Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

6. Giao giới


Ồ, trung dung là cái gì, mà hiện nay có một số người không hiểu nhỉ? Hắn dường như thiên về xu thế này và đã cố gắng áp dụng trong phần lớn cuộc đời của hắn. Trên thực tế, hắn đã không thành công vì hắn dở chứ không phải trung dung dở. Về tư tưởng, hắn rất dễ dàng, sớm hay muộn, cảm nhận được cái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống và thậm chí đôi khi biết ngạc nhiên và thú vị với sự kỳ lạ của các chính kiến hay sự vật khác nhau. Thế mà sự vận dụng trung dung của hắn đã không đạt được nhiều kết quả vì tính cách của hắn không trung dung lắm: hắn đã giác nhưng chưa ngộ!
Có một lần hắn tỉm hiểu thử trung dung xuất phát từ đâu? Hắn thấy nằm đâu đó ở Lão – Trang,  Phật, lại thấy qua ở đạo Hồi, dòm qua thì thấy ẩn tàng trong Kinh thánh, dạo qua thì có trong “Góp nhặt cát đá”, …
Hắn có nhớ mang máng rằng có một ông thầy (cách đây 10 năm), để chỉ một người thầy nên đứng ở đâu, đã vẽ ra một cái vòng âm dương, rồi chỉ ở giao giới của âm dương (ông thầy này không biết tiếng Việt nên dùng tay để chỉ). Hình như chỉ có hắn là để ý và nhớ, còn mấy học viên khác thì không quan tâm.
Sau đó khá lâu, có một lần trong một lớp học có đến 18 học viên là thầy, hắn vô tình giảng từ “trung dung”, chỉ để minh hoạ cho một thuật ngữ trong tiếng Anh mà nghĩa Việt không diễn đạt được đầy đủ nội dung của từ đó. Không ngờ, (hình như) ai cũng không biết, chỉ có người thợ vi tính là biết! Sau đó về cơ quan, nhiều đồng nghiệp của hắn đã tranh luận gay gắt, họ chưa biết về từ trung dung! Người ta đã học cái gì ở trường đại học hay trường đời nhỉ, không lẽ triết học Đông Phương tồn tại mấy ngàn năm đã, trong một chừng mực nào đó, không được hấp thụ nhiêù lắm ở Việt Nam – thuộc cái thế giới châu Á này?
Lại có một thầy giáo già (rất khó tính) - ông ấy là “bôn-xê-vít” - lại cố gắng tìm hiểu từ này vì sợ ảnh hưởng đến quan điểm chính trị hiện nay (hắn mà nhắc đến Socrat thì chắc là tiêu luôn!) Thêm nữa, ông ấy nói là sợ cái gì là không đúng không sai, không âm không dương, không thị không phi, (ông ấy đòi hỏi cái gì cũng là “Mác-Lênin” nên ráng hiểu trung dung là khách quan, chưa chắc!), hì..hì… Hắn thầm nghĩ ông ấy học triết học Mác để làm cái gì mà hiểu biết hạn hẹp thế. Ông ấy không chịu sống ở Đông phương thì qua Mỹ hay lên sao Hoả mà ở. Sau đó hắn có nói một câu nhẹ nhàng là nếu các thầy không hiểu khái niệm cơ bản về trung dung thì dù có giảng dạy suốt đời, các thầy vẫn không tiếp cận được thực chất của phương pháp đào tạo cho người lớn.
Hắn hình dung đến một dòng ánh sáng đơn sắc khi qua lăng kính thì bị khúc xạ thành 7 màu, không màu hàm chứa nhiều màu, nhiều màu từ không màu mà ra. Trong toán học, có khái niệm về “tập hợp giao”, là bất kỳ một phần tử x nào đó, nếu thuộc về tập hợp này, thì cũng thuộc vể tập hợp kia, đơn giản thôi mà!
Hắn lại hình dung đến một cái cân có 2 đĩa ở 2 bên. Khi cần cân một vật, ví dụ, một ký gạo, thì người ta bỏ một quả cân vào cái đĩa bên này, rồi bỏ gạo vào cái đĩa bên kia. Người ta sẽ thêm vào hay bớt gạo ra cho đến khi cây kim chỉ chính giữa tức là số không. Khi đó, trọng lượng của vật muốn cân đã được xác định.
Ta cần sống và hành động bằng cách đứng chính giữa để cân bằng các sự kiện không nhỉ, nếu được như vậy thì tốt quá còn gì! Làm Bao Thanh Thiên thì là hay vừa hay là hay nhiều nhỉ? Có phải thực chất ta cần như thế không? Hì..hì.., điều này khó lý giải với người khác, coi chừng bị hiểu lầm!
Ta làm cái cân ư? Dựa vào cái gì để cân bằng? Dựa vào chủ nghĩa Mác ư, dựa vào Phật học, Kinh thánh, triết lý Hồi giáo, … để trung dung mấy cái vũ trụ bé xíu đầy dục vọng này ư? Làm sao mà dung hợp các thứ “đạo” để giải quyết cái thị phi trong thế giới này? Ta nói trung dung họ không chịu, mà ta nói không trung dung họ cũng không chịu, biết thế nào mà lần!
…Ai là quân tử, ai là tiểu nhân, hả?...
Hắn đang suy nghĩ đến đây, bỗng nhiên trời sáng, hắn phải dừng lại, ôi! hắn cần gì lý luận nhỉ?
Ngày 4/2/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét