Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

44. Vui sướng và buồn khổ


Vui sướng và buồn khổ thì ai cũng đã có lần trải qua.
Tuy vui và sướng nhiều khi đứng liền nhau, nhưng chúng có khác nhau, vui thì chưa hẳn là sướng, mà sướng thì chưa hẳn là đã vui. Ví dụ ta uống một ly cà phê ngon thì ta sướng, nhưng chưa chắc đã vui, hay ta nghe ai nói một lời xin lỗi thì vui lòng hả dạ nhưng chưa chắc đã sướng. Chuyện ‘Tái ông mất ngựa’ cũng một phần nào đó phản ánh chuyện này. Đời người rất đa dạng, có người vui nhiều hơn là buồn, có người buồn hoài, có người sướng thái quá, có người đau khổ liên miên không dứt.
Tương tự, buồn khác với khổ. Buồn thì chưa chắc đã khổ, khổ thì hơn buồn nhiều, còn đau khổ thì quả thật là kinh khủng, nói nôm na là bị ‘từ bị thương cho tới chết’. Khi đóng phim, người ta diễn cảm cái vui, sướng, buồn hay khổ, có thể nói là không khó lắm, nhưng để diễn cảm sự đau khổ thì rất rất khó.
Một chiều nọ, hắn bước ra khỏi cửa, gặp một ông lái xe. Ông này, suốt ngày, trừ trong lúc lái xe, thì tập trung vào nghe nhạc hay đọc tin tức trên mạng, đọc đến nổi đam mê luôn, có người đi ngang qua cũng không biết. Ông ta là người sướng bạn ạ, có ước ao cũng khó được.
Lại có một cậu sinh viên, cứ hễ bị người ta la mắng hay phê bình, thì có lúc cậu ấy cũng phản ứng quyết liệt, nhưng khoảng 1-2 giờ sau đó thì cậu ấy quên hết chuyện đã xảy ra. Có một lần hắn hỏi cậu ta:
- ‘Chiều nay, dì cháu mắng, cháu thấy đúng hay sai?’.
- ‘Dạ, cháu cũng không nhớ nữa, thôi đừng nhắc đến nữa’.
Hắn hơi bị giật mình, ước gì ta cũng có được một ‘đức tính’ như vậy. Không biết sau này cậu ấy sẽ giàu hay thành công hay không, nhưng đoan chắc là cậu ấy sẽ không đau khổ.
Có một phụ nữ nọ, hắn thấy lúc nào cũng vui hết, lần nào cũng vậy, ai gọi thì ra gặp, cười nói rất lâu, nét mặt lại lộ vẻ thản nhiên hay hớn hở. Thấy cô ấy lúc nào cũng vui, hắn bèn hỏi:
- ‘Tại sao em làm được vậy?’.
- ‘Lúc nào em cũng vui, buồn làm gì cho mệt, chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, buồn có giải quyết được vấn đề gì đâu’.
Hắn rất ngạc nhiên, cô này không đọc sách của Dale Carnegie mà tự nhiên làm đúng hơn những gì ông ấy đã dạy, sự đời đôi khi cũng thú vị!
Một buổi chiều nọ, có một cô gái, ngồi nghe nhạc Uyên Linh và chuẩn bị tự tử, cô ấy tâm sự với hắn qua nhắn tin, hắn đã cứu cô ấy qua phương pháp ‘ngạo’ sau đây:
- ‘Em có một ly thuốc độc’.
- ‘Một ly ít quá, em phải uống thêm vài ly nữa’.
- ‘Hả, anh không cứu em thì thôi, lại còn xúi dục em mau chết nữa!’.
- ‘Chết càng nhanh càng tốt, người mà biết nghe nhạc và cảm thụ nhạc mà đòi chết thì không đáng sống rồi’.
- ‘Có con ma, nó đến bắt em’.
- ‘Con ma với Diêm Vương ai lớn hơn?’.
- ‘Diêm Vương’.
- ‘Hôm qua Diêm Vương mời anh đi ăn thịt chó, không những từ chối mà anh còn đá đít hắn mấy cái’.
- ‘Anh không sợ Diêm Vương à?’.
 -‘Diêm Vương là cái quái gì mà sợ. đã không sợ chết thì còn sợ gì Diêm Vương’.
- ‘À…’.
Khoảng chiều tối, hắn gọi lại, cô ấy vẫn còn sống, sống dài dài và vui vẻ hơn. Hắn gặp cô ấy, nhưng cô ấy không phải là người đau khổ.
Hắn chưa được gặp một người đau khổ thật sự, đau khổ cùng cực. Làm sao để gặp đựoc một người đau khổ cùng cực để xem ra làm sao nhỉ?
Xin phép nói chuyện riêng một tí, hắn thường buồn khổ nhiều hơn vui. Hắn tổng kết thấy nều hắn buồn khổ cả tuần thì mới có được 30 phút vui mà khi đó hắn mới thấy mình được bình thường như những chung quanh. Cứ vui một thì sau đó hắn lại buồn khổ gấp trăm. Không hiểu vì sao cái đau khổ và cái vui ít ỏi cứ xen kẻ đảo lộn trong đầu của hắn, giống như một con người bị nóng lạnh hoài hoài thì thế nào cũng chết, thế mà hắn cứ sống, sống dai như đĩa, không thể hiểu nổi.
Từ đó, hắn tìm cách thoát ra khỏi đau khổ, thế là đủ loại triết học lao vào đầu hắn, theo hắn, triết nào cũng vậy, cũng dẫn đến bế tắc. Một sự việc luôn có 2 mặt, thôi thì ta sử dụng mặt tích cực của nó vây, hắn dùng triết để cải tạo chính mình, nhưng cải tạo thì được ít, hên xui hắn lại được giảng giải triết cho một số người. Cũng may là có ‘Tiến sĩ kỳ lạ’, sau khi tiếp xúc với hắn 30 phút thì hiểu liền, ngoài ra còn có ít đàn ông và nhiều phụ nữ tiếp xúc với hắn cũng cảm nhận được, nhưng vô tình không ghi nhận.
Chu choa, cái ông Lão Tử với ‘tự lượng sức mình’, ông Trang Tử với ‘vô vi’ hay ‘sống lấy đã gì làm vui, chết đã lấy gì làm khổ’ cũng không giúp hắn hết khổ; cái ông M. với ‘Hạnh phúc là đấu tranh’, rồi Kinh Thánh, Kinh Phật cũng không cứu hắn được; ông Nít-x với ‘Thượng đế đã chết’ cũng không được; ông Phật với ‘con hổ, chùm nho và vực thẳm’ cũng không vận dụng được; ông Chúa với ‘Hãy gõ thì sẽ mở cho’ cũng không xong; các ông gì đó với ‘Câu chuyện dòng sông’, ‘Tình yêu cuộc sống’, ‘Hàm cá mập’, ‘Hội chợ phù hoa’, ‘Đoạn đầu đài’, …, cũng không cung cấp cho hắn một lối thoát; rồi ‘Nam mô a di đà phật, nam mô đại từ đại bi Quan thế âm bồ tát’ hay ‘Lạy Chúa’, rồi cái ông vô danh với ‘Tự nhiên nhiên nhiên’ hiện ra như đức Phật trong rừng thông, rồi Phạm Công Thiện, Dale Carnegie, Kim Dung, Cổ Long, Găn-đi, Krishnamurti, phim ảnh, triết lý Tây Tạng, ….  thì vẫn không được. Nhiều nhiều lắm. Hắn phải đi xuống địa ngục, phải xuống tận tầng thứ 19, mặc dù địa ngục có 18 tầng thôi, chỉ có tầng 19 mới chứa được một người như hắn.
Chỉ có hắn mới cứu được hắn thôi. Vì trên đời này nếu ta không tự cứu ta thì khó hy vọng có ai đó cứu ta, ngay cả ông bà đã mất, bà con, người thân trong gia đình, những bạn thân, …, vì ai cũng theo đuổi suy nghĩ, công việc hay mục tiêu của chính mình. Ai đoái hoài tới ta, Chúa?, Phật?, Thượng đế?, …, không có đâu.
Cái đau khổ của người khác cũng làm hắn rất cảm thông và làm cho hắn đau khổ theo, ‘tội nghiệp thay cho người đời hoạn nạn quá nhiều’: anh em nhà kia nghèo khổ, ‘lụỵ’ khổ hay ‘thất bại’ khổ, đàn bà khổ vì thiếu tiền, mắc nợ, chồng bỏ hay con hư, ‘Thuý Kiều’ khổ, ông bảo vệ khổ, ông xe ôm khổ, ‘xếp’ khổ, ông đại gia khổ, ‘Lệnh Hồ Xung’ khổ, ‘Tạ Tốn’ khổ, ‘Papillon’ khổ, … Vì thế mà không ít người đã tâm sự với hắn về cái khổ của họ, ít đàn ông và nhiều phụ nữ hơn, khi gặp hắn, đã trút nổi niềm tâm sự, vì hắn có thể hiểu và chia xẻ cái  khổ của người khác, mặt khác là nhờ đó mà hắn hiểu được chính mình và làm vơi đi nỗi lòng nặng trĩu.
Hắn chợt phát hịện ra từng con người là một tế bào của cuộc sống và có vô vàn tính cách và cuộc đời khác nhau mà tựu trung phản ánh một bức tranh duy nhất – bức tranh con người. Hắn là một con người, con người của khổ đau, nhưng đó cũng là tự nhiên thôi, cứ cắn răng chấp nhận một mình là hết, đau đớn mấy cũng chấp nhận, cuối cùng thế nào hắn cũng chết, chết là hết, chết ngày mai hay chết vài năm sau có gì lạ đâu, không có gì là không có gì, cứ cười ngạo lên cuộc đời, ta vẫn là ta và trái đất vẫn vô tình quay trong vũ trụ.
Tối ngày 23/8/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét