Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

218. Thủy Tinh - thiên thu tình hận

Ngàn năm vẫn đợi mỏi mòn
Trăm năm đã thấy chẳng còn bao nhiêu
Mơ hoài không thấy người... yêu
Mộng hoài chỉ thấy bóng kiều trong sương! 
Vô thường thì mặc vô thường
Thì ta cứ chọn tình trường mà đi
Yêu nhau ta có sợ gì
Cứ chờ, cứ đợi, cứ si, cứ tình.
(Tâm sự của Thủy Tinh, NGLB)
Truyền thuyết về Sơn Tinh và Thủy Tinh (còn được gọi là ‘Sự tích Thánh Tản’ hoặc ‘Tản Viên Sơn Thần’) nằm trong hệ thống truyện thần thoại Việt Nam. Có nhiều chuyện kể về Sơn Tinh và Thủy Tinh trên mạng, nói chung có nội dung giống nhau, nhưng hiếm có truyện nào phản ánh hết được tính triết lý và ‘khát vọng’ mà người Việt cổ đã gửi gắm trong câu chuyện này.
Thời đại Hùng Vương, giả thiết, kéo dài từ thế kỷ 11 TCN - 258 TCN, trong đó, vị vua cuối cùng (!) là vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ) có một người con gái là Mỵ Nương, xinh đẹp tuyệt trần: 
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ (Nguyễn Nhược Pháp)
Nàng được vua hết mực yêu thương, vì thế vua tổ chức kén rể để tìm một chàng trai xứng đáng với con gái mình. Một hôm có 2 chàng trai đến xin cầu hôn công chúa, đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh. 

Sơn Tinh hay còn được gọi là Tản Viên Sơn Thánh (núi Ba Vì...) có tài hoán chuyển núi non. Còn Thủy Tinh là thần nước (vùng sông Sông Hồng, sông Đà, sông Thao…), có tài hô phong hoán vũ.
Nói chung, cả hai đều có tài năng xuất chúng, có sức mạnh phi thường và đều xứng đáng làm con rể của vua Hùng. Để quyết định ai sẽ là rể, nhà vua thách cưới với những lễ vật rất quý hiếm như ‘voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…’.
Điều đó thể hiện vua rất ‘thiên vị’ với Sơn Tinh!, chắc là vua đã có bàn tính và có ý định gả con gái cho Sơn Tinh - là người miền núi (ở gần, dễ thăm viếng!). Và điều này đã tạo điều kiện thuận lợi vô cùng cho Sơn Tinh là người miền núi, lại ở gần, nên chẳng bao lâu sau đó, chàng đã đến trước dâng lễ vật, lấy được công chúa và rước dâu đưa về núi Tản Viên. Ngược lại, điều này lại gây vô cùng khó khăn cho Thủy Tinh - người vùng sông biển, ở xa, dĩ nhiên là chàng đến trễ. Bị ‘phổng tay trên’ mất người đẹp, nên chàng vô cùng ‘hận tình’, bèn đem binh tôm tướng cá rượt theo, dâng nước lên núi Ba Vì để đánh nhau với Sơn Tinh. Nhưng nước biển dâng cao lên bao nhiêu thì núi dâng cao lên bấy nhiêu. Thủy Tinh thất bại đành phải rút quân về biển, chàng ôm mối hận tình ngày càng tăng, nên hàng năm cứ xua quân lên tấn công Sơn Tinh, và mối hận tình này kéo dài mấy ngàn năm nay!
Mỵ Nương đẹp đến nỗi, cuộc chiến tranh thảm khốc đến nỗi, và khát vọng hòa bình đến nỗi, mà trước 1975, có một nhạc sĩ (Phan Quang Định, sáng tác nhạc cho thiếu nhi), đã cảm hứng viết nên bài hát ‘Ca cảnh Sơn Tinh Thủy Tinh', với lời hát như sau:
Sử vàng ghi chép, ngày trước Hùng Vương, có nàng công chúa, mắt xanh trời hờn. Chim đồn vang đến mây huyền: đây đấng anh hùng công chúa xe duyên...
Trời vừa ửng sáng. Đã thấy thần non. Rỡ ràng nhung gấm. Tiến vô cung đình. Sau chàng quân lính theo hầu. Thỏ trắng, nai vàng. Vai vác, vai khiêng. Vua Hùng sai lính. Mời đón vào cung. Cho cùng công chúa. Kết duyên tơ hồng. Tưng bừng dân chúng reo mừng. Đưa trước Sơn thần. Công chúa lên non.
Thủy thần theo sóng. Nhẹ lướt vào cung. Bỗng chàng đau xót. Tuốt gươm tuyên thề. Ta nguyền ghi mối căm thù. Dâng nước  thủy triều. Quyết thắng Sơn Tinh. Tiếng chàng vừa dứt. Là sấm gầm vang. Gió gào mưa thét. Nước tuôn sóng trào. Tôm hùm cua cá reo hò. Vung kiếm ào ào. Vây đánh Sơn Tinh.
Chẳng hề nao núng. Thần núi ngày đêm. Hô hào dân chúng. Đắp lũy xây thành. Sông càng dâng nước trập trùng. Vung búa Sơn thần. Đưa núi lên cao...
Thủy thần thua trí. Đành rút về xuôi. Tôm hùm nhốn nháo. Cá cua chạy dài. Nắng vàng lại sáng chân trời. Dân chúng gieo trồng. Thôn xóm yên vui.

Người đẹp với 'miệng bé thắm như san hô’, ‘tay ngà trắng nõn’, ‘hai chân nhỏ’, ‘ thắt đáy lưng ong’, ‘đường cong tuyệt mỹ’… đã khiến bao nhiên văn nhân/thi nhân viết lời ca tụng: người đẹp có thể biến đàn ông thành kẻ khù khờ, người đẹp có thể làm đảo điên thiên hạ, người đẹp có thể làm đàn ông quên cả vũ trụ này! Đàn ông khoái được chinh phục phụ nữ, nó tạo nên một thứ ‘men say’, say nhất trong tất cả các loại say! Vì vậy phụ nữ hay ‘ẹo ẹo’, ‘sáng nắng chiều mưa’, ‘nhỏng nhẽo, nũng nịu’, ‘lửng lơ con cá vàng’… mà tạo ra men say để kích thích đàn ông, do đó phụ nữ có thể chinh phục và lưu giữ đàn ông lâu hơn:
Anh đâu có nợ tình em
Sao em cứ để một bên chờ hoài! 
Chờ em dưới bóng chiều tà
Chờ em đến nỗi mắt nhòa trong mê 
Chờ em hẹn uống cà phê
Chờ khờ, chờ dại, chờ tê cả người.

Người đẹp chỉ có trên dưới 50kg mà vô tình làm đảo điên thiên hạ, nhiều khi dấy nên cuộc chiến tranh giữa 2 nước, 2 dân tộc, 2 xứ sở… Người ta lại rất hay dùng ‘mỹ nhân kế’ chứ không dùng ‘mỹ nam kế’… Điều đó chứng tỏ vai trò của các tuyệt đại mỹ nhân trong lịch sử, đôi khi người đẹp tương đương với sự nghiệp của một quốc gia/xứ sở, hay người ta thường ví ‘giang sơn = mỹ nhân’ mà người ta có thể chọn một trong hai, giang san hay mỹ nhân: Dương Quá sau khi ‘dùng đá’ giết chết vua Mông Cổ, chàng đã cùng Tiểu Long Nữ quy ẩn giang hồ: giữa giang sơn và mỹ nhân, chàng đã chọn mỹ nhân! (Thần điêu đại hiệp), hay Trương Vô Kỵ sau khi đoàn kết được võ lâm quần hùng thiên hạ đánh thắng quân Mông Cổ, đáng lẽ chàng sẽ trở thành Hoàng đế đầu tiên của nhà Minh chứ không phải là Chu Nguyên Chương, nhưng chàng cũng đã cùng Triệu Minh quy ẩn giang hồ: giữa giang sơn và mỹ nhân, chàng đã chọn mỹ nhân! (Ỷ thiên đồ long ký):
Ngoan nào! hai đứa mình thôi 
Chỉ nghe nhịp đập bồi hồi 'một' tim
Chỉ nhìn thấy 'một' thân hình
Chỉ còn lại 'một' khối tình ngất ngây.

Người đẹp có thể là nguyên nhân gây nên những sự cố thê thảm hay thậm chí ‘mất nước’ như Marilyn Monroe và 2 anh em nhà Kenedy - vì lỡ miệng hỏi thăm chuyện ‘bom nguyên tử’ với Tổng thống Kenedy mà một ngày sau biến mất khỏi thế gian!; Phan Kim Liên ngoại tình với Tây Môn Khánh, giết chồng, sau này cả hai (kể cả Vương Bà - mai mối) đều bị Võ Tòng giết chết (Thủy hử);  An Dương Vương Thục Phán vì muốn xâm chiếm Lạc Việt, đã cử Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu (Mỵ Nương), đồng thời làm điệp viên và đánh cắp ‘nỏ thần’, triều đại Hùng Vương kết thúc; Câu Tiễn nghe lời Phạm Lãi, cử Tây Thi sang làm ‘mỹ nhân kế’ và lấy vua Ngô Phù Sai, 20 năm sau đó, nước Ngô bị Câu Tiễn tiêu diệt (Đông Chu liệt quốc)...
Hận tình của đàn ông có thể gây nên những thảm cảnh: vì nàng Hellen là tuyệt thế mỹ nhân mà là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc chiến tranh giữa chúa tể thành Athens và chúa tể thành Troia; trong cuộc tình tay ba Điêu Thuyền - Đổng Trác - Lữ Bố, viên Tư đồ Vương Chung đã lợi dụng chuyện này gây mâu thuẫn giữa Lữ Bố và Đổng Trác, cuối cùng Lữ Bố giết Đổng Trác (Tam Quốc chí); vợ của Dương Hùng là Phan Xảo Vân ngoại tình với một nhà sư, Thạch Tú vì giúp bạn đã giết chết nhà sư, Dương Hùng vì hận tình đã kết hợp với Thạch Tú để giết Xảo Vân, và sau đó cả hai đầu quân cho Lương Sơn Bạc (Thủy hử)…
Chắc chúng ta đã biết câu ‘Đa tình tự cổ nan di hận. Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ' (Bạch Cư Dị), tạm dịch ‘Đa tình từ xưa để mối hận. Hận này dằng dặc có bao giờ nguôi’. Có người giải thích nôm na là ‘Thà là mình cứ yêu thật nhiều mặc dù tình yêu nó có đem lại khổ đau cho mình một cách ghê gớm thì cũng không sợ hãi, không nao núng và không ân hận gì cả! Mình lại thích cách dịch ‘ngạo’ như sau:
Yêu ai bằng yêu người tình
Hận ai bằng hận người mình đã yêu.

Và hận tình có thể gây đảo điên trong lịch sử: hận vì mất người đẹp thì ít, nhưng hận vì bị ‘phổng tay trên’ thì nhiều. Vì tính làm chủ bầy đàn nên tính tự ái của đàn ông vô cùng cao. Khái niệm hận tình này có thể hiểu theo 2 nghĩa: hận người tình hay hận kẻ cướp mất người tình. Người ta có thể giết chết người tình để độc chiếm bóng hình nàng trong tâm trí mình.
Theo thần thoại này, Sơn Tinh lấy được vợ, vui vẻ, nên không có nhiều chuyện để quan tâm, còn Thủy Tinh ‘hận tình’ mới có nhiều vấn đề để bàn. Khi lấy chồng, Mỵ Nương rất đau lòng lưu luyến rời Phong Châu và dường như với cảm tính của phụ nữ, nàng thấy sẽ có một cuộc chiến tranh thảm khốc sẽ xảy ra:
Lầu son nàng ngoái trông lần lữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Quỳ lạy cha già, lên kiệu bạc,
Thương người, thương cảnh, xót lòng đau.
Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu!" (Nguyễn Nhược Pháp)

Người ta nói cứ phụ nữ là phải ghen: ‘Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng’, người ta còn có thành ngữ ‘ghen như Hoạn Thư’, tuy nhiên đàn ông cũng ghen không kém, có khi ghen hơn, nhưng với cách khác hơn, chuyện Thủy Tinh là một ví dụ. Thần thoại Hy Lạp còn thiếu một vị thần, đó là thần ‘ghen’, nếu có, không thể khẳng định là nam hay nữ!
Người ta dựng hình tượng Sơn Tinh có 'thiên vị' để ý nói là mình có thể vượt qua thiên tai, nhưng thực ra Thủy Tinh đâu có phải là kẻ xấu, vai trò của Sơn Tinh và Thủy Tinh là bình đẳng mà! Cuối cùng là Thủy Tinh, kẻ hận tình, mà là tình hận thiên thu, mối hận tình của thần đã được truyền tụng trong dân gian.
Và rồi chàng Thủy Tinh si tình đã khóc... khóc... khóc ngày khóc đêm vì hận tình, nước mắt Thủy Tinh tuôn trào thành dòng chảy lênh láng, cứ nhìn dòng nước lũ cuồn cuộn mới hiểu rằng tình yêu mà chàng Thủy Tinh dành cho Mỵ Nương là nhiều biết bao nhiêu'...

-----
Ghi chú: 
*Sơn Tinh cỏ thể là một người có thật, xuất thân là ‘nông dân áo vải’, tên là Nguyễn Tuấn.
*Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, cao 1281m, còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn.
*Tuần trước, mình có ngồi nói chuyện với một ông bạn già 73 tuổi, theo ông, có một từ tạm gọi là ‘triết học thần thoại’ (sẽ đúng hơn nếu gọi là ‘triết lý thần thoại’). Người Hy Lạp đã xây dựng cho mình một hệ thống truyện thần thoại rất hoàn chỉnh mà có nhiều ‘tư tưởng’ lồng ghép trong các truyện này, phần lớn đã phổ biến trong đời sống và các hiện tượng xã hội xưa và nay trên toàn thế giới, và một phần đã tạo ra chất ‘men say’ tư duy cho nhiều chàng trai (hay cô gái) có những hoài bão cao đẹp và vĩ đại và do đó làm nên những sự nghiệp vĩ đại. Trước giải phóng, có một số ‘học giả’ đã có nghiên cứu về ‘triết học thần thoại’ của Việt Nam, tiếc thay các công trình đó chưa đến đích vì nhiều lý do. Sau giải phóng, có nhiều tay bút cự phách nghiên cứu về ‘Thần thoại Hy Lạp’. Rất tiếc, theo ông, nền ‘triết học thần thoại’ của VN hình như bị lãng quên...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét