Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

437. Vô cùng bé và vô cùng lớn


Sáng mới vừa thức dậy, pha xong ấm trà Bắc và phin cà phê, kẻ ‘vô cùng bé’ này lại bắt đầu truyện 'nghìn lẻ một ngày’ bằng câu chuyện thứ 437 dưới đây, hì.. hì…
*
Chúng ta hãy bắt đầu bằng ‘tính tương đối’ bằng cách minh họa thế nào là lớn và thế nào là bé.
Lớn là so với cái bé, còn bé là so với cái lớn. Ví dụ:
-con ếch là… ‘lớn’ so với cái miệng giếng, nhưng là ‘bé’ so với bầu trời,
-con người là ‘lớn’ so với… con kiến, nhưng là ‘vô cùng bé’ so với ‘bầu trời’,
-bầu trời là lớn so với con ếch/con người, nhưng là ‘bé’ so với vũ trụ’,
-vũ trụ là lớn so với bầu trời nhưng là bé so với ‘vô cùng’ (vô cực)...
Cụ thể, ông thôn trưởng (ở vùng sâu vùng xa!) là… ‘lớn’ so với các thảo dân ở trong thôn, nhưng là ‘bé’ nhất so với tất cả các chức vụ khác trong nước và trên thế giới. 
Bởi vậy, ở ta, có một số blogger gọi cái tính hay xưng ‘tôi là số một’ là tính ‘văn hóa ao làng’ (có người gọi là ‘văn hoá thái ấp’ hay ‘văn hóa sau lũy tre tre làng’). 
Và bởi vậy ông bà ta còn có các thành ngữ như ‘ếch ngồi đáy giếng’, ‘thùng rỗng kêu to’, ‘chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng’, ‘người giỏi còn có người giỏi hơn’, ‘ngoài trời còn có trời cao hơn’  … là ý nói liên quan đến 2 khái niệm nói trên.
*
Việc ta thấy các ông ‘thánh’ như Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Heraclitus, Pythagore… nói rất khó hiểu có thể là vì ta không biết rằng các ổng cơ bản dựa trên 2 khái niệm 'vô cùng bé và vô cùng lớn', tựu trung là khuyên ta ‘đừng lấy cái vô cùng bé của ta để so sánh với cái vô cùng lớn của vũ trụ’:
-‘tự lượng sức mình’ (Lão),
-‘đạo mà nói được không phải là đạo, danh mà xưng được không phải là danh’ (Lão),
-‘sống đã lấy gì làm vui, chết đã lấy gì làm khổ’ (Trang),
-‘đến như nước chảy, đi như gió, không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!’ (Trang!, trong truyện Kim Dung) ,
-‘thoắt lặng không hình, biến hóa không thường’ (Trang),
-‘ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu’ (Khổng),
-‘nước không bao giờ chảy hai lần qua một dòng sông’ (Heraclitus),
-‘đừng thấy cái bóng to của mình trên tường mà tưởng mình là vĩ đại’ (Pythagore)…
Mấy ông nói các câu đó cách đây khoảng 2500 năm, lúc mà còn tồn tại các ‘bộ lạc’ hay ‘công xã nguyên thủy’, lúc mà tư duy của họ còn ‘cổ đại’, ‘thô sơ’, lúc mà khoa học chưa phát triển… Nhưng ngày nay, các blogger đã quá số biết 0, số Pi, số âm, số phức, định lý Pythagore (tam giác vuông), định luật Archimède (lực đẩy)…, rồi phép tính tích phân và vi phân, thuyết tương đối, vật lý nguyên tử/hạ hạt nhân, cơ học lượng tử, phương trình đạo hàm riêng…, rồi quản lý kinh tế, công nghệ thông tin, Google, tiếng Anh…, tại sao ta lại còn thấy là mấy ổng nói là… khó hiểu và vĩ đại!
Xin lỗi, nếu ta mời các ông này mà ra quán cà phê mà nói chuyện ‘thời sự’ thì chắc chắn các ổng chỉ có nước ngồi im và niệm ‘a di thò phò’ liên tục, hì.. hì…
*
Vậy từ ‘vĩ đại’, ‘đại gia’, ‘siêu sao’… từ đâu mà có? Đó là do các ‘hai lúa’ tự phong cho nhà bác học/người giàu/cầu thủ/giới showbiz..., nhưng trừ một số 'ếch', nhiều người còn lại không nghĩ như vậy:
-nếu ông Newton còn sống, ta gọi ổng ra quán cà phê và nói rằng ổng là ‘vĩ đại’ thì chắc ổng ngơ ngác, rồi ổng lại thì thầm rằng ‘một đại dương chân lý đang trải rộng ra trước mắt tôi’,
-nếu ta gọi ông Einstein là ‘vĩ đại’ thì chắc ổng cũng ngơ ngác, rồi bỗng sửng sốt vì sự kỳ diệu của ‘một con bọ cánh cam’ nào đó đang đậu trên bàn cà phê, và sau đó tâm sự với ta rằng: ‘kiếp sau tôi mơ ước được làm nghề thợ đóng giày’,
-nếu ta gọi ông Steve Jobs là ‘đại gia’ thì ổng lại cho rằng ‘cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của tạo hóa’,
-nếu ta gọi ông Mạc Ngôn là ‘đại văn hào’ thì ổng sẽ giới thiệu bút danh của ổng là ‘mạc ngôn’ (= không nói),
-nếu không nhầm thì các nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz như Lý Tiểu Long, Leo Sayer, Hồng Nhung.. thì chả bao giờ tự xưng mình là ‘siêu sao’ cả…
-hơn nữa, ‘đại gia’ Lê Ân (Làng du lịch Chí Linh - Vũng Tàu) mặc dù có một lượng vốn hơn 1500 tỉ đồng, nhưng ông nghiệm ra rằng ‘mọi sự trên đời này đều là phù du hư ảo’ và ông tôn trọng ‘chữ tình, dẫu có phai nhạt thì vẫn là tình’...
Ngoài ra, các ‘hai lúa’ nếu gặp ‘cơ’ thì cũng có khả năng thành đạt lắm chứ, ông Trương Phi (trong ‘Tam quốc chí’) thời thanh niên chỉ là một gã bán thịt heo, ông Đinh Bộ Lĩnh thời niên thiếu chỉ là một cậu bé chăn bò, nàng ‘Y Lan nguyên phi’ lúc tuổi trăng rằm chỉ là một cô thôn nữ trồng dâu nuôi tằm, ông Trương Tấn Đời (Ngân hàng Thương Tín trước giải phóng) lúc còn nhỏ chỉ là một cậu bé đánh giày, ông Putin thuở thiếu thời chỉ là một cậu bé nhặt nhôm nhựa…
*
Thực tế hơn, có một số blogger cho đây là ‘trí tuệ’ bằng cách (xin lỗi) nói:
-‘Ông Socrat là thằng ngu nhất trong mọi thời đại’!
-‘Phạm Công Thiện nói xàm’!
-‘Nếu tôi xưng tôi là người có chuyên môn thứ nhì VN thì có ai dám xưng là nhất VN’!
-‘Ta sinh ra là con người, một điều kỳ diệu, các nhà văn/nhà thơ có nhiệm vụ phải viết lên điều đó’!
-‘Tôi sống tức là tôi bất tử’!
-‘Tôi là một trong ba nhà thơ hay nhất VN’!
-‘Nếu tôi không phải là ‘ông hoàng nhạc Việt’ thì là ai?’!
-‘Tôi là người yêu nước cô đơn’!
-‘Các tác phẩm của Kim Dung là mì ăn liền’!...
LB thiết nghĩ những phát biểu đó không phải là ‘trí tuệ’, vì khiêm tốn là một trong những biểu hiện của trí tuệ, vì theo nghĩa ‘thùng rỗng kêu to’: người càng ‘gáy’ thì càng không có trí tuệ, và anh/chị có ‘kỳ diệu’ hay không thì mọi người biết, không cần anh phải tự xưng là ‘kỳ diệu’…
Nói rộng hơn, trí tuệ là những cái gì ẩn náu vô cùng tinh vi đàng sau các cuốn sách/cuộc đời mà ta phải mất (vài) chục năm thì, may mắn lắm, mới có thể phát hiện ra được.
Và trí tuệ phải thỏa tiêu chí ít nhất là ‘hành động ở hiện thực’, nói dễ hiểu là anh (chị) phải phấn đấu suốt đời để đạt được mục tiêu của anh, mà mục tiêu đó phải đem lại lợi ích cho nhiều người (chưa nói đến dân tộc, hay nhân loại)...
Còn nếu ta không thực hiện được ước mơ lớn thì thôi, 
ở nhà mà hưởng tình khúc âm dương và chơi blog - cũng là một dạng của… trí tuệ, hì.. hì…
*
'Có hai thứ vô tận: vũ trụ và sự ngu dốt của con người... và tôi cũng không rõ lắm về vũ trụ'
Nói cho cùng, lão bá tánh thấy cái mà họ làm không được thì cho là ‘vĩ đại’, cái mà họ muốn không được thì gọi là ‘đại gia’, như Khổng Minh đã chỉ ra rằng: cái gì mà ta không biết thì ta gọi nó là ‘thần’.
Mình cũng biết là các ông Newton, Descartes, Einstein… có tin ‘tạo hóa’, nhưng rất khác với ông Ngọc Hoàng Thượng Đế mà ta hằng tưởng, mà ‘tạo hóa’ của họ có thể là ‘một đại dương chân lý đang trãi rộng ra trước mắt tôi’; họ cũng có tin vào sự ‘bất tử’, nhưng rất khác với cái mà ta hằng tưởng, mà ‘bất tử’ - theo Steve Jobs - là sự ‘kết nối của những dấu chấm’…
Tóm lại, người ta dùng các thứ ‘đại’ như nhà bác học vĩ đại, đại gia, cầu thủ vĩ đại, hay siêu sao… là vì người ta vô tình so sánh cái bé với cái bé, tương tự như việc so sánh ‘con ếch với cái miệng giếng’ vậy. Còn nếu so sánh cái bé với cái vô cùng lớn như so sánh ‘con ếch với cái bầu trời’ thì người ta sẽ dùng các từ như ‘hà túc đạo’ (không có gì đáng nói), ‘mạc ngôn’ (không nói), ‘không kiến’ (tạm hiểu là không phụ thuộc vào nhãn giới), kẻ ‘hậu học’ (học sau), nhưng có lẽ từ hay nhất là:
‘bần tăng không dám’, hì.. hì…
--------------------------
Các entry có liên quan:

15 nhận xét:

  1. Việc ta thấy các ông ‘thánh’ như Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Heraclitus, Pythagore… nói rất khó hiểu có thể là vì ta không biết rằng các ổng cơ bản dựa trên 2 khái niệm 'vô cùng bé và vô cùng lớn', tựu trung là khuyên ta ‘đừng lấy cái vô cùng bé của ta để so sánh với cái vô cùng lớn của vũ trụ’:
    -‘tự lượng sức mình’ (Lão),
    -‘đạo mà nói được không phải là đạo, danh mà xưng được không phải là danh’ (Lão),
    -‘sống đã lấy gì làm vui, chết đã lấy gì làm khổ’ (Trang),
    -‘đến như nước chảy, đi như gió, không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!’ (Trang!, trong truyện Kim Dung) ,
    -‘thoắt lặng không hình, biến hóa không thường’ (Trang),
    -‘ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu’ (Khổng),
    -‘nước không bao giờ chảy hai lần qua một dòng sông’ (Heraclitus),
    -‘đừng thấy cái bóng to của mình trên tường mà tưởng mình là vĩ đại’ (Pythagore)…

    Trả lờiXóa

  2. Cái "tôi" bỗng lớn vổng lên thì cái "ta" phải bị nhỏ lại thôi NGLB à! (cười)




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng y xì phốc nuôn, hì..., cám ơn bạn PĐ nhé, chúc chiều vui.

      Xóa
  3. nói cho cùng thì bởi vì có con người mới có vũ trụ..... hiiiiiiiii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, có mưa mới có... rừng chiều, hì..., tks, chúc chiều vui nhé.

      Xóa
  4. Chiều mưa rảnh rỗi, mattroi sang thăm Nha Gom La Bang để nghe thuyết "vô cùng bé và vô cùng lớn ", hihihii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có nhiều đêm đói bụng, lúc đó Bánh đậu canh Rồng Vàng trở nên vô cùng lớn đóa, thiệt, hì..., cám ơn Nữ thần, ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
  5. Lâu rồi em mới có dịp dạo làng blog và ghé thăm nhà anh LB nè. Đọc bài về cái gọi là "lớn" và "bé", em về ngẫm nghĩ đã. Hay anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào cô nàng nghịch ngợm, hì..., quen cả năm rồi, nay mới thấy bóng,
      chuyện VCB và VCL này LB biết từ khi học các học phần 'Cơ học lượng tử' 'Trường hấp dẫn' và 'Thiên văn học'... đóa.
      Cám ơn ĐHY nhiều nghen, ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
    2. Vô tư quen được một nàng
      Vô tâm chẳng thấy dáng huyền ở đâu!

      Xóa
  6. Em bé, nên hổng biết bàn loạn triết lý lớn, hehe...về ngủ thoai

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui cha, MB là lượt khách 44999 của LB đó, hôm may ăn mừng đi nghen, hì..., cám ơn TTBN, ngày mới tốt lành.

      Xóa
  7. Lưu comt Nữ thần:
    Sáng chiều 'hai lúa' vẫn bên ta
    Tối uống chè xanh thức thấy bà
    Lòng lợn húng heo, ngồi chiếu đất
    Thịt chó lá mơ, dựa vách nhà...
    Uống cà, pha thêm bình trà Bắc
    Ngắm hoa, nhấp nháy nắng rọi nhà
    Nhớ ai, suối động tình róc rách
    Viết bài, lại thoáng giấc mơ hoa.

    Trả lờiXóa
  8. Hi, NT qua thăm anh. Đọc bài ni thật hay, hiện thực nhưng triết lắm anh. Rất thích.
    Chúc anh ngày mới vui, khỏe nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn NT,
      ta có yêu 'ảo' nhưng cái gì cuối cùng rồi cũng phải quy về... hiện thực, hìhì.
      Chúc ngày mới tốt lành.

      Xóa