Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

219. Giáng Kiều - tiên nữ sa lưới tình

Trước tiên, tại sao mình không nói Tú Uyên sa lưới tình mà nói Giáng Kiều? Vì Tú Uyên là người phàm, nên chuyện sa lưới tình là hiển nhiên, còn Giáng Kiều là tiên mà sa lưới tình mới là chuyên đáng bàn. 
Yêu em, anh mãi âm thầm
Yêu em, anh nén tình câm trong lòng
Em ơi đừng nói chữ không
Để anh lo lắng mà hồn mẫn mê
Ngồi chờ em uống cà phê
Chờ em chả thấy, thấy tê tái buồn
Mùa hè lại ngỡ mùa đông
Mùa thu sắp đến, bóng hồng ở đâu?
Xuân về vò cánh mai sầu
Bóng em ẩn hiện như sao trên trời
Đừng chê anh nhé, em ơi
Không em, anh thấy chơi vơi, em à!
(NGLB) 

1. ‘Bích Câu kỳ ngộ’ là truyện (tiểu thuyết) có nguyên bản bằng chữ Hán trong tập ‘Truyền kỳ tân phả’ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đó là một câu chuyện truyền kỳ xảy ra dưới thời vua Lê Thánh Tôn (có người cho tác giả là Đặng Trần Côn!, có người nói chuyện xảy ra dưới thời nhà Trần!). Bích Câu có nghĩa là ‘suối biếc’ hay ‘ngòi biếc’, người ta có thói quen gọi là suối Bích Câu (!), trước thuộc làng Yên Trạch, tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Hiện nay, ở phố Cát Linh, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có tòa ‘Bích Câu đạo quán’ mà người ta đồn rằng được dựng từ ngôi nhà cũ của Tú Uyên!
 

Truyện thơ này có nội dung thuần túy Việt Nam, được dịch ra chữ Nôm vào khoảng năm 1850, dưới thể thơ lục bát, gồm 678 câu. Có nhiều giả thiết về dịch giả của bài thơ này, có người cho là ‘Khuyết danh’, có người cho là của Tú tài Vũ Quốc Trân (sống giữa thế kỷ 19, không rõ năm sinh và năm mất, quê ở Hải Dương, nhưng trước đây sống ở phố Hàng Đào, Hà Nội ngày nay)…

Số là từ nhỏ, mình có được học Cổ văn (thơ văn xưa...), trong đó có truyện thơ ‘Bích Câu kỳ ngộ’, đến bây giờ, mình ít nhiều vẫn còn nhớ mấy đoạn thơ sau:

Thành Tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao.
Đua chen thu cúc, xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước quỳnh giao,
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa.

(Cảnh Bích Câu - Bích Câu kỳ ngộ)

Mỉa chiều nét ngọc làn hoa.
Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời.
Gần xem vẻ mặt thêm tươi,
Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều.
Làn thu lóng lánh đưa theo,
Não người nhăn chút lông nheo cũng tình.
Vốn mang cái bệnh Trương-sinh,
Gặp người nghiêng nước nghiêng thành biết sao?
Đưa tình một nét sóng đào,
Dẫu lòng sắt đá cũng xiêu, lọ người.

(Sắc đẹp của Giáng Kiều - Bích Câu kỳ ngộ).

Có khi mượn chén rượu đào,
Tiệc mồi chưa cạn, ngọc dao đã đầy.
Hơi men chưa nhấp đã say,
Như xông mùi nhớ, như gây giọng tình.
Có khi ngồi suốt năm canh,
Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kềnh nện sương.
Ỏi tai những tiếng đoạn trường,
Lửa tình dễ nguội, sông Tương khôn hàn.
Có đêm ngắm bóng trăng tàn,
Tiếng quyên hót sóm, trận nhàn bay khuya.
Ngổn ngang cảnh nọ tình kia,
Nỗi riêng, riêng biết, dãi dề với ai!
Vui xuân chung cảnh một trời,
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư. 
(Tú Uyên tương tư Giáng Kiều - Bích Câu kỳ ngộ)

2. Truyện thơ này có nội dung tóm tắt như sau:
 
Tú Uyên tên là Trần Tú Uyên, là một thư sinh nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, chàng thông minh, học giỏi, có tài làm thơ, tướng mạo thanh cao, thích du sơn ngoạn thủy, vì thấy Bích Câu có phong cảnh đẹp nên dựng lều tranh ở đó để học hành thi cử.

Một hôm, nhân tiết xuân trời đẹp, chàng đi vãn cảnh ở thành Tây. Lúc đó ở chùa Ngọc Hồ (tức chùa bà Ngô ở phố Sinh từ, Hà Nội) có lễ hội lớn (hội Vô-già), rất nhiều nam thanh nữ tú đến viếng chùa, vốn có tính khá phong lưu, chàng không bỏ lỡ cơ hội để ‘ngắm’ người đẹp.

Lang thang ở Bích Câu, lãng vãng ngoài sân chùa, khoan khoái dưới làn gió mát, rạo rực ngắm nhìn trăm hoa đua nở chào đón vũ trụ vạn vật bừng sống trong một ngày mới, bỗng có một một chiếc khăn tay (‘lá hồng’) theo gió lượn lờ bay đến rồi rơi xuống dưới chân, chàng nhặt lên xem thì thấy bên trong có một bài thơ có ý trêu ghẹo chàng. Định làm thơ đối lại thì chàng chợt thấy có một người con gái chừng 18 tuổi, xinh đẹp tuyệt trần, từ cửa tam quan đi ra. Mới nhìn thấy nàng, ‘tiếng sét ái tình’ đã lên tiếng - thần Eros đã bắn một mũi tên xuyên qua trái tim chàng, một sát-na sau đó, tim chàng đã rung động từng hồi. Thấy nàng liếc mắt đưa tình, chàng bèn dõi bước đi theo để làm quen và tán tỉnh nàng, không ngờ đến đình Quảng Văn (nay là chợ Cửa Nam, Hà Nội) thì nàng bỗng nhiên biến mất.


Tiếp tục cầm chiếc khăn thơm phức trên tay, chàng nâng niu hôn hít mà lòng vẫn còn bàng hoàng bởi sắc đẹp diễm kiều và ngất ngây bởi mùi hương lạ… Về nhà, càng ngày chàng càng nhớ thương người đẹp, suốt ngày cứ ngẩn ngơ âu sầu, đến nỗi bị ốm tương tư, bỏ cả ăn uống, bỏ cả đèn sách học hành…

Một hôm chàng chàng đến đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm) xem bói thẻ, rồi tối nằm mơ thấy một vị thần báo mộng bảo chàng ngày mai hãy ra đợi ở Cầu Đông (nay ở phố Hàng Đường) thì sẽ gặp nhân duyên. Chàng nghe lời ra đó đợi đến chiều tối thì thấy có một ông lão bán tranh tố nữ mà người trong tranh giống y đúc nàng thiếu nữ mà chàng đã gặp ở chùa Ngọc Hồ, chàng bèn mua về treo ở thư phòng. Hàng ngày, cứ đến bữa ăn, chàng dọn hai cái chén, hai đôi đũa, mời nàng trong tranh cùng ăn, cùng trò chuyện, đối đãi với nhau như 2 vợ chồng!

Vườn xưa có bóng em xinh
Chẳng hay em có biết tình anh không
Vói tay sờ đóa hoa hồng
Hương thơm thơm ngát, chạnh lòng nhớ em
Nhớ em nhớ dáng cong mềm
Nhớ đôi môi ấy êm đềm chất say
Nhớ màu áo trắng chửa phai
Nhớ đôi chân ấy, gót hài nhẹ buông
(NGLB)

Rồi từ đó lại bắt đầu một chuyện tình, hay nói cách khác, Giáng Kiều đã ‘sa lưới tình’ vô tình giăng bởi Tú Uyên! Lòng thành và mối tình si trong mấy tháng liền của chàng đã làm nàng trên cõi tiên cảm động. Một ngày nọ, về nhà, Tú Uyên bỗng thấy nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, có cơm nóng canh ngọt đã dọn sẵn trên bàn, chàng rất ngạc nhiên không hiểu vì đâu! Chuyện xảy ra trùng hợp nhiều ngày như vậy, chàng sinh nghi bèn giả vờ đi khỏi nhà rồi quay lại, nấp vào một chỗ kín, chàng thấy người đẹp từ trong bức tranh bước ra, trang điểm, dọn cửa dọn nhà, rồi xuống bếp nấu ăn. 

Với tính cách thông minh lanh lẹ sẵn có, lợi dụng lúc nàng đang nấu ăn, chàng bèn lẻn vào nhà, chạy vội đến vồ lấy bức tranh rồi xé nát để nàng không thể biến mất vào bức tranh được nữa! Chàng chào hỏi thì được biết nàng tên là Hà Giáng Kiều, vì có tiền duyên với chàng nên kiếp này nàng vâng lệnh Ngọc Hoàng thượng đế và theo lời thần Bạch Mã, xuống trần cùng chàng kết duyên vợ chồng. Từ đó, Giáng Kiều ở lại làm vợ của chàng.
Thương người thương đến mười mươi
Thương người, người ở phương trời có hay
Dáng nàng tóc xỏa bay bay
Hai vầng trăng khuyết nhô tà áo em
Bỗng đâu hương tỏa êm đềm
Khiến ai mộng được kề bên ngắm trời
Ôm vào khuôn mặt tuyệt vời
Ôm vào hình dáng gọi mời thiên thai
Ôm vào không bỏ em ra
Ôm vào mây tụ, mưa sa địa đàng
(NGLB)

Sau khi lấy được nàng, Tú Uyên được sống những chuỗi ngày hạnh phúc vô biên. Nhưng vì nàng là tiên, nên có điều kiện kinh tế dồi dào, chàng được sống trong nhà cửa sang trọng, có người hầu kẻ hạ… Một thời gian sau, sau khi biết ‘vị đắng đào nguyên’, được ‘cơm no, bò cưỡi’ chán chê, rồi ‘nhàn cư vi bất thiện’…, cái quán tính của đàn ông lại xuất hiện, chàng bỏ bê việc đèn sách học hành và sa vào cờ bạc rượu chè (trai gái), thậm chí về nhà còn chửi mắng đánh đập vợ nữa. Khuyên can mãi không được, Giáng Kiều quá giận bèn bỏ về cõi tiên.
Em ơi, em ỡi, em ời
Em đi đâu mất để trời mây đen
Mưa tình quằn quại cơn ghen
Cỏ may bám áo, mùi quen bám người
Đêm ngày hồn cứ chơi vơi
Tháng năm hồn cứ tơi bời vì yêu
Nhìn mây, mây lướt phiêu diêu
Nhìn trời, trời ngã bóng chiều lã lơi
Tìm em ngày mộng đêm mơ
Một khuya rạo rực... lịm bờ môi em
(NGLB)

Cả tháng trời trôi qua, không thấy bóng nàng, Tú Uyên vô cùng hối hận và sau đó vì tuyệt vọng nên chàng treo cổ tự tử, đúng lúc đó thì nàng lại xuất hiện. Chàng khóc lóc, năn nỉ ỉ ôi, xin lỗi vợ, nàng động lòng tha thứ cho chàng, hai người lại sống với nhau đằm thắm hơn xưa và khoảng một năm sau thì sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Chân Nhi.

Chàng lại tu tỉnh dồi mài kinh sử và mong một ngày kia có tên trên bảng vàng, nhưng sau đó nghe lời nàng, chàng học phép tu tiên. Rồi một hôm, có một đôi hạt đến trước sân, đón hai người về cõi tiên. Giáng Kiều nói với con trai: ‘Con ơi, mẹ vốn là tiên nữ, ba và mẹ có duyên số với nhau, nay đã đến lúc ba mẹ phải về với cõi tiên, con ở lại trần gian cố gắng học hành cho giỏi để nối nghiệp cha ông, rồi một ngày nào ba mẹ sẽ xuống đón con lên cõi tiên đoàn tụ’...



3. Giáng Kiều đã khuyên chàng như sau: 


“Vẫn biết danh vọng ở đời là đáng kể, thói tục cõi trần không nên coi khinh, nhưng con người ta chỉ sống theo sự phối hợp của ngũ hành, thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Cuộc đời sống chết chẳng khác nào bọt đầu ngọn sóng, sương trên ngọn cỏ, có thể tiêu tan trong khoảnh khắc. Với trí thông minh, tài giỏi hơn người, anh cũng chỉ sống trong khoảng năm, sáu mươi năm, hay nhiều lắm thì cũng đến bảy, tám mươi tuổi là cùng. Đời sống con người, dù đến trăm năm phước lộc, giàu sang, cũng chỉ bằng một buổi sáng nhàn hạ ở cõi tiên. Thử hỏi anh hùng, danh tướng người xưa giờ đây đâu tá? Mà lạc thú, khổ đau, xum họp, biệt ly chỉ là những lối thường tình của người đời. Cả quãng đời niên thiếu của anh há chẳng đã dẫm bước vào đấy ư? Vậy tốt hơn là từ hôm nay anh nên xóa bỏ thất tình, rửa sạch dục trần mà ngao du đó đây, buổi sáng trong ba dãy núi, buổi chiều trên chín tầng trời, bạn cùng trăng gió … Phải chăng bổn phận thiêng liêng của người đàn ông là săn sóc cha mẹ? Song thân của anh đều đã khuất núi. Về phần em, em không thiết giàu sang với danh vọng. Sao anh lại định chôn chặt thân mình trong cõi đời khổ ải để giữ lấy một mảnh hình hài diệt vong?" (theo boykute1997qb). 

Sinh ly tử biệt vốn là chuyện ở đời, cuối cùng Tú Uyên theo Giáng Kiều cưỡi hạc lên cõi tiên, còn đứa con trai của hai người ở lại cõi trần, một hậu quả sản sinh ra từ chuyện ‘sa lưới tình’ của Giáng Kiều, và có phải nàng là một tiên nữ biết thưởng thức sự tuyệt vời của điệp khúc ái ân trần thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét