Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

232. Khi Bùi Giáng điên!

 
Hình như khoảng 10 năm trước thì phải, quá cảnh qua Sân bay Đà Nẵng, thấy xa xa có treo hình một người già tay đang cầm điếu thuốc, lúc đó mình lập tức liên tưởng đến ‘cái bà’ mà có lần mình đến vùng Núi Lở (Huyện Đại Lộc), thấy người ta có thờ ‘bà Chánh’ mà trông hình bà có nét giông giống bức hình ở Sân bay, sau đó mình mới biết cái ‘bà ở Sân bay’ ấy là ông Bùi Giáng!
Bùi Giáng (1926-1998), quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông đã để lại cho hậu thế khoảng 25 tác phẩm thơ, 4 tác phẩm ‘nhận định’, 4 tác phẩm Triết học, 4 tác phẩm ‘tạp văn’ và khoảng 16 tác phẩm dịch thuật. Ông bị ‘tai biến mạch máu’ và mất ngày 7/10/1998, tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, thọ 72 tuổi.
…Thực ra, ông Bùi Giáng trông 'phá' thế mà khôn đáo để. Trước khi chết ông để lại một kiểu di chúc, đại để là 'sau khi tôi chết, đừng có bình luận gì về tôi'. Vì thế, thật là khó cho các nhà phê bình, nếu muốn bình luận về Bùi Giáng thì phải đi đường vòng…
Người ta đã nói quá nhiều về Bùi Giáng rồi, như Bùi Giáng ‘yêu’ kỳ nữ Kim Cương, ‘tri kỷ’ nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế và nhiều giai thoại khác…, mình không thể viết quá dài hay sa vào tư liệu, các bạn vui lòng xem trong Google và các tư liệu khác. Ngoài ra, ông đặc biệt ‘mê’ triết gia Đỗ Long Vân, tại sao?, mình sẽ đi sâu về hướng này, và mình viết bài này dưới giác độ của một blogger, đa số các thông tin là do các blogger nhận định và cung cấp cho mình trong năm 2012.

Mình đi lang thang phiêu bạt giang hồ, nhất là ở quán cà phê, quán nhậu, uống trà mạn đàm trong nhà và trên thế giới blog, mình thường nghe người ta nhắc đến Bùi Giáng. Sau đây là một số thông tin từ một số blogger và trên mạng.
- Một câu chuyện có thật 100%: Chuyện xảy ra vào khoảng năm 1997, cô ấy có một người bạn gọi Bùi Giáng là cậu. Cô là con một cán bộ tập kết, mới từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn, mặc dù cô có biết danh Bùi Giáng và thầm phục thơ của ông, nhưng chưa biết mặt ông. Một hôm, cô đang dạy học ở nhà người bạn đó ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thình lình nghe tiếng huyên náo ở dưới. Cô bèn ra ngoài xem thì thấy một ông già, già lắm rồi, trên đầu, tóc lưa thưa, đang quấn trên người những xâu chuỗi lon bia, được xâu với nhau bằng những sợi dây. Hỏi ra, té ra đó là ‘cậu’ Bùi Giáng, cô bèn bảo các cháu không được chọc phá ‘cậu’ nữa, và sau đó được biết là ‘cậu’ muốn các lon bia lập thành âm thanh ‘leng keng’ để mọi người không đụng vào ‘cậu’! Cô vừa kể chuyện, vừa cười, và gọi ông là ‘Bang chủ Cái Bang’… (theo blogger Chiều Tím, quán cà phê, sáng ngày 4/8/2012).
- Bùi Giáng dịch bài thơ “L'adieu” của Apollinaire: Chắc chúng ta đã nghe quen bản nhạc ‘Mùa thu chết’ của Phạm Duy với các lời nhạc sau: ‘Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi!... Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này… Từ nay mãi mãi không thấy nhau… Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo. Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em…’. Bản nhạc này xuất phát từ bài thơ “L'adieu” của Apollinaire: “J'ai cueilli ce brin de bruyère. L'automne est morte souviens-t'en. Nous ne nous verrons plus sur terre. Odeur du temps brin de bruyère. Et souviens-toi que je t'attends”. Mình xin chép dưới đây bản dịch của Bùi Giáng mà được các blogger rất trân trọng, như sau:
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...

(Lời vĩnh biệt - Bùi Giáng dịch)
- Người bạn gái ‘tri kỷ’ của Bùi Giáng: Nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế! đã từng làm nhiều blogger rạo rực với 2 câu thơ: ‘Én đầu xuân tuyết đầu đông. Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa’. Năm 1994, Bùi Giáng tình cờ gặp Ngọc Quế. Ông đã làm nhiều bài thơ họa từ tập thơ ‘Tuyết Mùa Viễn Xứ’ của Ngọc Quế, và trong ‘Thay lời tựa’ của tập thơ này, ông viết: 
‘Càng đọc thơ chị nhiều ngày tôi càng thấy rõ… một cái gì không thể nào nói được. Có lẽ xưa kia tôi đã từng linh cảm:
‘Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa’
Những bài thơ chị viết toàn nhiên là giải tỏ, hồn nhiên xác định cái đó. Là cái tâm vô tận bao dung của chị trong cái vô tận đoạn trường mặt đất muôn trùng. Có lẽ - nếu chị vui chơi ân cần chút nữa - chị sẽ thấy rằng Bùi Giáng chưa biết chị từ bao giờ - nhưng tiên đoán, bằng trái tim mạch máu - xẩu xương - rằng sẽ có ngày như thế là: một linh hồn vô tận sẽ đi về, sẽ nói mai sau của Đông Phương - Tây Phương một cái gì mà toàn thể địa cầu dường như đã đánh mất’...
- Bùi Giáng yêu nữ nghệ sĩ cải lương Kim Cương: Khi ‘kỳ nữ’ Kim Cương mới 19 tuổi, chàng Bùi Giáng lớn hơn nàng đến mười mấy tuổi, sau khi bị ‘hớp hồn’ tại một đám cưới, chàng bèn ăn mặc tề chỉnh, tìm đến tận nhà nàng, lấy xe đạp chở nàng đi chơi và… tỏ tình. Kim Cương không yêu chàng vì thấy chàng ‘kỳ kỳ sao ấy’, còn chàng thì xem nàng là ‘thiên hạ đệ nhất mỹ nhân’, chàng yêu nàng đơn phương, yêu hoài, yêu mãi, yêu nhất vũ trụ.
…Bùi Giáng thở dài nói:
- Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi.
Kim Cương ngần ngừ:
- Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính....
Ý nàng muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. Kim Cương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!
Nàng trở nên có quyền lực vô hạn đối với chàng, đến nỗi chàng không sợ công an giao thông mà ‘mềm nhủn như con chi chi’ khi nghe nhắc đến tên ‘Kim Cương’! Chàng 'sa lưới tình' và theo nàng suốt 40 năm!, có nhiều lần đến ‘huậy’ trước cửa nhà nàng: ‘la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động' (theo Kim Cương), dẫu thế, nàng vẫn trân trọng tình cảm của chàng và cả gia đình vẫn luôn quan tâm chăm sóc chàng khi chàng trở nên ‘điên điên’, gặp rắc rối hay ốm đau...
Sau đây là một trong những bài thơ của anh chàng ‘điên điên’ tặng ‘thiên hạ đệ nhất mỹ nhân’ Kim Cương:
...Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em

Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuộc đời miǹh trao em.
- Bùi Giáng mê 'triết' của Đỗ Long Vân: Trên một chuyến xe ‘Phương Trang’ từ Cần Thơ về Sài Gòn, mình có đọc 20 trang ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’ của Đỗ Long Vân, sau đó mình hủy mấy trang đó đi, vì mình muốn suy nghĩ độc lập và không muốn bị ảnh hưởng tư tưởng của người khác. Nghe nói Đỗ Long Vân là một thầy giáo dạy ở Đà Lạt trước giải phóng, tác phẩm ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’ của ông cực hay. Thụy Khuê, Nguyên Sa thì đánh giá cao tác phẩm 'triết' này, còn Bùi Giáng thì hết sức khâm phục, và một số blogger thì ‘hết ý kiến’. Trong ‘Thi Ca tư tưởng’, Bùi Giáng viết:
‘Cuốn sách của ông bàn về Kim Dung nằm trong vùng tư tưởng thâm viễn như cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Đông Phương, Tây Phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng. Tôi có thể đưa ra vài nhận định khác của ông ở đôi chi tiết. Nhưng không cần. Điều cốt yếu, ông đã nói xong, và những dư vang vô số sẽ tỏa khắp mọi chốn. Và sẽ còn khiến người ta thể hội cái mạch thẳm trong những tác phẩm của những thiên tài xưa nay, bất luận là Đông Phương hay Tây Phương… Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn ‘Trương Vô Kỵ Giữa Chúng Ta’ để đọc lại nhiều lần'...
 
Dục vọng là tự nhiên nhiên nhiên, sao ta phải dằn vặt? 
Hạnh phúc là tự nhiên nhiên nhiên, há sao phải tìm?  
Đau khổ là tự nhiên nhiên nhiên, há sao phải tránh? 
(NGLB)
Nhận xét về triết lý của Bùi Giáng quả thật là khó, trong 100 bài viết trên mạng, có đến 98 bài khen ông ‘lên mây’, mà tìm được một bài chỉ ra cái dở của ông thì mỏi cả mắt… Và mặc dù 'quái nhân' Bùi Giáng là một hiện tượng ‘đặc dị’ trong thi ca Việt Nam, tuy nhiên đừng gắn chữ vĩ đại vào ông, ai nói ông ta là ‘số một’?, ông không có thì giờ và không bao giờ tự xưng hay nghĩ mình là số một cả, vì ông là một người bình thường, ‘bình thường hơn cả bình thường’.
Ông nhìn cuộc đời như một dòng sông chảy mãi không dừng trong cái thế giới thiên biến vạn hóa này, thoạt trông xô bồ hỗn độn, nhưng nó dường như có đó mà mất đó, trong một sát na đã chuyển dịch sang cái khác. Vậy thì ta là cái gì trong vũ trụ này? Con người chỉ giác chứ chưa ngộ, vẫn còn ôm cái 'sắc', do đó cái 'lưới thiên la địa võng' vẫn hữu hình: 'số phận luôn luôn tìm kiếm con người, còn con người luôn luôn theo đuổi số phận'! Vậy thì tại sao ta phải khư khư ‘cái đó là cái đó’ hay ‘nó phải như vậy’, ta có thể từ bỏ hết, bỏ sắc sắc không không, bỏ thiên đàng, bỏ địa ngục, bỏ Heidegger, bỏ Henry Miller, bỏ Nietzsche, và bỏ cả ‘ta’! Có phải cuối cùng chỉ có một lối thoát là ‘hãy về với ta’, về với tinh khôi, hãy quên đời, hãy say sưa mỹ nhân, hãy... 'phá' và hãy... điên cho lòng thanh thản!
'Tuy những điều Bùi Giáng chia sẻ có thể không đồng thanh với nhiều người khác nhưng Cây nghĩ rằng tâm tư ông rất thiện lành, chân chất' (theo blogger Cây).
Có lẽ, điên là một hội chứng rối loạn thực thể, nó có thể xuất phát từ thần kinh ngoại biên hay xuất phát từ một ‘ngăn’ nào đó trong bộ óc của con người, nó có thể rối loạn một phần hay toàn phần. Nhưng người có lý trí tốt có thể kiểm soát được hành vi của mình khi ‘điên’, ví dụ một người say vẫn biết là mình say và không vượt đèn đỏ, một người đang lảm nhảm vẫn có thể giải những bài toán tích phân rất tốt, một người tức điên máu đang chuẩn bị chửi bới thô bạo nhưng anh ta lập tức dừng lại…, có thể một trong những con người đó là Bùi Giáng.
Theo các nhận xét ở quán cà phê, ông ta có vẻ điên nhưng không điên, có vẻ không điên nhưng mà điên. Hãy tưởng tượng nếu có một người trong số blogger quấn lon bia ‘leng leng’ trong người chạy khắp xóm thì người ta sẽ gọi người đó như thế nào?, theo Kim Cương: ‘tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc’.
...Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con
(Mắt buồn - Bùi Giáng)

Khổng Minh nói: 'Cái gì mà ta chưa biết thì ta cho nó là thần'.
Ở quán cà phê và các bàn nhậu, mình thường nghe: ‘úi chào, Phạm Công Thiện ghê lắm’, rồi Dostoievski ghê lắm, Ngô Bảo Châu ghê lắm, Lỗ Tấn ghê lắm, Tagore ghê lắm, Apollinaire ghê lắm, Henrry Miller/Heidegger ghê lắm, Khalil Gibran ghê lắm... Rồi có người bảo ‘úi chào, PCT nói tầm bậy như kẻ điên ấy!’, ‘úi chào, NBC hiểu chưa đúng thế nào là trí thức, thế nào là phản biện’... Nghịch lý quá, người ta ca tụng hay hạ thấp các nhân vật trên với mục đích là để... ca tụng chính mình: ‘tôi đây nè’, ‘tôi hiểu biết nè’, và cuối cùng là ‘tôi là số một nè’. Nghe nói hoài mình bị chai cái lỗ tai, may là lúc ấy mình chỉ ngồi im và... nhìn mây trời, nếu không thì mình bị... điên lâu lắm rồi. 
Và Bùi Giáng là một người 'điên' trong cái thế giới mà mọi người điên ‘đều tưởng mình là tỉnh???’. Nóng giận quá cũng là điên, say quá cũng là điên, đua xe cũng là điên, sử dụng ma túy cũng là điên, yêu quá cũng là điên, mê gái hay mê trai quá cũng là điên, mê blog quá cũng là điên, mê tiền quá cũng là điên, mê bài bạc quá cũng là điên, dâm dật quá cũng là điên, ham phong bì cũng là điên, sùng bái Khổng Mạnh/văn hóa nước ngoài cũng là điên, nói phét ở quán cà phê hay quán nhậu cũng là điên, ăn mặc hở hang, lộ hàng cũng là điên, ham 'mốt' tiến sĩ cũng là điên, tham quyền cố vị cũng là điên, ham làm bá chủ biển Đông cũng là điên, ham nói xấu moi móc người khác cũng là điên, nói người ta điên cũng là... điên, và đặc biệt  là, ham đề cao ‘tôi là số một’ là... hoàn toàn điên!
---------------------
Các nguồn tham khảo chính:
-Bùi Giáng - Đỗ Long Vân: http://vi.wikipedia.org/wiki/Kim_Dung
-Bủi Giáng - Thân Thị Ngọc Quế: http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=9273
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét