Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

7. Vô chiêu


Mỗi con người sống và tham gia vào xã hội thì sẽ tiếp cận và, do đó, tiếp thu một số điều rất ấn tượng và có thể là sâu sắc. Người ta kể hay nghe chuyện Kim Dung và người ta dễ thấy những con người và sự kiện đang vận động trên quê hương mình.
Hắn thường trích những ví dụ từ các câu chuyện kiếm hiệp của Kim Dung (sau đó là từ “Tây Du Ký” và rất nhiều câu chuyện khác, trong sách cũng có, ngoài đời cũng có, chủ yếu là ngoài đời). Không phải ý hắn nói “Kim Dung” là một cái gì to lớn lắm. Nhưng phải thừa nhận tính phổ quát trong các câu chuyện của ông ta, vì hắn thấy dễ dàng tìm một ví dụ từ các câu chuyện của Kim Dung, hơn nữa, từ những ví dụ này, đa số người chung quanh hắn là có thể tiếp cận được vấn đề.
Hắn cũng đôi khi, ghen tị với Lệnh Hồ Xung, vì LHX chỉ bị các luồng nội lực khác nhau xung kích - hành hạ - đau đớn mà không hóa giải được (còn có Nhậm Doanh Doanh hỗ trợ nữa), còn hắn lại bị vô số luồng tư tưởng khủng khiếp khác nhau xung kích - hành hạ - đau khổ mà không hóa giải được (khó có em nào hỗ trợ được!).
Hắn có đọc nhiều chuyện của Cổ Long đấy. Hắn ngưỡng mộ Tiểu Lý Phi Đao, Sở Lưu Hương, Tây Môn Xuy Tuyết, Bạch Vân Thành Chúa, Tôn Mãnh, Lục Tiểu Phụng, Trung Nguyên Nhất Điểm Hồng, Tiểu Lý Phi đao…, lắm chứ (hình như không có bóng hồng nào của Cổ Long mà gây ấn tượng lâu dài đến hắn). Hầu như mỗi câu của Cổ Long đều có hàm chứa triết lý và có kình lực kinh người. Mỗi nhát kiếm của Cổ Long là một nhát kiếm triết lý (hay còn gọi là triết kiếm), chỉ cần một chiêu thôi là quyết định thắng bại. Để hạ được “người áo trắng”, Phương Bửu Nhi phải dùng một “vô chiêu” kết hợp từ 3 hữu chiêu mà thành.
Hắn không nhớ sâu hay nhớ về các câu chuyện của Cổ Long, vì “triết kiếm” của Cổ Long nếu tinh ý thì cuối cùng có thể phát hiện, còn “vô triết” của Kim Dung thì muốn hiểu như thế nào thì tùy.
…Chu choa, cái ông A. gì đấy đã bình về Kim Dung, trộm nghĩ, mới làm sao ấy. Theo hắn, ông ấy làm cho những người chưa hiểu Kim Dung thì càng mơ hồ về Kim Dung! Và theo hắn, ông ta chỉ tập hợp, phân tích và tổng hợp các sự kiện bằng một số triết lý xé lẻ. Ôi, thế giới này là một, nói cho cùng là con số không, hắn nghĩ vây.
Còn nữa, hắn còn nhớ là khoảng năm 1981, có nhà văn tên H. gì đó, đã nhận xét là Kim Dung viết tầm bậy!
Kim Dung không có ý gì về trà đạo, “hoa” đạo, “rượu” đạo, tiêu dao đạo, “trộm cướp” đạo, kiếm đạo, “bài bạc” đạo, “tình yêu” đạo, “anh hùng” đạo, “đàn bà đạo”, “đau khổ” đạo, “lịch sử” đạo, “anh hùng” đạo, “tiếu ngạo” đạo, …, gì cả. (Các bạn đừng chấp, hắn có biết một thứ “ý niệm” đạo, rồi bỗng nhiên ngơ ngác nhận ra rằng mình không biết một thứ đạo nào cả). Chuyện ông Kim Dung nói về nghệ thuật chơi hoa, .., là chuyện bình thường, người ta cũng có thể nói về một nghệ thuật khác. Cổ Long biết nhiều thứ đạo lắm đó.
Ai đã lưu lại trong lòng hắn “Ði như lưu thủy hề, thệ như phong bất chi hà xứ lai hề hà sở chung” hay “đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thành bốc cháy hồng hồng, sống đã chi làm sướng,chết không lấy chi làm khổ. Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên. Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều”? hay “Bậc đại ẩn lánh mình ở chốn triều trung, bậc trung ẩn náu mình ở giữa chợ, còn hạng tiểu mới ẩn lánh mình ở chốn thâm sơn" (chắc là ngạo thôi!).
Hình như Kim Dung có thấm nhuần Trang - Lão - Phật và chữ “vô” (Tạ Tốn cũng là cục phân, cục phân cũng là Tạ Tốn), nhưng điều đó không quan trọng. Chắc Kim Dung không thuộc về cái gì cả, như thế mới là Kim Dung. Nhiều người tự hỏi, làm sao mà ông ấy có thể tưởng tượng được nhiều chuyện đến như thế. Kim Dung có nhiều cái hay, trong đó có cái hay về ý niệm mà không phải ai cũng biết, chỉ lấy một vài ví dụ thôi.
Trong luận bàn “võ lâm ngũ bá” lần thứ hai, Hoàng Dược Sư đã biện luận rằng, vì ai cũng muốn mình là số một, trong khi đó, trong tâm hồn Chu Bá Thông không tồn tại khái niệm gì là anh hùng thiên hạ vô địch cả, nên luận về võ công thì mỗi người đều có một nét riêng và tột bực, nhưng luận về tâm hồn “vô tranh” thì CBT hơn hẳn các cao thủ khác, vì thế người ta đã chọn Chu Bá Thông kế thừa Trung Thần Thông. Người không màng đến vô địch là người vô địch, mà đã không màng đến vô địch thì vô địch có ý nghĩa gì với người ấy, bạn có tin là đúng không, nếu không, hãy hỏi Chu Bá Thông nhé.
Những chiêu thức của Lệnh Hồ Xung trông loạn xà ngầu và tầm thường như của một thằng say rượu (trong vai Ngô Thiên Đức), thế mà “cao thâm khôn lường”. Đừng vội hạ đẳng hóa cái tầm thường, nhiều khi cái tầm thường hàm chứa cái rất siêu việt mà chỉ có “thiên lý nhãn” mới thấy được.
Còn thế nào là tột đỉnh võ công nhỉ? Hoàng Dược Sư, Hồng Thất Công và Đoàn Nam Đế đều là nhất đẳng tông sư (hầu như) chưa biết bại là gì. Thế mà cả ba người xúm nhau đánh không lại cái thằng điên Âu Dương Phong. … Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn (kể cả Tiêu Phong, …) đều là anh hùng thiên hạ vô địch mà đánh không chạm nổi vạt áo của một nhà sư vô danh ở chùa Thiếu Lâm. Anh hùng thiên hạ vô địch không bằng cái thằng điên? Anh hùng thiên hạ vô địch không bằng một kẻ vô danh? Vậy thì anh hùng thiên hạ vô địch cuối cùng cũng chỉ là không mà thôi, nếu có gì không phục, bạn hãy hỏi ông Kim Dung nhé.
Trương Tam Phong truyền cho Vô Kỵ là truyền kiếm ý chứ không phải là kiếm thế; Phong thanh Dương truyền Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung cũng vậy. Cổ Long cũng rất tuyệt khi có một Lý Tòng Hoan sử dụng phi đao bằng “tâm chiêu”.
Nói gì về Phật nhỉ? Đã nói đến Phật là nói đến tứ đại giai không, đến đại từ đại bi, đến vô chấp, … Mấy sư ở chùa Thiếu Lâm dễ gì có được. Mà Dương Quá-Tiểu Long Nữ hay Trương Vô Kỵ-Triệu Minh hình như đã vượt ngưỡng hay không phụ thuộc vào Phật tính trên!
Bạn hãy tâm sự với một số phụ nữ, họ biết rất nhiều đấy và đôi khi có nhiều chuyện họ còn cảm nhận sâu sắc hơn Kim Dung đấy. Dĩ nhiên, nhiều lần gặp phụ nữ, hắn cũng phục lăn ra đấy chứ! Nhưng cuối cùng chúng ta biết được bao nhiêu, biết để làm gì và giải quyết được cái gì?  
Có một người phụ nữ trẻ tuổi, mặc dù hắn chưa tận mắt thấy đọc sách, chủ yếu là biết “chat” thôi. Thế mà hắn mới nhắc đến Lão Ngoan Đồng, Hoàng Lão Tà, Đông Phương Bất Bại, Lệnh Hồ Xung, Dương Quá-Tiểu Long Nữ, Nhậm Ngã Hành, Tạ Tốn, ... là cô ấy cảm ứng ngay.
Nói vậy chứ am hiểu (võ học) nhiều như Vương Ngữ Yên, thông minh và ma mảnh như Triệu Minh, Hoàng Dung, Chu Chỉ Nhược, … thì mấy ai dám sánh. Còn có lúc hắn nhắc đến Phong Thanh Dương với “vô chiêu thắng hữu chiêu”, lúc đầu cô ta không biết. Phong tiên sinh ơi! không ngờ trên đời này lại có người biết rất nhiều, lại biết dùng cái không-biết để thắng cái có-biết, biết nhưng muốn người ta không biết là mình biết,…, tìm đâu cho ra. Vô chiêu thắng hữu chiêu là sáng tạo của ông nào đấy, mấy ai ngộ được điều này?
Có mấy ai hiểu được hình ảnh Tiểu Siêu, vĩnh biệt tình yêu, nước mắt ràn rụa, đau lòng khôn xiết, dần dần chỉ còn là một chấm nhỏ rồi biến mất vào đại dương cô liêu. “Người đã đến và đã về bên kia núi, từng lời nói là từng cánh buồm rong cuối trời, chỉ còn lại tiếng cười khóc giữa đời”, lời nhạc của ai mà hay thế vẫn còn ẩn hiện trong đầu óc hắn. 
Hắn yêu biểu tượng Tiêu Phong, Dương Quá, Hoàng Dược Sư, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, Tạ Tốn, Nhậm Ngã Hành, Dương Thanh Phong,…, và hắn yêu Triệu Minh, Nhậm Doanh Doanh, … Làm sao hắn dám yêu Tiểu Siêu, cô ấy ở tuốt đàng xa kia kìa, xa lắm!, làm sao hắn yêu Tiểu Long Nữ được, có cho hắn cũng không dám yêu, hắn không có đủ khả năng để đúc một pho tượng ngọc cho cô ấy, mấy em thánh thiện quá!
Trời ơi! Lệnh Hồ Xung đã cười ngạo lên cả cuộc đời này.
Trương Vô Kỵ, ngươi kỵ cái gì?
Hoàng Dược Sư là một tay “liều mạng” với dư luận.
Tiêu Phong ơi, hoàng đế và lòng trung thành là cái quái gỉ?
Triệu Minh ơi, tình yêu của em sao ghê gớm thế?
Tiểu Siêu ơi, sao em nỡ là cánh buồm rong cuốí trời ?
Tiểu Long Nữ ơi, em thánh thiện thế, sao ta phải tôn thờ em mà không dám yêu em?
Tạ Tốn ơi, con của ngươi ở đâu? Ngươi và người ấy, ai đau khổ hơn?
Nhậm Ngã Hành ơi, sao ngươi “người” đến thế? Sao ngươi tàn ác mà có con gái ngoan đến thế?
Hoàng Dược Sư ơi, đến chơi với hắn nhé!
Dương Quá ơi, sao ngươi làm cho phụ nữ thổn thức nhiều thể?
Ta nên sống “ngoan đồng” như là Chu Bá Thông!
Được “tiếu ngạo” như Lệnh Hồ Xung!
Thèm sống “vô chiêu” như là Phong Thanh Dương!...
Có lẽ, thật chứ có lẽ gì nữa, hắn cũng muốn tham gia đấu chưởng nè. Dùng Giáng Long Thập Bát Chưởng đấu với Hàm Mô Công cũng thú vị đấy chứ. Hắn cũng có tí chưởng đấy chứ, không lẽ không có tí gì sao, nói ra sợ người ta cười, hì..hì… Lâu lâu dùng một tí Nhất Dương Chỉ hay Thất Thương Quyền, có sao đâu!
Cái đau đớn cùng cực của Lệnh Hồ Xung đã dẫn đến “Độc cô cửu kiếm”, cái đau khổ cùng tuyệt của Dương Quá đã đẫn đến “Ám nhiên tiêu hồn chưởng”, còn cái đau khổ dằn vặt liên miên bất tuyệt của hắn phải dẫn cái gì đó chứ! Con trai vì bị đau nhức bởi hạt cát, đã sản sinh ra hạt trai, nều nó chết đi mà hạt trai đó nằm dưới đáy biển vô hình, há chăng Thượng để quá vô tình!
(Ngày 6/2/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét