Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

747. Những nhà học triết… (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương IV)


Địa ngục mới đây xuất cửa thành
Lũ người lạc hậu, nói u minh
Vườn thơ lộng gió, cười phương Bắc
Trôi, vẫn dòng sông, đám lục bình
---------

Tôi thường nghĩ… Mỗi triết gia thường xây dựng triết thuyết của mình bằng cách đào sâu một hình tượng nào đó và dần dần xây dựng nó thành một hệ thống ý niệm có liên quan, vì thế mà những ai theo triết gia đó sẽ cả đời, hay rộng hơn là cả ngàn năm, dĩ nhiên là không thể hiểu hết triết thuyết đó, vì họ dùng sự hiểu biết của mình để cố hiểu theo cách hiểu của người khác, nên chả bao giờ thành… triết gia, và cũng vì thế mà tôi gọi những kẻ chạy theo các nhà triết học là những nhà học triết.

1
Chúng ta thường nghĩ rằng Khổng Tử (hay Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử) là triết gia và sùng bái ông, nhưng các triết gia phương Tây và nhiều học giả TQ thời nay không nghĩ vậy, và vị trí của các ‘Tử’ này trên diễn đàn ‘World Cup triết học’ ngày càng thu hẹp lại, thậm chí, có nơi có lúc, ‘tượng đài’ của Khổng Tử đã biến thành hư vô tự thủa nào!
Chúng ta thường nghĩ rằng bộ ba Socate-Platon-Aristote, hay Camus, Hegel, Heidegger, Kant, Nietzsche, Sartre, Spinoza, rồi Dalai Lama, Krishnamurti, Osho… là vĩ đại, nhưng các ông Phạm Công Thiện, Bùi Giáng hay Đỗ Long Vân lại nghĩ rất khác, và nếu không nhầm thì hầu hết các triết gia đó cuối đời lại ‘giải thể’ cái chân lý mà họ đã… lỡ quảng bá cho nhân thế, cụ thể là ông Krishnamurti!
Chúng ta thường nghĩ tư tưởng trong các truyện/thơ của Aitmatov, Banzac, Cổ Long (Đạo soái Sở Lưu Hương), Dostoievsky, Đổ Phủ, Hugo, Hemingway, Jack London, Kim Dung, Lev Tolstoi, Lý Bạch, Mạc Ngôn, Marquez, Ngô Thừa Ân (Tây du ký), Shakepeare, Thi Nại Am (Thủy hử)… là siêu đẳng, nhưng có thể cuộc đời của các nhà tư tưởng đó lại không hạnh phúc hơn người thường!
*
Khá điển hình, một cách ngắn gọn vì không có thì giờ để ‘ôn cố’, tôi chỉ nêu lên vài ví dụ:
-‘Nếu như nói rằng vận mệnh của Khổng Tử trong thời Xuân Thu, giống như một con chó nhà có tang… Do Nho giáo có lợi cho sự thống trị của giới cầm quyền, do nên địa vị của con chó giữ cửa cũng được tính là vững chắc, ngồi một mạch hơn 2000 năm. Được giới đọc sách tôn làm thần tượng, tung hô lên tận mây xanh, thậm chí làm bức tượng dát vàng trong tổ miếu hoàng gia. Đó cũng là lúc mà những trí thức và tư tưởng gia TQ khác rơi xuống địa ngục, biến thành nô tì của quyền lực... (Lưu Hiểu Ba, facebook.com)
-‘Hegel từng nói: ‘TQ không có triết học’. Tôi cho rằng mấy nghìn năm nay TQ chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào… Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào? Tác phẩm của ông bị xem xét ra sao? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người TQ một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực... TQ không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược’. (Lưu Á Châu, tuanvietnam.net)
-Xuất bản lần đầu tại Nhật năm 1952 và gây tranh luận sôi nổi sau đó, quyển sách của Masao Maruyama, rất bác học và khó đọc, được dịch ra tiếng Anh năm 1974, rồi tiếng Pháp năm 1996, khi ông mất (‘Luận về lịch sử tư tưởng chính trị tại Nhật’). Giới học thuật Pháp đặc biệt chú ý đến lập luận của Maruyama, một lập luận độc đáo làm họ ngạc nhiên: người Nhật đã thoát ra khỏi sự nô lệ văn hóa đối với TQ trước khi tiếp xúc với Tây phương… Hiện đại hóa trong tư tưởng của người Nhật đã diễn ra trong một quá trình tranh luận giữa các tín đồ Khổng giáo với nhau, chứ không phải giữa họ với ‘ánh sáng mới’ đến từ Tây phương’. (Cao Huy Thuần, tapchithoidai.org), v..v…
*
Người ta đã thường xây dựng hệ triết lý của mình như thế nào?
Albert Camus đã ngẫu nhiên xây dựng nên ‘triết lý phi lý’ của mình bằng cách đi sâu và mở rộng câu chuyện của một vị thần trong ‘Thần thoại Hy Lạp’ là Sisyphe - kẻ nâng một tảng đá nặng lên tới đỉnh núi, rồi tảng đá lăn xuống chân núi, lại xuống núi, lại nâng lên, lại lăn xuống, lại nâng lên…, và cứ bị hành hạ như thế mãi mãi: ‘Sisyphe là biểu tượng của người phi lý: Hình ảnh Sisyphe không xa với hình ảnh một người thợ, một người lao động tay chân hay trí óc: suốt ngày làm một công việc, suốt đời làm một công việc, hoàn tất rồi, lại quay trở lại bắt đầu một công trình khác cũng y như trước… Ðiều đáng chú ý nhất là lúc Sisyphe xuống núi, ý thức được những cố gắng mình vừa hoàn thành, ý thức được tính phi lý của đời mình mà còn có can đảm bắt đầu lại: Lúc đó Sisyphe lớn lao hơn định mệnh và ngoan cường hơn đá tảng: Ðó là giá trị, đó là hạnh phúc của con người. ‘Sự tranh đấu để đạt tới những đỉnh đủ để lấp đầy trái tim con người. Phải mường tượng là Sisyphe sung sướng.’ (Camus, thuykhue.free)
Nietzsche đã ngẫu nhiên xây dựng nên ‘triết lý phá’ (theo tôi) của mình từ một vị thần trong Thần thoại Hy Lạp là thần rượu nho Dionysos (*) - kẻ sinh ra trong cõi đời này vốn không phải để theo những quy định/lề luật của cái thế tục thường tình này: ‘Ông đã cho ra đời một siêu nhân ‘Zarathoustra’ - một Apollon lãng mạn cộng với một Dionysos ‘say xỉn’, không chấp nhận việc ‘Thượng đế cũng sáng tạo nên con người để làm con khỉ bắt chước Thượng đế, để giải trí cho kẻ ‘buồn bã ngàn năm’ trong cuộc sống hơi quá dài của mình’ hay ‘một Thượng đế vạn năng vạn trí, vẫn không ngó ngàng gì đến các ý hướng của mình được hiểu ra sao bởi các vật thể đã sáng tạo nên’ (Challaye), mà ông đã mường tượng ra một thứ ‘mặc khải’, một thứ tôn giáo vô thần không dối trá (Henri Lichtenberger) và hồn nhiên với ‘lý tưởng Trở về vĩnh cửu’ (*) (NGLB)
Karl Marx đã ngẫu nhiên xây dựng nên ‘triết lý thiên đường trên trần thế’ (theo tôi) của mình từ một vị thần trong ‘Thần thoại Hy Lạp’ là Prometheus (*), với hoài bão mang lại ‘lửa’ cho nhân loại, bằng cách lấy hết tài sản của bọn đặc quyền đặc lợi mà chia cho những kẻ khốn cùng - như một hiệp sĩ lấy ‘của’ người giàu để phân phát cho người nghèo’, nhưng ai có ngờ đâu, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, kẻ sinh trước ông 68 năm là Hòa đại nhân (sinh năm 1750, Marx sinh năm 1818), sau này lại đầu thai vào trong đống ‘nhóm lợi ích’ và giơ cao danh nghĩa ‘ý thức hệ’ như những Bạc Hi Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch… tha hồ phán truyền, làm mưa làm gió và đớp hết ‘của cải’ từ những người cùng khổ.
…Ôi, các triết gia xây dựng các triết thuyết thông qua những nhân vật thần thoại như Sisyphe, Prometheus, Dionysos…, còn ta lại cố hiểu triết của họ bằng cách đọc các suy diễn theo một ‘cái nhìn’ nào đó của (cá nhân) họ, như vậy thì ‘muôn năm’ không hiểu nổi là đúng rồi!, híc..híc…

2
Nhưng bài này chủ yếu tôi dẫn đến những câu chuyện mới hơn…
Tôi đã viết entry ‘Đạo cao nhất thước, ma cao nhất trượng’: Ngày xưa có ba con yêu nữ quậy phá đức Phật (khi sắp thành chánh quả), nay lại ba con yêu đạo - mà có một nhà báo gọi là ba ‘đại sư’ và tức cười nhất khi anh cho rằng họ là ‘một loại côn trùng đã được thuần hóa từ phương Bắc (Facebook *) - làm loạn óc… cư dân mạng, mà sau khi ‘học triết’ cả đời, thì 3 ông này để lại cái công trình… vĩ đại lưu danh cho hậu thế là ‘cô Nguyễn Thanh Phượng có quốc tịch Mỹ’ và ‘tình hữu nghị Việt-Trung bao giờ cũng là thật, không bao giờ viễn vông’!, nó làm tôi đã bật cười ha..ha..ha… mà gọi ba ông này là ‘ba ông già thành tinh’ và bình rằng: ‘Ôi!, tôi cứ nghĩ là những người già sắp chết thì họ lo tu thân để mà để đức lại cho con cháu, nào ngờ có ai đó chả hiểu ý nghĩa ‘tứ đại giai không’ là gì, chả có tí xíu gì khí phách ‘đỉnh thiên lập địa’, mà cả đời cứ khư khư tụng ‘nam mô... quân tử báo thù mười năm chưa muộn’ hay ‘nam mô... mối thù bất cộng đái thiên’, hèn chi có cháu tức quá mà hét lên rằng: ‘Đi chết đi!’.
*
Hôm qua, nàng ‘mèo’ mang đến cho chúng tôi một thông tin mới, vui lắm!, đó là bài thơ ‘đía’ tên là ‘Tổ quốc gọi tên mày’ của blogger Chu Mộng Long (Facebook), tôi xin đăng lại bài thơ đó:
(Ôi dài quá!, nên tôi phải thu gọn lại, các bạn có thể xem nguyên bản trong chumonglong.wordpress.com)
Đêm qua Tổ quốc gọi tên mày/là Thằng Hèn!/bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/Tổ quốc nói mày suốt đời ăn cá/mà để biển cả như đất hoang/cho thằng giặc Tàu nó tràn sang!/Tàu nó dập dồn, chăng lưới, bủa vây, phun mắm ruốc/còn mày thì trốn vào buồng làm thơ yêu nước!/Đánh giặc mồm thì ngang bằng đánh tổ tôm!
Tổ quốc của mày đây, Tổ quốc của mày đây!/Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/nuôi mày bắt đầu từ con khỉ/cho mày ngọn lửa để thành người/Bao nhiêu lớp người đã đổ máu tươi/giữ từng tấc đất nuôi sống cả họ nhà mày/Máu thì tanh/làm gì có vị mặn?/Chỉ có giống nhà thơ là mày cả đời ăn cơm thừa cá cặn/mới rặn ra thứ gọi là thơ/gọi tên kẻ cướp Tổ quốc mày bằng những chữ mù mờ!
“Kẻ lạ mặt” nào?/khi một đứa trẻ câu cá bên bờ ao/còn thấy bóng thằng giặc Tàu mấy nghìn năm nhẵn mặt!/Thà gọi là thằng bạn vàng nó rình rập, đúng ra là ngang nhiên chia cắt mày và Tổ quốc/rồi cúi đầu biết ơn nó có hơn không?/Vì dáng hình đất nước có cong cong/nhưng không đến nỗi khom cái lưng hèn như mày/suốt ngày lấy tiền dân uống rượu/rồi say/và hót vài câu để tỏ lòng yêu Tổ quốc!
Mày làm gì có tim mà bảo đau từng tấc đất/khi cái lưỡi bò nó liếm gần hết Biển Đông?/Sóng làm gì có chuyện bình yên dẫn lối những con tàu/Sóng quặn đỏ máu những người đã mất thì có/Nhưng sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam là nói điêu/bởi vì trong chín mươi triệu ấy có hơn vài triệu thằng thao thiết nói tiếng Tàu!/Tổ quốc đặt trên đầu môi đỏ chót/Sóng đau thương trào nước bọt…/Sự thật chỉ có mấy ngàn lính đội sóng đội gió cho “Tổ quốc linh thiêng”/bình yên cho giấc ngủ trẻ thơ hay cho mày tranh chấp tác quyền?/Còn trong bão tố thì bố người lớn cũng không ngủ được!/Tổ quốc khao khát Hòa bình là có thật/nhưng trên môi “rực lửa” của mày/dễ cháy thành Chiến tranh/khi Thần Người đều giận!/Hãy lắng nghe/Tổ quốc/gọi tên mày…
Nói chung là khi đọc bài thơ này, tôi, nàng và một cụ già đều khen ‘hay’ cho cái tài hoa của tác giả Chu Mộng Long, tức cười khi anh thay bài ‘Tổ quốc gọi tên mình’ của Nguyễn Phan Quế Mai (đang tranh chấp bản quyền với Ngô Xuân Phúc) bằng bài ‘Tổ quốc gọi tên mày’, tức cười hơn khi anh nói ‘Đạo nhau lòng yêu nước’, và cười pể pụng khi anh hứa ‘Bài thơ này đứa nào tranh chấp bản quyền, tao cho không!’, ha..ha..ha…

3
Trước khi kể tiếp vài câu chuyện nhỏ nữa, tôi mới đọc được một tin có liên quan đến nội dung của ‘tùy bút’ này, xin trích đăng để các bạn đọc tham khảo, và miễn bình luận: ‘Sau nhiều tháng tranh cãi, chính phủ Mỹ đã quyết định đồng ý cho hải quân nước này triển khai tàu và máy bay tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông. Hôm 11-10, một quan chức Mỹ khẳng định với báo The Wall Street Journal rằng Washington đã thông qua quyết định nêu trên. "Chỉ còn là vấn đề thời gian" - quan chức này nói. Theo đó, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã sẵn sàng thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông sau đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi đầu năm nay… Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định các quốc gia có chủ quyền với các đảo, bãi đá ngầm được hình thành tự nhiên cũng được quyền sở hữu vùng lãnh hải xung quanh các đảo và bãi đá ngầm này trong phạm vi nhất định. Vì vậy, nếu Mỹ tuần tra xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc có nghĩa là họ trực tiếp không công nhận các đảo này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh…’. (nld.com.vn)
*
Nhớ lại, mấy ngày trước. có một sinh viên ‘cao học’ đến nói với tôi:
-Cháu muốn làm đề tài về tư tưởng của Karl Marx…
-Ủa, sao cháu lại chọn đề tài này, khó ‘qua’ lắm đó!
-À, không, cháu không muốn nói về yếu tố chính trị, mà nói về tư tưởng ‘từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng’. Từ nhỏ đến lớn, cháu cứ tưởng rằng ‘cảm giác của mình quyết định tất cả’, nhưng Marx lại cho rằng ‘thế giới bên ngoài quyết định mọi thứ’, dĩ nhiên là quyết định cả cảm giác của chúng ta, ta chỉ có thể cải thiện những cái mà ta có, nhưng không thể quyết định chúng…
-Ừ, thì ta có làm được cái gì đâu, bấy lâu nay ta tưởng vậy nhưng không phải vậy…
*
Tối hôm qua, cụ già (nói trên) hỏi:
-Chúng ta đang làm cái gì?
-Không làm cái gì cả, ta chỉ làm cái này cái nọ chút chút để vui sống mà thôi, cho qua cuộc đời vô nghĩa này, vì dường như tất cả cái lý luận thần thánh/ý thức hệ trên nhân thế này đều là lừa đảo, hay chính xác hơn, tất cả cái gì trên thế gian này đều là ‘giả tướng’!

‘Địa ngục đã mở cửa, và ma quỷ tràn ra khắp thế gian rồi!’, tôi còn bổ sung lời kể của một phụ nữ nghe từ một nhà sư cách đây 7-8 năm, về cái được gọi là 'thời đại mạt pháp'. Và dường như từ đó ... sản sinh ra những ‘nhà học triết’, thậm chí là những ‘tên yêu đạo’ hay những ‘nhà theo Tàu’, mà có thể làm những ‘con ếch bị luộc’ (*), để mĩm cười thỏa mãn trước khi... chết!

(xem tiếp Chương V)
---------
Chú dẫn:
  1. Albert Camus (1913-1960): triết gia Pháp, khá quen thuộc với độc giả VN qua cuốn ‘Kẻ xa lạ’ (The Stranger), viết vào năm 1942.
  2. Ba ‘đại sư’, nói về ba ông Lưu Văn Sùng, Đỗ Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng, xem: https://www.facebook.com/suong.quynh.52/posts/1799990193561107
  3. ‘Ếch bị luộc’ (Frogs being boiled): là một truyện ngắn của nhà văn Brasil Paulo Coelho, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/06/580-con-coc-con-ech-va-tu-ai-giai-khong.html
  4. ‘Hồn ma của Kinh Kha…’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/05/686-hon-ma-cua-kinh-kha-lam-rung-ong.html
  5. Ngọn lửa Prômêtê (Prometheus): Thần Dớt (Zeus) nặn ra loài người, một sinh vật yếu đuối, không có khả năng gì để tồn tại và tự bảo vệ… Thần Prômêtê thương loài người, luôn luôn tìm cách làm cho loài người đỡ khổ cực... Một hôm, lúc thiên đình vắng vẻ, chàng châm ngọn lửa, giấu kín trong ruột một loại cây sậy, rồi chạy như bay xuống trần thế, không ai hay biết gì hết. Thần trao ngọn lửa thiêng cho loài người. Ngay đêm hôm ấy, Dớt thấy dưới mặt đất, những đốm lửa nghìn nghịt như sao sa. Dớt uất ức hét ầm ầm "Thế là loài người có lửa, ta không thể tiêu diệt loài người được nữa; có lửa, con người sẽ sánh ngang thần thánh. Ôi! tai họa! Ôi! tai hoạ! Nhưng không, không! Ta sẽ làm cho loài người đau khổ, ta sẽ trừng trị Prômêtê", xem thêm: http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich/bai5_6.htm
  6. ‘Nietzsche - kẻ tự hiểu lầm tội nghiệp’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/11/477-nietzsche-ke-tu-hieu-lam-toi-nghiep.html
  7. Thần rượu nho Dionisote là con của thần Zeus với một người phụ nữ Hi Lạp tên là Semele, cậu bé Dionisote sống với mẹ như một đứa con rơi, con hoang… Xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/215-thien-e-va-cac-moi-tinh-vung-trom.html
  8. ‘Triết gia là những thằng điên’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/10/743-triet-gia-la-nhung-thang-ien.html

11 nhận xét:

  1. Lưu comt MRC

    Giận trời buổi sáng vu vơ nắng
    Giận đắng cà phê uống một mình
    Giận tình lang thang vô định xứ
    Giận cứ miên man một bóng hình

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mưa rừng chiều (Google+) 11:33

      Chẳng muốn giận đâu vẫn cứ hờn
      Uống cà phê đắng ở trên môi
      Giận trời buổi sáng vu vơ nắng
      Giận nắng chiều rơi gió buông mành
      hiiiiiii....... CÁM ƠN ANH LÁ BÀNG CHÚC ANH LUÔN CÓ BÀI VIẾT HAY NHÉ !......

      Xóa
  2. Lưu comt HRG

    Tháng mười khói tỏa quanh xóm nhỏ
    Nắng mỏng chiều rơi luống mạ mềm
    Bước chân dạo gót bờ đê: nhớ!
    Hoa tím bên bờ ngơ ngác em

    Trả lờiXóa
  3. Lưu comt Hoài Tố Hanh
    http://hoaitohanh.blogtiengviet.net/2015/10/13/hoai_t_h_nh_d_ch_bai_th_hay_nh_t_c_kim

    Bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung (bài thơ duy nhất của ông còn đến ngày nay):
    Thế sự du du nại lão hà,
    Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
    Thời lai đồ điếu thành công dị,
    Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
    Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
    Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
    Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch,
    Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.
    Dịch nghĩa :
    Ở đời còn bao nhiêu việc mà ta đã già mất rồi
    Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rươụ hát ca
    Khi gặp thời thì kẻ đồ tể, ngươì câu cá cũng nên công trạng
    Lờ thời vận, đến bậc anh hùng cũng đành nuốt hận
    Phò giúp chúa, những mong xoay chuyển cả địa trục
    Rửa vũ khí sẵn lòng lôi cả sông trời xuống
    Thù nước còn chưa trả được, mái đầu đã bạc trắng
    Đành bao lần mang gươm báu ra mài dưới bóng trăng.
    Bản dịch thơ của Hoài Tố Hạnh
    Việc nước chưa xong bóng đã tà
    Chìm trong lệ rượu giọt xót xa
    Gặp thời kẻ chợ nên danh giá
    Thất thế anh hùng hận hà sa
    Phò chúa những mong xoay bốn biển
    Tuốt gươm mơ kéo cả trời xa
    Thù nước chưa xong đầu đã bạc
    Mài gươm gửi hận bóng trăng ngà...

    NGLB: Với những cụm từ như ‘ở đời còn bao nhiêu việc’, ‘cuộc rươụ hát ca’, ‘công trạng’, ‘anh hùng’, ‘nuốt hận’, ‘phò giúp’, ‘xoay chuyển cả địa trục’, ‘lôi cả sông trời xuống’…, mình không nghĩ bài thơ này là hay nhất kim cổ.
    Nó không có tư tưởng, không thoát.
    Dù thành công hay thất bại thì ông cũng chỉ là một ‘anh hùng’ kiểu Kinh Kha hay Lê Liêm mà thôi. Còn nếu thành công thì với ý tưởng ‘phò giúp’ hay ‘xoay chuyển cả địa trục’, ‘lôi cả sông trời xuống’, ông lại tiếp tục sùng bái cái ‘tượng đài Khổng Tử’ hay ‘ý thức hệ’, mà nếu không nhầm, sẽ làm cho con cháu sau này phải khổ lụy vì… Tàu!

    Trả lờiXóa
  4. Tím biến đâu rồi, nắng chẳng ra
    Chiều về nhạt nhẽo, nhuộm ta bà
    Mưa hù mưa dọa, sao đi phố!
    Thôi, cố lên nào, ta sẽ... đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lê Phạm (Facebook)
      Hihi, mưa hoài mưa mãi đi sao nổi hả anh lá Bàng ơi
      19 giờ trước

      Xóa
    2. Lê Phạm (Facebook)
      Hihi, mưa hoài mưa mãi đi sao nổi hả anh lá Bàng ơi
      19 giờ trước

      Xóa
  5. Lưu comt Ái Nữ
    http://ainu.blogtiengviet.net/2015/10/13/nhan_v_t_l_ch_s_ti_p_theo_c_a_ph_n_i_ch_

    LB đã đọc hết rồi và… quên hết rồi, chỉ lưu lại mấy câu chưa kịp đặt đề:
    1…
    Giận trời buổi sáng vu vơ nắng
    Giận đắng cà phê uống một mình
    Giận tình lang thang vô định xứ
    Giận cứ miên man một bóng hình
    2…
    Tháng mười khói tỏa quanh xóm nhỏ
    Nắng mỏng chiều rơi luống mạ mềm
    Bước chân dạo gót bờ đê: nhớ!
    Hoa tím bên bờ ngơ ngác em

    LB đang trên đường đi, nhưng vậy là… tạm đủ rồi, hi..., ngày mới vui nghen mèo.

    Trả lờiXóa
  6. Trả lời
    1. Ui, cái trang chủ blogspot của mình nó bị lỗi gì đó, chỗ chữ http:// nó có một cái 'tam giác màu vàng', vào rất khó, híc..híc... Cám ơn bạn PH nhé, chúc tối vui.

      Xóa
    2. Ui, cái trang chủ blogspot của mình nó bị lỗi gì đó, chỗ chữ http:// nó có một cái 'tam giác màu vàng', vào rất khó, híc..híc... Cám ơn bạn PH nhé, chúc tối vui.

      Xóa