Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

13. Tình yêu

(LTS: Bấy lâu nay, mình có ý định xem lại bài ‘tình yêu’, sau bài ‘bến Thượng Hải - khúc bi tráng của tình yêu', mình chợt có cảm hứng bổ sung bài này mà một số ý đã được viết trong bài ‘phi Kim Dung và tình yêu’)
Tất cả là giấc mơ
Là chốn không bến bờ
Tình yêu là hư ảo
Sao ta vẫn tôn thờ!

Là động lực của giới tính, nền tảng của đau khổ và là cơ sở của những hạnh phúc ngắn ngủi theo thời gian, tình yêu nam nữ và sự biệt ly thường là bạn đồng hành trong cõi đời này, thậm chí giữa tình yêu và sự sinh tử đôi khi cách nhau chỉ có một sát na, tuy nhiên...
Có phải ánh trăng lửng lờ, mặt hồ man mác, lá rụng mùa thu, mái chèo nhặt khoan, tiếng đàn êm dịu, tiếng sóng vỗ đại ngàn, rừng hoang gió thổi xạc xào lá, những ngọn núi khói sương bàng bạc, những khoảnh khắc tỉnh mộng trong đêm, dõi nhìn những hàng cây trùng trùng điệp điệp, lắng hồn trong khúc ‘phụng cầu kỳ hoàng’, ngồi bên thềm lặng nghe giọt nắng, thản thốt dưới ánh chiều tà, hay ngồi ở quán bên sông và chìm vào đáy mắt hồ thu của mỹ nhân…, mới đưa tâm hồn ta trở lại sự tĩnh lặng và do đó ta đạt được ngộ tính của tình yêu?
Ta sống ở đời này làm gì nếu không có tình yêu. Không đúng hẳn khi Pasteur đã nói con người khác động vật là ở chỗ biết tư duy. Theo nhà gom lá bàng, con người khác động vật là ở chỗ có tình yêu mà chính thượng đế phải nể phục và nghiêng mình trước sự kỳ diệu của tình yêu mà con người đã thể hiện (bởi lẽ ngài không thể hiểu được tình yêu đó). Con người chứ không ai khác đã tự sản sinh ra tình yêu sau khi ăn trái cấm, mà thượng đế chỉ ban tặng cho họ không khác gì là hai xác thịt với nội tại chứa đầy rẫy những tình dục, cô đơn và đau khổ. 
Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô. 
Tình yêu được nhìn rộng hơn bao gồm tình phụ tử, tình mẫu tử, tình yêu nam nữ, tình bạn, tình người, khát vọng sống và khát vọng tự do..., về chiều sâu, không thể nói tình yêu nào là bao la hơn hay cao cả hơn.
Trong cuộc chiến tranh Iraq, một người cha đã ôm con và gánh chịu làn đạn vào người để cho đứa con được sống.
Một người mẹ đã ôm con, cầu Chúa chuyển hết cơn sốt từ con vào người mình, để mình chết và đứa con được sống.
Một thứ tình yêu như của Tạ Tốn, khi con mình đã chết, vợ mình đã chết, cha mẹ và người thân đã chết, thượng đế đã… chết, ông đã hoá thân tất cả vào đứa con nuôi là Vô Kỵ, tình yêu đó quả thật làm cảm động lòng người. Đứa con là sự hoá thân của người cha và người mẹ, nhưng sự hoá thân của Tạ Tốn quả là đặc biệt và có một không hai (Ỷ thiên đồ long ký). 
Một gã đàn ông vì động lực bắt buộc phải tồn tại, đã tranh đấu với con chó sói cũng ở tuyệt cùng của sự sống còn, đến từng cm, một bức tranh ấn tượng làm sao! (‘Tình yêu cuộc sống’).
Lão ngư ông, cô đơn, một mình đứng giữa vũ trụ chống chọi với thượng đế, kiên quyết không buông ‘cái tôi’ của mình, ‘người’ lắm thay! (Ngư ông và biển cả)
Tình yêu như Dương Quá - Tiểu Long Nữ đã trở thành bản trường ca bất tử cho các thế hệ sau này (Thần điêu đại hiệp). Mình có một lần đọc trên mạng, có một người phụ nữ khoảng 40t, có người hỏi tại sao cô ấy vẫn chưa có chồng/chưa có người yêu, cô ấy trả lời là vì chờ đợi mãi một người đàn ông có tính cách như Dương Quá, nhưng chưa tìm thấy được trên cõi đời này!
Hình như mình không thích lắm cái tình yêu của Romeo và Juliet, cái tình yêu đã đưa hai con người vào ‘ngõ cụt’ mà  lại được gọi là bất tử!
Có một lần, khoảng nửa đêm, tình cờ mình đã xem được môt đoạn phim có vẻ kỳ lạ. Có một nam vũ sư nhìn cái thế giới này chỉ có hai màu thôi, đó là màu đen và màu trắng. Một hôm nọ, có một cô gái, bị một bọn đàn ông rượt đuổi, đã chạy vào phòng dạy múa của anh ấy, chàng bỗng thấy thế giới này có màu hồng và quả nhiên sau đó… tình yêu giữa 2 người đã sản sinh. Tình yêu quả là quá kỳ diệu, làm cho hiện-chất của con người đã chuyển biến và nhảy vọt lên một chất mới không thể nào tưởng tượng được.

Có thể nói rằng tình dục (đực cái) là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của thượng đế, là quy luật của tự nhiên và là quy luật của muôn đời, đại đa số con người đều ‘lâm’ vào hoàn cảnh này, lẽ nào đàn ông thấy một cô gái đẹp mà không liếc, hay ngược lại lẽ nào một phụ nữ thấy một người đàn ông ‘lịch lãm’ hay ‘tử tế’ nào đó mà lại không ấn tượng.
Rất nhiều người biết 2 câu này ‘Hỡi thế gian tình là gì, mà đôi lứa thề nguyền sống chết’, nhất là nó lại được đọc ra từ miệng của Trư Bát Giới. Tình yêu hàm chứa tình dục, hay có thể nói nó xuất phát từ tình dục, tự nhiên thôi, có gì lạ đâu. 
Rất nhiều người trẻ tuổi xem tình yêu như là cái gì thiêng liêng nhất, là tất cả, nhưng trên thực tế, điều này không phải là chân lý. Còn người lớn tuổi thì có thể vẫn còn yêu, thậm chí yêu mãnh liệt hơn thế hệ trẻ!, nhưng cái chất men say ấy hình như không còn ‘nóng chảy’ như khi còn trẻ, vì người lớn chững chạc hơn và cân nhắc hơn!
Khi mình còn là sinh viên, nhiều bạn trẻ đã không đồng ý như vâỵ, các bạn ấy nói tình yêu chỉ đơn thuần là… tình yêu thôi!, hì..hì.. Xa hơn, các bạn thử nghĩ xem là 2 người đồng tính yêu nhau vì cái gì? Xa hơn nữa, liệu rằng một đồng tính nam và một đồng tính nữ có thể yêu nhau được không, vấn đề là ở đâu? 
Mình, sau nhiều năm cãi nhau với mình, đã nghĩ rằng tình dục là cơ sở của tình yêu, mình không cần phải chứng minh điều đấy. Một ví dụ, 'khi một người đàn ông thấy người đẹp thì rung động liếc một cái, rồi liếc nhiều cái, rồi sau này quen dài dài mới yêu nhau' (hay ngược lại), nên tình dục là cơ sở của tình yêu, lại có người hỏi mình tình yêu và tình dục, cái nào có trước, ví dụ trên đã là câu trả lời rồi.
Có một hôm chatting, mình vô tình đọc được một đoạn văn sau đây từ một người đẹp gởi tặng, mình thấy có chất lắm bạn ạ: ‘Chúng mình (tình yêu và tình dục) là tương sinh tương hỗ. Tình yêu chết thì tình dục chết theo. Đôi khi tuần tự đảo lại: tình dục nghẻo trước, tình yêu nghẻo liền sau…tình dục hồi sinh thì tình yêu sẽ bò lóp ngóp trở lại’.
Cuối cùng, tình yêu nam nữ thường rất đẹp hay vô cùng đẹp khi được người ta ‘phim hoá’, ‘nhạc hoá’, hay ‘văn-thơ hoá’, còn tình yêu thật ở đời thì phức tạp hơn rất nhiều. Và, mặc dù biết yêu là đau khổ, 'nhưng thà khổ hơn là lỗ' nên 'thiên thu vạn tải khổ cũng yêu', con người dù chết vẫn cứ yêu, có phải con người giống như con cá hồi, cố gắng cực kỳ để lên ‘thượng nguồn’ để đẻ ra 'cái bất tử' rồi mãn nguyện mà chết - nó đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình! 
1g50, chiều ngày 22/2/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét