Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

213. Các hiện tượng nghịch lý với khát vọng của chúng ta

LTS: Mình không nhớ rõ nữa, chắc là hai tuần trước, ở quán cà phê, có một cậu sinh viên ngẫu nhiên nhắc đến cụm từ ‘sánh vai với các cường quốc năm châu?’, chắc là cậu cũng có không ít băn khoăn khi nhắc đến cụm từ này. Nhân cơ hội này, mình 'ghi lại' một số cảm nhận của cậu, có tham khảo ý kiến của một số blogger như Nam Phương, Mùa Thu Buồn, Tiến sĩ kỳ lạ, Hương Mùa Thu, Melody-Tran, Giọt Buồn, Clover..., xin chân thành cám ơn các bạn. Entry 213 - ‘Các hiện tượng nghịch lý với khát vọng của chúng ta’, gồm: 


213a. Ăn mặc hở hang và nghệ thuật khỏa thân,
213b. Nét văn hóa 'hương thầm', và
213c. Rất tiếc chúng ta không phải là người nước ngoài.
Bài viết này 'chỉ hạn chế trong thế giới yahoo.blog', đăng làm nhiều kỳ và đang được chỉnh sửa, khi có ý kiến của các blogger, mình sẽ bổ sung. Trân trọng.


“Chân lý không hẳn là vô giới hạn, 
nhưng sự mù quáng làm cho nó vĩnh hằng. 
Cái bình thường không hẳn là đặc trưng của vạn vật, 
nhưng nó luôn bao hàm cái vĩ đại
Vàng thật để lâu năm, nó sẽ có màu xỉn xỉn, 
nhưng vì nó là vàng thật, nên nó luôn luôn là hiện đại
Vàng giả mới trông có màu vàng 'chóe', 
nhưng vì nó là vàng giả, nên nó sẽ rất sớm trở thành cổ điển"


213a. Ăn mặc hở hang và nghệ thuật khỏa thân

Lạc bước bồng lai, nắng đã đầy
Ngắm nàng kiều nữ, dáng hay hay
Trà tuôn dáng ngọc, bừng thi hứng
Bia trào môi mọng, thấm men say

Gió biển từ đâu, mát cả người
Mơn trớn làn da, cảm hứng khơi
Ngây tình, quyên hót trong vườn hạnh
Ngất lòng, huệ nở trên đôi môi
(Lạc bước bồng lai-NGLB)


Cậu sinh viên mở đầu, việc ăn mặc hở hang trên sân khấu hay nơi công cộng, đối với các ca sĩ, người mẫu, diễn viên… ở nước ta, dường như là một ‘hiện tượng’ bắt chước trào lưu nước ngoài, trong đó các ‘người đẹp’ nước ta nghĩ là phô trương da thịt mình hay lộ 'hàng' càng nhiều là càng hay!

Ở nhiều nơi như ở Mỹ/Châu Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, thậm chí ở Nhật/Hàn Quốc…, làm như vậy là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng ở nước ta, trong một chừng mực nào đó, lại là chuyện ‘lố lăng’. Có người hỏi tại sao, cậu sinh viên chỉ nói đơn giản, chúng ta là người Việt Nam, có ‘cách’ của người Việt Nam, không mắc gì phải ‘học’ cái thứ văn hóa (có dấu hiệu) ‘lai căng’ (!) đó từ nước ngoài, lại có người hỏi tại sao là lai căng thì cậu ấy nhắc lại là việc ăn mặc hở hang đó đã có từ trong các quán bar hay sàn nhảy ở miền Nam trước 1975 - cách đây khoảng nửa thế kỷ rồi! Từ đấy, theo cậu, việc ăn mặc hở hang của các người đẹp trên sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ, hay mới đây, trong dịp Euro Cup 2012, có nhiều em phơi da thịt trắng nõn với quả bóng đá..., để có thể tạo scandal hay để làm cho mình nổi tiếng, là ‘cổ điển’ chứ không phải là mốt ‘thời trang’ mới mẻ gì đâu… Cái ''gu'' thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác nhau, chúng ta không thể áp đặt, bó buộc, cũng không thể ''đào xới'' lên án, cũng không vì thế mà dễ dãi với mọi kiểu lố lăng, phản cảm hay là chiều theo mọi thị hiếu để cái đẹp trở thành lố bịch' (Nam Phương).
Cũng theo cậu, dường như các nghệ sĩ của ta đang 'phát triển!' cái được gọi là tranh/ảnh 'nghệ thuật khỏa thân’ (nude nghệ thuật) đủ các loại, không phản đối. Thật ra trường phái ‘cổ điển’ này đã có tuốt từ thời Phục Hưng lận (ví dụ họa sĩ Goya, 1746-1828). Và theo cậu, dường như công chúng Việt Nam rất ít quan tâm đến tranh khỏa thân vì thiếu gì cách để mô tả cái đẹp của thân hình phụ nữ VN, đâu nhất thiết phải 'khỏa thân' hay 'phô bày!' các đường cong gợi cảm như phụ nữ phương Tây mới là cái đẹp!, ''Cái đáng lên án là không ý thức được mình mặc cái gì nó có phù hợp với văn hóa nơi mình đến không, hay là cái tinh tế, cơi sắc, chấm phá sẽ biến cái thô thành cái đặc sắc làm cho người ta bị cuốn hút vào cái đẹp mê hồn mà không có ý tà dâm' (Nam Phương).

Ngoài ra, nhiều bức hình hay tranh khỏa thân đã được đưa vào entry của một số blog, mà cậu thiết nghĩ là các blogger chỉ vào xem cho vui thôi, chứ các hình khỏa thân này không có tác dụng gì về mặt nghệ thuật đối với họ. Cậu nói tiếp, nước ngoài khác, ta khác. Ở nước ngoài, người ta có hiện tượng này là ‘tự nhiên nhiên nhiên’ do lịch sử phát triển của nước họ, do đó, đối với họ là bình thường. Có nhiều người nước ngoài về nông thôn VN, thấy những cô thôn nữ ăn mặc kín đáo nhưng vẫn rất hấp dẫn đến nỗi họ cầm máy ảnh chụp lia lịa để làm tư liệu hay sau đó mang về nước làm kỷ niệm. Không có những cái hình nghệ thuật 'khỏa thân' đó của các người đẹp VN thì thế giới tinh thần của chúng ta cũng không vì thế mà bị nghèo đi, vì 'nó không phải là khát vọng hay nhu cầu tinh thần của người VN qua bao thế kỷ nay'.

Và thực ra, muốn xem hình người đẹp như tiên da thịt trắng nõn thì thiếu gì cách, chẳng hạn vào Google ‘search’ là có ngay trong vòng một nốt nhạc! Nhưng cái đẹp của phụ nữ VN chủ yếu là ở nét kín đáo và ở 'tấm lòng':


‘Chỉ mùi hương đầm ấm, thanh tao.
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ.
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thầm nói hộ tình yêu.
Anh vô tình, anh chẳng biết điều!
Tôi đã đến với anh rồi đấy…’
(Trần Thị Thanh Nhàn)

Anh thích con gái VN, đồng ý. NP thích cái đẹp nửa kín nửa hở của các cô gái VN, vừa mộc mạc, vừa Tây, dễ yêu, hay vừa đơn giản như là Thị Nở mà nấu cho Chí Phèo tô cháo hành giải cảm vậy, chỉ có vậy thôi mà đã đánh thức trong Chí Phèo từ lâu không biết thế nào là mùi vị của tình yêu. Người con gái không cần đẹp nhưng cần tấm lòng... và như thế có thể cột chân các chàng rùi (Nam Phương).

Nhu cầu thẩm mỹ và gu thẩm mỹ rất là quan trọng, nhưng nó phải phục vụ đúng đối tượng và ở không gian nào và vào thời gian nào, ví dụ không thể trưng bày hay biểu diễn cái được gọi là 'hở hang' nơi có trẻ em hay nơi công cộng..., khi đó việc này không những không làm tôn thêm giá trị của nghệ thuật, mà còn đem lại cho khán giả sự 'phản cảm':

- 'Người ta đến sân khấu để xem nghệ thuật chứ không phải để xem người hay xem ‘hàng’, đặc biệt là dưới sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ còn có rất nhiều trẻ em ('Tiến sĩ kỳ lạ')',
- 'Tình dục là điều rất tự nhiên với đôi lứa yêu nhau, đó là điều thiêng liêng hạnh phúc nữa kia, tiếc thay ở ta, nó trở thành món hàng…', và 'riêng chủ đề hở hay kín thì em luôn thích nét đẹp nửa kín nửa hở, nó sexy theo cách nhìn nhận của người châu Á, ai nói kín thì không đẹp hay không thu hút?' (Melody-Tran),
- 'Trong thời buổi kinh tế thị trường này, cái đẹp của người con gái VN hái ra tiền, chính lẽ đó họ đã kinh doanh cái vốn sẵn có của họ mà không hề nghĩ đến hậu quả, cũng không hề cảm nhận được công chúng đón nhận họ như thế nào, có khi tự tạo scandal... miễn là nổi tiếng và có nhiều tiền là được' (Nam Phương).
- 'Chuyện kín với hở... thì quan điểm của em vẫn giữ nguyên như từ thời... 'blog cũ', mình là người Á đông và hãy nên nhớ như vậy... ta nên học hỏi cái hay chứ đừng nên bắt chước để rồi không biết mình là ai..." (Giọt Buồn)
Bạn Hương Mùa Thu còn đùa rằng:
- ‘Cứ như thời bao cấp, khoai không có mà ăn, da thì đen thui, có cởi trần truồng ra chụp cũng chả ai xem bác nhỉ. Bây giờ nó phơi ra cho mà xem miễn phí..., ngu gì không xem!’...


Xưa nay, ông bà ta vẫn giao lưu học hỏi văn hóa từ các nước khác, nhưng vẫn lấy văn hóa của ta làm gốc. Có một điều nên lưu ý là ăn mặc kín đào kiểu 'hương thầm' của phụ nữ VN vẫn mãi mãi là hiện đại, ‘đừng quá đua đòi theo phong cách thời nay hay của nước ngoài, ăn mặc chẳng giống ai, cứ phơi bày và lộ hàng chẳng ra làm sao cả, em cũng là phụ nữ nhưng thật tình khi thấy những người ăn mặc hở hang như thế, em không thích, chỉ thêm nguy hiểm cho mình thôi, vì mấy ông được mệnh danh là những người có máu 34+1 mà’ (Mùa Thu Buồn - California).

C
uối cùng, không nhất thiết 'mì ống Spaghetti' mới là ngon, mà mì Quảng, phở Hà Nội, bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng, hủ tiếu Mỹ Tho... cũng ngon không kém, 'có khi lại ngon hơn đấy chứ' (Clover), đúng không các bạn!


213b. Nét văn hóa 'hương thầm'


LTS: Các bạn thân mến, tiếp theo entry 213a - ‘Ăn mặc hở hang và nghệ thuật khỏa thân’, nay mình viết chủ đề ‘nét văn hóa hương thầm’, bài viết còn có thêm các tư liệu từ các bạn Tiến sĩ kỳ lạ, Giọt Buồn, Phuong, Trần Thị Thanh Nhàn, Mùa Thu Buồn, Hồ lô, Mưa Buồn, Nam Phương. Hoa Lưu Ly... Xin cám ơn các blogger, trân trọng.
Hãy gặp người có khuôn mặt mủm mĩm đó
Hãy suy tư sao cho trái tim rung nhè nhẹ
Hãy gửi người những bài tình ca khe khẽ
Hãy yêu sao cho thượng đế phải ghen hờn

Giữ lại nhé em, miệng cười răng rất đẹp
Giữ lại nhé em, mặt cười, chả muốn quên
Giữ lại nhé em, mắt nhìn, ai vướng đọng
Giữ lại nhé em, dáng mềm, tơ êm êm

1. Trước tiên, xin mời các bạn xem 2 tấm hình sau đây:

Hình 1:
Chèo thuyền trên một dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, dáng hình nàng thể hiện đầy thi tính và khộng kém phần lãng mạn…, đó là hình ảnh ‘hương thầm’ của người con gái VN. Nổi lên trên nền trời màu thiên thanh - nền trời Việt Nam - có những đám mây trắng…, dáng hình của nàng lại thể hiện một người phụ nữ hòa mình với thiên nhiên với một trái tim đằm thắm và đầy nhân ái. Với nụ cười và đôi mắt trong veo nhìn lên như đang thấy một đóa hoa hướng dương trên bầu trời, nàng thể hiện sự lạc quan, khát vọng hay ‘lý tưởng sống’. Mặc áo màu tím - màu của tình yêu, nàng có vẻ ‘mộc mạc’ nhưng vẫn thể hiện sự hấp dẫn về giới tính, vẫn thể hiện đây đó những đường cong tuyệt mỹ: thắt đáy lưng ong, ngực nổi lên trên nền áo tím và toát lên cái khát vọng âm thầm nhưng mãnh liệt về tình yêu và tình dục như là quy luật của muôn đời. Nói chung, nàng đủ sức hấp dẫn bất cứ một người đàn ông nào:

Áo tím trong chiều áo tím ơi
Mái chèo khua nhẹ chiếc thuyền lơi
Bà ba.. câu hát theo cho lòng nhớ
Tựa tím bằng lăng... một góc trời 
(thơ tặng của bạn GB), hay

Nhớ em, nhắn mãi cũng chưa vừa
Nắng chiều qua cổng, gió đưa đưa
Lan sầu chết ngất không trổ nụ
Sân vắng nằm im, thiếu bóng người
 (NGLB)

Hình 2:

2. Vẻ đẹp của phụ nữ VN không nhất thiết phải phô bày làn da trắng nõn, không nhất phải phô bày những 'bộ phận' gợi tình mà có thể đưa người xem vào những tưởng tượng hay khám phá xa hơn về một thế giới thể xác đầy hương vị!: "Hình ảnh người con gái Việt đang bị giới showbiz Việt làm hoen ố... có những cái đẹp thật thùy mị đoan trang, không cần khoe da, thịt..." (Hoa Lưu Ly). Nàng ở trên thể hiện khát vọng? lý tưởng sống? tình yêu mãnh liệt? lòng nhân ái? tính 'kín đáo' hay nét ‘hương thầm’, tình yêu quê hương... của phụ nữ VN?:

- "Chúng ta đang sống trong hòa bình, thời đại của công nghệ thông tin, chỉ một cái click là anh có thể nhận được những dòng chữ này, nhưng có lẽ anh sẽ không bao giờ nhận được, và nếu anh có đọc được thì đó cũng như một bài viết vô tình anh đọc được trên mạng mà thôi, bởi anh không bao giờ biết lá thư này là em viết cho  anh…" (MB)hay:

- 'Trong chuyện tình “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên", tình yêu mộc mạc chân chất quê hương Việt Nam ấy lại chứa đựng sự bền bỉ lẫn sự mong chờ da diết của mối tình vượt cả chiều dài con sông, từ tận miền nguồn núi cao vòi vọi cuộn chảy quanh co dài dằng dặc qua bao thác ghềnh để rồi đổ xuôi về biển cả mênh mông của tình yêu vượt giới hạn khoảng cách không gian với sự nhắn gởi lời tâm sự, nỗi nhớ nhung khát khao thắm quyện trong niềm yêu thương thiết tha vô bờ bến..."
 (Blog 'Phuong')

Hình 3:

Nếu không nhầm, người phụ nữ VN như thế này thì tất cả các nước trên thế giới đều ngưỡng mộ: ‘Hình ảnh những cô gái mặc áo bà ba đội nón lá đẹp mắt quá anh à, thích thật đó’ (MTB - California), 'Kiểu 'hương thầm' là kiểu tình yêu kín đáo, không bày tỏ ra bên ngoài, nhưng có duyên ngầm bên trong mà ta có thể nhận biết được' (Trả lời MTB), và sau đây là câu chuyện của nàng 'Tiểu nữ' tâm sự với chính mình:

"Cứ vào ngày này Tiểu nữ thường vào rừng tự tay hái tặng mình loài hoa mình yêu thích. Tiểu nữ chưa hề biết ngày sinh thật của mình, ngày bố mẹ mất cô còn quá nhỏ để biết rằng mình đã được sinh vào mùa xuân hay mùa hạ, chỉ thấy mọi người nói là mùa ấy rất nóng. Thế rồi cô cũng cần phải có cho mình những giấy tờ cần thiết chứng minh mình là một Tiểu nữ và cô đã chọn cho mình cái ngày hôm nay là ngày sinh nhật mình. Nàng nói, nhưng ánh mắt nàng không toát lên vẻ gì buồn, dù sinh nhật nàng chỉ có nàng và người khách vô tình này, có lẽ nàng đã quen như vậy, bởi đây là cái ngày mà nàng tự đặt ra cho mình.
- Bạn thích màu tím?
Không... nhưng... nếu về màu thì Tiểu nữ thích màu xanh, còn về hoa thì Tiểu nữ thích hoa sen nhất... (Chuyện nàng 'Tiểu nữ' - GB)


"Hương thầm - mùi hương kín đáo, bí ẩn nhưng lãng mạn và kiêu sa" (Nam Phương) - nét văn hóa đặc dị mà chỉ riêng VN mới có thôi. Phụ nữ VN, nếu một chàng trai hỏi ‘em có yêu anh không’ thì mắc cỡ, đỏ mặt, tay vân vê tà áo hay đóa hoa trên tay, im lặng cúi đầu, mà im lặng là thể hiện sự đồng ý. Nếu người phụ nữ đó lập tức trả lời ‘yes’ hay ôm hôn ‘công khai’ chàng trai nọ trước đám đông như phụ nữ phương Tây thì dường như đó không phải là biểu hiện của người phụ nữ VN:

Nào ai đã một lần dám nói. 
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối. 
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ. 
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu ... 
(Hương thầm - Trần Thị Thanh Nhàn), hay:

Vì em anh tặng thơ tình
Vì anh đơn lẻ một mình em thương
Vì ta xa cách dặm trường
Mới thành nỗi nhớ niềm thương dạt dào
... 
(thơ tặng của bạn 'Hồ lô') ... 


3. …Ta không giống Tây hay Tàu, nền triết lý VN mãi mãi là độc nhất vô nhị trên thế giới này, có thể gọi đó là ‘nền triết lý ‘hương thầm’’ - không phô bày lộ liễu mà hàm chứa chất nhu bí ẩn bên trong, nhưng khi cần, nó sẽ thể hiện ra bên ngoài vô cùng mãnh liệt mà không có một sức mạnh nào có thể khống chế nổi, có phải điều đó làm ta đứng dậy sau ‘một ngàn năm đô hộ giặc Tàu’!


Cuối cùng, chúng ta chắc không phải mơ màng về một Tiểu Long Nữ 'thiên tiên thoát tục' của Tàu, mà nàng 'Tiểu nữ' của chúng ta cũng đẹp phi thường. Và nói chung, ‘Tiểu nữ' của VN cũng... bình thường thôi, nhưng cái bình thường luôn bao hàm cái vĩ đại.


213c. Rất tiếc chúng ta không phải là người nước ngoài

 
Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần 
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuồng tầng Diêm cung



Mình xin tiếp tục câu chuyện của cậu sinh viên tâm sự ở quán cà phê cách đây khoảng 2 tuần, các bạn vui lòng xem entry 213 - ‘Các  hiện tượng nghịch lý với khát vọng của chúng ta'.

Cũng như mọi sinh viên khác, trong vài năm trở lại đây, cậu thường thấy từ ‘Showbiz’ xuất hiện trên mạng, trên báo đài…, mình hỏi cậu, nhưng cậu chưa thể giải thích rõ cho mình rằng nó là cái gì. Ngẫu nhiên hôm qua, ngày 14/06/2012, lại có một blogger nhắc đến từ ‘Showbiz’, mình bèn hỏi cụ Gúc (= Google), cụ mới trả lời sơ sơ rằng Showbiz = Show business, có nghĩa là kinh doanh giải trí, là một từ ‘mới’ trong tiếng Anh, (tương tự như từ ‘Blog’ = Web-log), không có trong tự điển tiếng Anh, mà chỉ có từ ‘entertainment = giải trí’. Thế giới hoạt động của Showbiz được giới báo đài gọi là ‘làng giải trí’ mà chúng ta (kể cả trẻ em) thường xem như là ‘thi hoa hậu’, ‘live show’, ‘ca nhạc phòng trà’, ‘Sao Mai điểm hẹn’, hát Karaoke, thậm chí ‘Chiếc nón kỳ diệu’, ‘Đấu trường 100’…. Chúng là các món ăn tinh thần mà đã đem lại cho khán giả rất nhiều kiến thức, tính cộng đồng, cảm hứng và thư giãn…

Khi mình vào nhà cụ Gúc, ối chà, không phải bản chất mà là ‘hiện tượng’ của Showbiz nhảy ra tùm lum: Nào là chuyện một hoa hậu ĐBSCL nào đó đã kinh doanh thể xác và có dính líu đến đường dây mại dâm người đẹp… Nào là chuyện nữ ca sĩ HTh, chuyện chồng con như thế này, chuyện ‘yêu’ đại gia như thế kia, chuyện để lộ hàng như thế nọ… Nào là chuyện lộ hàng của BbP, HA, MH, LNK, HTh… Nào là chuyện ăn mặc hở hang của các diễn viên, người mẫu, ca sĩ như ThM, MH, HTh, ĐTr, ThT… Nào là chuyện scandal LTT bị Sida (chuyện lâu rồi). Nào là chuyện CTS bị rất nhiều scandal, nào là lừa tình!, nào là ‘yêu bạn đồng giới’…, trong đó bạn S có trả lời là có buồn nhưng không quan tâm…, ngoài ra, bạn ấy không đồng ý việc tham gia thái quá vào chuyện riêng tư từ thế giới mạng, đại khái là như vậy. Nhức đầu quá. nhiều quá, đọc mà hoa cả mắt luôn.


Phải chăng chúng ta tham gia vào làng giải trí là để cảm thụ nghệ thuật và mở mang tầm nhìn, chứ không phải là để ‘cải thiện mắt’ - xem ăn mặc hở hang hay xem ‘hàng’, không phải là để biết quá nhiều các vụ scandal, mà đôi khi vô tình chúng ta làm cho những kẻ ‘hở hang’ đó càng thêm ‘nổi tiếng’ và vô tình phục vụ cho ‘cái tôi’ của họ!

Phải chăng, "cái mà ngươi ta quan tâm bây giờ là sự nổi tiếng và kiếm nhiều tiền để vung vít cho cuộc sống anh à, NP yêu cái đẹp, NP thích cái đep, NP chuyên sâu vào cái gì đó nó ''khúc khuỷu'' một chút, nó tư duy một chút…" (Nam Phương), lâu nay người ta dần dần ngày càng lao vào cái được gọi là ‘nổi tiếng’ như những con thiêu thân, xem ‘tiền’ là trên hết đến nỗi vô tình không còn biết đến ‘con sông, bến nước’ hay ‘cây đa, mái đình’ mà đã hình thành tình yêu quê hương: "hôm qua nay nhìn mấy nhóc nhỏ thả diều em đang định viết về những kỷ niệm QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ TÔI, tuổi thơ - những ngày ngắn ngủi nơi em sinh ra... hiii... những ý định viết về quê hương con sông cây đa bến nước sao mà nó trùng với ý của anh vậy..." (blogger GB)

-Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô hàng đẹp xinh
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây đang dựng mùa hoa
Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng xưa
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây anh chờ em về… 
(Lối về xóm nhỏ - Trịnh Hưng)

-Làng tôi bên sông, nước trôi triền miên
Làng tôi bên sông, thuyền lên bến mỗi chiều
Nhưng đêm mờ trăng, thuyền đỗ cạnh bờ đá
Mái chèo nhặt khoan, nhịp khúc hát mơ hồ 
(Làng tôi - Chưa biết)

Bài hát này phổ nhạc từ bài thơ:

-Làng tôi bên sông, nước trôi triền miên.
Làng tôi bên sông, thuyền lên bến mỗi chiều.
Cầu mây cong cong liễu buông thần tiên.
Diều xa vi vu lắng trong gió đìu hiu..
Mỗi khi trời êm, chài lưới được nhiều cá,
khắp trên giòng sông lừng vang tiếng khoan hò.


-Ai vô Nam ngơ ngẩn vì muôn câu hò
Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no
“Trăng phương Nam” sáng tỏa khắp bờ Cửu - Long,
nước chảy con thuyền xuôi giòng
vọng tiếng khoan hò ấm lòng …
. (Trăng phương Nam - Anh Hoa)

-Người từ (là) từ phương Bắc đã qua giòng sông, sông dài
tìm đến phương này, một nhà thân ái
Ơi ... tình Bắc duyên Nam là duyên
tình chung muôn đời ta đắp xây
Gặp nàng, nàng là thôn nữ mắt duyên cười say, môi hồng,
tình thắm đôi lòng, mộng vàng chung bóng  
(Khúc hát ân tình - Xuân Tiên)

(Xin lưu ý là lời các bài hát trên trước đây đã được nhiều người yêu thích và chỉ có tính chất tham khảo)

Rộng hơn,

- phải chăng càng này ta càng có nhiều ‘tiến sĩ giấy’, ‘số lượng tiến sĩ của ta nhiều gấp 5 lần của Nhật’, còn chất lượng thì rất mơ hồ! (blogger ‘Trương Văn Khoa’);
- phải chăng ta có nhiều dấu hiệu đạo nhạc, đạo văn, đạo ‘triết’…;
- phải chăng ta đang ăn mặc theo vô số mốt, mốt Mỹ hay Châu Âu, mốt Malaysia, Singapore hay Thái Lan, mốt Nga, Tàu, Hàn Quốc, Nhật Bản… (ví dụ quần short - áo pull và tay luôn cầm chai nước lọc, quần áo rằn ri, sặc sỡ, áo khoát dài của sĩ quan Nga ở xứ lạnh, áo đại cán, áo nam xẻ tà, mũ cối, váy ngắn, complê, áo Kimono Nhật Bản…);
- phải chăng ta đã ‘học hỏi văn hóa nước ngoài 'thái quá’ mà quên rằng áo bà ba ở miền Tây, bộ áo quần ‘quan họ’, áo nâu sòng của các cô thôn nữ, áo dài truyền thống… là vô cùng đẹp và vẫn luôn hiện đại mà được tất cả các nước trên thế giới ngưỡng mộ!

Tôi nghĩ đó là sự sexy mà gợi cảm chứ chẳng có gì đáng gọi là phản cảm! Những ca sĩ nước ngoài còn mặc cả bikini, đồ lót trên sân khấu cũng có sao đâu. Nghệ sĩ Việt đang dần học hỏi những cái hay, cái tốt của showbiz thế giới chứ không học nét xấu" (CTS), nhưng nữ ca sĩ ‘Sao mai điểm hẹn’ mong muốn khán giả đánh giá mình bằng giọng hát chứ không phải ngoại hình, Minh Chuyên thẳng thắn nói: “Tôi đồng tình việc treo diễn những nghệ sĩ ăn mặc hở hang”, và NSƯT Thế Hiển, tác giả của ca khúc ‘Nhánh lan rừng’ có mặt trong buổi giao ban lại gay gắt chỉ trích các nghệ sĩ mặc hớ hênh: "Chỉ có những ca sĩ yếu kém về nhận thức và trình độ mới để xảy ra sự cố như vậy. Những 'con sâu' như vậy đã 'rầu nồi canh", v..v... (Nguồn: Google)

Những ca sĩ nước ngoài còn mặc cả bikini, đồ lót trên sân khấu cũng có sao đâu, vâng, dĩ nhiên không có sao, rất tiếc chúng ta là không phải là ca sĩ nước ngoài: “Hình ảnh người con gái Việt đang bị giới showbiz Việt làm hoen ố... có những cái đẹp thật thùy mị đoan trang, không cần khoe da, thịt..." (blogger Hoa Lưu Ly), hay ‘Đừng quá đua đòi theo phong cách thời nay hay của nước ngoài, ăn mặc chẳng giống ai, cứ phơi bày và lộ hàng chẳng ra làm sao cả, em cũng là phụ nữ nhưng thật tình khi thấy những người ăn mặc hở hang như thế, em không thích...’ (blogger Tina Nguyen Huynh - California), hay 'Chuyện kín với hở... thì quan điểm của em vẫn giữ nguyên như từ thời... 'blog cũ', mình là người Á đông và hãy nên nhớ như vậy... ta nên học hỏi cái hay chứ đừng nên bắt chước để rồi không biết mình là ai..." (blogger Giọt Buồn)...

Nghệ sĩ Việt đang dần học hỏi những cái hay, cái tốt của showbiz thế giới chứ không học nét xấu, vâng, không phản đối, vậy những cái hay và cái tốt của ta đâu?:
- “Không nhất thiết 'mì ống Spaghetti' mới là ngon, mà mì Quảng, phở Hà Nội, bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng, hủ tiếu Mỹ Tho... cũng ngon không kém, 'có khi lại ngon hơn đấy chứ”. (Entry 213a), hay:
- “Chúng ta chắc không phải mơ màng về một Tiểu Long Nữ 'thiên tiên thoát tục' của Tàu, mà nàng 'Tiểu nữ' của chúng ta cũng đẹp phi thường. Và nói chung, ‘Tiểu nữ' của VN cũng... bình thường thôi, nhưng cái bình thường luôn bao hàm cái vĩ đại” (Entry 213b)

Cậu sinh viên nhắc lại rằng cậu không nói nhiều, hay nói cách khác là không quan tâm đến chuyện này, cái mà cậu quan tâm là cái gì đã dẫn đến như vậy? Khi lắng nghe cậu tâm sự, mình sực nhớ Socrates, một triết gia thời Hy Lạp cổ đại (470-399 TCN) nói đại để như thế này ‘Nếu một người thợ giày sản xuất ra một đôi giày tồi thì sẽ có một người nào đó mang một đôi giày tồi, nhưng nếu một dân tộc sản xuất ra một nền giáo dục tồi thì sẽ có một dân tộc tồi’, câu này ổng nói cách đây khoảng 2500 năm rồi, mấy ai mà không biết, phải chăng nếu nền giáo dục ở một nước nào đó mà chỉ quan tâm đến ‘hoa lá cành’, thì nói cho cùng sẽ làm cho nền đạo đức của nước đó có nguy cơ bị mất gốc!’: 'Giữ được nét thuần phong mĩ tục của dân tộc mới là gốc rễ bền lâu của nhan sắc người con gái Việt, "Hữu xạ tự nhiên hương" (blogger Nữ thần mặt trời)

Cụ thể hơn, 'các nàng' rất xinh và vô cùng đáng yêu, phải chăng việc ăn mặc cứ phơi bày và lộ hàng đó không hẳn là lỗi của các nàng, mà là lỗi của người xem hay công chúng, nếu người xem phản ứng bằng cách phản đối với ban tổ chức, bỏ ra ngoài không xem nữa… thì có ai dám tiếp tục nữa, ngược lại, "báo chí góp phần cho các nàng ấy hở thêm, phơi bày thêm cho mãn nhãn thiên hạ mà" (blogger Lan Nguyen), có nhiều người xem vỗ tay rầm rầm, thậm chí còn đăng tải và phát tán các hình ăn mặc hở hang lên trên mạng, như khuyến khích các nàng trên sân khấu cứ thế mà ‘liên tục phát triển như khẩu hiệu của dầu nhớt BP Super V’ vậy!
 



Như đã nói ở trên, “ta không giống Tây hay Tàu, nền triết lý VN mãi mãi là độc nhất vô nhị trên thế giới này, có thể gọi đó là ‘nền triết lý ‘hương thầm’’ - không phô bày lộ liễu mà hàm chứa chất nhu bí ẩn bên trong, nhưng khi cần, nó sẽ thể hiện ra bên ngoài vô cùng mãnh liệt mà không có một sức mạnh nào có thể khống chế nổi, có phải điều đó làm ta đứng dậy sau ‘một ngàn năm đô hộ giặc Tàu’! Phải chăng các hiện tượng bên lề Showbiz, hiện tượng ăn mặc hở hang, hiện tượng tranh/ảnh khỏa thân thái quá, hiện tượng ‘tiến sĩ giấy’, hiện tượng ‘đạo nhạc, đạo văn, đạo triết’, hiện tượng xem tiền là trên hết… là nghịch lý với khát vọng ‘phát triển bền vững’ của chúng ta! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét