Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

639. Ngàn năm cô đơn (Những câu chuyện Tết ở VN - phần 3)



Bơ vơ lạc lỏng, trong chốn tục trần
Cuộc đời tan nát, lạc cõi phù vân
Rả rích khuya mưa, ứa tràn dòng lệ
Tình chết trong mê, về đến mộ phần

Cuộc đời là như vậy, phải không anh?
Như chiếc thuyền nan, tan vỡ chòng chành
Gió thôi nhẹ tênh, em lòng giông bão
Nhìn xuống đáy sông, còn chỉ bóng mình...

---------
Tối hôm qua, tôi nằm mơ. Tôi mơ thấy mình đi chơi ở thế giới bên kia (the nether world), nhớ lại thì chẳng biết hình dáng của con ma ra làm sao, mà chỉ có cuộc đối thoại giữa tôi và ‘con ma’ trong suốt cuộc hành trình.
Mở máy ra, chưa kịp viết, thì tôi nghe tiếng một ông hàng xóm la to ‘Còn có 13 ngày nữa là Tết rồi, hôm nay là ngày 5 Tây, coi thử là ngày mấy âm?’, tôi vội kiểm tra thì quả nhiên còn 13 ngày nữa là Tết (19/2/2015), và hôm nay là ngày 17 ÂL…
Bài viết này gồm có: 1) Ngàn năm cô đơn, 2) Tết ôn lại ‘những cái chết lịch sử’, 3) Lại những dòng thơ Tết, 4) Cuộc nhậu đầu tiên.
1. Ngàn năm cô đơn
Nhớ tối hôm đó, khi đang ngồi viết bài, bỗng tôi nghe hàng loạt tiếng hô ‘vạn tuế’, ‘bất tử’ vang lên từ cái ti vi bên nhà hàng xóm, tôi chợt thấy dấy lên trong lòng một nỗi sầu nhân thế!
Nó làm tôi gợi nhớ đến chuyện Sấm Vương lên ngôi chưa kịp nóng ghế thì đã chết (1644), Napoleon ôm mộng tái hiện ngôi bá chủ Châu Âu (được 100 ngày, 1815), thì đã sớm bị đày ra đảo Saint Helena và chết vài năm sau đó, Hitler mới vẫy vùng được có 6 năm thì đã vội cùng với người yêu tự tử (1945)… Tôi còn nhớ là trong các triết học đều tỏ ra rất thông thái và rất biện chứng khi bảo rằng ‘không có cái gì là bất tử, trừ sự vận động’, rằng ‘có sinh thì phải có tử, nên cái chết là chuyện bình thường, và là quy luật của muôn đời’, thế mà các người được gọi là ‘nhà học triết’ lại rất thích xài chữ ‘vạn tuế’ hay ‘bất tử’, nên chuyện này há chẳng phải là chuyện phản thông thái, phản biện chứng và phản quy luật đấy ru!
Rồi ‘con ma’ dẫn tôi đi thăm mấy cái tượng đóng băng trong suốt màu ngọc bích, mấy cái tượng đá mà có nhiều chỗ bị vỡ loang lỗ, và một đám người bình thường đang vui cười hí hửng chờ đầu thai sang kiếp sau, hay được lên một thiên đường nào đó, ai mà biết!

Con ma nói rằng những người thường, chẳng hạn như những hai lúa, những phó thường dân/những ‘dân ngu cu đen’, những blogger bình thường… thì khi xuống địa ngục thì họ ‘thường’ chả có gì phải lo: họ không hút máu người dân, không có vũ khí để giết người, không có quyền lực để đè bẹp người khác…, nên họ cứ thế mà vui vẻ nhậu nhẹt, đàn ca, hát karaoke, đánh bài, chơi blog… mà không bận tâm rằng kiếp sau họ sẽ trở thành cái gì!

Con ma nói rằng những người ở trần thế mà là ‘đại gia’ hay ‘làm lớn’ thì hầu như không có con ma nào dám gần gũi với các ‘ông bà’ đó, nên linh hồn của họ bị cô đơn, và do cảm thức được nỗi cô đơn này mà họ đã khóc lóc từ năm này qua năm nọ, mà kết quả là những dòng lệ ‘thạch sùng’ nuối tiếc của họ đã tụ lại thành những pho tượng đá bị phong hóa theo thời gian, mà tạo nên những vết vỡ loang lỗ.

Con ma nói rằng những người ở trên trần thế mà được tung hê ‘vạn tuế’ hay ‘bất tử’ thì cũng không có con ma nào dám chơi chung với những kẻ những kẻ ‘dám tự xưng là vĩ đại’, 'những kẻ 'nhất tướng công thành vạn cốt khô'', những kẻ ‘cướp quyền của tạo hóa’ đó, nên linh hồn của họ sẽ bị cô đơn tuyệt đối, bị ngàn năm cô đơn (mà ông Marquez sống dậy cũng phải… khóc!), và sẽ bị hóa thành những pho tượng đóng băng trong suốt màu ngọc bích…

2. Tết ôn lại ‘những cái chết lịch sử’
Cứ mỗi chiều rơi, đau thế nhân
Trời ơi, chân lý ở đâu rồi
Ngồi trông qua ngõ, chờ sương xuống
Anh đớn đau lòng, em biết không!

Có ai đó nói rằng 'Lịch sử bắt đầu bằng một trò hề, nhưng lại kết thúc bằng một bi kịch’, vì thế, tôi xin ôn lại tí trò hề và bi kịch của lịch sử nghen:
-Sự cáo chung của triều đại ‘Sấm Vương’
…Vì ngược đãi lão bá tánh, Sùng Trinh đã đẩy họ đến bước đường cùng là theo nông dân Lý Sấm (hay Lý Tự Thành) nổi dậy chiếm Bắc Kinh, cuối cùng Sùng Trinh phải tự vẫn…
Khi khởi nghĩa chống quân Minh, để lấy lòng dân, Sấm Vương có một câu nói nổi tiếng:
-Nếu ai hại một người dân tức là có tội nặng như là hại cha hay mẹ của mình vậy.
Vì câu nói này mà Sấm Vương được đông đảo lão bá tánh ủng hộ, nên sau một thời gian khởi nghĩa không lâu, y thắng trận như chẻ tre. Khi đến cổng thành Bắc Kinh, y bắn 3 mũi tên lên trời và thề rằng:
-Không hiếp đáp lão bá tánh; Không động đến tài sản của lão bá tánh; Không hãm hiếp phụ nữ.
Khi y chiếm được Bắc Kinh, Thái tử nhà Minh có xin một ân huệ là:
-Xin ngài đừng hại lão bá tánh.
Sấm Vương cười ha hả, rồi xắn tay áo lên và chỉ cho mọi người thấy rằng y cũng xuất thân là một nông dân chân lấm tay bùn, và nói:
-Ta đây chính là ‘lão bá tánh’.
Không ngờ lên ngôi được một thời gian ngắn, Sấm Vương trở nên tự cao tự đại, xem ‘tôi là số một’, tin dùng bọn nịnh thần… Do tính đa nghi, y dần dần hãm hại những trung thần đã đổ xương máu vì y, đặc biệt là, ngoài mặt thì y nói toàn là những lời nhân nghĩa đạo đức mà trong lòng thì vô tình hay cố ý ‘bật đèn xanh’ cho bọn cận thần và người nhà tùy tiện hiếp đáp dân lành, cướp bóc tài sản của dân, hãm hiếp phụ nữ… Khi bị Viên Thừa Chí chất vấn về những sai lầm nghiêm trọng nói trên thì em của y là Huyền tướng quân, thay mặt y, trả lời rằng:
-Bây giờ ta đã lên ngôi, ta là 'trời', ta chỉ là lão bá tánh khi ta cần họ giúp ta khởi nghĩa mà thôi!… Quan quân đã khổ cực giúp ta khởi nghĩa nên họ có cướp bóc của lão bá tánh để hưởng thụ một tí thì có gì là quá nghiêm trọng đâu!...
Với 2 câu trả lời nói trên, một cái chết lâm sàng đã được báo trước cho triều đại Sấm Vương: các đại thần đấu đá/chém giết lẫn nhau, 72 bang hội bỏ rút về căn cứ địa, Viên Thừa Chí lặng lẽ ra đi tìm nơi quy ẩn, đặc biệt là lão bá tánh đã tỉnh ngộ và không ủng hộ y nữa. (nguồn: từ phim ‘Bích huyết kiếm’).
Ngoài ra, Sấm Vương còn dùng uy quyền để cướp người yêu của danh tướng Ngô Tam Quế (1612-1678) là Trần Viên Viên - Giang Nam đệ nhất mỹ nhân thời đó. Họ Ngô bất mãn bèn theo tướng Đa Nhĩ Cổn, mở cửa Sơn Hải Quan, quân Thanh tràn qua biên giới như thác đổ, trong một thời gian ngắn đã chiếm được Bắc Kinh (năm 1644), Sấm Vương bỏ của chạy lấy người (chết năm 1645!), bọn tàn dư của nhà Minh (Nam Minh) bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1661…
-Cái chết của Napoleon
Có lẽ tình yêu đẹp nhất và đích thực nhất trong đời Napoleon là với một cô bé, thậm chí đây mới phản ánh đúng con người thật của y khi về lại với chính mình.
Năm 1815, sau khi bị đánh bại thảm hại trong trận chiến Waterloo, y bị lưu đày suốt đời trên đảo Saint Helena, tại đây, gia đình Balcome - một gia đình ngư dân đã ‘ngưỡng mộ và cảm thông’ với vị hoàng đế sa cơ mà cho y tạm trú trong một căn lều nhỏ bé của họ.
Và cũng chính tại đây, ông đã gặp một ‘thiên thần bé nhỏ’ tên là Betsy, mà đã đem lại một tình yêu trong sáng và là mặt trời sưởi ấm trái tim y trong những ngày ở ngục tù đầy tủi nhục, đen tối và tuyệt vọng. Cô bé lúc đó mới có 14 tuổi, nhỏ hơn y 32 tuổi, còn hồn nhiên, hoang dại, thích nhỏng nhẻo, nũng nịu, trêu ghẹo, đùa giỡn, nghịch phá và trò chuyện với ‘bác’ Napoleon, thậm chí cô còn dạy ‘bác’ học tiếng Anh. Cô (và các anh em trai) đã nhanh chóng trở thành bạn của ‘bác’ Napoleon, cô đã đặt nickname của y là ‘Boney’, còn y đặt nickname của cô là ‘Nụ hồng của phố Helena’, ngày ngày hai người rất gắn bó với nhau, đặc biệt, khi chơi với y, cô mới là 'hoàng đế', còn y trở thành một tên lính quèn, hiền lành và ngoan như một... chú cừu non! Bắt đầu từ tình bạn vong niên, rồi những rung động ban đầu về giới tính, tình yêu của cô bé dần dần lớn lên với ‘bác’ Napoleon bằng một quả tim thánh thiện, ngược lại Napoleon cũng đã dành trọn vẹn tình yêu và niềm tin trong trái tim của y cho cô bé trong những ngày tháng tuyệt vọng và vô vị cuối đời.
Sau đó, năm 1818, sợ y lại vượt ngục, chính quyền Anh đã tiến hành cách ly giữa gia đình cô bé và y: hoàng hôn đã buông xuống cuối chân trời, rồi ánh nắng mặt trời tắt lịm sau chân núi, Napoleon vô cùng buồn bã và tinh thần nhanh chóng suy sụp, đó là một trong những nguyên nhân mà 3 năm sau y qua đời...
-Hitler và người yêu tự tử
Phim ‘Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân’ được đóng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yulian Semyonov, với sự tham gia của 600 chuyên gia Liên Xô, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ...
Bối cảnh phim này xảy ra vào Đệ nhị thế chiến (1939-1945), nói về một điệp viên Nga tên là Isaev, được chỉ thị mật của Stalin là giả dạng gia nhập vào hàng ngũ tình báo SS của Đức với cái tên là Stirlitz. Anh toàn ‘chơi’ (đánh bi da, cờ bạc, nhậu nhẹt, nhảy đầm...) và chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là trả lời cho Stalin câu hỏi: ‘Có nên tấn công vào Berlin hay không?’. Thoạt nghe thì nhiệm vụ của anh có vẻ đơn giản, nhưng không phải vậy. Việc tổng hợp tình quân sự thế giới, sức mạnh quân sự của Hitler và tình hình Berlin để trả lời là ‘Yes’ hay ‘No’ lại cực kỳ quan trọng đối với quân đội Liên Xô thời đó. Anh là một nhân vật có thật và sau này người ta đánh giá anh là ‘một tình báo quan trọng bằng mấy sư đoàn’...
Có một điều rất ấn tượng là trong 17 ngày đêm trước khi quân đội Liên Xô và đồng minh tấn công Berlin vào năm 1945, có những ngày anh di chuyển trực chỉ và khẩn cấp mấy trăm cây số về Berlin, anh cứ chạy xe một tiếng đồng hồ rồi ngừng lại ‘ngủ’ 15 phút, nhờ thế mà anh có thể chạy 24/24 và chạy hết ngày này qua ngày nọ trên đường đi. 
Tất nhiên là Hitler có người yêu rất đẹp… Cuối phim, ‘rầm rập như long trời lở đất, như cả vạn hùng binh Mông Cổ tiến đánh vào thành Tương Dương, đoàn xe tăng T34 của Liên Xô giữa đêm tiến chiếm thành Berlin’, y run run bỏ viên thuốc độc vào miệng người yêu trước rồi mới tới y…

...Vâng, 'ngày hôm nay ta còn phấn khởi trong giấc mộng tuyệt vời của tham vọng, không ngờ một ngày nọ, chính tham vọng đó như một gáo nước lạnh dội vào đầu ta, làm cho ta rơi vào hố thẳm khôn cùng của sự tuyệt vọng: ta chết cùng hư vô!'.

3. Lại những dòng thơ Tết
Mấy ngày nay, tôi lại làm thơ tặng các blogger, mà bạn Lung Linh có nói là ‘Sở dĩ thơ LB được độc giả ưa chuộng hơn có lẽ là thơ bạn ngắn, dễ hiểu và rất… nịnh đầm, còn văn thì quá tổng hợp, quá… nhức đầu (tuy thú vị thiệt)’, vậy thì tôi dại gì mà không đăng thơ (cười):

-Nàng xanh nên sáng cũng xanh
Con mèo ngái ngủ, nằm gần chân em
Tặng anh hai chú chim xinh
Tặng anh một ánh hoàng hôn... mịt mờ
Tặng anh trong cõi u hoài
Tặng anh một bóng, miệt mài mơ tiên
Tặng làm gì, vậy hả em?
Làm cho ai khổ về đêm - mộng tình!

-Trách làm chi, hỡi dáng kiều
Dẫu không, dẫu có, cũng tiêu dao hồn
Tối về, dội bóng hoàng hôn
Khuya về, dậy khúc tơ lòng lửng lơ...

-Khóc làm chi em, hỡi dáng huyền
Anh ngồi trằn trọc giấc mơ tiên
Thế nhân mới đó như đà mất
Ôm bóng hình em xuống... mộ phần!

-Em cười tươi như hoa
Áo em tím ai phiền
Em nghiêng nghiêng ai nhớ
Suốt đời chả có em!
Xuân về hoa đào nở
Xuân đi dáng mai gầy
Tình ảo là không... em
Chiều buông dáng ai mềm
Tối về gió thổi lạnh
Phim tình chẳng muốn xem…

4. Cuộc nhậu đầu tiên
Hôm nay (6//2/2015) tôi có mua 2 tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, nói chung là không có gì mới lắm, tôi chỉ ghi lại vài bài/thông tin mà tôi để ý: ‘Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo cho dân’ (TT NTD), ‘Mỹ hỗ trợ Ấn Độ đóng tàu sân bay’, ‘Pakistan hướng sang Nga’, ‘NATO quan ngại chiến lược hạt nhân của Nga’, ‘Cùng thuyền, khác hội’ (ý nói Nga và Bắc Triều Tiên), ‘Thế giới Ả Rập đồng lòng chống IS’, ‘Tìm lối ra cho Ukraine’…, trong đó có một câu mà tôi để ý nhất là:
-Không có hào quang sáng chói dành cho nhà lãnh đạo, họ hoàn toàn là những người đứng phía sau lo lắng cho tập thể. (Vũ Minh Trí, Báo Thanh Niên, tr. 9)

Rồi tôi… phải đi nhậu do một lời mời từ chiều hôm qua. Tại bàn nhậu, nếu thu âm và ghi lại hết mọi chuyện thì phải dày như cuốn ‘Đèn Cù’ của Trần Đĩnh (cười), nên tôi chỉ ghi lại vài sự kiện có ấn tượng thôi.
Có một ông nói: ‘Đừng bao giờ chủ quan, tưởng đâu là già là hết ngu’, một ông khác nói: ‘Lúc nhỏ thì mình ngu bởi vì bị dẫn dắt bởi những thằng lớn hơn, còn lúc lớn thì mình ngu bởi vì bị dẫn dắt bởi những thằng già hơn’ (!), lại có ông khác nữa nói:
-Càng lớn càng ngu, lúc nhỏ ngu nhỏ, lúc lớn ngu lớn…
Tôi xin ghi nhận.
Rồi người ta có nhắc đến thơ của Nguyên Sa, Chế Lan Viên, Lamartine, và đặc biệt là Cung Trầm Tưởng với các câu:
Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế. Trời mùa đông Paris. Suốt đời làm chia ly. Tiễn em về xứ mẹ. Anh nói bằng chiếc hôn. Không có gì lâu hơn. Một trăm ngày xa cách.  Ga Lyon đèn vàng. Tuyết rơi buồn mênh mang. Cầm tay em muốn khóc. Nói chi cũng muộn màng…,
rồi họ nhắc đến Vũ Hữu Định/Phạm Duy với lời thơ nhạc:
Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc em ướt và mắt em ướt. Nên em mềm như mây chiều trong… Xin cảm ơn, thành phố có em. Xin cảm ơn, một mái tóc mềm. Mai xa lắc trên đồn biên giới. Còn một chút gì, để nhớ để quên,
hay mấy lời nhạc đầy chất nhân sinh của Trịnh Công Sơn:
Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố. Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình. Làm sao em biết đời sống buồn tênh. Đôi khi ta lắng nghe ta. Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về… Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa. Tình réo tình âm thầm. Sầu réo sầu bên bờ vực sâu…
Tôi còn được nghe một ca sĩ tài tử (amateur) hát bài ‘Nue comme la mer’, một bản nhạc Pháp của Chrisophe, với lời:
Tôi đã thấy nàng đi qua, trần trụi như đứa trẻ, trần trụi như biển khơi, nàng đã trần trụi trong ánh sáng (Je l'ai vue passer, Elle était nue comme une enfant, Nue comme la mer, Elle était nue dans la lumière).
Rồi có một ông thì thầm vào tai tôi:
-Chỉ có văn chương là vĩnh cửu, chứ không có tổ chức chính trị vĩnh cửu (!)
Vâng, tất cả cái gì mà chúng ta yêu quý đều phải là ‘sự thật’, phải ‘trần trụi như biển khơi’! Và trong một số cuộc nhậu như vậy, cuối cùng, tôi thấy mọi người đều dẫn đến một sự kích thích cao độ - không phụ thuộc vào thái độ chính trị, đó là thống nhất với nhau là: chỉ có tình yêu là vĩ đại, theo nghĩa rộng và theo mọi không thời gian. Tôi cũng xin ghi nhận.

…Nhớ lại, hôm qua, blogger Vomtrorieng có bình rằng: ‘LB mần thơ cũng gợi nhiều cảm xúc quá, thật buồn, mà nếu hỏi sao buồn thì botay, chỉ biết đọc xong thấy buồn... VTR mới đọc phần 1 - ngàn năm cô đơn - thôi, trước có đọc tác phẩm Trăm năm cô đơn, những tưởng là cô đơn ‘chạm đỉnh’ rồi, ai ngờ giờ lại có người ‘ngàn năm cô đơn’, tôi trả lời là: ‘Ta cứ đùa với ông Marquez tí cho vui, biết đâu thọ thêm vài... tháng nữa, hihi...’. Vì thế, tại cuộc nhậu này, nếu tôi bị… bắt phải đọc thơ, thì tôi sẽ đọc bài thơ sau đây:

Tháng Giêng đã đến rồi em nhỉ
Ngồi viết lai rai, mới mấy dòng
Quán cà một bóng đang chờ bóng
Chỉ có ta thôi, chẳng có người

Nụ tầm xuân ghé thăm năm đó
Đã mấy xuân qua, chẳng thấy màu
Tầm xuân nơi ấy, ai còn nhớ
Ai ở quán cà, mơ bấy lâu

Có thể một ngày vắng bóng em
Bằng lăng tim tím chẳng muốn... mềm
Lục bình hờn dỗi trôi xa xứ
Để lại vườn hoang, anh với anh!

