Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

273. Lã Bất Vi là ai?


Em ơi, đừng giết người trong mộng
Để chiều chiều gió lộng mát da
Để lâu lâu có tiếng ‘Em à!’
‘Nhắm mắt lại, anh thơm một cái’
Chiều mơ, ngát hương mùi hoa dại
Có tím kề bên, tím ngọt ngào
Dạo bước bên đồi sim ta hái
Trái chín tròn ngon trong chiêm bao!

(Chiêm bao-NGLB)

Khi mình đặt tiêu đề ‘Lã Bất Vi là ai?’ thì chắc có người nói ngay ‘Xí, Lã Bất Vi ai mà không biết!’, xin lỗi, không phải vậy. Lã Bất Vi được các thế hệ trưởng thành trước năm 1975 biết nhiều nhất vì thời đó có bán/cho thuê rất phổ biến các bộ sách như ‘Đông Chu liệt quốc’, ‘Hán Sở tranh hùng’, ‘Cái dũng của thánh nhân’, ‘Thủ đoạn chính trị’, ‘Quật mồ Tần Thủy Hoàng’… và được nhắc khá nhiều trong các sách của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần… Nói như vậy có nghĩa là các thế hệ sau, đặc biệt là sinh viên hiện nay, ít cháu biết chuyện về Lã Bất Vi (hay Thương Ưởng, Tần Thủy Hoàng, Vương Tiễn, Hạng Vũ, Lưu Bang, Hàn Tín, Trương Lương…).
Cách đây đã lâu, mình có một người em họ đi lính, có nhiều lá thư của cậu ấy từ chiến trường gửi về, mình quên hết rồi chỉ trừ duy nhất một đoạn cuối một bức thư viết là ‘em không thích làm như Lã Bất Vi hay Vi Tiểu Bảo’, chắc cậu ấy không thích nhân vật Lã Bất Vi! Nhân dịp kênh truyền hình SCTV tổng hợp chiếu bộ phim ‘Loạn thế anh hùng Lã Bất Vi’ (The Hero In Time Of Disorder - Lã Bất Vi, đạo diễn Chu Văn Hiển, diên viên Trương Thiết Lâm, Ninh Tịnh, Trần Hảo…), mình viết một bài về Lã Bất Vi luôn. Ngoài ra, có blogger nói ‘sao anh nói nhiều chuyện của Tung Của vậy?’, mình nghĩ rằng chuyện của ai không quan trọng, quan trọng là chuyện ấy có đáng xem hay không.
Bài viết này gồm có: 1. Triết lý Tàu và các nguồn tin trong thực tế, 2. Xuất thân và các mánh khóe của Lã Bất Vi, 3. Một số truyền thuyết về Lã Bất Vi và Triệu Cơ, 4. Các nhận định có liên quan.

1. Triết lý Tàu và các nguồn tin trong thực tế
a. Sở dĩ mình nhắc đến triết lý Tàu, vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc bình xét các nhân vật lịch sử Tàu, xây dựng phim hay bình phim Tàu.
Triết lý Tàu vô cùng sâu sắc, có thể nói là đạt giải nhất về phiêu diêu tính và hư vô tính, nhưng mình không nói nhiều về triết lý này, vì thế giới là vô cùng rộng lớn. Triết lý Tàu (hay Hàn Quốc, Nhật bản, Thái Lan…) rất mạnh dạn khi đề cập đến chuyện tình yêu nam nữ, có lẽ vì thế mà phim Tàu chiếm ưu thế trên các kênh truyền hình VN. Khác với thế giới phương Tây, người Tàu đặc biệt thần thánh hóa tình yêu, thậm chí quá lãng mạn hay siêu lãng mạn qua các câu chuyện tình của Dương Quá-Tiểu Long Nữ, Trương Vô Kỵ-Triệu Minh, Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, Hứa Văn Cường-Trình Trình (phim ‘Bến Thượng Hải’)… 
b. Theo nguồn tin từ ‘quán cà phê’ và từ các sách vở mà mình đọc trước đây thì Lã Bất Vi có người đẹp là Triệu Cơ. Sau một thời gian làm giàu, y nhận thấy cách làm giàu tốt nhất là ‘buôn vua bán chúa’, vì thế y mới đem bán ‘vợ’ của y (đã có bầu) cho một thái tử nước Tần. Đứa bé trong bụng đó sau này là Tần Thủy Hoàng.
Khi trưởng thành, Tần Thủy Hoàng trở thành một người vô cùng quyết đoán. Thấy Lã Bất Vi có 'qua lại' với mẹ mình, đặc biệt là có dính líu đến vụ gian dâm giữa mẹ mình với tên phản tặc Lao Ái, Tần Thủy Hoàng bèn ra lệnh chém đầu Lã Bất Vi (tức là cha của Tần Thủy Hoàng, tất nhiên là y không biết chuyện này, mà nếu có biết thì y cũng chém!).
Nói chung, cuộc ‘buôn vua bán chúa’ của Lã Bất Vi hoàn toàn thành công và y phải trả giá bằng cái đầu của y.
(Lăng mộ Tần Thủy Hoàng)
(Ngoài ra, từ sách vở, mình còn được biết Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa, rất độc ác: ‘Tần Thủy Hoàng cai trị một cách độc tài, không chú trọng đến nhân đức, ân nghĩa, trong một thời gian dài không tha tội cho ai, không để ý đến giáo hóa hoặc tuyên truyền cho dân thấu hiểu. Tần Thủy Hoàng tính bướng bỉnh, gàn dở tự đắc, muốn gì được nấy, tự cho rằng từ xưa đến nay không ai bằng mình, từng ra lệnh đốt kinh thi, kinh thư, sách vở trong vòng 30 ngày! Chôn sống 460 người ở Hàm Dương vì không cùng quan điểm. Lã Bất Vi đã bị chính Tần Thuỷ Hoàng con ruột của mình xử tử… Tần Thủy Hoàng là nhà độc tài muốn đi ngược lại tạo hóa, sai người đi tìm thuốc để được trường sinh bất tử. Lúc còn sống cho xây lăng mộ tốn kém… tổng diện tích địa cung là 18.000 m². Hành động tàn ác hơn là những người thợ làm máy và cất giấu châu báu dưới mộ phần, sợ họ tiết lộ việc lớn nên sau khi cất giấu xong, Tần Nhị Thế (con trai Tần Thủy Hòang) sai đóng đường hầm, chôn sống những người thợ và người cất giấu không sao thoát ra được…’ (phanchautrinhdanang.org). Ngày nay người ta lấy ‘Vạn Lý Trường Thành’ để che cái ‘bóng đen’ của y mà trong đó, hàng triệu, hàng triệu 'lão bá tánh' đã đổ xương máu một cách vô cùng đau khổ và tủi nhục).

2. Xuất thân và các mánh khóe của Lã Bất Vi
Lã Bất Vi, sinh 292-235 TCN, thời Chiến Quốc, xuất thân là một thương gia của nước Vệ, đi làm ăn lớn ở xứ Dương Địch, nước Triệu. Sau này, nhờ việc ‘buôn vua bán chúa’, y trở thành Tướng quốc của nước Tần và, theo sử gia Tư Mã Thiên, con của y là Triệu Chính (tức Tần Thủy Hoàng) được lên làm Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Âm mưu của Lã Bất Vi được tiến hành như sau :
Bước 1: Dưới thời Tần Chiêu Tương Vương, thái tử An Quốc Quân có hơn 20 người con, trong đó có Tử Sở (tức Dị Nhân, con của vợ thứ Hạ Cơ) không được cha tin cậy nên phải đi làm con tin ở nước Triệu và bị đối xử rất tệ bạc. Lúc đó Lã Bất Vi đang ở Hàm Đan, thấy cơ hội ‘buôn bán lớn’ đã đến, y bèn kết giao với Tử Sở, đồng thời mở rộng kết giao với các ‘mạnh thường quân’ và nhiều nhân vật quan trọng của các nước chư hầu.
Bước 2: Lã Bất Vi có một người thiếp là Triệu Cơ đã có thai, nàng vô cùng xinh đẹp lại có tài đàn ca múa hát. Nhờ sự ‘tiếp thị’ có hiệu quả của y, uy tín của Tử Sở ngày càng tăng lên, y bèn mời Tử Sở đến nhà chuốc rượu và cho Triệu Cơ ra tiếp, quả nhiên Tử Sở lập tức ‘sa lưới tình’, y bèn dâng Triệu Cơ cho Tử Sở, sau đó nàng đẻ ra con là Triệu Chính (hay Doanh Chính, vào năm 259 TCN). Ngoài ra, Tử Sở, Triệu Cơ và Doanh Chính sống ở nước Triệu có nhiều lần gặp nguy hiểm chết người nhưng đều được Lã Bất Vi lo lót cứu thoát.
Bước 3: Sau đó, y đem vàng bạc đút lót Hoa Dương phu nhân (vợ 'cưng' của An Quốc Quân, không có con) và tán dương Tử Sở hết lời, kết quả là bà ta nhận Tử Sở làm con nuôi và xin An Quốc Quân lập Tử Sở làm Thừa tự (tức là người thừa kế vương vị khi cha lên ngôi).
Bước 4: Năm 251 TCN, Chiêu Tương Vương mất, Lã Bất Vi bèn đưa Tử Sở, Triệu Cơ và Doanh Chính về nước Tần. Thái tử An Quốc Quân lên ngôi được một thời gian ngắn thì mất (có người nói đó là âm mưu của Lã Bất Vi!), Tử Sở lên ngôi và phong cho Lã Bất Vi làm Thừa tướng, Hoa Dương phu nhân làm Hoàng thái hậu, Hạ Cơ làm Hoàng hậu và Doanh Chính làm Thái tử.
Bước 5: Ba năm sau Tử Sở lại mất, thế là Doanh Chính lên ngôi (năm 12 tuổi, 247 TCN), tức là Tần Hoàng. Y phong cho Lã Bất Vi làm Tướng quốc và gọi là Trọng Phụ (tương đương với ‘cha thứ hai’ hay ‘nghĩa phụ’).
(Tần Thủy Hoàng - Lã Bất Vi - Triệu Cơ)
(Bước 6): Năm Tần Hoàng 21 tuổi (238 TCN), chuyện bị Triệu Cơ gian dâm với Lao Ái bị bại lộ, 2 con riêng của nàng bị giết, nàng bị giam lỏng bên đất Ung, còn Lã Bất Vi cũng bị cách chức, rồi bị đày sang đất Thục, 3 năm sau đó, y bị Tần Thủy Hoàng ép tự tử chết khi được 51 tuổi. (Nhiều năm sau, Tần Hoàng lần lượt đánh bại 6 nước chư hầu là Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, cuối cùng là Tề và Yên vào năm 221 TCN, thống nhất Trung Hoa, và tự xưng là Tần Thủy Hoàng, trong đó, từ ‘Thủy Hoàng’ có nghĩa là ‘hoàng đế đầu tiên’ của Trung Hoa).

3. Một số truyền thuyết về Lã Bất Vi và Triệu Cơ

* Buôn vua là có lời nhất
Có lần Lã Bất Vi hỏi cha:
- Làm ruộng thì số lời sẽ thu là bao nhiêu?
Cha ông ta trả lời:
- Một trăm lần.
Ông ta lại hỏi tiếp:
- Lập một quốc vương thì có thể thu lợi là bao nhiêu?
Lần này cha ông không biết trả lời sao. Ông ta nói với cha mình rằng:
- Lập một quốc vương thì món lời đó sẽ không thể tính được.
Vì thế, ông đã thực hiện việc buôn vua bán chúa, và để bảo vệ cho luận điểm của mình, trong ‘Lã Thị Xuân Thu’, ông có viết rằng: ‘Thiên hạ không phải là thiên hạ của riêng ai, mà là thiên hạ của mọi người; khi âm dương kết hợp với nhau một cách tự nhiên thì những vật phẩm được sinh ra từ sự kết hợp đó sẽ không phải chỉ có duy nhất một loại; khí hậu mưa thuận gió hòa thì những sinh vật được hưởng những ưu đãi này cũng không phải chỉ có một loài: chủ của muôn dân cũng không phải chỉ có một người’ (theo www.truyenviet.com).

* Thuyết phục Tử Sở làm chuyện lớn
Lã Bất Vi ở Hàm Đan trông thấy Tử Sở thương hại, nói:
- Món hàng này lạ, có thể buôn được đây?
Bất Vi bèn đến nói với Tử Sở:
- Tôi có thể làm cửa nhà ngài lớn lên.
Tử Sở cười:
- Ông hãy tự làm cho cửa nhà ông lớn lên đã rồi hãy làm đến cửa nhà tôi.
Lã Bất Vi nói:
- Thế thì ngài không biết: cửa nhà tôi phải đợi cửa nhà ngài mới lớn được.
Tử Sở hiểu ý, bèn ngồi nói chuyện. Lã Bất Vi nói:
- Vua Tần già rồi mà An Quốc Quân lại là thái tử. Tôi trộm nghe An Quốc Quân rất yêu Hoa Dương phu nhân. Phu nhân không có con, nhưng chỉ có phu nhân mới lập nổi con thừa tự mà thôi! Nay anh em ngài hơn hai mươi người, ngài lại ở hàng giữa không được yêu lắm, cứ làm con tin mãi ở nước ngoài thì dù nhà vua mất đi, An Quốc Quân lên ngôi ngài cũng đừng hòng làm thái tử.
Tủ Sở nói:
- Phải ! Nhưng làm thế nào được?
Bất Vi nói:
- Ngài nghèo, làm người khách ở đây chẳng có gì mà dâng biếu cha mẹ cùng giao kết với bạn bè! Bất Vi tuy nghèo xin bỏ nghìn vàng sang Tây nói với An Quốc Quân cùng Hoa Dương phu nhân, lập ngài làm con thừa tự.
Tử Sở dập đầu lạy mà nói:

-
Nếu được như mưu của ông thì xin cùng ông hưởng nước Tần? (theo hocongtoc.com)

* Lã Bất Vi rất hợp ‘chuyện ấy’ với Triệu Cơ
Nguyên Triệu Cơ khi 17 tuổi đã là một kỹ nữ của Trà Hương Các, tên là Hạ Ly, nàng là gái vừa tuyệt sắc vừa tuyệt nghệ cầm ca. Trong một cuộc bán đấu giá người đẹp và dạ minh châu, Lã Bất Vi gặp và si mê nàng. Sau này y bỏ tiền bạc mua Triệu Cơ về làm thiếp. Truyền thuyết về tình dục của nàng mình đã đọc vài lần rồi, nay lại thể hiện trên phim nữa (SCTV tổng hợp chiếu tối 8/11/2012), trong đêm ‘khai môn nhập phòng’, Lã Bất Vi rất hợp ‘chuyện ấy’ với Triệu Cơ đến nỗi hai người ôm nhau lăn lộn trong phòng 7 ngày đêm không ra ngoài, người bưng thức ăn cho 2 người cứ đứng ngoài cửa chờ ngày này qua ngày nọ. Nếu như dân gian nói ‘đêm bảy, ngày ba, vô ra không kể’ thì số lần mà Triệu Cơ làm chuyện ấy khó mà tính được. Ở quán cà phê (sáng ngày 9/11/2012), mình có kể chuyện phim này cho một người bạn nghe, anh ấy mới hài rằng: ‘đàn ông thật thiệt thòi, hễ đàn ông mà ôm đàn bà thì họ kêu ‘oai oái’, còn đàn bà mà ôm đàn ông thì họ chả kêu tiếng nào!’.

* 'Ngủ' với chị của Hoa Dương phu nhân
Người ta nói 'cái gì có giá của cái đó', để vận động được cho Tử Sở làm thái tử nước Tần, Lã Bất Vi phải 'trả giá'. Trên đường đi sang Tần, y bị quan quân nước Tần bắt, y phải cống hiến 4 xe vàng bạc châu báu cho chị của Hoa Dương phu nhân, rồi tặng viên 'Dạ minh châu' cho Hoa Dương phu nhân. Qua việc này, chị của Hoa Dương phu nhân rất 'kết' họ Lã. Trong một đêm uống rượu tâm sự, nàng đã ngã vào lòng của y, thế là 'chuyện ấy' xảy ra. Y còn tiến xa hơn bằng cách khéo léo ép mẹ của Tử Sở là Hạ Cơ phải thắt cổ tự tử để Hoa Dương phu nhân yên tâm nhận Tử Sở làm 'Thừa tự'. Việc thành công, thế là chuyện 'mưa xuân tơi tả, vũ trụ quay cuồng' thường xuyên xảy ra giữa chị của Hoa Dương phu nhân và họ Lã  (theo đạo diễn Chu Văn Hiển).

* Triệu Cơ tán Tử Sở
Vì sao nàng không đến
Ta cuồng dại tái tê
Vì sao nàng không nói
Ta lạc vào cung mê
Tìm nàng trong cõi nhiêu khê
Đêm ta vướng vít lệ trào đớn tim

Vì sao nàng xa quá
Ta như kẻ lãng du
Vì sao nàng thơm quá
Ta bỗng thành gã Trư
Tìm nàng mãi tận cõi hư
Đêm ta cung thứ khẩy đàn được không

Vì sao nàng như thánh
Ta đưa vào thiên đàng
Vì sao nàng hay hát
Ta rung khổ dưới trần
Dáng nàng ẩn khuất phù vân
Hương nàng phảng phất đêm dần chẳng phai
Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuồng tầng Diêm cung 

(Khoảng lặng đêm-NGLB)
Triệu Cơ rót rượu thì thấy công tử Tử Sở, mình cao tám thước, mặt vuông, mắt sáng. Tuy là kẻ đang bần hàn nhưng dáng điệu ung dung tự tại như một vị vua. Công tử Tử Sở so với ông chồng già Lã Bất Vi thật là khác xa. 
Đến khi rót rượu dâng cho công tử, nàng tiến lại gần sát công tử. Mùi nuớc hoa hồng từ người nàng tỏ ra thơm phưng phức làm cho công tử thẩn thờ. 
Nàng thỏ thẻ: ‘Xin mời công tử dùng’, nàng dâng ly rượu, kèm theo cho công tử một ánh mắt đa tình và một nụ cười trên làn môi mộng đỏ, bàn tay nàng chạm nhẹ vào tay công tử. Ôi mát rượi làm sao! 
Gương mặt thon dài, làn mi cong, cặp mắt sếc, mũi dọc dừa đã làm công tử Tử Sở nhìn như ngây như dại. Đến lúc được ngưòi đẹp chạm tay khiêu khích, hỏi sao công tử Tử Sở không bay hồn lạc vía. Khi nàng cất tiếng hát hoà trong tiếng đàn tì bà réo rắc thì trái tim của công tử tan theo từng nốt nhạc (theo mongrua thanhcoloa.wordpress.com) 

* Triệu Cơ nghiện tình dục
Khi Tần Thủy Hoàng còn nhỏ, Lã Bất Vi vẫn thường vào phòng riêng ăn nằm với Thái hậu Triệu Cơ.
Sau đó, ở ngoài chợ có một nhân vật là Lao Ái có cái 'của quý' rất đặc biệt, y thường biểu diễn với mọi người bằng cách bỏ 'nó' vào bánh xe bò rồi quay tít mà không hê hấn gì! Triệu Cơ vốn là người nghiện tình dục nên khi nghe tin này, nàng rất tò mò. Thấy thế, Lã Bất Vi bèn đưa Lao Ái vào cung làm ‘giả thái giám’ và thay mình ăn nằm với Triệu Cơ (để che mắt Tần Thủy Hoàng khi đó đã trưởng thành) và nàng bí mật sinh thêm 2 người con riêng nữa.
Đến năm Tần Thủy Hoàng 21 tuổi, chuyện bị bại lộ (cộng thêm việc làm phản!), Lao Ái bị hình phạt ‘ngũ mã phanh thây’ và ‘tru di tam tộc’, 2 con của nàng bị giết, nàng bị giam lỏng bên đất Ung, còn Lã Bất Vi cũng bị cách chức, rồi bị đày sang đất Thục. Đến năm 24 tuổi, Tần Thủy Hoàng có viết một lá thư ý nói là Lã Bất Vi không xứng đáng là Trọng Phụ: ‘Ông có công gì với Tần, mà Tần phong ông ở Hà Nam, ăn thuế của mười vạn hộ. Ông thân thích gì với Tần mà hiệu là Trọng Phụ?’, Lã Bất Vi biết vua có ý giết mình, bèn uống thuốc độc tự tử.

4. Các nhận định có liên quan
‘Lịch sử là lịch sử’, người ta không thể nhân danh một thứ triết học ‘cao cả’ nào đó để xóa đi vết tích do dòng thời gian để lại, mà trong đó, chuyện ‘buôn vua bán chúa’ trong lịch sử Tàu rất là bình thường, người ta làm chính trị bằng ngàn, vạn cách, đây cũng là một cách. Người ta nói là Lã Bất Vi có tài, đúng, vì y là người có trí tuệ, mưu lược, dám dũng cảm đương đầu với mọi thử thách chính trị và có tầm nhìn lịch sử đúng đắn. Kết cục của mọi vấn đề là hiệu quả ở thực tế, hiệu quả của việc làm của Lã Bất Vi là vô tình đã làm sản sinh ra một Tần Thủy Hoàng và làm tiền đề cho một nước Trung Hoa thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Còn chuyện Lã Bất Vi bị Tần Thủy Hoàng xử chết, có thể nói, là độc lập với việc ông là ‘chồng’ của Triệu Cơ hay việc Triệu Cơ ăn nằm với Lao Ái. Việc một Tể tướng hay Tướng quốc trong lịch sử Tàu bị phế truất là chuyện ‘mâu thuẫn nội tại’ bình thường trong chính trị khi mà hai thế hệ ‘cha và con’ mâu thuẫn chính kiến đến mức không còn cứu vãn được, khi vua ‘không thích’ hay khi ‘con cờ’ trong tay không còn tác dụng với vua nữa, ví dụ như vụ Tể tướng Thương Ưởng (390-338 TCN, bị Tần Huệ Vương giết). Ngoài ra, nếu so với Hòa đại nhân, Quánh Hòe, Ngao Bái, Lưu Cẩn, Ngụy Trung Hiền hay Tào Tháo… thì Lã Bất Vi không hẳn là người xấu, còn người ta nói có ‘nên’ hay ‘không nên’ học theo Lã Bất Vi, đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.
(Phiêu diêu tính và hư vô tính trong triết lý của người Tàu)

Tóm lại, triết học Tàu (hay triết học Tây phương) bao hàm mọi chuyển biến trong lịch sử loài người, trong đó, người Tàu luôn lấy ‘tình yêu’ làm cơ sở của mọi chuyện, các bạn đã xem 4 phần của bộ phim ‘Khang Hi vi hành’ vừa mới chiếu thì biết, đặc biệt Lá Bàng rất ngưỡng mộ phim này, vậy thì cách xử lý của Lã Bất Vi có thể hiện một hình tượng tiêu biểu cho triết lý ‘tình yêu’ của người Tàu chưa, mình để dành câu trả lời này cho một số blogger: ‘Em không thích họ Lã, không thích vụ buôn bán của ông ta!’ (blogger Ngọc), hay:

Bên Tầu có Lã Bất Vi
Đã yêu sao chẳng dám vì Triệu Cơ
Chỉ say bày đặt mưu mô
Cũng là điên cũng là rồ vậy thôi!
Quan trường mê mải cuộc chơi
Công hầu khanh tướng một đời hư không
Khi Tần khi Triệu long đong
Một thân luồn cúi bệ rồng sớm khuya
Triệu Cơ lệ chảy đầm đìa
Thâm cung tù ngục xuân kia phai tàn
Một thời trót đã ríu ran
Làm chi cho nát cho tan cõi lòng
Có vợ - chẳng dám làm chồng
Có con - chẳng dám mặn nồng đạo cha!
Xênh xang mũ áo vào ra
Không thân thích chẳng ruột rà mấy ai
Một đời gánh những đơn sai
Một đời trói buộc bỏ ngoài đam mê
Lã Bất Vi, Lã Bất Vi!
Sau ngươi bao kẻ si mê theo đường? (Trần Nhương.com)

----------------------
Tư liệu bổ sung và nguồn tham khảo:
A. Các nền tảng triết lý của nhân loại
Việc phân loại các nền triết học của nhân loại dành cho các ‘triết gia’. Mình chỉ căn cứ và các tương tác thực trong đời sống để tạm ghi ra các nền tảng triết lý để cho mình dễ tiếp cận các vấn đề xảy ra trong đời thường mà thôi.
Có các nền tảng triết lý cơ bản sau: 1.Triết lý Hi-La cổ đại, 2.Triết lý phương Tây (châu Âu, kể cả Nga) và Triết lý Mỹ La-tinh, 3.Triết lý Hồi giáo (và Thiên chúa giáo sau này), 4.Triết lý Ấn Độ (kể cả Phật giáo) và 5.Triết lý Tàu.
1. Triết lý Hi-La cổ đại đã được nhắc nhiều trong bài viết về Thần Dớt (entry 215), Cleopatra (entry 220), hay Triết lý cổ điển (entry 197.5)... Triết lý này là hạt nhân của Triết lý phương Tây và Mỹ La-tinh mà người ta nói rằng ‘không có lo-gic học và khoa học cơ bản của Hi-La cổ đại thì không có nền văn minh cơ giới ngày nay’. Đặc biệt là với triết lý này, tình yêu rất thoáng và rất lãng mạn nhưng không có hư vô tính như triết lý Tàu và thực dụng tính như triết lý châu Âu hay châu Mỹ.
2. Triết lý phương Tây (châu Âu, kể cả Nga) và Mỹ La-tinh sau này được phát triển từ lo-gic học (luận lý học) cổ điển, đặc trưng ở ‘Phép biện chứng’ từ Hegel, Marx, Lê-nin… Một phần khác được ‘biến chất’ thành triết lý về thân phận con người, triết lý hư vô hay chủ nghĩa cá nhân cực đoan ở Nietzche, Sartre, Heidegger, hay Jack London, Marquez, O. Henry, Hemingway (có người gọi là triết lý siêu thực hay chủ nghĩa hiện thực huyền ảo…, nhất ở ở Mỹ La-tinh, xem entry 197.3). Về tình yêu, các triết lý này đều lãng mạn hóa tình yêu, nhưng tình yêu đẹp là phải ‘tử’!, họ đề cao kiểu ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở’ như ở Shakespeare, Ai-ma-tốp, Tanizaki…, hình như trong thế giới phương Tây hiện đại, tình yêu được xem như là một công cụ hơn là một cứu cánh!, hay mới đây triết lý này còn ảnh hưởng vào triết lý Tàu (cả 3 người yêu của Khang Hi là Nghi Phi, Tát Dung Nhi và Tát Linh Nhi đều chết!).
3. Triết lý Thiên chúa giáo thì thoáng hơn nhiều, tuy nhiên mình sẽ không đề cập đến nhiều trong blog này. Còn triết lý Hồi giáo có cạnh tranh với triết lý Hi-La cổ đại, nay người ta vẫn giành nhau ai là người có những phát kiến khoa học cơ bản trước công nguyên (TCN). Triết lý này có ảnh hưởng ít nhiều đến Trung Quốc, nhất là vào thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, khi mà ‘con đường tơ lụa’ hình thành nối liền các quốc gia Hồi giáo với Trung Quốc. Mình có sống chung với một người Hồi giáo trong 2 năm và tiếp xúc với một số người Hồi giáo từ Iraq, Malaysia…, họ rất ghét người Mỹ!, họ vẫn yêu say đắm, có thể ‘vượt rào’ (trừ phụ nữ), nhưng tình yêu của họ khép kín trong vòng lễ giáo rất nghiêm khắc, trong đó đàn ông có đặc quyền có nhiều vợ nhưng vai trò của phụ nữ còn nhiều giới hạn, có thể thấy phụ nữ vẫn phải ăn mặc quần áo dài, trùm mặt trong các trận đấu bóng chuyền hay bóng đá quốc tế…
4. Triết lý Ấn Độ vô cùng sâu sắc (nhất là Phật học), những ý niệm như ‘vô thường’ hay ‘nhất thể’ đã thống trị tư tưởng của khoảng 1/3 nhân loại trong hơn hai ngàn năm nay, tuy nhiên, mình khó có thể nói gì nhiều về triết lý này, việc tìm hiểu là quyền của các blogger. Về tình yêu, các đại đức/thượng tọa thường viết sách hay đăng đàn nói về chuyện này. Tuy nhiên, mình có cảm nhận là là tình yêu nam-nữ và âm nhạc hình như là 2 loại ‘cấm giới’ của đạo Phật. Có thể xem xét trong toàn bộ truyện của hai nhà văn lớn Trung Quốc là Kim Dung và Cổ Long, trong mấy ngàn năm của chùa Thiếu Lâm, có thể có một số rất ít nhà sư ‘vượt rào’ và phạm vào sắc giới, nhưng tuyệt nhiên không có nhà sư nào biết đánh đàn, cụ thể là trong các tác phẩm của ‘nhà sư’ Phạm Công Thiện, hai chữ tình yêu và âm nhạc không hề xuất hiện…
5. Triết lý Tàu vô cùng sâu sắc, có thể nói là đạt giải nhất về phiêu diêu tính và hư vô tính, nhưng mình không nói nhiều về triết lý này, vì thế giới là vô cùng rộng lớn. Triết lý Tàu (hay Hàn Quốc, Nhật bản, Thái Lan…) rất mạnh dạn khi đề cập đến chuyện tình yêu nam nữ, có lẽ vì thế mà phim Tàu chiếm ưu thế trên các kênh truyền hình VN. Khác với thế giới phương Tây, người Tàu đặc biệt thần thánh hóa tình yêu, thậm chí quá lãng mạn hay siêu lãng mạn qua các câu chuyện tình của Dương Quá-Tiểu Long Nữ, Trương Vô Kỵ-Triệu Minh, Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, Hứa Văn Cường-Trình Trình (trong phim ‘Bến Thượng Hải’)…
B. Các nguồn tham khảo chính:
Nguồn 1: http://vi.wikipedia.org/wiki/Lã_Bất_Vi
Nguồn 2: http://vi.wikipedia.org/wiki/Tần_Thủy_Hoàng
Nguồn 3: http://vi.wikipedia.org/wiki/Triệu_Cơ (Và các tài liệu khác có liên quan).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét