Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

585. Tôi không bao giờ đọc sách nữa!

Mưa về nước ngập xóm tôi
Ai hay có kẻ đứng ngồi không yên
Về đêm thấp thoáng dáng huyền
Ai mơ, ai mộng, ai điên, ai cuồng...
Tiêu đề đầy đủ của bài viết là ‘Các thư viện sách và tôi không bao giờ đọc sách nữa’, nhưng tôi thấy nó… dài quá, nên làm ngắn lại. Bài này có hai nội dung, một là ‘các thư viện sách’, và, hai là ‘tôi không bao giờ đọc sách nữa’, nhưng chủ yếu là nội dung sau, vì nếu nói về các thư viện thì nói cả… đời. Và tôi dùng chữ thư viện 'sách’ ở đây theo nhiều nghĩa, vì còn có thư viện 'điện tử’, hay thư viện 'dân gian', mà các bạn hãy xem tiếp bên dưới nhé.
Lưu ý là các câu chuyện dưới đây đã xảy ra cách đây (rất) nhiều năm, nên tôi không thể nào nhớ hoàn toàn chính xác hay nhớ rõ từng chi tiết được; ngoài ra, vì là người yêu sách và là nhà ‘sưu tập’ sách, nên về ‘sách’ mà nói, tôi không có thành kiến với ‘chế độ’ nào hết, và vì thế, ngoài những sách ‘gối đầu giường’ như của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Trang Tử, Dale Carnegie, những sách ‘tư tưởng khoa học’ của Einstein (‘Vật lý tiến hóa luận’), Engels (‘Biện chứng của tự nhiên’), Lê-nin (‘Bút ký triết học’), những sách ‘triết’ của Muju (‘Góp nhặt cát đá’), Kim Dung, Cổ Long, tôi còn có không ít sách của Mark, Nguyễn Hoàng Phương, Giu-cốp và các nguyên soái Liên Xô khác…
Dưới đây, tôi sẽ kể theo trình tự ký ức về các thư viện sách của ba tôi/của tôi, rồi ở Đà Nẵng, Đaklak, Sài Gòn, rồi về thư viện điện tử, và thư viện của… dân gian, trong đó tôi sẽ kể cho các bạn nghe rằng ‘thư viện sách ở ngoài đời thường’ mới là một cái thư viện đúng nghĩa, và như bạn sẽ thấy ở phần cuối của bài này: là con mọt sách, cuối cùng, tôi đã chấp nhận tự hủy hết tất cả trí tuệ của mình như thế nào...
1
Ôi, nói đến cái tủ sách của ba tôi, cộng với của chú và bác tôi nữa thì cũng bằng một cái… thư viện, mà trong đó, nó có gần đủ sách của Kim Dung và của các nhà văn phương Tây nổi tiếng, ví dụ như ‘Các mối tình của thần Du Bích Tiên’ (Jupiter), ‘Guy-li-vơ du ký’ (của Giô-na-than Xuýp),  ‘Ba chàng ngự lâm pháo thủ’…, ngoài ra, từ quê ra tỉnh, còn có rất nhiều cuốn tạp chí ‘Đứng đậy’ hay ‘Kiến thức ngày nay’ nằm rải rác đây đó… Nếu kể ra các chi tiết thì quả là một ‘long story’ (= câu chuyện dài), chỉ biết nói ngắn gọn là tôi đã bị tác động nhiều bởi các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Trang Tử..., và nhất là của Kim Dung mà nói chung là ba-chú-bác tôi đã để lại cho tôi nhiều ‘vấn đề’ cần phải làm rõ, ví dụ như tôi đã viết:
-Trước đây, hắn mê sách còn hơn mê gái. Hắn đã được đọc một số truyện của Kim Dung khi còn năm tuổi, lý do là ba hắn mua sách bỏ ngay trong tủ trước mặt hắn. Đến nay, mỗi truyện này hắn đọc hàng chục đến hàng trăm lần, còn xem phim chưởng Kim Dung thì bao nhiêu lần không kể xiết. Nhưng khi viết bài này, hắn đã quên gần hết rồi, ông trời đã phạt hay thưởng hắn thì không rõ, đó là hắn bị mất trí nhớ, do đó hắn chỉ hiểu ý chứ không nhớ lời. Điều này có thể tạm ví như Vô Kỵ đã may mắn học được ‘Thái cực kiếm’ rồi quên hết toàn bộ kiếm chiêu mà chỉ nhớ kiếm ý, 'học mà còn nhớ dường như là chưa hiểu hết được tinh hoa của cái mà mình đã học (Einstein)… Hồi trẻ, hắn nghe chú hắn nói rằng, trong thời gian sáng tác, Kim Dung ở một khách sạn ở Hồng Kông, có các phóng viên đăng ký ở các khách sạn quanh đó, hễ mà ông sáng tác được bài nào, dù là nửa trang, bài viết đó lập tức được dịch và đăng tải trên đài BBC, đài VOA và nhiều tờ báo trên thế giới. Chú hắn còn khẳng định ‘Kim Dung là nhân vật có một không hai trong lịch sử văn học Trung Quốc và nhân loại, đó là người duy nhất viết tiểu thuyết mà từ trẻ con, anh xe ôm, kẻ trí thức đến nhà bác học đều có thể đọc được và hiểu hay cảm nhận theo cách của mình (entry 'Phi - Kim Dung và tình yêu', đường dẫn bên dưới), v..v… 
*
Thư viện Đà Nẵng được thành lập gần như ngay sau ngày 29/3/1975 (tôi cũng không biết là nó có ‘tiếp quản’ từ cái thư viện cũ hay không, vì vào giai đoạn ‘nóng’ đó, ai mà để tâm đến chuyện này), tức là vào khoảng cuối năm 1975!, khi tôi vào làm con… mọt sách ở đó, thì nó đã là một cái thư viện hoàn chỉnh rồi… Thời điểm đó, có rất nhiều sách được chuyển với số lượng lớn từ ‘tuyến miền Bắc’ vào, tất nhiên là cuốn sách nào cũng có dấu tay ‘hình sự’ của tôi, nhưng tôi chỉ kể ra một số cuốn sách mà tôi ‘quý’ thôi, vì dù sao tôi cũng đang ở trong giai đoạn luyện thi đại học, như: ‘Toán học cao cấp’ (3 cuốn, phương pháp giải), ‘Cuộc sống và sự nghiệp’ (Nhà xuất bản Kim Đồng), 'các mẫu chuyện về thời thanh niên của Mác, Lê-nin', 'các danh nhân thế giới và VN'…, chỉ biết là nó đã đóng góp không ít vào các ‘ấn tượng’ của tôi trong đời, mà nhờ đó, vào tháng 8/2011, tôi đã viết:
-T bắt đầu câu chuyện: ‘Anh à, sau khi tốt nghiệp, em được giữ lại dạy đại học ở Hà Nội. Em ở trong một căn nhà khá đơn sơ. Trong phòng em có rất rất nhiều sách, em đọc suốt ngày, suốt đêm, sách gì em cũng đọc’. Hắn liền liên tưởng đến hình ảnh chàng sinh viên Mác trong một căn phòng đầy sách đang làm luận văn Triết học về Ê-pi-quya… (entry ‘Ông tiến sĩ kỳ lạ’, đường dẫn bên dưới),
và mới đây (ngày 12/6/2014), tôi có bình cho bài ‘Yersin’ của GS Dũng như sau:
-Bài viết này làm tôi nhớ lại (hình như trong cuốn 'Cuộc sống và sự nghiệp'!), có kể là viên Toàn quyền Đông Dương là Doumer có đến thăm ông Yersin tại nhà riêng của ông (ở Nha Trang), khi ông đang nằm trên võng và đang đọc sách, ông thản nhiên đứng dậy bắt tay, nghe Doumer hỏi thăm vài câu xã giao, rồi ồng nói 'cám ơn' và nằm xuống võng, tiếp tục... đọc sách, tôi thấy rất ấn tượng về tác phong của nhà khoa học này, nên nhớ mãi mẩu chuyện này đến bây giờ, hihi..., v..v…
*
Thư viện Đaklak được thành lập muộn hơn, đại khái là vào cuối năm 1976, khi tôi đến và ‘ăn dầm ở dề’ ở đấy, lai rai khoảng vài tháng (vì nhà tôi khá xa, thường phải đi bộ đến thư viện, vả lại, tôi rất thân với cán bộ thư viện, nên tôi gói cơm theo, ăn chung với họ, và ở lại đó luôn).
Lúc tôi đến, thư viện này đang trong quá trình ‘nhập’ sách, chủ yếu là nguồn sách từ Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tuyên Quang…, chỉ có 2 cán bộ và, nếu nhớ không nhầm, lúc đó gần như chỉ có 1 độc giả duy nhất, đó là… tôi.
Ở đó, tôi không phải tìm đọc ‘Triết học cao cấp’, ‘Kinh tế-chính trị học cao cấp’ (của Hàn lâm viện Liên-Xô), hay ‘Ruồi trâu’, ‘Thép đã tôi thế đấy’… nữa (vì ở nhà tôi đã có rồi, hihi…), nhưng vì thư viện này nhập các nguồn sách thập cẩm được chuyển giao từ các tỉnh khác, và cũng từ cái thư viện này và các cửa hàng sách ở Ban Mê hay Buôn Hồ, mà tôi được đọc rất nhiều tiểu thuyết như ‘Những đốm lửa’, ‘Con tàu trắng’, ‘Đoạn đầu đài’, ‘Xâu chuỗi hạt’ (‘Chuỗi hạt trân châu’, Maugham), 'Hội chợ phù hoa', 'Đê-vít Cô-pơ-phiêu' (David Copperfield), 'Truyện cổ tích An-đéc-xen'… Nhưng cũng không ngờ là chính những tác phẩm phê phán triết học hiện sinh ở đây đã giúp cho tôi biết 'nó', và được làm quen với Kapka, Camus, Nietzsche…
*
Sau đó, tôi thấy rằng mình không thích phiền toái trong việc đi lại để mượn sách ở thư viện nữa, nên tự nghĩ rằng ‘tại sao mình lại không thể tự lập cho mình một cái thư viện?’, và thế là tôi đã bắt đầu… sự nghiệp, nhưng cái thư viện của tôi lại nằm ở… Sài Gòn. Hễ cứ có tiền là tôi mua sách, thậm chí là tôi sẵn sàng đạp xe đạp từ Thủ Đức lên Sài Gòn (khu trung tâm) để mua sách, trong đó, số lượng sách mà tôi có nhiều hơn là do tôi xin hay mua lại/đổi sách với các bạn hay người thân, còn số sách có giá trị hơn thì lại được tôi thu nhặt từ dân gian. Cũng trong thời gian học đại học, tôi có đi thăm một số tủ sách ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Phan Thiết…, thấy người ta có nhiều sách trước 75, tôi thèm rỏ dãi nhưng chả dám xin… Có điều rất quái lạ là tiền hầu như không tìm đến tôi, còn sách thì tự nhiên đến tìm tôi chứ tôi không tìm sách, cái đó là số phận, nếu các bạn có thắc mắc thì hãy hỏi… thượng đế đấy! Cuối cùng thì tôi có khoảng 4-5.000 tên sách (tức là bằng 40-50.000 cuốn sách ở thư viện, vì ở đó, cùng 1 tên sách thì có thể có đến cả chục cuốn hay cả trăm cuốn - để cho các độc giả mượn)…
Nhưng, trong số sách mà tôi ‘gom’ được, có nhiều ‘hàng độc’ mà trong các thư viện không có. Nhớ lại, trưa hôm đó (khoảng 1984-1985), có một nghiên cứu sinh từ Đà Nẵng vào SG để làm luận văn tiến sĩ, anh ta thấy trước khi ngủ trưa mà tôi đã tranh thủ đọc qua… 7 cuốn sách, ngạc nhiên quá!, nên khi tôi đi học, anh ta mới tò mò giở ra xem và thấy trong đó có 1 cuốn sách (nói về các nhà bác học và các nghiên cứu của họ về hạt cơ bản...) mà anh ta và anh Huỳnh Tấn Mẫm tìm mãi không ra!...
*

Ôi, viết... mệt quá, còn cái vụ 'thư viện điện tử' (Electronic-library hay E-library) nữa. Số là từ năm 2005, tôi có làm việc sơ sơ cho... Đại sứ quán Hà Lan. Tôi phải giảng bài và quản lý nhiều tiểu dự án, trong đó có dự án thư viện điện tử cho một số trường đại học/cao đẳng như ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Quy Nhơn, Gia Lai, Phú Thọ, Hà Nam, Lạng Sơn, Hà Nội...
Nói nôm na, đó là tất cả các sách/báo đều được vi tính hóa, có nghĩa là mọi thông tin trên thế giới, kể cả sách giáo khoa, nếu đã được đưa vào máy vi tính và công khai thì bạn có thể lập tức đọc được nó trên mạng (như các blogger đang xài hiện nay, dĩ nhiên là sinh viên phải đến thư viện loại này, vì chỉ ở đó mới có chứa một dung lượng thông tin khổng lồ và đa hệ như vậy!), còn nếu những thông tin là các văn bản cách đây hàng trăm/hàng ngàn năm, là bản đánh máy chữ (quay roneo như trước 1975 ấy), hay là bản viết tay chẳng hạn, thì nó sẽ được scan (quét) và đưa vào vi tính, ví dụ như cuốn 'Cô gái đồ long' (do Từ Khánh Phụng dịch) hay cuốn 'Thuyết xã hội bất hủ' (của Hồ Thích) thì các bạn có thể đọc ngay trên máy vi tính...
2
Xin chuyển sang nội dung tiếp theo. Số là sau khi đọc quá nhiều sách như vậy, tôi mới phát hiện ra là mình có vấn đề: tôi đã bị... điên, dưới một góc độ nào đó... Khoảng năm 1979, tôi bắt đầu biết rằng mình bị... điên khi cầm và vứt một cái hóa đơn đỏ do anh lái xe trình lên (và tôi phải uống nhiều B12), hay tôi thường nhìn các con kênh ở huyện và các cống rãnh lộ thiên ở thành phố, và muốn... nhào xuống đó để chết cho rồi!, rồi tôi phải từ giã chiến trường (tôi thuộc lực lượng TNXP hay là lực lượng bán vũ trang thời đó), về nhà và chuẩn bị đi thi đại học, vì tôi nghĩ rằng ở đại học sẽ nhẹ nhàng hơn và sẽ làm cho tôi hết... điên, sau này tôi mới biết là tôi... ngu quá, vì học đại học, nếu học đàng hoàng, thì khổ gấp... 10 lần đi lính, híc.. híc...
Trước khi thi đại học, để hóa giải cơn... điên, tôi đã đi Sài Gòn và ghé vào Ký túc xá Minh Mạng (nay là ký túc xá Ngô Gia Tự), ở đấy tôi đã đọc các cuốn 'Lão Tử đạo đức kinh', 'Trang Tử nam hoa kinh', rồi 'Tự truyện của Gandhi', rồi 'Kinh Thánh', 'Kinh Phật'..., không ngờ đọc càng nhiều sách về... đạo đức, tôi lại càng... điên! (Và điều này chứng tỏ rằng khát vọng của con người hay chân lý của thế giới tự nhiên vốn hoàn toàn không nằm trong sách).
Vào đại học, càng ngày tôi càng bị mất trí nhớ (về chuyện sách vở), chẳng hạn, tối hôm nay tôi 'giảng bài lại' (về Tâm lý học, hay Kinh tế - chính trị học) cho một số bạn cùng lớp, thì sáng mai, ngồi vào phòng thi, tôi quên hết 100% những gì mà mình đã 'giảng' vanh vách tối vừa qua, mà tôi phải tự nghĩ ra bài viết... Nhưng có một điều rất lạ lùng (và cái này lại phải hỏi thượng đế!), đó là tôi quên hết những cái gì về Mác-Lênin mà mình đã học, mà phải tự tưởng tượng ra và viết theo kinh nghiệm/hiểu biết vốn có của mình, thế mà cả 2 bài thi đều được 9 điểm (nên nhớ là 8 điểm triết đã là rất khó), từ đó tôi mới rút ra một kinh nghiệm là nếu ta không phụ thuộc vào sách vở hay vĩ nhân, ta có thể làm được tốt hơn nhiều, (và sau này tôi có đi giảng triết khoàng 2-3 năm, mà khi lên lớp, tôi không hề dùng sách), nói tóm lại là 'hãy xây dựng thế giới theo sự hiểu biết của chính mình', dĩ nhiên là tôi đã có một lượng kiến thức khá cơ bản như đã kể ở phần 1 (cười), các bạn thấy có đúng không?, tùy nghen.
*
Số phận càng theo đuổi tôi khốc liệt hơn, 'thượng đế' càng 'đì' tôi tận mạng, đó là tôi không thể có việc làm, không thể có vợ, không thể có con, không thể có nhà cửa, xe máy, và tôi có thể chết vào bất cứ lúc nào. Về việc làm, tôi đi xin việc thì không bao giờ được, đi lang thang đến cơ quan nào cũng đều bị từ chối, nhưng có một hôm, tôi cảm thấy buồn bã và ghé vào một trường học nọ để thăm bà con, bỗng nhiên ông Hiệu trưởng nhìn thấy, ổng mới bảo ông Trưởng phòng tổ chức đi ra và hỏi 'anh có muốn làm ở chỗ tôi không?', thế là chỉ trong vòng một buổi sáng, tôi đã có quyết định của tỉnh và trở thành thầy giáo!!! Về lấy vợ, tôi đi đến bất cứ nơi đâu để... tán gái thì kết quả là mấy nàng đều 'lơ' và chọn... người khác, hay mẹ tôi dẫn tôi đi đến bất cứ nhà nào để... thăm dò, thì về đến nhà, các nơi đó đều nhắn lại là 'chưa' (= từ chối), nhưng có một hôm, tôi đang buồn bã đi lang thang trên một con đường nọ, thì bỗng có một nàng bước ra hỏi đại khái là 'anh có chịu lấy em không?', và như thế là một tuần sau, tôi có vợ!!!, v..v...
Tôi không thể viết dài, vì vấn đề này không phải là trọng tâm của bài viết, tóm lại, tôi đã từng mơ ước được 'biết đàn bà', 'xe có khói' và 'nhà có mê', mà rất nhiều năm trôi qua, tôi đã có được nhiều hơn thế, và tôi vẫn không... chết, nhưng tôi nghĩ là thượng đế đã bắt tôi đi bộ 100km, để rồi cho tôi một thùng... mì tôm, và vì thế, khi có một bạn gái hỏi tôi là:
-Anh có cám ơn ngài không?',
tôi đã trả lời rằng:
-Anh sẽ vô cùng cám ơn ngài, nếu ngài cho anh được chết ngay lập tức. (cười)
Và về 'vụ' này, tôi có làm mấy câu... thơ sau:
Sáng nay tôi thấy kiến bầy
Kiến còn ham sống, sao tôi muốn... về
Nếu ai có hỏi: lạ kỳ?
Ngài sinh: không muốn!, ngài đì: không hay!

*
..Rồi tôi hết điên theo một hướng khác, tức là tôi đã hết điên theo nghĩa 'sách vở', nhưng cái 'căn' thì vẫn còn... nguyên xi. Tôi chỉ kể ra dưới đây 3 mẩu chuyện thôi nghen, còn các chuyện khác, tôi đã kể hầu như trong tất cả các entry của tôi.
Vâng, tôi càng mất trí nhớ nghiêm trọng đến nỗi, sau khi ra trường, thấy một người bạn thân chạy xe máy ngang qua trước mặt, tôi nhận ra nó ngay, nhưng không nhớ tên của nó là gì!, ngoài ra, tôi không nhớ lời bài hát, không nhớ ngày tháng, không nhớ số điện thoại, không nhớ số nhà...; rồi đến vụ cạn tiền, người nhà khinh khi đến nỗi có lần tôi đã tự tử, nhưng không thành... Rồi có một hôm, tôi vô tình đọc được một tờ báo 'Khoa học phổ thông'!, có bài viết là nếu học ngoại ngữ thì sẽ làm tăng trí nhớ, thế là tôi bắt đầu học tiếng Anh (cũng nói là học vất vả lắm, có lúc bỏ rồi lại học tiếp), không ngờ hơn 1 năm sau, trí nhớ của tôi được 50-60% so với người bình thường, như vậy là tôi được hồi phục một phần trí nhớ, mà có thể xem như là... bớt điên! 
Nhưng có một sự kiện lớn hơn, đó là nhờ cái vụ học tiếng Anh này mà số phận đưa đẩy đến việc tôi may mắn được làm cho một tổ chức quốc tế (về phát triển), trong đó tôi phải liên tục đi hiện trường và phải viết báo cáo hầu như hàng ngày. Tôi viết bằng cách nào?, đó là phải quan sát hầu hết các diễn biến xảy ra, phân tích, tổng hợp và đưa ra những giải pháp. Có điều rất rất ngạc nhiên là mỗi năm tôi viết khoảng 365 trang, nhưng hầu như không phải đọc bất cứ một cuốn sách nào cả! Cũng phù hợp là có 1 thằng bạn gọi điện lên (năm 1998), tôi nói là 'bận quá', nó mới nói là:
-Hãy bỏ nó xuống,
tôi liền... giác ngộ, và kể từ đó, tôi 'đọc' ở thực tế, chứ không bao giờ đọc sách nữa.
...Tôi đã bỏ đọc sách từ dạo đó, nhưng mới đây, khi tôi viết entry, có 3 người bạn (1 ở Hà Nội và 2 ở Sài Gòn) nói là 'anh có lượng kiến thức kinh khủng', 'anh có trí nhớ tuyệt vời', 'cái blog của anh là tiểu thư viện'...: tôi bị mất trí nhớ mà họ khen là tôi nhớ... tuyệt vời!, hu..hu..., và tôi không thể giải thích rõ ràng với họ, vì bạn biết rồi đấy, đôi khi càng giải thích thì càng rối rắm...

Vậy tôi nhớ từ đâu?, vâng, tôi nghe tiếng tắc-kè buồn bực xả hờn trong vách nhà, nghe tiếng ve sầu rả rích buồn thảm nơi vườn điều, nghe tiếng mưa rơi rào rào giận dỗi trên mái tôn, nghe tiếng vợ chồng sóc chíu chít tình tự ở góc nào đó của cây cổ thụ sau nhà, ngắm những cây điều im lặng trầm tư trong rẫy vắng, ngắm những vườn rau phơi phới an bình bên vườn chuối, ngắm chú mèo nằm hồn nhiên, im lặng và nghe ngóng như một triết gia dưới chân tôi, ngắm những vì sao nhấp nháy vô thường xa xa, đặc biệt là ngắm những bóng hồng qua lại tỏa mùi thơm rạo rực kỳ lạ vào... mũi tôi..., mà tôi hồi tưởng lại những điều đã đọc, đã nghe và đã thấy, và tôi thấy trong đó tiềm ẩn tất cả trí tuệ mà không có một cuốn sách nào có thể diễn tả hoàn chỉnh được... 
3
Tôi viết đến đây hẳn có bạn nói là 'anh Lá Bàng viết xa xôi quá', vậy tôi viết... gần nghen.
Chiều hôm qua (26/6/2014), tôi có kể cho một người bạn nghe về chuyện ông Lê Ân (tôi không biết ông ấy, cũng như không đề cao), ông ta mới ra tù có 7 năm (bị án tử hình, rồi được miễn, rồi ra sớm) mà từ con số 0, ông ấy đã làm ăn lên đến trên... 15.000 tỉ đồng, tôi có bảo một số bạn là 'bạn hãy lấy con số ấy chia cho 7 năm, rồi chia cho 365 ngày, thì tính ra mỗi ngày, ông ta làm ra được khoảng 6 tỉ đồng, tại sao?', không có ai trả lời được! Nhưng có điều thú vị là khi 74 tuổi, ông đã lấy một người vợ mới có... 20 tuổi và thú vị hơn nữa là ông đã tặng hết số tiền 15.000 tỉ này cho quỹ từ thiện (có lẽ một trong những nguyên nhân là ông chán những người vợ cũ ham tiền/phản bội!), và thú vị nhất là ông nói: 'đời là phù du hư ảo': tôi ghi nhận tâm sự này.
...Ngoài ra, cũng có 1-2 bạn bên blogspot, hỏi là:
-Tại sao anh lại có chế độ kiểm duyệt lời bình?
Tôi cũng xin thưa rằng, sách mà tôi còn kiểm duyệt mới đưa vào thư viện (hay bộ nhớ), huống gì là lời bình! Và trong số các lời bình ẩn, có vài blogger bảo rằng:
-Anh ơi, anh chỉ đọc thôi nhé, đừng có công khai nhé,  hay
-Em… thơm anh một cái nhé, (chuyện này có... thật đó, hi...)
những lời bình ngọt như mía lùi như vậy, điên gì mà tôi công khai, ha..ha..ha…
Và dường như trả lời... chưa xong, tôi xin kể tiếp một câu chuyện cuối: 'Chiều hôm qua, mình có ghé nhà một ẩn sĩ (tạm gọi là như vậy), anh ta có miếng đất rộng ơi là rộng và một cái nhà (cấp 4, khá hiện đại) to ơi là to, anh ta chấp nhận sống ở nơi vắng vẻ, thường không xuất hiện và không ganh đua với đời như vậy cho tới... chết, mà vì thế, anh ta hầu như không tiếp bất cứ ai, kể cả anh ruột của anh ấy, thế mà mình lọt qua được 'cái cổng' (= kiểm duyệt) của anh ta, anh ta lại nói chuyện với mình cả... 2 tiếng đồng hồ, và mời mình... đến chơi nữa, hihi...
Anh ta ít đọc sách, lại chọn cuộc sống tĩnh lặng, chắc là anh ta hạnh phúc, ít nhất là theo tôi, tôi có hỏi là 'tại sao anh làm được vậy?', anh ta trả lời:
-Vợ chồng tôi sống không cần cái được gọi là 'đẳng cấp' của xã hội, hơn nữa, 'sống bình thường' là quan điểm chung của tôi và Gấu Mẹ Vĩ Đại...
Trong toán học có nói là điều kiện cần và đủ, nhưng điều kiện cần nói trên mà tôi cũng không có, huống chi là điều kiện đủ, nên tôi lại... than thở tiếp:

Tiếng ve rơi rụng chiều chiều
Người tôi thương đó phiêu phiêu nơi nào
Khói bay san sát mắt sầu
Phòng không, nhạc Trịnh, tôi về với... tôi.


Hihi...
---------
Các entry có liên quan:
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/09/248-phi-kim-dung-va-tinh-yeu.html
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/08/45-ong-tien-si-ky-la.html 
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/209-khi-nguoi-gia-yeu.html

17 nhận xét:

  1. Huynh không đọc sách nữa, mà Huynh đọc...blog!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, huynh kg đọc sách nữa, nhưng đọc blog... Lộc Vừng, không biết cổ làm gì trong căn phòng 20m2 mà hét to dữ thế, cái này là... tư liệu văn học đó nghen cô nương, hihi... Tối vui nghen.

      Xóa
  2. A lại than thở nữa rồi! Bao nhiêu người còn đang ghen tị với Lá Bàng, thế mà chàng lại than: "...nhưng điều kiện cần mà tôi cũng không có, huống chi là điều kiện đủ, nên tôi lại than thở tiếp:..." Cứ thế thì bao giờ mới thấy được thiên đường?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có như vậy mới có... 4 câu thơ dưới, nếu không thì lấy đâu mà làm thơ, mà có thiên đường lồ lộ ra đó: 'Ái Nữ đến thăm', có ai bảo việc AN đến thăm kg phải là... thiên đường?, hihi... Tối ngọt ngào nghen mèo cô nương.

      Xóa
    2. "Ái Nữ đến thăm" chỉ là một... sợi mì tôm thôi.

      Xóa
    3. Trùi ui, đây là mì tôm chất lượng cao, sản xuất tại... xa lắm, mà phải đi bộ từ Tây Nguyên ra Thái Nguyên mua, rồi cầm gói mì tôm và... đi bộ về, hihi...

      Xóa
  3. Bài viết hay.

    Cuối tuần vui vẻ nhé anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cám ơn bạn PH, viết xong, mệt quá, ngủ một giấc, giờ mới dậy, hi... Chúc tối vui nhé.

      Xóa
  4. Trần Thuận Thảo (Facebook)
    Đọc xong nín thở nuôn hi hi...
    29 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi..., sao lại nín thở hở em gái?

      Xóa
    2. Trần Thuận Thảo
      Hi hi vừa hay vừa lôi cuốn và vừa dài ...

      Xóa
  5. LB viết bài lúc nào cũng độc đáo và thâm thúy. Những sách LB từng đọc, mình cũng xin chào thua. Mình toàn đọc tiểu thuyết không thôi. Nhưng nếu không đọc sách nữa thì LB sẽ đọc cái gì đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì đọc blog của Ái Nữ nè, Lộc Vừng nè, Châu Thanh Thủy nè, và nhiều 'nè' nữa... Nói vui tí, thật ra, LB thích thơ và chuyện ngắn viết về 'chìn iu' của CTT, hihi...

      Xóa
  6. Thuỵ đi qua đi lại rất nhiều lần và thắc mắc ...nhân đọc cái ẻn dài tám thước này của anh, cho Thuỵ hỏi luôn nha : vì sao lại " gom lá bàng " ? và "gom lá bàng " để làm gì ạ ? hì .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LB có trả lời cho Thụy bằng cả cái... entry nuôn, entry số 586. Vì sao lại 'gom lá bàng'?, đường dẫn:
      http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/06/586-vi-sao-lai-gom-la-bang.html#comment-form
      Thụy sang xem nghen, cám ơn nhiều, ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
  7. Nếu như anh k còn đọc sách nữa, em sẽ đọc blog của anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi, ai mà ngoan quá a, quả không hổ danh là... Tím, ngày mới ngọt ngào nghen.

      Xóa