Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

632. Cái lợi của những trang web

Xuân còn một thoáng nữa thôi
Quê tôi, hoa nở, đóa môi hé chờ
Hương đời, một chút mộng mơ
Mưa đâu rơi nhẹ, phớt hờ nụ ngon
Rừng xa, mơ thấy... bóng hồng
Chiều buông nhạc khúc, tối còn nỗi đau...
---------

Bằng những ví dụ ‘sống’ thu thập được ở nhân gian và trên những trang web (= website), tôi sẽ… chỉ ra rằng, khác với các ‘suy nghĩ f-1’ nào đó, các trang web là có lợi cho chúng ta như thế nào (và việc sử dụng chúng làm sao có lợi), và kèm theo một số triết lý (cười). Lưu ý rằng, khi tôi mới hạ bút, thì ắt sẽ có ai đó nói là ‘cái ông này đọc được bao nhiêu trang web mà bày đặt’, vâng, tôi đọc ít nhưng suy nghĩ nhiều, và chả theo ai, còn nếu có ai đó tự xưng là đọc nhiều trang web thì xin ra quán cà phê để ‘bày đặt’ với nhóm blogger ở Chợ Bà Chiểu (Sài Gòn): xin thọ giáo! (cười).

*
Tôi đã đọc và đã làm gì với các trang web, tôi chỉ xin nêu ra dưới đây vài ví dụ thôi:
-Bài thơ trên, tôi bình trong bài thơ ‘Xuân quê hương’, blog ‘mưa rừng chiều’ (blogspot).
-Phiến đá sầu, ai nhớ bờ Tây
Bờ Đông vắng lặng, khói bay buồn
Phải chi bên ấy quay vòng lại
Ta thấy người em, bớt muộn phiền!
Đoạn thơ này, tôi bình trong blog ‘Annie Luu’, bên Mỹ! (blogspot).
-Tay em sờ phải nụ hoa
Cỏ im im thở, mượt mà gót sen
Đợi em, trăng vội cong mềm
Về thôi, nhấp chút hương đêm.. đậm đà
Đoạn thơ này, tôi bình trong blog ‘Hoài Phố’ (facebook).
-"Thời gian của các bạn là hữu hạn, vì thế đừng phí phạm thời gian để sống cuộc đời của người khác” (Steve Jobs). Đừng bị sập bẫy các giáo điều để phải sống cuộc sống của mình theo cách nghĩ của người khác. Đừng để tiếng nói quan điểm của người khác nhấn chìm tiếng nói sâu thẳm trong lòng bạn...
Đoạn này tôi trích trong bài ‘Diễn văn chấn động của doanh nhân Việt’ (của tiến sĩ Trần Vinh Dự), trong blog ‘duyben’ (blog Tiếng Việt).
-Có một anh chàng… vượt biên sang Mỹ, trước khi ra đi, mẹ anh ta nói với anh ta rằng: ‘mỗi lần nhớ mẹ, con hãy nhìn vào cái bàn tay của con, con sẽ thấy mẹ ở đó’. Và sau này, cứ mỗi lần nhớ mẹ, anh ta lại nhìn vào bàn tay của mình (mà có thể mẹ anh ta đã chết rồi!), và anh cảm thấy rằng mẹ mình luôn ở bên mình…
Đây là bản tin tôi tự tóm tắt từ chuyện kể của Thích Nhất Hạnh!, blog Dung Tran (facebook)
-Tổng thống Uruguay là Jose Mujica (sắp hết nhiệm kỳ) từ chối sống trong một dinh cơ với đầy đủ tiện nghi hiện đại cho một tổng thống, mà về ở tại một cái rẫy nhỏ gần đấy, với nhà bằng tôn, ông còn đi từ nhà đến Dinh tổng thống làm việc bằng một chiếc xe ‘cùi’ - với giá là 1800 usd; ngoài ra, lương của ông mỗi tháng khoảng 14.000 usd, trong đó ông đóng góp 12.000 usd cho công tác từ thiện, còn ông và gia đình chỉ xài có 2.000 usd thôi; nghe nói ông bảo làm như vậy thì chưa chắc ông đã là một tổng thống nghèo, mà rất giàu - giàu chất tư duy: ‘Người ta gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. Người nghèo là người chỉ cố gắng làm việc để duy trì một lối sống tốn kém và họ luôn muốn nhiều tiền hơn. Đây là vấn đề tự do. Nếu bạn không có nhiều tài sản, bạn sẽ không phải làm việc cả đời như nô lệ để giữ đống tài sản. Vì thế bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân’ (Jose Mujica).
Đây là bản tin tôi tự tóm tắt từ trang web vnexpress.net…
*
Trên thế giới này có vô số trang web, tất nhiên là mỗi người trong chúng ta đều có vào đó đọc ít nhiều, tuy nhiên tôi không nghĩ rằng chúng ta (hay tôi) nhớ được tên của tất cả những trang web đó, mà ở đây tôi chỉ nêu lên vài trang web khá quen thuộc đối với các blogger thôi (không phân biệt là trang web nổi tiếng hay vô danh), như: Bauxite, BBC Tiếng Việt, Blogspot, Blog Tiếng Việt (BTV), Bùi Văn Bồng (blog), Chân Dung Quyền Lực (blog), Facebook, ‘Flappy Bird’ (games, và có liên quan), ‘Gangnam Style’ (clip, và có liên quan), Google, Nguyentandung, Nguyễn Văn Tuấn (blog), Người lót gạch, Nhà hát Buratino, Quan làm báo, Quê Choa, RFA, RFI, Sài Gòn Điểm Tin, Sơn Tùng (clip, và có liên quan), Tiền Vệ, Trần Mỹ Giống (blog), Triết học đường phố, Truongtansang, Văn Việt, Vnexpress, Viet-studies, VOA Tiếng Việt, Wikipedia, Wordpress, YouTube…, trong đó, có những trang web ‘bị cấm’ hay ‘tự xóa’ (!), mà tôi sẽ nói sau.
Riêng tôi, tôi thấy cụ ‘Google’ quả thật là hữu hiệu, hữu hiệu nhất, cụ đã giúp cho tôi có lợi hàng tỉ đồng, xứng đáng đạt giải Nobel (hihi…), rồi Wikipedia, rồi YouTube (chủ yếu là để xem phim/nghe nhạc), và các trang web ‘lề phải’ hay ‘lề trái’…, và lưu ý rằng tôi đang nói về nhu cầu ‘tìm hiểu thế giới’.
*
(Các tư liệu mà tôi viết trong đoạn này đã được cụ Google giúp rất nhiều, ít nhất là tôi phải tham khảo trên dưới 20 website.)

Thời mẫu giáo, 'Thủy hử' là một trong những cuốn truyện đầu tiên mà đã có ấn tượng rất lâu trong đầu óc tôi. Ví dụ dưới đây là 2 đoạn hồi ký của tôi:
1.‘Thủy hử’ là thiên anh hùng ca của Thi Nại Am (1296!-1370!), nói về 108 vị anh hùng 'võ lâm' Lương Sơn Bạc thời nhà Tống như Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Tiều Cái, Tống Giang, Ngô Dụng, Lý Quỳ…. Hiện nay mấy ai mà không biết chuyện ‘Võ Tòng đả hổ’, ‘Mối hận Kim Bình’, ‘Lâm Xung’…
Lá nào dậy giấc mơ tiên
Hoa nào dậy giấc giao duyên cuối chiều
Bán đi một bóng cô liêu
Mua về một dáng mỹ miều cong cong

Tuy nhiên cuốn sách này vô tình đã gây ‘chấn động’ tình dục cho mình không ít, chứ không phải tại ‘Liêu trai chí dị’ hay ‘Hồng Lâu mộng’… vì Thủy hử còn nói các mối tình rất dâm loạn và hấp dẫn giữa đại gia Tây Môn Khánh và Pham Kim Liên, giữa nhà sư Bùi Như Hải và Phan Xảo Vân:
-Khi Tây Môn Khánh tán được và ‘ngủ’ với Phan Kim Liên lần đầu tiên, đến giờ mình vẫn còn nhớ câu: ‘thế là mưa xuân tơi tả, vũ trụ quay cuồng’. Gần đây Tàu còn cho sản xuất phim cấp 3 là ‘Mối hận Kim Bình’ mười phần hấp dẫn!
-Bùi Như Hải lợi dụng mấy lần đến cầu siêu cho linh hồn cha của Dương Hùng (chồng của Phan Xảo Vân) mà lén gian dâm với nàng ở tại nhà riêng. Một hôm nàng mượn cớ đi cúng chùa, rồi vào thẳng phòng riêng của sư mà có treo nhiều tranh ‘nóng’, nay mình vẫn còn nhớ câu: ‘nàng từ từ cởi bỏ xiêm y, nằm trên giường chờ đợi, hai mắt mơ màng nhìn vào một khoảng trời xa lạ’… (entry 'Những cuốn sách...', đường dẫn bên dưới).

2.‘Mối hận Kim Bình’ là một phim ‘cấp 3’ mà mình có dịp xem ở Hà Nội, nhưng cấp gì không quan trọng, vì các bạn có thể xem chuyện ‘Võ Tòng-Tây Môn Khánh-Phan Kim Liên’ trong các loại phim Thủy hử, Võ Tòng đả hổ, hay Túy quyền Võ Tòng...
Nhưng mình chỉ ngạc nhiên là tại sao dân tộc Tàu lại sản sinh ra một Ôn Bích Hà (vai Phan Kim Liên) đẹp hoàn hảo như vậy, mũi đẹp, mắt đẹp, miệng đẹp, tất cả con người của nàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cái gì cũng đẹp, không có chỗ nào chê được, và mặc dù năm nay nàng đã 50 tuổi nhưng vẫn còn đẹp mê hồn.
Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuống tầng Diêm cung
 (entry 'Những cuốn phim...', đường dẫn bên dưới).

Nay, tôi biết rằng, ngoài việc dựng phim chính thống là ‘Thủy hử’, người ta còn có các phim phóng tác như ‘Lâm Xung’, ‘Túy quyền Võ Tòng’ như đã nói ở trên, kể cả phim sex cấp 3 là ‘Kim Bình Mai’ (hay ‘Mối hận Kim Bình) - rõ ràng là đề tài cô nàng dâm đãng Phan Kim Liên được khai thác trong nhiều phiên bản phim với nhiều cảnh lộ hàng rất ‘hot’ (với các diễn viên như Ôn Bích Hà, Phó Nghệ Vỹ). Ngoài ra, bạn tôi còn nói rằng: 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc là các ‘đối tượng hình sự’, nói rộng hơn là các ‘đối tượng chống lại triều đình’ (Tống Triết Tông, Tống Huy Tông, cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12).
Như vậy, nếu không nhầm thì ‘Thủy hử’ là một tác phẩm ‘lề trái’, mà đã được truyền tụng lâu đời trong nhân gian, kể cả trong các dòng văn học chính thống (chẳng hạn như được đưa vào sách giáo khoa): ‘Nếu không viết về Cao Cầu mà viết 108 người thì đó là loạn từ dưới loạn lên. Không viết về 108 người mà viết về Cao Cầu trước thì đó chính là loạn từ trên loạn xuống’ (baodatviet.vn).
Và như vậy, suy rộng ra, tôi tự hỏi, phải chăng là những trang web ‘lề phải’ chắc gì đã làm cho dân ngưỡng mộ!, mà những trang web ‘lề trái’ chắc gì là đã không đi vào lòng dân! Chuyện này tôi sẽ từ từ phân giải dưới đây.
*
Tôi đang nói chuyện trước 75!, còn sau 75 thì sao? Quả thật là tôi không có nhiều tư liệu ‘lề phải’… đáng tin cậy sau 75, đặc biệt là về văn học, vì sao?, vì đọc thấy chúng na ná như nhau, có thể tóm gọn lại là ‘ta tốt, địch xấu’, điều đó không gây nên sự hấp dẫn nơi người đọc, nếu không muốn nói là ‘nhạt thếch’, ngược lại, các trang web lề trái - đa số có mùi ‘chống’ - cũng thường làm cho người đọc dị ứng.
Tôi có thể nêu lên ở đây vài ví dụ mà tôi không thể tìm thấy nơi các trang web lề phải.
Khi đọc nhiều tài liệu về Lê-nin, khoảng 1975-1980, (ở đây tôi viết một cách tự nhiên theo ấn tượng), tôi có biết là Lê-nin ‘không ưa’ Mr. Dos (Dostoievski), lý do cũng dễ hiểu và dễ cảm thông thôi, vì Dos - với đa số các truyện là nói về gia đình bọn phong kiến quý tộc - là sĩ quan chế độ cũ, là người theo đạo Thiên Chúa (Chính thống giáo = Orthodox Christianity), là người nghiện rượu, nghiện cờ bạc…, nên dĩ nhiên là Dos không ca tụng các anh hùng diệt tư sản như Ruồi trâu, Paven Coocsaghin hay ‘Nguyễn Văn Trỗi’… Nhưng trong mấy chục năm sau đại học, tôi mới biết là nhiều người đánh giá Dos là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại - bởi các ‘giải phẩu tâm lý người’ cao siêu của ông: ‘Giáo đã đọc hầu như gần hết các tác phẩm của Dos. Và ông là một trong những văn hào giáo ngưỡng mộ nhất, hơn cả Lev Tolstoi! Ông có cái tài quỷ ám đi sâu vào những ngóc ngách đen tối của tâm hồn con người. Dưới mắt ông, con người hoàn toàn trần trụi, cô đơn run rẩy trước gánh nặng của kiếp người, như cuộc đời đầy bi kịch của chính ông vậy! May mà Thượng đế còn thương để phái nàng tiên bé nhỏ đến với ông vào cuối đời, để cứu vớt ông, để chúng ta còn có dịp đọc được nhưng trang viết đầy cuồng nộ của một con người đang thét gào trong địa ngục tâm linh...’ (Giáo Làng, xem đường dẫn bên dưới)... Đặc biệt là cuối năm 2011, tôi mới bỏ thời gian ra để đào sâu về ‘vụ’ này, nhưng thất vọng thay, do một áp lực nào đó trong quá khứ mà hầu như các nghiên cứu cũng như các trích dẫn các tác phẩm của Dos trên mạng (như ‘Anh em nhà Karamazov’, ‘Lũ người quỷ ám’…) rất là hạn chế!!!
Ở đây tôi xin đi thêm về vụ Bùi Giáng nổi tiếng với câu: ‘Én đầu xuân, tuyết đầu đông. Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa’  - mà được nhiều học giả và các fan tự do gọi là triết gia thi sĩ. Nhưng vào cuối năm 2013, báo Văn Nghệ TP HCM đã lên tiếng đả kích mạnh Bùi Giáng, mà báo Thanh niên phản kích lại rằng: ‘Khi đăng loạt cuối Chuyện đời Bùi Giáng, chúng tôi đọc được bài: Ai làm Bùi Giáng sống lại sau 15 năm? trên Báo Văn Nghệ TP.HCM số 274, ra ngày 3/10/2013, với những lời xúc phạm nặng nề đến thi sĩ Bùi Giáng và Báo Thanh Niên’, tôi mới viết một bài có câu ‘Không hẳn là (các) tác giả đã đúng, nhưng ít nhất là người có nghiên cứu khá tường tận và giúp chúng ta nhìn thêm về ‘mặt trái của vấn đề’, tác giả cho rằng một câu số thơ của Bùi Giáng là ‘dở’, ‘tục tĩu’ và ‘báng bổ thánh thần’ (và một số câu khác có quá nhiều chữ 'vuông, tròn'). Dưới đây, tôi không trích những lời bình quá nặng của ông Hoàng Phương…’ (‘Bùng nổ vụ Bùi Giáng’, xem đường dẫn bên dưới)…
Ngoài ra, tôi cũng có tìm hiểu thêm về vụ tự tử của nhà thơ Mayakovski, nhà thơ Esenin và nhà văn Maxim Gorky (‘cuốn sách đáng hổ thẹn về Kênh Biển Trắng-Baltic, được trình bày như một ví dụ của sự hồi sinh thành công của những kẻ thù của giai cấp vô sản'!, hai cha con đều bị đột tử! vào tháng 5 và 6/1936, wikipedia), rồi vụ nhạc sĩ Phạm Duy chết trong im lặng - người mà được các fan tự do gọi là ‘nhạc sĩ số một của VN’, hay vụ ‘triết gia’ Đỗ Long Vân cũng chết trong im lặng - người mà được văn đàn trước 75 gọi là ‘Minh chủ của cấu trúc luận miền Nam’…
Ví dụ như vậy cũng tạm tiêu biểu rồi… Đến đây, tôi tự hỏi thế nào là lề phải hay lề trái, khi mà chính bên lề phải cũng ém tin/không cung cấp tin chính xác, mơ hồ và thậm chí mâu thuẫn với nhau!, và phải chăng vì thế mà sự hiện diện của các trang web lề trái là cần thiết!
*
Còn bây giờ thì sao? Thôi, tôi viết đến đây vậy, nó cũng có cơ bản ý rồi, còn ví dụ thì có vô số.

Khi khảo sát các chương trình giáo dục đại học (và các bậc khác), tôi thấy thiếu 3 môn học ‘tiên thiên’ sau đây: 1) Tổ chức học/Khoa học về tổ chức, 2) Tầm nhìn học/Khoa học về tầm nhìn, 3) Đọc sách học/Khoa học về cách đọc sách (báo, hay trang web).
Thật vậy, người Việt ‘thường’ làm việc không đúng giờ, làm việc không có quy hoạch, không biết cái nào làm trước, cái nào làm sau, không biết cái nào là quan trọng nhất, cái nào là thứ yếu, tức là không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc (lưu ý rằng Nguyễn Hiến Lê có viết cuốn ‘Tổ chức công việc theo khoa học’ (sau 75) hay một Nguyên soái Liên-Xô có viết cuốn ‘Những nguyên lý của phương pháp tổ chức’ (1917!)… nhưng không thuộc loại tôi đã nói và không được đào tạo liên tục và chính quy trong các trường).
Người Việt cũng ‘thường’ không có óc quan sát (xem cách họ đậu xe ngoài đường thì biết), đặc biệt là không có tầm nhìn (xem nạn ngập nước thành phố, hay đường hẹp/không có lề đường thì biết). Ví dụ, khoảng năm 2005-2007, tôi có đi với một đoàn chuyên gia nước ngoài làm việc về chương trình ‘Phát triển rừng cộng đồng’ (ở Gia Lai), khi lập dự án, họ có hỏi các chuyên gia lâm nghiệp địa phương là ’30 năm nữa rừng sẽ như thế nào?’, các chuyên gia này đều không trả lời được, thế mà lâu nay họ cứ làm rầm rầm!
Người Việt cũng ‘thường’ có tính bắt chước/học theo (Trần Hùng John cũng có nói đại để như vậy). Với câu ‘Đừng bị sập bẫy các giáo điều để phải sống cuộc sống của mình theo cách nghĩ của người khác. Đừng để tiếng nói quan điểm của người khác nhấn chìm tiếng nói sâu thẳm trong lòng bạn’ (Trần Vinh Dự), thì hiện nay ta chưa thể làm được, vì tôi thiết nghĩ là ở ta đang bắt mọi người phải học theo chỉ ‘một chân lý’!
Tôi cũng xin nêu lên một ví dụ rất đời thường là, nếu ta có gặp một người mà lúc nào cũng có thể chửi thề/ăn nói tục tĩu, thì không phải vì thế mà ta bị ảnh hưởng, nên đối với tôi, đọc sách/website lề phải hay lề trái không quan trọng, nói một cách thực dụng, loại nào cũng nên đọc, chủ yếu là ta phải có lập trường không ‘theo đuôi’, và nên chọn những bài viết có giá trị, và ‘cách đọc’ này phải được giáo dục cho các cháu từ mẫu giáo cho đến đại học/sau đại học.
Ba môn học nói trên, tôi thiết nghĩ là quan trọng hơn Toán, Lý, Hóa - các khoa học cơ bản, ít nhất là người Mỹ (hay ông Obama) có câu đại ý như sau: ‘ở bậc tiểu học, các cháu chủ yếu là được giáo dục về đạo đức, chứ không phải là trang bị kiến thức’… Viết đến đây, tôi mới thu thập được 3 lời bình ‘sống’, xin đăng cho các bạn đọc tham khảo:
-Em thì thường xem báo lề trái hơn, hihi! (Hùng Phi, lời bình bên blogspot)
-Em tem bạc. Lề trái hay quá. Chúc Anh vui nhìu nhìu. (Lý Thị Minh Tâm, lời bình bên blogspot)
-Nhờ có các trang Web mà đỡ tốn tiền mua sách báo. Khi đọc Web tôi không để ý nhiều tới lời bình của người viết, mà chủ yếu tìm thông tin, với tôi khái niệm ‘lề trái’, ‘lề phải’ không quan trọng. (Người Hà Nội, lời bình bên blog Tiếng Việt)…

Và cuối cùng, mọi nền giáo dục đều dạy ta tôn trọng sự thực, và phải chăng đây là một mảnh của sự thực!

(HẾT)
---------
Ghi chú:
-Bàn tay mẹ trong bàn tay con’, xem: https://www.facebook.com/langmaionline/photos/a.174037022755005.1073741835.171387796353261/307441592747880/?type=1&fref=nf&pnref=story
-Bùng nổ vụ Bùi Giáng, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/11/480-bung-no-vu-bui-giang.html
-Diễn văn chấn động của doanh nhân Việt (Trần Vinh Dự), xem: http://duyben.blogtiengviet.net/2015/01/10/di_n_v_n_ch_n_ng_c_a_doanh_nhan_vi_t
-Dostoievski - con ‘quỷ ám’ hạnh phúc nhất, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/11/483-dostoievski-con-quy-am-hanh-phuc.html
-Những cuốn phim ấn tượng trong đời tôi, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/10/270-nhung-cuon-phim-tuong-trong-oi-toi.html
-Những cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến đời tôi, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/10/258-nhung-cuon-sach-co-anh-huong-lon-en.html 
-Tổng thống Uruguay: xem thêm tại: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/cuoc-song-cua-tong-thong-ngheo-nhat-the-gioi-2400047.html

6 nhận xét:

  1. Em thì thường xem báo lề trái hơn hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da da, báo lề trái thì kg có, trang web lề trái thì khi mở ra có dòng 'trang web này hiện không có', híc.. híc...

      Xóa
  2. Em tem bạc . Lề trái hay quá . Chúc Anh vui nhìu nhìu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi ùi ui, Minh Tâm ở bên Mỹ à?
      Chiều ngọt ngào nhé.

      Xóa
  3. Người Hà Nội [Blog Tiếng Việt] 17.01.15@06:11
    1. Thủa nhỏ khoảng 11-12 tuổi tôi cũng ham Thủy Hử, nhưng không biết các trận đánh trên giường. Nay thấy bác LB kể hấp dẫn quá, có lẽ phải xem lại với góc nhìn khác. Bác LB cho tôi cái link tới Ôn Bích Hà trong vai Phan Kim Liên nhé.
    2. Nhờ có các trang Web mà đỡ tốn tiền mua sách báo. Khi đọc Web tôi không để ý nhiều tới lời bình của người viết, mà chủ yếu tìm thông tin, với tôi khái niệm "lề trái", "lề phải" không quan trọng. Thấy cái tên lạ "Chân Dung Quyền Lực". Google cho thấy khá nhiều người quan tâm tới cái blog này. Blog này đúng như mọi người nhận xét, đụng chạm mạnh tới nhiều vị cao cấp ở Việt Nam. Tôi thấy nó cũng giống như Đèn Cù của Trần Đĩnh, bôi đen tất cả, nhưng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bởi vì trên đời chẳng có ai không có tì vết, cho nên blog trên rõ ràng có lợi cho những ai ít bị bôi xấu. Đáng khen cao thủ lập blog "Chân Dung Quyền Lực" này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn, mình vừa viết xong đoạn cuối, kèm theo lời bình của bạn, thank nhiều.

      Xóa