Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

682. Triết gia và ‘tra giết’ (Thư giãn cuối tuần)

 
Em bé rất khó chịu khi bị bắt buộc phải măm măm 'cháo triết'! 
---------
Khuya nay có chuyện vui vui…

Số là Ái Nữ có mở ra một cái... diễn đàn về ‘triết’ gì đó (cười), trước đó tôi có nói thẳng là tôi không tham gia, vì người này nói A, người nọ nói B, người khác nói C, rồi người này nói đúng/sai là thế này, người nọ nói đúng/sai là thế kia, người khác lại nói đúng/sai là thế khác…, rất xin lỗi, nếu nói kiểu như thế thì 1000 năm nữa cũng không có... triết (cười). Chính vì thế mà tôi có vài dòng suy nghĩ, và xin các bạn chớ lấy chữ ‘triết’ hay ‘triết gia’ để làm thước đo cho những cảm tưởng của tôi, vì tôi quan niệm ‘triết cao nhất’ là ‘không triết’, tức là con người mà khi đã hiểu triết rồi thì không nói triết nữa (chả lẽ ông Obama lại ra đường và xưng ‘tôi là tổng thống’!), và tôi tin vào điều suy nghiệm này - từ vô số cõi sống-chết, mặc kệ có bạn nào đó chê khen.
Lưu ý rằng tôi hay, một cách tự nhiên, dùng phương pháp tiếp cận là ‘A không phải là A’, một phần có nghĩa là, ví dụ, ‘tôi nói về ông Kim Dung, nhưng không phải là nói về ông Kim Dung, mà nói về cái khác’, vì thế mà dưới đây tôi có nói vài chuyện, nhưng các bạn chớ nên hiểu nhầm là tôi nói về ‘triết’, và cũng chân thành xin lỗi nếu ai đó nghĩ là tôi viết có đụng chạm đến mình: tôi không hề có ý như vậy, mà tôi chỉ nêu lên một số vấn đề chung…

1
Ai không phải là triết gia?
  1. Trước hết, nếu ‘triết gia’ (chém gió) nào mà mới mở miệng ra mà nói rằng ‘Khổng Tử nói rằng’, ‘Trang Tử nói rằng’ ‘Socrat nói rằng’, ‘Platon nói rằng’, ‘Aristot nói rằng', 'M nói rằng', 'N nói rằng'…, thì đó là đồ vứt đi (xin lỗi), tôi nghĩ là chẳng thà gọi con bò là... triết gia thì tốt hơn, vì con bò nếu có ‘nhai lại’ cỏ thì cũng nhai cỏ vào lúc nó nhai, chứ không ‘nhai lại’ cỏ cách đây vài trăm năm hay vài ngàn năm - những thứ đã nằm trong Viện bảo tàng!, mặc dầu những thuyết trên rất có giá trị.
  2. Thứ hai, nếu ông/bà nào bảo triết là phải viết, hoặc là thật nghiêm túc, hoặc là thật dài, hoặc là thật đồ sộ, hoặc là phải logic từ đầu đến cuối - như vậy thì chả khác gì nói ‘cục c... nào cũng có 2 đầu, đầu trên và đầu dưới’ (xem chú giải bên dưới). Tôi cũng xin nói thêm là nếu viết như vậy thì chỉ là nhà nghiên cứu triết, nhà diễn giải/phân tích triết, nói chung là nhà ‘học triết’ chứ không phải là nhà ‘triết học’.
  3. Thứ ba, ai cũng biết câu ‘người nằm xuống, nghe tiếng ru, cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ’, ‘sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên bờ sông Danube’, ‘Trả lại cho tôi, trả lại cho em. Trả về hư không giọt nắng bên thềm’…, hay các câu gần đây như ‘Ham muốn diệt dục là một loại dục lớn nhất trong tất cả các loại dục’, ‘Con chuột không chun ra từ cái lỗ này, mà từ cái lỗ khác nào đó không biết’/‘Nếu bạn làm cho ai có ít nhiều hạnh phúc ở chỗ này thì bạn sẽ nhận được một niềm hạnh phúc ở đâu đó lớn hơn rất nhiều lần’…, thậm chí gần đây hơn nữa như ‘Ở đời có mấy cái vui. Ăn, ngủ, đ… , ỉa lui cui làm hoài’…, mà tôi bảo những cái đó là triết lý chứ không phải là triết học, vì nếu nó là triết học thì đến nay VN có khoảng… trên một triệu triết gia!
  4. Thứ tư, ai mà, dù có được đồn đãi là triết gia hay vĩ nhân gì gì đó, bảo ta là tài, là giỏi, là số một, là ‘vô đối’… thì kiên quyết không phải là triết gia, vì triết học là kết tinh của 'những giọt nước mắt' từ sự đau khổ, thất bại, khốn cùng… của nhân loại, đặc biệt là của những người cùng khổ, qua hàng ngàn năm, nên nó không hề đơn giản như ai đó ‘tưởng bở’, vì kẻ đó không biết trời cao đất rộng là gì, và vì ‘tự cao tự đại là địa nguc của cái thiên đường triết học’, v..v…
2
Triết nằm ở đâu?
Bạn có thể có một tủ sách triết (và có liên quan), mà trong đó có những ‘tư liệu’ triết quen thuộc như 'Đạo đức kinh', ‘Nam hoa kinh’, ‘Cổ học tinh hoa’, ‘Tây du ký’, ‘Góp nhặt cát đá’, ‘Hamlet’, ‘Zarathustra’, ‘Tội ác và trừng phạt’, ‘Anh em nhà Karamazov’, ‘Câu chuyện dòng sông’, ‘Ngư ông và biển cả’, ‘Thiên long bát bộ’, ‘Ỷ thiên đồ long ký’, ‘Tiếu ngạo giang hồ’, ‘AQ chính truyện’, ‘Trăm năm cô đơn’, ‘Bao Thanh Thiên’, ‘Khang Hi vi hành’, ‘Bến Thượng Hải’, ‘Ben Hur’, ‘Ma trận’ (Matrix), ‘Cuộc đời của Pi’…, các bạn hãy cứ cho tôi đưa truyện kiếm hiệp/phim vào loại ‘tư liệu’ triết đi, rồi sẽ có lý giải sau.

Ví dụ như cuốn ‘Nam hoa kinh’, tôi không có thì giờ trích ra câu này, câu nọ, mà tôi chỉ nhớ là có đoạn ông Trang Tử nói về to-nhỏ, cao-thấp, đẹp-xấu, sâu-cạn…, với ý nói rằng ta không thể nghĩ cố định như thế này là ‘to’, vì nó sẽ nhỏ hơn cái to hơn, như thế này là ‘sâu’, vì nó sẽ cạn hơn cái sâu hơn…, đó là một thứ ‘thuyết tương đối trong triết học’, một thứ ‘đạo’, để nói lên tính tương đối/biến dịch hay cái vô cùng lớn/vô cùng bé trong vũ trụ. Hơn nữa, ông lại viết như đang kể ‘chuyện’ cho học trò nghe, nó gồm nhiều ví dụ rất đơn giản, nhưng mỗi ví dụ đều có hàm chứa tư tưởng trong đó.

Cuốn ‘Góp nhặt cát đá’ cũng vậy, nó bao gồm khoảng 100 câu chuyện kể, mỗi câu chuyện hình như dưới 1 trang, nhưng nó thừa sức toát lên cái ‘thiền là gì?’, cái ‘nhân sinh quan (cách nhìn về cuộc đời, vua chúa, hay về Phật/Chúa chẳng hạn), cái bí ẩn của đời sống tâm linh… trong gần 1000 năm nay.

Cuốn ‘Hamlet’ (hay các tác phẩm khác của Shakepeare), mặc dầu là truyện (kịch), nó cũng toát lên cái tồn tại, cái mâu thuẫn/phi lý, cái đau khổ, cái tuyệt vọng, cái chết, cái khốn cùng, cái bi đát, cái lối thoát, cái khát vọng, cái đối diện với ‘đấng tạo hóa’… Tương tự như trong các truyện khác của Banzac, Hugo, Dostoievski, Hemingway, Marquez, Aitmatov, Mạc Ngôn…

Các truyện của Kim Dung có cái độc đáo là nó toát lên (khá) đầy đủ: nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan, thiền, Phật, Thượng đế, cái ‘tồn tại và hư vô’, cái ‘sắc sắc không không’, thậm chí là cái ‘vô thủy vô chung - lai như lưu thủy hề, thệ như phong, bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung’ mà cũng có trong đạo Hồi…, đặc biệt là những nhân vật như Hoàng Dược Sư, Dương Quá (Tiểu Long Nữ), Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung, Phong Thanh Dương/Mạc Đại tiên sinh… đều dẫn đến cái ‘bi tráng’, cái ‘ngạo’, cái ‘thoát’… một cách hết sức Đông phương, mà ‘triết học Đại Hán’, nếu có, là ngược lại với tinh thần này.

Các phim Tàu (Hồng Kông) cũng phản ánh gần đến cái cuối cùng của thuyết ‘lão bá tánh’ như trong phim ‘Bao Thanh Thiên’, ‘Đề hình quan Đại Tống’, hay ‘Khang Hi vi hành’, cái thăng trầm của cuộc sống như trong phim ‘Mộng uyên ương hồ điệp’, ‘Thiên hạ đệ nhất trang’, hay ‘Bến Thượng Hải’… Còn phim Tây đã toát lên gần hết mọi triết lý Phật, Chúa, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… như trong phim ‘Cuộc đời của Pi’ hay ‘Ben Hur’, cái vô thường/hư vô bất chợt như trong phim ‘Hàm cá mập’ hay ‘Lucky Luke’, cái ‘nhầm lẫn’ hay cái ‘ảo’ của con người như trong phim ‘Matrix’ hay ‘Thị trấn Banshee’…
3
Vậy cái gì là triết (học)?
Tôi sẽ không… điên gì mà định nghĩa triết học là gì, vì muốn có lúc nào cũng được (thậm chí nếu cần định nghĩa bằng tiếng Anh thì thằng cu nhà tôi đang có 3-4 cuốn từ điển Anh-Anh ở trên lầu), hay rất dễ dàng tra trên Google... Còn nếu bạn nào không chịu như vậy thì tạm dùng định nghĩa ngắn gọn sau: ‘philo = tình yêu, còn sophy = sự thông thái, vậy triết học là tình yêu sự thông thái’.
Tôi cho rằng triết là tư tưởng, mà nếu đã có tư tưởng rồi thì ‘học’ ra kiểu cũng được. Vì thế, triết không những chỉ có trong các tác phẩm chuyên triết, mà còn có ở trong các công trình Vật lý, Toán học, Sinh vật học, Địa chất học, Thiên văn học/Vũ trụ học, thậm chí là trong thơ, văn, nhạc, điện ảnh, võ đạo…
Rõ ràng rằng ‘Thuyết tương đối’, ‘Thuyết vũ trụ song song’, ‘Hình học Lobachevski’, ‘Cơ học lượng tử’, ‘Thuyết trường hấp dẫn’, (các) nội dung trong ‘Tây du ký’, ‘Ỷ thiên đồ long ký’, ‘Đắc nhân tâm/Quẳng gánh lo đi và vui sống’, ‘Thơ Tagore/Khalil Gibran’, ‘Truyện Kiều’, ‘Nhạc Trịnh’, ‘phim Khang Hi vi hành/Bao Thanh Thiên’, ‘võ Thái cực quyền/Triệt quyền đạo/Vô-vi-nam’, ‘Hài Sạc-lô/Mr. Bean’… đều có thể hàm chứa những triết lý/tư tưởng triết học.
4
Triết học khác với 'triết lý vụn' ở chỗ nào?
Vậy, hãy có tư tưởng trước (lưu ý là hoàn toàn không dễ tí nào), mà ai có tư tưởng thì người đó là triết gia, bất chấp là nó được viết dày như bộ ‘Kinh Dịch’, ‘Tư bản luận’, ‘Mekong cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’, hay mỏng như cuốn ‘Đạo đức kinh’, ‘Nam hoa kinh’, ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’ (của Đỗ Long Vân), thậm chí 5 trang cũng có thể gọi là triết học (bài viết của Steve Jobs trước khi chết)…
Vì triết học không có điều lệ (!) nào quy định là nó phải bài bản như cuốn ‘Biện chứng của tự nhiên’ của Engels, ‘Triết lý phi lý’ của Albert Camus, ‘Tự do đầu tiên và cuối cùng’ của Krishnamurti…, mà nó có thể là những câu chuyện kể, những entry/dòng nhật ký (trên blog, mà hình thành nên ‘dòng văn học blog’), và có thể thể hiện dưới bất cứ hình thức nào (viết, nói, hài, kịch câm…), có điều là nó phải có hệ, có ‘hệ’ là có cái gì, tức là người viết chẳng hạn, không thể ngày nay cho tình yêu là nhất, nhưng ngày mai lại cho hư vô là nhất, ngày kia lại cho chết là nhất…, mà phải từ đầu đến cuối thể hiện cùng MỘT hệ thống ý niệm.
Lưu ý rằng những triết lý, mặc dầu có thể có ý nghĩa, như ‘tình dục chết thì tình yêu sẽ chết theo, nhưng nếu tình dục sống lại thì tình yêu cũng lóp ngóp bò dậy’, hoặc chả có ý nghĩa gì như ‘giàu có gì là hạnh phúc’, hay tệ hơn là ‘tiền có gì là quan trọng’ - những cái lý luận mà không ‘tổng thể’ hay ‘phổ quát’ này được ông bà chúng ta gọi là ‘triết lý vụn’, hay là ‘lý sự chổi cùn’.

***
Tóm lại, ‘tư tưởng’ mới thực sự là quan trọng, còn triết học mặc dầu có quan trọng, nhưng không quan trọng lắm, vì nó chỉ là sự ‘văn bản hóa’ các tư tưởng, ngoài ra, kẻ 'tự tôn', 'làm dốc' hay 'chém gió' thì dứt khoát không có liên quan gì đến hai chữ 'triết gia': Tôi nghĩ vậy.

Trời sắp sáng rồi, tôi đi… ngủ đây. Xin tạm biệt các bạn, chúc ngày mới tốt lành.
--------- 
Chú giải:

  1. ‘Cục cứt cũng có đầu trên đầu dưới’ (đầu đầu, đầu đuôi): là câu thành ngữ của ông bà mình nhằm khuyên con cái phải có trên có dưới có lớn có nhỏ (LC Smile).
  2. ‘Lai như lưu thủy hề, thệ như phong, bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung’: một câu nổi tiếng trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung (‘Ỷ thiên đồ long ký’), có nghĩa là Đến như nước chảy, đi như gió. Không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu.

10 nhận xét:

  1. Cục cứt cũng có đầu đầu đầu đuôi là câu thành ngữ của ông bà mình nhằm khuyên con cái phải có trên có dưới có lớn có nhỏ.
    Em giốt triết nên k bàn được về triết. Nhớ hồi sv thi đc có 5 điểm. Vừa đủ k nợ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, lâu ngày quá, mình lại ít ghé Lang Biang...
      Mình sẽ sử dụng câu của bạn làm 'chú giải' nhé, mình nghĩ rằng mọi thứ trí tuệ đều là của chung, cám ơn bạn, CN tốt lành.

      Xóa
  2. nguyenchunhac [Blogger] Email 10.05.15@11:12
    @ NGLB
    Đã đọc và xin không bàn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi lại thích kiểu bình này của anh, mà tôi hay gọi là 'no comments' đó, cám ơn anh, chúc CN tốt lành.

      Xóa
  3. Nhìn cái ảnh trong bài viết,em xin phép được đặt một câu hỏi:Trong trường hợp của tấm ảnh,việc ĂN có còn là đệ nhất của TỨ KHOÁI nữa không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ăn có thể là đệ nhất tứ khoái, mình cũng nghĩ vậy. Nhưng ở đây thì ngược lại, mình thấy tấm hình cũng vui vui, nên nghĩ về chuyện:
      -Em bé rất khó chịu khi bị bắt buộc phải măm măm 'cháo triết'.
      TM.

      Xóa
  4. Nói chung triết học cũng từ đời sống xã hội mà ra . Mấy ông triết gia thì cũng tập hợp mọi cảm nhận về những mối quan hệ , nhân sinh quan con người với con ngườ , con người với tự nhiên mà thôi . Tôi đoc triết rất ít , bởi vì càng đọc càng thấy mênh mông , không có bến bờ . Quan trọng là đọc triết nhiều quá sợ rằng sẽ bị tẩu hoả nhập ma
    Nếu quan niệm triết học là phản ánh tư tưởng của một xã hội . Nhiều tư tưởng tạo thành triết lý . Nhiều triết lý kết hợp thành triết học , theo đó Việt Nam mình cũng có thể gọi là có triêt học
    Triết lý ĐỔ THỪA : bất cứ việc gì quan lớn làm sai đều đổ thừa cho cấp dưới , cấp dưới lại đổ thừa cho cấp dưới nữa . Ngoài xã hội thì người lớn làm sai thì đổ thừa cho trẻ nhỏ vvvv Triết lý đổ thừa không phải bây giờ mới có mà đẫ có từ thời xa xưa , đã đi vào trong ca dao , tục ngữ ví dụ:
    Cái Cò cái Vạc cái Nông
    Kiếm tìm từ trong rơm rạ
    Góp lời chát mặn đắng cay
    Thành câu ca dao ru đời

    Cái Cò cái Vạc cái Nông
    Suốt đời dầm trong ruộng bờ
    Không nề làm đau cây lúa
    Sao người nỡ ĐỔ CHO TÔI
    LB thấy sao ? ( còn nữa ) he he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới nghe bạn nói là 'Việt Nam mình cũng có thể gọi là có triết học', mình đang... mừng húm, nào ngờ bạn lại bảo là 'Triết học đổ thừa',
      cái này bạn AN gọi là 'đại... bìm bịp' đó,
      coi chừng trờ thành... triết gia đó, khổ lắm, làm gia triết (gia công triết) sướng hơn, hihi...
      Cám ơn bạn, chiều CN vui nhé.

      Xóa
  5. Vu Le Hoang (Facebook) (xin lỗi bạn VLH, tôi xin đăng ở đây để các blogger bên blogspot tham khảo, cám ơn bạn)

    Vừa đọc bài của bác GLB, cao siêu cỡ PCT nên em tá hỏa chả hiểu gì sất, mỗi phần bác nói hệ hệ gì ấy thì mình cũng tù mù hiểu nó là phải có "gu" có "phái". Lại thấy bác nhắc đến "philo"-tình yêu, "sophy"-thông thái thành công thức trong sách giáo khoa, tiếc là cho đến bây giờ em hiểu "philo" là bầu bạn thì đúng hơn, còn sophy thì cần suy nghĩ thêm chứ không nói như đúng rồi ngay được. Thấy bác có quan niệm "học triết" khá hay giúp em nhận ngay được mình đúng là người "học triết" nhưng đáng tiếc là chưa tìm thấy "triết gia" Việt nào để mà học cả, đành phải học dăm ba cụ đâu đâu chết từ lâu thôi. Nhưng trộm nghĩ có gì không học mà vẫn làm được họa chăng chỉ có thiên tài, nhưng hẳn thiên tài không nhiều như lá... hoặc là loại gì đó mà ông bà ta từ xa xưa vẫn nói... xưa quá, quên mất rùi.

    2 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ái Nữ

      À cái "hệ" trong blog của bác Nhà Gom Lá Bàng là ca tụng cái chết (bác ấy đang chờ chết mãi mà Thượng Đế chưa phê chuẩn). Hình như có mấy ông "chết gia" phương Tây cứ bàn đến cái chết là tắc tị. Gần đây vô tình tôi được đọc tác phẩm "Gửi người yêu và tin" của Nguyễn Thị Từ Huy, một người Việt Nam học triết, thấy ngõ cụt trong đó cũng là cái chết. Cũng vô tình cạnh cuốn của Nguyễn Thị Từ Huy trên giá sách, tôi thấy một cuốn của ông gì đó tên là Camus, cầm lên đọc nốt xem sao, đọc xong không nhớ gì ngoài câu hỏi nảy ra trong đầu là không biết có phải mấy ông như thế ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Thị Từ Huy không. Tại mấy người đó đọc sách nhiều nên tôi mới nghĩ thế thôi, chứ còn người dân Việt Nam ít học đa số không đọc mấy ông bà ấy, nhưng vẫn tự tử hoài.

      1 giờ trước

      Xóa