Bóng nắng ngang trời, sáng chói chan
Buồn bã, anh im, trốn nắng vàng
Thời gian lặng lẽ trôi về cuối
Mỏi mắt đêm dài, không... thấy em

(HẾT)
---------
Ghi chú:
-Cung Trầm Tưởng: sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội… Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp  du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence. Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân lực VNCH. Trong năm này, hai bài thơ của ông là "Mùa thu Paris" và "Vô đề" xuất hiện trong tuyển tập Đất đứng của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý. Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành... Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài "Mùa thu Paris", "Chưa bao giờ buồn thế" (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là "Tiễn em"), "Bên ni bên nớ", "Khoác kín" (Phạm Duy lấy tên "Chiều đông"), "Kiếp sau", "Về đây"... Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình ca của ông thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc. Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không quân VNCH (đến 1975)… Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư. (Wikipedia)

28 nhận xét:


  1. Cuộc đời là như vậy, phải không anh?
    Như chiếc thuyền nan, tan vỡ chòng chành
    Gió thôi nhẹ tênh, em lòng giông bão
    Nhìn xuống đáy sông, còn chỉ bóng mình...

    Ui sao giống đời của em thế hihihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi, cuộc đời của PH sướng quá mừ, có rất nhiều nàng bình bên dưới blog của bạn đó, chia bớt đê!, hihi...,
      thanks, tối vui nhé.

      Xóa
    2. Hoàng Anh/Hung Phi (Facebook)
      Tầm xuân hé nụ bên thềm
      Nghe trời trở gió môi mềm mắt em!
      5 giờ trước

      Xóa
    3. Trưa rồi nắng ẩn dáng mềm
      Trà ngon một bóng, ai thèm nụ mơ, hihi...

      Xóa
  2. hairachgia [Blog Tiếng Việt] Email 05.02.15@19:08
    NỖI LÒNG CỦA VUA GIA LONG

    Có lắm bận quả nhân ngồi ngẫm nghĩ
    Một mình êng mà buồn bã âm thầm
    Ôi quyền lực của một ông Hoàng Đế
    Lời tâm tình chân thật đã lặng câm
    HRG

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm hoàng đế mà biết cô đơn là... tốt,
      dù sao ông ta cũng tí tính 'nhân sinh',
      chứ không phải như ai đó
      mãi hô những khẩu hiệu vang lừng!,
      nhưng chỉ loay hoay với những điều vụn vặt,
      mà chả làm được gì nên chuyện,
      nghe hoài, sầu nhân thế!, an-đéc-xen ơi!

      Xóa
  3. Có thể một ngày vắng bóng em
    Bằng lăng tim tím chả muốn... mềm
    Lục bình giận dỗi trôi xa xứ
    Để lại vườn hoang, có mình ên!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nụ tầm xuân ghé thăm năm đó
      Đã mấy xuân qua chẳng thấy màu
      Tầm xuân nơi đó, ai có nhớ
      Ai ở quán cà, mơ bấy lâu, hihi...

      Xóa
    2. Tháng Giêng đã đến rồi em nhỉ
      Ngồi viết lai rai, mới mấy dòng
      Quán cà một bóng đang chờ tím
      Chỉ có ta thôi, chẳng có nàng

      Xóa
    3. Bóng nắng ngang trời, sáng chói chan
      Buồn bã, im, anh trốn nắng vàng
      Thời gian lặng lẽ trôi về cuối
      Mỏi mắt đêm trường, chẳng thấy em

      Xóa
  4. Lâu rồi công chúa bé bỏng ko sang thăm anh LB, blog anh mỗi lần vào lại phải chờ chấp nhận (huhu)... Tối thứ 5 bình yên , cuối tuần vui vẻ anh nhé ! Lâu quá ko thấy anh sang nhà MT rồi đó chắc bận đi thăm các nàng tiên của anh phải hem ..??  (hihi , MT đùa chút)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, nhà anh xài cửa 'remote' nên nó vậy, có lúc anh cũng chả vào được (cười),
      cám ơn CCPP nhé, Tết bên ấy vui nhìu nhé.

      Xóa
  5. Mai Vũ (Facebook)
    Những bài viết của anh đều rất tuyệt! Thơ đầy cảm xúc, văn giỏi. Và " hanh thông nhiều điều". Hiii
    36 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu ngày mới thấy gót sen
      Đèn đêm tỏa sáng, thơ đêm... dậy hồn, hihi...

      Xóa
  6. Mải đọc đoạn chuyện hay
    ,Thơ Lá Bàng cũng say
    Trời đêm nay không gió
    Ai thả hồn trong mây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn NTL,
      tối tôi sẽ sang thăm
      Ở bên Đức,
      bạn đã chuẩn bị đón Tết gì chưa?

      Xóa
    2. Xuân về bên đấy, có như đây?
      Đường bán hoa mai, rãi rãi đầy
      Củ hành ai tải, đi đầy phố
      Mua vé, lên tàu, ăn Tết quê!

      Xóa
  7. LÊ THANH [Blog Tiếng Việt] 06.02.15@10:03
    Ghé thăm anh. Tài liệu hay và công phu. Chúc anh đón tết vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, mỗi đoạn mà tôi viết thì phải ra ngoài thăm 'thế giới tự nhiên' hết vài giờ (cười), anh thông cảm về bố cục bài viết, vì đây là bài viết tự sự tùy hứng, thanks.

      Xóa

  8. SAODH [Blog Tiếng Việt] 06.02.15@10:59
    Cái đoạn hay nhất là cô bé Betsy bị phạt nhốt trong nhà kho, Napoleon ngồi bên cửa sổ an ủi ... sao không viết ra !?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, có thể được, nhưng lại làm bài Napoleon dài ra thành một... cuốn sách (cười), trong khi đó tôi chủ trương phát hiện 'NÉT VIỆT', vì cái vụ 981 đã chỉ ra là ta nên làm như vậy, thank anh.

      Xóa
  9. vanba65 [Blog Tiếng Việt] 06.02.15@15:38
    Con thuyền tạo hóa của thời gian
    Tơi lúc phải vùi đám tục trần
    Đón tiếp nâng cao bầy thế sự
    Quay vòng tiếp nối tạo trần gian...
    Lần đầu ghé thăm bạn góp vui mấy vần .để làm quen giao lưu nhé, chúc vui vẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng:
      Cứ mỗi chiều rơi, đau thế nhân
      Trời ơi, chân lý ở đâu rồi
      Ngồi trông qua ngõ, chờ sương xuống
      Anh đớn đau lòng, em biết không!
      Cám ơn anh, chúc chiều vui.

      Xóa
  10. Lưu comt Kha Tiệm Ly:

    Dù chữ Dũng nào dám sánh Tăng Sâm,
    Còn chữ Hiếu vẫn thua xa Tử Lộ.
    Đức mỏng, đâu dám đo cùng bậc thánh, bậc hiền.
    Tài hèn, chẳng đủ bàn chuyện kim, chuyện cổ!

    Chẳng qua:

    “Phú quý do thiên”
    Quan trường tại số.
    Cam La má tròn phinh phính đã đạt công khanh
    Bá Lý tóc trắng phơ phơ mới ngồi trướng hổ!

    Sao nhiều Tăng Sâm, Tử Lộ, Cam La, Bá Lý... thế, hèn chi các cháu giỏi sử... Tàu!... Bài này nặng từ Hán Việt quá!

    Sr, qua thăm tình cờ gặp bài phú của Kha Tiệm Ly, có chút nhận xét vậy. Thân, chúc bạn PH và anh KTL ngày mới tốt lành.

    Trả lờiXóa
  11. Sang thăm anh đọc ma. Ui ! Em sợ ma quá. Chúc anh an vui nhé. Em dzìa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi, yêu cũng sợ, ma cũng sợ, vậy thì cái gì kg sợ hả trời, hihi...

      Xóa
  12. ...Vâng, 'ngày hôm nay ta còn phấn khởi trong giấc mộng tuyệt vời của tham vọng, không ngờ một ngày nọ, chính tham vọng đó như một gáo nước lạnh dội vào đầu ta, làm cho ta rơi vào hố thẳm khôn cùng của sự tuyệt vọng: ta chết cùng hư vô!'...

    Vậy cứ như MTV chẳng tham vọng gì cả nên chẳng tuyệt vọng và chắc chết không cùng hư vô...anh LB nhỉ...hihi

    Tháng Giêng đã chào thua
    Cho tháng Hai gõ cửa
    Tết về trong thương nhớ
    Của những ngày đã qua

    Còn gì lại trong ta
    Khi đời luôn được mất
    Có một điều rất thật
    Xin hành khất thời gian

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông trời cũng phải chết cùng hư vô,
      nếu giả thiết là con người sinh ra... ông trời,
      à, mà nhớ nhé,
      nếu không chết cùng hư vô thì rủ LB với nhé,
      vì vụ này hiếm lắm,
      hihi...

      Xóa