Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

701. Vô danh tiểu tốt (‘Hệ ngàn năm Đông phương’ - Phần 2)

   
Mốt anh hùng thời hiện đại!

Gió qua tuổi đời, níu thi nhân
Thơm vương trên má - quyện chút hồng
Gió ơi đã đến, đừng quay gót
Ta cảm thương rồi, ai biết không!

Vâng, tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, bởi vì tôi chỉ là một ‘hạt bụi’ nhỏ hơn cả hạt bụi trong vũ trụ này, bởi vì tôi cũng có vô số những suy nghĩ và hành động tầm thường hơn cả người tầm thường, bởi vì kiến thức của tôi có nhiều lúc lại thua ngay cả con kiến, bởi vì tôi cũng bị sinh ra rồi chết đi theo quy luật ‘sinh lão bệnh tử’ như 7 tỉ người khác trên thế gian này, bởi vì có nhiều lúc tôi cũng ham làm ông lớn, làm đại gia hay đạt giải Nobel (nếu được) như vô số kẻ phù du khác, và bởi vì có một điều chắc chắn:
-Tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt.
*
Tôi bắt đầu biết điều này, khi mà, cách đây 35 năm, tôi có làm… lớn chút chút (hihi..., so với các bạn cùng lứa), rồi đóng vai là một kẻ vô danh tiểu tốt, tôi đứng từ cuối sân khấu, nhìn một người làm lớn khác - đang đứng trên sân khấu, nói chuyện chính trị và múa may quay cuồng như con khỉ Tôn Ngộ Không, và tôi bỗng giật mình tự hỏi:
-Chả lẽ bấy lâu nay, ta cũng như con người đứng trên sân khấu kia sao!

*
…Mãi cho đến vài năm trước và năm nay (2015), tức là sau khi về hưu ‘sớm hơn’, đối tượng giao tiếp của tôi trở nên rộng hơn (tức là khác hơn trước), gồm những blogger trẻ, những người lân cận độ tuổi ‘lục thập nhi nhĩ thuận’ - đã trưởng thành từ cái ‘giao thời’ trước 75 và sau 75, những kẻ ‘thất thập cổ lai hi’, nhưng lại ít gặp hơn - phụ nữ và Việt kiều…, trong đó thường có sinh viên, giáo viên/giáo sư, đặc biệt là các cụ đã từng làm cách mạng. Lưu ý rằng tôi không quan tâm đến VN hay ‘Cali’, mà điều chủ yếu hiện nay là:
-Tôi muốn nghe họ nói lên được cái gì ‘mới’, và liệu rằng nước ta có trở nên ‘mới’ nếu làm như những điều mà họ nói không?
*
Rồi trong một cơn mơ…
Vào một buổi tối nọ, tôi đã đi lang thang trên những con đường ở ‘làng nhậu’ Thủ Đức (Sài Gòn), bỗng tình cờ ngang qua hai con đường là Einstein và Tagore, và rồi dừng lại ở đó dăm ba phút: tôi thấy phấn khởi, bởi vì chỉ có với những khối óc và tâm hồn như họ, thì mới có thể làm cho một quốc gia nào đó ‘sánh vai với các cường quốc 5 châu’, nhưng rồi tôi lại tiếp tục đi và lẩm bẩm hát:
-‘Đi về đâu hỡi em,
khi trong lòng không chút nắng,
giấc mơ đời xa vắng’…
Tất nhiên, tôi biết ai đó - đã đề xuất đặt tên Einstein và Tagore cho hai con đường ở Thủ Đức - là (rất) tiến bộ rồi, nhưng tôi cũng rất hy vọng rằng, tên tuổi của hai ‘vĩ nhân’ kia chỉ là tạm thời, mà một ngày nào đó, nó sẽ là tên tuổi của người Việt.
*
Trời đã về khuya, bước chân của tôi lại âm thầm giẫm chân lên những con đường như Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu… (quận Bình Thạnh, Sài Gòn), tôi tự hỏi là:
-Thế hệ trẻ có nên noi gương ‘đánh nhau’ như Đinh Bộ Lĩnh của thời ‘Thập nhị sứ quân’ ngàn năm về trước, hay nên noi gương ‘tự-khám-phá’ như Einstein của thời ‘làm thay đổi thế giới’?
*
Rồi vầng dương rạng chói, rồi đến buổi chiều tà, bước chân tôi lại vô tình đến bên một dòng sông trắng, và ở đó, tôi đã gặp một người làm cách mạng, mà nay đã chuyển sang làm ông chủ của nhiều tập đoàn kinh doanh bất động sản (!). Ông ta kể cho (chúng) tôi nghe nhiều gương doanh nhân ở trong nước và ngoài nước từ các ‘nhà chế tạo hai lúa’, đến ‘ông xe tăng’, ông 'Hyundai’, ông ‘Nokia’, ông 'Hollywood’, ông ‘Microsoft’…, nghe rất là hấp dẫn, nhưng ông ta kết luận:
-Thế hệ trẻ VN hiện nay, nếu có, thì chỉ là những nhà ‘chế tạo’ (= độ chế) chứ không phải là ‘sáng tạo’, vì suy nghĩ của họ thường là vì cái trước mắt, nếu không muốn nói là vì sự thúc dục của đồng tiền (!)
Ông ta nói có lý, nhưng cũng lúc đó tôi xin phép ra về (đã 5g chiều rồi, nhưng ông ta nhìn tôi như thể tôi là một con quái vật, vì tôi đã không ngồi lại ở đó để ‘chém gió’ vô số chuyện trên khắp thế giới cho đến… 12g khuya!), và đồng thời tự hỏi rằng:
-Thế thì những Einstein hay Tagore thì sao? Chả lẽ là, những ‘Einstein’ này, đối với ông ta hay thế hệ trẻ (ngồi chung quanh ông) chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt!
*

Để kiểm tra (những) thắc mắc này, tôi ngước mắt lên bầu trời cao rộng kia, và chợt bị chặn ngang bởi cái ti vi, mà trên đó, người ta đang chiếu (trong thời gian gần đây): Võ Tòng - anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc, Bao Kế Xung - Triều bái Võ Đang, Tân Võ Tắc Thiên truyền kỳ, đó là chưa kể đến những Anh hùng xạ điêu, Ân oán tình thù, Câu chuyện gia đình, Cầu vồng sau cơn mưa, Cuộc chiến hồng nhan, Danh gia vọng tộc, Đầu bếp bí ẩn, Gia đình vui vẻ, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Hoài Ngọc truyền kỳ, Mối tình đầu, Nấc thang cuộc đời, Sóng gió gia tộc, Tấm lòng cha mẹ, Thiên trường địa cửu, Thiết mã tầm kiều, Tình đầu khó phai, Tranh quyền đoạt lợi, Vòng xoáy kim tiền, Vô ảnh kim đao, Vương Chiêu Quân… (‘Phim Tàu thống trị đài truyền hình’, xem đường dẫn bên dưới). Tôi mới tự hỏi:
-Phải chăng vì thế mà thế hệ trẻ rành sử Tàu hơn sử Việt, và chúng sẽ học được gì từ những ‘anh hùng Đại Hán’ như Kinh Kha, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung, Trương Phi, Hứa Chữ, Mã Siêu, thậm chí là những ‘người đẹp đảo chính’ như Võ Tắc Thiên, Từ Hi… để làm cho nước ta ‘sánh vai với các cường quốc 5 châu’?
*
Và để kiểm tra (những) thắc mắc này, tôi mới thử viết bài về phim ‘Interstellar’ (Hố đen tử thần), một bộ phim được ‘yêu thích nhất thế giới năm 2014’, một bộ phim được xếp hạng ‘thứ 15 trong danh sách Top 250 phim hay nhất mọi thời đại’, đặc biệt là một (trong những) bộ phim tổng hợp được gần như toàn bộ tri thức của nhân loại: Vật lý cổ điển, Thuyết vạn vật hấp dẫn, Phân tâm học, Thuyết tương đối, Lý thuyết ma trận, Lý thuyết nhóm, Hình học Lobachevski (phi Euclide), Tính cong của không-thời gian, Trường hấp dẫn/trường lượng tử, Thiên văn học/Vũ trụ học (kể cả chinh phục không gian), các nghiên cứu về Vụ nổ lớn, Lỗ sâu, Lỗ đen, Hạt cơ bản…, nhưng từ các blogger, tôi nhận được trong đó, cái ‘trường sinh học’ của việc bỏ qua (forget) các lý thuyết, khá hơn là có ‘đá’ tí tí đến các bậc tiền bối ‘làm chính trị’ vào thế kỷ 20, mà cụ thể hơn là thích ‘chuyện hài hước’, cụ thể nữa là rất ít khi nghe nhắc đến ‘khoa học’ - vì không hiểu nổi tư tưởng cơ bản…
*
Tại sao? Tôi mới đem chuyện này kể cho các ‘cụ’ nghe, té ra là các cụ ‘này’, ở trường chỉ học các triết lý cổ điển nào đó cách đây cả… 150 năm, và học lơ mơ chút toán-lý-hóa không tới đâu, rồi khi già, ở các quán nhậu/bàn trà, thường chém gió, nào là ‘ái điện tử’, nào là ‘ái lực’, nào là ‘vân đạo nguyên tử’, nào là ‘phi thuyền Apollo’, nào là ‘lỗ đen’, nào là ‘toán Ngô Bảo Châu’… mà chả biết rõ nó là cái gì sất, chẳng hạn, có cụ bảo rằng ‘toán của Ngô Bảo Châu là toán lý thuyết, vô ích, nên nghiên cứu toán nào mà nuôi cá tra cho có được nhiều… tiền hơn’!, có cụ bảo rằng ‘phi thuyền Apollo bay thẳng (direct) một cái véo là đến mặt trăng!’, thậm chí, có cụ khoe ‘anh Lá Bàng ơi, khái niệm lỗ đen mới được bọn Tây đưa ra vào… năm 2015, một phát hiện mới lắm’!, ha.. ha.. ha…
Tại sao vậy? Tại vì các phim như ‘Matrix’ (Ma trận), ‘Inception’ (Kẻ đánh cắp giấc mơ), hay ‘Interstellar’ (Hố đen tử thần)… là loại phim ‘hại não’, mà đòi hỏi người xem phải học kỹ các môn toán, lý, hóa ‘cao cấp’ trong trường đại học, và phải học cao hơn, nhiều hơn nữa…, nhưng một số cụ thích nghiên cứu ‘thơ Lý Bạch’, ‘chuyện Võ Tòng đả hổ’, hay ‘mấy cái chữ Hán-Nôm trong cái bia đá của Vạn thế sư biểu’ (tức Chu Văn An)…, vì điều này dễ hơn và quen thuộc hơn rất nhiều so với cái ‘khoa học hại não của phương Tây’ mà sẽ làm cho nước ta sánh vai với các cường quốc 5 châu!, hihi…
*
Vì thế mà vào rạng sáng ngày hôm sau, tỉnh giấc mơ, khi mà ánh dương đang mờ mờ, mắc cỡ đến xa xa trên đầu cánh cửa, tôi mới nghĩ ra mấy câu sau đây:
Có ai đó nói anh hùng là những ai 
giỏi đánh nhau, và… thay trời hành đạo:
Kinh Kha - phục vụ kẻ ác để diệt kẻ ác!
Võ Tòng - anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc!
Bao Kế Xung - Võ Đang, ai triều bái?
Hỡi những anh hùng, tráng sĩ xưa nay,
thế thì những ai chế tạo ra máy bay,
phi thuyền, đưa con người vào vũ trụ,
sáng tạo ra thuyết tương đối, lỗ đen, lượng tử...,
chỉ là những kẻ... chẳng đáng yêu, ở xứ này?
*
Trước khi hạ cánh an toàn, để cho thư giãn, tôi xin trích từ ‘hiện thực cụ thể sinh động’, ba lời bình sau:
1. ‘Anh hùng chỉ giỏi đánh nhau’, uhm... triết nhỉ!
Cũng như ngày xưa, tiền nhân từng oai phong ‘Đập đá ở Côn Lôn’, lại được ca ngợi.
Ngày nay, bọn trẻ mà ‘đập đá’, chẳng cần lên đến Côn Lôn, là đã bị sờ gáy. Sao lại thế?, hi hi… (VTR)
2. Ui, cô giáo làm tôi sực nhớ lại là đang mùa thi đại học...
Có một Facebooker ra một số câu hỏi thi đại học cho các thí sinh: 
-Đường bờ biển của nước Lào dài bao nhiêu km?
-Ai lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1915?, 
v..v..., hehe... (NGLB)
3. Đại hiệp làm tui cười muốn rớt ghế… Đại hiệp có biết chuơng trình ‘Ai là triệu phú?’ trên TV không, có câu hỏi:
-‘Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thuơng con vi con giống...'
Đáp án: A) Ông hàng xóm, B) Ba.
Khủng hoảng luôn! (VTR)

