Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

47. Trận đánh không có quân


Cũng tức cười ghê, hồi đầu, hắn nghĩ là Trận đánh không quân là chính xác rồi, nhưng như thế người ta lại hiểu lầm, nên phải viết là 'Trận đánh không có quân'. Thế nào là trận đánh không quân, điều này lại được bắt đầu từ cái gọi là sự nói dối.

Thật ra, tất cả những điều hắn nói là thật, thật 100%, nhưng đối với hắn, hắn chưa nói thật. Nhưng không phải là hắn nói dối, mà hắn chưa nói hết sự thật (1), may lắm là hắn mới nói thật 1% thôi. Có nhiều lý do:
Hỏi chứ khi nói chuyện với nhau nơi trà dư tửu lậu, giả sử chỉ có 2 người, thì thế nào đi nữa cũng có ít nhất  một người nghe ta nói chuyện, dù là vô tình hay hữu ý. Bị người khác nghe lén, người ta còn có câu là “tai vách mạch rừng”. Bạn đã từng nghe được chuyện này chuyện nọ từ người khác trong quán cà phê, quán nhậu, trong xe đò? - không thể nói là chưa bao giờ. Chẳng hạn bạn không thể muốn “nói cái gì thì nói” trước công chúng được. Chưa nói đến việc ồn ào cũng làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn. Việc này làm hạn chế tự do khi nói chuyện.
Hỏi chứ khi bạn nói chuyện có nghĩ đến công việc không? Thì người ta uống cà phê hay nhậu nhiều khả năng là để bàn công việc hay dù sao cũng không tránh khỏi nói đến công việc, có ai cấm đâu! Chưa nói đến việc rượu vào lời ra, một bí mật có khả năng cao sẽ bị tiết lộ. Đã muốn nói chuyện “thật lòng” mà còn lo công việc thì làm sao nói hết tâm sự được. Việc này làm hạn chế tự do khi nói chuyện.
Hỏi chứ khi nói chuyện có vấn đề đẳng cấp không? Nghi ngờ nếu bạn nói là không. Trong nói chuyện, có kẻ giàu hơn hoặc giàu hơn rất nhiều so với người khác, người ta nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thì ít nhất kẻ giàu cũng thường là kẻ mạnh hơn chứ. Trong nói chuyện, có kẻ có chức vụ lớn hơn hoặc lớn hơn rất nhiều so với người khác, người ta có dùng từ “kẻ thấp cổ bé miệng”, thì ít nhất kẻ thảo dân cũng thường là kẻ “bé miệng” hơn chứ. Việc này làm hạn chế tự do khi nói chuyện…
Chỉ cần 3 lý do trên, mà bạn không thể cảm thấy muốn bày tỏ hết tâm sự với người nghe chuyện. Nói đơn giản hơn, khi bạn là người phương Đông và muốn tỏ tình là “anh yêu em” (hay ngược lại) thì bạn nói ở chỗ nào và lúc nào, bạn nghĩ thử xem. Chính vì thế mà bạn không nói hết sự thật, trong cái gọi là triết học thì đó gọi là “sự nói dối” bao gồm: nói dối do không thể nói hết sự thật, nói những lời nói dối vô hại và im lặng cũng là một sự nói dối (theo nghĩa (1), hì..hì..).

Hắn muốn đặt vài câu hỏi nhỏ để bạn tham gia. Vì có tham gia nên bạn hắn hiểu tốt hơn hắn sẽ nói cái gì và như thế hắn đỡ phải “nói dối”. Hắn hỏi rằng:
- Nếu sức khỏe của bạn chỉ còn có 1/10 thì bạn sẽ ra sao? (trả lời tùy)
- Nếu sức khỏe hệ thần kinh của bạn chỉ còn có 1/100 thì bạn sẽ ra sao? (trả lời tùy)
- Nếu “thần” của bạn chỉ còn có 1/1000 thì bạn sẽ ra sao? (trả lời tùy)
Và cuối cùng,
- Nếu sức khỏe thần kinh của một người nào đó chỉ còn có 1/10, sức khỏe hệ thần kinh chỉ còn có 1/100, “thần” chỉ còn có 1/1000 thì người ấy sẽ ra sao? (trả lời tùy)
Hắn đang “nói thật”. Hắn thuộc loại câu hỏi số 4, thật đúng là tồi tệ (hì..hì..). Cũng rất buồn là khi hắn “nói dối” thì người ta tin, còn hắn thực sự muốn nói thật thì làm cho người ta nghi hoặc.
Bạn thử tưởng tượng một người yếu đuối bạc nhược phải chiến đấu với hàng trăm, hàng ngàn người “hùng mạnh” như thế nào? Hắn luôn phải dùng mưu chứ không dùng sức.

Dưới đây, xin nhắc lại là người viết không có ý đi sâu vào tình tiết câu chuyện, mà chỉ ra vài ví dụ về “không có quân”.
Chuyện kể về Khổng Minh và kế không thành. Ông ta dám mở toang cửa thành, ngồi ung dung uống trà và đánh đàn (dĩ nhiên là có người hầu), một đội quân của Tào Tháo kéo đến, thấy thành bỏ không, Tào Tháo vì có tính đa nghi, nghi là Không Minh lập kế lừa mình nên rút quân. Khổng Minh không có quân, không đánh mà đẩy lùi được quân địch. Đây là một ví dụ về trận đánh không quân, thực ra không liên quan lắm đến câu hỏi số 4 nói trên. Khổng Minh rất có “thần”, không phải đơn giản mà danh tiếng ông ấy lừng danh trong lịch sử Tàu. 
Chuyện khác kể rằng Napoléon sau khi vượt ngục khỏi đảo Elba khoảng 1814, một mình tiến đến một doanh trại quân đội có rất nhiều quân với vũ khí trên tay chỉa thẳng vào ông ta. Ông ta hiên ngang tiến thẳng tới, bằng vài lời thuyết phục, đội quân trên đã buông súng (ông ta tiếp tục lên cầm quyền và bị đánh bại trong trận Waterloo vào tháng 06/1815). Y không có quân mà chinh phục được một đội quân. Và y cũng không thuộc loại câu hỏi 4 trên đây. Y không những rất có “thần” mà còn được mệnh danh là có “thần kinh thép” bạn ạ.

Đã lâu rồi không nhớ rõ năm nào, hắn nghe một người bạn nói là “Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, sau đó thình thoảng hắn nghĩ lại vì thật là thực tế. Nhờ có thần nên người ta mới cúi đầu lạy cây đa, nhờ có cây đa nên mới có chỗ cho thần trú ngụ. Con thỏ yếu đuối mỏng manh mà ngồi trên lưng con cọp mà trở nên hùng mạnh. Newton có những phát kiến vĩ đại là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ. Còn ta, thiếu gì cơ hội mà ta đứng bên cạnh bên cạnh cây đa, bên cạnh “con cọp” hay bên cạnh “những người khổng lồ”, …, mà ta không biết chuẩn bị và tận dụng cơ hội đó để đạt được thành công trong công việc. Cũng cần nói rõ là tận dụng cơ hội từ người khác thì hoàn toàn khác với lợi dụng người khác. Cũng cần nói rõ thêm rằng một người không có chuẩn bị tốt thì thời cơ có đến cũng không biết, có biết cũng không tận dụng được và do đó để cho thời cơ qua đi.

Chuyện ngụ ngôn kể về con kiến thành công dưới đây thể hiện một ý để làm được việc lớn, trong hình ảnh một con kiến nhỏ bé mỏng manh.
“Có một con kiến X, bò lên cái thang rất dài. Nó có một bạn thân.
Cứ mỗi lần có chuyện phải “cãi nhau” vì xung đột ý kiến với một con kiến khác, nó liền bỏ qua vì nó không quan tâm đến chuyện cá nhân.
Cứ thế, nó bò vượt qua con kiến 1, rồi con kiến 2, rồi con kiến 3, …, rồi cứ thế và cứ thế nó vượt qua rất nhiều con kiến khác.
Một ngày nọ, nó bỗng nghe các con kiến khác nói là nó đã trèo được lên cao lắm rồi.
Con kiến nhìn xuống dưới thì thấy bạn nó nằm ở bậc thang đầu tiên, đang cãi nhau với một bạn kiến khác.
Nó sực nhớ ra rằng, nó cứ từ từ, túc tắc thế mà đã lên đến gần đỉnh của cái thang. Suy nghĩ một lúc, rồi nó thấy sở dĩ nó thành công được như vậy là vì nó không quan tâm đến cá nhân, ý nói là nó không có thì giờ “cãi nhau” với các con kiến khác.
Còn bạn của nó lại tập trung hết “đầu óc” để cãi nhau với các bạn khác, nên tốn gần hết thời gian, ý chí và năng lượng, đặc biệt là mắt bạn nó bị che khuất mà không biết hướng nào là hướng đi lên, khi muốn bò lên nữa thì sắp hết cuộc đời rồi.
Con kiến bèn khuyên bạn nó nên tập trung hơn nữa trong công việc và nhiều lần nói rằng việc cải thiện bản thân thì không lúc nào là muộn. Bạn nó không hiểu ý, rất giận và đem lòng oán hận X, ý nói là tại sao chê nó là làm ăn dở, chê nó là không thành công.
Rồi sau đó, con kiến X lại quay nhìn xuống, thấy bạn mình vẫn bò quanh quẩn cuối đáy của cái thang. Nó nhìn kỹ, té ra là bạn nó đang “cãi nhau” với một con kiến khác.”
Chuyện kể rằng, ông Newton lúc nhỏ là một người ốm yếu bệnh họan. Vì thế, trong trường, cậu là học sinh nhảy xa kém nhất lớp. Trong một lần thi nhảy xa, biết rõ sở đoản của mình, lợi dụng cơn gió mạnh thổi qua, cậu đã nhảy được rất xa, xa hơn nhiều bạn cùng lớp. Đây chỉ là chuyện kể, dù sao cũng mang tính chất là biết lợi dụng sức mạnh của thiên nhiên kịp thời, kịp lúc

Nói ngăn ngắn vậy thôi, hắn không có đủ thì giờ (hì..hì..). Nếu bạn có hỏi hắn là làm thế nào để thành công, thì hắn không trả lời vì hắn không muốn lụy vào việc xác định đúng-sai bạn ạ. Ngoài ra, bạn nghĩ tức cười không nếu hắn làm việc ngày 24/24 tính từng giây một, mà lúc nào bạn cũng thấy hắn chơi không làm cái gì cả!
Hắn chỉ mời bạn bước vào cánh cổng tạm gọi là mới lạ, khơi lên một ý thức tự-khám-phá nếu bạn thấy mình thành công chưa được như ý, còn vào đó làm cái gì thì tùy bạn.
Bạn hãy hiểu và thông cảm lời tâm sự về “nói thật” này. Nếu thông cảm, bạn hãy trả lời giùm trước khi vội cho kẻ “nói thật” này là tự cao tự đại:
Bạn nghĩ sao, nếu một người hầu như không có hy vọng sống, thiết lập một mục tiêu, vì biết mình vô cùng yếu đuối, đã biết tận dụng thế của người khác và thiên nhiên bằng cách độc lập tự khám phá bản thân, kết quả là cái mà hắn đạt được hơn cái mà hắn muốn, theo bạn thì hắn có thành công hay thất bại? Nhưng có một người nói rất hay là: Cái mà người khác thấy ông A là thành công thì, đối với ông A, ông ấy lại không nghĩ vậy? Cuối cùng, “C'est la vie”, hắn nghe một ông khi bị ốm nói vậy đó! 

11g31, ngày 13/8/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét