Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

225. Nguyễn Huệ và cành đào Nhật Tân

Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn lại, hãy tạm bỏ qua những cái gì là hoàng đế, chiến tranh, quyền lực, danh vọng…, hãy trở ‘về tinh khôi’ để nhìn lại cái ‘cành đào Nhật Tân’ bao dung, nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng tiềm ẩn chất kiêu sa ấy để thấy rõ cái gì là sâu lắng nhất trong tâm hồn của một con người được mệnh danh là 'hoàng đế'.
Trong bài viết này, do cảm xúc, mình gọi Ngọc Hân công chúa là ‘Cành đào Nhật Tân’ vì nó liên quan đến các giai thoại về mối tình của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân, và động tác bất ngờ của ông sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử: lập tức gửi tặng cho Ngọc Hân một cành đào Nhật Tân.
(Nhật Tân là một phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Quanh khu Nhật Tân, có rất nhiều vườn đào bao quanh 3 mặt của hồ Tây, chúng ẩn mình trong những lô đất hai bên đường Lạc Long Quân/Xuân La - Xuân Đỉnh, rồi đường Âu Cơ/Nghi Tàm theo bờ đê sông Hồng có ‘khu thịt chó Nhật Tân’ nổi tiếng. Vào những ngày trước Tết, thường là từ 20 âm lịch, có rất nhiều cô dân nữ (hay đàn ông) với mỗi chiếc xe đạp được cột một cành đào phía sau, đứng dọc bên lề đường phía bên kia của bờ hồ Tây hay trước chợ và rao bán đào đủ các loại. Giá một cành đào Nhật Tân không đắt lắm, năm 1998, giá thường dao động khoảng 50-80.000 đ/cành, nay khoảng 150-250.000 đ/cành. Đào Nhật Tân được người miền Bắc chơi Tết phổ biến như người miền Nam chơi hoa mai vậy. Trước Tết, bằng cách bảo quản có nghệ thuật, rất nhiều cành đào Nhật Tân thường được vận chuyển vào Nam bằng đường hàng không (từ sân bay Nội Bài), trên các chuyến xe tải lớn, xe đò hay tàu hỏa…)
Nguyễn Huệ (1753-1792) tức Hoàng đế Quang Trung, tên thật là Nguyễn Quang Bình, thường gọi là ‘chú Ba Thơm’, quê Tây Sơn, Bình Định, trở thành ‘đại tướng’ từ khi 18 tuổi, đã từng 21 năm tung hoành trong chiến trận (1771-1792), là học trò trực tiếp của ông Trương Văn Hiến và là học trò gián tiếp của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, là một trong ‘Tây Sơn tam kiệt’ đã sáng tạo nên môn ‘võ Bình Định’, đặc biệt là một thiên tài quân sự với bộ óc vô cùng thông minh, quyết đoán, mưu mẹo, và tiên đoán được thành-bại trong các diễn biến quân sự...
Lúc nhỏ mình học lịch sử, bây giờ còn nhớ được như sau: Năm 1784, Nguyễn Huệ đại thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm và Kênh Xoài Mít. Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, Càn Long cử 20 vạn quân sang tấn công nước ta. Được tin báo cấp, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, và lo sửa soạn phản công. Đêm mồng ba và mồng năm Tết Kỷ Dậu (1789), quân ta vây đánh đồn Hà Hồi và Ngọc Hồi, quân Tàu đại bại, các tướng đều tử trận, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Rạng sáng ngày mồng bảy Tết, quân ta tấn công thành Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị vất cả ấn tín chạy trốn, quân Thanh chen nhau qua cầu phao, chết vô số…” 
Có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng chắc chắn ông được đánh giá là 'người' có công lớn trong việc chấm dứt cuộc ‘nội chiến’ kéo dài giữa 2 tập đoàn phong kiến: họ Nguyễn ở Đàng Trong (phía Nam, 1777) và họ Trịnh ở Đàng Ngoài (phía Bắc, 1786), đại thắng quân xâm lược Xiêm La (1784), nhất là chiến thắng vang dội trong lịch sử Việt Nam và thế giới - đại thắng quân Thanh (1789): "Sự kiện lớn nhất dường như việc khôi phục thống nhất đất nước, việc xóa bỏ sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc đối địch. Chính là Tây Sơn chứ không phải là nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, như người ta thường gán cho họ, đã có công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất; dù chia ra các miền khác nhau nhưng vẫn cùng một mục đích... Niềm kiêu hãnh khôi phục lại uy danh của nước Việt Nam thể hiện rõ trong bài Hịch Tây Sơn" (Jean Chesneaux, Wikipedia).
...Nguyễn Huệ cùng thời với Napoleon I của Pháp (1769-1821). Năm 1789, khi ở phương Đông, Nguyễn Huệ hạ gục quân Thanh ở thành Thăng Long, tặng ‘cành đào Nhật Tân’ để tỏ lòng yêu thương nhung nhớ nàng Ngọc Hân, thì ở Phương Tây, dân Pháp hạ ngục Bastille tại Paris, Napoleon quỳ gối âu yếm tỏ tình với nàng Joséphine.  
Quay lại dòng lịch sử có liên quan đến Ngọc Hân công chúa, năm 1782, Nguyễn Hữu Chỉnh vì không phục chúa Trịnh Tông nên vào Nam hàng phe Tây Sơn. Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh ra Bắc, hạ thành Phú Xuân, rồi thẳng tiến hạ thành Thăng Long, Trịnh Tông tự sát. Rồi Nguyễn Huệ trao quyền chính cho vua Lê Hiển Tông nhưng nắm toàn bộ quyền lực trong tay: ‘vì vua nhà Lê nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán loạn. Dẫu thế mặc lòng, Nguyễn Huệ… không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám Quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc (Trần Trọng Kim)’. 
Người ta thường nói ‘Nam Bình, Bắc Chỉnh’, mặc dù Nguyễn Hữu Chỉnh không được đánh giá cao trong lịch sử, nhưng y lại có một vai trò quan trong trong giai thoại ‘Cành đào Nhật Tân’. Đó là, để giữ sự ‘hòa hiếu’ giữa vua Lê Hiển Tông và Nguyễn Huệ, ‘mưu sĩ’ này bèn làm mai gả Ngọc Hân công chúa cho Nguyễn Huệ. Khi nghe tin này, trong một buổi yến tiệc, Nguyễn Huệ đã có ít hơi men và nói đùa là:
‘Ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà. Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?’ (Hoàng Lê nhất thống chí).
Cuộc hôn phối chính trị diễn ra chớp nhoáng trong 3 ngày, đối với Ngọc Hân Công chúa, đó gần như là ‘ép hôn’, thế mà sau đó ‘nhân duyên’ đã biến thành ‘thiên duyên’ - một cô gái thuộc dòng dõi vua chúa ở đất Thăng Long đã đem lòng yêu thật sự một chàng nông dân áo vải đến từ vùng núi đồi An Khê.
Ngọc Hân tên thật là Lê Ngọc Hân, sinh ngày 25/5/1770, là công chúa thứ 21  của vua Lê Hiển Tông, là một trong những 'viên ngọc quý' của nhà Hậu Lê, được nhân dân gọi là 'Bà Chúa Tiên' hay 'Hoàng Hậu Phú Xuân'. Lúc lấy Nguyễn Huệ, nàng mới có 16 tuổi, là người giỏi văn thơ, xinh đẹp, nết na, còn trong trắng và hoang dại - một sự hấp dẫn 'đến mùa' về giới tính đủ làm cho vị anh hùng Nguyễn Huệ ‘sa lưới tình’.
Khi biết tin mình được gả cho Nguyễn Huệ, Ngọc Hân rất lấy làm lo lắng đến  mất ăn mất ngủ. Ngày mồng mười Tết, về đến nhà chồng, đêm động phòng hoa chúc, nàng mới thấy chàng hoàn toàn khác với một vị tướng đầy quyền bính trong tay. Chàng đối xử với nàng từ tốn, dịu dàng và nhỏ nhẹ như một người anh trai với một người em gái bé bỏng, thế là bản giao hưởng ‘Nam-Bắc’ đã bắt đầu dạo lên những âm điệu tuyệt kỹ.
Đêm hợp cẩn… Khi nguyên súy Nguyễn Huệ vào, Ngọc Hân sợ quá không dám ngước nhìn lên, cũng không dám thở mạnh. Trước mắt công chúa, đôi hài thêu của nguyên súy khẽ lay động. Ngọc Hân chờ, nín thở mà chờ. Thật lâu Nguyễn Huệ không nói gì cả. Công chúa tự biết không thể cứ cúi đầu mãi thế này! Phải ngước lên mỉm cười với nguyên súy. Phải giúp người ‘xếp  bào cởi giáp’ như những người vợ hiền trong cổ thư đã làm. Phải… phải cung kính ngoan ngoãn ‘tay nâng ngang mày’ như nàng Mạnh thị. Dù có nghĩ vậy công chúa vẫn không có can đảm ngước lên nhìn thẳng vào khuôn mặt nguyên súy. 
Bỗng đôi hài trước mắt Ngọc Hân hơi xoay hướng, như dợm bước về phía cửa phòng. Nhưng sau đó, đôi hài vẫn bất động. Rồi đột nhiên Ngọc Hân cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai mình. Nguyên súy đặt yên bàn tay lên vai công chúa một lúc, rồi bóp nhẹ lên cái vai mềm. Bàn tay mơn man ve vuốt khắp vai bên phải, rồi vuốt nhẹ lên chiếc cổ trắng. Công chúa hồi hộp liếc nhìn, trong hoảng hốt chỉ nhận ra được ống tay áo gấm đỏ và một bàn tay gân guốc da ngăm.
Ngọc Hân xúc động đến nghẹn thở, hoang mang. Lúng túng chưa biết phải làm gì, nói gì. Đúng lúc đó, bất ngờ nguyên súy quì chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của công chúa. Ngọc Hân không ngờ nguyên súy làm như vậy, đôi tay chới với không biết phải làm gì, phải đặt vào đâu. Mái tóc dày và quăn phủ lên vạt áo lụa của công chúa. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến công chúa đưa tay ôm lấy vai nguyên súy.
Nguyễn Huệ ngửng lên vui mừng và lần đầu tiên, công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn Bắc Hà.
Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của công chúa, miệng mỉm cười gượng gạo như cách cười của một kẻ phạm tội, nói nhỏ nhỏ: Công chúa còn nhỏ quá và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép ai, dù là quỉ thần, được làm công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm. (Sông Côn Mùa Lũ - Nguyễn Mộng Giác)
Sau đó nàng theo chồng vào sống ở Phú Xuân. (Ngoài các Chính cung hoàng hậu là Phạm Thị Liên và Bùi Thị Nhạn, và Bắc cung hoàng hậu là Lê Ngọc Hân, Nguyễn Huệ còn có ít nhất 4 bà vợ nữa). Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (1788), nàng được phong làm Hữu Cung Hoàng hậu và làm Bắc Cung Hoàng hậu sau đại thắng quân Thanh. 
Vì Nguyễn Huệ là người sống đầy tình cảm, đầy nhân tính và rất thương ‘thiên thần bé nhỏ’, nên đã chinh phục được trái tim người đẹp. Trưa mồng bảy Tết Kỷ Dậu, khi cưỡi trên lưng voi tiến vào thành Thăng Long, chiến bào còn khét lẹt mùi thuốc súng, được nhân dân đón mừng, rồi các bô lão tiến đến tặng cho Nguyễn Huệ một ‘cành đào Nhật Tân’, vị hoàng đế áo vải đó đã không say men chiến thắng, mà lập tức phái người gửi trực chỉ về Nam cho ‘trái tim’ vô cùng yêu dấu của mình. 
Nàng sống chung với ông rất hạnh phúc, được 6 năm, và hạ sinh được hai con  là hoàng tử Nguyễn Quang Đức và công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo.
'Đến năm Nhâm Tí (1792) khi nhận thấy lực lượng của mình đã khá hùng hậu có thể đương đầu với nhà Thanh, vua Quang Trung sai Võ Văn Dũng cầm đầu một sứ bộ sang Tàu yêu sách hai điều: Đòi lại đất Lưỡng Quảng và yêu cầu được kết duyên với con gái vua Thanh. Nhưng mộng lớn chưa thực hiện được, do ‘xuất huyết não dưới màng nhện’, ông qua đời ngày 16/9/1792, thọ 39 tuổi' (Google).
Tạo hóa trớ trêu, điều con người muốn lại không phải là điều ông trời muốn: ‘Đa tình tự cổ nan di hận. Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ (Bạch Cư Dị)’. Có phải cuộc tình của nàng và chàng bắt đầu vào 'tháng bảy mưa ngâu' không mà nó lại kết thúc sớm, chàng ra đi khi nàng còn đang ở độ tuổi thanh xuân rực rỡ để nàng phải ôm mối sầu hận, có phải ‘cành đào Nhật Tân’ khi đến tay nàng không còn tươi nguyên mà nàng phải lỡ làng duyên kiếp...
Người ta thường nói, ‘dùng đàn bà để thử đàn ông’, nhưng người viết còn nghĩ là ‘giá trị của đàn ông nhiều khi được khẳng định bởi đàn bà’. Nhân dân thờ Ngọc Hân là Bà Chúa Tiên, còn Ngọc Hân tôn trọng Nguyễn Huệ như là vĩ nhân. Và cũng theo người viết, chính Ngọc Hân đã làm cho Nguyễn Huệ thêm vĩ đại, hơn là những may mắn mà ông đã đem lại cho nàng. Ông chết sớm khi nàng mới có 22 tuổi, nàng đã khóc, dòng lệ của nàng đã chảy dài theo lịch sử, và đây là một số đoạn thơ rất cảm động trong bài thơ 'Ai tư vãn' của Ngọc Hân thương khóc Nguyễn Huệ: 
Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.
Nửa cung gẫy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!...
Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,
Trông Bắc thời ngàn bạc màu sương.
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi... 
Sau đó, vì Thái sư Bùi Đắc Tuyên quá chuyên quyền, vua Nguyễn Quang Toản thì còn trẻ tuổi và bất tài, nội bộ mâu thuẫn, trong khi đó lực lượng của Nguyễn Ánh với sự trợ giúp của nước ngoài (Pháp) thì ngày càng lớn mạnh, triều đại Tây Sơn không trụ nỗi và bị sụp đổ (giữa năm 1802). Trước đó, Ngọc Hân cùng các con lưu lạc (có rất nhiều giai thoại về việc này) và mất ngày 4 tháng 12 năm 1799, thọ 29 tuổi.
Cành đào Nhật Tân’ mà Nguyễn Huệ tặng cho Ngọc Hân là một món quà của các bô lão vùng Kinh Bắc và cũng là ‘cành đào đầu tiên đã xuôi Nam ăn Tết, vì người miền Nam thời đó đón xuân bằng hoa mai’ (theo NNPhách).  
Đối với Nguyễn Huệ, cái cành đào này 'lớn hơn' 29 vạn quân Thanh!, vì sao, vì vĩ đại là do con người đặt ra, vậy trên cái vĩ đại là cái gì? Con người ai cũng có khát vọng 'tự do' mà vĩ đại cũng không đem đến tự do, do đó một cách tự nhiên, tình yêu kỳ diệu làm cho ông cảm thấy đạt được khát vọng đó!
Cái cành đào Nhật Tân này chỉ là một vật thể mỏng manh và vô cùng hữu hạn, nhưng khi được xuất hiện trong cảnh chiến trường vừa kết thúc với đầy khói lửa và được Ngọc Hân đón nhận, nó lại trở thành một vật chứng rất quan trọng của tình khúc âm dương mà đã góp phần làm cho mối tình Nguyễn Huệ - Ngọc Hân vượt không thời gian và trở thành một thiên tình sử sống mãi trong lòng người...

Nói sao cho em hiểu
Trời đã ngã cuối chiều
Màu đỏ hoa đào ấy
Chìm trong bóng cô liêu


Chiều nay không có mưa
Lòng ai vẫn cứ buồn
Nhớ dáng xinh xinh ấy
Thác sầu thả lệ tuôn


Lời tình yêu ở đâu
Xa em yêu mất rồi
Muôn đời không thấy bóng
Âm u khúc nhạc sầu... (Cảm hoài, NGLB)

4 nhận xét:

  1. Anh ơi em MMBN nè...anh nhận ra em chưa nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai chứ cái avatar có cô gái có cái khăn bịt mặt này là LB 'mãi mãi nhớ hoài',hì..hì..., chúc chiều vui.

      Xóa
  2. Lưu (cảm hoài):
    Đời hoang có bóng em qua
    Mưa hoang có dáng ai vừa lướt êm
    Tối hoang có vóc ai mềm
    Khuya hoang có tiếng êm đềm bên tai
    Ngắm nàng cảm hạt sương bay
    Tim liền động động, hồn say say hồn
    Em còn mơ mộng phải hôn?
    Em phơi dáng vóc mặn nồng dại hoang
    Với anh trong cõi địa đàng
    Dáng em sẽ dậy muôn ngàn sắc hương
    Ngại gì sắc sắc không không
    Làm người ta cứ hết lòng vì yêu.

    Trả lờiXóa
  3. Lưu (cảm hoài):
    Nắng vàng trước cửa lung linh
    Có ai than thở một mình với ai
    Chờ bóng anh, ốm hình hài
    Chàng xa nơi ấy, làm sao tỏ tình!

    Trả lờiXóa