Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

239. O. Henry và chiếc lá cuối cùng



(O. Henry (1862-1910) tên thật là William Sydney Porto (sau này ông đã tự đổi tên đệm từ Sydney thành Sidney), là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Bút danh O. Henry của ông lấy từ tên của một người cai ngục nhân hậu trong thời gian ông phải đi tù vì tội danh biển thủ. Ông là một nhà văn xuất sắc, một cây bút thực thụ về những truyện ngắn mang những thông điệp về tình thương giữa con người với nhau. Các tác phẩm được ưa thích: Sau hai mươi năm, Hoàng tử đồng xanh, Chiếc lá cuối cùng, Món quà của các đạo sĩ, Phán quyết của Geogia, Tên cớm và bản thánh ca, Cánh cửa màu lục, Một cuộc đổi đời, Ngôi giáo đường với cối xay nước, Căn phòng đầy đủ tiện nghi, Giấc mộng... (theo Wikipedia). 'Ai có thể đọc mà không cảm phục một Hamlet, yêu mến một Giangvangiang, hay không nghiêng mình trước mối tình Romeo và Juliet bi thương từng lung lạc cả địa đàng. Và khi đến với văn học Mỹ chúng ta lại tiếp tục được phát hiện và cảm nhận vẻ đẹp của tình thương yêu giữa con người với con người qua truyện ngắn ‘Chiếc lá cuối cùng’ của O.Henry’ (theo www.kilobooks.com).
Bên kia mờ mịt khói sương
Bên kia lá rụng, thiên đường tương tư
Tặng anh miền ký ức xưa
Tặng anh dáng gọn mới vừa thoáng qua
Thu về mây trắng mượt mà
Thu về nắng rụng chiều tà mênh mang
Bâng khuâng một giấc mơ màng
Cà phê một ghế, bàng hoàng chiều nay
(NGLB)
Cách đây vài tháng, có một lần ở quán cà phê, mình đã tâm sự chuyện ‘Chiếc lá cuối cùng’ với một người bạn như sau:

Có hai người bạn thân là nữ họa sĩ trẻ là Sue và Johnsy (Siu và Giôn-xi) với một lão họa sĩ già là Behrman (Bê-men) cùng sống chung trong một khu nhà trọ. Họ đều lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn như nghèo, bệnh tật… Riêng lão họa sĩ đã trên 60 tuổi, xem mình như là ‘đàn anh’ của hai cô họa sĩ trẻ, lão nát rượu và luôn mồm lãi nhãi rằng ông ta sẽ vẽ nhiều tác phẩm lớn, nhưng trong suốt 40 năm, lão chưa bao giờ vẽ nên một kiệt tác nào cả!
Vào một mùa đông lạnh giá, tuyết phủ, gió thổi, mưa rơi, Johnsy bị viêm phổi nặng lâu ngày, cơ hội sống sót là một trên mười. Vì không có chút lòng tin nào là mình sẽ sống sót, cô đã bỏ ăn bỏ uống, nằm bất động trên giường. Với suy nghĩ vô cùng bi quan, cô nằm nhìn qua cửa sổ và thấy một dây nho mà chỉ còn một số chiếc lá vàng hắt hiu trơ trọi đang dần dần rơi rụng, cô đếm từng chiếc lá rơi để chờ định mệnh phán quyết ngày giờ cuối cùng của mình… Chiều tàn dần, đêm đến, chỉ còn có 5 chiếc lá, cô đếm 5, 4, 3, 2 rồi 1: ‘Khi chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống thì mình cũng sẽ đi luôn’, cô gái mất lòng tin đó chuẩn bị tâm lý là sẽ vĩnh biệt thế gian này vào sáng hôm sau. 
Ông lão Behrman và Sue biết được tâm sự của cô: ‘Cả hai cùng lo lắng nhìn mấy cọng giây nho bên ngoài cửa sổ’. Vào đêm khuya đầy bão tố, giá lạnh và mưa rơi tầm tã đó, với chiếc đèn lồng trên tay, lão họa sĩ già lặng lẽ lấy một chiếc thang leo lên bức tường gạch giáp cành nho, với một động lực thầm kín và sự xúc động cao độ, ông đầu tư hết tâm huyết của mình để vẽ một chiếc lá lên bức tường đó.
Sáng mai mở mắt dậy, nhìn qua cửa sổ, ồ!, cô ‘vẫn có thể nhìn thấy chiếc lá nho duy nhất còn bám vào cuống giây nổi bật trên bức tường’. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây, và ngày qua ngày, chiếc lá vẫn còn đó, nó vẫn không rụng mặc bao mưa gió phủ phàng, lòng tin tiềm ẩn trong cô đã được khôi phục như một mầm non ‘khát vọng sống’ nhú chồi sau cơn mưa: cô dần dần lành bịnh.
Còn sau đêm hôm đó, lão họa sĩ già đã nhập viện và chết vì bị viêm phổi đột xuất và quá nặng, nhưng ông mỉm cười nhắm mắt rất là mãn nguyện vì ông vẽ nên ‘chiếc lá cuối cùng’ mà đã đem lại sự sống và làm thay đổi tích cực cho cuộc đời của một tài năng trẻ, và nó đúng một ‘kiệt tác’ thực tế nhất và hiệu quả nhất trong đời của ông.
Một ngày nào đó rất gần, khi cặp mắt của bắt đầu lấp lánh, chị Sue sẽ cho cô biết một bí mật: ‘Nhỏ ơi, nó chính là cái tác phẩm lớn của cụ Behrman đó. Cụ đã vẽ nó vào cái đêm chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống’... Và sau này, cô sẽ hiến dâng cho đời những tác phẩm được vẽ bằng tâm hồn cô: ‘Mình hy vọng có ngày sẽ vẽ Vịnh Naples’.
Màu tim tím xinh xinh
Rung động một bóng hình
Dáng ai cong cong thế
Anh quên cả lối về
Đừng xa anh em nhé
Nay đã hết mùa hè
Mùa thu vừa trổ nụ
Trong nắng chiều êm ru
(NGLB)
Bản chất của vấn đề là gì? Trước khi bàn, mình xin giới thiệu vắn tắt một số chuyện có liên quan:
-Câu Tiễn bị vua Ngô Phù Sai đối xử một cách vô cùng sỉ nhục, thậm chí y phải nén lòng ném ‘phân’ của Ngô Phù Sai, ‘tự ái’, 20 mươi năm sau, Câu Tiễn đã tiêu diệt được nước Ngô.
-Hán Tín thưở còn hàn vi, phải chịu nhục ‘luồn trôn’ một gã bán thịt heo, vì ‘tự ái’, nhiều năm sau Hàn Tín trở thành một viên Đại tướng của Lưu Bang, thậm chí y còn nhớ ơn gã bán thịt heo đó!
-Trong truyện của Dostoyevsky mà mình đọc từ nhỏ ('Lũ người quỷ ám'!), có kể chuyện về mấy anh em, khi có vụ giết người xảy ra, người ta đều nghi cho những người anh - là những kẻ 'bạo mồm bạo miệng', nhưng cuối cùng, người em út - kẻ mà bị người ta luôn ‘xem thường’ và cho là ‘đồ nhu nhược’ hay ‘đồ vô tích sự’ mới chính là kẻ giết người vì 'tự ái'!
Bây giờ thình lình đọc lại đoạn: ‘xem mình như là ‘đàn anh’ của hai cô họa sĩ trẻ, lão nát rượu và luôn mồm lãi nhãi rằng ông ta sẽ vẽ nhiều tác phẩm lớn, nhưng trong suốt 40 năm, lão chưa bao giờ vẽ nên một kiệt tác nào cả!’, mình bỗng giật mình! Phải chăng lão đã 'tự ái', suốt đời lão là kẻ 'bất tài vô dụng' chả làm được cái tích sự gì cả, lại là ‘tiền bối’ của hai cô họa sĩ trẻ, chả lẽ lão không làm nên một kiệt tác gì để hai cô bạn trẻ nể phục à!
Là một lão già nát rượu và 'chảnh', lão lấy đâu ra tâm hồn cao thượng, các blogger hãy quan sát một người nát rượu thử xem? Chúng ta cũng thừa biết là người Mỹ rất 'thực dụng', nên thường họ suy nghiệm sao thì viết vậy chứ không 'lý tưởng hóa' các câu chuyện mà họ viết ra. Dĩ nhiên, lão là con người thì lão phải có ‘thị dục huyễn ngã’, nhưng cái thị dục huyễn ngã đó được đặt ‘đúng nơi, đúng lúc’ mà đem lại lợi ích cho con người thì đáng trân trọng vô cùng.
Thế giới con người - thuộc về thế giới tự nhiên - là vô bờ bến và trùng trùng duyên khởi và do đó nó là kết quả của sự tác động tương hỗ của rất nhiều yếu tố có liên quan từ quá khứ vô cùng đến hiện tại. Nó là một sự kết nối của các 'dấu chấm' như Steve Jobs đã nói’ (trích entry 121 - ‘Phi Kim Dung và tình yêu’).
‘Xoay quanh câu chuyện có nói đến ai đó bị ho lao đã nhổ một bãi đờm xuống đất, bãi đờm khô, vi trùng bay vào mũi anh chàng nọ, làm anh chàng ấy bị lây bệnh ho lao mà sau đó chết đi, trước khi chết, anh chàng đó đã thổi lên những tiếng sáo não nùng tha thiết mà làm cho một cô gái rung cảm và nhờ đó sau này đã trở thành một nữ sĩ nổi tiếng. Có ai thấy được sự liên hệ giữa bãi đờm, một chàng trai bị ho lao và một nữ sĩ tài hoa!’(trích entry 95 - ‘Hắn gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni’).
Chiếc lá cuối cùng sẽ bất tử cùng với thời gian, mà cho đến nay, cái tâm hồn đẹp đẽ của ông họa sĩ già đó vẫn còn truyền một làn sóng ấm áp vào trong tim của rất nhiều người, trong đó có các blogger của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét