Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

851. Sự vô minh thái quá của quyền lực



Nửa xóm nhỏ này, nửa bên kia chân trời rộng
Nắng thò qua cổng, nhấp nháy mắt xa trông
Vẫn mộng giọt thơm, mơ muôn ngàn vì sao tuyệt
Nửa nhỏ sầu thế tục, nửa lớn khát yêu đương

Đã ‘vô minh’ thì bao hàm tính thái quá rồi, tuy nhiên, ở đây tôi phải dùng chữ ‘thái quá’ để kết nối và nhấn mạnh nội dung của từ ‘quyền lực’. Tạm hiểu, khái niệm ‘vô minh’ hình như xuất phát từ Đạt Ma Tổ Sư, mà nay thường dùng để chỉ việc đầu óc bị chìm đắm trong u mê tăm tối bởi vô số tác động của thế giới ‘trùng trùng duyên khởi’, kể cả yếu tố truyền kiếp lẫn ngoại tại, theo mọi nghĩa.
Bài này sẽ từ: 1) Chuyện con mèo hay là chuyện chính trị!, đến 2) Soái ca Huỳnh Hiểu Minh bị phạt ‘penalty’, 3) Xã hội phương Tây không đề cao ‘quyền lực kiểu phương Đông’, và 4) Một sự ấm áp không bao giờ có thực…

1
Chuyện con mèo hay là chuyện chính trị...
Sáng nay, đi uống cà phê, tôi thấy hai con mèo con đang nằm co ro sưởi nắng bên chân tôi, đồng thời trên ti-vi (truyền hình internet) đang phát clip về ‘vụ thảm sát ở Yên Bái’ của một ông gì làm nhân viên đường sắt ở bên Pháp … Lúc đó tôi chợt buồn cười khi cô chủ quán cà phê nói rằng:
-Kể chuyện về hai con mèo là nói triết lý!, còn kể chuyện về vụ Yên Bái là nói… chính trị!, anh không nên đả động đến bất cứ thứ gì nhạy cảm…
Ha..ha..ha… Nhân tiện tôi cũng nói thêm là nay báo chí/internet của ta, mặc dù không bằng phương Tây, nhưng cũng khá thoáng, chỉ trừ trường hợp mà bị cho là có tổ chức hay làm ảnh hưởng đến… gì gì đó, ‘ở VN, làm gì cũng được, trừ làm… chính trị’ - một cụ đã nói!, ý tổng quát.
*
Và nhân việc nàng có nhắc đến từ ‘triết’, tôi xin quay về khái niệm ‘triết’ một tí, mặc dù tôi chả bao giờ muốn nói triết nói trủng gì hết!, mà dùng từ này bởi vì nó có trong từ điển, và bởi vì nhân gian hay dùng… Cách đây 20 năm, khi lên lớp, tôi biết là môn Triết Marx-Lenin rất khó, nhất là các khái niệm cơ bản, vì thế mà tiết đầu tiên, tôi liền hỏi ‘triết’ là gì?, ‘kinh’ là gì?, ‘tế’ là gì? (trong từ ‘kinh tế’), mà trước đó, giở mấy cuốn ‘Từ điển Hán-Việt’ hay ‘Từ điển Oxford’ ra, người ta đã không định nghĩa cho từng từ một: các cuốn Từ điển Hán-Việt chỉ đề cập đến cặp từ ‘minh triết’ hay cụm từ ‘kinh bang tế thế’ mà mỗi từ hình tượng của Tàu đều có ý nghĩa; rất khác với ‘phương Tây’, nó chỉ là các ‘từ nguyên’ như ‘philosophia’ hay ‘economics’, trong đó, chữ ‘triết’ xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại ‘philosophia’ có nghĩa là ‘tình yêu
 đối với sự thông thái’, còn chữ ‘kinh tế’ là ‘oikosnomos’ với ‘oikos’ là ‘nhà’ và ‘nomos’ là ‘quy tắc/quy luật’, nghĩa là ‘quy tắc quản lí gia đình’ (wikipedia), vì các nhà triết học Hy-La cổ đại bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của mình đã định nghĩa sao cho sát sao nhất với thời đại mà họ đang sống.
Vì vậy, nếu muốn gọi là chính trị thì kể ‘chuyện hai con mèo’ hay kể ‘chuyện Chí Phèo’ thì cũng có thể, còn nếu muốn nói là ‘chém gió’ thì cũng đúng, mà đúng thật, vì người kể chỉ kể ngẫu nhiên, chứ không quan tâm đến chính trị.



2
Nên xem soái ca Huỳnh Hiểu Minh là ‘Mr. Penalty’…
Có lẽ các nhà nghiên cứu triết đã có it nhiều sai lầm khi xem triết là các lời nói chung chung (như ‘đời là bể khổ’, ‘ngươi là cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi’, ‘kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’, ‘đạo khả đạo phi thường đạo’, ‘chân lý là miếng đất không có đường đến’…, chứ không phải là các tư tưởng/hệ tư tưởng dường như vô hình mà đã làm nên các thành tựu rất thực dụng về ‘địa chất’, ‘thiên văn’, ‘hấp dẫn’, ‘tương đối’, ‘nguyên tử’, ‘lượng tử’, ‘điện tử’, ‘robot’, ‘công nghệ thông tin’, ‘internet’… ngày nay! Đặc biệt là, họ đã quá tách bạch giữa triết Đông và triết Tây!, thử hỏi, người Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Philippines, Nga… đang theo triết gì?; thật ra, theo tôi, triết Tàu khác với triết Ấn, lại càng khác với triết Hồi giáo, triết Việt (nếu có), triết Nga, hay triết ‘Mỹ’… Nếu không nhầm và về tính chất, triết Tàu thì ‘bạo động’, triết Ấn thì ‘bất bạo động’, triết Việt thì ‘náo động’ (xem dưới), triết Mỹ thì ‘hành động’, triết Nhật thì ‘sống động’, triết Nga thì ‘biệt… động’, triết Hồi giáo thì ‘bị… động’ (trừ IS)…
Để minh họa, cái gì biết thì tôi nói, còn không biết thì thôi… Nếu xem văn hóa là ‘bộ mặt’ của triết, thì sở dĩ người Nhật là ‘sống động’ là vì với tinh thần ‘samurai’, họ xem nỗi nhục của đất nước lớn hơn nỗi nhục của bản thân, mà đã làm sống dậy cái ‘chất lượng Nhật Bản’ trên khắp thế giới; sở dĩ Nga được gọi là ‘biệt… động’ vì họ khá là trân trọng sự cổ kính và do đó hơi khó tìm được tiếng nói chung với thế giới (chẳng hạn như văn Chekhov, L. Tolstoi, Aitmatov, điện Kremlin, cuộc chiến tranh Nga-Trung 1969, căng thẳng Nga-NATO, và mới đây là Nga-Ucraine…); còn sở dĩ tôi gọi người Hồi giáo là ‘bị động’ là vì tôi đã đi chơi hoặc kết thân với nhiều người ở các nước (khá là) Hồi Giáo như Pakistan, Ả Rập (UAE), Malaysia, Singapore, Indonesia… thì thấy người dân mỗi ngày cầu Kinh đến 7 lần!, gần như không hút thuốc/uống rượu bia, thường sống khép kín - đặc biệt là phụ nữ, và hầu như không có chuyện xích mích với người ngoài…
*
Còn về triết Mỹ và Tàu!, xin chém gió thêm tí chút về phim…
Phim ‘Mỹ’, trừ một số ít phim ‘cổ điển’ như ‘Ben Hur’, ‘Bí mật xác ướp’, ‘Cuộc chiến thành Troy’…, thì thường nói thiên về thế giới trong tương lai, nhất là trong các loại phim hành động (trong đó có khoảng 80% là có nhắc đến cuộc ‘chiến tranh VN’), mà hay đề cập đến các giả thiết và cách giải quyết vấn đề, ví dụ như các phim đang chiếu trên truyền hình cáp VN là ‘Biệt đội Hawaii’ (Hawaii Five-0), ‘Cuộc chơi lớn’ (Big Game), ‘Đội đặc nhiệm chống Mafia’ (Antimafia Squad), đặc biệt là phim ‘Người về từ Sao Hỏa’ (The Martian)…, và quả không sai lắm khi tôi gọi triết Mỹ là ‘hành động’ trên nguyên tắc ‘tôi không muốn động đến anh, cũng không muốn anh động đến tôi’ - vì vậy mà có một số người Mỹ thích câu ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’ của Khổng Tử, hay câu ‘Chiến tranh bắt đầu bằng một 
trò hề, nhưng lại kết thúc bằng một bi kịch*' (hay ngược lại) của Marx!…
Phim Tàu, trừ một số phim khá khoa học của Hồng Kông sản xuất như ‘Hồ sơ trinh sát’, ‘phim Lý Liên Kiệt’, ‘phim Thành Long’…, thì đa số là phim ‘cổ trang’, nếu không muốn nói là khá ‘cổ hủ’, mà thường đề cập đến các vấn đề ‘bạo động’ trong quá khứ (và cả hiện nay!) và trong nội bộ, với cái ‘chủ nghĩa bang hội’ có tính chất truyền kiếp của họ, ví dụ như các phim đang chiếu trên truyền hình cáp là ‘Phúc Vũ và Phiên Vân’, ‘Tây du ký’, ‘Tân trạng sư Tống Thế Kiệt’, ‘Thập cửu muội’, ‘Truyền thuyết Liêu Trai’, ‘Tùy Đường diễn nghĩa’, ‘Võ lâm phong thần bảng’…, và quả là không sai lắm khi tôi gọi triết Tàu là ‘bạo động’, vì ngoài việc các học giả Philippines đã phê bình nặng truyện/phim ‘Thủy hử’, ngoài việc một kênh truyền hình Việt đã ghi nhận ‘máu me’ cho phim ‘Phúc Vũ và Phiên Vân’ (Lethal Weapons Of Love And Passion) như sau: ‘Lật đổ triều Nguyên, Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, đồng thời định ra một chế độ hà khắc đối với người Mông Cổ. Không những thế, ông còn truy sát tận gốc con cháu hoàng tộc và quyết tìm hài cốt Hốt Tất Liệt nhằm thể hiện uy danh của mình. Điều này đã dẫn đến bao bi kịch cho hai dân tộc Hán - Mông’ (xemphim2015), thì có một lãnh đạo Đài truyền hình Bình Thuận đang phạt ‘penalty’ đối với việc chiếu phim Trung Quốc* - do việc Huỳnh Hiểu Minh ủng hộ cục đại ‘độc chiếm Bỗng Điên phi nghĩa’ của Tàu, thiết nghĩ rằng các blogger nữ không nên xem họ Huỳnh là ‘soái ca’ nữa, mà phải xem y là ‘Mr. Penalty’, ha..ha..ha…

3
Xã hội phương Tây không đề cao ‘quyền lực kiểu phương Đông’...
Người Anh/Mỹ chỉ có ‘you’, trong khi người Việt phải gọi/xưng hô với người đối diện (đại từ nhân xưng, ngôi thứ hai) là ‘anh, ba, bà, bé, bác, bạn, bố, cậu, cha, chị, chú, cháu, con, cô, cu, cụ, dì, dượng, em, má, mầy, mợ, ông, ‘sư phụ’, thầy, thiếm, xếp…’ đến nỗi mà tụi Tây học muốn ngất xỉu luôn: chúng thể hiện đẳng cấp và quyền lực, mà rất thường ở dưới dạng chiếu trên, gia trưởng, cha chú, kẻ cả, đàn anh… với thái độ trịnh trọng, mệnh lệnh, lên lớp, hạch sách, đặc biệt là lấn át ý kiến của cấp thấp hơn, đồng thời nhiều lúc làm cho họ phải vâng dạ, khúm núm, sợ sệt, năn nỉ, thậm chí là van xin, và hiếm khi dám bày tỏ ý kiến…
Còn tụi Tây thì lại thường xin phép đứa con 5 tuổi của mình như trong phim:
-Bố ngồi đây trao đổi tí xíu được không anh bạn?,
hay ông Obama (đến VN) gặp phụ nữ thì tháo nhẫn ra mới bắt tay, đến quán ‘bún chả’ thì mặc đồ civil, nói chuyện với sinh viên thì cởi áo vét ra, gặp con nít 6 tuổi thì cúi thấp người chào hỏi làm cho ‘bạn Vũ Phạm Phương Linh’ nhớ cả đời:

-Sau khi chiếc xe chở Tổng thống Mỹ Obama dừng tại Phủ Chủ tịch (sáng 23/5/2016), cô bé Vũ Phạm Phương Linh, học sinh lớp 1A1, trường Tiểu học Nguyễn Siêu đã được vinh dự thay mặt cho thiếu nhi Việt Nam tặng bó hoa tươi thắm cho ông Obama. Chia sẻ với chúng tôi vào chiều nay, Vũ Phạm Phương Linh cho biết, em cảm thấy vinh dự khi được thay mặt cho thiếu nhi Việt Nam tặng hoa tới Tổng thống Obama.
‘Khi bước ra, Tổng thống Obama đã nói ‘good morning’ tới con và con đã đáp lời là ‘welcome to Vietnam’. Sau đó, Tổng thống cười và nói ‘cảm ơn’ con. Được tặng hoa cho Tổng thống Obama con thấy rất vui. Con cũng cảm thấy hơi hồi hộp lúc bắt đầu tặng hoa cho Tổng thống’, Phương Linh nói. Cô học trò nhỏ tuổi này cũng cho hay, em thích nhất khoảnh khắc được tặng hoa cho Tổng thống Obama. Để chuẩn bị cho giây phút trọng đại này, cô bé đã phải chuẩn bị mọi công việc từ tối hôm trước.
Tuy nhiên, cô học trò nhỏ này cũng khá kín tiếng với các bạn trong lớp. Chỉ đến khi hoàn thành nhiệm vụ tặng hoa cho Tổng thống Obama, Phương Linh cũng mới chỉ chia sẻ niềm vui tới cô giáo chủ nhiệm Đặng Thị Thu Hương… ‘Sau khi tặng hoa tới Tổng thống Mỹ vào buổi sáng xong thì em lại trở về lớp học bình thường. Em cũng chia sẻ là bản thân mình rất vui và hãnh diện về việc này’, cô Hương nói thêm. Cô giáo chủ nhiệm này cũng bày tỏ niềm vui, tự hào khi trong lớp mình có một em được đại diện cho thiếu nhi cả nước tặng hoa cho Tổng thống Mỹ. (soha.vn)
Vâng, người Việt ta xem Tổng thống Mỹ Obama là bạn, và thiết nghĩ rằng bạn ấy cũng không muốn gì hơn thế!
*
Rời quán cà phê về nhà, tôi tưởng tượng là mình được gặp một ‘Big Boss’ (Nguyên thủ quốc gia, nghĩa theo bài này) nào đó mà ổng muốn lắng nghe tôi kể chuyện, tôi sẽ bắt đầu bằng cái gì nhỉ!... Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện như sau…

Tôi thích nhất tính cách của người Mỹ và người Hồng Kông (kể cả người Ấn Độ, Pakistan, người Đông Nam Á, Tàu, Việt… đã thẩm thấu tính ‘hải ngoại’). Nói chung là họ ăn nói nhanh, gọn, có logic và rất thực dụng, không có nói Đông Tây kim cổ, nói triết lý dài dòng, nói vòng vo Tam Quốc, nói than khóc Cải lương…, mà đi thẳng vào vấn đề một cách khéo léo nhưng vẫn không kém phần triết lý, ví dụ:
Trong một phim hành động mới đây (HBO!, quên tên)… Sau một thời gian xa cách, anh lính đặc nhiệm sắp đi xa, ngồi với bồ trong phòng riêng, họ đều ăn mặc đàng hoàng…; rồi anh ta sờ nhẹ vào chân nàng, và tỏ vẻ không từ chối, nàng nói:
-Anh có nhớ cái kỷ niệm lần gần gũi cuối cùng của chúng mình trước đây không?-Không, anh chỉ muốn nhớ cái kỷ niệm lần gần gũi bây giờ của chúng mình thôi.
Thế là họ ‘yêu’ nhau… Ha..ha..ha…
*
Thế thì tại sao người Việt ta (cũng như người Tàu, còn hơn!) lại hay nhắc đến ‘mối thù xưa’:
Chuyện vợ chồng mà mỗi lần cãi nhau, bà vợ thường moi móc hết ‘chuyện thù xưa tích cũ’, ‘mấy người đàn ông khác tốt hơn anh cả triệu lần’, ‘đồ khốn nạn, đồ Trư, đồ chó…’, còn ông chồng thì có thái độ như muốn chặn họng vợ, hứ háy, quát tháo, ‘đồ ác phụ, đồ lăng loàn, đồ đĩ điếm…’ rồi có thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, rồi có thể cùng đào mả cha, mả tổ lên như ‘cả dòng họ ông đều khốn nạn’, ‘cả dòng họ bà đều là ăn cướp’, thậm chí là nhào vô… giết nhau!, rồi báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật… được dịp lên giật tít đùng đùng!; chuyện xã hội thì ‘thằng đó giàu lắm, có ô-tô, nhà lầu’, ‘thằng đó ngó vậy chứ có tiền tỉ đó’, ‘lớp cũ của tau có 6-7 tiến sĩ lận đấy!’, ‘nó làm lớn lắm đó!’, ‘thằng đó mà lên làm chủ tịch thì mầy chết’, ‘mầy mà nói đụng chạm tới chính trị thì coi chừng, tai vách mạch rừng đấy!’… Ôi, nhà nó mấy tầng thì nó làm gì được ai?, nó có tiền tỉ thì ai được cái gì?, nó là tiến sĩ thì đã tốt lành hơn ai?, nó càng làm lớn thì số lần ông gặp nó càng nhỏ đi?, nó làm chủ tịch thì nó hơi sức nào mà quan tâm tới ông?, chả lẽ ông chỉ được chém gió mọi thứ, trừ chính trị?, v..v...
Ôi, cái vụ ‘chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng*’ này ở ta được mở rộng tối đa đến mức ‘thập diện mai phục’! Tại sao? Nếu không nhầm, từ ngàn xưa đến nay, một cách vô tình hay cố ý, dân ta đều có ý hướng xem trọng ‘quyền lực’ và lấy ‘quyền lực’ làm công cụ để phát triển lợi ích cá nhân/dòng họ/nhóm; trong khi đó ở phương Tây không vậy, dễ thấy là bạn thường xem clip những nhà quay phim ‘thế giới động vật’, những nhà nghiên cứu đi moi lại ‘những trầm tích của động vật nguyên thủy còn sót lại sau 575 triệu năm*’, những nhà địa chất học đang lang thang để phát hiện thêm các hang động bí ẩn còn ở miệt Phong Nha (Quảng Bình)…, tại vì xã hội phương Tây không đề cao ‘quyền lực kiểu phương Đông’ - kiểu rất còn tính bầy đàn, lấy thịt đè người muôn thủa, nên người ta cảm thấy tự nhiên khi làm bất cứ điều gì/nghề gì, bất chấp ai đó làm lớn hay làm nhỏ, bất chấp cuộc sống của họ có giàu hay nghèo…

4
Một sự ấm áp không bao giờ có thực…
Khi tôi viết đến đây (7g30 tối), chạy qua quán làm một ngụm trà, xem ti-vi thấy Chủ tịch Quang đang phát biểu bên Singapore, tôi liền có cảm giác rằng tình hình Biển Đông rất là căng, mà căng nhất là nước ta - cả trong lẫn ngoài!, cho nên triết Việt ngoài tính 'náo động' còn có tính 'biển động' nữa!... Cùng xem, một cậu sinh viên nói: ‘Người mình không bao giờ chịu tu tỉnh rèn luyện bản thân đâu, mà luôn tìm cách để ‘troll’ (chơi xấu/dìm hàng) người khác; người Tàu cũng vậy, mà hơn, trong lịch sử họ có bao giờ chịu tu tỉnh nâng cao nền văn hiến nhân bản của dân tộc đâu, mà luôn tìm cách ‘troll’ dân tộc khác’ (!).

Và ‘rằng tất cả những tầm cầu tưởng chừng như rất đạo đức của họ chẳng qua đều là biến hiện của một tâm thức thèm khát thành tích, mong chờ ân sủng, tìm kiếm sự an toàn và tiện nghi nội tâm. Tất cả những thứ đó đều là biểu hiện của một cái 'tôi' ranh mãnh đang chờ chực trong tâm, muốn được thăng hoa, muốn được giác ngộ. Những tâm thức như thế không bao giờ tìm thấy được một điều gì cả, hoạt động của chúng chỉ sinh thêm rối loạn cho mình và cho người’ (Krishnamurti); ‘rằng lịch sử của Phương Tây là nền lịch sử cải tà quy chính từ ác trở thành thiện. Lịch sử của Trung Quốc thì ngược lại, là một bộ lịch sử đổi từ thiện sang ác’ (Lưu Á Châu);

Và với ‘Em đừng đi! Xin em đừng đi! Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì. Ngày ngày mặt trời hôn lên bước chân. Và hoa tím vẫn rơi đầy sân... Con đường chưa quên tên bàn chân. Bàn chân đã lãng quên con đường nhỏ. Ai vội đi để ai còn đứng đó. Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi’ (Thanh Tùng), hay ‘Người về đây với em. Về bên em, về đây với căn nhà xưa êm đềm, vòng tay và làn môi ấm ngày tháng chờ mong. Người về đây với em, người yêu ơi, thề xưa hãy trao lời cuối trong đời. Mùa đông đến bên hiên rồi, về đây với em… Chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh. Chỉ còn một mình em... xót xa… chờ anh’ (Trương Quý Hải), phải chăng một thứ quyền lực trong quá khứ và hiện tại đang ám ảnh và đè nặng lên tâm hồn họ, mà phải sống nửa hiện thực, nửa siêu thực:

-Họ chỉ khát khao được sống trong ‘ấm áp’ - một sự ấm áp không bao giờ có thực!

(HẾT)

