Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

768. Cuốn ‘Xứ Đoài văn’ và những con ma Tàu…


'Dần quên bao lối bon chen'
Bước chân suy nghĩ, còn men với đời!
Sinh tồn, tạo hóa trêu ngươi
Sống nay, mai sống, điên cười thế nhân

Ôi, thế giới tự nhiên đẹp vô cùng…
Sáng hôm nay, tôi mới ngắm kỹ các loài hoa, té ra là chúng thường có màu đỏ, tím, vàng và trắng, mà trong đó màu tím lại nhiều hơn, như hoa cánh bướm (*), bằng lăng, hoa giấy (một phần), thậm chí hoa rau muống cũng màu tím. ‘Tạo hóa’ sinh ra loài hoa cũng thật là đặc biệt, chúng có màu nổi bật lên trên nền màu xanh của lá, rất dễ nhìn thấy, và thường nở vào sáng tinh sương.
1
Chiều nay, tôi cảm thấy buồn vô tận…, có lẽ đó là một thói quen, mà cứ mỗi khi chiều xuống, nếu không có việc gì làm, hay cái gì chơi, để lấp thời gian trống, thì tôi lại sa vào một nỗi buồn vô cớ. Tại sao tôi lại hay buồn nhỉ! Tôi chả hiểu nổi, có lẽ tại tôi thích ‘tĩnh’, còn thế nhân thích ‘động’ - phần nào nằm trong hai mẩu chuyện nhỏ có thật dưới đây.
*
Tuần trước tôi có đến thăm một người bạn lớn tuổi hơn tôi, anh ta đã từng học trường Đại học Vạn Hạnh, rồi Thần học (trước 1975), sau đó anh làm cho Sở giáo dục tỉnh, rồi không hiểu vì sao đó mà anh ‘về vườn’ và mở trường tư... Ban đầu, anh kể chuyện của Công Tôn Long về ‘Ngựa trắng không phải là ngựa’ (*)…, rồi kể tiếp là anh có ‘chửi’ một người bạn như sau:
-Tau nói chuyện với mầy là tau nói chuyện với mầy. Tau dùng kiến thức của tau, mầy dùng kiến thức của mầy, mắc gì mà mầy lôi Khổng Tử vào đây mà sủa…
-‘Cái gì! Anh dùng chữ ‘sủa’ thật à!’, tôi ngạc nhiên hỏi.
-Đúng, tôi dùng chữ ‘sủa’, tôi nói chuyện với nó, chuyện gì mà nói cái gì nó cũng bê bức tượng Khổng Tử nhét vào mõm nó, rồi sủa…
Tôi cười ha..ha..ha… quá trời luôn, vì anh rất là thẳng tính và có lập luận rất mạnh, và cũng kể từ đó, anh trở thành bạn thân của tôi.
*
Chiều hôm qua, Lão Quy (*) có cằn nhằn với tôi một chuyện là:
-Đa số người thường chê người khác là ‘dỏm’ để ý nói là mình 'xịn', thông qua các cuộc trà dư tửu lậu, hay việc ‘ném đá’ trên blog, chẳng hạn…, , mà hắn có xịn đâu mà chê người ta là ‘dỏm’! Cụ thể là ngồi có hai, ba tiếng đồng hồ mà hắn nói cả… trăm đề tài, nghe kỹ thì hắn chả hiểu rõ đề tài nào cả, và nếu hắn sống bằng cách đó thì đến năm… 90 tuổi, hắn cũng vẫn còn dỏm… Hắn chê người ta là ‘lập dị’, lập dị nghĩa là sao?, sao là lập dị?, chả lẽ một người nào đó thấy tôi có tính cách khác hắn thì hắn cho tôi là lập dị à!... Hắn chê người ta là ‘bảo thủ’, mà ở đây chỉ có ba người: tôi, anh và nó, vậy ý nó nói là tôi và anh là bảo thủ, còn chỉ có nó là tiến bộ!!!
Lần này thì tôi không cười to, mà cười nhỏ, vì tôi hiểu ý cụ: người ta thường chê người khác là ‘dỏm’ để ý nói là mình xịn!
*
…Rồi nhìn vào đống sách trên giá sách của nhà ông chủ, tôi thấy cuốn ‘Trịnh Công Sơn’, tạp chí ‘Người đô thị’ - mà tôi đọc hai lần, nhưng không gợi nên cảm hứng viết. Bỗng thấy một cuốn sách rất dày, bìa có màu trắng xám nhạt rất đẹp, dày và đẹp như cuốn Từ điển Việt-Anh của Nhà xuất bản Khoa học xã hội vậy…, và nó đã đem lại cảm hứng. Nó có tên là ‘Xứ Đoài văn’ (Văn Xứ Đoài!), dày 935 trang, in lại những văn bản chính của các danh gia Xứ Đoài, đại khái là từ Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Ngô gia văn phái, đến Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng…, lại có tên blogger Chử Thu Hằng (bên blog Tiếng Việt) là thư ký/sửa bản in…, nên tôi mới tò mò giở ra xem. Và xin cám ơn Ban biên tập...
2
Một trong những lý do làm tôi có cảm hứng, vì cách đây hai hôm (29/11), có một nhạc sĩ đến thăm tôi và có nói câu: ‘Người Việt có gốc Tàu, mà mỗi khi nghe nhạc Tàu, tôi thấy nhơ nhớ tổ tiên’ (!)… Tôi biết ngay là anh ta đã sai lầm, cực kỳ sai lầm, vô tình đã bị dính nghiêm trọng ‘quyền lực mềm’ của Tàu, và có khả năng trở thành một ‘con vi khuẩn được thuần hóa từ phương Bắc’, vì các học thuyết khoa học hiện đại về ‘chủng tử’, ‘ADN’, sự di dân của loài người, các bằng chứng khảo cổ học…, và ngay cả một số học giả Tàu cũng không nghĩ thế, nhưng tôi không có thì giờ để lý sự dài dòng, hơn nữa có nói thì anh ta cũng không thể hiểu, vì anh ta thiếu ‘kiến thức cơ bản’ (toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, triết, vũ trụ học, ngoại ngữ…), hay như chính anh ta nói là ‘kiến thức bị lủng’, nên tôi mới nói là:
-Bạn hãy nghe lại ‘vọng cổ miền Nam’, có nét gì Tàu không?, hay nghe hát bội, hát bài chòi, hát lô-tô, hát chèo Thái Bình, hát dân ca quan họ Bắc Ninh, nhạc Trịnh, nhạc đám ma…, có nét gì Tàu không?, đặc biệt là âm nhạc Tây Nguyên - mà các học giả/nhà nghiên cứu âm nhạc đều cho nó là vô cùng đặc dị, khác với bất cứ một nền âm nhạc nào trên thế giới!...
Dĩ nhiên vì anh ta là nhạc sĩ, hay ít nhất là cũng nghiên cứu/học nhạc mất vài… chục năm, nên anh ta ‘ngộ’ ngay.
*
Nhưng con người luôn có ‘quán tính’, hay ta thường gọi là ‘sức ì’, nên không dễ gì mà anh ta có thể chấp nhận ngay được… Tôi mới tìm ra một cách gì trực quan nhất, đơn giản nhất và tâm linh nhất để… củng cố cho anh ta:
-Bạn hãy nhớ về cái làng xưa đi (ở Quảng Nam), có ‘ông Khói’ làm thịt chó, ‘ông Kiến’ ở bên kia ‘núi Lở’, ‘trước cổng nhà có một cụ già gọi là ‘ông Khẩn’ (anh ta bổ sung), rồi cái ‘cầu Tây’, ‘cầu Chìm’, ‘cái chồ’ (cái gác), ‘ngử đôm’ (ngử đam = kinh của phụ nữ!), chưa kể đến cái rựa, cái cuốc, cái bồ cào, cây chuối hờn, chuối tiêu, cây hẹ, cây rau bù ngót, trái ổi, trái mít, trái xoài…, nói chung là người Việt thường gọi tên sự vật bằng ‘trực quan’ (visual), ví dụ thấy núi bị lở thì gọi là ‘núi Lở’, thấy cái cầu do Tây làm thì gọi là ‘cầu Tây’, thấy chỗ đó trâu hay ỉa thì gọi là ‘cầu Trâu Ỉa’, thấy ngày xưa có Bà Chiểu nên gọi là ‘chợ Bà Chiểu’…, còn người Tàu thường gọi sự vật bằng ‘ý nghĩa’ (meaningful), như ‘địa sâm’ (rau muống), ‘ô long vĩ’ (bồ hóng), ‘khổ qua’ (mướp đắng), ‘màn thầu’ (bánh bao), rồi ‘Phiêu Diễu Sơn’, ‘Nhạn Môn Quan’, ‘Băng Hỏa Đảo’, ‘Linh Xà Đảo’, ‘Quang Minh Đỉnh’, ‘Đồ Long Đao’, ‘Ỷ Thiên Kiếm’… (xem các bộ truyện ‘Thiên long bát bộ’ hay ‘Ỷ thiên đồ long ký’)…
À, ở làng còn có ‘ông Ba Châm’, ‘ông Ba Cũ’ (Củ!), ‘cô Sáu Đằng’…, người Việt gọi là một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chin, mười, người Tàu gọi là nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập, người Anh gọi là one, two, three, four, five, six, seven, eight, nine, ten, người Pháp gọi là ‘on, đơ, tờ-roa, cách, xanh, xít, xết, đít, nớp, uýt’, Tàu ở chỗ nào?
Đó là chưa nói đến các câu chuyện về dân tộc Việt trong cuốn Thần thoại Việt Nam ('Lĩnh Nam Chích Quái'), hay cấu trúc của Ngữ pháp tiếng Việt, trong đó, tính từ đứng sau danh từ, như ‘người đẹp’, hoàn toàn khác với tiếng Tàu là ‘mỹ nhân’… Nói chung là tiếng Việt (tiếng Nôm) có cách đây trên 3-4000 năm, ông Nguyễn Du: ‘xè xè nắm đất bên đường/dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh’, hay ‘trời còn để có hôm nay/tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời’ (mà phó tổng thống Mỹ Biden học… thuộc lòng đấy, hi…), hay bà Hồ Xuân Hương: ‘phình ra ba góc, da còn méo/khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa’, hay ‘bày đặt kìa ai khéo khéo phòm/nứt ra một lỗ hỏm hòm hom’, hay Hàn Mặc Tử: ‘trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/đợi gió đông về để lả lơi’…, bao nhiêu phần trăm là của Tàu?
*
Và để dễ… chiêu dụ, tôi kể thêm chuyện hài ‘Khó’ (Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly và Trường Giang, mà tôi đã xem trên xe đò tối CN vừa rồi) cho anh ta nghe, trong đó có một đoạn đại khái như sau:
…Bị gài mẹo bởi thầy bói Hoài Linh, cuối cùng, cha Trường Giang đã đồng ý gả con gái là Cẩm Ly (người Quảng Nam) cho Đàm Vĩnh Hưng (người Sài Gòn), cha Trường Giang mới nói:
-Sáng mai, tay (tau) có công chiện, mi lấy xe chở tay đi dòng dòng tí có được hông?
Mr. Đồm trả lời:
-Dạ, bác…, sáng mai… con kẹt.
Cha Trường Giang đùng đùng nổi giận:
-Thằng này núa lố (nói láo), tay đoã nhịn mi nảy giờ, giờ lại en núa hỗn lố (ăn nói hỗn láo), cút roa khủa nhoà tay, cút ngay!
-‘Tại sô?’, ông mai Hoài Linh hỏi.
-Thì tôi nhờ sáng mai nó chở tôi đi tí, moà nó núa loà ‘con cẹc’!
-Trời ơi, con ‘kẹt’, tiếng Sài Gòn là ‘bận’ đó, chứ hổng phải loà con c…
https://www.youtube.com/watch?v=eDg3QQN_p8U
…Rồi tôi mới quay lại hỏi anh ta:
-‘Con cẹc’ có phải là tiếng Tàu không?,
anh ta mới mĩm cười và giác ngộ thành… Phật. Ha..ha..ha…
3
Có rất nhiều tư liệu liên quan đến tinh thần 'chống bọn xâm lược phương Bắc', nhưng tôi xin trích một đoạn mà tôi để ý nhất từ cuốn sách ‘Xứ Đoài văn’ nói trên (từ ‘Hoàng Lê nhất thống chí’), rồi thêm vài ý, rồi hết bài nhé.
Vua Quang Trung liền cho mở tiệc khao quân rồi chia đại quân ra làm năm đạo. Hôm ấy nhằm ngày 30 tháng chạp, ngài bảo ngầm với các tướng rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng tết trước đã. Đến tối trừ tịch lên đường. Hẹn ngày mồng bảy năm mới vào thành Thăng Long, đặc tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, chớ cho là ta nói hão!”… Ngũ quân vái lạy vâng lệnh. Luôn bữa đó, ngài đốc trung quân gióng trống ra Bắc… Hôm ấy đô đốc Long vâng mệnh vua Quang Trung đem toán quân lên huyện Thanh Trì đã đi đến làng Nhân Mục. Khi vua Quang Trung đánh toán quân Thanh ở làng Ngọc Hồi, thì từ sáng sớm, Long đã đánh vào đội quân của thái thú Chấn Châu ở trại Quảng Đức Khương Thượng. Quân Thanh thua chạy. Long bèn tiến quân vào Thăng Long.
Lúc ấy Tôn Sỹ Nghị và vua Chiêu Thống ở trong kinh thành, tuyệt nhiên không có tin tức báo đến. Vì vậy, trong mấy ngày Tết ai nấy chỉ mải về sự ăn uống vui mừng không lo đến việc gì cả. Nào hay cuộc vui chưa tàn, vận trời đã đổi, trong ngày mồng bốn chợt thấy bại binh ở đồng Ngọc Hồi chạy về cáo cấp, mọi người đều tưởng như “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Toán bại binh đó lại nói thêm rằng: “Quan quân ở đồng Ngọc hồi đều bị quân Tây đánh úp bắt gọn. Đây cách Ngọc Hồi không xa, sớm chiều chắc sẽ bị đánh”. Sĩ Nghị luống cuống cả sợ, tức khắc sai viên lãnh binh Nghiệp đến cứu. Lại sai hai mươi kỵ sĩ bộ hạ cùng đi với Nghiệp, và dặn họ rằng: trong khoảng giờ khắc phải có tin về báo luôn. Ý Nghị chỉ lo có một mặt đó, không ngờ lại có mặt khác.
Đêm ấy vào khoảng canh tư, chợt nghe phía tây bắc thành, tiếng súng nổi lên đùng đùng. Nghị vội cưỡi ngựa ra coi… Thấy báo đồn quân Chấn Châu đã vỡ, quân Tây đã kéo vào đến cửa ô, chém giết bừa bãi, ánh lửa bốc lên rực trời, thì Nghị không còn hồn vía nào nữa. Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp. Nghị tự đem toán lính kỵ dưới trướng cắm cổ chạy xuống cầu phao rồi trốn sang Bắc. Quân sĩ các dinh nghe tin, hết thảy kinh khiếp, nhốn nháo cùng chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, người nọ xô đẩy người kia, chết ở trên cạn đã nhiều. Giây lát cầu gẫy, hàng mấy vạn người lăn xả xuống nước, nước sông không chảy được nữa.
Vua Chiêu Thống đương ở trong điện, tiếp được tin báo, ngài kíp cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến rước Thái hậu chạy. Ra đến bến sông, thấy cầu đã gẫy, thuyền bè không có chiếc nào, cả bọn tất tả chạy lên Nghi Tàm, thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội vàng cướp lấy rồi chèo sang bờ bên kia. Trưa ngày mồng sáu, vua Chiêu Thống đến núi Tam Tầng nghe nói Sỹ Nghị đã đi khỏi đó. Bấy giờ quân Thanh chạy ở trên đường đông như họp chợ, chúng chạy suốt ngày suốt đêm không dám nghỉ ngơi lúc nào. Vua và Thái hậu cùng đi, đến đò Hòa Lạc, vừa gặp một người thổ hào. Hồi trước ngài chạy trốn, người ấy đã được giáp mặt, lúc đó thấy ngài, người ấy tự nhiên nhỏ lệ, bèn mời ngài và thái hậu vào trại trong núi nghỉ tạm.
Bấy giờ vua và mọi người luôn hai ngày không ăn uống gì, ai nấy đều mệt lử. Người ấy bèn đi giết gà làm cơm, thết đãi. Vua mời Thái hậu và bảo bọn Quýnh cùng ăn.
Ăn vừa xong, quân Tây Sơn đã đuổi đến. Vua nói với người thổ hào rằng:
- Muốn đội hậu tình, không có gì để báo đáp, chỉ cần hai đấng cao dầy chứng giám lòng thành của ngươi, ban phúc cho ngươi mà thôi. Bây giờ quân giặc đã sắp đến nơi, có đường nào khả dĩ chạy gấp lên ải, thì ngươi mách giúp.
Người thổ hào tức thì sai con đưa ngài đi vào con đường trong núi. Vừa tối thì đến cửa ải. Sỹ Nghị cũng đã đóng quân ở đó, ngài bèn vào ra mắt Nghị. Một lát, các quan lục tục theo đến, ai nấy trông nhau, nước mắt chứa chan, Sỹ Nghị cũng phải xấu hổ. Vua nhân tiện liền nói với Nghị:
- Cô đã bất tài, đến nỗi mất cả xã tắc. May được thượng hiến vâng theo thánh chỉ sang cứu. Không ngờ lòng trời không giúp nước nhỏ, nay ngài lại bỏ mà đi. Cúi xin chúc ngài về triều được chữ vạn phúc. Cô đành ở lại đất nước thu thập dân binh, để tính chuyến sau. Xa nhờ oai thanh, may được nên việc, đều là ơn của thượng hiến. Nếu như việc lại không thành, bấy giờ sẽ xin sang hầu đại hiến. Như thế cho tiện.
Nghị nói:
- Nguyễn Huệ chưa diệt, việc này chưa thôi. Nay hãy dâng biểu về triều xin quân, chỉ trong một tháng, đại quân sẽ lại tới đây. Chỗ này gần gũi đảng giặc, ở lại không tiện, nên tạm sang bên Nam Ninh yên nghỉ để đợi thánh chỉ là phải.
Vua Chiêu Thống theo lời.
Nghị bèn cùng bọn tướng tá thu nhặt tàn quân rút về...
http://vannghesontay.com/en/news/Xu-Doai-van/NGO-GIA-VAN-PHAI-554/
Sở dĩ tôi… tức cười là vì Lê Chiêu Thống vì cái ‘cục đại’ gì đó mà cầu cứu nhà… Tàu sang xâm chiếm Đại Việt, rồi không quan tâm đến muôn triệu dân đau khổ dưới ách thống trị của nhà Tàu, Lão Lê cùng ngồi với Tôn Sĩ Nghị ở thành Thăng Long, kết nghĩa Vườn Đào, và chén thù chén tạc, híc..híc...
4
Quay lại chuyện ma Tàu…
Ngày nay người ta nói ‘đại học’ là ‘học đại’ gì đó, còn ngày xưa sách ‘Đại học’ nói về đạo của ‘cái học lớn’ là:
-Tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.
(Minh minh đức: làm sáng cái đức sáng của chính mình, Tân dân: làm mới cho dân, ngụ ý sau khi tự sửa mình thành tựu lại đứng ra giúp người cải cách, bỏ xấu theo tốt, và Chỉ ư chí thiện: an trụ ở nơi chí thiện - wikipedia). Vậy, cái học là để làm sáng cái đức của mình, làm mới cho dân, mục tiêu tối hậu là đạt đến cái thiện…
Thế mà bỗng dưng trên… Hỏa Tinh có xuất hiện một cái ông ‘tích hợp’, ổng định ‘tích’ một cái là ‘hợp’ môn Lịch sử Việt Nam ‘tàng hình’ sang Diêm Vương Tinh:
-Không biết là ổng có muốn đưa dân này đến cái ‘chí thiện’ hay không, nhưng trước mắt là Lão Lê Chiêu Thống và Lão Tôn Sĩ Nghị vô cùng… hả dạ!
*
Và tôi vừa mới đi ăn cơm Tàu…
Cách đây mấy năm, tôi đã biết đây là quán ăn Tàu, vì người Tàu ‘thường’ làm món ăn qua phương thức ‘xào, nướng, hấp’, từ một hoặc hai loại thực phẩm chính, và dùng nhiều dầu/mỡ, như mì xào giòn, cơm sườn (nướng), hoành thánh (ướt và khô), sủi cảo, há cảo, bánh bao…, còn người Việt thường làm món ăn qua ‘hầm (ninh), trộn’ (và hấp), bằng nhiều loại thực phẩm, và dùng nhiều nước (lèo) và rau ‘trà bá’ luôn, như mì Quảng, bún bò Huế, bún giò, bánh canh Trảng Bàng, bún mắm/lẫu mắm, gà trộn, mít trộn (gỏi), nem/trưởi (tré), bánh bèo/bánh khọt, bánh đúc…
Hôm nay, vì viết bài này (tôi đang ở… Chợ Lớn), tôi mới quan sát quán ăn này, có ba người: một chồng, một vợ và một con (thanh niên), mà trước đây, tôi đã có ít nhiều cảm tình và biết họ là người Tàu. Đúng vậy, từ ngoài đường nhìn vào, tôi thấy trước cửa nhà họ có hai câu (đối!) bằng tiếng Tàu, được ‘viết’ trên hai tấm bảng nền đỏ, chữ vàng, nằm bên trái và bên phải của căn nhà; còn cái cổng thì màu đỏ, ở chính giữa mỗi cánh cổng có gắn một con rồng, cũng màu vàng...
Qua nhiều lần tiếp xúc với tiểu thương Tàu, sinh viên Tàu, hay phụ nữ Tàu (trên xe đò), tôi mới biết đa số là người Tiều (Triều Châu) hay người Quảng (Quảng Đông), mà đến định cư ở VN từ thời ông cố, ông nội/ngoại…, họ biết sõi tiếng Việt như người Việt, trong đó, có một số biết ít nhiều tiếng Tàu: họ đã được đồng hóa, trở thành người Việt, yêu quê hương Việt, chết trên đất Việt, và trở thành ma Việt, ngược lại:
-Có một số người là người Việt, nhưng lại yêu quê hương Tàu!, tuy chết trên đất Việt, nhưng lại trở thành ma Tàu.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
-Hoa cánh bướm: còn gọi là hoa cúc nháy, hay hoa chuồn chuồn…
-Lão Quy: một nhân vật khá hư cấu, là một… cao nhân ẩn danh, sống bên cạnh một dòng sông, mà tôi hay dùng trong blog này, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/05/679-lao-quy-bai-tran-triet-hoc-nao-cho.html
-‘Ngựa trắng không phải là ngựa’: là một cách ngụy biện khá nổi tiếng của học giả Công Tôn Long (320-250TCN). Theo tôi, đó là việc dựa vào ‘tính từ’ - yếu tố phụ, để dẫn dụ người lạc mất ý chính (danh từ), nên mới đây, ‘Lão Quy’ có hỏi một học giả ‘bênh Tàu’ là: nếu thế thì ‘người đẹp không phải là người?, hay ‘người da trắng không phải là người?’, học giả này im lặng ra về. Xem thêm: Học giả Trung Quốc nhập nhằng ngựa với lừa, tại: http://www.daichung.com/92/13_thuyet_bach_ma.shtm
 -Xứ Đoài: “Thuở trước công nguyên, Sơn Tây - Xứ Đoài là ĐẤT TỔ, vì đấy là vùng thềm phù sa cổ, vùng thượng châu thổ của tam giác châu sông Nhị - Thái Bình”, với nhiều di chỉ khảo cổ học thời tiền sử, sơ sử, đồng thời là nơi chứng kiến sự xuất hiện nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc; được minh chứng qua các di tích “Ở đồi Vạn Thắng, Cổ Đô (tổng Thanh Mai cũ) và ở ngay các gò Mông Phu (Mông Phụ - Mía) đã tìm thấy các di vật cuội đẽo thuộc văn hóa đá cũ Sơn Vi tuổi đã xấp xỉ 2 vạn năm”… “Ở Sơn Tây đã có hàng chục di chỉ cư trú sơ kỳ đồng thau (xấp xỉ 4000-3500 năm cách ngày nay): Điển hình là các di chỉ ở Hoàng Xá. Ở chân núi Phượng Hoàng cạnh núi Sài Sơn, ở Gò Mả Đống- Ba Vì”, nhiều ý kiến cho rằng “Bậc thềm Sơn Tây - Ba Vì là linh địa của trung tâm đất Mê Linh thời cổ, nay là vùng Cổ Đông chân núi Tản Viên…là vùng đất có bề dày lịch sử, gắn liền với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc”. Ngược dòng lịch sử ngành khảo cổ học đã cho niên đại của vùng đất này có con người sinh sống cách nay hàng vạn năm, những di tích, nền văn hóa khảo cổ cũng chứng minh nơi đây từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Việt cổ, nền văn hóa Đông Sơn bao trùm một phạm vi rộng lớn trên dải đất cổ của Sơn Tây, và đây là nền văn hóa bản địa, là cơ sở cho sự ra đời của nhà nước. Đây là cương vực của quốc gia Văn Lang, là khu vực gần sát địa bàn mà Hùng Vương đã chọn dải đất Phong Châu để làm kinh đô thời lập nước. Tên gọi “Sơn Tây” xuất hiện trên sử sách đã hơn 500 năm. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông thấy nơi này có mấy ngọn núi và ở phía Tây thành Thăng Long mới đặt là Sơn Tây thừa tuyên… (wikipedia)

13 nhận xét:

  1. Hên quá Ca Ca ơi,muội sẻ thong thả đọc nhen.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi ui, đọc cho vui thôi í mà, hôm qua huynh bị 'nhức đầu + mỏi mắt', nào ngờ viết một hồi làm nó quên đi,
      huynh có nhiều việc bận tâm lắm muội à, nên thỉnh thoảng mới mở máy được...
      Tối vui nghen.

      Xóa
  2. Bài viết thật sâu sắc. Thăm anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, mình mới trả lời Gia Tuệ là viết cho vui thôi:
      -kể lại một số chuyện mà mình gặp trong ngày,
      TM.

      Xóa
  3. nguyenchunhac [Blogger] Email 02.12.15@09:07
    @ NGLB

    Lâu lâu qua thăm anh.
    Đọc bài, đáng suy ngẫm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này là nhật ký mà anh CN, ngày mai sẽ có chuyện khác.
      Cám ơn anh, chúc tối vui!

      Xóa
  4. TỊNH VÂN [Blogger] Email 02.12.15@11:02
    Chào Huynh .

    Muội sang thăm đọc những bài Huynh viết .. Muội phải động não phải nhiều hơn nữa..., mới hiểu được những bài viết của Huynh... Kính chúc Huỳnh An Lạc Hạnh Phúc!
    Thân mến.

    Muội Tịnh Vân .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Huynh kể lại mấy chuyện mà huynh gặp trong ngày, mà lại khó hiểu lắm à, híc... Thì muội cứ đọc cho vui thôi, chỗ nào thích thì đọc...
      Tối vui nghen.

      Xóa
  5. lhngan [Blogger] Email 02.12.15@20:02
    Em rất thích đọc những bài viết của anh ! Uyên bác lắm! CHÚC ANH THĂNG HOA.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn muội nghen, huynh đang xây nhà, mệt quá, viết tí là mệt, nên chưa chạy sang nhà muội uống trà, thông cảm nghen... Tối ngọt ngào.

      Xóa
  6. Nặc danh (blogspot) 04:39 Ngày 03 tháng 12 năm 2015
    Vì yêu cuộc sống nên ta hãy nhìn thẳng vào mắt người yêu của ta là cuộc sống:
    -Người khổng lồ nhất là người đứng trên vai những người khổng lồ khác, vì thế hãy biết ‘gom’ trí tuệ của những người khác.
    -Tình yêu thực thụ có khả năng làm giảm mạnh sự hoang tưởng/ám ảnh của hư vô.
    -Cãi nhau là hướng đi ngược lại với trí tuệ.
    -Sự đơn giản là chân lý tối cao của mọi chân lý.
    -Sự háo danh/sự phù phiếm của thế tục là kẻ thù của chân lý.
    -Cuộc sống là cuốn sách vĩ đại nhất, hãy nhìn vào chính cuộc sống mà khiêm tốn học hỏi, ít nói, tĩnh lặng, từ từ suy nghiệm, và do đó, có thể tìm thấy chân lý trong đó...
    http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/06/390-tien-trinh-tu-duy-trong-viec-su.html?showComment=1449107377751#c7700967965186197051

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ Nặc danh
      Ui, ban đầu mình tưởng là ai bình mà ý... giống mình dữ vậy!, hihi...,
      cám ơn bạn nhé, ngày mới tốt lành.

      Xóa
  7. Lưu comt lhngan:

    Cuộc sống không hề có đáp án!,
    hết chấn động này rồi đến chấn động khác,
    dường như sự sống mạnh hơn cái chết,
    và có một thứ không bao giờ hết,
    đó là tương tác âm dương...

    Trả lờiXóa