Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

625. Bất khả tri?


Thức thao, thao thức làm gì
Trọc trằn, trằn trọc, nơi này thế gian
Sống cho vui, phút địa đàng
Có không, không có, chẳng màng tử sinh

Tôi định viết bài này là ‘Có bao nhiêu loại triết học?’, nhưng trước đó, tôi đã nghĩ tới tiêu đề ‘bất khả tri’ - là ý chính của bài, còn việc có bao nhiêu loại triết học thì không quan trọng, như các bạn sẽ xem dưới đây. Và do một quan điểm riêng, tôi không thích việc dùng từ Hán-Việt một cách cố ý, trừ trường hợp mà từ đó là quen thuộc/phổ biến, ví dụ như cụm từ ‘bất khả tri’ (agnostic/agnosticism, xem chú thích bên dưới) có nghĩa là ‘không thể biết’, vì nó đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong triết học và các khoa học có liên quan. Ngoài ra, có một blogger bảo rằng tôi ‘không tự sáng tạo ra… triết học, mà vẫn còn trích dẫn’, tôi mới trả lời rằng: 'Việc đứng trên vai những người khổng lồ khác với việc trích dẫn tư liệu'.
Bài viết này nhằm để tự học và để trao đổi với một số sinh viên/bạn bè, mà nếu may mắn được bạn nào chiếu cố thì xin ‘welcome’, trong đó, bằng cách dựa vào một ‘chuẩn’ rồi so sánh/đối chiếu với những cái khác, tôi sẽ chỉ ra rằng các loại ‘bất khá tri’ mà chúng ta đang 'mơ huyền', chỉ là một, và rằng sự khác biệt chi tiết chỉ tổ gây ra tranh luận, và rộng hơn, gây ra chiến tranh cho nhân loại mà thôi.

Lưu ý rằng bài này hoàn toàn không có ý định viết về vấn đề tôn giáo (để dành cho ai đó nghiên cứu chi tiết rồi sa vào ma chướng của trí tuệ, để rồi xuống… địa ngục luôn thể!), 'tôi không rành về... Phật, Chúa, Thượng đế..., tôi chỉ quan sát việc con người 'nhìn' các ngài như thế nào thôi, ngoài ra, tôi còn dùng 'tấm kính của thế giới tự nhiên' để soi những sự kiện trần thế này' (trả lời lời bình của bạn Nguyễn Thị Lý); ngoài ra, tôi cũng không theo tôn giáo nào, cũng không theo chủ thuyết chính trị nào, mà nếu lỡ có bạn nào ‘phong’ cho tôi có theo một tôn giáo, thì hãy gọi nó là ‘tự nhiên giáo’, hihi…

Có bao nhiêu loại triết học?
Chiều ngày 25/12/2014, tôi có ghé vào một cái shop bán quần áo thời trang, tùy hứng mượn một cuốn sách nói về lịch sử triết học, rồi ra quán cà phê bên bờ sông, ngồi đọc, mà trong khi đọc, tôi đã lấy những chiếc lá tre để đánh dấu những chỗ cần lưu ý. Khi đọc xong, đứng dậy trả tiền, khi chợt thấy lại dòng sông trắng, tôi bỗng bừng ngạc nhiên: 'Ồ, dòng sông rộng đang chảy ngược hướng ra biển, về phía Lái Thiêu (Sài Gòn), mà trên đó có nhiều đám lục bình đang từ từ trôi nổi dập dềnh theo dòng nước'. Khi tôi về lại cái shop đó, thấy mấy chiếc lá tre, nàng tò mò hỏi: ‘sao anh bỏ rác vào sách?’, tôi mới trả lời là: ‘Uh, lá tre này quý lắm đó, Ngài tặng đấy, đố em làm phép mà ra được một chiếc lá tre đó!’, hihi… Cuối buổi chiều, về nhà, tôi mới hỏi con tôi (và một bạn học của nó) là:
-Có bao nhiêu loại triết học?
Con tôi hỏi lại: ‘hỏi để làm gì hả ba?’, còn thằng bạn của nó thì im re không nói gì! Cụ thể là hầu như chúng không biết triết học (mặc dù có học Triết học Mác-Lênin ở trường đại học và được điểm cao!), tổng quát là tuyệt đại đa số người Việt không quan tâm lắm đến Triết học!
*
Hồi trẻ, tôi đọc tùm lum các loại sách triết, mà sách ‘lề phải’ hay ‘lề trái’ không quan trọng, tôi tham khảo cả hai.
Khoảng năm 1984, tôi có đọc cuốn ‘Lịch sử triết học Đông phương’ của Nguyễn Đăng Thục (1909 - 1999), nhưng tôi không được hài lòng cho lắm, vì nó viết thiếu ‘chất’, mà nhìn vào đó, ta có cảm tưởng như là tác giả đang trích dẫn những tư liệu!; tất nhiên là tôi có đọc một số tài liệu có liên quan như cuốn ‘Từ điển triết học’ của Liên Xô, hay vài giáo trình ‘Lịch sử triết học’ của trường Nguyễn Ái Quốc trung ương, chẳng hạn, nhưng chúng chẳng có ấn tượng gì lắm, và bởi vì khá không tin vào mớ ‘lề phải' nói trên, tôi mới dựa vào cuốn ‘Minh triết Đông phương’ của Michael Jordon làm chính. Ngoài ra, tôi cũng đã có nghiên cứu một ít về ‘Lịch sử triết học’ rồi, và được viết rải rác trong một số entry của tôi, mà bây giờ tôi chỉ ‘gom’ lại và bổ sung thêm mà thôi.
*
Đọc cuốn sách trên, tôi thấy thế giới này, từ xưa tới nay, có cả ngàn, thậm chí cả vạn loại tôn giáo (‘hữu thần giáo’), tương tự cho ‘vô thần giáo’ (từ do tôi đặt), mà được người ta gọi là các ‘dải quang phổ’: “Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 20 tôn giáo lớn có tín đồ từ 2 tỉ cho đến 1 triệu người và khoảng 350 giáo phái.” (Trần Kiếm Đoàn, entry ‘Phiếm thần luận’, xem đường dẫn bên dưới).
Riêng về các loại tôn giáo, ông Michael Jordan cho rằng phương Đông có Ấn giáo, Phật giáo, Kỳna giáo, Triết học Trung Hoa, Tín ngưỡng Nhật Bản và Hàn Quốc (Minh triết Đông phương, trang 261-262)
Tôi nghĩ rằng Lão giáo, Khổng giáo, Thiền tông… không phải là các tôn giáo, mặc dầu tư tưởng của Lão Tử, Khổng Tử hay Đạt Ma đã được lan tỏa ra hầu như khắp thế giới, nhưng nó không có hệ thống nghi thức tôn giáo như ở đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay đạo Hồi… Các tôn giáo này lại, theo từng thời kỳ, được chia ra rất nhiều tông/phái nhỏ. Cụ thể hơn, tôi thấy trên thế giới có 4 tôn giáo chính là Ấn đạo giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo, các tôn giáo nhỏ khác thực ra chỉ là một sự sao chép, đẻ nhánh, hay sáng tạo nhỏ của các vị được gọi là giáo chủ. Ví dụ: Phái Thiếu Lâm (Phật giáo) có đại thừa và tiểu thừa, có Nam tông, Bắc tông, Mật tông (Tây Tạng), phái Tây Vực…, thiền thì có thiền Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam (‘nhập khẩu’ đầu tiên bởi Trần Nhân Tông!) - và nói như vậy (cộng với các trích dẫn bên dưới) cũng có nghĩa là VN chả có ‘sáng tạo’ ra tôn giáo nào!, trừ mấy giáo phải nhỏ.
Khó có thể nói tôn giáo đẻ ra triết học, hay triết học đẻ ra tôn giáo (tôi vẫn xem ‘Thần học’ là triết học, nhưng các học giả Thiên chúa giáo… không nghĩ vậy). Nếu phân loại ‘hữu thần giáo’ (độc thần và đa thần) và ‘vô thần giáo’, thì triết học đẻ ra tôn giáo, chắc có nhiều người không đồng ý như vậy, nhưng nếu không có trí tuệ hay lý tính thì chỉ có sự mê muội (!) chứ không có tôn giáo (Linh mục Cao Văn Luận (1908 - 1986) khẳng định rằng ‘đức tin’ cần phải có lý tính, theo một tài liệu trước 1975)… Tôi cho rằng chỉ có MỘT loại triết học (của loài người), nhưng nếu cần thiết phải có sự phân biệt giữa ‘Triết học Đông phương’ và ‘Triết học Tây phương’, thì điều này, theo tôi, chỉ có tính chất nghiên cứu/học thuật, vì quy cho cùng, chúng cũng không thoát khỏi vô thần hay hữu thần, và quan trọng nhất, bản chất của cuộc đời này là như nhau: ta đang sống ở chốn địa ngục trần gian, và không có cái địa ngục nào khổ hơn cái địa ngục này.
Lưu ý rằng những người bên ‘lề phải’ lại có cách phân loại của họ, trước Mác và sau Mác, gồm: Triết học thời cổ, trung đại, Triết học thời Trung cổ, Triết học thời Phục hưng, Triết học thời cận đại, và Triết học Mác (xem đường dẫn bên dưới), trong đó, dường như họ cho rằng Triết học Mác là triết học đỉnh cao và cuối cùng của của nhân loại!!!, và ai đó nếu nói như thế này thì chúng tôi xin botay.com.

Bất khả tri?
Tôi nghĩ rằng xuất phát điểm của mọi tôn giáo đều được con người xây dựng trên một hệ thống tương tự ('khung tư tưởng chung' (từ của Michael Jordan), viễn tưởng!) như sau:
  1. Trước tiên là có đấng sáng tạo
  2. Ngài sáng tạo ra vũ trụ vạn vật trong vài ngày (1 ngày = 4.320.000 năm, theo Ấn Độ giáo)
  3. Ngài sản sinh ra các vị thần/thánh (hậu duệ) đại diện ngài, trong đó có con người (nam và nữ) mà có linh hồn sau khi chết
  4. Con người tàn ác/hư hỏng, nên bị Ngài giáng cho ‘Đại hồng thủy’
  5. Đấng sáng tạo có ‘mặc khải’ cho ‘Chúa’ xuống trần gian để cứu rỗi linh hồn của con người…
Cụ thể, trong Thần thoại Việt Nam (Lĩnh Nam chích quái, xem đường dẫn bên dưới) hay Thần thoại Mường, có nhiều dị bản, nhưng tựu trung, nội dung có liên quan của cuốn ‘kinh thánh’ này như sau:
  1. Vào thời kỳ hỗn mang (chaos) của vũ trụ/trái đất, mà ta hay gọi là thuở hồng hoang, có ‘Thượng đế tiên thiên’ (= Bua K’Lơi = Vua Trời, tiếng Mường)
  2. Ngài đã tạo ra trời, đất, mặt trời, mặt trăng trong 12 ngày đêm (thần thoại Mường).
  3. Sau Ngài, còn sản sinh ra nhiều thế hệ thần khác (= Kem, tiếng Mường).
  4. Thượng đế dùng khí âm dương để tạo thành con người nguyên thủy. Những người nguyên thủy này, đã phát triển thành khối các dân tộc ở phía Nam sông Dương Tử, rồi bị ‘Đại hồng thủy’…
  5. Con/cháu của ‘Thượng đế tiên thiên’, là Viêm đế (Thần mặt trời, hay ‘Thượng đế hậu thiên’), đã xuống trần để cai trị con người…
Từ đó, thời kỳ khởi nguyên của người Việt (ngày nay) là thời đại Hồng Bàng, (trong đó: ‘Hồng’ là trận lụt lớn trên diện rộng của trái đất, tức là trận Đại hồng thủy, còn ‘Bàng' là to lớn, mênh mông như vũ trụ).
*
Tôi xin trích dẫn dưới đây một số truyền thuyết ‘trùng hợp’ với các bước sáng tạo cơ bản nói trên (1-11), chủ yếu là từ cuốn ‘Minh triết Đông phương’ (mà tôi nghĩ đây là cuốn sách giàu tư liệu, tóm tắt triết lý cao, chính xác và đáng tin cậy nhất trong số những cuốn sách nói về lịch sử triết học) và từ một số sách/tư liệu trên mạng - có liên quan đến kinh Veda/Rig-Veda của Ấn Độ, kinh Kô-ran, kinh cổ của Nhật Bản, Thần thoại Trung Quốc và cá nhân…, như sau:
  1. Xin đừng để Người giận chúng ta, đấng đã tạo ra cả Đất trời vũ trụ, với những quy luật chân xác muôn đời… Ôi Prajapati, chúa tể của muôn vàn hậu duệ, không ai khác ngoài Ngài có vòng tay đủ rộng để ôm trọn cả vạn vật. Hãy ban cho chúng con mọi của cải mà chúng con sẽ dâng hiến cho Ngài. Hãy cho chúng con được làm chủ những tài hóa vô tận. (Các vị thần sáng tạo vĩ đại, Minh triết Đông phương, trang 12)
  2. Thoạt kỳ thủy thế giới mới chỉ là tự ngã đơn độc và chưa có một hữu thể nào khác… Người tự nghĩ: “Ta hãy sáng tạo nên bao thế giới. Thế là Người sáng tạo nên bao thế giới - mặt đất, bầu trời và muôn vì sao, con người, biển cả với làn nước mênh mông. (Các bộ kinh Brahmanas Aranyakas và Upanishads, sách đã dẫn, trang 35)
  3. Atman (tự ngã của toàn thế giới) và brahman (thể thực tại) đều là một thành phần của một thực tại cơ bản xuất hiện ra ở mức độ cao nhất của ý thức. Ở trạng thái cao điểm của cực lạc viên mãn, tự ngã nội tại của cá nhân, atman hợp nhất với thần tính siêu việt của vũ trụ, Brahman, đấng tối cao. (Atman và Brahman, sách đã dẫn, trang 47)
  4. Quyển Mul Mantra mô tả thượng đế như một linh thể vô hình nhưng nội tại xuyên suốt công cuộc áng thế, với danh xứng thiêng liêng là ‘Nam’… là đấng Duy Nhất Hằng Hữu… Người Sikhs tin rằng tri thức và mặc khải tối hậu chỉ có thể đạt được ân điển (nadar) của Thượng đế… (Đạo Sikh, sách đã dẫn, trang 78)
  5. Thế kỷ thứ 3 TCN…, trước thời điểm này (thời Tống Chân Tông)… một thần linh tiền bối được nhìn nhận với tôn danh là Thượng đế (Shang Ti)… Ngọc Hoàng (Yu Huang) đã trải qua một tiến trinh thăng hoa để làm cho ngài trở nên đồng nghĩa với Thượng Đế. (Sự bất tử của Ngọc Hoàng, sách đã dẫn, trang 170)
  6. Sự sáng tạo được ghi trong Cổ Sử Ký (Kojiki) chỉ ra rằng sau bộ Tam vị thần nguyên thủy tự sáng tạo mình từ hư vô (nothing) trên Thương Thiên Bình Nguyên (Plain of High Heaven), thì những vị thần theo sau, thì những vị thần theo sau, được gọi là Bảy Thế Hệ Thiêng Liêng… (Tông giáo cổ sơ của Nhật Bản, sách đã dẫn, trang 225)
  7. Theo đức tin của tất cả mọi người Muslim: Đấng Thượng Đế ALLAH (SWT) vô cùng vĩ đại, không có bất kỳ một nhân vật nào được so sánh ngang hàng với Ngài, Ngài là Đấng Duy Nhất Sáng Tạo muôn loài vạn vật từ vô hình đến hữu hình, từ siêu vi vật thể đến vũ trụ bao la, từ mầm sống đầu tiên đến sự hủy diệt cuối cùng v.v…tất cả đều tùy thuộc vào Sáng Tạo và quyền Quyết Định của Ngài… (Thượng đế Allah, haidang, xem đường dẫn bên dưới)
  8. Vritra và Dasa, với đoàn tùy tùng ma quỷ của chúng, biểu thị cho các vị thần chiến tranh xưa của vùng sông Indus mà các nhà vô địch của kẻ xâm lăng buộc phải hủy diệt. Bài thánh ca mô tả cơn hồng thủy trào dâng cuồn cuộn khi Vritra bị giết… biểu thị cho một thứ tiến trình “thanh lọc sắc tộc” linh thiêng. (Nền văn minh của thung lũng Indus, sách đã dẫn, trang 10)
  9. Trên đỉnh của điện thờ chư thần Ấn giáo là ba khuôn mặt thống trị, Ba Ngôi Thần (Trimurti) thế ngôi vị của Indra, đấng sáng tạo Ấn-Aryan cổ… Nó bao gồm Vishnu, Shiva và Brahma… Vishnu là Thần mặt trời… Shiva là Thần hủy diệt/tàn phá… Brahma là thần tri thức… (trong đó) Buddha là hóa thân làm Phật thứ 9 và thứ 10…  nhằm giải thoát trái đất khỏi một học thuyết sai lầm được rao giảng bởi lũ quỷ (Phật giáo và Kỳna giáo).  (Các vị thần sáng tạo vĩ đại/Các hóa thân của Vishnu, sách đã dẫn, trang 16-24)
  10. Rama và Sita sống bên nhau ở Ayodhya nhưng giờ đây vị Chúa tể và Nữ thần trong hình hài con người, đã trực tiếp cảm nhận những thống khổ muộn phiền và xung đột của đời sống trên trần gian này… Rama hiện thân cho lý tưởng của nhân loại anh hùng và đạo đức của con người… Sita là đối ‘tác’ nữ tính… (Các thiên anh hùng ca, sách đã dẫn, trang 42)
  11. Lúc chết, con người trở thành cái bóng được gọi là ‘partir’, hồn rời thân xác để chu du địa phủ, dưới quyền cai quản của Diêm vương Maramalik, để được định công luận tội tùy theo những việc làm lúc còn sống. (Tôn giáo của vùng sơn hệ Hindukush, sách đã dẫn, trang 29), và
  12. Đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thánh bốc cháy hồng hồng. Sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ. Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên. Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều. (Kinh Kô-ran!, Ỷ thiên đồ long ký, Kim Dung)
  13. Đến như nước chảy, đi như gió. Không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu! (Trang Tử!, Ỷ thiên đồ long ký, Kim Dung)
  14. Tâm linh là cuộc sống theo chiều sâu, trong chiều sâu tối thượng... Bạn định tâm tại chính bản thể mình. Nhưng bạn có thể sống ở chu vi, tự do đi mọi nơi - vẫn còn ở tại trung tâm. Đồng nhất của bạn là tại trung tâm. Bạn biết mình là ai. Thế thì không có vấn đề gì, dù là bạn hưởng thú thức ăn, bạn tận hưởng quần áo, bạn tận hưởng ngôi nhà đẹp, bạn tận hưởng âm nhạc, hội hoạ. Không có vấn đề gì. Không cần phải từ bỏ nó... Với tôi tâm linh là sống một cách toàn bộ, mãnh liệt, đốt cháy ngọn đuốc của bạn từ cả hai đầu. Vẫn còn nhận biết về trung tâm của bạn, không bao giờ để mất nhận biết về bạn là ai dù một khoảnh khắc. Thế thì chẳng thành vấn đề bạn ở đâu (Osho - oshovietnam.net)
  15. Đức Phật không phải là một đấng tạo hoá hay một vị thần linh mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập. Đạo Phật là một phương pháp sống nương vào tự lực hơn là nương vào một quyền lực linh thiêng bên ngoài không có giáo điều, không mặc khải, không xung đột báng bổ với bất cứ một truyền thống tâm linh nào, và trong bản chất đích thực của nó cũng không xung đột với khoa học hiện đại. Chúng tôi học đạo Phật và cũng học để biết các truyền thống khác như Thiên chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo (Thích Nhất Hạnh - sachhiem.net)…
  16. Khi viết xong bài này, chưa kịp sửa nhiều, hắn lại lên đường để tìm về tổ ấm, trời mưa to suốt gần 200km đường đi, ngồi trên xe, hắn nhìn thấy rất nhiều mây đen từ xa xa. Hắn chợt nghĩ, một đám mây đen nhỏ bé kia là từ đâu mà có, có phải nó có là từ vô số kiếp xa xôi, có phải nó có là do sự tác động tương hỗ của vô số yếu tố trong quá khứ và hiện tại, nó chỉ xuất hiện trong thời gian là 0 đối với vũ trụ, trong tương lai rất rất gần, nó không còn là nó, nó thuộc về tất cả, vì vũ trụ với nó là một. Hắn chợt biết ta xuất hiện từ vô lượng kiếp và tồn tại vô cùng ngắn ngủi. Ta là một cá thể không biết đâu là nguồn gốc xuất xứ và không biết đâu là bến bờ. Hắn chạnh lòng nghĩ, ta là ai? Và hắn chợt bàng hoàng biết rằng ta không là ai cả… (‘Trùng trùng duyên khởi, NGLB)
  17. Có ai đó nói rằng:
    Hãy hát như chẳng có ai nghe;
    Hãy nhảy múa như chẳng có ai nhìn;
    Hãy làm việc như thể bạn không cần tiền;
    Hãy yêu như chưa từng có ai làm bạn đau đớn;
    Và hãy sống như thể trái đất này là Thiên đường của Bạn...!!! (Minh Châu, Facebook). 
  18. Hẳn là Thượng Đế đã tạo ra CHÚNG TA-NHÂN LOẠI, và mọi thứ. Từ đó, CHÚNG TA-NHÂN LOẠI đã không thôi tìm hiểu về mình. Darwin nói rằng: CHÚNG TA-NHÂN LOẠI: là anh em họ với những con khỉ, chứ không phải với những thiên thần. Sau đó, các nhà khoa học của chúng ta đã tìm thấy rằng: chúng ta đã phát sinh từ rừng sâu ở châu Phi. Và rằng: "chẳng có con cò nào chở chúng ta đến Paris cả". Thế rồi cách đây không lâu, các nhà khoa học của chúng ta lại khám phá ra rằng: gene của chúng ta gần như giống hệt với gene của con chuột nhắt. Giờ đây, chúng ta cũng không biết phải chăng mình là một kiệt tác của Thượng Đế, hay là một trò giễu tồi dở của Quỷ Sứ. (Cuồng Từ, Facebook). v..v...
…Những lời trích cuối (12-18) từ những người theo Ấn Độ giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiền tông, ‘Tự nhiên giáo’ và Thiên chúa giáo… chỉ ra rằng con người ‘bất khả tri’ như thế nào!
*
Vâng, con người quả là một họa sĩ tài hoa, không hổ danh là một sinh vật kỳ diệu của tạo hóa (cười), mà từ cái tổng thể ‘nhất nguyên’ đó (xem chú thích bên dưới), con người kỳ công vẽ ra cái khác biệt để rồi tự chém giết lẫn nhau. Thật vậy, từ trên, ta thấy có vô số Đấng sáng tạo như: Thượng đế của đạo Thiên chúa, Linh thể nguyên mẫu (Datsa/Prajapati) hay Tự ngã toàn vũ trụ của người Ấn, Ngọc Hoàng Thượng đế của người Tàu, Thiên Trung Tôn Nghiêm Thần Chu (= Kami) của người Nhật, Ala của người Hồi, Thiên đế/Thần Dớt (Jeus/Jupiter) của người Hy Lạp/La Mã, Tinh thần vũ trụ của người Đức (Hegel), Vua trời (Bua K’Lơi) của người Mường, Ông Trời của người Việt, rồi của người Ấn Độ, Mỹ, Anh, Nga, Pháp, của tôi, của bạn, đó là chưa kể đến các Thượng đế khác của Minh giáo, Bạch Liên giáo, Thiên Đại hội, Thái Bình Thiên Quốc, Pháp luân công…; ta có vô số Chúa như: Chúa trời của đạo Thiên chúa, Chúa tể (= Rama) của người Ấn Độ, Thiên hoàng của người Nhật, Thiên tử của người Trung Quốc, NEO = Đấng cứu thế của người Mỹ! (phim Ma trận)..., ta có vô số Thiên đường như: Thiên đường của đạo Thiên chúa, Thiên đình/Thượng giới của người Trung Quốc, Thiên giới (Thượng Thiên Bình Nguyên) của người Nhật Bản…, ta cũng có vô số cơn ‘Đại hồng thủy’ trong trong Kinh Thánh, Kinh Kô-ran, Kinh Phật/Veda, rồi trong Thần thoại Hy Lạp, Thần thoại Tàu, Thần thoại Mường, Thần thoại Việt Nam…, ôi trời ơi là trời, vậy Thượng đế nào mới là Thượng đế thật???
*
Con người hay nói là ‘người mù sờ voi’, mà một trong những ý nghĩa là con người chỉ có thể mô tả một phần của con voi, chứ ‘không thể biết’ hết toàn bộ con voi, tương tự, con người chỉ có thể cảm nhận ‘mơ huyền’ về một cái gì gì đó về thượng đế, mà do đó, có 6,5 tỉ loại thượng đế, 6,5 loại thiên đường/niết bàn/tự ngã… từ 6,5 tỉ ‘người mù’… Thật vậy, tôi đã viết là: ‘Tôi nghe con tôi kể là có ‘kẻ’ nào đó đã chế tạo ra 6,5 tỉ con robot với đầy đủ tính năng của con người, và cho chúng sống trong thế giới ảo, và chúng hoàn toàn tưởng là ‘thật’, mà trong số chúng, có vài con robot 'bị lỗi' và biết là mình đang sống trong thế giới ảo, nên đã tìm cách thoát ra khỏi thế giới ảo này, nhiều kẻ đi tu, 'nổi loạn', thậm chí... tự tử, và một số trở thành phật hay chúa (NEO = đấng cứu thế)’. (entry ‘Thượng đế vẫn còn… sống!’, xem đường dẫn bên dưới)
Tóm lại, nơi mà con người không thể biết thì được gọi là ‘bất khả tri’, lý do lớn là vũ trụ vô cùng vĩ đại và vô cùng bí ẩn, lý do nhỏ là vị họ là người trần mắt thịt, hơn nữa họ lại thông qua ‘ngũ uẩn’ (xem chú thích bên dưới) hay dùng 5 giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác) để mô tả thế giới, nên nơi này ‘khu trú’ cái được gọi là đấng ‘bất khả tri' (thượng đế, ông trời) của họ, như vậy ta ‘không thể biết’ ma, hay quỷ sa-tăng, nên chúng là… thượng đế, và ta ‘không thể biết’ ta, vậy ta cũng là… thượng đế!
Và tôi cũng không thể biết là tôi có thể biết hay không, cái này cũng được gọi là ‘bất khả tri’, híc.. híc…

Và cuối cùng…
Sáng nay đi chợ, tôi có chạy xe máy vòng vòng quanh phố, mà tôi luôn cảnh giác trong đầu là ‘coi chừng người Việt!’ (dĩ nhiên là tôi cũng phải coi chừng tôi, hihi…), thiệt, vì nơi mà tôi tham gia giao thông, không có khái niệm ‘lề đường’ vì hầu như bị người dân chiếm hết để buôn bán/để xe máy)…, có một cái đám tang mà người ta dựng rạp lấn ra ngoài lòng đường cả 1m, ngoài ra, tôi suýt tông vào một anh - khi anh ta đang bưng một tô phở qua đường mà không quan sát…, nói chung là tôi cảm thấy có một cái gì đó rất là bất ổn. Tôi thiết nghĩ người Việt, muốn phát triển, thì cần phải có những bộ óc với những ‘triết lý’ sâu sắc, mà vì thế, họ sẽ có tư duy lý tính, và do đó, họ sẽ bớt đi được tính ‘hoang dã’, và nhờ thế, họ sẽ cân nhắc cẩn thận trước khi hành động…

Tối nay, do ‘cơ duyên’ mà tôi được xem phim ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’ - một cuốn phim làm ‘cháy vé’ và chấn động nhất sau 75!, trong đó, tôi rất cảm động và ấn tượng với cuộc đời rất rất ‘thật’ như Cái Bang của các tầng lớp đồng bóng, làm thuê/có thu nhập thấp, thất nghiệp, vô gia cư, bị gia đình (hay xã hội) ruồng bỏ, bị loại ra khỏi cuộc chơi bình đẳng của xã hội…, tầng lớp này chiếm đa số trong xã hội - mà phải tự kiếm sống, và có lúc tôi gọi đó là một ‘thế lực vô hình’ mà quyết định sự thay đổi (lên hay xuống) của xã hội trong một thời gian dài; tôi nhận xét: ‘chúng ta đã biết được sự thật, sự thật là chân lý, nhưng chân lý không luôn là sự thật’ (vì chân lý do con người mô tả).
Tôi còn có ấn tượng với hình ảnh của con chó đen mà mặc cho bao nhiêu biến động thăng trầm của con người với những cặp mắt... đục ngầu vì ma chướng, nó vẫn sinh ra được 5 chú chó con với những cặp mắt ngây thơ đang tiếp cận thế giới: sự sống vẫn mạnh hơn cái chết.

Khi về đến nhà tôi nghĩ vậy, đúng không nhỉ?

(HẾT)
---------
Chú thích:
-Các loại triết học trước Mác, xem: http://luatminhkhue.vn/tac-gia/khai-luoc-lich-su-triet-hoc-truoc-mac-va-phuong-tay-hien-dai.aspx
-Hồi giáo/Kinh Kô-ran, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/09/449-sao-biet-uoc-toi-chi-la-nguoi-tran.html
-Kinh thánh của Việt Nam, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/07/linh-nam-chich-quai-va-kinh-thanh-cua.html
-Mặc khải: (Hán tự: 默啟) có nghĩa là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được. (Hán tự: 漠啟) là sự tác động trong yên lặng của Thiên Chúa làm bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người. Hai từ trên được dùng một cách tương đương. Trong các độc thần giáo, mặc khải là quá trình hoặc hành động nhận biết một thông tin thần thánh. Theo truyền thống, mặc khải được xem là điều mà Thiên Chúa, hay một vị thần, hay một thực thể siêu nhiên khác chẳng hạn thiên thần cho biết về các ý muốn, nguyên tắc, luật lệ và giáo lý thần thánh… (Wikipedia)
-Minh triết: Một định nghĩa chuẩn một cách triết lý nói rằng Minh triết bao gồm việc sử dụng tốt nhất những hiểu biết (knowledge), ngược lại với Minh triết là điên rồ. Trong siêu hình học, Aristotle định nghĩa Minh triết là sự hiểu biết về nguyên nhân tại sao sự vật tồn tại với kiểu cách riêng biệt. (Wikipedia)
-Minh triết Đông phương (Các nền triết học và các Thánh lễ của phương Đông): Một cuốn sách của Michael Jordon, dịch bởi Phan Quang Định, xuất bản tại Việt Nam năm 2004
-Ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức, tức là thân xác, cảm thụ của thân xác, ghi nhận cảm thụ đó, tiền đề/xuất phát của hành động và nhận thức được sự khác biệt...
-Nhất nguyên: Thuyết nhất nguyên, hay nhất nguyên luận là quan niệm thần học và siêu hình học cho rằng tất cả thế giới đều thuộc về một bản chất, nguyên lý, chất hay năng lượng, tất cả đều có một khởi nguyên. Khởi nguyên này có thể là khởi nguyên vật chất (thuyết nhất nguyên duy vật) hoặc khởi nguyên tinh thần (thuyết nhất nguyên duy tâm - Heghen) (Wikipedia)
-Phiếm thần luận, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/10/463-phiem-than-luan-biet-chet-lien.html
-Thần thoại Việt Nam (Lĩnh Nam chích quái), xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/07/linh-nam-chich-quai-va-kinh-thanh-cua.html
-Thuyết bất khả tri (Tiếng Anh: agnosticism) là quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định - đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Chúa Trời hay các vị thần - là chưa biết và không thể biết được hay không mạch lạc. Một số người theo thuyết bất khả tri suy diễn từ đó rằng các tuyên bố đó không liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống. (Wikipedia)
-Thư gửi thế giới tâm linh, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/09/444-thu-gui-em-tam-linh.html
-Triết/Triết học: hiểu nôm na, theo tôi, là những suy nghiệm sâu sắc, tạm gọi là tinh túy của trí tuệ/sự hiểu biết, hay còn được gọi sự thông thái, bởi vậy đôi khi người ta còn gọi triết gia là nhà thông thái, do đó, những suy nghiệm đơn lẻ được gọi là triết lý, còn triết học (phylosophy) là hệ thống những suy nghiệm sắc đó. Ngoài ra, theo voer.edu, thì ‘thuật ngữ triết học có gốc ngôn ngữ là chữ triết ( ); người Trung Quốc hiểu triết học không phải là sự miêu tả mà là sự truy tìm bản chất của đối tượng, triết học chính là trí tuệ, là sự hiểu biết sâu sắc của con người. Ở Ấn Độ, thuật ngữ dar'sana (triết học) có nghĩa là chiêm ngưỡng, nhưng mang hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, là con đường suy ngẫm để dẫn dắt con người đến với lẽ phải. Ở phương Tây, thuật ngữ triết học xuất hiện ở Hy Lạp. Nếu chuyển từ tiếng Hy Lạp cổ sang tiếng Latinh thì triết học là Philosophia, nghĩa là yêu mến sự thông thái. Với người Hy Lạp, philosophia vừa mang tính định hướng, vừa nhấn mạnh đến khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
https://voer.edu.vn/m/khai-luoc-lich-su-triet-hoc/4c614db2
-Triết học hiện sinh/Chủ nghĩa thực dụng, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/07/414-triet-hoc-my-co-phai-la-mot-thu-gi.html
-Sơ lược nội dung Kinh Koran: Những chương đầu tiên của Kinh Koran nói về Thiên Chúa Allah với những đặc tính siêu việt của Ngài. Vì đạo Hồi là đạo Thiên Chúa thứ ba, xuất hiện sau đạo Do Thái và đạo Ki Tô nên đạo Hồi đã in đậm những dấu ấn đức tin của hai đạo Thiên Chúa đàn anh. Tôi đã trình bày đầy đủ vấn đề này trong bài "Ảnh hưởng thần học Do Thái -Ki Tô trong đức tin Hồi Giáo". (Xin đọc "Thực chất đạo Công Giáo và các đạo Chúa", Giao Điểm xuất bản - Xuân 2003, trang 201-232). Ngoài Thiên Chúa ra, Kinh Koran dạy phải tin có các thiên thần và ma quỉ (Satan), tin các sách Mặc Khải của đạo Do Thái và Ki Tô cùng các vị thiên sứ, tin có ngày tận thế và ngày phán xét cuối cùng, tin mọi kẻ chết đều được sống lại, tin có Thiên Đàng Hỏa Ngục, tin mọi việc do Thiên Chúa Allah tiền định nhưng mọi người có ý chí tự do. Tất cả các điều này đã được trình bày đầy đủ qua 32 trang sách dẫn chiếu, vậy tôi xin miễn nhắc lại ở đây. Khác với Cựu Ước và Tân Ước chỉ đề cập đến vấn đề thiêng liêng hoặc lịch sử, Kinh Koran đồng thời cũng là một bộ luật đầu tiên và cao nhất của Hồi Giáo. Thí dụ: Cấm cho vay nặng lãi, Cấm ăn thịt heo, thịt đã cúng các thần khác, cấm ăn máu (tiết canh, huyết), Cấm cờ bạc, Cấm săn bắn trong thời gian hành hương Mecca, Phải ăn chay trong tháng Ramadan, Phải rửa chân tay sạch sẽ trước khi cầu nguyện, Cấm giao hợp với đàn bà có tháng.
Trước khi có kinh Koran, phụ nữ Ả Rập giàu có thường lấy nhiều chồng và đa số là những người đàn ông trẻ khỏe. Kinh Koran khẳng định quyền ưu thắng của đàn ông và chính thức bãi bỏ tục đa phu (polyandre). Bất cứ người đàn bà nào có chồng bị cáo buộc về tội ngoại tình đều bị đem ra cho công chúng ném đá đến chết. Kinh Koran qui định án phạt hết sức nặng nề chống lại bất cứ ai bị kết án: "Chống Thiên Chúa Allah" hoặc "chống Thiên Sứ Muhammad". Người đó sẽ bị đóng đinh vào thập giá hoặc bị chặt hết chân tay. Tội trộm cũng có thể bị phạt rất nặng. Dù đàn ông hay đàn bà tùy theo nặng nhẹ nếu bị kết án về tội trộm sẽ bị chặt một tay hay hai tay…

16 nhận xét:

  1. Minh Châu (Facebook)
    Chúc anh ngày thứ 7 nhiều niềm vui.
    2 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, mình có qua FB của bạn và 'gom' 2 câu: " Trong thế giới cuồng dại của ngày hôm nay, cái điên rồ của con người chỉ biết tìm kiếm tiền tài danh vọng… nhưng cuộc đời là vô thường, đến rồi đi, nên thôi, thả bớt phù vân, rộng tay ban phát người nghèo hơn ta, ở đời muôn sự của chung, chỉ hơn cảnh sống tình người xót thương... Không có một giờ phút nào quý cho bằng… Sống HIỆN TẠI. Hãy sống và hưởng từng giây phút vì Hạnh phúc là hành trình, chứ không phải là điểm đến! " (trong bài này), mình không bình vì mình ngại rằng entry này sẽ làm bạn không... hài lòng, sr. và cám ơn nhé, hihi...

      Xóa
  2. Tóm lại là nếu không có triết học thì không làm được việc gì Huynh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Tóm lại là nếu không có triết học thì không làm được việc gì Huynh ạ" = Tôi thiết nghĩ người Việt, muốn phát triển, thì cần phải có những bộ óc với những ‘triết lý’ sâu sắc, mà vì thế, họ sẽ có tư duy lý tính, và do đó, họ sẽ bớt đi được tính ‘hoang dã’, và nhờ thế, họ sẽ cân nhắc cẩn thận trước khi hành động…
      EXCELLENT!, muội ạ.

      Xóa
  3. @ Minh Châu:
    Mình đã thay câu mới của bạn vào chú thích số 17, thanks.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Minh Châu (Facebook)
      Em cảm ơn anh đã chia sẻ và sử dụng những câu bên fb của em cho bài viết của anh, em rất vui và thật là hãnh diện, em cảm ơn anh rất nhiều
      6 phút trước.

      Xóa
  4. Ôi bài viết LB đúng là đại gia triết học thật đa tài,Phật giáo,Chúa ,triết lý sống LB am hiểu tường tận,thật bái phục.Giáng Sinh -Năm Mới Hồng An tràn đầy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LB không rành về... Phật, Chúa, Thượng đế, v..v..., LB chỉ quan sát việc con người 'nhìn' các ngài như thế nào thôi, ngoài ra, LB còn dùng 'tấm kính của thế giới tự nhiên' để soi những sự kiện trần thế này, cám ơn nghen, chúc năm mới an bình.

      Xóa
    2. Hoán vị niềm đau: ai sang ai?
      Chiều tan, gió lạnh, thoáng mây mờ
      Một mình, mơ ảo trong phòng vắng
      Ai đến!, ta tìm trong áng thơ...

      Xóa
  5. Lưu Cuồng Từ:

    CHÚNG TA LÀ NHÂN LOẠI !
    ______________________________________
    Hẳn là Thượng Đế đã tạo ra CHÚNG TA-NHÂN LOẠI, và mọi thứ.
    Từ đó, CHÚNG TA-NHÂN LOẠI đã không thôi tìm hiểu về mình.
    Darwin nói rằng:
    CHÚNG TA-NHÂN LOẠI: là anh em họ với những con khỉ, chứ không phải với những thiên thần.
    Sau đó, các nhà khoa học của chúng ta đã tìm thấy rằng: chúng ta đã phát sinh từ rừng sâu ở châu Phi. Và rằng: "chẳng có con cò nào chở chúng ta đến Paris cả"
    Thế rồi cách đây không lâu, các nhà khoa học của chúng ta lại khám phá ra rằng: gene của chúng ta gần như giống hệt với gene của con chuột nhắt.
    Giờ đây, chúng ta cũng không biết phải chăng mình là một kiệt tác của Thượng Đế, hay là một trò giễu tồi dở của Quỷ Sứ.
    BỞI VÌ CHÚNG TA LÀ NHÂN LOẠI:
    Là kẻ hủy diệt mọi thứ , hủy diệt hàng loạt , hủy diệt thể xác, hủy diệt tâm hồn...
    Là kẻ săn giết đồng bào, đồng chủng, đồng đạo, đồng loại láng giềng của mình một cách có ý thức, có hệ thống, có triết lý và có tính toán.
    Là kẻ sáng tạo ra bom nguyên tử, bom khinh khí, và đang mơ ước chế ra một loại bom trung-hòa-tử - một loại "bom sạch", tức là loại bom lành mạnh nhất, vì loại bom này chỉ làm cho con người sống trên địa vực đó tan biến đi, nhưng mọi thứ đồ vật khác thì vẫn nguyên vẹn, từ một đóa hoa hồng cho đến một tượng đài, một tòa cao ốc... , ngay cả chiếc áo mặc trên người nạn nhân cũng vẫn còn nguyên vẹn.
    CHÚNG TA-NHÂN LOẠI :
    Là con vật duy nhất đã phát minh ra máy móc.
    Con vật duy nhất biết sống trên sự phục vụ của những máy móc do chính mình phát minh ra.
    Là con vật duy nhất biết tàn phá nơi sinh sống và môi trường sống của chính mình.
    Là con vậy duy nhất biết gây nhiễm độc nguồn nước mà mình uống, và biết gây nhiễm độc mặt đất đang nuôi dưỡng chính mình.
    CHÚNG TA-NHÂN LOẠI:
    Là con vật duy nhất biết đầu độc chính tâm hồn mình
    Là con vật duy nhất biết VONG THÂN.
    Là con vật có khả năng CHO THUÊ hay BÁN chính mình.
    Là con vật duy nhất có khả năng THUÊ, hay MUA những kẻ đồng loại.
    CHÚNG TA-NHÂN LOẠI:
    Là con vật duy nhất biết lấy việc giết chóc đồng loại để làm thú tiêu khiển.
    Là con vật duy nhất biết hành hạ đồng loại một cách có hệ thống, thậm chí nâng hệ thống ấy lên thành một học thuyết, một điển phạm, một nghệ thuật.
    Là con vật duy nhất biết hiếp dâm: hiếp dâm đồng loại..., thậm chí HIẾP DÂM LỊCH SỬ.
    Đồng thời, CHÚNG TA-NHÂN LOẠI:
    Là con vật biết yêu/ghét tùy thích và sáng tạo, biết yêu ghét nhiều kiểu khác nhau, thậm chí độc quyền yêu và độc quyền ghét.
    Là con vật duy nhất biết cười, biết khóc và sáng tạo ra nhiều kiểu cười/khóc khác nhau,thậm chí còn qui định cho người khác cách cười/khóc và quan điểm cười khóc.
    Là con vật biết nói dối và ưa thích nói dối, thậm chí biết nâng nói dối lên thành một học thuyết, tín điều và điển phạm.
    Là con vật biết phản bội, ưa thích sự phản bội, và biết nâng phản bội lên thành một nghệ thuật.
    ...

    CHÚNG TA-NHÂN LOẠI:
    Là con vật duy nhất biết mơ mộng, những giấc mơ Thiện song song với những cơn mơ Ác.
    https://www.facebook.com/tu.cuong.549/posts/291247917751408

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ Từ Cuồng
      Tôi đã đưa 1 đoạn trong bài viết 'CHÚNG TA LÀ NHÂN LOẠI' của anh vào chú thích số 18, cám ơn anh.

      Xóa
  6. Tình buồn mỗi lúc dâng cao
    Người ta tìm Chúa,như sao đón người
    Trần gian khắp chốn muôn nơi
    Ai người cùng khổ ai rơi lệ sầu
    Giang tay Chúa ban nhiệm mầu
    Giáng sinh Hạnh Phúc mong hầu Chúa thôi.

    Lý bất chợt nhớ câu(không ai giầu ba họ,không ai khó ba đời).vây Lý nghĩ làm bài thơ Hoan Vị Niềm Đâu để tự an ủi mình,và cho ai đang bất hạnh,sẽ tin một ngày nào đó.Chúc sẽ làm thay đổi cuộc sông cũng như suy nghĩ của mình,Không tham lam ích kỷ giầu lòng vị tha như Chúa.Khong có ý đổi niềm đau cho người khác dù người đó là đối nghịch với mình.hay kẻ thù của mình.Cám ơn LB để tâm đến bài viết của Lý để Lý được thanh minh.Chúc Giáng Sinh An Lành .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ Nguyễn Thị Lý: LB thích cụm từ 'hoán vị niềm đau' nên tặng cho bạn NTL mấy câu thơ ấy mà:

      'Tôi cho rằng chỉ có MỘT loại triết học (của loài người), nhưng nếu cần thiết phải có sự phân biệt giữa ‘Triết học Đông phương’ và ‘Triết học Tây phương’, thì điều này, theo tôi, chỉ có tính chất nghiên cứu/học thuật, vì quy cho cùng, chúng cũng không thoát khỏi vô thần hay hữu thần, và quan trọng nhất, bản chất của cuộc đời này là như nhau: ta đang sống ở chốn địa ngục trần gian, và không có cái địa ngục nào khổ hơn cái địa ngục này.'

      Tối bên ấy vui nhé. Thân.

      Xóa
  7. lý không giỏi hiền triết xong cũng thích đọc để mở mang lòng mình và suy ngẫm ,cuộc đời được mất không quan trọng.Chỉ mong sao tâm luôn hướng thiện,không nghĩ quẩn trong vòng tội lỗi,để sa tan không có cơ hội thâm nhập vào dòng suy nghĩ của mình,để mình lạc bước xa lánh Chúa.Cho dù cuộc sông mình thế nào đi chăng nữa,mình vẫn phải lạc quan yêu đời.Tin vào lời hứa của Chúa Sẽ ban cho nhân loại đầy phước ân,trong đó có mình và bạn,vì chúng ta là người bất toàn,việc xa ngã cũng là điều dễ hiểu bởi gien di chuyền của ADAN vàÊVA

    Trả lờiXóa
  8. Tóm lại Thế gian MỖI NGƯỜI LÀ 1 BÀI TRIẾT HỌC.... bác Lá Bàng ạ!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, mỗi người một... kiểu.
      À, ai cũng tưởng là LN viết... triết lý, đây chỉ là quan sát cuộc sống, à, tối nay mình nghe người Nhật nói 'cuộc sống này chỉ là để chuẩn bị cho kiếp sau' (phim '47 lãng khách'), để mình tìm hiểu thứ sao, thanks.

      Xóa