Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

635. Thông điệp của Tổng thống Obama… không có gì ‘lạ’!

LTS: Thật ra, nghe nói có bài ‘Thông điệp liên bang’ của ông Obama hay lắm, nào là đánh giá 15 năm của Mỹ, nào là nói lên quan điểm ‘xử lý’ thế giới gì gì đó, tôi rất phấn khởi, vội về nhà tìm hiểu, té ra là… hơi thất vọng, vì không thấy có cái gì liên quan đến VN cả, híc.. híc…
--------- 

Trong các bài viết của tôi, thường, khi tôi dùng dấu !, dấu ‘   ’, hay dấu … (trước một từ nào đó), có nghĩa là không hẳn vậy, hoặc cần kiểm tra, hoặc nhấn mạnh, hoặc ý nói là câu chuyện dẫn đến một nội dung khác, chứ không như nghĩa đen của từ đang viết. Và lưu ý rằng các thông tin dưới đây có đầy trên mạng, tôi chỉ ghi nhận một số ý, các blogger có thể tự kiểm tra...
‘Thông điệp liên bang 2015’ của Tổng thống Obama (xem đường dẫn bên dưới), quả nhiên là ‘lạ’, rất lạ, tôi không khẳng định là không lạ, nhưng tôi lại nói ‘không có gì lạ’ - là vì sao, các bạn vui lòng xem tiếp dưới đây. Lưu ý rằng khi viết bài này, tôi không dùng ‘kính hiển vi’ để soi từng chữ hay từng câu trong bản ‘Thông điệp’ này (hay ‘Thông điệp liên bang’ của ông Putin, chẳng hạn), mà đọc thêm khoảng vài chục bài bình luận có liên quan, vì mục tiêu của tôi không phải là bình luận về nó, mà là nói đến cảm nhận cá nhân của tôi về một khía cạnh khác, còn nếu các blogger có quan tâm thì vào Google, gõ 4 chứ ‘Thông điệp liên bang’, rồi enter, bạn sẽ đọc được vài chục bài, hihi….

1. Điều ‘lạ’ nhất là bản ‘Thông điệp’ này...
Điều ‘lạ’ nhất là bản ‘Thông điệp’ này rất được nhân dân Mỹ ủng hộ:
-‘Theo kết quả điều tra của CNN/ORC, Thông điệp Liên bang lần này của Tổng thống Obama nhận được phản ứng tích cực từ người dân Mỹ. 51% người xem đánh giá tốt về bài phát biểu, tăng hơn so với mức 44% của năm 2014’,

đặc biệt là rất được giới blogger VN ngưỡng mộ và có cảm tình, bằng chứng là khi đọc vài chục bài bình luận trên mạng, tôi thấy các lời bình (bằng tiếng Việt bên dưới) toàn là ‘khen’ - hầu như không có lời ‘chê’, có nhiều blogger dùng từ ‘truyền lửa’ để chỉ mức độ lan tỏa của Thông điệp này đến với đại đa số người dân, dùng từ ‘ngài’ để tỏ ra sự trân trọng đặc biệt đối với ông Obama, thậm chí có blogger còn dùng từ là ‘tuyệt vời nhất’ (blog dangnguyetanh)... Ngoài ra, cũng có vài bình luận bên lề phải (!) dùng 2 chữ ‘dân túy’ hay ‘tự sướng’ (Nguyễn Công Bằng - danchimviet.info)… để nhận xét về bài phát biểu này.

Tôi cũng trích thêm dưới đây một đoạn để các bloger tham khảo thêm một vài số liệu:
-‘Bộ Lao động Mỹ gần đây công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã hạ xuống mức 5,6%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong khi, mức tăng số lượng việc làm năm 2014 là cao nhất kể từ năm 1999… Sự tự tin của Tổng thống Obama được cho là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và xu thế này được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2015. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay có thể đạt mức 3,1%, cao hơn mức 2,2% của hai năm trước đó.’ (nguồn: vnexpress.net)
…Nhìn sang một khía cạnh khác, tôi đánh giá cao ông Obama ở chỗ nào? Theo tôi, một lãnh tụ đứng trước dân phải nói thẳng, nói thật (cái cần nói), nói bằng trái tim, có lập trường - dám nói là ‘tôi nói rằng’, và bất chấp là giới ‘kiến trúc thượng tầng’ có đồng ý hay không, ông vẫn nói, vì điều ông nói là có lợi cho dân tộc Mỹ, hay ông tin rằng điều ông nói là đúng (chứ không nói ‘uốn éo quanh co vòng vo tam quốc’ như tôi thường thấy ai đó phát biểu, mà nghe xong, không biết ông ta theo bên nào, lập trường của ông ta ra làm sao, thái độ của ông ta đối với ‘các hành động sai trái của kẻ xấu’ như thế nào, và người dân chả biết là mình nên hiểu như thế nào và phải làm cái gì)… Vâng, ông Obama đã đáp ứng được điều đó: phát biểu có khí chất của một lãnh tụ, nói có định hướng rõ ràng và quyết tâm là dân tộc Mỹ phải làm như thế nào… Xin nói thêm là tôi cũng có ấn tượng với các bài phát biểu của Thủ tướng VN trong thời gian gần đây (‘Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được’ - NTD), với khái niệm ‘chiến tranh kinh tế’ thay vì ‘chiến tranh quân sự’ của ông Obama (‘Thay vì sa vào một cuộc chiến tranh trên bộ khác ở Trung Đông, chúng ta đang dẫn đầu một liên minh lớn, trong đó có các nước Arab, nhằm làm suy yếu và cuối cùng là xóa sổ nhóm khủng bố này… Chúng ta cũng đang hỗ trợ cho phe đối lập ôn hòa ở Syria để họ có thể giúp chúng ta trong nỗ lực này và giúp người dân ở khắp nơi có tư tưởng đứng lên phá bỏ chủ nghĩa cực đoan bạo lực’ - Obama)…, hay với trường hợp có một người Việt - cô Kathy Phạm - được mời ngồi chung với ‘Đệ nhất phu nhân của Mỹ là bà Michelle Obama, để nghe đọc ‘Thông điệp’ này…, tuy nhiên bài viết này không nhằm nói về các trường hợp trên.
*
Nhưng tại sao những phát biểu của ông Obama - theo cảm nhận của tôi - là không có gì lạ! Tại vì ông nói những điều lợi ích sát sườn với dân tộc Mỹ:
-Mỹ bình thường hóa với Cuba là có lợi cho dân tộc Mỹ, và để ngăn chặn bước tiến của anh Đại Hán (hay Đại Nga!) dần dần thâm nhập vào châu Mỹ!
-Kiên quyết với vấn đề ‘Nga’, thậm chí là ‘dìm hàng’ anh này, vì dù sao tôi cũng nghe được thông tin là anh chàng Nga không đơn giản như ta tưởng, vì vũ khí hạt nhân của họ, trong 10 năm đổ lại đây, do một tham vọng nào đó, không chỉa đi đâu, mà chỉa về phía bờ Tây!, do đó tôi hiểu là tại sao Mỹ và Nato lại phải tốn vô khối tiền để xây dựng ‘lá chắn tên lửa’ (‘Ngày 6-3, Cơ quan phụ trách Phòng thủ tên lửa (MDA) đã đề xuất phân bổ thêm 1,9 tỷ USD để phát triển “lá chắn tên lửa” quốc gia - soha.vn), té ra là để đề phòng nước Nga! (hay Bắc Triều Tiên!…)
-Kiên quyết với vấn đề IS, vì tập đoàn khủng bố IS là trực tiếp nhằm vào Mỹ hay Châu Âu (và một số nước ở châu Á), lý do là ‘ý thức hệ’ Hồi giáo đang dường như dần dần đối kháng với khái niệm ‘dân chủ’ của các nước phương Tây, và ngày càng rõ nét (tôi cũng chưa kịp nghiên cứu về vấn đề này)
-Mỹ kiên quyết với vấn đề chống ‘Tin tặc’, ví dụ như các cáo buộc đối với TQ mấy năm trước đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây với Bắc Triều Tiên, vì dù sao anh chàng này cũng luôn luôn xem Mỹ là thù địch, và ngược lại. Mới đây, nghe nói rằng Bắc Triều Tiên, sau cái vụ cuốn phim ‘Interview’ (phỏng vấn), đã ‘chơi’ chiến tranh mạng đối với Mỹ!, ngược lại Mỹ cũng trả đũa dữ dội, và ông Obama, trong một phát biểu mới đây, đã tiên đoán rằng chế độ kỳ dị Bắc Triều Tiên sẽ sớm bị sụp đổ, còn anh chàng Kim Yong Un lại phản đòn rằng ông Obama là một ‘con khỉ’…
-Mỹ ‘cảnh giác’ anh chàng TQ cũng vì Mỹ trước cái đã: ‘Các doanh nghiệp thế kỷ 21, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ, cần xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm của Mỹ ra nước ngoài. Sản lượng xuất khẩu của chúng ta đang ở mức cao hơn bao giờ hết, và các nhà xuất khẩu có xu hướng trả lương cao hơn. Nhưng lúc này đây, Trung Quốc lại muốn thay đổi luật lệ. Điều đó sẽ khiến lực lượng lao động và các doanh nghiệp của chúng ta rơi vào thế bất lợi. (Obama)…
*
Thực ra, bấy lâu nay Mỹ chủ yếu là tập trung vào vấn đề Trung Đông (chuyện VN trước đây, và Afganishtan năm 2001… sẽ nói sau) mà luôn được xem như là một ‘gót chân Achilles’ của Mỹ, như ta thường mở ti vi ra xem hay đọc báo thì thấy bao giờ cũng có chuyện xung đột giữa Mỹ (và đồng minh) với Trung Đông!, mức độ nặng hay nhẹ, có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Mỹ, như: chiến tranh Iran - Iraq (chiến tranh vùng Vịnh 1), (Mỹ) - Iraq (chiến tranh vùng Vịnh 2), chiến tranh Irael - Palestine, chiến tranh (Mỹ) - Syria (nguy cơ), chiến tranh Isael/Mỹ - Iran (đang là sự kiện nóng hổi)… Các cuộc chiến này có thể xuất phát từ vấn đề dầu hỏa (rộng hơn là chiến tranh năng lượng), có thể những cũ ‘hắt xì hơi’ của Trung Đông thường làm cho anh Mỹ giật mình mất ngủ, có thể mầm mống của Khủng bố Hồi giáo (IS) được sinh sôi nẩy nở từ nơi đây, và nhiều ‘có thể’ nữa…
Người ta ban đầu cũng không nghĩ rằng giữa Mỹ/Nato và Nga lại có xung đột, nhất là từ khi Nga trở thành một nước ‘tư bản’ từ năm 1991, tuy nhiên, dường như khủng hoảng giữa hai nước/hệ thống xảy ra vì vấn đề ‘vũ khí nguyên tử’ - khi mà Mỹ-Nato vẫn thấy một mối đe dọa thường trực khi mà Nga đang muốn tái hiện hình ảnh của một siêu sường trong quá khứ! (xem ‘hệ thống lá chắn hạt nhân’ ở trên), mà chuyện bán đảo K-rưm (Krym) chỉ là nguyên cớ!
Chuyện Cuba thì đã nói rồi, có thể ‘bình thường hóa’ quan hệ Mỹ-Cuba là một sáng kiến của ông Obama, nhưng có thể bên trong là để tránh việc Nga hay TQ mon men đến gần, mà có thể tạo thành một ‘gót chân Achilles 2’ bên hông nước Mỹ!, v..v...
Như vậy, ngoài vấn đề nội bộ, Mỹ đang tập trung 'nóng' vào vấn đề Trung Đông, Nga, Bắc Triều Tiên, IS, Cuba..., và như thế, chuyện Biển Đông, như có một nhà phân tích cho rằng,chỉ là một mối quan tâm ‘phụ’ của Mỹ!!!

2. Khái niệm 'thực dân mới' hiện nay và vòng siết vô hình tại Biển Đông
Xin mở rộng thêm tí. Khái niệm ‘Chủ nghĩa thực dân mới’ (new colonialism) thường được hiểu là bắt đầu có từ sau thế chiến thứ 2, với ý nghĩa là - một cách ích kỷ - ‘khống chế’ (= control) các nước thuộc địa hay các nước đàn em, khai thác tài nguyên và lao động rẻ mạt ở đấy, để đem về làm giàu cho chính quốc - như ta thường thấy ở các nước Anh, Pháp, Nhật, Mỹ…
Chủ nghĩa này, ngày nay dường như đã sắp ‘cuốn theo chiều gió’ để trở thành ‘Chủ nghĩa thực dân thời @’, trong đó các nước có tiềm năng sẽ bỏ vốn đầu tư ở các nước khác, để làm giàu cho những cá nhân/tập đoàn ở nước mình, trên cơ sở ‘cả hai bên cùng có lợi’, mà không dùng vũ lực như chiếm đóng/cử quân đội sang ‘đô hộ’ nước được đầu tư, tức là không có ‘đánh nhau’, mà nếu có thì đánh nhau về ‘kinh tế’..., cho nên, ngày nay khái niệm ‘xâm lược’ đã trở nên (vô cùng) lạc hậu với thời đại (và ‘bành trướng’ là một loại biến thái của khái niệm này), mà thay vào đó là đầu tư để ‘cùng có lợi’, chẳng hạn như VN có thể đem vốn sang đầu tư ở các nước khác (Lào, Campuchia, Nga, Mỹ, châu Âu, Nam Phi, thậm chí Cuba…) để đem lại lợi nhuận cho mình/nước mình và nước đối tác, và vì thế, quan điểm của Mỹ ngày nay cũng rất khác: ‘hơn thua tại thương trường, chứ không phải tại chiến trường’, và như thế anh Mỹ không được còn xem là ‘cực kỳ nguy hiểm’ theo nghĩa xa xưa nữa… Ngoài ra, khi đang tìm hiểu về vấn đề này, tôi gặp đoạn sau đây: ‘Sự cấm vận nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc đang áp đặt cho thế giới qua chiến lược thực dân của họ cuối cùng sẽ chẳng khác gì cái thòng lọng quấn quanh cổ các nền kinh tế khác của thế giới. Từ từ, qua thời gian, khi đế quốc thực dân của Trung Quốc trỗi dậy chiếm được quyền kiểm soát nhiều hơn hầu hết nguồn tài nguyên quí giá của Trái đất và khi lòng thèm muốn tham lam của họ tiếp tục phát triển khôn nguôi, cái thòng lọng đó sẽ siết thật chặt những cái cổ mềm của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và các nước khác...’ (nguồn: Mạnh Kim, danluan.org), tôi cho rằng hình như phát biểu này phù hợp với điều đang viết!
*
Trước nay, Tổng thống Obama đã đi công du nhiều nước, tôi không… rảnh để thống kê lại, mà chỉ nói chuyến đi thăm Ấn Độ (25-26/1/2015) vừa rồi của ông mà thôi. Từ màn hình (kênh VCT1), tôi thấy hình ảnh Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modira ra tận sân bay để tiếp ông Obama - một dấu hiệu cho thấy họ sẽ có một mối quan hệ mật thiết trên mức bình thường trong tương lai. Xem sơ qua màn hình, tôi cũng… đoán là ông Obama qua Ấn Độ là vì vấn đề ‘bán vũ khí quân sự’ (trong đó có việc bán công nghệ sản xuất máy bay không người lái Raven, các hệ thống trang bị cho máy bay vận tải C130, công nghệ tàu sân bay và động cơ phản lực), thật vậy, nay Mỹ đã trở thành nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất cho Ấn Độ (kể từ tháng 8/2014). Tôi cũng nghe là hai nước sẽ đạt mức kim ngạch thương mại song phương là 500 tỉ USD (vượt đèn đỏ so với mức 100 tỉ của Trung-Ấn mà ông Tập hứa hẹn trong chuyến thăm ngày 17/9/2014 vừa rồi)…
Theo tôi, trên thế giới hiện nay, có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước - không chỉ khổng lồ về mặt diện tích hay dân số (Trung Quốc - dân số 1,35 tỉ, và Ấn Độ - dân số 1,2 tỉ), mà còn có những tiềm năng quấy đảo cán cân thế giới, trong đó, Ấn Độ giống như một anh chàng đủ to con và đủ khỏe mạnh để ai đi ngang qua cũng phải chào: ‘Chúng tôi nhận thấy Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đảm bảo an ninh và hòa bình của thế giới’ (Obama). Tất nhiên là trong chuyến thăm vừa rồi, Mỹ - Ấn có bàn về vấn đề Pakistan, năng lượng hạt nhân (dân sự), chống khủng bố, biến đổi khí hậu toàn cầu…, nhưng họ xì xầm với nhau cái gì đó mới là quan trọng, à, tìm ra rồi: ‘Ông Shyam Saran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn quốc phòng Ấn Độ, nói: Cả Ấn Độ và Mỹ đều không muốn chứng kiến bức tranh an ninh châu Á nằm dưới sự chi phối của Trung Quốc. Quan hệ Ấn-Mỹ đã trở thành một mối quan hệ rất quan trọng đối với Ấn Độ… Wall Street Journal đánh giá, Ấn Độ đang thiếu tin tưởng sâu sắc vào Trung Quốc do giữa hai nước đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, New Delhi còn phản đối việc Trung Quốc dùng viện trợ để gây ảnh hưởng lên các nước láng giềng của Ấn Độ ở khu vực Nam Á, cũng như sự hiện diện hải quân gia tăng của Bắc Kinh trên Ấn Độ Dương.’ (vneconomy.vn)
*
Nói chung là bao quanh anh TQ có nhiều nước, trong đó, Tây Tạng đã bị TQ nuốt chửng vào năm 1951, Đài Loan là ‘đối thủ’ lâu đời của TQ, Mông Cổ đã và đang lâm vào một vị thế địa-chính trị rất nguy hiểm, Nga - do tự vệ mà đã từng bắt tay với TQ - nay đang gặp đại nạn và lo tự cứu mình, Ấn Độ liên tục có xích mích biên giới với TQ và nay đang nghiêng về phía Mỹ (xem trên), các nước thuộc vùng Biển Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei… đã mất lòng tin và trở nên rất ‘cảnh giác’ với TQ, đặc biệt là sau vụ giàn khoan 981, lòng dân Việt đối với TQ tuyệt nhiên không còn nữa…
Nếu minh họa sự mất ‘lòng tin’ của các nước trên đối với TQ thì phải hết… một cuốn sách, mà đây chỉ là một bài viết ngắn, nên tôi chỉ tình cờ nhặt và đưa vào đây một đoạn tham khảo thôi:
-Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc cảm thấy bị bao vây. Phía Đông của Trung Quốc đang tồn tại khối đồng minh chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn khá vững chắc. Khối liên minh này không ngừng được củng cố, nhất là sau sự kiện “tàu Cheonan” (3/2010). Đài Loan vẫn còn là hòn đảo chia cắt, được Mỹ, Nhật bảo trợ về mặt an ninh-quốc phòng… Ấn Độ đang trỗi dậy, cố gắng vươn lên thành cường quốc biển, và Mỹ đang tìm cách cải thiện, mở rộng quan hệ với hai nước Nam Á này… (Nay) xuất phát từ lợi ích chiến lược và cách tiếp cận truyền thống về tự do hàng hải, Mỹ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội gia tăng tranh chấp biển Đông để củng cố ảnh hưởng của họ tại khu vực này trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. (Mỹ) nhất là từ năm 2010 trở nên “can dự tích cực”, công khai chỉ trích những hành động cứng rắn của Trung Quốc ở biển Đông, và coi vùng biển này nằm trong “lợi ích quốc gia” của họ. Hơn nữa, Mỹ đã cùng nhiều nước trong khu vực cương quyết quốc tế hóa vấn đề biển Đông, đưa chúng vào chương trình nghị sự của các hội nghị bàn về an ninh và hợp tác khu vực, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc… Có thể nói, việc Mỹ “can dự tích cực” vào biển Đông nằm trong chiến lược “trở lại châu Á” của họ. Các bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton, của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và đặc biệt là của Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du lịch sử đến châu Á và Australia hồi tháng 11/2011 đã liên tục khẳng định rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất trong thập niên tới của Mỹ là tăng cường đầu tư bền vững về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và những vấn đề khác tại châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một quyết sách được Mỹ xem xét một cách kỹ càng và có tính chiến lược...’ (nguồn: biendong.net)
Bởi vậy, tôi mới dùng cụm từ ‘vòng siết vô hình tại Biển Đông’, siết ai?, các bạn đọc sẽ tự trả lời!


3. ‘Thị trấn Banshee’ - cuộc đời và con người
Khi viết bài này, tôi đang xem phim ‘Thị trấn Banshee’ (phim Mỹ, đang chiếu trên truyền hình cáp VN, đường dẫn bên dưới), tôi có nhớ lại một đoạn phim sau đây:
Trên cánh đồng có những nữ tu mặc áo đầm màu đen và các ông mặc áo dài cũng màu đen giống như cha cố… Có một cậu bé - bị bắt cóc - là cháu của cha nhà thờ… Sau một thời gian khá dài, viên Cảnh sát trưởng (sheriff) đã tốn rất nhiều lần, rất nhiều công sức và xương máu, khi tìm lại được cậu bé, cha nhà thờ đến nhận, viên cảnh sát trưởng nói:
-Ông cứ ngồi trong nhà thờ, cầu cho đấng toàn năng cứu cháu ông, thậm chí ông nghĩ là nó đã chết rồi, và cầu nguyện cho linh hồn nó được lên thiên đường yên nghỉ với thượng đế…, còn chúng tôi đã vất vả ngày đêm mới cứu sống được cháu ông và đem nó về, tôi giao nó cho ông nè.
Cha nhà thờ nói:
-Cám ơn thượng đế đã đem cháu tôi về (!)
Xem đến đây, tôi cười ngất…, rồi tôi có kể đoạn đối thoại này lại cho con tôi nghe, nó cũng cười ngất…
Tôi lại thấy viên Cảnh sát trưởng, bạn, và người tình của anh ấy, có nói lần lượt (đại ý) như sau:
-Mỗi lần tôi mơ ước được cái gì, thì lập tức tai họa lại đổ xuống, chặn cái ước mơ của tôi lại…
-Cuộc đời của mỗi chúng ta, đã tự tạo nên một nhà tù nhốt chúng ta - do quá khứ…
-Như vậy thì chúng ta phải chấp nhận cái nhà tù đó, và làm cho nó tốt đẹp hơn…
Và để kết luận cho… khách quan, tôi xin trích lời bình sau đây:
-Cái gì phải nói hàng năm thì rất thường lặp lại, nhưng thông điệp của tổng thống Mỹ đã gây sự chú ý cho cả thế giới là điều không dễ. Mỗi một chút mới là một sự khác biệt lớn.
Có một điều NT thắc mắc là tại sao con người ta thường trông đợi hòa bình, tình yêu thương con người với con người và lòng chân thật... nhưng trên báo chí, nhất là báo mạng hiện nay hình như người ta đang cổ vũ cho chiến tranh, sự đối đầu và lòng thù hận. Hóa ra con người ta cũng thật khó hiểu anh nhỉ! (Nguyễn Thu, blogspot)
…Rồi nhân tiện, cách đây 2-3 ngày, có đại đức gì đó (Thích Chân Quang!) thuyết trình về Phật pháp trước 10.000 người tại Vũng Tàu, tôi lại nhận định:
-Nếu 7 tỉ người này thành phật (hay thánh) thì cũng vẫn cứ đánh nhau, vì riêng trong đạo Phật thôi, cũng có vô số loại đạo Phật…
Rồi hôm qua, bên dòng sông, một phụ nữ nói với tôi là:
-Ông Obama lo làm chuyện của ổng, nước Mỹ có điên gì mà đi cứu nước ta, ta cứ suốt ngày ‘lên lớp’ đòi dạy người ta lãnh đạo thế giới, lãnh đạo đất nước như thế này, như thế nọ, rồi làm cho nước ta yếu đi, rồi chờ… họ đến cứu, đúng là…
Đến đây, tôi dắt xe ra về, và trời lại... tối.

(HẾT)
---------
Ghi chú:
-Chiến tranh Iran - Iraq (chiến tranh vùng Vịnh 1, 1980-1988), chủ yếu là do 2 phe, ủng hộ Iraq có Mỹ, Singapore, Italia, Anh và Pháp, ủng hộ Iran có Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, tuy nhiên chữ ‘ủng hộ’ này khác phức tạp, vì có lúc Hoa Kỳ và Liên Xô ủng hộ cho cả 2 bên (cung cấp vũ khí)… (wikipedia)
-Chiến tranh (Mỹ) - Afganishtan: Ngày 7/10/2001, … Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu oanh kích ban ngày từ trên không, chống lại các cơ sở quân sự và các doanh trại huấn luyện quân khủng bố Afganishtan. Năm tuần sau, với không quân Hoa Kỳ giúp đỡ, Liên minh phương Bắc xoay xở bằng tốc độ ngoạn mục, lấy lại các thành phố nòng cốt Mazar-i-Sharif  và thủ đô Kabul. Ngày 7 tháng 12, chế độ Taliban sụp đổ hoàn toàn… (wikipedia)
-Chủ nghĩa thực dân mới: Thuật ngữ Chủ nghĩa thực dân mới lần đầu tiên được nêu ra bởi Kofi Ankomah, tổng thống đầu tiên của nước Ghana độc lập, và đã được thảo luận bởi một số học giả và các triết gia thế kỷ 20, trong đó có J.P. Sartre và Noam Chomsky. Thuật ngữ này được sử dụng bởi các nhà bình luận để chỉ trích việc các nước phát triển can thiệp vào tình hình nội bộ các nước đang phát triển. Khuôn khổ lý thuyết của Chủ nghĩa thực dân mới cho rằng: các thỏa thuận về kinh tế trong hiện tại hoặc quá khứ tạo ra bởi các nước cựu thực dân đã và đang được sử dụng để tiếp tục duy trì sự kiểm soát của họ với các thuộc địa cũ và các phụ thuộc mình, sau khi phong trào độc lập của các nước thuộc địa bùng nổ sau chiesn tranh thế giới thứ 2. (wikipedia)
-Dân túy: Từ điển Cambridge định nghĩa chủ nghĩa dân túy là "những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường". (wikipedia)
-Phim ‘Thị trấn Banshee’, xem: http://phim3s.net/phim-bo/thi-tran-banshee_7860/xem-phim/209758/
-‘Thông điệp liên bang 2015’ của Tổng thống Obama: đọc vào sáng ngày 21/1/2015, giờ VN, trước lưỡng viện Quốc hội, xem: http://dangnguyetanh1941.blogspot.com/2015/01/thong-iep-lien-bang-tuyet-voi-nhat-cua.html 
-Thông điệp từ chuyến thăm Ấn Độ của Obama, xem: http://vneconomy.vn/the-gioi/thong-diep-tu-chuyen-tham-an-do-cua-obama-20150127111544924.htm
-Tranh chấp Biển Đông nhìn từ góc độ chính trị, xem: http://www.biendong.net/tu-lieu/nghien-cuu-viet-nam/746-tranh-chp-bin-ong-nhin-t-goc-chinh-tr.html

7 nhận xét:

  1. LB nêu vấn đề này MTV chỉ biết đọc thôi ạ... Chúc anh đêm ngon giấc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cám ơn chiết gia của LB, bài sau sẽ đăng thơ, chiều ngọt ngào.

      Xóa
  2. Cái gì phải nói hàng năm thì rất thường lặp lại, nhưng thông điệp của tổng thống Mỹ đã gây sự chú ý cho cả thế giới là điều không dễ. Mỗi một chút mới là một sự khác biệt lớn.
    Có một điều NT thắc mắc là tại sao con người ta thường trông đợi hòa bình, tình yêu thương con người với con người và lòng chân thật... nhưng trên báo chí, nhất là báo mạng hiện nay hình như người ta đang cổ vũ cho chiến tranh, sự đối đầu và lòng thù hận. Hóa ra con người ta cũng thật khó hiểu anh nhỉ.
    Bài viết của anh thật hay. Chúc anh có một sáng cafe ngon lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, lời bình của bạn rất phủ hợp, mình đưa vào cuối bài viết nhé,
      thanks, ngày mới tốt lành..

      Xóa
  3. Hư vô sợ nắng giữa chiều
    Khói buồn vất vưởng, hồn liu xiu sầu
    Nắng hờn bên cổng qua mau
    Bước chân xơ xác tìm màu áo ai!

    Trả lờiXóa
  4. Bài phân tích anh thật sâu sắc , em tán thành cao!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn PH hiểu ý mình lắm, không biết bạn thích câu nào trong đoạn cuối?, hình như là các câu:

      Tôi lại thấy viên Cảnh sát trưởng, bạn, và người tình của anh ấy, có nói lần lượt (đại ý) như sau:
      -Mỗi lần tôi mơ ước được cái gì, thì lập tức tai họa lại đổ xuống, chặn cái ước mơ của tôi lại…
      -Cuộc đời của mỗi chúng ta, đã tự tạo nên một nhà tù nhốt chúng ta - do quá khứ…
      -Như vậy thì chúng ta phải chấp nhận cái nhà tù đó, và làm cho nó tốt đẹp hơn…

      Xóa