Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

40. Tiêu Phong và 'Trường Sa - Hoàng Sa'


(Hắn đang uống cà phê sáng, nghĩ về Tiêu Phong và một số tin thời sự gần đây, bèn lấy cảm hứng viết làm vui, hư cấu theo khả năng hiểu biết có thể của mình. Hắn không phải là người làm chính trị, vì thế hắn không muốn công chúng hóa hay phát tán bài viết này. Có gì sơ sót mong người đọc lượng thứ.)
1. Tiêu Phong là một con người 'bình thường'. Đúng, Tiêu Phong là người bình thường, bình thường đến nỗi mà trước đây và sau này mới có một ‘người’ như y, bình thường đến nỗi mà người ta yêu quý y mà không có thể vươn lên tầm cở như y, bình thường đến nỗi mà nam nữ phải rướm trào nước mắt và rung động vì y, và bình thường đến nỗi người ta, dù là nam hay nữ, nếu không yêu y thì có lẽ không còn ai để yêu nữa.
Tiêu Phong, theo hắn, là một hình tượng cao cả, tốt đẹp, phức tạp và bi tráng, là hình tượng của khát vọng tự do, là hình tượng của ‘trái tim Bồ Tát’, và đặc biệt là hình tượng có một không hai của người Trung Quốc. Hắn, ngước nhìn lên bầu trời ban mai xanh vắt với bóng hằng mười tám vẫn còn lưu luyến ánh dương, bỗng thấy Tiêu Phong, một con người bình thường lại rất ‘người’, tâm hồn khoáng đạt và bình đẳng của y hiển hiện hiên ngang trước hai vầng nhật nguyệt..
2. Vì yêu Tiêu Phong và mến mộ tình bạn của Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc, người ta mới hư cấu một câu chuyện như sau:
Mấy tháng trước, Tiêu Phong có đi dạo bên bờ Kênh Thị Nghè. Ở đấy, có 2 con đường gần nhau và song song với nhau là Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn còn rải rác vài công trình xây dựng nhỏ, y chưa có dịp đến lần thứ hai, không biết có gì thay đổi không. Ở đấy, y kết nghĩa anh em với một đệ tử của phái A tên là Hư Trúc SG. 
Trong lúc ngồi uống rượu cùng với Đoàn Dự và Hư Trúc, Tiêu Phong nghe người ta bàn xôn xao về ‘vụ Trường Sa - Hoàng Sa’.
Hiện nay, phái A (và một số một số phái khác trong khu vực) đang có tranh chấp chủ quyền về 2 con đường Trường Sa và Hoàng Sa với phái B. Tiêu Phong nghe người dân ở đó nói rằng Gia Luật Hồng Cơ - Lãnh tụ của phái B, trước đây, đã lợi dụng thời cơ mà chiếm lấy đường Hoàng Sa, bây giờ ông ấy đang lấy một phần và tranh chấp đường Trường Sa với nhiều phái khác trong khu vực. 
Phái A thì nói rằng phái B đã ỷ mạnh để lấn chiếm 2 đường Trường Sa và Hoàng Sa, đã xâm phạm quyền sử dụng đất đai của phái A, dùng vũ lực hiếp đáp dân lành của phái này, trước đây phái B còn tự ý đưa 2 đường trên lên bản vẽ địa chính của mình và thông qua hội nghị ‘bô lão’, … 
Phái B - đông người hơn và mạnh hơn thì nói rằng phái A khiêu khích và xâm phạm quyền sử dụng đất đai của họ, mới đây họ đã tung ra bí kiếp ‘đường lưỡi bò’ và khái niệm ‘lợi ích cốt lõi’, đang trang bị vũ khí hiện đại, một số đệ tử quá khích của phái này còn nói là sẽ dùng vũ lực để đối phó với phái A kể cả một số phái có liên quan và phái Thiếu Lâm nữa, ...
Tiêu Phong (tức là Kiều Phong) là anh em kết nghĩa với Hư Trúc SG - đệ tử của phái A, dĩ nhiên là y đồng cảm với Hư Trúc. Với tư cách là Bang chủ Cái Bang, là người được mệnh danh “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”, y thấy băn khoăn, y có dòng máu của phái B, trong lúc Hư Trúc lại có dòng máu của phái A, nên y cần phải nghe thông tin 2 chiều và phải xử lý một cách công bằng thông qua con đường ‘thương lượng hòa bình’ đúng với tính cách của y. 
Đồng thời với đề xuất xử lý của Tiêu Phong, phái Thiếu Lâm nói ‘giọt nước làm tràn ly’ và cũng không giấu ý định ‘không khoanh tay’ đối với việc này và có khả năng là họ sẽ bênh vực cho phái A và các phái khác có liên quan nếu phái B đi ‘quá trớn’. 
Tiêu Phong nhận thấy rằng phái A và phái B đã và đang là anh em!, có nét văn hóa tương đồng và sống gần nhau lâu đời rồi. Thế mà lâu nay, phái A - do kinh nghiệm lịch sử - phải luôn đề phòng cảnh giác vì cho rằng phái B là “thâm”, cho rằng phái B luôn có tham vọng, vì phái B là kẻ mạnh nên khi có cơ hội là họ cử đệ tử sang hiếp đáp phái A và hiện nay phái B đang tập trung làm suy yếu phái A. Trong lúc đó, xưa nay, phái B (cũng như phái A) thường nói là 2 phái là anh em láng giềng mà đã tạo nên một thành ngữ là ‘môi hở răng lạnh’, phái A không tin nên bực tức và cảm thán rằng ‘đã không yêu thì thôi anh cần chi gian dối’.
Tiêu Phong tự hỏi rằng, 2 phái có khả năng là anh em tốt với nhau không, rồi y thầm nghĩ có lẽ điều này là rất khó, vì phái B đang tự cho mình là ‘siêu’ phái, hình như đang nổi lên vai trò ‘sen đầm’ và cho rằng phái A là một tiểu phái và là một ‘chướng ngại vật’ trên con đường trở thành Minh chủ võ lâm trong khu vực này.
Y thiển nghĩ nếu những nhà lãnh đạo của phái B là những người có tính cách như y thì mọi chuyện sẽ trở thành đơn giản hơn rất nhiều.
3. Suy nghĩ một hồi, rồi suy rộng ra, Tiêu Phong vẫn thấy có cái gì ấm ức trong lòng.
Tiêu Phong trộm nghĩ rằng hình tượng của y cũng được phản ánh tương đương qua những hình tượng có tính nhân văn cao cả khác như Quách Tĩnh, Dương Quá - Tiểu Long Nữ, Lục Tiểu Phụng, Sở Lưu Hương, Tiểu Lý phi đao, Tôn Ngộ Không, Bao Thanh Thiên, Chu Bá Thông, Trương Tam Phong, Trương Vô Kỵ - Tiểu Siêu, Phương Thế Ngọc, Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Trần Chân, Lý Tiểu Long, ... Các hình tượng đó đã làm dâng lên một tình cảm tuyệt vời đối với người Trung Quốc nói riêng và đông đảo người hâm mộ trên thế giới nói chung, kể cả người Việt Nam. 
Quách Tĩnh là người trung thực và nghĩa khí (thường xuyên bênh vực kẻ yếu), bảo vệ thành Tương Dương, là bạn vô cùng thân thiết với người Mông Cổ, không muốn người Mông Cổ xâm lấn đất đai của người Tống, và lại càng không muốn có cuộc chiến tranh của 2 dân tộc ‘Tống - Mông’ bằng cách lẳng lặng rời khỏi Thành Cát Tư Hãn. Lý Tiểu Long là võ sư đồng thời là triết gia về võ đạo, người duy lý, khiêm tốn và luôn muốn hội tụ tinh hoa võ học của các phái khác nhau trên thế giới và, vì thế, hiển nhiên là ông ấy không bao giờ cưỡng tình đoạt lý và dùng võ lực để tự tôn hay trấn áp các thành viên của phái khác, …
Tiêu Phong, là kẻ không màng danh lợi, trước đây, vì không muốn sinh linh đồ thán, đã hy sinh thân mình để đảm bảo một nền hòa bình cho 2 dân tộc “Liêu -Tống”. Y yêu dân tộc của A-cốt-đả anh em. Y yêu A Châu nhưng không hề có ý muốn chiếm hữu cô ấy làm của riêng mình. Mộ Dung Cô Tô, vì mưu đồ vương bá của mình, là không xứng với hình tượng của y và những hình tượng đáng quý khác trước giới giang hồ võ lâm đồng đạo, đặc biệt là trước mắt của những người phái A trong đó có Hư Trúc - bạn kết nghĩa của y. 
Cũng là quy luật của muôn đời, Alexander Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon…, đã đi về đâu, y tin rằng loài người đã có lời giải đáp.
Y khao khát làm một con người bình thường. Y nghĩ mình học nghệ tinh thông ‘Đả cẩu bổng pháp’ và ‘Giáng Long thập bát chưởng’ là để cứu người chứ không phải để làm ngược lại.
Nếu được như vậy, Tiêu Phong sẽ rất tự hào khi được Hư Trúc, Đoàn Dự và giới giang hồ võ lâm đồng đạo gọi y là người Trung Quốc một cách xứng đáng với các hình tượng nói trên.
Nếu không được như vậy, đồng bào của Hư Trúc sẽ nghĩ gì về y? Nếu không được như vậy, Tiêu Phong không còn là một biểu tượng đáng tự hào của phái B. Và nếu không được như vậy, y sẽ thấy buồn, cắn rứt, và do đó, y thiết nghĩ là phái B không nên đề cao tác phẩm “Thiên long bát bộ” và những hình tượng trên đây đối với thế giới nữa.
Người viết: Vô Niệm - Sáng ngày 19/8/2011

6 nhận xét:

  1. Để làm rõ cho tính hư cấu của bài viết, LB xin giới thiệu thêm về bài phỏng vấn của ông 'Tiến sĩ kỳ lạ' và người viết:
    http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/08/41-tu-cai-nhau-voi-vo-niem-ve-tieu.html

    Trả lờiXóa
  2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 11.05.14@21:06
    ...Chàng thi sĩ này tính tình mơ mộng, bằng chứng là trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng" làm cư dân mạng nháo nhác, chàng vẫn ung dung uống cà phê sáng, mắt chàng vẫn nhìn thấy những hoa trắng với bướm vàng. Nhưng đây chính là một nhà triết học, chàng không thuộc mẫu người "nước đến chân mới nhảy", gặp chuyện mới kêu đau đầu, có nhiều chuyện chàng đã ngẫm ngợi từ lâu.

    Những ai muốn tìm hiểu cái nhìn của thi sĩ Lá Bàng về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, có thể đọc entry chàng... post lên ở đây, xem chàng có đồng cảm với chúng ta chăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.05.14@04:01
      (Blog Tiếng Việt)
      Bài viết của anh mang phong cách văn chương, nó nói về góc độ cá nhân trước những sự kiện xã hội. Những người nóng lòng sẽ khó thong thả mà đọc văn chương, dù cho đề tài tác phẩm liên quan đến sự kiện chính trị nóng hổi. Đọc văn chương cần có một sự tĩnh tại nhất định trong tâm mới được.

      Không có nhiều người "bình thường" như Tiêu Phong, tất nhiên là vậy. Nhưng những người "bình thường" như Lá Bàng cũng không nhiều. Theo cách nhìn của Ái Nữ thì Lá Bàng là người thực tế, chất "triết" hầu như luôn tồn tại trong văn của Lá Bàng. Dường như đối với anh, mọi chuyện đều có thể trở thành đơn giản và nhẹ nhàng. Trong cuộc sống mà Ái Nữ chứng kiến, những người có thể sống nhẹ nhàng được như vậy không nhiều, vì trong lòng họ còn mang nhiều mối hận. Hận với đời, hận với người, hận với mình... Nhưng ít khi họ thừa nhận những mối hận ấy, vì thế cũng không sao giải tỏa được. Đây là một vấn đề tâm linh.

      Mặc dù là anh em "núi liền núi, sông liền sông", nhưng giữa Việt Nam và Trung Hoa còn tồn tại mối hận dân tộc không dễ gì hóa giải được, người ta mới dừng lại ở chỗ dỗ yên mối hận này bằng những thủ pháp chính trị, vì thế mối hận thù này có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Nhưng ở cấp độ cá nhân, một người dân Việt Nam và một người dân Trung Hoa không có lý do gì để thù oán nhau nếu không phải họ vốn có liên quan cá nhân từ trước. Khi một cá nhân đoàn kết cùng dân tộc, rất có thể họ lại mất đi những mối thâm tình riêng tư.

      Bi kịch của nhân vật Tiêu Phong trong truyện của Kim Dung là một bi kịch cá nhân rất lớn, bởi vì với những tình huống mà tác giả Kim Dung dựng nên, Tiêu Phong mang thâm tình với cả hai dân tộc Liêu-Tống, y hy sinh thân mình vì thấy cá nhân y nhỏ bé hơn là cả hai dân tộc cộng lại. Những quyết định của cá nhân như Tiêu Phong ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của dân tộc. Y có đủ dũng khí để mà hy sinh, và sự hy sinh này khiến y sống mãi.

      Người Việt Nam không có lý do để hy vọng cá nhân lãnh đạo nào đó của Trung Quốc sẽ hy sinh cho vận mệnh của dân tộc mình. Nhưng hành động của cá nhân các lãnh đạo Việt Nam sẽ được người dân quan tâm. Chắc rằng không ai đòi hỏi ai phải hy sinh "thâm tình dân tộc", nhưng lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm là cái mà người ta có thể hy sinh. Vấn đề là bây giờ người dân Việt Nam... nghi ngờ dũng khí của những nhà lãnh đạo đất nước mình.
      34 phút trước

      Xóa
    2. Ái Nữ tìm hiểu và nắm được cốt lõi của một vấn đề khác rất/khá nhanh (mặc dù trước kia AN nói Kim Dung là lĩnh vực mà AN không chuyên).

      Trước kia, có 1 blogger bí mật (mà mọi người giúp LB tìm hiểu, cũng không biết là ai!), đã bình như sau (và LB đã giữ làm kỷ niệm):

      Tiêu Phong ơi! "Tính cách cao cả và tình yêu con người của chàng hầu như bao gồm hết tinh túy của những cao cả và tình yêu mà nhân loại có thể có được. Không tồn tại sự phân biệt chủng tộc hay chúng sinh trong tâm hồn của chàng. Sự kết thúc của chàng để đạt được khát vọng của tự do đến nay vẫn chưa có bút mực nào có thể tả xiết" (NGLB). Tiêu Phong ơi! Có phải tiếng thét thống thiết của chàng giữa quần hùng Trung nguyên và muôn vạn quân binh Liêu - Tống là tiếng kêu vang vọng từ ngàn năm của số phận con người tìm về hạnh phúc?, và như là câu trả lời cho giới hạn nhất định rằng chẳng thể có hạnh phúc nào viên mãn trên chốn trần gian? và có chăng như Lê Tuấn trong ‘Hòa bình trên đỉnh văn minh’:
      "...Nghìn năm xưa, đã trôi qua trong đấu trường kia đẫm máu
      Còn hôm nay - cuộc sống đương đại muôn màu
      Nhưng màu nào sẽ trong như hồn hoa tuyết phủ... ".
      Và có chăng cứu cánh: Tình yêu!...
      (blogger 'Thanh', comt trong entry 'Tình yêu và Kim Dung - Phần 4')

      Chắc LB sẽ chuyển sang phần tiếp về 'Tâm sự của Tiêu Phong' vì LB đang quan tâm đến sự kiện Nick Vujicic sẽ sang VN vào tuần tới.
      Rất cám ơn lời bình... chững chạc của AN, chúc tuần mới ngọt ngào.

      Xóa
  3. Kim Chi Nguyen
    Ẩn dụ rất hay. Đúng là nỗi niềm Tiêu Phong.
    1 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LB ngồi quán cà phê suy nghĩ và viết cho vui Kim Chi Nguyen à, chúc tuần mới tốt lành.

      Xóa