Vâng, cái thế giới ‘khoa học’ ở ta đại khái là thế, híc.. híc…
*
Và khi viết đến đây, tôi bỗng nghe tiếng róc rách nho nhỏ như tiếng nước chảy, vội bước ra sau nhìn, té ra đó là tiếng chim hót chíu chít sau vườn:
Ngoài kia con chim nhỏ
Nhảy chíu chít trên cành
Anh nhớ em, mơ màng
Nắng đã rụng ngoài sân...

Vâng, thế giới tự nhiên quả vô cùng kỳ diệu.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. ‘Ái điện tử’: từ thường dùng vào trước năm 1954!, kể cả gần đây (ví dụ, bởi ‘nhà gạo lức muối mè’ Osawa, Lý Hồng Chí…), nay gọi là ‘âm điện tử’, hay ‘electron’.
  2. ‘Ái lực’: từ thường dùng vào trước năm 1954!, nay gọi là ‘lực điện từ’ hay ‘tương tác điện từ’.
  3. Không gian năm chiều: Thiên tài Albert Einstein dành 30 năm cuối của cuộc đời ông để xây dựng nên điều mà các nhà vật lý học gọi là lý thuyết (trường) thống nhất - kết hợp khái niệm toán học của trọng lực với ba loại lực cơ bản trong tự nhiên: lực tương tác mạnh, lực tương tác yếu và lực điện từ. Nhưng cả Einstein lẫn nhiều nhà khoa học khác vẫn chưa thành công do rào cản mang tên trọng lực, loại lực cơ bản thứ tư. Một số nhà vật lý học cho rằng, một cách để giải quyết bí ẩn này là hình dung như thể vũ trụ vốn hoạt động theo năm chiều, thay vì (không gian) bốn chiều như Einstein từng phát triển trong lý thuyết tương đối của ông (kết hợp giữa không gian ba chiều với thời gian một chiều, hay còn được biết đến với khái niệm không - thời gian). Đạo diễn Christopher Nolan đã khéo léo sử dụng ý tưởng này, đưa ra ý tưởng vũ trụ của chúng ta có năm chiều trong (phim) Interstellar, và trọng lực đóng vai trò quan trọng trong tất cả mọi chuyện. Xem thêm: http://news.zing.vn/5-kien-thuc-khan-gia-can-biet-khi-theo-doi-Interstellar-post478028.html
  4. Lỗ sâu: chính là một nếp gấp trong không - thời gian, kết nối hai vùng rất xa nhau trong không gian, cho phép các nhà thám hiểm vũ trụ vượt qua một quãng đường rất dài trong khoảng thời gian ngắn (gọi là ‘cổng du hành’). Thuật ngữ chính thức của lỗ sâu là ‘cầu Einstein-Rosen’, do Einstein và đồng nghiệp của ông là Rosen xây dựng nên vào năm 1935. (news.zing.vn)
  5. Lục thập nhi nhĩ thuận: tạm hiểu là, người 60 tuổi thì nghe người ta nói cái gì cũng biết là có cái đúng trong đó.
  6. Phim Tàu thống trị đài truyền hình, xem: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/dien-anh-van-hoa-giai-tri/phim-tau-thong-tri-dai-truyen-hinh-viet-142607.html
  7. Sai sót trong chương trình ‘Điệp vụ tuyệt mật’: Ngay sau khi báo chí lên tiếng phản ánh về sai sót trong chương trình ‘Điệp vụ tuyệt mật’ phát sóng trên VTV3 tối 2-5 ‘chuyển’ thủ đô Hà Nội sang Trung Quốc và phát hình bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, đến chiều tối 4-5, ông Trần Bình Minh, tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đã quyết định tạm dừng phát sóng chương trình này. (tuoitre.vn)
  8. Thời ‘Thập nhị sứ quân’: là giai đoạn 944-968, cách đây khoảng 1050 năm.
  9. 'Vân đạo nguyên tử’: từ thường dùng trong các sách Hóa trước 75, nay gọi là ‘đám mây điện tử'.

10 nhận xét:

  1. Mietvuon Sau (Facebook)
    Một xã hội hàng ngàn năm văn hiến mà ko có lấy một chủ thuyết Dân Tộc nào làm kim chỉ nam đến nỗi phải thỉnh "kinh" từ ngoài vào thì sản sinh ra một thế hệ "độ chế" là điều hiển nhiên thôi.
    9 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, bởi vậy mà cần sản sinh ra nhiều... Đường tăng, nhưng trí tuệ thì kém Đường Ngự Đệ của trẫm nhiều, hihi...
      P/s: Bạn có avatar mới ngầu sế!

      Xóa
  2. vomtroirieng [Blogger] Email 08.06.15@22:02
    LB đại hiệp à, chẳng ai là kẻ vô danh tiểu tốt cả, ai cũng là kẻ không thể thay thế được trong suy nghĩ, trong cuộc sống của 1 hay vài người
    (đẫm chất triết!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chung thì ta cũng là kẻ vô danh VTR à, vả lại, có danh để làm gì, à mà có danh tí tí với (vài) bóng hồng cũng lý thú đấy, vì sẽ vui mà có náo hoạt lên tí tí, hihi...

      Xóa
  3. vomtroirieng [Blogger] Email 08.06.15@22:10
    À, còn về anh hùng, thế này có phải là anh hùng ko nhỉ!
    1.Báo đưa tin ông A cho ông B mượn 1 số tiền, ông B ko còn khả năng chi trả, ông A đòi mãi ko được, tức lên "ko trả tao chặt đầu", ông B thách "ko trả, dám chặt ko", ông A liền về nhà lấy dao qua... cuối cùng, tiền mất, tù mang...
    2.Hoc trò kiểm tra, đề khó, ko làm được, "sắp chìm", 1 số em thì cựa quậy tìm "phao cứu sinh', chỉ có 1 em hiên ngang đi thẳng lên bàn GV, nộp bài, giấy trắng..., có phải anh hùng ko?
    Và ngày Hà Nội có vụ án cây xanh, có 1 ông là cựu chánh thanh tra, tuyên bố "ko giải quyết rốt ráo, tôi tuyệt thực", có phải anh hùng ko?
    Như vậy, anh hùng sẽ dựa trên lời nói hay qua việc làm? (từ đó đến nay VTR cứ hồi hộp tìm thông tin xem có ai tuyệt thực chưa mà ko thấy...)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy cái đó được giới giang hồ gọi là 'nổi máu yên hùng', VTR à, nhưng nó không thuộc phạm vi bài viết.
      Một trong những ý của bài này là: cả ngàn năm nay, ta đã đặt chữ anh hùng vào không đúng chỗ lắm (mặc dù có phần đúng), điều này đã làm cho vô số kẻ 'anh hùng hơn' đành phải trở thành những kẻ vô danh tiểu tốt, híc.. híc...
      Ngày mới... ngọt ngào, hihi...

      Xóa
  4. Phạm trù không mới, nhưng anh viết hấp dẫn và lôi cuốn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, hai hôm nay mình bị mệt, nên chưa kịp trả lời, (và) nên có 1-2 chi tiết nhỏ chưa chỉnh, và chưa nghĩ ra đề tài mới, may mà nhờ có giấc mơ tối qua...
      Cám ơn bạn, ngày mới tốt lành.

      Xóa
  5. kieuthien [Blogger] 10.06.15@11:30
    "Vô danh tiểu tốt" - vẫn đề hay
    Lại càng hay nữa qua tay Lá Bàng
    Bác đã lọc, bác lại sàng
    Cho nên câu chuyện lại càng thêm hay !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi dà, anh bạn Kiều Thiện,
      Mấy hôm nay mạng bị chập chờn quá trời, chắc lại đứt cáp nữa!, đăng bài mệt quá trời, đi thăm nhà khác lại càng... mệt (vì nó chạy chậm rì à).
      Cám ơn bạn nhé, bạn đọc bài mới thử có... zui k?, hihi...

      Xóa