Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

630. Thần thánh cũng… có ích! (Tết tây ở VN - phần 3)

Theo bụi thời gian đến ngắm em
Đường tím cong cong dáng dịu mềm
Em ru đất ngủ - hồn ngây ngất
Mưa rớt bên thềm, xao xuyến đêm

Em cúi làm anh, chút xót xa
Áo trắng làm anh, mắt nhập nhòa
Hương chiều, lơ lửng làm ai đắm
Vị tà, hư ảo khiến ai say

Lệ thầm, ta ngắm đêm trăng tím
Chẳng biết nàng, sao đứng một mình
Ai ơi, ta có khuya và vắng
Chẳng biết nàng ơi, có tự tình!

Trước khi viết, để tránh bớt… căng thẳng, xin kể rằng, tối hôm qua và sáng hôm nay (7/1/2015), tôi có vào thăm một số ‘nhà’, rồi tùy hứng làm bài… thơ trên, cũng là kỷ niệm nhân dịp ‘Tết tây’ vậy. Bài viết này gồm có:
  1. Nghe bên ‘Chung Vô Diệm’ nói - tại sao không?
  2. ‘Tôi không chống, mà cũng không theo’
  3. Người Việt thiếu tinh thần cầu tiến!
  4. Hát bài ‘Tiếng đàn Ta Lư’, tại sao không?
  5. Thần thánh là… có ích!
--------- 

1. Nghe bên ‘Chung Vô Diệm’ nói - tại sao không?
Chắc là chưa hết Tết tây, ai bảo hết!, ít nhất là tôi vẫn còn đi chơi… Tết tây (cười)… Từ ngày 4-6/1/2015, quả thật là tôi không có gì nhiều để viết, nhưng hôm nay, thì có nhiều tin nóng sốt lắm. Tại sao tôi lại viết đề tài ‘Tết tây’ đến 3 lần nhỉ? Tại vì tôi đã viết: 1) Tết xưa và nay, 2) Ăn Tết ở Việt Nam, 3) Tết tây ở Việt Nam, và 4) Vài bài sẽ viết trong dịp Tết này, và lưu ý rằng, trong các đề tài liên quan đến ‘Ăn Tết’ này, tôi đã kể chuyện từ Cà Mau cho đến Lạng Sơn, từ người Malaysia, Pakistan, Nepal, Hà Lan, Anh… cho đến người Mỹ, dĩ nhiên chủ yếu là nói về người Việt, kể cả Việt kiều, nên thiết nghĩ là nó không thiếu độ phong phú.
Và hy vọng rằng… những bài viết sẽ thành một ‘Tuyển tập - Ăn Tết ở Việt Nam’ - cỡ chừng 150 trang, mà có thể có blogger nào đó sẽ tùy hứng mà tài trợ cho việc in ấn nó, biết đâu đấy, hên xui, hihi…
…Các câu chuyện dưới đây có thể làm ‘chạm nọc’ ai đó, nhưng xin bạn đọc lưu ý rằng, mỗi ngày chúng ta được ‘nạp’ một đống thông tin từ báo đài, ti-vi, mạng internet - mà tôi thiết nghĩ là, chớ vội tin, hãy từ từ, từ từ (easy, easy), và tôi là… phi chính phủ: tôi chỉ đi lang thang trên đời - làm một quan sát viên, để viết càng thật càng tốt, những tâm sự của người đời, mà có thể là một chính trị gia tầm cỡ hay một anh hai lúa bình thường, có thể là một ‘đại gia’ hay một ô-xin nghèo khổ, có thể là một nhà sư/cha nhà thờ hay một người không theo đạo nào cả, có thể là một em bé 2... tuổi hay một cụ già 90 tuổi, có thể là một đại mỹ nhân hay một ‘cô nàng xấu xí’…, mà dĩ nhiên là tôi có nghe bên ‘Marylin Monroe’ nói, mà cũng có nghe bên ‘Chung Vô Diệm’ nói - tại sao không?

2. ‘Tôi không chống, mà cũng không theo’
Đây là câu nói (và nội dung câu chuyện là) của một blogger chơi bên Facebook, chứ không phải tôi.
Chiều nay, đến thăm lại cố nhân, đi hỏi 2-3 chỗ, tôi tìm đến được nhà nàng, không ngờ nhà lại đóng cổng kín bưng, chắc là nàng về quê hay đã chuyển đi nơi khác làm ăn!, tôi mới đảo xe máy lại và ghé nhà ông anh chơi một tí.
Làm mấy lon bia Sài Gòn xanh (tôi chỉ uống một lon thôi), và nói chuyện lung tung, không ngờ anh ấy lại tập trung vào đề tài ‘Hội ái hữu học sinh’ gì gì đó - mà nói là ‘Hội phi chính trị’, tất nhiên là anh ấy dùng từ chính xác (vì là người trong cuộc), nhưng lúc đó tôi liền nghĩ đến cụm từ tổ chức ‘phi chính phủ’ (= NGO), hay tổ chức ‘xã hội dân sự’, nhưng có lẽ chính xác hơn là cụm từ ‘Hội cựu học sinh’ (hay sinh viên), mà các tổ chức quốc tế thường dùng như là một trong những tiêu chí để đánh giá về ‘phát triển trường’, ví dụ như ILO (= Tổ chức lao động quốc tế)…
Anh ấy kể cho tôi nghe nhiều chuyện về các trang web/bài viết/bình luận có liên quan đến ‘Hội ái hữu’, mà có đoạn:
-Ai đó, với tư cách cá nhân, muốn viết gì thì viết, thậm chí muốn ‘gâu gâu’ (chống cái gì đó), thì tôi không quan tâm, nhưng ở trên một trang web chính thống, thì không có chuyện vào đó mà muốn chửi ai thì chửi (người Mỹ có nói xấu ta đâu, và ngược lại), mà nếu có, thì lúc đó tôi sẽ có ý kiến liền…, tại sao thấy người ta làm công việc ‘thiện nguyện’ thì lại a uồm vào nói, nói là theo chế độ này nọ, thế thì làm cái gì mới là hay, hãy cho tôi biết đi?
Anh ấy còn bổ sung rằng ‘mình không chống ai…, (tới đây tôi nói thêm là) mà cũng không theo ai’, anh ấy liền nói tiếp ‘ừ, mình cũng không theo ai’…
Anh ấy kể nhiều chuyện lắm, trong đó có một chuyện khá ấn tượng:
-Có một Việt kiều về nước (cô ấy còn khá trẻ, là con của một bác sĩ - sĩ quan cao cấp trước 75), tất nhiên là ‘hội’ của chúng mình ra tiếp, cùng cô ta ăn uống và nói chuyện đủ thứ trên trời dưới đất: kỷ niệm xưa cũng được, chuyện ngày nay cũng được, chuyện ở VN cũng được, chuyện ở bên Mỹ cũng được, Việt cộng cũng được, mà Việt kiều cũng được, chuyện thơ, văn, nhạc, kịch gì cũng được, tất tần tật…, miễn sao là vui vẻ, thoải mái, và miễn sao là đừng nói chuyện chính trị… ‘và tôn giáo’ (tôi vừa bổ sung vừa cười). Ăn uống tâm sự vui vẻ xong, cô ấy đứng dậy trả tiền, nhưng mình cản lại và nói ‘vài vé đối với chúng tôi không có là cái gì đâu, em yên tâm đi, cái này để anh em bên VN trả…, ‘chứ không để Việt kiều trả’…
‘Ý anh muốn nói thế chứ gì!’, tôi lại vừa bổ sung vừa cười, anh ta cũng cười theo…

3. Người Việt thiếu tinh thần cầu tiến!
(Nghe đến đây, tôi mới kể lại cho anh ta nghe một câu chuyện tương tự.)
Số là cách đây vài năm, có một Việt kiều, bạn thân ngày xưa của tôi - ở bên Mỹ về, mà trước đây, anh ta có làm kỹ sư dầu khí ở Vũng Tàu, rồi lên chức ‘trưởng’ (chief-engineer), nghe nói đâu là thu nhập của anh ta bên ấy được cỡ 150.000 usd/năm, tôi không biết là ai đó có ‘nổ’ không!
Lớp chúng tôi bèn tổ chức chiêu đãi (hoặc do lời mời của anh ấy), nhân cơ hội này ‘họp lớp’ luôn. Nói chung là cuộc họp mặt khá vui vẻ, nhất là câu chuyện về ‘tiến-sĩ-6-bò’, tức là lớp tôi có một anh, đã bảo vệ luận văn thành công và trở thành tiến sĩ về Vật lý lý thuyết, mà để trang trãi chi phí ‘nháy nháy’, anh ta phải về quê và bán đi 6 con bò!
(Nghe anh nói đại khái rằng người ta đã và đang đưa ra lý thuyết về các hạt cơ bản - là các ‘vân đạo nguyên tử’ dạng sóng-hạt tròn xoay (tạm hiểu là như vậy), nhưng anh ta lại cho rằng nó có dạng ‘xoắn’ (!), anh còn nói thêm rằng, những đề tài thuộc lại này là rất khó bảo vệ ở VN, nhất là rất hiếm hay không có thầy để hướng dẫn hay ‘chấm’ thi, mà có lần tôi đã nói với anh ta rằng ‘dù bạn có trở thành tiến sĩ về cái gì đó, thì đây chỉ là sự tưởng tượng mà thôi, vì để mô tả vũ trụ - từ thế giới vĩ mô đến vi mô, người ta đều dùng mô hình cả, vũ trụ có thật như vậy chăng!, nghe tôi nói vậy, anh cúi đầu, và chìm sâu vào suy nghĩ...)
…Khi ăn nhậu và tâm sự gần xong rồi, bỗng anh chàng này hơi tưng tưng và nói khá ‘bốc’ là:
-Nước Mỹ là một thiên đường.
Vâng, ok, có thể đúng, ‘không phản đối’, nhưng anh ta lại nói tiếp:
-Bọn bây thiếu tinh thần cầu tiến, thành chi cứ nghèo hoài… (Bọn bây: ý nói người VN)
Nói đến đây, anh ta liền bị ‘phản ứng mạnh’, bằng chứng là khi anh ta đứng lên muốn trả tiền cho bữa họp mặt (khoảng 20 người), thì liền bị bàn tay của một ‘đại gia’ ngăn lại và nói: ‘cái này để tau trả, VN chúng tau dư sức trả…, mà nếu mày muốn trả thì tau cho mầy một ân huệ…’, tất nhiên là cuối câu thì bạn tôi vừa nói vừa cười - không chạm tự ái của anh ta lắm, nên anh chàng này vẫn móc túi ra trả tiền, nhưng nhuệ khí của anh ta có vẻ như đã bị… xẹp lép.
Và tất nhiên là tôi hiểu trạng thái ‘tâm lý’ này của anh ta, nhưng khi nhìn vợ anh ta, một phụ nữ khá xinh đẹp, lịch thiệp và dịu dàng như… Phật bà quan âm, tôi cảm thấy áy náy cho nàng...
Trên đường về, anh chàng lớp trưởng nói thì thầm vào tai tôi: ‘cái thằng này ăn nói tầm bậy, tau định vỗ cho nó một tâng, nhưng thôi.’…
Và các câu chuyện dưới đây như: Hát bài ‘Tiếng đàn Ta Lư’, tại sao không?’, rồi ‘Thần thánh là… có ích!’... mà sẽ có tầm nhìn vĩ mô hơn, nhưng nó lại là phát biểu của một cậu bé! Xin mời các bạn xem thêm, tôi nghĩ giải lao tí đã, khuya rồi!


4. Hát bài ‘Tiếng đàn Ta Lư’, tại sao không?
…Có một ấn tượng rất mạnh và rất lâu, đó là hôm đó, cách đây khoảng 3 năm, tôi vô tình đến dự một buổi họp ‘Cựu học sinh’ - lưu ý rằng tôi rất khó mà ra khỏi nhà, nếu không tin thì các bạn thử gọi điện thoại cho tôi xem!, hihi… Tại đó, thành phần đa số là những cựu học sinh (nay đã trở thành cán bộ/doanh nhân hết rồi, có một số làm lớn, một số đã về hưu) đang sinh sống tại Sài Gòn, số còn lại thì đến từ các tỉnh, ngoài ra, còn có một số thầy cô là Việt kiều từ bên Mỹ về (thường là từ 70-80 tuổi).
Cũng như bao cuộc họp trường/lớp hay họp ‘hội đồng hương’ khác, nói chung là khá vui vẻ, chương trình bao gồm: sinh hoạt, ăn uống, hát hò, rồi ra về, hôm đó, đến chương trình hát hò, có người hát bài ‘Ngày xưa Hoàng thị’, ‘Cô hái hoa’, ‘Mưa hồng’, ‘Niệm khúc cuối’, ‘Kỷ niệm mùa hè’…, thì có một cô giáo - từ Đồng Nai đến - lên sân khấu hát bài ‘Tiếng đàn Ta Lư’, tôi bỗng nghe một người bên cạnh nói rằng:
-Ở đây không có chuyện chính trị, để tau lên ‘nói’ cho. (nói = mắng)
…Một lúc sau, ra ngoài sân làm một điếu thuốc, tôi thấy cô giáo nói trên đang ngồi bên một cái ghế đá và đang khóc thút thít. Chúng tôi mới hỏi lý do, cô không giải thích mà chỉ nói: ‘Em không bao giờ đi dự họp trường nữa’, hỏi lân la một tí thì mới biết là, té ra anh chàng kia không cho cô giáo hát ‘nhạc cách mạng’ (!) và có nói gì đó làm cho cô cảm thấy rất bị xúc phạm. Chúng tôi biết rằng, cô giáo (trẻ) này, chủ yếu là lớn lên trong chế độ sau 75, lại sống ở một huyện miền quê, nên việc cô ta hát nhạc cách mạng là chuyện thường tình, nên tại đây, cô ta vô tư mà lên hát, chứ không cố ý phân biệt là lời bài hát đó có tính chính trị hay không, chả lẽ cô ta lại hát nhạc ‘Obama’!, thế mà… Một lát sau, chúng tôi mới khuyên cô:
-Không sao đâu em, đến đây thì vui là chính, em muốn hát nhạc gì cũng được, nhạc trước 75 cũng được, nhạc ‘đỏ’ cũng được, hát bài nào mà em thấy thích thì hát, ai có quyền cấm hát nhạc ‘đỏ’, luật pháp có cấm đâu!
Tất nhiên là trong sinh hoạt, tôi thường hát nhạc… tình (hay nhạc trẻ), nhưng đôi khi tôi cũng có hát một số bài hát cách mạng ưa thích, tôi không cố chấp, nhưng kể từ đó, tôi không đi dự các loại ‘họp’ nữa, vì dù sao, tôi cũng thấy ít nhiều có cái bóng dáng chính trị nấp đàng sau nó (nhưng chưa có cơ hội bộc lộ), đặc biệt là, mặc dù có vui tí chút, nhưng nó không đem lại chút trí tuệ gì cho tôi, thiệt.

5. Người Việt cho con sang Mỹ... 
Cũng trong dịp này, tôi ‘vô tình’ bị đi dự một cái đám hỏi, tại sao mà ‘vô tình’?, vì tôi đi phiêu bạt giang hồ, mà dòng họ của tôi không biết số đt của tôi!… Khi tôi đến, không ngờ cháu của tôi - thuộc gia đình công an, lại lấy một cô gái - thuộc gia đình bộ đội.
Tối hôm đó, nhờ sự nhiệt tình của bên nhà gái mà đã khơi động được sự nhiệt tình của bên nhà trai, rồi họ lên hát nhạc sống (có một ban nhạc đã sẵn sàng ở đó), ban đầu họ hát nhạc tiền chiến, rồi chuyển sang vài bản nhạc nhạc sau 75 - mà lời nhạc làm tôi rất cảm động, vì nó làm tôi gợi nhớ lại những rung cảm, vui, buồn hoặc đau khổ… thời sinh viên, như:
-Một ba lô cây súng trên vai,
người chiến sĩ quen với gian lao, 
ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ, 

nặng tình quê hương canh giữ miền đất mẹ. 

Rừng âm u mây núi mênh mông.

Ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy. 

Rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt, 

nặng tình non sông anh dâng tròn tuổi đời thanh xuân... (‘Hát về anh’, nhạc: Thế Hiển)

Nó còn làm tôi nhớ lại lời bài hát sau:
-Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà

Thấy hoa nhớ người yêu rất xa

Nâng nhẹ một cây, lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say

Ngỡ đôi mi gầy, khép đêm trăng đầy cài theo cung ái

Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương

Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương

Và mơ ước mai sau khi tan giặc nước vua về

Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành trinh nữ thôi… (‘Hoa trinh nữ’, nhạc: Trần Thiện Thanh)

Lúc đó, tôi suy nghĩ rằng ‘lính nào cũng là lính’ - mà tôi thường có tình cảm và thái độ trân trọng với những người lính, mà đã đi lính thì khả năng hy sinh xương máu/tính mạng là rất cao, vì cái được gọi là ‘chủ nghĩa’ này, chủ nghĩa nọ, rồi… huynh đệ tương tàn/chém giết lẫn nhau, rồi may thay còn có những người lính sống sót trở về với gia đình…
Ngồi khoảng 2h, tôi thấy… mệt, nên lẳng lặng ra ngoài, và khi nhẹ dắt chiếc xe máy ra, thì tôi nghe lời giới thiệu của MC là ‘có một chú rể và một cô dâu từ bên Mỹ về’, bỗng tôi cảm thấy một không gian im ắng dường như rất ‘tôn trọng’ toát ra từ trong rạp cưới, tôi chợt cảm nhận rằng, theo quy luật, cha mẹ rất thương con, và đứa con là linh hồn của cha mẹ, mà cha mẹ - dù có theo chế độ nào không biết, cũng rất thường cho sang Mỹ (nói chung là sang các nước tư bản) để học, thậm chí là ở lại và sinh sống luôn bên đó… Tôi cũng biết là họ không hề cho con sang Tàu, điều này chứng tỏ rằng…, thôi, ‘no comments’ (= miễn bình luận), híc…
Dù sao, khi viết đến đây, giữa khuya, tôi cũng đang nghe bài hát ‘Mộng uyên ương hồ điệp’ - nhạc phim ‘Bao Thanh Thiên’ - có câu ‘Mấy ai mà thoát được nỗi sầu nhân thế’ (đúng quá, tuyệt!), mà bây giờ tôi mới nhận ra là Bao Thanh Thiên có… sai, khi những phạm nhân bị ông truy tầm bằng chứng và bắt được - không có cơ hội để hối cải, mà kết thúc bằng cái lệnh như ‘Cẩu đầu đao’, tôi thử hỏi ông, nhân loại này đa số là có… tội, ta có thể ‘trảm’ hết được không?...

6. Thần thánh là… có ích!
Nhớ lại, đúng là… triết học!
Hôm đó tôi đi ra sân bay đón ‘sư tử’, mà trên xe, anh lái xe - người Hải Dương - có quay lại đàng sau nói với con của anh ấy (là sinh viên mới ra trường):
-Con à, người ta hay nói về đấng này, đấng nọ, toàn là ‘thần thông quảng đại’ hết, nào là có hào quang nhấp nháy, nào là quan tâm ‘phù hộ’ hay thưởng phạt con người trong mọi hành động từ lớn đến nhỏ - kiếp này hoặc kiếp sau, đó là chưa kể đến các nhà tiên tri, chiêm tinh gia, nhà Kinh Dịch/phong thủy - toàn chém gió là ‘giỏi’ tiên đoán hết cái này đến cái kia… Thế mà khi chiếc máy bay MH 370 hay QZ8501 bị mất tích, cả thế giới đều thành khẩn cầu xin đấng thần thánh chỉ giúp cho họ nhờ, thì đúng lúc đó, ngài bèn bỏ đi… ngao du đâu mất!, để (nếu) đến khi người ta dùng khoa học hiện đại để tìm ra, thì có một số người nói ‘đấy, đấy, đấy, đấng X nói đúng y như khoa học mà’…
Tư liệu: Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia, ông Bambang Soelistyo cho hay, các nhà tìm kiếm xác nhận đã nhìn thấy bằng mắt phần đuôi của chiếc máy bay Airbus A320-200 dưới đáy biển. Theo ông Soelistyo, các thợ lặn tham gia cuộc tìm kiếm đã chụp ảnh mảnh vỡ này và chuẩn bị kiểm tra mảnh vỡ kỹ càng hơn. “Tôi có thể xác nhận đây là một phần của đuôi chiếc máy bay”, ông Soelistyo nói. Tuy vậy, vị quan chức này từ chối cho biết liệu các nhà tìm kiếm đã dò được tín hiệu “ping” phát ra từ họp đen của chiếc máy bay và các thiết bị ghi âm buồng lái hay chưa. Hộp đen và các thiết bị ghi âm này được lắp đặt ở phần đuôi của tất cả mọi máy bay, nhưng trong một số vụ rơi máy bay trước đây, chúng đã bị rời khỏi cấu trúc xung quanh và được phát hiện trong tình trạng nằm riêng rẽ khỏi các mảnh vỡ khác. (18:22 - Thứ Tư, 7/1/2015, vneconomy.vn)

(Tôi quen anh lái xe này khi con anh ta còn là một cậu bé - mới 11t, đang học lớp 6. Sáng hôm đó, đến nhà anh ta chơi, tôi bước ra vườn rau đàng sau nhà, thấy cậu bé đang cởi trần, hai tay đang chấp sau đít, đang nhìn lên những đám mây trắng đang bay trên bầu trời xa xa, và đang suy nghĩ cái gì đó, ai mà biết!, tôi mới thầm nghĩ là ‘cậu bé trông có vẻ là một triết gia trong tương lai!’)
Cậu bé liền trả lời:
-Người ta tin là có thần thánh thì có ích cho người ta, dù nó là sống ảo nhưng làm cho người ta an tâm mà sống, và đó là một phần hạnh phúc của đời người, thiếu gì cái ảo mà làm người ta vui; còn hơn là sống thật mà người ta cứ phải ngày đêm hoang mang lo sợ và không biết phải tin vào cái gì, thế thì tại sao ta lại phải cấm người ta tin vào thần thánh!
Và lúc đó, ngồi đàng trước xe, tôi cảm nhận ngay là cậu bé nói đúng, không có gì để phản đối, là ta hãy tin, dù là tin vào cái ảo, miễn sao ta thấy lòng được bình an, còn cái ảo đó có thực hay không - lại là một chuyện khác...
Và lúc đó, tôi có nhớ là trong blog của bạn Dung Tran (Facebook), có kể có kể một câu chuyện (ghi tác giả là TNH) về một bà mẹ ở VN và một người con bên Mỹ, đại khái như sau:
-Có một anh chàng… vượt biên sang Mỹ, trước khi ra đi, mẹ anh ta nói với anh ta rằng: ‘mỗi lần nhớ mẹ, con hãy nhìn vào cái bàn tay của con, con sẽ thấy mẹ ở đó’. Và sau này, cứ mỗi lần nhớ mẹ, anh ta lại nhìn vào bàn tay của mình (mà có thể mẹ anh ta đã chết rồi!), và anh cảm thấy rằng mẹ mình luôn ở bên mình…
Vâng, bàn tay đó là ‘ảo’, vì không phải đích ‘thực’ là mẹ của anh ta, nhưng nó làm cho người con cảm thấy là đang có mẹ ở bên mình, đó là một cảm giác ‘thực’ - bởi lẽ bàn tay ấy, xét về ‘sự kết nối của những dấu chấm’ (Steve Jobs), thì đó cũng chính là bàn tay của mẹ…

(HẾT)
---------
Chú thích:
  1. ‘Tết xưa và nay’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/311-chuc-mung-nam-moi-tet-thoi-xua-va.html
  2. ‘Ăn Tết ở Việt Nam’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/02/514-tet-o-viet-nam-va-triet-ly-tren.html
  3. Tết tây ở Việt Nam: đang viết: xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/01/lts-ang-le-ra-toi-viet-bai-nay-vao-ngay.html
  4. Vài bài trong dịp Tết này: sẽ viết

15 nhận xét:

  1. mưa ghé thăm anh- chúc ngày mới vui nhé NGLB
    vẫn là một độc giả đang chờ đọc tiếp bài viết của anh nè....hiiii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, Tiểu Nữ nhớ qua đọc nhé, LB sẽ ghé nhà và báo tin, hihi...
      Cám ơn nghen, chúc ngủ ngon.

      Xóa
  2. Cho AL góp chút chút vào trang Nhà gom lá bàng VN nha , đừng cười nha GS !
    Xin thơi gian nhé hãy goi tên
    Con đường ngày ây nhơ hay quên
    Em tựa làn gió đi rồi đến
    Để lại bên đời khoảng lặng im ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, ai mừ làm thơ hay vạy ta, sẽ thưởng một chầu cà phê, hihi...
      Cám ơn nhé, chúc ngủ ngon.

      Xóa
  3. Thăm anh tối thanh thản ấm áp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cám ơn bạn PH,
      bây giờ mới viết cơ bản xong, hi...

      Xóa
  4. saumietvuon [Blog Tiếng Việt] 08.01.15@20:44
    Hiện tại tui rất khoái bài thơ trên ấy ah.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bạn Sáu có tâm hồn... thơ,
      mình viết gần xong rồi đó, còn đoạn cuối nữa - vĩ mô, nên rất khó viết,
      tuy nhiên mình chờ đến tối thứ 7 mới kết thúc bài viết,
      vì mỗi ngày mới là một chiêm nghiệm mới,
      và vì nếu mình kết thúc thì phải viết các chiêm nghiệm mới đó thành các bài mới!,
      suy ra số entry sẽ nhiều, hổng có nên đâu, hihi...
      Thân, chúc ngủ ngon.

      Xóa
    2. Viết xong rồi đó bạn Sàu à, còn phần phụ, sẽ bổ sung sau (trải nghiệm đến tối thứ 7, hết tết Tây!) cũng được, thanks.

      Xóa
  5. Yêu nhau trong trái tim hồng
    Nhớ nhau trong tách cà ngon chạm nàng
    Rung nhau, thân lộ mỡ màng
    Chết nhau, vị đắng thiên đàng... giữa khuya

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiều đông biển biếc lạnh lùng
      Khách du lãng vãng, biết dừng nơi nao
      Trong lòng, sóng dậy ạt ào
      Trời mây chuyển đảo, lạc vào cõi hư.

      Xóa
    2. Gặp nhau đã mấy năm rồi
      Bóng người xa khuất, gió trôi cuối trời

      Xóa
  6. Năm mới MTV sang chúc LB một năm mới thật nhiều sức khỏe để đi gom đủ túi ba gang lá bàng về cho mọi người thưởng thức ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da da, MTV đấy à, mừng quá, lâu ngày quá, nhớ quá, hihi... Thiếu MTV là thiếu người bình... triết, híc... Năm mới vui nhìu và... iu nhìu nhé.

      Xóa
    2. Mùa thu vàng, vắng bóng em
      Nhạc tình ủ rũ, chẳng thèm.. ru ai
      Đêm về, gió lạnh miệt mài
      Thuốc bay theo gió, đêm dài vô biên!

      Xóa