Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

753. Tôi đã gặp ‘chị Phụng’!


Có một con hạc giấy
Tôi mang mãi theo người
Nàng nay xa xôi mắt
Chú hạc, im, ngậm ngùi
*
Sớm mai, nắng thăm vườn
Đường thênh, ta dạo bước
Nắng rừng sau lưng rượt
Gió lồng, ướt mi sương
---------

Tôi đã xem phim ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’, và tối nay (24/10), tôi đã gặp… ‘chị Phụng’, theo một nghĩa nào đó. Tôi đã gặp… chị như thế nào?
(Lưu ý rằng ‘chị Phụng’ đã chết vào khoảng tháng 5/2011, còn ở đây là tôi kết nối hình ảnh của ‘chị Phụng tối nay’ với ‘chị Phụng trong phim’ nói trên)
1
Mấy ngày nay ở Phố Núi, cứ mỗi chiều tối, tôi lại nghe tiếng nhạc inh ỏi ‘chách chình chình, chình chách chình chình…’ được khuyếch đại qua một hệ thống loa với cường độ (rất) mạnh, rồi sau 7g tối là những bài hát vang rền cứ lần lượt xuôi theo chiều gió mà bay ào ào vào tai tôi… Dòm qua bên kia đường, qua những gian nhà nhỏ bao quanh một cái rạp hát mới dựng, tôi thấy có những chùm dây dài treo từ đỉnh của một cái trụ rồi tỏa ra tứ phía, chúng được gắn với rất nhiều lá cờ nhỏ màu sặc sỡ bay phất phới theo gió chiều: ‘chắc có một cái đại nhạc hội nào đó!’, tôi nghĩ thầm.
…Đang lúi húi với một khối lượng vật tư (lớn) đang được rầm rập tải vào nhà, bỗng tôi nghe tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng văng vẳng bên tai (mặc dù không rành âm nhạc lắm, nhưng giọng hát của Đàm có nét rất riêng, nên khá dễ nhận biết). ‘Ủa, nếu Đàm Vĩnh Hưng có đến, thì mình cũng nên ra xem một tí, để sau này… chém gió chơi’, nghĩ vậy, nên tôi mới mở cổng bước sang hỏi cô hàng xóm, cô ta nói: ‘Đâu có, Đàm Vĩnh Hưng đời nào mà đến đây hát!’. Một phụ nữ đứng gần đó lại bảo nhỏ vào tai tôi: ‘trong đó có em trai của cô chủ quán đấy, đã bỏ nhà đi mười mấy năm nay rồi!’. Rồi, ‘có thu tiền không?, ‘không, chỉ tổ chức chơi trò chơi cho trẻ con để kiếm tiền thôi, ít lắm, mà phải xin phép chính quyền địa phương nữa đó…’, ‘ừ, tôi biết, tội nghiệp họ lắm, chỉ đủ kiếm sống, bữa đói bữa no, chưa nói đến chuyện bị ‘bề hội đồng’ (bị dân địa phương đánh/quậy phá), bị trộm viếng, cháy nhà, bệnh Sida…’ - đó là lời trao đổi giữa tôi và cô chủ quán.
Rõ ràng là Mr. Đàm đang hát!, nhưng việc này cũng chưa đủ tạo nên động lực để tôi phải cất công bước sang thăm cái ‘đại nhạc hội’ kia… Cô chủ quán lại khẳng định:
-Đó là Chương trình ca nhạc lưu diễn của một nhóm bê-đê (!)

(À, nhân tiện đây, xin nói chút xíu… Theo tôi biết thì từ ‘bê-đê’ hay ‘lại đực’ dùng để chỉ đàn ông và ‘lại cái’ dùng để chỉ đàn bà - những kẻ có bộ phận sinh dục ‘không bình thường’. Còn ‘đồng tính’ là để chỉ những người đồng tính luyến ái, nhưng về thể xác thì bình thường, nam thì gọi là ‘bóng’, nữ thì gọi là ‘ô-môi’ (!). Có lẽ ở đây người dân đã gọi nhầm! Ngoài ra, trong wikipedia nói ‘chị Phụng’ là người chuyển đổi giới tính, nhưng thiết nghĩ là không phải, vì tôi biết là để làm vậy thì chỉ bên Bangkok thôi cũng đã là rất đắt (trên 600 triệu đồng!), mà ‘chị Phụng’ nghèo khổ lắm, không thể nào mà có một số tiền khổng lồ như vậy!).
Thầm nghĩ: ‘À, đây đúng là dạng của ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’, vâng, động lực đã đến!, và tôi đã bỏ bữa ăn tối để sang thăm… ‘chị Phụng’.
*
Một cách khá quyết đoán và khá nhanh chóng, khi đang mặc một chiếc quần thể thao và một cái áo sơ-mi khá cũ và dơ (vì đang bốc vật tư), với gói thuốc lá sẵn có trong túi quần, tôi đi bộ băng qua đường… Ôi, không ngờ!, trước cổng rạp là gần một chục anh mặc đồ lính, trông giữ gần trăm chiếc máy, tôi đoán những người nay là mấy anh bên phường đội. Với mồm ngậm điếu thuốc, thỉnh thoảng chấp tay sau lưng, tôi chầm chậm tiến vào trong…
Nói chung là cảnh bên trong sân bãi ở đây giống như trong phim ‘Chị Phụng’, chỉ khác tí là hầu như không có xe máy đậu ngổn ngang. Nó nằm trong một bãi đất trống của phường, chiếm một diện tích khá rộng, khoảng 2000m2… Và đúng như bà chủ quán nói, bên trong đa phần là các trò chơi cho trẻ con, như ‘đánh cờ tướng’, ‘bầu cua tôm cá’ (nhưng có đến 10 ô), ‘ném banh vô rổ’, ‘bắn súng’ (súng trò chơi), ‘phóng phi tiêu’ (bằng lông gà), ‘câu cá’ (lưỡi câu có nam châm), ‘đi xe lửa’ (trên một cái vòng xoay nhỏ), ‘đu quay’, ‘nghịch trong lâu đài Aladin’!..., rải rác có bán thức ăn (do người địa phương mang đến!), đặc biệt là trò chơi ‘lô-tô’ được tiến hành từ đầu buổi cho đến cuối buổi diễn (vì lúc đó mới có kết quả trúng giải)… Và hầu như các trò chơi đó đều có giá là 10.000đ/vé (hay lần chơi). Đoàn có khoảng 15 người, gồm các diễn viên và người đứng phụ trách các trò chơi (là ‘pê-đê’, nhưng trông họ cũng như người bình thường), ngoài ra còn có một số phụ nữ, có một người lùn (khoảng 1,1m), và một bà già…
Một ‘chị pê-đê’ mặc váy đứng gần chỗ tôi…; nghe vài bài hát quen quen nhưng không nhớ tên, hỏi vài người nhưng chẳng ai biết, tôi bèn hỏi chị, nào ngờ chị lại di chuyển đi chỗ khác, lại di chuyển, rồi lại di chuyển, tôi không hỏi được, chắc là chị sợ tôi hay sao ấy (cười)… Một ‘chị’ khác lại chìa ra một rổ banh nhựa, nhưng tôi vẫy tay nhẹ từ chối: tôi đến đây để… về viết bài chứ không phải để tham gia trò chơi.
2
Và tôi đã gặp lại ‘chị Phụng’ bằng xương bằng thịt - khi Chương trình văn nghệ bắt đầu…
…Nhớ lại… Một buổi tối thứ 7 nọ, vào ngày 27/12/2014 (tại rạp Idecaf, đường Lê Thánh Tôn, SG), tôi có đi xem phim ‘Chị Phụng…’ với một… nàng mèo nào đó, khi về, tôi có ghi lại mấy dòng cảm nhận như sau: Tối nay, do ‘cơ duyên’ mà tôi được xem phim ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’ - một cuốn phim làm ‘cháy vé’ và chấn động nhất sau 75!, trong đó, tôi rất cảm động và ấn tượng với cuộc đời rất rất ‘thật’ như Cái Bang của các tầng lớp đồng bóng, làm thuê/có thu nhập thấp, thất nghiệp, vô gia cư, bị gia đình (hay xã hội) ruồng bỏ, bị loại ra khỏi cuộc chơi bình đẳng của xã hội…, tầng lớp này chiếm đa số trong xã hội - mà phải tự kiếm sống, và có lúc tôi gọi đó là một ‘thế lực vô hình’ mà quyết định sự thay đổi (lên hay xuống) của xã hội trong một thời gian dài; tôi nhận xét: ‘chúng ta đã biết được sự thật, sự thật là chân lý, nhưng chân lý không luôn là sự thật’ (vì chân lý do con người mô tả)… Tôi còn có ấn tượng với hình ảnh của con chó đen mà mặc cho bao nhiêu biến động thăng trầm của con người với những cặp mắt... đục ngầu vì ma chướng, nó vẫn sinh ra được 5 chú chó con với những cặp mắt ngây thơ đang tiếp cận thế giới: sự sống vẫn mạnh hơn cái chết. (NGLB)
Trailer: https://www.youtube.com/watch?v=jKC6Lp-DXZc
*
Dưới ánh đèn sân khấu, chị xuất hiện trong một cái váy dài có xẻ hai tà kéo dài tới… nách, lộ ra đôi cẳng dài trông… khá đã! Với một khuôn mặt hình trái soan, da trắng nõn, nửa ngực trên trắng nõn, chị trông khá đẹp! Trong cái váy dài, chị có các đường cong rất… nữ tính - mà nếu không nghe chị ‘nói tiếng đàn ông’ thì đến chính tôi cũng nhầm! (cười)… Và bên cạnh chị cũng có một… ‘chị’ mẩy hơn: foọc ngon, eo thon, ‘vú to mông nở’ (*), nhưng lại hát giọng… đàn ông, híc..híc…
Tôi đang suy tư gần một gian hàng... Bỗng từ trong phòng riêng bước ra, chị Phụng đã thay một cái váy mới, trông cái… mông cũng rất cong!, tại vì đang bận suy nghĩ chứ nếu không thì tôi đã… nhìn thấy hết! (cười). Tôi mới nhìn vào phòng riêng của chị. Té ra đó là mấy tấm ván (!) được kê nằm ngang trong một cái phòng mỏng lét, với chiều ngang chưa đến 1m, trong đó có một cái gương soi to, áo quần và rất nhiều son, phấn…
*
Tôi biết rằng nơi đây là một hình thái sinh hoạt cộng đồng, mặc dù không thường xuyên, nhưng rất đặc trưng của xã hội Việt, so với các hình thái sinh hoạt khác, nên…
Tôi chủ ý lắng nghe họ hát những gì, và người dân thích nghe những gì? Té ra là họ hát các bài hát… ‘bán sến’ (không hẳn sến, thường là nhạc trước 1975), mà nói lên những cuộc đời ‘đắng cay gian khổ’, đại khái là vậy, như:
-Không... Không... Tôi không còn tôi không còn yêu anh nữa/Không... Không... Tôi không còn tôi không còn yêu anh nữa/Không... Không... Tôi không còn tôi không còn yêu anh nữa, anh ơi/Tình đời thay trắng đổi đen/Tình đời còn lắm bon chen/Tình đời còn lắm đam mê... nên tình còn lắm ê chề/Tình mình có nghĩa gì đâu/Tình mình đã lắm thương đau/Tình mình gian dối cho nhau/Thôi đành hẹn lại kiếp sau... (Không, Nguyễn Ánh 9)
-Uống rượu mà không say nào hay/Uống rượu mà không say nào mê/Xin mời anh nâng ly cùng tôi/Nào ta cùng uống/Ta tìm mê bên ly rượu cay, ánh nồng rượu tan quay cuồng say/Tâm hồn ta bay theo trời mây/Uống vui đêm này/Uống cho no nê trong tâm hồn ta/Say cho quên đi sầu đau nhân thế/Ai biết, lúc đã say thật say, rượu nào cay bằng men ái tình/Nên đôi môi cứ uống/Rượu với tình, rượu so với tình rượu hơn/Ly rượu nào vơi trong chiều nay, má hồng nào phai trong vòng tay/Ân tình chưa vui đã vội bay, người yêu nào thấy/Ta tìm về bên ly rượu cay, đất trời còn quay, ta còn say/Má hồng dù phai trong vòng tay, uống thêm yêu đợi (Say, Y Vân)
-Hạnh phúc trong tầm với đã không còn tới/Khi vắng em trong đời/Tìm đến chân trời mới vẫn thương một thời/Giờ đã xa ngàn khơi/Ngày đó ta lầm lỡ bỏ mặc nhau hững hờ/Để tiếng yêu rạn vỡ rồi thời gian xóa mờ/Mãi vô tình đến bây giờ/Nhận ra hai đứa không còn nhau/Cuộc sống luôn vội vã với bao nghiệt ngã/Xô cuốn ta miệt mài/Một bước chân trượt ngã đã trôi thật dài/Lạc mất nhau ngày mai... (Để nhớ một thời ta yêu nhau, Thái Thịnh), v..v…
Nhân tiện nói thêm, hát ‘lô-tô’ (*) là một loại hình văn nghệ khá phổ biến ở miền Trung và miền Nam, nhất là vào các dịp Tết hay lễ hội, mà tôi đã được xem từ nhỏ (nay nhớ không rõ lắm), đại khái là có vài chục người mua vé, mà trên mỗi vé có nhiều con số  lộn xộn (20 số chẳng hạn, trong số 1-100), MC sẽ vừa hát vừa thay đổi lần lượt từng bài hát ‘lô-tô dân gian’, và mỗi lần xướng lên một con số, người trúng sẽ lấy bút gạch con số trúng đó, cuối cùng ai gạch hết các con số ‘trúng’ trong vé của mình, sẽ là người chiến thắng. Sau này, tôi có sưu tầm được một bài lô-tô sau đây:
-Lẳng lặng mà nghe tôi hô con cờ ra, cờ ra con mấy, con số gì đây... Thương em mái tóc sùi Côn. Ghét em quăng cục bồn bon trên đầu. Thương em mặc áo nhạt màu. Mặc quần ống kính mang đôi giày đít cô. Số 1 rô, số 1 rô là (con số 1). Đi một vòng, đi cho thật là nhanh. Ta bước đi cho đều 1 2 3 4. 4 3 í a 2 1 (con số 1). Anh em ta về cùng nhau ta sum họp nè, 1,2,3,4,5, anh em ta về cùng nhau ta sum họp nè 5,4,3,2,1 (con số 1). Cắt cùm cum, cắt cùm cum, cắt cum, cắt cùm cum. Chén dĩa ly, chén dĩa ly, chén ly, chén dĩa ly. Trán cằm tai, trán cằm tai, trán tai, trán cằm tai (con số 2)’…
Và cũng ở đây, tôi thấy rằng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Thanh Tùng, Trương Quý Hải, Lưu Thiên Hương… có thể bị thất nghiệp (cười), vì hình như nhạc của họ là loại ‘quý tộc’ đối với cộng đồng!
*
Tôi chủ ý xem thứ cái gì của nền văn hóa Việt hay thế giới thâm nhập vào đây!
Ấn tượng nhất là tôi thấy một tòa lâu đài (kết nối bằng nhiều khối làm bằng ni-lông dày, rồi bơm hơi vào trong, trẻ con leo lên đó mà nghịch thoải mái), mà tôi nghĩ đó là ‘tòa lâu đài của Aladin’ (trong truyện ‘Aladin và cây Đèn Thần’), mà dù đúng hay không thì nó cũng gợi lên cho người xem về một nền văn minh Hồi giáo hay Ấn Độ giáo.
Tôi đi tà tà quanh rạp và cố tìm các ấn tượng khác... Đây rồi!, chỗ bán đồ chơi trẻ em. Nổi bật lên là món đồ chơi ‘Batman’ (Người Dơi), tôi không ngờ là hình tượng Batman ở bên Mỹ lại ‘dọt’ xuống một vùng quê có thể nói là xa xôi hẻo lánh này ở VN như vậy!... Tôi cũng có nghĩ là ta xây dựng đầy ‘tượng đài anh hùng’ hay đặt đầy tên đường với ‘tên của các vị anh hùng’, nhưng có lẽ người anh hùng mà thâm nhập vào cái hạ tầng cộng đồng ở ta lại là một người khác!
Tôi cũng liên tưởng đến các quán cà phê sang trọng ở đường Hai Bà Trưng, đường Hàm Nghi, đường Nguyễn Văn Cừ, Chợ Bến Thành, khu Phú Mỹ Hưng (Sài Gòn)…, ngay cả ở khu Resort Bà Nà (Đà Nẵng), thấy toàn là những Beethoven, Mozart, Leonard da Vinci, Banzac, Napoleon, Marilyn Monroe, thậm chí là Zidane, Messi, Cristiano Ronaldo…, không có ai ‘nổi tiếng thế giới’ là người Việt hay người Tàu cả! Và tức thật, Napoleon biết cái quái gì về thưởng thức cà phê (cười), thế mà ở đâu có cà phê (Trung Nguyên) thì cũng có hình và câu phát biểu cảm tưởng của ông ta!

***
Ra về, tôi cố tìm xem tử chiếc xe tải của họ đậu ở đâu! Ô kìa, kia rồi, bên cạnh một ‘quán cà phê vườn điều’ là một chiếc xe tải 8 tấn - có kích thước 7,95 x 2,35 x 2,5m (có thể nhỏ hơn, loại 6 hay 7 tấn), tức là trong một ‘căn phòng’ với diện tích 17m2, là cả thế giới lưu vong của những người ‘đồng tính’.
…Tôi nghĩ, truyện ‘Chí Phèo’, ‘Người chăn kiến’ (*), hay phim ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’… là các cuốn truyện/phim lừng danh, phản ánh tốt thực tế/các mặt trái của xã hội.
Phim này đã làm tôi cảm động, ngưỡng mộ, và hiểu tại sao mà các phát biểu của ‘chị Phụng’ lại được lọt tận vào tai của nhiều người tại Liên Hoan Điện ảnh Hiện thực tại Paris, Liên Hoan Điện ảnh Margret Mead tại New York và Liên Hoan Điện ảnh Chopshots tại Indonesia…: tôi thấy các phát biểu (được thu âm trực tiếp) của chị không hẳn là trí tuệ, nhưng rất bình dân, thông tục, thực tế, tình cảm, và có khá nhiều triết lý sống - của một con người đã từng trải qua nhiều ‘trường đại học bôn ba’ - bất chấp cái được gọi là ‘trí thức’.
Nhớ lại sáng nay, tôi có đến dự một buổi lễ tổng kết 25 năm của một ‘Viện giống và cây trồng’, đại khái là như vậy, với sự tham gia của nhiều trí thức: tiến sĩ/phó tiến sĩ, kỹ sư, thầy giáo, cử nhân, bác sĩ, chính trị gia địa phương... Nhưng, tối nay, quan sát trong đám đông, ngoài các phụ huynh, các cặp nam thanh nữ tú, cán bộ, bộ đội/công an (đi chơi), tôi còn thấy có Việt kiều!, mà tự ngẫm, tôi biết rằng mình lại rơi vào một nơi mà việc khẳng định ‘trí thức’ hay ‘không trí thức’ là vô nghĩa!, và tôi biết rằng không nên quá tuyệt đối hóa khái niệm ‘trí thức’, vì ai và thế nào là ‘trí thức’ trong các sinh hoạt xã hội thường ngày ở cấp cộng đồng?, và vì ở đâu cũng ẩn tàng cái ‘trí’ cả!
Tôi cũng biết rằng dường như khái niệm ‘tuệ’ rất khó mà đặt vào các chỗ ‘nghiên cứu’ hay tại những nơi tương đương với cái ‘rạp lưu diễn’ này, vì ‘tuệ’ là thứ rất hiếm và rất khó tìm trong cõi đời này: dù có ‘đốt đuốc giữa ban ngày' cũng không thấy!, như triết gia Diogenes (*) đã từng làm!
Phải chăng những ai có cái ‘tâm xấu’ thì có thể là kẻ có ‘trí’ nhiều hay ít, nhưng chỉ những ai có ‘tâm thiện’ thì mới được gọi là kẻ có ‘tuệ!’.
Tôi không hề có ý xếp các ‘chị Phụng’ là loại ‘trí’ hay ‘tuệ’, nhưng chắc chắn là tôi đã gặp một ‘chị Phụng’ bằng xương bằng thịt.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. -Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (The Last Journey of Madam Phung)… kể về hành trình của một đoàn hát gồm đa phần là những người chuyển giới tại khu vực Nam Trung Bộ và trưởng đoàn Bích Phụng, một người chuyển giới nam sang nữ ở độ tuổi trung niên. Lấy cảm hứng từ những lần đến gánh hát hội chợ lúc còn nhỏ, phim này được Nguyễn Thị Thắm chính thức ghi hình vào năm 2009, với tổng cộng 13 tháng ghi hình với hơn 70 giờ phim thô (người sản xuất chính của phim - phần hậu kỳ - là Sylvie Blum)… Phim gây tiếng vang lớn với khán giả trong và ngoài nước, …khi đề cao nội dung, phong cách tài liệu mới mẻ và kỹ thuật quay của Nguyễn Thị Thắm. Phim từng được chọn giới thiệu tại Liên Hoan Điện ảnh Hiện thực Paris, Liên Hoan Điện ảnh Margret Mead tại New York và Liên Hoan Điện ảnh Chopshots tại Indonesia. (wikipedia)
  2. -Hát lô-tô: xem thêm ‘Ăn Tết ở Việt Nam’, http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/311-chuc-mung-nam-moi-tet-thoi-xua-va.html
  3. -‘Người chăn kiến’: là 2 truyện ngắn cùng tên của Bùi Ngọc Tấn (‘Người chăn kiến’, viết ngày 23/6/1993) hay Nguyễn Hoàng Đức (‘Những người chăn kiến’, viết ngày 13/3/1992); nội dung là những người vào tù đã bị một tay đại ca ép làm tên ‘chăn kiến’ - với con kiến ở trong một cái vòng tròn (luân hồi), đồng thời ‘nghề này cũng là một ‘lối thoát’ cho những người tù không có sự cảm thông từ ‘cán bộ’…; đang có một ít tranh luận trên mạng, nói chung, vì hai truyện này khá trùng về bộ khung xây dựng cốt truyện, ít nhiều cùng nội dung, nhưng tư tưởng được lồng ghép bên trong thì khác, và phong cách viết thì rất khác (NGLB). Xem: https://www.facebook.com/notes/leonvu-quant/về-truyện-ngắn-người-chăn-kiến-của-nhà-văn-bùi-ngọc-tấn/564014060433113
  4. -Người Dơi (Batman) là một nhân vật hư cấu, một siêu anh hùng truyện tranh... Danh tính bí mật của Người dơi là Bruce Wayne, một triệu phú người Mỹ hay ăn chơi, một nhà công nghiệp và nhà từ thiện. Chứng kiến cái chết của cha mẹ khi còn là một đứa trẻ, anh thề sẽ trả thù tội phạm và theo đuổi ý tưởng về công lý. Wayne đào tạo bản thân cả về thể chất và trí tuệ và đeo trang phục chủ đề dơi để chống tội phạm… Trong tháng 5/2011, Batman đứng thứ 2 trong "Top 100 Anh hùng truyện tranh của mọi thời đại" bởi IGN, tạp chí Empire cũng được liệt kê Batman đứng thứ 2 trong "Top 50 nhân vật truyện tranh của mọi thời đại", sau Superman. (wikipedia)
  5. -Triết gia Diogenes: còn được gọi là Diogenes thành Sinope, là một nhà triết học Hy Lạp và là một trong những người sáng lập nên trường phái triết học Hoài nghi… Ông sinh năm 412 hoặc 404 TCN và qua đời năm 323 TCN… Ông tuyên bố mình là một người theo chủ nghĩa thế giới…, đã thể hiện một đức hạnh nghèo đói cùng cực, nổi tiếng vì đi xin ăn để sống và ngủ trong một bồn tắm trong khu chợ. Ông trở thành nổi tiếng vì những hành vi khiêu khích của ông và những sự phô trương triết học như mang theo một ngọn đèn vào ban ngày, tự xưng là tìm kiếm một người đàn ông trung thực… Ông tin rằng đức hạnh đó tốt hơn trong hành động hơn là trong lý thuyết. Cuộc sống của ông là một cuộc chiến không ngừng để hạ bệ các giá trị xã hội và các tổ chức của những gì mà ông nhìn thấy là một xã hội tham nhũng… (wikipedia)
  6. -Vú to mông nở = ‘Phong nhũ phì đồn’, tên một tác phẩm của nhà văn đạt giải Nobel năm 2012, là Mạc Ngôn.

17 nhận xét:

  1. Mietvuon Sau (Facebook)

    Có một con hạc giấy
    Tôi mang mãi theo người
    Nàng nay xa xôi mắt
    Chú hạc, im, ngậm ngùi
    Sớm mai, nắng thăm vườn
    Đường thênh, ta dạo bước
    Nắng rừng sau lưng rượt
    Gió lồng, ướt mi sương (tui khoái khúc thi này!)

    48 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, ông này đúng là có... thiên cảm về thơ rùi, hi..., xin chúc mừng! và... cám ơn.

      Xóa
  2. Lưu comt Thu Phong

    Thương phận mùa thu đã... hết rồi
    Đông về, phong thổi, lạnh sau tôi
    Vườn hoa, bão người đang hủy diệt
    Tìm nàng, tối mắt, bắt hư vô

    Trả lờiXóa
  3. Muội thăm Ca và đọc câu chuyện Ca viết về chị Phụng,muội chúc Ca luôn vui nè.
    Mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da da, tiểu sư muội, có lần huynh nói với một người bạn là 'Thiên thần bé nhỏ là nguồn sinh lực tất yếu của... blog', anh ấy cười khà..khà...
      Ngày mới vui nhí nhảnh nghen.

      Xóa
  4. Lưu comt SMV

    Sáng ra đã thấy cái đèn cù
    Người làm, kẻ bảo, biết ai ngu!
    Bóng hồng thượng đế tươi cười ánh
    Quên cõi ta bà, ta chớm... yêu

    Trả lờiXóa
  5. Em sang thăm ka ka
    Chúc ka ka vui khoẻ ạ

    Trả lờiXóa
  6. Lưu cont Hùng Phi

    Lưu comt Phi Hùng

    Lời cuối cho người, cũng vậy thôi
    Nàng thơm năm ấy ở đâu rồi
    Nắng chiều vương vương, hoa lá cuộn
    Cong dáng vô thường, ai ướt môi!

    Trả lờiXóa
  7. LB lâu nay cứ ở trên nơi cao cao nay giá lâm xuống mặt đất nên viết bài này hay và dễ đọc
    Phải thừa nhận một điều đời sống văn hoá ở những vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn lắm . Nhớ hồi xưa hay đi công tác muốn mua một tờ báo đọc phải đi xa ơi là xa . Ở vùng quê mà một lần có hội chợ về thì rất vui , đó cũng là một loại hình văn hoá phục vụ cho đủ dạng người . Bỏ qua định kiến của những kẻ trí thức dởm thì hội chợ kiểu này cũng vui ra phết , nhất là nghe hát lô tô , trẻ con nhiều đứa thuộc lắm . Hôm tết có tụi nhỏ trong khu Salam ở cũng chơi lô tô , thấy chúng đồng thanh hát mà người lớn cười chết thôi ... rất vui .
    Loại hình văn hoá này hay lưu diễn ở miền quê , ở đó diễn viên và khán giả không có khoảng cách , rất gần gũi . Nếu như ai đó nói dạng văn hoá này là rẻ tiền thì nên nghĩ lại , bỏi vì dân quê chỉ cần như vậy thôi , chẳng lẽ đưa nhạc giao hưởng cho họ nghe ? Muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại vói thời gian , đó cũng là một phần văn hoá nói riêng nằm trong nền văn hoá nói chung của chúng ta

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi, mấy năm nay mình chỉ thi thoảng có xem ca nhạc trực tiếp ở vài sàn nhảy, tiệc cưới, và có thể ở phòng trà (hiếm)..., còn chủ yếu mình xem các liveshow ở trên... ti-vi, như Bài Hát Việt, The Voice, Sao Mai, Paris By Night, và lai rai trong các chương trình khác (mà mình không nhớ tên)...
      Lý do mình đi xem Chương trình ca nhạc 'bê-đê' này là vì đã xem phim 'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng', nên nay mình có dịp kiểm tra lại nó ở thực tế, quả nhiên:
      -các cảnh trong phim giống như trong đời thật, đặc biệt là
      -người dân ở tỉnh lẻ rất nhanh chóng thích ứng với các loại hình lưu diễn này, và
      -mình khẳng định là trong số khán giả, có nhiều 'đại học', và cũng có... nhiều bóng hồng...

      Cám ơn bạn, chúc tối vui.

      Xóa
  8. Hồi xưa Salam học phổ thông sau đó học Đại học ở ngoài Bắc , tiếp thu những kiến thức và tư duy ở ngoài đó , trong lòng đã mặc định như thế rồi . Đến khi vào Nam nhận công tác , hồi đầu cũng bảo thủ với thẩm định của mình về cái đẹp trong văn hoá , nghệ thuật phải hàn lâm mới chịu à nghen ... tuổi trẻ mà .
    Qua một thời gian dài sống ở Nam , vì công việc nên phải đi rất nhiều tỉnh thành , tiếp xúc được với nhiều loại hình văn hoá và con người ở nhiều vùng miền khác nhau , vì thế trong lòng mình đã có nhiều thay đổi , không xơ cứng bảo thủ như hồi trước nữa , mà hoà đồng chung vói tất cả mọi người ở mọi nơi . Ở Sài Gòn thỉnh thoảng vẫn đi nghe hoà nhạc , xem phim rạp , xem kịch vvv nhưng khi về Miền Tây cũng sẵn sàng ngồi nhậu rượu đế với dân ở đó , cũng gõ xong nồi , cũng ca cải lương như ai ... he he
    Kể chuyện này nè , có một lần cả nhà đi Vũng Tàu chơi , khi về đến đoạn Long Thành thấy có một hội chợ thế là dừng xe lại vào chơi , vợ chồng và mấy sắp nhỏ cũng chen chúc bắn súng , thảy bóng , ném lon , chơi lô tô .. vui ơi là vui cứ giống như là trẻ thơ dzậy .
    Bất cứ loại hình văn hoá nào nếu xuất thân từ dân dã thì nó sẽ không bao giờ mất đi . LB biét hôn , bây giờ đi đâu cứ thấy hội chợ của những người " Không may " thì Salam có cảm giác như mua được " Cho tôi một vé về tuổi thơ " dzậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra, những người từ Bắc vô Nam công tác, đa số cảm-hiểu được nét hay và đặc trưng của nhạc miền Nam theo cách này hay cách khác (nhưng thường là loại tiền chiến hay trước 75, hi...), tuy nhiên, một phần trong họ cũng có thành kiến nặng với 'nhạc mới', mà thiết nghĩ, âm nhạc vùng/miền nào, cũ/mới nào, quý tộc/bình dân nào... nào cũng có cái (rất) hay, lý do chính là vì họ không thường sống trong thế giới âm nhạc.
      ...Vài dòng ngắn cho vui thôi, mình thì thích nhạc... 'chìn' của mọi thế giới, hi...
      TM.

      Xóa
  9. Công chúa bé bỏng sang thăm Huynh, chúc Huynh luôn vui vẻ , may mắn Huynh nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da da, chào người đến từ nước Pháp, ngày mới vui nhé công chúa pé pỏng!

      Xóa
  10. kieuthien [Blogger] 27.10.15@23:41
    Lại sang nhà thăm bác
    Chúc khỏe để viết nhiều
    Thu sang cho lá rụng
    Gom từ sáng đến chiều !

    Gom vừa thôi.
    Nhớ đi ngủ sớm nhé, bác Lá Bàng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, bác KT nói có lý đó, thức khuya viết bài để sáng buồn ngủ!, nhưng không thức khuya cũng không được, vì nằm xuống nằm lên hoài mà vẫn chưa mơ!, híc..híc...
      Ngày mới vui nhé.

      Xóa