Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

221. Napoleon - chuyên gia 'sa lưới tình'

Bơ vơ lạc lỏng, trong chốn tục trần
Cuộc đời tan nát, lạc cõi phù vân 
Rả rích khuya mưa, ứa tràn dòng lệ
Tình chết trong mê, về đến mộ phần
Cuộc đời là như vậy, phải không anh?
Như chiếc thuyền nan, tan vỡ chòng chành
Gió thôi nhẹ tênh, em lòng giông bão
Nhìn xuống đáy sông, còn chỉ bóng mình
(NGLB)

Mình đang viết về ‘Napoleon - chuyên gia sa lưới tình’ hay ‘Nửa cuộc đời của Napoleon’. Tình yêu có thể là mặt sau của sự nghiệp, đó là cách để ta nhìn nhận thực chất của một con người, vì con người như thế nào thì tự nhiên sẽ phản ánh như thế đó, hơn nữa, có nhiều người tưởng là mình ‘làm như thế’ thì sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân dân hay nhân loại, nhưng thực sự ‘không phải thế’, Napoleon (đệ nhất) là một ví dụ điển hình.

Napoleon I, hay Napoléon Bonaparte (tiếng Pháp), trước giải phóng gọi là Hoàng đế Nã Phá Luân đệ nhất, xuất thân trong một gia đình quý tộc Ý tại đảo Corsica (đảo Coóc), sinh ngày 15/08/1769 và mất ngày 05/05/1821. Trong 10 năm đầu thế kỷ 19, ông dẫn dắt Đệ nhất đế chế Pháp tiến hành cái được là ‘cuộc chiến Napoleon’ để tranh giành địa vị bá chủ Châu Âu. Trở thành hoàng đế Pháp năm từ 1804 đến năm 1815, ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn châu Âu và được xem là một trong những thiên tài quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại... Ngày 24/6/1815, Napoleon thoái vị và bị lưu đày trên đảo Saint Helena ở Đại Tây Dương, cuối cùng ông chết năm 1821 vì bị ung thư dạ dày, thọ 52 tuổi (xem phần 'Bổ sung tư liệu' ở dưới).



Khi nhắc đến Napoleon, người ta thường nhắc đến các chiến công của ông, xem ông như là nhà tổ chức, nhà chính trị, ‘luật gia’ và là thiên tài quân sự, cái đó nghe hoài ‘nhàm’ lắm rồi, thực ra, một kẻ muốn làm bá chủ thế giới và đem lại đau khổ cho nhân loại thì dù có tài đến đâu cũng không đáng coi trọng, do đó mình không quan tâm lắm đến sự nghiệp của ông. Nhưng được biết là ông rất hảo tình, rất si tình và rất chung tình, thế mà lại là kẻ rất không may mắn trong tình trường, đó là điều rất lạ kỳ và đáng quan tâm!

'Yêu em anh chẳng ngại quỳ'
Anh xem em tựa quý phi, nữ hoàng
Tính anh có chút 'tàng tàng'
Nhưng tình anh lắm mơ màng, em yêu!
Thương em nhỏng nhẽo đủ điều
Thương em nũng nịu, anh chìu em ngoan
Phong lưu là tội của chàng
Nắng mưa là tội của nàng đấy thôi
Đào nguyên vị đắng tuyệt vời
Lạc vào cõi đó, ông trời cũng quên!
(NGLB)
Người ta còn nhắc đến ông như là một trong những người viết ‘Những bức thư tình hay nhất thế giới’! Trước hết, mình cũng cần phải nói là người ta hay lấy nhiều thứ của những người nổi tiếng rồi đề cao nó lên, xin lỗi, mình tin là có nhiều blogger viết thư tình hay hơn Napoleon nhiều. Nhưng mình nhắc đến ‘những bức thư tình của ông’ là vì ông nói thực lòng những tình cảm nóng bỏng khi đang yêu và không nói những lời giả dối khi đã hết yêu, hơn nữa, những bức thư tình này còn gắn bó với một giai đoạn ‘nhỏ’ trong lịch sử thế giới, thế thôi.

Một số chuyện tình của Napoleon:


1. Tình yêu đơn phương của Napoleon với Caroline:


Có một người, thấy cô gái buồn
Bỗng muốn bồng lên... và cái hôn
Bỗng muốn dẫn nàng đi đâu đó
Đi dạo bờ sông, mát cả hồn (NGLB)
Lịch sử thường nói Eugenie là mối tình đầu của ông, nhưng thực ra trước đó ông đã một lần yêu đơn phương và một lần phản bội người đã đính hôn với mình.
Khi 16 tuổi, là một thiếu úy pháo binh, y có yêu một nàng không xinh lắm nhưng rất dễ thương, đó là nàng Caroline.
Sau nhiều lần tán tỉnh vào theo đuổi, thấy nàng không quan tâm và nhận ra đó chỉ là tình yêu đơn phương, y đành chấp nhận rút lui và viết ‘Em không hề có trong tim mình mối tình si giống như anh dành cho em. Vì vậy anh xin làm kẻ lầm lũi thu hồi lại tình cảm của mình’.
Nhưng y vẫn trung thành với tình cảm của mình, không những không oán trách nàng, mà khi làm hoàng đế, y còn cho nàng một chức trong Cung thái hậu, và khi bị lưu đày ở đảo Saint Helena, y vẫn nhớ về cái cô bé nho nhỏ xinh xinh ‘đi bộ dưới nắng và hái quả anh đào’.

2. Napoleon phản bội người tình là Eugenie:


Anh ra đi - một chiều mưa hạ
Sáng trời mờ, chiều lại mưa sa
Tối một mình, bài thơ dang dở
Khuya than thở, kín hở vóc ngà
(NGLB)

Napoleon đã hai lần lấy vợ và đều bị vợ phản bội và ngoại tình, nhưng chính y cũng có lần phản bội người tình đã đính ước với mình.
Năm 25 tuổi, sau chiến thắng trong chiến dịch Toulon, với ý định tìm vợ có của hồi môn, y gặp nàng Eugenie, con gái của một thương gia giàu có ở Marseille, khi đó nàng mới có 16 tuổi. Một năm sau, đi chinh chiến ở Áo về, thấy nàng trở nên đẹp lộng lẫy, từ chỗ muốn kiếm ‘của hồi môn’, y đã quay sang yêu nàng thật sự và giữa hai người đã có đính ước.
Sau đó, y đi Paris mưu cầu sự nghiệp và luôn mang theo lọn tóc của nàng, trên đường đi, y đã viết ‘Không phút giây nào anh không nhớ tới em. Hình ảnh em mãi in sâu trong tim anh… Anh nguyện cả cuộc đời này sẽ thuộc về em’. Đến Paris, trong cơn yêu, y lại tiếp tục viết ‘Anh cầu xin em không được có một ngày không viết thư cho anh, không một bức thư nào được quên thề yêu anh mãi mãi”. Nàng cũng đáp lại tình yêu của y, có lần y bị bắt giam, nàng đã khóc sướt mướt, đi thăm chàng, phục vụ những thứ cần thiết cho chàng, làm chàng cảm động và nguyện ước yêu nàng suốt đời!
Không ngờ sau đó, cánh cửa vinh quang của cuộc đời y lại bừng lên rạng rỡ, tại Paris - thế giới của phù hoa, y đã vướng phải lưới tình của nàng Josephine ‘sành điệu trong tình trường’ mà quên đi người tình bé bỏng tội nghiệp trước đây của mình. Eugenie đã gục ngã trong sự thất vọng và viết: ‘Anh quả thật là con người tàn nhẫn, anh đã đẩy em vào tình trạng tuyệt vọng cùng cực. Vậy mà em từng nghĩ rằng anh chính là một người đàn ông xứng đáng để em yêu trọn đời. Tại sao anh có thể đối xử với em, một cô gái bé bỏng đáng thương, như vậy?’.
Nhưng thượng đế đã bù trừ cho nàng những gì đã mất. Y cũng tử tế, sau khi chia tay nàng để lấy Josephine, y đã làm mai nàng cho vị tướng của mình là Bernadotte mà sau này là con nuôi của quốc vương Thụy Điển. Khi vua chết, Berbadotte kế tục ngôi vua và Eugenie nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu Thụy Điển.

3. Người mà Napoleon yêu nhất - Josephine:



Đừng nhớ sao được em thương
Em quên anh mất!, thiên đường mỏng manh
Nhớ ai đội mũ rộng vành
Nhớ ai da trắng, nhớ gần nhớ xa
Nghê thường mộng cõi thiên thai
Nghê thường chốn ấy, ai mà không mê
Em đâu có biết tình yêu!
Mà em chỉ biết dập dìu trăng hoa (NGLB).

Josephine là một góa phụ đã có 2 con, ngoài nét đẹp đằm thắm, nhã nhặn, cư xử khéo léo, tế nhị và biết lấy lòng người, nàng còn có tính tình hời hợt, thiếu chiều sâu, ham vui, ăn tiêu vô độ, nợ nần chồng chất, rất sành điệu trong tình trường và có rất nhiều người tình.
Napoleon tình cờ gặp nàng ở nhà Barras - một trong những người tình của nàng, tiếng sét ái tình đã nổ ra, mũi tên của thần Eros đã bắn gục y ngay dưới chân nàng, Josephine ngẫu nhiên có một quyền lực vô hình khiến y hồn xiu phách lạc, đeo đuổi đến điên cuồng và 6 tháng sau y cưới nàng (1797), và hiển nhiên là y đã phản bội đính ước với nàng Eugenie.
Nàng là tình yêu lớn nhất trong đời y, sau khi cưới nàng được 21 ngày, từ chiến trường Nice, y đã viết thư cho vợ chứa đầy tình yêu đam mê, nỗi nhớ và buồn bã: ‘Chẳng có ngày nào anh không yêu em. Chẳng có đêm nào anh không ôm em vào lòng. Chẳng có khi nào anh uống trà mà không nguyền rủa cái chiến công và tham vọng đã nắm giữ anh, khác hẳn với tâm hồn anh. Joséphine yêu dấu của anh, là duy nhất trong trái tim anh, đủ chiếm giữ tinh thần anh, chiếm lĩnh mọi suy nghĩ của anh. Nếu như anh xa em với vận tốc của dòng thác sông Rhône, đó là để gặp lại em nhanh hơn. Nếu như giữa đêm khuya, anh vùng dậy làm việc, đó là vì có thể được gặp em trước vài ngày’.
Có lẽ vì yêu ‘sắc đẹp’ nên y phải trả giá đắt bằng một người vợ ngoại tình công khai, nàng không tôn trọng y (mà chỉ tôn trọng những cơn ghen điên cuồng của y!) và không quan tâm đến việc y thắng hay bại nơi chiến trường, nhưng y vẫn yêu nàng tha thiết, khi lên làm hoàng đế, y vẫn phong nàng làm hoàng hậu.
Sau đó vì sống chung 13 năm mà nàng không sinh con nối dõi, cộng thêm tính không chung thủy của nàng làm tình yêu của y dần dần nguội lạnh, năm 1809, y mới ly hôn nàng nhưng vẫn tận tình giúp đỡ, chu cấp cho nàng suốt đời và tặng nàng một lâu đài ở vùng Malmaison (cách Paris 6 km).
Có một điều cực kỳ cay đắng là khi y thất bại thê thảm và bị lưu đày ở đảo Elbe trong 9 tháng, người đàn bà mà y yêu thương nhất này không những không hỏi han lấy một câu và không bao giờ đến thăm y, mà còn mãi mê lo tiếp khách, ăn chơi! Sau buổi tiệc chiêu đãi Nga hoàng Alexandre, Josephine bị cảm lạnh chết ngay tối ngày 29/05/1814 (thọ 51 tuổi), khi đó, Alexandre đang ngồi bên cạnh giường của nàng.

4. Người tình duy nhất yêu Napoleon - Marie Waleska:



Anh buồn lang thang đi tìm em
Chiều xuống mơ hoang, nắng chạm thềm
Nàng xa nơi xứ mù sương ấy
Kẻ ở nơi đây lụy dáng mềm
(NGLB)

Trong số hai bà vợ và các người tình của Napoleon, chỉ có duy nhất có một người phụ nữ yêu y và chung thủy với y, đó là Marie Waleska - nữ bá tước Ba Lan.
Năm 1807, Liên minh Nga - Áo chống Pháp (chỉ huy bởi Nga hoàng) bị đại bại, Napoleon tiếp cận đất nước Ba Lan và được dân chúng Warszawa đón mừng, tại đấy, Marie - một phụ nữ ái quốc và xinh đẹp, cải trang làm một phụ nữ quê mùa, đến gặp y để cầu xin độc lập cho Ba Lan (Napoleon đã giúp và nền độc lập này bị mất đi khi y thua trận cuối cùng). Marie khi 20 tuổi đã bị ép hôn, có chồng là một bá tước 70 tuổi.  
Khi gặp nhau, nàng 22 tuổi, còn y 38 tuổi. Tưởng rằng ‘kế mỹ nhân’ của nàng sẽ chinh phục được vị ‘hoàng đế Pháp’ này, không ngờ phong cách lịch lãm của y làm nàng bị ‘tiếng sét ái tình’ ngay lần gặp đầu tiên, sau đó hai người gặp nhau thường xuyên. Được giới chính trị Ba Lan ủng hộ, ban đầu nàng tưởng đồng ý làm tình nhân của y là vì lòng yêu nước, nhưng sau đó nàng yêu y thật sự.
Nàng rất nữ tính đã mê hoặc y và làm cho y càng ngày càng yêu nàng hơn, cuộc tình này kéo dài 3 năm (và dai dẳng được 10 năm cho đến khi nàng qua đời). Một sử gia nói rằng ‘khoảng thời gian này như một phép lạ’, sau đó nàng thụ thai và tặng cho y một đứa con - một kết quả của tình yêu.
Khác với bà vợ đầu tiên của y, nàng lặng lẽ nuôi con, âm thầm chịu đựng khi biết y cưới vợ hai và mê mãi với những cuộc chinh chiến. Khi y thất bại và bị lưu đày hai lần ở đảo, hai bà vợ của y và tất cả các người tình đều bỏ rơi y, chỉ trừ nàng và con lặng lẽ đến đảo thăm, khóc sướt mướt, chăm sóc y, và sau khi y mất, nàng đã viết một cuốn hồi ký về mối tình này.

5. Người vợ ‘chính trị’ của Napoleon - Marie Louise


Anh vẫn chờ em mỗi lần mưa
Tin nhắn ngày nao mãi nhớ hoài
Dáng xinh xinh ấy chờ không thấy
Em ảo quá trời, em tin chưa!
(NGLB)

Người vợ thứ hai của Napoleon là Marie Louise, công chúa nước Áo. Lần này y lại gặp phải một bà vợ ngoại tình.
Sau khi đánh bại quân Nga - Áo năm 1805, Napoleon tiến vào thành phố Viene, vua Áo bỏ chạy, công chúa Marie Louise vì bị bệnh nặng phải ở lại. Quả là duyên phận, khi gặp công chúa, y có cảm giác rằng nàng sẽ đem lại cho y đứa con nối dõi.
Li hôn với Josephine vì không có con, năm 1810, Napoleon tổ chức đám cưới với nàng tại Paris, lúc đó nàng 18 tuổi, còn y bốn mươi tuổi. Ngày 20/3/1811, nàng hạ sinh được một bé trai, đó là Napoleon II (xem phần 'Bổ sung tư liệu' ở dưới).
Vì nàng không bao giờ yêu y và vì cuộc hôn nhân của y và nàng chỉ là một cuộc hôn phối chính trị, trong đó y muốn có con nối dõi, còn nàng là vì tổ quốc, nên khi bị bắt và bị đày, y ở đảo mỏi mắt trông chờ vợ con đến thăm, trong khi đó nàng đang sống chung với tình nhân, không lần nào đến thăm y mà chỉ viết vài bức thư hỏi thăm. Sáu năm sau, khi đọc báo thấy nói mình quả phụ, nàng mới biết là y đã chết ngày 5/5/1821, thật là phủ phàng!

6. Napoleon được ‘thiên thần bé nhỏ’ yêu:



(Hình: Emma Watson trong vai 'Thiên thần bé nhỏ' Betsy)
Tình yêu là nhân đôi
Ghế có hai chỗ ngồi
Nơi quán cà phê ấy
Tim ai đập bồi hồi
(NGLB)

Có lẽ tình yêu đẹp nhất và đích thực nhất trong đời Napoleon là với một cô bé, thậm chí đây mới phản ánh đúng con người thật của y khi về lại với chính mình.
Năm 1815, sau khi bị đánh bại thảm hại trong trận chiến Waterloo, y bị lưu đày suốt đời trên đảo Saint Helena, tại đây, gia đình Balcome - một gia đình ngư dân đã ‘ngưỡng mộ và cảm thông’ với vị hoàng đế sa cơ mà cho y tạm trú trong một căn lều nhỏ bé của họ.
Và cũng chính tại đây, ông đã gặp một ‘thiên thần bé nhỏ’ tên là Betsy, mà đã đem lại một tình yêu trong sáng và là mặt trời sưởi ấm trái tim y trong những ngày ở ngục tù đầy tủi nhục, đen tối và tuyệt vọng.
Cô bé lúc đó mới có 14 tuổi, nhỏ hơn y 32 tuổi, còn hồn nhiên, hoang dại, thích nhỏng nhẻo, nũng nịu, trêu ghẹo, đùa giỡn, nghịch phá và trò chuyện với ‘bác’ Napoleon, thậm chí cô còn dạy ‘bác’ học tiếng Anh. Cô (và các anh em trai) đã nhanh chóng trở thành bạn của ‘bác’ Napoleon, cô đã đặt nickname của y là ‘Boney’, còn y đặt nickname của cô là ‘Nụ hồng của phố Helena’, ngày ngày hai người rất gắn bó với nhau, đặc biệt, khi chơi với y, cô mới là 'hoàng đế', còn y trở thành một tên lính quèn, hiền lành và ngoan như một... chú cừu non!
Bắt đầu từ tình bạn vong niên, rồi những rung động ban đầu về giới tính, tình yêu của cô bé dần dần lớn lên với ‘bác’ Napoleon bằng một quả tim thánh thiện, ngược lại Napoleon cũng đã dành trọn vẹn tình yêu và niềm tin trong trái tim của y cho cô bé trong những ngày tháng tuyệt vọng và vô vị cuối đời.
Sau đó, năm 1818, sợ y lại vượt ngục, chính quyền Anh đã tiến hành cách ly giữa gia đình cô bé và y: hoàng hôn đã buông xuống cuối chân trời, rồi ánh nắng mặt trời tắt lịm sau chân núi, Napoleon vô cùng buồn bã và tinh thần nhanh chóng suy sụp, đó là một trong những nguyên nhân mà 3 năm sau y qua đời.
Nhưng tình cảm của ‘thiên thần bé nhỏ’ đối với y thì vẫn còn in đậm và không bao giờ phai nhạt, 20 năm sau, cô đã viết một thiên hồi ký kể lại tình yêu của mình với ‘bác’ Napoleon, và đó là một trong những thiên tình sử cảm động nhất thế giới đến nỗi mà đọc qua, hiếm ai mà không cảm động rơi nước mắt.
‘Chuyện tình của họ cũng gây rung cảm cho các nghệ sĩ hậu thế. Một bộ phim về mối tình cuối đời của Napoleon đã được sản xuất, trong đó người đóng vai Betsy là Emma Watson, cô gái trẻ rất thành công trong vai phù thủy Hermione, phim Harry Potter’.

Sóng này là sóng nào
Sóng gặp mắt, sóng xao
Sóng gặp môi, sóng động
Sóng gặp tim, sóng trào
(NGLB)

Các chiến công của ông (kể cả thất bại) chỉ là một nửa cuộc đời của ông hay chỉ là nửa cái vòng tròn mà thôi. Chính các cuộc tình thú vị của ông mới là nửa cái vòng tròn còn lại. Hãy nghĩ thử xem, nếu tất cả cái gì tròn tròn ta gặp, mà ta đều thay bằng hình tam giác, hình vuông, hình chữ  nhật, hình đa giác hay một cái hình gì méo méo…, thế thì còn gì là cuộc đời!

Việc ‘si tình’ của ông không ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Là một người hào hoa trong tình trường, Napoleon có hai đời vợ và cả… tá người tình, ngoài việc yêu nhất là người vợ đầu tiên (Josephine), ông còn bị ‘sa lưới tình’ bởi nhiều phụ nữ khác. Nhưng cũng là một kẻ không may mắn trong tình trường, ông bị thất bại trong mối tình đầu, lấy hai người vợ đều phản bội, ..., chỉ duy nhất một lần thành công, đó là với người tình Marie Waleska và, đặc biệt là ‘mối tình’ cuối đời vô cùng thánh thiện giữa ông với ‘thiên thần bé nhỏ’ Betsty mà có thể nói là một trong những mối tình đẹp nhất thế gian.


Cân bằng giữa cái được và cái mất, mình thấy cuối đời Napoleon chả được cái gì cả ngoài sự thất bại và phủ phàng. Do đó, một lần nữa, mình không quan tâm lắm đến sự nghiệp của Napoleon, cuộc đời là vô thường, tất cả đều là phù du, một thực tế là không biết bây giờ y đang nằm trong đống cát bụi nào nữa. Một thực tế khác, đó là hình như Napoleon có cái gì đó, mà khi y thất bại, những người tình của y đều bỏ rơi y (trừ Marie Waleska), có lẽ những người đàn bà của y quan tâm đến cái khác chứ không quan tâm lắm đến cái mà y cho là ‘sự nghiệp vĩ đại’.



Cuối đời của Napoleon, thượng đế không đến nỗi quá vô tình với y nên đã cử một ‘thiên sứ’ đến để an ủi trái tim ‘cô đơn và tuyệt vọng’ của y, đó là ‘thiên thần bé nhỏ’ Betsy. Tình yêu mà cô bé đem lại cho y mới chính là giá trị đích thực mà Napoleon có được, chứ không phải là thứ danh vọng phù phiếm và hư ảo mà trong sử sách đã ghi chép. Chắc chỉ với trái tim không vướng bụi trần, không biết cái gì là vinh quang hào nhoáng của các ‘chiến trận’, mà Betsy mới có thể 'tặng' cho y một tình yêu thuần khiết vượt qua mọi giá trị tầm thường của thế tục như vậy, phải chăng đó là một kỳ duyên của tạo hóa và phải chăng tình yêu đó là bất tử!
----------------------------------
Bổ sung tư liệu:
Có đến 3 Napoleon, đó là Napoleon I, Napoleon II và Napoleon III, trong đó, Napoleon I là nhân vật đáng nói đến nhất trong entry này. Napoleon II hay còn được gọi là ‘Đại bàng con’ (là con của người vợ thứ hai - công chúa nước Áo Marie Louise) trở thành Napoleon đệ nhị vào lúc 3 tuổi (năm 1814), nhưng chưa thực sự trị vì nước Pháp và qua đời vào ngày 22/7/1832 (năm 21 tuổi) vì bệnh lao phổi. Napoleon III (là con của em trai của Napoleon I với con gái riêng của bà Joséphine - vợ đầu của Napoleon I), làm tổng thống từ năm 1848, đến năm 1852 thì xưng đế, tên tuổi ông gắn liền với cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam, năm 1781 ông thua tại trận Sedan, bị quân Phổ bắt sống, lưu đày và cuối cùng chết tại Anh vào năm 1873.
N
apoleon I, hay Napoléon Bonaparte (tiếng Pháp), trước giải phóng gọi là Hoàng đế Nã Phá Luân đệ nhất, xuất thân trong một gia đình quý tộc Ý, là người con thứ hai trong một gia đình có 8 người con tại đảo Corsica (đảo Coóc), sinh ngày 15/08/1769 và mất ngày 05/05/1821. Trong 10 năm đầu thế kỷ 19, ông dẫn dắt Đệ nhất đế chế Pháp tiến hành cái được là ‘cuộc chiến Napoleon’ để tranh giành địa vị bá chủ Châu Âu. Trở thành hoàng đế Pháp năm từ 1804 đến năm 1815, ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn châu Âu và được xem là một trong những thiên tài quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại (gồm: 1. Alexandros Đại Đế, 2. Ceasar, 3. Erwin Rommel (Đức quốc xã), 4. Hannibal (Hy Lạp), 5. Heinz Guderian (Đức quốc xã), 6. Napoleon đệ nhất, 7. Kutuzop, 8. Thành Cát Tư Hãn, 9. Trần Hưng Đạo, và 10. Võ Nguyên Giáp - Do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh bình chọn trong số 98 vị tướng từ cổ đại đến hiện đại (vào tháng 2 năm 1984), được đúc tượng vàng và đặt ở Viện bảo tàng lớn nhất Luân Đôn).

Nói chung, thành công của Napoleon là nhờ có tài, có 'thần kinh thép', do thực tiễn lịch sử ở Pháp và Châu Âu thời ấy, và một phần nhờ may mắn/biết chớp thời cơ. Nói riêng, trên con đường chinh phục Châu Âu của Napoleon, hai nước Anh và Nga là hai đối thủ đáng gờm nhất mà hầu hết các trận chiến đều xoay quanh hai đối thủ này. 

Để tiện cho các blogger theo dõi, cuộc đời và sự nghiệp của Napoleon có thể tóm tắt với các nét chính như sau:

1. Khởi nghiệp: Tháng 1/1779, ông được học tiếng Pháp tại một trường tôn giáo ở Autun, nước Pháp, mấy tháng sau đó vào một Học viện quân sự của Pháp và được đào tạo để trở thành sĩ quan pháo binh. Ngày 14/7/1789, cuộc Cách mạng Tư sản Pháp bùng nổ, đảo Coóc tách khỏi nước Pháp, Napoleon không được tin cậy, phải quay lại phục vụ cho quân đội Pháp tại Paris. Tháng 4/1791, ông được bổ nhiệm làm Trung úy Pháo binh đóng tại Valencia. Đầu năm 1792, ông được phong Đại úy. Tháng 9/1792, ông được phong Thiếu tá và làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn Pháo binh (do Chỉ huy trưởng bị thương). Tháng 12/1793, ông được phong hàm Thiếu tướng (mới 24 tuổi) do chỉ huy pháo binh giúp quân Cách mạng Pháp đánh thắng hạm đội Anh tại Toulon.
2. Vinh quang: Năm 1795, do dập tắt được vụ bạo lạo của quân Bảo hoàng tại Paris, ông được tin cậy và làm phụ tá cho Tử tước Barras (tư lệnh quân cảnh vệ Paris). Năm 1796, Anh, Nga và Áo liên minh đánh Pháp, Napoleon chỉ huy ‘chiến dịch Bắc Ý’, đánh tan quân Áo, Áo phải ký hiệp định đình chiến. Năm 1797, để chuẩn bị cho việc tấn công nước Anh qua eo biển Manche, trước hết ông tấn công Ai Cập (tháng 5/1798), chinh phục đồng bằng sông Nil, sau đó ông phải rút lui khỏi Ai Cập mặc dù đánh bại được quân Thổ Nhỉ Kỳ. Sau trận sông Nil, các nước Anh, Áo, Nga và Thổ đã họp thành một liên minh quân sự mới, chống lại nước Pháp. Mùa xuân năm 1799, quân đội Pháp bị thua nhiều trận tại Ý và buộc phải rút quân vào tháng 8/1799, lúc đó tình hình tại Pháp rất lộn xộn. Ngày 9/11/1799, được sự ủng hộ của dân và quân đội, Napoleon làm cuộc ‘Chính biến tháng Sương mù’ và trở thành Đệ nhất Tổng tài của nước Pháp. Năm 1800, tại trận Marengo, quân Áo và Ý bị đánh tan tác. Anh, Ý và Nga phải ký hòa ước Amiens. Ngày 2/12/1804, tại Nhà thờ Đức bà Paris, Napoleon giật chiếc mũ vương miện từ tay Giáo hoàng để tự đội lên đầu mình, y đã trở thành hoàng đế Napoleon I.
3. Tạo dựng: Từ 1804 đến 1813, ngoài các nước chịu ảnh hưởng của Pháp như Đan Mạch, Na Uy, Phổ và Áo, để chống lại các thế lực bên ngoài là Anh, Nga, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, Napoleon đã xây dựng quân đội Pháp từ 400.000 đến hơn 1.000.000 người và trở thành đội quân hùng mạnh nhất Châu Âu. Năm 1805, trận Trafalgar, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đại bại trước lực lượng hải quân Hoàng gia Anh, phá tan cái mộng xâm lược của Napoleon. Cùng năm, trận Austerlizt diễn ra tại cánh đồng Austerlizt ở Moravia, một bên là liên minh Nga - Áo, chỉ huy bởi Nga hoàng (và tư lệnh Kutuzop), trận chiến xảy ra rất giằng co và khốc liệt, cuối cùng Liên minh Nga - Áo bị đại bại. Năm 1806, Napoleon đánh thắng quân Phổ 2 trận liên tiếp ở Jena và Auerstaedt, đồng thời tiến hành chương trình ‘Hệ thống phong tỏa Lục địa’, chủ yếu là tiến hành chiến tranh kinh tế với nước Anh. Năm 1812, vì thấy Nga vẫn còn giao thương với Anh, Napoleon bèn huy động 65 vạn quân tấn công nước Nga, vì thời tiết băng giá mùa đông của Nga, đất đai quá rộng, phần thì xa xôi cho việc tiếp tế lương thực, súng đạn (hay bị rơi vào cuộc chiến tranh nhân dân với sách lược ‘vườn không nhà trống’ của Kutuzop), nhất là bị thất bại trong trận chiến ở Borodino, Nappoleon buộc lòng phải rút quân về nước (còn khoảng 3 vạn quân).
4. Kết thúc: Năm 1814, ông lại bị Liên minh gồm Anh, Nga, Áo, Phổ và Thụy Điển đánh bại tại Leipzig. Sau đó, liên quân dùng sức mạnh chính trị, bất ngờ chiếm thủ đô Paris, ông bị buộc phải từ chức và bị lưu đày ở đảo Elba. Tối 26/2/1815, ông vượt ngục, đi đến đâu quân đội theo đến đó, trở lại ngôi vị Hoàng đế Pháp, rồi ông bị thất bại thảm hại trong trận chiến nổi tiếng Waterloo (trong 2 ngày, 18-19/6/1815, liên quân Anh - Phổ, do Công tước Wellington chỉ huy), đến ngày 24/6/1815, Napoleon thoái vị, kết thúc chính quyền 100 ngày của ông, và bị lưu đày suốt đời trên đảo Saint Helena ở Đại Tây Dương, cuối cùng ông chết năm 1821 vì bị ung thư dạ dày (có giả thiết nói là ông bị đầu độc bằng thạch tín!), thọ 52 tuổi, thế là chấm dứt cuộc đời ‘phù du’ của một kẻ ôm mộng làm ‘bá chủ thế giới’. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét