sẽ được thưởng quả táo này'.
Thế là cuộc tranh chấp ai là người đẹp nhất Thiên đình xảy ra. Vì trên Thiên đình, không có ai có đủ bản lĩnh để chấm sắc đẹp của các nữ thần, quần thần bèn xuống trần gian để tìm anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troia) mà có thiên tư về chấm sắc đẹp một cách vô tư, công bằng và có đầu óc trong sạch (không bị nhiễu loạn vì quyền lực) để phân xử.
Nữ thần Athena hứa với Paris rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ khu vực (quanh Hy Lạp)’, Thiên hậu hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ châu Á’, còn nữ thần Venus hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người được lấy người đẹp nhất thế gian'. Người đẹp nhất thế gian lúc đó chính là hoàng hậu Helen - vợ vua Hi Lạp (thành Athens)
Sau đó, Paris đã trân trọng trao tặng quả táo vàng cho nữ thần Venus. Và cũng vì chuyện này mà xảy ra cuộc chiến tranh ở thành Troia sau này, trong đó phe ủng hộ thành Troia gồm Thần chiến tranh Arex, Nữ thần tình yêu và sắc đẹp Venus, và Thần ánh sáng Apollo…, phe kia gồm Nữ thần bảo vệ hòa bình và trí tuệ Athena (người ủng hộ nhiệt thành cho Odysseus) và Thiên hậu Hera..., 
…Việc tranh giành ‘người đẹp Helen’ giữa thành Athens và thành Troia (thành cổ thứ 6 hay thứ 7, ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, theo nhà khảo cổ học Schliemann), mà cái anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troia) cứ lo ăn chơi mơ mộng, không có chiến lược chu đáo để phòng chống việc quân đội Athens, mà nhiều năm sau, sẽ xâm lược tiểu quốc của mình. Trong quá trình tranh chấp, chàng đã sơ sót để quân Athens vào ‘ngủ’ trong thành Troia (do Odysseus dùng mưu bỏ ‘điệp viên’ vào trong lòng một con ngựa gỗ khổng lồ, mà dân thành Troia đã vô tình đẩy nó vào trong thành), kết quả là, không cần phải mất đến 10 năm gian khổ, thành Troia bị… sụp đổ trong vòng một đêm (năm 1184 TCN)…
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/215-thien-e-va-cac-moi-tinh-vung-trom.html
-Nước Việt và Tây Thi: Nước Việt cổ (bên Tàu) thuộc Trung Hoa cổ đại, thời Xuân Thu, tồn tại từ thế kỷ thứ 5-3 TCN. Nó nằm ở phía Nam sông Dương Tử, dọc theo bờ biển Chiết Giang (có kinh đô thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay), gồm: Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô. Ngoài ra, Câu Tiễn là vua nước Việt cổ và Tây Thi là người đẹp của nước Việt cổ.
*Các nguồn tham khảo chính:
-Con ngựa thành Troia: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/05/569-loi-cua-con-ngua-thanh-troia.html
-Đường Thái Tôn: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/uong-thai-ton-giang-san-oi-my-nhan.html
-Nguyễn Du: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/12/499-noi-chuyen-voi-cac-nha-tho-van-xua.html
-Tứ đại mỹ nhân (Dương Lên): http://newvietart.com/index4.779.html
-Vương Chiêu Quân: http://vi.wikipedia.org/wiki/Vương_Chiêu_Quân
-Vương Chiêu Quân: http://kienthuc.net.vn/channel/5421/201206/Vuong-Chieu-Quan-la-nguoi-Viet-Nam-1840001/
Và các tài liệu tham khảo khác.

17 nhận xét:

  1. Lung Linh [Blogger] Email 11.07.14@09:34 (blog Tiếng Việt)
    Vương Chiêu Quân mà là người VN thì có thể đúng về tên họ khai sinh nhưng không thể đúng về nhân thân, tích kể.
    Điều đó cũng dễ hiểu như HCM có thể là bất cứ đứa trẻ nào mới sinh ra mà cha mẹ nó thích cái tên đó và dùng đặt cho con.
    Tích về Chiêu Quân hay lắm, 1 phụ nữ đặc biệt và rất kiên cường. Coi phim Tàu thì họ thêu dệt nhiều quá để lôi kéo khán giả, đáng tiếc. Thay vào đó theo tôi họ nên xoáy sâu vào suy nghĩ của Chiêu Quân-một người đẹp cô độc oan ức.
    Tặng LB bức ảnh trợ hứng để tăng thêm liều lựong kể, bình, suy diễn quanh cuộc đời sóng gió của Chiêu Quân...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, ẹp quá, nhiều tấm hình của Đặng Thu Thảo cũng rất ẹp (cười).

      À, LB thấy người ta muốn chứng minh một cái gì đó thì nói 'ông Khổng Tử đã nói như thế rồi mà', 'ông Einstein đã nói như thế rồi mà', 'ông Dalai Lama đã nói như thế rồi mà'..., rồi nếu có ai hỏi về cái vụ 'Vương Chiêu Quân là người Việt Nam' thì họ trả lời là:
      -Sao trước nay tôi không thấy mấy sử gia phong kiến nói gì hết vậy (!)
      Xong rồi họ phất tay áo nghe một cái 'rẹt', quay lưng lại, bỏ đi... măm măm thịt chó (cười), và còn nói với lại rằng:
      -Chuyện nhỏ giống như quả táo rơi, có gì đâu mà phải suy nghĩ!!!!! (nhưng ông Newton suy nghĩ),
      a di thò phò, thế hệ trẻ xin... 'bái phục' các bậc tiền bối!!!!!

      Xóa
  2. Thăm a trên đuờng công tác miền trung. A vui nhiu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, nếu bạn PH có ghé SG, nhớ alo đi uống cà phê nhé. Thanks.

      Xóa
    2. Chiều trông ra cổng, mắt nháy sầu
      Nắng vàng, lá đảo, gió lên ngôi
      Tiếng người trước cổng, vang chiều tím
      Ngóng nàng không có, mắt thêm... đau

      Xóa
  3. Lưu comt Saumietvuon:
    Hehe, anh Hai à, anh Sáu xúi quẩy gặp phải bọn 'trưởng giả học làm sang' rồi, tôi đi lang thang đây đó tháng ngày, gặp 100 người thì đến... 101 người ghét bọn khựa, mặc dù đa số họ không phân tích được như các blogger, nhưng những hành vi phản cảm của bọn khựa làm họ cảm thấy bị xúc phạm (mà ta gọi là thái độ 'tâm linh' đó), trong số họ, có 1 người nói 1 câu rất thú vị là 'ta sẵn sàng kết bạn với bất cứ nước nào trên thế giới, trừ nước Tàu', ha..ha..ha...

    Trả lờiXóa
  4. Qua thăm anh đọc và hiểu thêm rất nhiêu ,hd cảm ơn anh với nhiều entry rất hay .Chuc anh luôn vui khỏe nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, tiểu sư muội đó à, mấy hôm nay ca ca lo chuyển nhà mới nên ít ghé thăm 'xóm' mình, cuối tuần ngọt ngào nghen.

      Xóa
    2. Hạ về lại gặp dáng duyên
      Làm ta quên mất tính... thiền xưa nay, hihi...

      Xóa
  5. Cám ơn bạn PĐ, mình sẽ ghé nhà, chúc xem chung kết world cup vui nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Sơn nữ... về đi, sơn nữ ơi
    Đừng đứng gần tôi, rối tơi bời
    Hương rừng bay nhẹ qua mũi nhạy
    Động cả rừng cây, rung cả tôi...

    Trả lờiXóa
  7. Chiêu Quân nàng ở Việt nam
    còn anh LB thì ở nơi nao...
    sang thăm gửi lại câu chào..
    "spot" -"tiếng Việt" -nơi nào cũng đừng quên....bạn bè nhé Lb
    hiiii bữa ni NG hình như bận mải gom LÁ bên TV chẳng thấy về bên blspot hết chi...quên hết bn bè bên ni rùi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, mấy tháng nay LB mãi lo gom... mưa, nhưng mưa đến rồi, mưa SG chỉ tí tí thôi rồi... tắt, trời lúc sáng, lúc phủ mây mờ... Chiều vui nghen Mưa.

      Xóa
  8. Chỗ của Giáo đã có con ngựa thành Troi rùi đó LB ui. Nhà máy nhiệt điện ven biển chỉ toàn là người TQ. Họ ko nhận công nhân người Việt. Đến một lúc nào đó xảy ra chiến sự, thì nội công ngoại kích của họ sẽ khiến mình lao đao lắm đây!
    Chiêu Quân là người ở đâu cũng ko sao, miễn LB là người VN là được! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi, không ngờ đến nỗi vậy, mới nghe tin ở Trà Vinh, nay lại đến Phan Rang, hu..hu...
      À, nhà thơ Quế Hằng (bên blog Việt) có cảm nhận rất thú vị: "Lúc đó Việt Nam mình bị Bắc thuộc mà hàng năm vẫn phải cống vàng và gái đẹp. Nên Vương Chiêu Quân là ngừơi VN cũng có thể chứ".
      ...Cám ơn GL nhé, chiều vui nhé.

      Xóa
  9. quehang [Blogger] Email 15.07.14@11:14 (blog Tiếng Việt)
    Lúc đó Việt Nam mình bị Bắc thuộc mà hàng năm vẫn phải cống vàng và gái đẹp. Nên Vương Chiêu Quân là người VN cũng có thể chứ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, QH thể hiện một cảm nhận rất hay, LB cùng quan điểm này, mọi việc cần phải được làm sáng tỏ (cười), cám ơn QH nhé.

      Xóa