Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

745. Chủ nghĩa win-win (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương II)


CHƯƠNG II: CHỦ NGHĨA WIN-WIN

Đường xa, quanh quẩn, muôn trùng gió
Áo lính mờ xanh, nắng nhuộm màu
Không gian vạn trải, hình đơn nhỏ
Trong chốn còn - không, anh nhớ… ai

Tại sao tôi lại viết mấy câu… thơ này nhỉ?
Đó là vì qua nhà một blogger, thấy có hình một đoàn lính dắt tay nhau vượt qua một con suối sâu và rộng, trong rừng, tôi bỗng nhớ lại thời TNXP của mình, có lúc một mình với ‘một ba lô, tay súng trên vai’, vâng, vác cái ba lô nặng 20kg, lầm lũi đi bộ 30km trong rừng vắng, không biết có gặp Fulro hay thú dữ không!, và không nghĩ là tương lai của mình sẽ đi về đâu!
…À quên, hôm trước tôi có nói với nàng rằng: ‘Anh chỉ cần mỗi bài viết có khoảng 100 lượt view và 3-4 lời bình gì đó là đủ rồi, chơi blog để làm gì!’, nên tôi cứ viết tiếp.

Chủ nghĩa win-win
Nhớ lại tức cười. Một hôm bên bờ sông, tôi có hỏi nàng là:
-Lạ thật nhỉ! Anh thấy có cái gì đó rất bí mật đang diễn ra chung quanh anh, mà suốt đời anh vẫn không hiểu nó là cái gì, nhưng khẳng định là ‘có’… À, em có nghĩ rằng có ma không?
-Nếu anh tin là có thì là có, nếu anh tin là không thì là không (!)
Ha..ha… Lúc đầu tôi chỉ trêu nàng là nói cái gì cũng được, vì nàng là ‘thiên tài ngụy biện’ (mà cái biện nào cũng có cái ngụy trong đó!), nhưng sau này tôi mới biết đó là một dạng của ‘chủ nghĩa win-win’.
Mở rộng ra, hình như xưa nay người Việt ta thường chém gió hay ném đá tùm lum, mà hầu như ai cũng có thể bị ném đá, đặc biệt là người Việt rất miệt mài ném đá người Việt, nhất là ai mới vừa nổi lên (cười)… Bởi vậy mà trong dân gian có chuyện ‘con cua Nhật và con cua Việt’, đại khái là có một đàn cua Nhật bị bắt bỏ trong nồi để chuẩn bị đem đi luộc, có một con trèo lên tới miệng nồi, rồi đưa càng ra kéo từng con khác ra khỏi nồi, và thoát nạn; còn tình hình cũng xảy ra tương tự, nhưng khi mà một con cua Việt trèo lên được tới miệng nồi, thì các con cua khác lại thò càng ra kéo nó xuống, để… cùng bị luộc, ha..ha…
Cụ thể, trong quá khứ, ta có thể dễ dàng kiểm chứng việc ném đá ông Khổng Tử là ‘chó gác đền phong kiến’, ông Copernic hay Galilee là ‘báng bổ’, ông Hegel là ‘biện chứng đi lộn đầu xuống đất’, ông Dostoievski là ‘nổi loạn’, ông Socrat hay Lev Tolstoi là ‘bất hạnh’, ông Marx là ‘điên’, ông Nietzsche là ‘tâm thần’, ông Mao là ‘bạo chúa’…
NHƯNG… Cuối cùng thì đi đến đâu tôi cũng thấy, không người này thì cũng người khác, hết ‘nam mô a di đà… Khổng Tử’ đến ‘nam mô a di đà… Nietzsche’, nói chung là sẵn sàng sùng bái hết ‘tượng đài’ này đến ‘tượng đài’ khác…, đó là chưa kể đến chuyện một người bạn của tôi nói là ‘anh nói cũng đúng, mà tên ném đá anh nói cũng đúng’ (!), hay ‘về chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa, dân TQ nói cũng đúng, mà dân Việt nói cũng đúng’ (!):
-Chán lắm thay cái chủ nghĩa win-win này!
…Phải nói rằng từ nhỏ cho đến trước năm 1979, tôi hầu như không nghe nói gì về ‘vấn đề’ Trung Quốc, ngay cả đến năm 2010 (trước khi sự kiện Biển Đông bắt đầu có tác động mạnh trong dân chúng), ‘vấn đề’ này cũng hiếm khi được tôi… đoái hoài, mãi cho đến khi cái ‘Giàn khoan 981’ lồ lộ hiện ra.

‘Cánh hồng Trung Quốc’
Từ nhỏ, tôi được học âm nhạc khá cơ bản (ở trường và ở nhà), nhưng nay… quên hết rồi, hi... Bản nhạc đầu tiên mà tôi học không ngờ là nhạc Tàu, đó là bản ‘Cánh hồng Trung Quốc’ (nhạc Chen Gexin, lời Phạm Duy):
Kìa một nàng Trung Hoa/Răng trắng tinh như là ngà/Nụ cười tươi như hoa thắm/Cô em tha thướt lượt là/Lòng tôi thêm vấn vương/Những khi chiều tà nhìn cánh chim qua/Mộng được như đôi chim bay tới chân trời xa.
Cớ sao những chiều ngắm mây lững lờ/Nàng Trung Hoa đắm chìm trong mơ, như thẫn thờ/Cớ sao cô buồn, cớ sao cô sầu/Sầu vì cô nhớ bờ sông Dương/Sầu vì đau thương.
Kìa nàng Trung Hoa xinh/Đôi mắt em như hạt huyền/Nàng nhìn tôi sao không nói/Khiến tôi lo lắng ưu phiền/Lòng tôi như bóng trăng/Sẽ soi bên nàng trong giấc mơ tiên/Để lòng cô say mê mãi khúc ca triền miên.
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/canh-hong-trung-quoc-vo-thuong.7UjCl1S6ou.html
Vâng, tôi mãi ‘khen’ nhạc Tàu, mà tôi cho là có ‘đẳng cấp quốc tế’ và không hề kém bất cứ một nền âm nhạc nào trên thế giới. Nói chung là những bản nhạc ‘xịn’ của Tàu thường hàm chứa tính triết lý sâu sắc kinh người, ví dụ:
Ai có thể thoát được nỗi sầu nhân thế
Trong thế giới phù hoa đó
Sống ở trên đời đã là chuyện điên rồ
Sao còn muốn lên tận trời xanh?
Chi bằng ngủ yên trong sự dịu êm
... (Mộng uyên ương hồ điệp)
Vâng, đã sinh ở cõi còn-không này, làm sao mà thoát được nỗi sầu nhân thế, lại gặp toàn là chuyện ‘ta bà’ đau khổ, đã muốn kiếm chút hạnh phúc nho nhỏ trong từng khoảnh khắc lượm lặt, nhưng nào dễ được!, thiên đường hư ảo nào cho ta!, hay là ta đang sống mà như đã chết, và có phải chết rồi là thoát khỏi trùng trùng đau khổ!
Đúng vậy, nhạc Tàu thường trầm buồn, chan chứa thân phận, đầy tình yêu tính và khổ đau tính…, nhưng không hiểu tại sao nước Tàu ngày nay lại…
*
Cùng với các bản nhạc/nhạc phim như ‘Betrayal’ (Phai dấu cuộc tình) ‘Bến Thượng Hải’, ‘Mộng uyên ương hồ điệp’, ‘Mùa thu lá bay’, ‘Tây Lương nữ quốc’, ‘Tiếu ngạo giang hồ’...: 
Betrayal: http://mp3.zing.vn/bai-hat/betrayal-yao-si-ting/zwzfi6fa.html
Bến Thượng Hải: https://www.youtube.com/watch?v=f79bEOnMlMw
Mộng uyên ương hồ điệp: 
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Mong-Uyen-Uong-Ho-Diep-3/IW66Z0FB.html
Mùa thu lá bay: https://www.youtube.com/watch?v=B5V0qHPkK-w
Tây Lương nữ quốc: https://www.youtube.com/watch?v=e85JShAEIXU
Tiếu ngạo giang hồ: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Tieu-Ngao-Giang-Ho-Various-Artists/ZWZCB98B.html 

…Nó làm tôi… yêu lây những A Tử (Trần Hảo), Chung Lệ Đề, Chương Tử Di, Củng Lợi, Ôn Bích Hà, Phạm Băng Băng, Thư Kỳ, Tiểu Long Nữ (Lưu Diệc Phi)…, và nếu có ‘Thần Đèn’, tôi cũng bắt ông ấy cho tôi gặp Thư Kỳ một phen, hihi…
…Và cũng từ đó, Ngô Thừa Ân, Kim Dung, Cổ Long, rồi Lý Tiểu Long… thường đến tâm sự với tôi.
*
Cũng cần nói rằng, có nhiều bản nhạc Việt có triết lý sâu sắc không kém, có đầy đủ các tính chất trên của nhạc Tàu, nhưng hình như nó nhẹ nhàng, phảng phất một nét hư vô khác biệt nào đó của người Việt, không những so với người Tàu, mà còn so với thế giới, ví dụ: 
-Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời 
(Cỏ xót xa đưa), hay
-Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
(Mưa hồng), hay
Bài hát tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên
Bài hát tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn…
Trả lại cho tôi, trả lại cho anh
Trả về hư không giọt nắng bên thềm
(Giọt nắng bên thềm)...
Theo tôi, nét hư vô nhẹ nhàng này còn đượm trong ‘Bên cầu biên giới’, ‘Biển, nỗi nhớ và em’, (các) ‘Bài ca không tên’, ‘Dấu chân địa đàng’, ‘Hoa tím ngoài sân’, ‘Hoài cảm’, ‘Khoảnh khắc’, ‘Paris có gì lạ không em’, ‘Thành phố buồn’, ‘Vết thương cuối cùng’… Ngoài ra, nếu hát ca trù, hát chèo, hát bội, ca cải lương, nhã nhạc, nhạc dân tộc… là đặc trưng cho nền âm nhạc Việt Nam và tính Việt, thì thiết nghĩ rằng ‘tính Việt’ rất khác ‘tính Tàu’!

‘Hoa tàn, lá rụng…’
Khoảng năm 1973-74, khi ngồi trong bàn ăn, cậu tôi (là một cán bộ nằm vùng) có nói:
-Các Mác nói là tổ tiên của con người là con khỉ.
Lúc đó quanh bàn ăn có 5-6 người, nhưng tôi có thể cam đoan rằng chả ai nhớ câu nói đó cả, mà không biết vì sao mà tôi lại nhớ nó đến 42 năm!… Ông nói vậy là quá tốt! - với trình độ học vấn lớp 3 (rồi tham gia cách mạng), nhưng đồng thời cũng có ý chê bọn tôi là ‘bạch diện thư sinh’ chả biết gì!
Nhưng nay nghĩ lại, tôi biết rằng ông nói thế không… đúng lắm, vì: 1) cái đó không phải Karl Marx nói, mà là Darwin (*) nói, 2) ông có dám nghi ngờ, hay có dám nghĩ là Darwin sai chỗ nào không, và nếu đúng, thì ông đóng góp thêm (các) ý tưởng mới nào?...
Và nếu ông còn sống (nay sẽ 85 tuổi) thì ông cũng chỉ biết có vậy, nói chung là suốt đời ông chỉ biết hô ‘Darwin muôn năm’, và vài chục hay vài trăm năm nữa, nếu có ông ‘Darwin phẩy’ nào đó thì ta lại mang về và hô ‘muôn năm’ tiếp!, và cái này cũng thuộc loại ‘chủ nghĩa win-win’ vậy!
*
6g sáng ngày 17/2/1979, hình như là đang ở nhà, bỗng tôi nghe phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam, nói với giọng nói run run: ‘Quân TQ đồng loạt tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta…’, lúc đó tôi có xúc động mạnh, nhưng vì còn quá trẻ, nên sau đó không quan tâm theo dõi sự kiện vô cùng nghiêm trọng này cho lắm.
Rồi cán bộ tuyên huấn tỉnh xuống ‘nổ’ tùm lum, ví dụ như Liên Xô có loại vũ khí ‘gây mê’, mà khi quân ta tấn công qua biên giới Tàu thì binh lính TQ ngủ hàng loạt (khà..khà…).
Rồi tôi nghe hàng loạt từ ‘bành trướng bá quyền Bắc Kinh’, đặc biệt là ông xếp của tôi, nói (mà làm tôi nhớ cả đời) là ở biên giới phía Bắc, người dân TQ không đồng ý với cuộc chiến, nên họ thả rất nhiều lá trôi về phía sông VN, trên đó có khắc dòng chữ:
-‘Hoa tàn, lá rụng…’, hoa tức là ‘Hoa Quốc Phong’, lá tức là ‘Diệp Kiếm Anh’…
*
Sau đó, để chuẩn bị vào đại học, tôi có về thăm quê một chuyến. Số tôi làm sao ấy, cứ 10 lần lên xe hay lên máy bay là đến hết 9 lần được ngồi bên cạnh người… đẹp, thiệt (cười). Tối hôm đó, nàng ngồi bên cạnh tôi, người cong và thanh như con cá ‘hắc ma lũy’, đúng vậy, nàng tên Thanh - cùng làm trong Ban Chỉ huy Tiền phương với tôi, nhưng khác địa điểm (nàng bên Thủy lợi)… Trên đường đi, tôi thức nói chuyện với nàng cả đêm, vì nàng… hấp dẫn quá. Nàng hỏi:
-Anh có biết chuyện Phạm Tuân (*) uống nước đ… Gorbatco không? (Sao? Em cứ kể!). Trên tàu vũ trụ ở trạng thái không trọng lượng, nên mọi vật đều bị bay lơ lửng. Cho nên khi Gorbatco đi đ… thì nó bay lơ lửng trong tàu. Lúc đó khát nước quá mà loay hoay không biết bấm nút nào, nên anh ta vớ phải nước … của Gorbatco. 
Lúc đó, tôi không hiểu tại sao mà nàng - là cán bộ, còn trẻ, mới 22-23 tuổi - mà lại thâm nhập những chuyện ‘nói xấu chế độ’ này, hay là do mấy ông ‘tiếu lâm chính trị’ miền Bắc kể, rồi nàng kể lại! Và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu!
Nhưng quan trọng hơn: ‘yêu lắm, thương lắm, xa lắm, mà đau lắm’ - bây giờ tôi cứ tiếc hùi hụi khi trên đường, nàng bỗng đặt bàn tay nàng lên bàn tay tôi (nhưng tôi rụt tay lại), và tại nơi đến (bến xe Đà Nẵng) vào giữa khuya, nàng rủ tôi cùng… ở lại, nhưng tôi lại bắt tay nói ‘tạm biệt’, rồi lạnh lùng quay gót:
-Đúng là đồ ‘anh hùng rơm’, nên bây giờ nếu có nuối tiếc thì nàng đã có mấy cháu nội, cháu ngoại rồi! (híc..híc…)
…Sau đó, tôi đi học đại học, rồi lo học, lo xin việc làm, lo đi làm, lo có vợ, lo con, lo làm ăn, lo đất đai nhà cửa, lo cãi nhau, lo li dị…, ôi, cái chuyện ‘lặt vặt’ của cái xã hội mình làm cho tôi suýt sống cả đời vô nghĩa! Bây giờ, tôi cho việc viết lách như thế này là một ‘job’, tức là có… công ăn việc làm, mặc dù không có đồng nào, nhưng tôi cũng khá an tâm!

Hai hiện tượng ngẫu nhiên gặp nhau…
Năm 2005-06, tôi thường đi trên chuyến xe đò Sài Gòn - Tây Nguyên (Ban Mê hay Gia Lai)… Đêm nọ, một lần nữa!, tôi lại có duyên ngồi gần một… người đẹp, chúng tôi nói chuyện cả đêm. Lúc qua khỏi trạm Bù Đăng (qua Đắk Nông), nàng lại kể một câu chuyện nào đó, rồi bất ngờ chêm một câu tỏ vẻ rất khó chịu:
-Em không thích Tàu (!)
Không ngờ ngay đêm sau, trong bữa ăn tối tại Ban Mê, đang nói chuyện gì đó, có một phụ nữ bỗng phát biểu:
-Trên thế giới này chơi với nước nào cũng được, trừ Tàu (!)
Hai hiện tượng ngẫu nhiên gặp nhau trong vòng 24 tiếng đồng hồ! Tôi rất ngạc nhiên, nhưng ghi nhận, rồi… quên đi.
*
Năm 2011, có một ông tiến sĩ (sau 20 năm không gặp) ghé Sóc Trăng kiếm tôi, người mà sau đó được tôi phong là ‘ông tiến sĩ kỳ lạ’ (*)... Vài hôm sau, tôi gặp lại anh ở Sài Gòn. Tối hôm đó, khi chia tay, anh nói:
-Tôi sẽ đi bộ đội đánh TQ (!)
Lúc đó, vì đã từng thấy nhiều TNXP viết thư bằng máu xin gia nhập quân đội để đi đánh TQ, nên tôi rất ngạc nhiên là sao bạn tôi - là giảng viên - lại ‘máu’ như vậy! Đồng thời, lúc đó có xảy ra một cái đám cưới ở SG, tôi đi dự lại lọt đúng vào đường Trường Sa (và Hoàng Sa, là hai đường song song hai bên kênh Nhiêu Lộc, mới làm): điều nầy cũng gây cho tôi ấn tượng.
Cho đến ngày 27/7/2012, ở Cần Thơ, cùng ngồi dưới gốc cây bàng, sau hai lần nói chuyện về ‘Biển Đông’ với anh, tôi về khách sạn lần lượt viết hai bài là ‘Tiêu Phong và Trường Sa - Hoàng Sa' và ‘Tiêu Phong và A Châu định đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa’ (*)… Rồi tại Sài Gòn, tôi nhờ anh giúp tôi đọc lại bài sau khi viết, anh tỏ ý hơi lo, bởi vì lần đầu tiên tôi viết về một đề tài khá… nhạy cảm!, mặc dù trước đó anh đòi đi… đánh TQ!, ha..ha…
Và ngày này cũng chính là thời điểm mà tôi bắt đầu nghi ngờ Tàu…

(xem tiếp Chương III)
---------
Chú dẫn:


  1. ‘Cánh hồng Trung Quốc’: Bài này có tên chuẩn là ‘Rose, Rose, I LOVE YOU’ do Chen Gexin (1914-1961) sáng tác vào năm 1940 và ca sĩ Yao Li thể hiện thành công nhất, năm 1951 Frankie Laine, có cove (cải biên) lại theo điệu Jitterbug và rất được phổ biến tại Mỹ (theo Diệu Thủy), xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/01/304-canh-hong-trung-quoc-va-gioi-am-nhac.html
  2. Darwin (1809-1882): là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học người Anh… Khám phá của Darwin là lý thuyết thống nhất cho các ngành khoa học sinh vật vì có thể đưa ra lời giải thích duy lý cho sự đa dạng loài… Ông đã đi đến một lý thuyết làm chấn động nền tảng khoa học của thế kỉ 19: loài người có họ hàng với loài vượn! Trong cuốn sách "Nguồn gốc muôn loài" (The Origin of Species) ông đã đưa ra một quan điểm có tính chất cách mạng nói rằng tất cả các loài sinh vật, từ con kiến cho đến con voi, đều nằm trong vòng chọn lọc của tự nhiên... (wikipedia)
  3. Ông tiến sĩ kỳ lạ, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/08/45-ong-tien-si-ky-la.html
  4. Phạm Tuân: ‘Cách đây 35 năm, ngày 23-7-1980, nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorbatco đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ Liên hợp 37…’ (thethaovanhoa.vn)
  5. ‘Tiêu Phong và A Châu định đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/07/228-tieu-phong-va-chau-inh-i-tham.html
  6. ‘Tiêu Phong và Trường Sa - Hoàng Sa', xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/08/40-tieu-phong-va-truong-sa-hoang-sa.html

6 nhận xét:

  1. vomtroirieng [Blogger] Email 08.10.15@11:14
    Bài này thì VTR có 2 ý:
    -Chơi blog để làm gì? ừ nhỉ, để làm gì, vì VTR ko "chơi blog", mà "viết " blog, hi hi, viết để thanh thản, viết cho nhẹ lòng vì ngoài đời, do mưu sinh, ta buộc phải "ngoan đến hèn", luôn vâng theo những chỉ đạo của sếp dù biết chỉ đạo đó "ngu" và đọc tì hết sức.
    -Nếu có ai đó nói chơi với Tàu không tốt thì chưa chính xác đâu, người Hoa chơi được lắm, rõ ràng, sòng phẳng, tình nghĩa, mang ơn ai là nhớ suốt đời, đó là trải nghiệm của VTR khi ngày xưa Ba của VTR làm việc trong 1 quân đa số là Hoa kiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cái bài viết của người ta là 'NƯỚC TÀU TRONG MẮT TÔI'.
      Khái niệm 'người Tàu', 'nước Tàu' và 'Tàu khựa' (hay 'Tàu Đại Hán') là khác nhau, trong đó, người Tàu thì ta... yêu, nước Tàu thì ta bang giao, nhưng 'Tàu Đại Hán' thì bye bye, hehe...

      Trong bài, người ta đã nói rõ ràng rồi mừ:
      1. Người Tàu: Nó làm tôi… yêu lây những A Tử (Trần Hảo), Chung Lệ Đề, Chương Tử Di, Củng Lợi, Ôn Bích Hà, Phạm Băng Băng, Thư Kỳ, Tiểu Long Nữ (Lưu Diệc Phi)…, và nếu có ‘Thần Đèn’, tôi cũng bắt ông ấy cho tôi gặp Thư Kỳ một phen, hihi…
      2. Nước Tàu: Vâng, tôi mãi ‘khen’ nhạc Tàu, mà tôi cho là có ‘đẳng cấp quốc tế’ và không hề kém bất cứ một nền âm nhạc nào trên thế giới. Nói chung là những bản nhạc ‘xịn’ của Tàu thường hàm chứa tính triết lý sâu sắc kinh người...
      3. Nhưng 'Tàu Đại Hán' thì không rảnh đế nói.

      Vậy nhé, thank for 'tem vàng', chiều... ngọt ngào.

      Xóa
  2. Hãy đốt lửa cho rừng hoang ấm lại!.. Anh Lá Bàng ạ...
    CHÚC ANH LUÔN VUI, KHỎE NHÉ!....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi, MRC thích hát karaoke thì đây nè:
      http://mp3.zing.vn/bai-hat/Khuc-Hat-Nguoi-Di-Khai-Hoang-Quoc-Dai/ZWZCW6BC.html
      Chiều vui nhé.

      Xóa
  3. Trần Dương 560 [Blogger] Email 10.10.15@04:31
    Mình rất thích đọc các Entry của bạn, nhưng riêng bài này mình ko bàn tới yêu, ghét đau nha

    Mời bạn dùng cà phê sáng thứ 7, chúc bạn ngày thứ 7 và chủ nhật "Gom được nhiều lá bàng" & có thêm nhiều niềm vui nha !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Yêu thì yêu mãi dáng cong
      Ghét thì ghét mỗi cái 'sân, si' nhiều
      Bên tường nắng ẩn cuối chiều
      Bé tung tăng hát, quên điều thị phi

      Cám ơn bạn TD nhé, chúc chiều vui.

      Xóa