Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

1456. Khử Tổng... và Lập Dị quái khách (Thư giãn)

-Ngu không chứa hết trong nhà
Cho nên mới phải mang ra ngoài đường (fbker Quang Tho Nguyen)
-Hôm qua chú Cuội hỏi chị Hằng sao Hà Nội tối nay đông thế?, chị Hằng trả lời: Nhiều đứa cố ăn bánh Trung Thu lần cuối... (H.1, fb Nga Lê)
---
‘Khử Tổng’ là ai?, xem sau sẽ rõ!
‘Quái khách’ khác với ‘quái nhân’. ‘Quái khách’ thì các bạn đã biết rồi, vd như Độc Cô quái khách, nói về tính cách... Còn ‘quái nhân’ thường là kẻ có dị tật hay cơ thể/cơ địa khác người, vd như ‘Lưỡng thủ quái nhân’* là người có 2 đầu, hay ‘Lục Tàn’ là 6 người bị tàn phế: mù, câm, điếc, cụt chân, cụt tay, bại liệt..., các ‘quái nhân’ này thường xuất hiện trong truyện ‘Lệnh Xé Xác’ của nhà văn kiếm hiệp Trần Thanh Vân* hay Lã Phi Khanh! (H.2), hay trong truyện ‘Đoạt Hồn Kỳ’ của Gia Cát Thanh Vân...
Sở dĩ tôi biết được như vậy vì trước 75 nhà tôi hành nghề 'bán sách và cho thuê sách’ và sau 75 tôi làm nghề ‘quản lý thư viện’... nên số sách mà tôi đã lướt qua ‘cỡ... trăm ngàn cuốn' cũng không có gì là... lạ!
Còn ‘Lập Dị quái khách’? Thấy tôi viết như trên thì bạn có thể đoán ra tôi là người ‘lập dị’ rồi!, chẳng hạn như trong bài trước tôi đã từng nói là quen ‘trăm người may ra tôi chỉ gặp được có một người và thời gian gặp rất ngắn ngủi’, hay sau hơn 20 năm tôi mới có cơ gặp lại vị bộ trưởng hay ông chủ tịt tỉn xưa... mà sẽ kể ngay dưới đây.
...Trưa nay tôi nằm mơ, thấy cả trăm, ngàn TNXP hay học sinh xúm lại đầy nhà, dòm lại thì toàn người quen cách đây 30-40 năm, tôi bảo ‘Cô Vít, tránh ra xa tí!’, nhưng chúng cứ xấn lại và có người rờ rẫm tôi, tôi đã ứa nước mắt vì được gặp lại các học trò cũ/bạn cũ của mình, thức dậy mắt vẫn còn ướt... Không biết có phải là tôi sắp... chết không!
Nhưng có điều là trong số học trò tôi, có người thành bộ trưởng/thứ trưởng hay chủ tịch/phó chủ tịch tỉnh... Có lần, có ông bộ trưởng và vợ đến thăm (họ đã về hưu), tặng nhà tôi món ‘xúc xích xông khói của Dubai’, do đó mà tôi mới có cơ hội đem... chém gió ở trên Pha kê bốc, hehe... Có lần, tôi ghé nhà thăm ông chủ tịch tỉnh (bạn cũ, đã về hưu), ổng liền mời tôi đi uống cà phê, nói chuyện nhắc lại chuyện xưa và cười đùa hả hê cả tiếng...; về nhà, mấy ông... bí thư xóm mới điều tra thử tôi là ai: Tôi là... người làm vườn!, hehe...
Vâng, ở nước ‘Lỗ’ (Phố Núi), tôi có cả vạn học trò đủ loại già trẻ trẻ lớn bé, đến nỗi cứ mỗi lần chui đầu vào xóm, kể cả đi xe đò hay máy bay, thì bị... ‘chào thầy’, híc.. híc..., do đó tôi sống và hành động rất cẩn mật để khỏi mang tiếng, và tốt hơn là nên ở nhà làm... vườn!.
Vụ ‘tôi mơ thấy cả trăm, ngàn học trò’ mà trong đời thực có người đã làm đến... bộ trưởng... khiến tôi không hề... thua tay Khử Tổng Tàu tí nào!, hehe, như dưới đây:
NGƯỜI LẠ CỐ TÌNH BIẾN KHỔNG TỬ THÀNH SIÊU NHÂN, NHƯNG...
Một lần, Khổng Tử ngồi trên chiếc xe nhỏ có ngựa kéo chu du khắp các nước. Đến một vùng nọ thấy có chú bé lấy đất đắp một tòa thành, rồi ngồi vào trong đó, Khổng Tử liền hỏi: Này cháu, cháu trông thấy xe ta đi tới cớ sao không chịu tránh?
-“Cháu nghe người ta đồn rằng, Khổng Phu Tử trên thông Thiên Văn, dưới tường Địa Lý, giữa hiểu lòng người. Vậy mà hôm nay cháu gặp Phu Tử thì không phải vậy... Bởi vì từ xưa đến nay, chỉ nghe nói đến chuyện xe tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe đâu?”, chú bé trả lời.
Khổng Tử ngạc nhiên quá, liền hỏi: Cháu tên là gì?... Dạ, Hạng Thác... Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?... Dạ, 7 tuổi ạ!... Mới 7 tuổi mà đã khôn ngoan vậy sao?
-Dạ thưa, cháu nghe nói, con cá nở được 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ sang hồ kia. Con thỏ 6 ngày tuổi đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra đến nay đã được 7 tuổi, lấy gì làm khôn?
Lần này thì Khổng Tử thực sự kinh ngạc, bèn đưa ra liền 16 câu hỏi khó để thử tài Hạng Thác. Thế nhưng Hạng Thác đã trả lời trôi chảy, rồi nói:
-Vừa nãy Khổng Phu Tử hỏi cháu nhiều quá! Bây giờ, cháu xin hỏi Phu Tử: Tại sao con ngỗng và con vịt nổi trên mặt nước? Tại sao chim hồng, chim hộc lại kêu to? Tại sao cây tùng, cây bách lại xanh cả mùa hè lẫn mùa đông?
-“Con ngỗng, con vịt nổi được trên mặt nước là nhờ hai bàn chân vuông làm phương tiện. Chim hồng, chim hộc kêu to, là vì cổ chúng dài. Tùng bách xanh tươi bốn mùa là vì thân chúng đặc”, Khổng Tử đáp... “Thưa, không đúng!”, Hạng Thác reo lên:
-Con rùa nổi lên mặt nước, đâu có phải nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó đâu có dài. Cây trúc cũng xanh bốn mùa, mà ruột nó rỗng đấy thôi!... Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao, thì chú bé lại hỏi:
-Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?
Khổng Tử nói: Là vì buổi sáng, mặt trời gần ta hơn... “Không phải ạ!”, Hạng Thác vặn lại:
-Buổi sáng mặt trời gần ta hơn, sao lại mát?, còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn, sao lại nóng?
Rồi Hạng Thác lý sự một hồi, khiến Khổng Tử phải thốt lên: Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện xa xôi, viễn vông, ở tận đẩu tận đâu, chuyện trước mắt thì không hỏi... Hạng Thác cười khanh khách nói:
-Vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt ngài: Vậy lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ!
Khổng Tử không đáp, sai người đánh xe đi, và than rằng: “Hậu sinh khả úy!”.
Câu “Hậu sinh khả úy” ra đời từ đấy... Chữ “Thần Đồng” cũng có từ ngày đó.
(st, đăng trên fb Thanh Minh Doan)
Tới đây coi như tôi đã viết xong bài rồi. Chỉ còn bình phẩm vài dòng nữa thôi. Vài dòng nghĩa là gì? Vài dòng nghĩa... là vài dòng.
Bài viết nói v/v Khổng Tử thua cả một cậu bé 7 tuổi, câu chuyện này hẳn là có ý ‘ám chỉ’... Mà ‘cậu bé 7 tuổi’ hiện nay là ai?, là mấy cô bé, cậu bé đang học lớp 1, 2 hay lớp 3...
Thực vậy, chắc các bạn già đọc bài này còn nhớ cuốn sách ‘Quốc văn giáo khoa thư’ và ‘Khoa học thường thức’ vào thời Ngô Đình Diệm:
Khi học lớp 3, tôi đã biết tại sao mưa rồi, qua chu trình ‘nước biển -> bốc hơi -> mây -> mưa -> đổ ra biển’, hay ‘chu kỳ tuần hoàn của con bướm’...
Khi học lớp 3, tôi đã biết sơ về ‘Hiện tượng phóng xạ hay phân rã hạt nhân’ qua bài đọc về bà Marie Curie (1867-1934) đạt giải Nobel và chuyện chồng bà bị xe ngựa tông chết...
Và khi học lớp 3, tôi đã ít nhiều tiếp cận ‘Tứ đại danh tác’, ‘Lục tài tử thư’, ‘Kim Dung-Cổ Long’ hay ‘các loại sách Nobel’ gì gì đó rồi!, có đọc ‘ít nhiều’ thôi!...
Lớn lên tôi biết là nước ta cần ít nhất là 200 triệu lọ vaccine (2 liều x 100 triệu người), mà vaccine này phải được bảo quản dưới 0 độ C* và nếu mở ra để quá 3 ngày là hư!..., và nói thật, ‘chúng tôi’ không thích Vaccine Tàu!...
Lớn lên tôi mới biết là ‘xạ trị/hóa xạ trị’, ‘chạy thận/cắt thận’, ‘bị dương tính Covid tới mức phải dùng tới máy thở’... thì sau khi được... sống lại thì đa số cũng không còn hồn người!... Vì vậy, chớ hao phí sức lực khi còn trẻ và hãy rèn luyện sức khoẻ để có sức đề kháng khi còn có thể!...
Và câu chuyện ‘mơ’ kể trên đã cách đây 10-30 năm rồi, khi đó tôi còn là một ‘independent consultant’* (H.3), nghĩa là ‘một mình một laptop’ đi... giảng bài ở 63 tỉnh, mà mỗi tỉnh chỉ ở có vài ngày hay nửa tháng, nên tôi nhớ ai và ai nhớ tôi!
À, không muốn ăn bánh Trung thu... lần cuối, tôi cũng đỡ bịnh... ‘mổ trym’* rồi, chắc vài tháng nữa sẽ ổn. Ôi!, nhớ phòng Gym quá, tôi yêu... Gym lắm (H.4), vào đấy được nghe nhạc EDM khi tôi đang chạy trên cái máy chạy tại chỗ hay đang kéo tạ: ‘Where are you now? Where are you now? Where are you now?...’
Anh đang đi đâu? Anh đang đi... mổ trym!
Và tạm biệt, tôi đi xem Futsal và ONE Championship đây!
H...ết.
---
Chú dẫn:
1. Ca sĩ hát bài Faded: Đạt hơn 3 tỉ lượt view tính đến đầu tháng 3/2021, chắc không mấy ai biết ca sĩ hát bài Faded với giọng hát vô cùng truyền cảm mà có thể là một trong những nữ ca sĩ hát hay nhất thế giới: ‘Iselin Solheim’!, cô người Na Uy, khi hát bài Faded thì cô mới có... 24 tuổi!
2. Independent consultant là tư vấn độc lập... Tôi làm 20 năm cho hơn 20 tổ chức nước ngoài, nên việc nhiều người không nhớ tôi cũng không có gì là lạ!, vả lại, tôi đã rời khỏi giang hồ và mai danh ẩn tích từ... lâu rồi!
3. ‘Lưỡng thủ quái nhân’ là truyện kiếm hiệp của Trần Thanh Vân - hình như là người Đài Loan, hiện nay trên mạng có rất ít thông tin về ông..., nghe audio tại: https://www.youtube.com/watch?v=Y5ZejIh1tVk
4. Mổ trym: Ý nói một loại bệnh về đường tiết niệu (bệnh niệu), vd như sỏi thận, viêm tiền liệt tuyết...
5. Nhiệt độ bảo quản vaccine Covid: Các loại vaccine như AstraZeneca, Moderna hay Pfizer... được bảo quản ở nhiệt độ bao nhiêu? Vaccine Pfizer được bảo quản trong môi trường từ -80 đến -60 độ C, vaccine Moderna từ -5 đến -15 độ C, Johnson&Johnson từ -25 đến -15 độ C, AstraZeneca từ 2 đến 8 độ C... (baoquangngai-vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét