Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

847. Cõi chiều tà của những con ma quỷ (Thư giãn cuối tuần)

Những con chim ẩn mình chờ chết

Chiều xưa, anh ngắm vu vơ rẫy
Vú sữa màu xanh, trải trải hồn
Ông ơi, khi nào cây cho trái?
-Ôi, ước gì anh, đợi... kiếp sau


Hồi nhỏ, sau khi chạy giặc bởi ‘cuộc đổ bộ của nửa triệu quân Đồng Minh’, tôi đến một vùng biển nhỏ… Ở đấy, tôi bắt đầu được học nhạc (lai rai khoảng 10 năm) với bản đầu tiên là ‘Cánh hồng Trung Quốc’, rồi ‘Chiều tà’, ‘Dạ khúc’..., có lẽ vì học găm dễ trước! (không thăng giáng, 2 dấu thăng, rồi mới đến 1 dấu giáng…), trong đó, bài mà tôi nhớ nhất là bài ‘Chiều tà’ và đánh giá là hay… nhất thế gian! - cũng khá đúng khi Phạm Duy đưa nó vào tuyển tập ‘17 bản tình ca bất tử’!
Bài này - đã giúp tôi đạt giải nhất trong đêm biểu diễn văn nghệ của các trường đại học (ở Thủ Đức) - có lời rất ‘phiêu diêu’ mà làm tôi mãi nhớ: ‘Lắng trầm tiếng chiều ngân / Nhạc dặt dìu ái ân / Người ôi! Nhớ mãi cung đàn / Năm tháng phai tàn / Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng... Đã quên hết sầu chưa / Lời này là tiếng xưa / Quỳ dâng dưới nắng phai mờ / Bên gối ơ thờ/Ôi tiếng tơ tình mong chờ… Chiều êm êm đưa duyên về người / Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời / Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến như chuyện thần tiên / Niềm mơ xưa là đó / Cho ta nâng niu lời thơ / Chiều mơ không gian / Hờ hững cõi Thiên Đàng / Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ / Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà…’ (Nhạc Enrico Toselli, Trình bày Thái Thanh, LV Phạm Duy)
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/chieu-ta-thai-thanh.d2IkQjIkd2rh.html
Và từ bài hát ‘Chiều tà’, bài viết sẽ dẫn dắt bạn đọc đến các câu chuyện về: 1) ‘Ông lão Chiều tà’, 2) Nữ thiền sư và… thầy Nguyễn Lân Dũng, 3) ‘Tony buổi sáng’ và ‘ai cũng cần có 1 thời bé dại để lớn lên’, và, 4) ‘Người phụ nữ chờ chết’…



1
Nói chung là sau khi viết bài ‘Bản nhạc Chiều tà - ông ấy đã chết’ (viết ngày 12/1/2012) với dòng: Bài hát đã làm mình chết lịm, một tình yêu rạo rực, khao khát, bùng cháy hiển hiện trong tâm trí mình, nhưng than ôi, nàng ở đâu rồi, nàng có nghe ông hát tặng nàng không, sao suốt đời nàng không ghé lại 'thăm' ông ấy, nghe ông hát một lần, dù chỉ 5 phút thôi, rồi ông mãn nguyện nhắm mắt, cái quan tài bằng gỗ nhỏ sẽ đưa ông ra một vùng đất đỏ, ở đấy ông sẽ cô đơn vĩnh viễn với những cơn mưa dầm mùa đông ngày đêm hầu như không dứt, ở đấy loài giun dế sẽ tấu lên khúc nhạc đại ngàn để an ủi ông trong lòng đất, ở đấy những cơn gió hoang dã khủng khiếp sẽ thổi qua linh hồn ông, ở đấy từng đàn chim két vẫn thường bay ngang qua nhỏ lệ trên nấm mồ của ông, ở đấy ông có thể nhìn xuống sườn dốc nối liền với cái hồ dài như bất tận, nhẹ nhàng và lãng mạn đưa linh hồn ông rong ruổi cõi vô cùng…,  
làm cho một số nàng thổn thức (cười), thì có một blogger bên Mỹ (THD!) vào bình luận và nhờ tôi viết tiếp cho đủ ‘bộ ba’, nên tôi viết thêm hai bài nữa, là: ‘Dạ khúc - nỗi niềm của cậu bé’* và ‘Sầu Chopin - kẻ bị chối từ’*…
*
Vâng, vì sự động viên của họ mà từ đó tôi theo nghiệp blog!, nhưng có lúc tôi đã ‘bỏ’ trong 6 tháng đầu năm 2014, và thực sự bỏ khi viết bài ‘Ngư ông đấu trí với… thượng đế’* (tháng 4/2015) với dòng thơ:
Rồi cuộc tình mong manh
Men tình ôi chóng vánh
Vị tình nhạt đôi môi
Thuyền tình trôi dĩ vãng
Những chiếc lá vàng bay
Để mùa thu ở lại
Hoàng hôn say say rơi
Mộ địa cuối chân trời

(và ‘lưu luyến gì cái thế nhân bầy đàn này*’ hay ‘con người mới chính là ma quỷ, là lũ người quỷ ám, là quỷ chứ không phải người*’…), mà sau đó chỉ viết cho đỡ buồn:
-Tôi là một ‘con chim đang ẩn mình chờ chết’!
*
Mặc dù thường tắt điện thoại và không tiếp xúc với đời nữa, nhưng dù sao đôi khi cũng phải mở máy vì ‘chuyện nhà’, bỗng tôi nhận được một cú điện thoại gọi đi dự đám giỗ của ông anh - mà sau năm 1975, tôi đã ờ nhà anh và luyện thành công bản ‘Chiều tà’ - chết vào ngày này năm ngoái vì bệnh ung thư dạ dày.
Ôi, nhớ lại, hầu như cả năm, tôi rất thường nhận được điện thoại gọi đi đám cưới, sinh nhật, tân gia, đám giỗ ông bà nội ngoại/chú bác/cô cậu/anh em, đóng góp xây mộ, đóng góp làm nhà thờ tộc, họp mặt dòng họ, ‘nhậu’ ôn kỷ niệm bà con xưa…, đúng, nhưng ngoài ra còn cái gì nữa?... ‘Ôi, cái xã hội VN’!

2
Vâng, tôi đã than thầm, và nếu không nhầm, tôi đã đúng khi mà trưa hôm qua, ngồi ăn bên cạnh một cái đĩa ‘rau càng cua Việt’ và cái ‘nồi cơm điện SHARP* của Nhật’, có một nữ thiền sư! nói rằng ‘trên thế giới, có người Israel và Việt Nam là thông minh nhất, nhưng người Israel thì lưu lạc khắp thế giới nên ‘độ sáng tạo’ của họ rất cao, còn người Việt thì cứ thích tụ về thôn làng nên…’, ‘chỉ sáng tạo ra rau… càng cua chứ gì, trừ khi qua khỏi biên giới!’ - chồng bà ta bổ sung, ‘không đễn nỗi tệ vậy!’ - bà ta phản ứng...
Tại đó, nghe bà ta nói ‘người Việt thông minh nhất thế giới’, tôi chưa kịp phản xạ, nhưng khi về nhà ‘kiểm tra’ lại cả ngày lẫn đêm với những Nguyễn Trường Tộ (thuộc ‘Thập bát đại văn hào thế giới’ năm 1874), Nguyễn Xuân Vinh, Trịnh Xuân Thuận, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy, Phạm Công Thiện/Bùi Giáng, Phạm Duy/Trịnh Công Sơn, Thích Nhất Hạnh, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Thanh Việt (tác giả của cuốn ‘The Sympathizer, giải Pulitzer Mỹ)… thì thấy nó chiếm tỉ lệ/các danh gia thế giới là vô cùng thấp, nếu không muốn nói là trong lịch sử VN thì chỉ có Ngô Bảo Châu là có đứng đầu ‘bảng điện tử thế giới’ với cả sự tâm phục khẩu phục, điều quan trọng là họ đều có ít nhiều yếu tố ‘qua khỏi biên giới’!
*
May quá, mới đọc được câu: ‘Với em, các nhà tư tưởng lớn không phải là để cho chúng ta tôn thờ vô điều kiện... ’ (Nguyễn Tiến Thành, Trường Amsterdam, Hà Nội), thì có một cụ đã giúp tôi đoạn sau:
-Hiện nay trí thức trẻ thất nghiệp quá lớn: 190.900 Đại học, 918.900 Cao đẳng chuyên nghiệp, 10.000 Cao đẳng, 60.200 Trung cấp chuyên nghiêp nghề Cũng đang dư thừa quá nhiều giáo viên: 41.000 GV tiểu học, 12.200 GV THCS, 16.900 GV THPT. Trong khi đó các cơ sở đào tao giáo viên vẫn tiếp tục tồn tại quá nhiều: 9 trường ĐHSP, 1 ĐH giáo dục, 31 Khoa SP trong ĐH đa ngành, 35 CĐSP, 19 Khoa SP trong các trường CĐ, 3 TCSP, 10 TC chuyên nghiệp ĐHSP nên tuyển sinh bao nhiêu và nên học gì?... Rất tiếc hiện nay thông qua kỳ thi quốc gia vừa qua thấy số đông có kiến thức quá thấp, nhất là với các môn quan trọng như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trong kỳ thi Quốc gia vừa qua: Môn Toán cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là 3.152. Có 5.410 thí sinh bị điểm 0; 6.671 thí sinh đạt 0,5 điểm, 8.586 thí sinh bị điểm 1. Chưa kể đến số thí sinh đạt mức 0,25 và 0,75. Ước tính số thí sinh bị điểm liệt ở môn Toán có thể lên đến khoảng gần 40.000 em. Môn Ngoại ngữ, vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức 2-3,5 điểm, chỉ có 59 thí sinh đạt điểm 10. Số thí sinh bị điểm liệt gần 200 em. Ngay môn Văn mà số thí sinh bị điểm 0 là 423 em, mức 0,5 điểm là 192 em và mức 1 điểm là 349 em. Tuy nhiên nếu tính số thí sinh đạt ở mức 0,25 và 0,75 thì con số thí sinh bị điểm liệt có thể lên đến hàng nghìn. Ở môn Văn, Bộ GD-ĐT cũng xác nhận không có thí sinh nào đạt điểm 10… (‘Thực trạng giáo dục ở VN’, Nguyễn Lân Dũng)
http://nguyenlandung.vn102.net/2016/08/16/th_c_tr_ng_giao_d_c_vn
*
Tôi mới bình là:
-Vì tình hình thực tế mà ‘tích hợp’ Sử VN với bất cứ môn gì đều không phải, tại vì khi đi uống cà phê/đi nhậu, tôi thấy rất nhiều người Việt kể vanh vách về ‘Dịch Nha làm thịt con dâng cho Tề Hoàn Công’, ‘Trận Xích Bích - Tào Tháo đem 70 vạn binh đi tấn công Đông Ngô’, ‘hết Võ Tòng sát tẩu đến Lý Qùy ăn thịt Lý Qủy’, ‘hết Khang Hi vi hành đến Càn Long vi hành’, ‘hết soái ca Lý Tiểu Long, đến Lý Liên Kiệt, Huỳnh Hiểu Minh’, rồi các chuyện diễm lệ ngôn tình như ‘Mối tình Dương Quá và Tiểu Long Nữ’, ‘Hoàng thượng vạn tuế và các mỹ nhân’…!!!
Mà, khi tôi hỏi ‘Sông Bạch Đằng ở đâu?, đánh như thế nào?’, ‘Vì sao Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc nhanh thế?’, ‘La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là ai?, ở đâu?’, ‘Bí quyết - Võ Nguyên Giáp và trận Điện Biên?’, ‘Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… là ai?, làm sai cái gì?’, ‘Trận Waterloo - Napoleon đánh nhau với Wellington như thế nào?, tại sao thua?’, ‘TT Jefferson và việc làm đường rầy xe lửa ở Mỹ có liên quan như thế nào?’, ‘Hitler tự tử bằng súng hay thuốc độc?’… thì các blogger ú ớ… không biết!...
Vì vậy, thiết nghĩ rằng Sử không chỉ nên kể ‘công’, không chỉ nên nói về ‘các cuộc khởi nghĩa’, không chỉ nên nói về LSĐ…, mà nên mở rộng ra ‘các thành tựu văn hóa, văn học, khoa học, nghệ thuật Việt và thế giới…’, ngoài ra, sv/hs cần được hiểu sâu/rộng hơn về vụ ‘sông Mekong/ĐBSCL’, ‘Chiến tranh biên giới 1979-1989’, ‘Hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa’, ‘Biển Đông/Trường Sa-Hoàng Sa’, 'bành trướng/chạy đua vũ trang’, ‘các dự án độc hại’, ‘nhiễm độc môi trường’…
Đặc biệt là, khác với ‘Sử cũ’, cần kể ‘tội’ hơn là kể 'công', vd, hơn là cần biết về Nguyễn Huệ:
-Nhiều blogger rất cần biết về Lê Chiêu Thống - tên bán nước này có ‘đôi môi’ như thế nào?, vì để vẽ tên Giuda (bức tranh ‘The Last Supper’ - Bữa tiệc ly), Leonardo Da Vinci phải mò xuống tận hầm xác mất 3 năm, từ 1495-1498, để nghiên cứu rất kỹ đôi môi của kẻ phản bội…
Ngoài ra, khác với Mỹ và tương đương - người ta rất quan tâm đến ‘khủng bố/thế giới Hồi giáo’, ‘vũ khí nguyên tử/sinh hóa’, ‘hacker’, ‘môi trường/thực phẩm’, ‘đại dịch’, 'biến đổi khí hậu', ‘khoa học/công nghiệp quốc phòng’ (vụ TQ/Triều Tiên/Syria/Ucraine):
-Còn tôi đang ngồi ăn cơm bên cạnh một cái đĩa ‘rau càng cua Việt’ và cái ‘nồi cơm điện SHARP của Nhật’, mà rất nhiều câu hỏi trong tôi đã được đặt ra…

3
Và may quá, một ‘sympathizer’ (người đồng cảm) đã đến với tôi - khi một sinh viên giới thiệu cho tôi một người bạn mới là Tony buổi sáng, và nói ‘anh ấy viết giống như chú, và nay rất nổi tiếng’ (!). Và vì vốn tôn trọng cái ‘mới’, nên ngoài Huyền Chíp, Trần Hùng John, Trần Thị Lam, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Phan Quang Bình (phim ‘Quyên’*), Trần Anh Hùng (phim ‘Eternité’* - Vĩnh cửu)…, tôi liền đọc vài ba bài của ‘Tony buổi sáng’, mà chưa đề cập đến đúng-sai và vài lỗi chính tả không đáng kể…, tôi đã tìm thấy trong Tony những câu rất ‘đời’, như:
-Hồi xưa ông cậu Tony có nói, muốn đánh giá 1 con người dễ ẹt, đụng đến vấn đề tiền bạc thì bản chất thế nào sẽ lòi ra thế ấy;
-Đại gia trong Nam thì con gì cũng bắt đem về nhà nuôi để khoe, còn đại gia đất Bắc thì con gì cũng phải thịt;
-Đại gia đích thân cầm lái, vượt tất cả đèn đỏ và hềnh hệch cười ‘mày nói với ông ấy là tao quen hết với công an giao thông ở đây’;
-Một trong những lý do thường trực mà bọn mình lúc đó hay cafe để tám, là nói xấu sếp, thậm chí chê sếp ngu, tức thiểu năng trí tuệ theo ngôn ngữ bây giờ. Mấy nhóc chỉ hơn 20 tuổi nhưng nghĩ mình khôn, còn mấy ông sếp bà sếp thì lúc nào cũng ngu (ngu mà họ làm sếp, chỉ đạo mình akkaa)…

Câu ‘Hồi xưa ông cậu Tony có nói, muốn đánh giá 1 con người dễ ẹt, đụng đến vấn đề tiền bạc thì bản chất thế nào sẽ lòi ra thế ấy’ làm tôi liên hệ đến câu ‘Lấy của người khác làm của mình, ngồi vào chỗ không phải của mình để kiếm lời (tiền bạc và danh phận), hành động bị coi là đê tiện ấy ngày càng phổ biến, đang trở thành đặc điểm của xã hội chúng ta. Tên gọi đúng của các loại đạo ấy là ăn cắp, là tham nhũng.’ (NS Dương Thụ, báo Tuổi Trẻ, ngày 18/8/2016)!, và tôi ‘kết’ nhất là câu:
-Thường mà những ai nói người khác ngu thì chính bản thân họ chưa trưởng thành, dù tuổi lớn thế nào, nên giờ thấy ai chê người khác ngu, mình thông cảm lắm: ai cũng cần có 1 thời bé dại để lớn lên.
Ha..ha..ha…
*
Mặc dầu khen Tony là... hay hơn ‘Dale Carnegie’ (!), nhưng cậu sinh viên nói:
-Ôi, cái ông triết gia John Dewey* thế mà ghê thật!
-Trời, ông ta đã thống trị trên ‘triết trường’ của Mỹ và thế giới trong 60 năm, không ghê sao được!
-Cháu đã đọc được 150 trang cuốn ‘How to win friends and influence people’ (Đắc nhân tâm) bằng tiếng Anh, kiểm tra thấy người ta nhắc John Dewey đến 6-7 lần, ông Freud cũng ghê lắm - đến 5 lần, còn Khổng Tử (Confucius) chỉ có 1-2 lần à!
-Thế nếu không đi học lớp tiếng Anh IELTS thì cháu có biết ông John Dewey là ai không?
-Không, ở trường ai cho học mà học, nên chỉ có... ma mới biết (!)

4
Viết đến đây, đã đến buổi chiều tà…
Vâng, chiều tà đã làm nên cảm xúc của bao nhạc sĩ, thi sĩ: ‘Chiều buồn nhẹ xuống đời. Người tình tìm đến người. Thấy run run trong chiều phai…’. Tiếng đàn thánh thót, mượt mà, tròn đều, nhè nhẹ rung lên, vang xa qua mấy dãy nhà, mấy ông chồng mắt thì tỉnh ngủ hẳn, nhìn lên trần nhà mơ về một cõi tình xa xăm nào đó trong quá khứ, mấy bà sồn sồn thức dậy, ‘suỵt, đừng làm ồn, để nghe’, cặp mắt của mấy bà mơ màng như đang rơi vào một cõi yêu đương ‘nghệ sĩ’ nào đó ai mà biết’ (Dạ khúc - nỗi niềm của cậu bé)...
Ngồi trong phòng vắng, với cơn gió chiều nhè nhẹ và lành lạnh như từ cõi âm ti gửi về, tôi nhìn ra ngoài trời... Dưới cái nền trời u ám của buổi chiều Sài Gòn, tôi cố hết sức nhướng người ra mới thấy bóng Phật Bà đại từ đại bi đã ẩn mất sau cánh cổng sắt, bóng Chúa Cứu Thế và tiếng chuông nhà thờ ‘kính coong’ đã mất hút sau vô số dãy nhà lầu thành phố, chúng sinh đâu hầu như không thấy: những chú chim buồn biến bóng đi đâu!, chỉ trừ một cụ già tóc bạc phơ đang lom khom khấn vái trước tượng Phật và tiếng la hét xa xa của vài đứa trẻ con không quan tâm đến ‘khổ đau’ hay ‘nỗi buồn cá chết’…
Rồi chiếc điện thoại réo vang, có hai cái bóng đen đang thập thò sau cánh cổng: Một phụ nữ, chồng cô ta chạy xe ôm mà trong một cơn say đã chui đầu vào đít của một chiếc xe tải để sang bên kia làm nghề buôn muối!, còn cô ta đã chết đi sống lại bao nhiêu lần vì cái chân cứ bị phù lên như chân voi, không hiểu sao cô ta vẫn chưa chịu xuống đó mà buôn muối chung với chồng! Đứng ne né bên cạnh mẹ là một cô bé, mới 18 tuổi, chuẩn bị vào trường ĐH, thứ Hai tới sẽ vào ở Ký túc xá và phải đóng học phí ban đầu sơ sơ là 17 triệu đồng, trong lúc mẹ của cô bé bán mỗi ngày được cỡ 10 ly cà phê và lời được 20.000đ/ngày, và đang chờ chết! Và vì cũng là một ‘con chim đang ẩn mình chờ chết’, nên tôi tự hỏi:
-Ta… Ta… Các ngươi sinh ra trong cái cõi ma quỷ này để làm gì?

‘Tất cả chúng ta đều phải đấu tranh để sống cho đến khi mà bỗng nhiên tự hỏi rằng 'có phải chúng ta sống chỉ để mà tranh đấu?'. Nhưng mà nè, nếu tôi nhìn vào tấm gương phản chiếu 50 năm sau của tôi thì tôi sẽ nói 'đời là một cuộc chơi, hãy cứ chơi’ (hahangiang)!
Vậy, hỡi ‘ông lão Chiều tà’, hỡi ‘người anh ung thư’, hỡi nữ thiền sư, hỡi em Nguyễn Tiến Thành, hỡi thầy Nguyễn Lân Dũng, hỡi bạn Tony buổi sáng, đặc biệt là cậu bé MAKENO* cuộc đời nói trên:
-Phải chăng khi đến tuổi chiều tà, ta mới có thể trả lời được câu hỏi đó!

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. ‘Bản nhạc Chiều tà - ông ấy đã chết’, đọc tại: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/ban-nhac-chieu-ta-ong-ay-chet.html
  2. ‘Dạ khúc - nỗi niềm của cậu bé’, đọc tại: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/da-khuc-noi-niem-cua-cau-be.html
  3. ‘Lưu luyến gì cái thế nhân bầy đàn này’, đọc tại: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/10/752-thuong-e-vi-hanh.html
  4. MAKENO cuộc đời: ‘We all fight to live till those last moment to just suddenly wonder ‘did we just live to fight?’. But hey, I would look at myself in the mirror the next 50 years and say ‘good game, next please’ (hahangiang, email from Bangkok)
  5. ‘Ngư ông đấu trí với… thượng đế’, đọc tại: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/04/673-ngu-ong-au-tri-voi-thuong-e.html23/10/2015
  6. Phim ‘Eternité’ (Vĩnh cửu): Lấy bối cảnh nước Pháp cuối thế kỷ thứ 19. Valentine vừa mới tròn đôi mươi kết hôn với Jules khi tuổi đời còn rất trẻ; 100 năm sau, cô cháu gái của bà đến từ Paris bách bộ trên một cây cầu nhỏ và kết thúc cuộc dạo bước định mệnh đó của mình bằng đám cưới với chàng trai mà cô phải lòng; đan xen giữa hai thế kỷ đó là những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử… của ba người phụ nữ trong thời chiến, vượt qua nghịch cảnh và quả cảm đối mặt với những sóng gió của cuộc đời… Eternité là bộ phim mới nhất của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng từ sau tác phẩm gây tiếng vang ‘Rừng Na-uy’ (Haruki Murakami)… Sự kiện công chiếu Eternité… chuẩn bị cho chuyến công du đến VN sắp tới đây của Tổng thống Pháp Francois Hollande…, cùng với sự kiện ra mắt phim, đạo diễn Trần Anh Hùng… sẽ trở về để giao lưu với khán giả VN từ ngày 5-8/9/2016. (vietnamnet.vn)
  7. Phim ‘Quyên’: Là bộ phim tâm lý tình cảm do Nguyễn Phan Quang Bình làm đạo diễn… Nội dung phim Quyên bắt đầu khi một nhóm người vượt qua ngọn núi tuyết trong đó có Dũng và Quyên cả 2 mới lấy nhau gần được 2 tháng, Dũng là một nhà tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các hiện tượng trong tự nhiên còn Quyên là một cô gái gốc Hà Nội đi cùng chồng trong đợt khảo sát này. Do điều kiện quá khắc nghiệt nên Dũng đã đi quá nhanh còn Quyên ở lại phía sau thì bị tên Hùng bắt cóc và hãm hiếp cũng chính từ đây con người cũng như tính tình của Quyên đã dần dần thay đổi và cô trở thành một con người khác từ lúc nào không hay. Từ đó cô ở với Hùng trong một ngôi nhà gỗ lụp xụp ở giữa khu rừng phủ đầy tuyết này vì giờ đây cũng không biết làm sao để thoát khỏi được bàn tay của Hùng - một con người đầy gian xảo và tàn nhẫn, liệu cuộc đời của Quyên sẽ đi về đâu và câu chuyện gì sẽ diễn ra kế tiếp? Xem tại: http://tronbohd.com/phim-le/quyen_6417/xem-phim/
  8. ‘Quỷ chứ không phải người’, đọc tại: http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/08/846-con-nguoi-va-ac-quy-thu-gian.html
  9. ‘Sầu Chopin - kẻ bị chối từ’, đọc tại: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/sau-chopin-ke-bi-choi-tu_6.html
  10. SHARP: Thương hiệu Sharp là một tập đoàn sản xuất điện tử của Nhật Bản, thành lập năm 1912, nổi tiếng thế giới với các sản phẩm và giải pháp độc đáo…., là một trong 20 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới và nằm trong danh sách 100 công ty chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển theo tạp chí IEEE Spectrum... (tiki.vn)
  11. ‘Tony buổi sáng’: Từ một fanpage tự phát trở thành một trong những quyển sách có lượt người mua kỷ lục…, đã ai thắc mắc, nếu là hư cấu tại sao Cafe cùng Tony lại được xuất bản như một quyển sách Hướng dẫn kinh doanh thuộc hàng best-sellers chứ không phải tản văn hay một quyển truyện hài?… Nên nhớ, chẳng kì tài kinh doanh 8x, 9x nào thành công chỉ bằng việc đọc ‘Tony buổi sáng’ mỗi ngày - nếu người đó không thực hành thực tế (Minh Thi). Đọc tại: http://sachvui.com/sachvui-686868666888/ebooks/2014/pdf/Sachvui.Com-ca-phe-cung-tony-tony-buoi-sang.pdf
  12. Triết gia John Dewey (1859-1952): Từ 1894 đến 1904, J.Dewey giảng dạy triết học tại Đại học Chicago. Trong 10 năm…, J.Dewey đã tập hợp quanh mình một số người cùng chí hướng đã hình thành nên trường phái Chicago của Chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Ông gọi đó là ‘Tuyên ngôn số 1’ của Chủ nghĩa công cụ… Năm 1903, W.James đã nồng nhiệt chào mừng sự kiện này …bằng lời tuyên bố: ‘Một trường phái triết học mới - Trường phái Chicago - đã chính thức ra đời’… Sau khi J.Dewey mất, trong những năm 50 của thế kỷ XX, tư tưởng triết học và giáo dục của ông đã bị những người đối lập chỉ trích… Song, có thể nói, sự chỉ trích đó không thể làm giảm uy tín của J.Dewey với tư cách nhà giáo dục học, nhà triết học nổi tiếng... (maxreading.com)

12 nhận xét:

  1. @ Hồng Tâm
    Trùi, sao muội nhanh như tên bắn vậy!, đọc thấy có được k?
    5 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồng Tâm (FB)
      Đang đọc ạ, nghe kêu, anh cảm nhận về nhạc hay.

      Xóa
    2. Hồng Tâm Lời bài hát
      Vàng cây lá bay, đôi tay ngây buồn mang suy tư về
      Này đôi mắt nhung, kiêu sa môi mềm tìm đến cơn mê
      Niềm tin đã lạnh theo tháng năm giá băng
      Em có nghe ngoài phố đang kết hoa
      Bao nhiêu sắc hoa là bấy nhiêu tâm tình mang ý thơ mong chờ.
      Nếu thương mến nhau mà sao lời yêu thương đó, bờ môi nào đắn đo
      Năm tháng xa xôi đời có vui với ai
      Tà áo xanh hoen màu thương mối ân tình xưa.
      Yêu thì yêu nhiều nhưng chưa biết yêu được chi, và ước mơ những gì
      Hàng mi khép mờ giăng mây tím nhớ ai
      Nhớ ai trong đêm dài buông tóc rối quên cài.
      Đèn soi bóng đêm, sương rơi chân mềm, sao rơi bên thềm
      Hàng cây giá băng xoay cơn mê đầy tìm đến bên em
      Vòng tay ngỡ ngàng nghe đắng môi trắng đêm
      Em hỡi em lời hứa xưa đã phai
      Em ơi có hay thành phố không đêm ngày ai khóc ai sau này.

      Xóa
    3. Ui, tại hạ xin 'cửu ngưỡng'!

      Xóa
  2. Lưu comt Gia Tue:

    Lang thang ở chốn sương mù
    Thấy cô áo trắng, anh tu, trở về

    Trả lờiXóa
  3. @ Huongtupiani Dinh
    Chiều buồn sang thăm cô gái... Nhật
    Vẫn ẹp như xưa hở hở trời

    Trả lờiXóa
  4. Lưu comt MTV:

    Khi nào thì nên rời xa nhau
    Em ơi, có gặp đâu mà rời!
    Ro-mance, giữa chiều em tôi hỏi
    U ám mây trời, cây lá lay

    Trả lờiXóa
  5. "Đại gia trong Nam thì con gì cũng bắt đem về nhà nuôi để khoe, còn đại gia đất Bắc thì con gì cũng phải thịt;"

    He he, con gì nuôi mà chẳng để thịt huynh ơi...

    Nhưng MTV tâm đắc nhất câu

    "-Thường mà những ai nói người khác ngu thì chính bản thân họ chưa trưởng thành, dù tuổi lớn thế nào, nên giờ thấy ai chê người khác ngu, mình thông cảm lắm: ai cũng cần có 1 thời bé dại để lớn lên."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có chứ, con gái nuôi không để thịt, à, mà có chứ, hi...
      Đó cũng là câu huynh chấm 'Tony buổi sáng' 9,75 điểm, muội bình như chiết gia sế!
      Tuần mới ngọt ngào!

      Xóa
  6. "-Thường mà những ai nói người khác ngu thì chính bản thân họ chưa trưởng thành, dù tuổi lớn thế nào, nên giờ thấy ai chê người khác ngu, mình thông cảm lắm: ai cũng cần có 1 thời bé dại để lớn lên."
    Bác chủ blog chắc là con trai mà tâm hồn cũng sến sẩm thật!

    Trả lờiXóa