--------
Chú dẫn:
  1. ‘Chiến tranh là trò hề’: Marx từng viết rằng lịch sử sẽ lặp lại, ‘lần đầu tiên là bi kịch, lần thứ hai là trò hề’. Tuy nhiên, giờ đây khi nhìn xung quanh, chúng ta không thể không tự hỏi liệu bi kịch đã được nối tiếp bởi bi kịch hay chưa. Giờ chúng ta đang ở đây, 100 năm sau khi chiến tranh thế giới thứ I bùng nổ, và bị bao quanh bởi bạo lực, dối trá, và sự hoài nghi của những thứ đã đưa thế giới đến với thảm hoạ 1914. Các khu vực trên thế giới đã từng bị lôi kéo lại đang bị lôi kéo vào thêm một lần nữa… (GS Jeffrey D. Sachs, Đại học Columbia, thepach.com)
  2. ‘Chân lý là miếng đất không có đường đến’ (Truth is pathless land): Trong cuốn sách ‘Đối diện cuộc đời’, Krishnamurti có nói rằng chân lý nằm ở ‘vô môn quan’, tức là không có cửa vào chân lý, cụ thể hơn, ông cho rằng cái mà được con người gọi là ‘chân lý’, thực ra, chỉ là một mảnh sự thật mà con người vô tình nhặt được. Xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/06/831-nhung-gia-tuong-cua-oi-song.html
  3. Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng: ‘Ông nghè’: Những người đỗ đạt tiến sĩ thời xưa. ‘Hàng tổng’: Tổng là một đơn vị hành chính thời xưa (tổng và tổng trấn), ‘hàng tổng’ ý nói con người, xã hội cả một tổng ngày xưa. Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng: Chỉ những người có chút ít hiểu biết trong một lĩnh vực nào đó, mang ra tự cao tự đại, khoa trương, tỏ vẻ thông minh tài giỏi hiểu biết hơn người, mặc dù thành tích đạt được thì chưa có gì. (lazi.vn)
  4. Đài truyền hình Bình Thuận ngưng chiếu phim Trung Quốc: Chiều 15/7/2016, Đài PTTH Bình Thuận phát đi bản thông báo dừng chiếu bộ phim truyện ‘Tân bến Thượng Hải’ do TQ sản xuất đang được phát sóng trên đài này. Bà Đặng Thị Kim Oanh, Phó giám đốc Đài PTTH Bình Thuận cho biết, Đài sẽ dừng chiếu bộ phim truyện này từ ngày 16/7 do diễn viên Huỳnh Hiểu Minh, người thủ vai chính cùng với nhiều sao Hoa ngữ khác đã bày tỏ sự không đồng ý với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện TQ liên quan vấn đề biển Đông… (news.zing.vn)
  5. Định nghĩa ‘Kinh tế’: Nguyên nghĩa của khái niệm này là ‘kinh bang tế thế’ là các công việc mà một vị vua phải đảm nhiệm: chăm lo đời sống vật chất của bề tôi, chăm lo đời sống tinh thần của cộng đồng. ‘Kinh’ trong ‘Kinh bang’ - trị nước và ‘tế’ trong ‘tế thế’ - giúp đời! (chữ này là do vua Minh Trị của Nhật đã yêu cầu dịch ra từ tiếng Latinh, nhờ chữ này mà Minh Hoàng lôi kéo được tầng lớp tri thức Nho giáo đi kinh doanh, buôn bán và làm giàu - wikipedia)... Còn nay thì được định nghĩa đơn giản hơn: ‘Kinh tế là cách phân bổ các nguồn lực có hạn một cách tối ưu nhất’ (sinhvienboston.org)
  6. ‘Hoa tím ngoài sân’, nhạc Thanh Tùng, trình bày Bằng Kiều, nghe tại: https://www.youtube.com/watch?v=xyh5rzZ3mAQ
  7. ‘Khoảnh khắc’, nhạc Trương Quý Hải, trình bày Lam Trường, nghe tại: https://www.youtube.com/watch?v=MQiyRaujlKw
  8. ‘Những trầm tích của động vật nguyên thủy còn sót lại sau 575 triệu năm’: Với lý thuyết ‘Quả cầu tuyết Trái đất’, để hình thành được từ đa bào đến con người ngày nay, ‘thượng đế’ phải mất cả tỉ năm bằng cách tạo ra ‘lá chắn ozon’ mà bắt đầu từ những động vật sơ khai có ‘hình lá’ không di động và tự nứt nhánh sinh con - mà nhờ quá trình trao đổi chất giữa hai (hay nhiều cá thể, vd: tảo) - đến những thể động vật có hình dẹt biết di chuyển… mất khoảng 300 triệu năm!, tức là cách đây 575 triệu năm mới có, rồi đến có hệ bài tiết, hệ thần kinh (có đầu, mắt, mũi…), mà các dạng hóa thạch của chúng đến nay vẫn lưu lại nhờ tro bay ra từ các núi lửa!…, và với 12 gene của động vật thời nguyên thủy biết âu yếm nhau (giao hợp) mà đã tiến hóa thành 25.000 gene của con người ‘chém gió’ và ‘quỷ quyệt’ thời nay! (NGLB, từ một clip ‘youtube.com’).

17 nhận xét:

  1. huongtra [Blogger] Email 31.08.16@01:43
    Gần về sáng Anh vẫn chong đèn viết sách sao Anh? Trà thăm và đọc bài anh viết ạ.
    Mong Anh luôn bình an hạnh phúc Anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, thank for TEM VANG của muội, cả tuần nay BTV không hoạt động được, nay chạy được rồi, mừng!
      Ngày mới ngọt ngào!

      Xóa
  2. Gia Tue (FB)
    1 Chuyện con mèo hay là chuyện chính trị...
    2 Nên xem soái ca Huỳnh Hiểu Minh là ‘Mr. Penalty’…
    3 Người Việt xem Tổng thống Mỹ Obama là bạn…
    4 Xã hội phương Tây không đề cao ‘quyền lực kiểu phương Đông’…
    5 Một sự ấm áp không bao giờ có thực…
    .
    Sáng sớm muội thăm huynh đọc bài hay, luôn vui vẻ mạnh phẻ nhe huynh!
    4 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người có lời bình này chắc có đầu óc tổng hợp tốt lắm đây, trước sau cũng làm... lớn, hi...,
      ngày mới nồng nàn nghen tiểu sư muội!

      Xóa
    2. Gia Tue
      hjhjhj. Muội phải ngăn nắp như vậy chứ, lớn nhỏ gì Huynh

      Xóa
    3. À, bài này huynh đã thu lại: 1) Chuyện con mèo hay là chuyện chính trị!, đến 2) Soái ca Huỳnh Hiểu Minh bị phạt ‘penalty’, 3) Xã hội phương Tây không đề cao ‘quyền lực kiểu phương Đông’, và 4) Một sự ấm áp không bao giờ có thực…, để phần 3) đủ ý hơn, mặc dù hơi lan man một tí.
      Tối vui nhé!

      Xóa
  3. Cỏ May (FB)
    Ha ha... hôm nay vào nhà huynh thấy huynh dọn nhiều món trong đó đã có món khoái khẩu. Chúc huynh buổi sáng, trưa, chiều, tối gặp nhiều điều tốt lành.
    Ý quên mời huynh ca phe nè.
    Ảnh của Cỏ May.
    3 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cà phê đợi tím bay bay
      Tím e lệ biển, say say theo... chàng
      Cỏ may thì ở núi ngàn
      Cà trong cõi tím, miên man sóng 'chìn', hi..hi...

      Xóa
  4. Lưu comt Hương Trà:

    Tiếng thu kêu ngoài cổng
    Lang thang, bánh trái đầy
    Nhạc tình, gieo từng tiếng
    Mơ màng, em ở đâu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phản hồi từ: huongtra [Blogger] Email 31.08.16@11:27

      Nghe tiếng Thu đến mau
      Giục giã lá vàng mầu
      Em chần chừ gì nữa
      Bước về mình có nhau

      Trà cảm ơn Anh nhiều đã ghé qua trang nhà và cảm nhận Tiếng Thu
      Mến chúc Anh luôn bình an nha.

      Xóa
  5. Lưu comt MTV:

    Bàn tay em vẫn lạnh
    Anh ly cà phê nóng
    Cuối chiều sương lắng đọng
    Mong có bàn tay... em

    Trả lờiXóa
  6. hairachgia [Blogger] Email 01.09.16@16:19
    Họ chỉ khát khao được sống trong ‘ấm áp’ - một sự ấm áp không bao giờ có thực!

    May mà có cái câu này, nếu không cái đầu HRG nứt ra như trái dưa gang chín muồi. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, người mình về cơ bản chưa thoát và chưa thoáng anh à, cái này cần phải có nhiều nghiên cứu tâm lý - công sức hơn, sâu hơn và cụ thể hơn, em nghĩ vậy (bài sau em sẽ nói sơ qua), cám ơn anh, tối an bình.

      Xóa
  7. Hehe , muội sang thăm huynh chúc huynh an lành

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cô gái đeo kính mát
      Chiều xuống, sầu đau, chẳng hát hò!

      Xóa
  8. haduyenp [Blogger] Email 02.09.16@10:50
    Vô minh được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của Khổ .Tiểu sư muội ghé thăm Ca Ca đọc bài thật hay. Chúc Ca Ca nghĩ Lễ vui nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, tiểu sư muội sắp lên núi Hoa Sơn tu với... Lâm Bình Chi rùi, nên rất rành Phật pháp, hi..., chiều vui nhé!

      Xóa