Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

619. Đám cưới ở Việt Nam (Tính xấu của người Việt - phần 4)

Tôi… vừa bị một chuyến đi đám cưới xuyên Việt, hết 8 ngày (từ 24/11 đến 1/12/2014), qua khoảng 8 tỉnh, từ Sài Gòn qua Đồng Nai, Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đắc Nông, Đắc Lắc (Ban Mê Thuột), rồi Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…, lý do là ngày nay, biên độ địa lý 'yêu đương' của đôi lứa đã trải rộng ra khắp mọi miền của đất nước (kể cả nước ngoài) - người Ban Mê có thể yêu người ở tận Cà Mau hay Hải Phòng..., mà trong đó, tôi như một người vô hình đi xuyên qua thế nhân, để làm một quan sát viên!
Lịch trong 8 ngày như sau:
-Ngày 1: sáng rượu bia, chiều bia rượu
-Ngày 2: sáng bia rượu, chiều rượu bia
-Ngày 3: sáng rượu bia, chiều bia rượu
-Ngày 4: sáng bia rượu, chiều rượu bia,
và cứ thế, cứ thế, cho đến hết ngày thứ 8, như vậy, tôi có... sơ sơ từ 16-24 cuộc 'ăn nhậu', và nếu được, sẽ có rất nhiều đệ tử của lưu linh sẵn sàng 'chơi' luôn... 365 ngày!

Tôi thấy trong các cuộc ‘đàn đúm’ của những người Việt... ‘cổ’ này (đối với thế giới phát triển) hầu như không có sáng tạo: không có thơ văn, không có khoa học (toán, lý, hóa, kỹ thuật, không gian, vũ trụ…), không có ‘chính chị chính em’ (không có nghe nói đến các trang web như ‘quê choa’, ‘bauxite’, ‘văn việt’ hay các trang báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật…), không có hội họa, không có âm nhạc, không có Nobel, không có Oscar…, mà chỉ nghe toàn là chuyện thăng quan tiến chức, chuyện tiền bạc, chuyện nhà cao cửa rộng, chuyện xe pháo đồ đạc đắt tiền, chuyện tiếu lâm, chuyện dân gian/làng xóm/họ hàng/quan hệ xã hội với vô số các chủ đề không đâu vào đâu, và cũng rất khó cho tôi khi tìm được cây bút, tờ giấy hay cái mạng wifi để ghi tốc ký cho nhiều tư liệu 'sống' dưới đây…, có lẽ người Việt đã đến lúc lấy ‘ăn nhậu’ làm cái ‘link’ cho mọi thứ’ mà - mặc dầu tôi đã từng nói ‘thượng đế lấy tương tác âm-dương làm cái link cho sự vận động của vũ trụ vạn vật’ - điều này mặc nhiên, trong một chừng mực nào đó, người Việt đã trở thành... thượng đế!
Tại sao đa số người Việt lại lấy việc nhậu nhẹt/giá trị vật chất làm… chân lý (có người gọi đây là việc 'tôn thờ ma men', có người gọi là 'cơn mê', có người gọi là 'cơn lên đồng'...) và bản chất của vấn đề là gì? Có lẽ đề tài này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, nhưng… tốt hơn là để cho người nước ngoài nghiên cứu, rồi sau này con cháu ta sẽ vừa nhậu nhẹt vừa nói ‘vĩ nhân A sáng tạo ra cái này’, ‘vĩ nhân B phát minh ra cái kia’, ‘vĩ nhân C phát kiến ra cái nọ’..., rồi có thể phong thánh cho họ hoặc tôn thờ họ!
*
Tôi có dự đám cưới ở các nhà hàng nổi tiếng như nhà hàng Đông Phương, Quân Đội/Quân Khu 7, New World (ở Sài Gòn), nhà hàng Thắng Lợi, Đại Hùng! (ở Ban Mê), hay các nhà hàng ‘Hải quân’ (ở Hải Phòng)…, nhưng điều đó không quan trọng, mà tình cảm của tôi hướng đến những đám cưới ‘trung bình’ hay ‘nghèo’ ở các nhà hàng nhỏ ở các tỉnh lẻ, ở các huyện miền quê, hay ở các ‘rạp cưới’ trong rẫy (cà phê), sân, vườn… Dĩ nhiên là nội dung của các đám cưới (hay rộng hơn là các cuộc ăn nhậu) ở VN nhìn chung là như nhau, mà tại đó (hay tại các lễ hội), 'phép vua' thực sự thua 'lệ làng', trong đó:
Người ta thường chọn đám cưới vào ngày tốt, nên nó dễ rơi vào các ngày làm việc (từ thứ Hai đến thứ Sáu), hơn nữa, khá nhiều người dân muốn tổ chức đám cưới tại nhà - tình cảm hơn, nhưng lại phức tạp hơn, hơn nữa, dự 1 đám cưới sẽ thành... 4 cái đám cưới, vì: '2 đám cưới' (nhà trai và nhà gái)' x '2 đám cưới (nháp và thật)', chưa kể đến các cuộc mời mọc 'lẻ' giữa hai họ, mà có thể làm cho các cuộc đại-ăn-nhậu này kéo dài đến 3-4 ngày, thậm chí là cả tuần hay trên 10 ngày!
Khác với tổ chức tại khách sạn, các thủ tục của đám cưới tại nhà riêng tỏ ra rất phức tạp như lễ dạm ngõ, đám hỏi, đám cưới nháp (bữa nhậu giữa 2 họ trước đám cưới), lễ Gia tiên, rồi đám cưới (nay thường kết hợp với đám hỏi luôn thể) với phong tục tập quán đầy mình, mà có lúc đứng tại đó, tôi thấy sự tự nhiên/thoải mái 'của thế kỷ 21' chỉ có 10%, còn 90% là không khí nặng nề trang nghiêm của cái được gọi là ‘truyền thống văn hóa 4000 năm!’, mà xong mỗi cái lễ là tôi thấy ‘rục’ cả đôi chân và mồ hôi toát ra dầm dề…
Tôi đã nhiều lần nghe từ ‘cơi giầu’ (cơi trầu, thường kèm theo 5 'quả' có phủ khăn điều màu đỏ (trong đó phải có một con heo quay), thậm chí có nhà gái đòi đến 7, 9 hay 11 quả để cho oai!, mà giá trị có thể đến vài triệu hay vài chục triệu) mà nhà trai mang qua nhà gái - như là một thủ tục truyền thống đơn giản trong đám hỏi, nhưng ối giời ơi, đó là một cuộc giao dịch đến vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí là đến vài tỉ đồng… giữa hai họ. Có vài lần, tôi quan sát lễ này, ối giời ơi, nửa con đường (hay cả hai bên đường) giao thông đã bị chiếm để hàng loạt xe ô tô nối đuôi nhau đậu, rạp cưới thì chiếm luôn lề đường (hàng ngày có nhiều người buôn bán ở đấy, ông chủ phải  làm 'công tác tư tưởng' mấy ngày trước đó), tiếng còi xe inh ỏi, rồi nạn kẹt xe cục bộ với việc huơ tay chỉ đường từ bên này hay bên kia đường của những người hướng dẫn khách đến dự đám cưới… mà có thể có các nhà văn hay nhà quay phim nước ngoài nào đó sẽ, dĩ nhiên, khen là ‘Việt Nam có truyền thống tốt quá, đẹp quá’…, và rồi, có khả năng, các tác phẩm của họ sẽ được giải Nobel hay Oscar gì gì đó!, nhưng dưới mắt tôi, tôi không nhìn thấy ở đó tính ‘sáng tạo’, nếu luận về hai chữ ‘phát triển’…
Những bản nhạc sống trong đám cưới thường là nhạc trước 75, rồi nhạc trẻ, nhạc thời trang, nhạc ‘Bài hát Việt’ và thỉnh thoảng có chèn vào một vài bản nhạc xanh-đỏ… như Ngày tân hôn (Oui devant dieu), Túp lều lý tưởng, Lâu đài tình ái, Chiếc khăn Piêu, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Ca dao em và tôi, Yêu bằng tình loài người (Gần nhau), Paris có gì lạ không em, Thuyền và biển… (mà lâu lâu có kèm thêm vài cú nhảy hip-hop giựt giựt giống như... con khỉ đột, và hầu như không có nhạc Tàu như trước, vì Tàu bây giờ rất mất uy tín với cộng đồng Việt!)...
Tôi cũng quan sát các loại rượu dùng trong 'dịp' cưới, chẳng hạn như rượu Putin (Vodka Nga), Remy, Chivas, Salute, Scott, Walker, vang Tây Ban Nha, Nga, Argentina..., tất nhiên trong đó cũng có bia Ken, Hà Nội, Sài Gòn đỏ, Sài Gòn lùn... được huy động; ngoài ra có các loại thuốc lá như Gold (Hải Phòng!), Vinataba, 555...; các loại chè 'búp bùm bụp, xít xìn xịt, chát chàn chạt' như chè Bắc Thái, Thái Nguyên (Tân Cương, Phúc Lộc Thọ) chẳng hạn... 
Có nhiều giá cho một suất ăn tại các đám cưới, ở các rạp cưới ở thôn quê thì khoảng trên dưới 200.000đ/suất, ở các nhà hàng trung bình là 300.000đ/suất, và ở các nhà hàng lớn/nổi tiếng là từ 1 triệu - 2 triệu/suất, căn cứ vào giá trị của các suất ăn mà tiền đi đám cưới dao động từ 300.000đ đến vài triệu/phong bì, thậm chí hơn (nếu để 'nâng bi' xếp)... Còn cái vụ áo quần đám cưới nữa, thường là các bà con của cô dâu/chú rể, phải may mới, nếu là veston nam thì cỡ 2-3 triệu/bộ, áo dài nữ (2 lớp) có thể đến 4 triệu/cái, phức tạp thật...
Thức ăn thì Nam, Bắc cũng tương tự, ngoài Bắc thì có thể thêm món 'ba ba nóng hổi!' (quấn trong lá sen), món 'chả rươi' (rươi: một loại giống như con giun, sống ở vùng nước lợ), 'súp hà/hào' (từ con hà hay con hào), hay món 'bò sốt vang', ngoài ra có thể có món gà 'Đông Tảo' (tôi đã thấy một con trống có chân ngắn và lớn dị thường, nặng 3-4kg, thường dùng để chiêu đãi nội bộ, với giá 990.000đ/kg)..., đặc biệt là người miền Bắc rất ít dùng ớt...
*
Tôi ra Bắc nhân 'mùa đám cưới', mà ông sui bảo rằng người ta tránh đám cưới vào tháng 'nhuận', nên xúm nhau tổ chức đám cưới vào tháng 10 ÂL, nên hầu như ngày nào cũng có đám cưới.
Tôi thấy ở sân bay có các hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar, mà tôi luôn bay trên những chiếc máy bay Airbus, và lúc đó tôi thầm nghĩ là 'bao giờ người VN có thể tự sản xuất ra máy bay để khỏi đi nhờ máy bay của người ta nhỉ?'...
Từ Sài Gòn, tôi bay ra sân bay Cát Bi (26/11/2014), lúc đó thời tiết ở Hải Phòng cũng 'đẹp' như ở Ban Mê, ngày mát, đêm có tí lạnh, nhưng đến ngày thứ Bảy thì có tin có cơn bão số 4!, may thay đến sáng CN thì cơn bão chuyển thành áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc tiến vào VN, buổi chiều thì bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là đến chiều thứ Hai thì trời càng trở lạnh và có mưa phùn lắt rắt...
Tôi thấy hình như người miền Bắc (đồng bằng sông Hồng) theo đạo Thiên Chúa nhiều hơn, và hầu như tôi không gặp người theo đạo Phật; ngoài ra, người Bắc hay Nam, người Việt hay người nước ngoài đều có chung một sở thích - phi chính trị, phi tôn giáo, đó là xem bóng đá, hihi...
Đi lang thang ở các quán cà phê, tôi được nghe 'nhạc miền Tây' và xem các clip của Phương Thanh, Hồng Nhung, Thu Minh, Quang Lê..., và tôi thấy rằng 'nhạc đỏ' không được người dân ưa chuộng... Cũng ghi nhận là cà phê ở đây không dở hơn cà phê ở Ban Mê, nhưng người ta hầu như không uống cà phê, và tôi chỉ 'cà phê một mình', mà người ta chỉ đến với nhau vì lời kêu gọi thần thánh của bia rượu và lợi ích vật chất (vì sự nghiệp của bản thân/gia đình) - mà ở đó, các tư tưởng Lão-Trang, Thiền-Phật, Osho/Krishnamurti, Nietzsche, thậm chí là Karl Marx... cũng không có đất đứng, nên tôi thiết nghĩ là ông Đặng Lê Nguyên Vũ nên đưa từ 'sáng tạo' ra khỏi các quảng cáo cà phê của ông (cười)... À, sau đó, tôi nghe nói là các quán cà phê này có 'vấn đề', tôi mới quan sát kỹ, té ta tôi phải ngồi uống cà phê một mình vào ban ngày, là vì các hoạt động 'em út' chỉ diễn ra sôi nổi ở đàng sau tấm cửa kính (sau vườn) của các quán này về đêm, hihi...
Thường đi dạo phố vào buổi tối, ngắm cảng Hải Phòng với vô số chiếc cần cẩu vươn lên trời cao, ngắm hai bên đường có rất nhiều cây phượng vĩ chưa kịp trổ bông (thường là vào mùa hè), tôi thấy nữ Hải Phòng rất... đẹp, thiệt, chả vì thế mà nữ Tuyên Quang và Hải Phòng thường thay phiên nhau đội vương miện Hoa hậu Việt Nam trước đây đó ư!, họ ăn mặc đơn giản, mà thường là áo cánh mỏng, bộ veston mỏng, và đủ loại váy (nhất là trong đám cưới), khác với nữ Sài Gòn hay Ban Mê Thuột, với bộ quần áo gió trùm kín từ chân cho tới đầu, do sợ đen da vì thời tiết trong Nam nắng nóng hơn!...
Ghé vào các shop bán đồ lưu niệm bằng đồng, tôi thấy các bức tranh, chạm trổ/điêu khắc ở đây hầu như đều có chữ Tàu, như 'mã đáo thành công', 'thuận buồm xuôi gió' (quên mất)..., mà tôi thầm nghĩ là: với 'quyền lực mềm' kiểu này thì còn lâu VN mới 'thoát Tàu', may thay, nghe 'báo cáo' lại là ở đây không còn mấy người Tàu nữa, vì họ đã ra đi vào năm 1979, tôi thấy mừng quá!, thiệt.
Tôi cũng được dịp đến gia đình của một số đại gia để nghe 'khoe mẽ', trong đó tôi đã thấy những con kỳ lân đá với giá hàng chục triệu đồng/con,  những chiếc đồng hồ cổ thời Pháp, hay những cái trần nhà bằng gỗ sồi (oak) với giá trên dưới 200 triệu/chiếc (cái), các loại xe máy như Air Blade, Vespa, Liberty, SH... với giá từ vài chục đến vài trăm triệu/chiếc, những chiếc xe ô tô như Lacetti, Focus, Camry... với giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ/chiếc, thậm chí tôi đã thấy một chiếc Lexus chạy qua cầu Bính với giá gần 6 tỉ đồng, tất nhiên là xe đạp hay xe đạp máy cũng còn khá phổ biến...
Tôi có quan sát và thấy rằng dường như trí tuệ phương Tây rất ít du nhập vào Việt Nam, ta chỉ biết ít nhiều về Nga, Tàu, mà nhiều khi nghe nhắc đến các thần tượng/nhân vật huyền thoại về văn/thơ, âm nhạc, điện ảnh, thể thao, triết... của thế giới phương Tây, tôi cứ như nghe lần đầu, và tôi cũng không lấy làm lạ khi các thế hệ trẻ VN cố tìm mọi cách để được du học ở các nước phương Tây, chứ không phải Tàu... 
Tôi cũng có đi tham quan khu 'trung ương' của Hải quân VN! với các quần thể nhà Pháp rất ấn tượng, được biết ông Trần Hưng Đạo là 'tổ' của Hải quân!, rồi bà Lê Chân (nữ tướng của Hai Bà Trưng) là thủy tổ/người đầu tiên lập nên vùng đất Hải Phòng, cũng rất ấn tượng vì tôi được biết thêm thông tin...
*
Tóm lại, đi từ Nam ra Bắc:
Tôi có nghe người ta nói 'có ai đó chống cái này, chống cái nọ', 'có nước nào đó là đối tượng, lại có nước khác là... đối tác', rồi chuyện 90% phụ thuộc kinh tế Tàu... gì gì đó, đây là chuyện chính chị chính em, mà khi về đến Sài Gòn, tôi có nói với các bạn của tôi rằng 'đó không phải là chuyện của chúng mình, mà là chuyện hư ảo'...
Tôi có nghe mọi người dân, từ Bắc chí Nam, đều nói là 'không thích Tàu', và bay trên những chiếc máy bay Airbus của phương Tây, tôi thấy rằng những phát biểu của người dân là đúng... Tôi cũng kịp biết là mọi người Việt đều tôn trọng 'chiếc bàn thờ' (thế giới tâm linh) mà kẻ chiến thắng hay chiến bại đều phụ thuộc vào sự 'tôn trọng' ít hay nhiều vào chiếc bàn thờ đó...
Tôi có nghe nhiều người nói 'phú quý sinh lễ nghĩa', tôi mới trả lời (cho blogger Đóm) rằng: Vâng, 'phú quý sinh lễ nghĩa', đó là câu 'ngụy biện' cho thời đại mà hầu như mọi người đều sống trong cái thế giới mơ huyền này (cười), tại sao phú quý không sinh ra 'tư tưởng', tại sao người ta chỉ say mê hơn thua vì đẳng cấp cá nhân , chứ không phải vì đẳng cấp dân tộc nhỉ! Thôi, cái đó để dành các triết gia, Đóm à.
Tôi có nghe mấy phụ nữ, trước khi từ biệt, kể một câu chuyện... có thật: Có một ông cán bộ đi hát Karaoke, vì uống nhiều quá nên không còn tỉnh táo, khi đó, vợ ổng đến tìm, thấy bả, ổng bèn phất tay và nói:
-Đi qua phòng khác, tiếp viên gì mà vừa xấu, lại vừa già (ha..ha..ha...)

Cuối cùng, tôi có nghe các cháu nữ sinh viên, khi tiễn tôi ra sân bay, với các cặp mắt đen láy, nói 'chúc chú gặp nhiều may mắn' thế này thế nọ, tôi thấy bừng lên một ít hạnh phúc bản thân, vì dù sao các cháu đã tặng tôi ấm áp tình người, nhưng tôi cũng kịp buồn khi sáng nay, một bạn ở Sài Gòn bảo 'người Việt đang tôn thờ con ma men', còn một bạn khác thì bảo 'người Việt đang sống trong cơn mê'...

(HẾT)

11 nhận xét:

  1. Hì, lâu lâu mình cũng muốn thành con ma men hay sống trong cơn mê đó chứ anh. Khi mà cuộc sống chán quá thì muốn thành con ma men cho nó hừng hực khí thế và thỉnh thoảng cũng muốn sống trong cơn mê để quên một thực tại. Rồi sau đó mình sẽ đi bằng đôi chân của mình, giống như ngồi uống cà phê buổi sáng một mình ở cái quán chỉ nhôn nhịp vào ban đêm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn NT nhé, nhưng huyện 'tửu thần' không nằm trong phạm vi của entry này. Sau đây là một câu trả lời của mình cho một blogger (bên blog Việt):

      @ Người Hà Nội
      ...Đề tài đã chuyển sang rượu rồi!

      Mình còn nhớ có một đêm đi ăn tối, bên mình có 4 người: 2 'thằng' Tây và 2 chuyên gia người Việt (trong đó có mình).
      Bên tỉnh mời nhậu nhẹt (vô 100% liên tục), rồi đi hát hò với em út, tốn rất nhiều tiền (của dân).
      Đến đúng giờ thì 2 thằng Tây (và mình) xin cáo lui và về khách sạn.
      Còn anh chuyên gia người Việt (đi chung với mình) thì xin ở lại và nhậu nhẹt tiếp + em út, đến 10g sáng mai mới về đến cơ quan! (cơ quan làm việc lúc 8g).
      Sau đó, tụi Tây bàn bạc và thông báo rằng 'lần sau không nhậu với cán bộ tỉnh nữa'.
      Câu chuyện kể thì bình thường, nhưng nó toát lên 2 cái:
      -tính khoa học và
      -tính phản khoa học
      (trong hành vi của mỗi con người).
      Thân.

      Xóa
  2. Ngủ đi em
    Đôi mắt dễ thương
    Nhìn vào đôi mắt ấy
    Anh tưởng là
    Đại Tây Dương gặp Thái Bình Dương
    Anh mơ mộng
    hay đời vốn không bao giờ là sự thật
    Anh mơ hoài
    vẫn thấy biển bên kia
    Nhạc tình rung động
    Anh thấy em ở biển bên này
    Tím ơi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngủ đi, hai mắt mỏi rừ
      Thấy nàng bên biển, tim từ từ đau
      Lâu ngày chẳng thấy bóng đâu
      Đôi thiên nga, nhớ!, trăng sầu sầu, mong!

      Xóa
  3. Em ở đây, anh cũng ở đây
    Mắt lọt vào trong cảnh bồng này
    Em thu cong dáng, anh nao nức
    Môi nhấp cà phê, tim bỗng say!

    Trả lờiXóa
  4. saumietvuon [Blog Tiếng Việt] 04.12.14@22:07
    Mấy rài dây mạng bị Angela merkel nên bữa nay mới đi nhậu từ nam chí bắc cùng anh được nè, được một chuyến bí tỉ du hí như rứa thì tuyệt ràu nhá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình uống nhấp nhấp, nên họ bảo mình là 'người ngoài hành tinh' đó, bạn Sáu à, hihi...

      Xóa
  5. Nhậu là vấn đề bức bối mà xã hội Việt Nam chua có điều luật.Đi làm ở công sở về đi nhậu ,họp bàn hay giáo tiếp kết hợp với nhậu.có người nhậu say khướt không biết đường về nhà,xe máy bỏ một nơi sang tỉnh không biết để ở đâu.cả gia đình loan về vấn đề nhậu.chỉ có ở VN.Đám cưới đến trăm quan khách Lý kể chuyên người Tây mà không ai tin.VN chúng mày nghèo mà lãng phí thế.Cũng chỉ có ở VN .Nghèo nhưng chơi rất sành điệu....
    Chúc mừng bài viết của LB .Để tài nhậu sinh ra nhiều tật,men rượi men tình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giả sử tôi đưa ra 3 mô hình tổng quát/đa số:
      1. loại người chuyên sáng tạo, nghiên cứu về khoa học/kỹ thuật như Newton, Einstein, Schrodinger/Heisenberg, Steve Jobs, Bill Gates...
      2. loại người có tư duy sâu sắc về triết, văn/thơ, âm nhạc... như Hegel, Krishnarmurti, Dostoievski, Hemingway, Kim Dung, Tagore, Beethoven/Mozart...
      3. loại người chỉ học lại những sáng tạo của người khác, rồi đem ra chém gió/cãi nhau, đặc biệt là tại các cuộc nhậu tá lả...
      Ta thuộc loại người nào?

      Cám ơn lời bình rất hay của bạn.

      Xóa
  6. Em qua thăm Anh.Bài viết dài em chưa kịp đọc xong
    Chúc Anh luôn nhiều may mắn như lời mấy SV chúc Anh cho ấm áp mùa đông nhe, hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, lâu quá mới thấy nàng 'thiên nga' sang thăm. hihi...
      ngày mới thật ngọt ngào nghen.

      Xóa