Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

43. Viết lách, nỗi lo ngại và bóng đêm


Hắn không nhớ hắn đã viết bài cho blog này từ ngày nào nữa, thực ra muốn nhớ cũng không khó, chỉ cần xem lại khoảng thời gian hắn nằm dưỡng bệnh gần đây thì biết, hình như khoảng 10 ngày thì phải.
Hôm đó, khi bắt đầu có ý nghĩ đăng bài viết, hắn chẳng có file nào trong tay cả, lục lại email đã gởi cũng không thấy, hắn bèn gọi điện thoại nhờ một người bạn thân tìm lại một cái email mà hắn đã gởi cho y cách đây mấy tháng, may quá, vẫn còn. Khi gọi, hắn nói ‘mình có thể mất bất cứ file nào trong đời cũng được, chỉ trừ file ‘Bút ký ý niệm’ thì không thể mất’. Thế rồi, hắn dò lại các bài đã viết lại cách đây khoảng một năm, nhất là tránh đụng chạm đến chính trị.
Khi đăng ký khoảng 30 bài viết, hắn thấy là mình có thể ra đi khỏi thế giới này vì ước vọng của hắn là mấy chục trang này sẽ không mất đi vì nó đã được nằm trong internet và được con của hắn đọc qua (dù chưa đủ tuổi để hiểu). Mặc khác, hắn cũng cảm thấy có một chút không yên tâm vì căn cứ theo tâm lý của con người mà hắn được biết thì, một cách tổng quát, không ai thèm quan tâm đến bài viết của người khác chỉ trừ khi người này nổi tiếng dù hay hay dở, họ chỉ quan tâm đến sản phẩm của mình làm ra, sau này sự thật quả đúng như thế.
Nói cho cùng, triết học/triết lý là gì không phải là mục tiêu của hắn. Hắn bỗng nghĩ ra một cách viết khác mà trong đó triết học/triết lý, theo hắn, tạm xem là sự soi rọi quan điểm và ý niệm của ta vào cuộc sống và từ cuộc sống giúp ta phản ánh lại quan điểm và ý niệm đó của ta một cách thực nhất. Nói đến đây, hắn cũng ngần ngại, vì hắn không thích nhắc đến 2 từ triết học, vì trước đây hắn đã sản sinh ra ý niệm về triết học - nhưng không triết học.
Thế là hắn bắt đầu dựa vào các sự thật để viết như là ‘Câu chuyện bên bờ sông Sài Gòn’, ‘Kỷ niệm Sóc Trăng’, ‘Kỷ niệm Cái Bè', ‘Kỷ niệm Bình Dương’, ... Sau khi viết xong một trong những bài này, hắn có nhắn tin cho bạn hắn mà đã được viết bài và mong có góp ý.
Với ‘Kỷ niệm Cái Bè’, hắn đã nhận được ‘góp ý’ bằng cách được tặng một cái blog ‘thơ văn’ của bạn được viết, ngoài ra có một lời thơ có ý hư vô của một bạn khác. Bạn hắn có gọi điện thoại nói một lời thơ có xen từ tục, nhưng phải thừa nhận là ý thơ rất có ý nghĩa. Bạn hắn là nhà thơ hay họa sĩ có kinh nghiệm lâu năm, do đó họ là các ‘ma đầu’ này biết cách im lặng, tôn trọng bạn và rất tế nhị, hắn nghĩ vậy.
Với ‘Kỷ niệm Sóc Trăng', bạn được viết nói là đã đọc, không có giải thích gì nhiều, đã tìm gặp hắn và tâm sự thêm các chuyện khác như sự cư xử của cha mẹ với con cái, sự quyết định hơi bồng bột của thế hệ 8x, tìm việc làm và nhiều chuyện linh tinh khác. Nói chung, cuộc trao đổi là bình thường và không có gì nghiêm trọng.
Với ‘Kỷ niệm Bình Dương’, hắn đã nhận được một phản ứng phải nói là dữ dội và theo hắn là tiêu cực. Trong bài viết, hắn đã dùng một phương pháp là ‘từ cái tiêu cực nổi lên cái tích cực’, hàm ý khen và động viên người được viết.
Phản ứng trên làm hắn rất rất lo ngại. Hắn không có lời giải thích nào trừ nhắn tin nói là ‘tôi không quan tâm đến chuyện cá nhân’.
Tuy nhiên, hắn lại rất cám ơn, vì từ đó hắn rút kinh nghiệm là nên tránh động chạm đến cá nhân, và do đó, hắn đã xem lại toàn bộ các bài viết thử có động chạm đến cá nhân nào không và chỉnh sửa lại, cũng từ đó hắn đã có thêm một cái ‘kích’ để viết thêm một số bài viết như ‘Ngụ ngôn về con kiến thành công’ hay ‘Tính tích cực của sự bị phê phán’, …, có lẽ dành cho bài giảng triết học thì tốt hơn. Hắn sửa nhiều lần, đến nổi mà hắn nghi ngờ là Google phải ngạc nhiên.
Với 'Kỷ niệm bên bờ sông Sài Gòn', hắn nhận được một lời nhận xét không thú vị lắm và cho rằng bài viết không công chúng hóa được, ban đầu hắn hơi buồn, hắn không có mục tiêu được công chúng hóa, vả lại, công chúng hóa thì có thể ‘sướng’ và làm ta nổi tiếng, nhưng mặt tiêu cực của nó có thể phức tạp hơn.
Với ‘Ông tiến sĩ  kỳ lạ’, do đã rút kinh nghiệm ở trên, nên hắn hỏi thẳng y là ‘xin phép viết về ông nhé’, hắn được sự trả lời tốt không ngờ là ‘em chỉ là con số không mà, anh muốn viết gì thì viết’. Lưu ý là ‘ông tiến sĩ kỳ lạ’ này cũng là phản ánh thực của bản thân hắn và cũng có thể chính là hắn. Cũng từ đó, hắn nhận được sự ủng hộ và sự đồng cảm của y, có thể nói là tuyệt đối, đối với các bài viết của hắn. Y rất thông minh và hắn đã đánh giá không lầm khi thán phục trí tuệ của người-phản-ánh-mình này.
Có vài ý kiến khác cho là hay, (đối với người đã lớn tuổi, hay các người có trí tuệ hay có tính suy nghĩ sâu), ví dụ ông L. thì cho là thú vị, còn cô L. thì cho rằng nên tránh đả kích, thêm tính hài hước vào bài viết, thêm ‘nước mắt’ vào phần kết luận, …
Khi dò lại tất cả các bài viết để loại bỏ những câu từ hay ý tưởng động chạm đến 2 vấn đề là chính trị và cá nhân, chỉnh sửa lại một số tên bài, và ‘khóa’ một vài bài viết mà hơi có một tí dính líu tới 2 vấn đề nói trên, hắn chỉ đăng tải một số bài cho là ‘cho là hay hơn’ bắng cách chuyển qua ô HTML (hắn chưa hiểu), quả nhiên đã được ‘tải’ một số bài (không biết có đúng như vậy không nữa, hắn sẽ học một khóa về thiết kế blog hay website).
Cũng cần lưu ý là các bài viết phải đạt được quan điểm ‘số không’ và khiêm tốn nhưng hắn cũng lồng vào một tí ‘ngạo’ và ‘ăn nói theo kiểu dân gian’, vì hắn nghĩ là vài mươi năm nữa, nếu có người nào đọc thì sẽ nghĩ là vào những năm 2010, một số người viết hay ăn nói thực như thế nào.
Bài viết mà hắn cho là đại diện nhất là bài ‘Vô chiêu’ và bài có cảm giác hào hứng nhất là bài viết về ‘Tiêu Phong và ‘Trường Sa – Hoàng Sa'’.
Hắn đã sửa đi sửa lại đến trăm lần bài viết về Tiêu Phong, vì rất ngại bị đụng chạm về chính trị, đồng thời hắn có hỏi ý kiến của vài người bạn tin cậy nhất, hắn nhận được sự đồng tình và cho rằng bài viết trên chỉ là ‘cảm xúc cá nhân’ hay ‘nghệ sĩ triết học!’ mà thôi. Hắn có gởi email bài viết này cho số ít bạn bè thân quen có tính cách hơi bị sâu sắc chỉ trừ vài người mà hắn cho là có tính cách ngược lại. Sau khỉ gởi đi, hắn cũng có lúc rất ân hận, vì hắn cần người ta biết để làm gì vì theo tâm lý học đã nói ở trên, ít hy vọng là có phản hồi tích cực.
Thật ra, có nhiều khi suy nghĩ, hắn muốn dừng lại ở đây. Vài chục bài như vậy là đủ rôi, chỉ cần chỉnh sửa lại cho có thêm chiều sâu, chắc là quan niệm này là đúng, không loại trừ là có một vài bài mở rộng có thể được viết thêm. Nhiều vật thường có chỗ khuyết, bề mặt thì thường có vết nứt, con người cũng vậy, người viết có gì sơ sót hay vô tình động chạm, kính mong bạn đọc đại xá.
2g44, khuya ngày 22/8/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét