Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

237. Mác-kết và trăm năm cô đơn



Cô đơn nào giữa cuộc đời
Cô đơn lòng thấy chơi vơi đêm về
Cô đơn chìm giữa cơn mê
Cô đơn than khóc cũng về hư không
Cô đơn nơi chốn biệt phòng
Cô đơn tin nhắn nào mong đến mình
Cô đơn dòng chữ vô tình
Cô đơn thượng đế lặng thinh chẳng nhìn
(NGLB) 


Cách đây khoảng 30 năm, có đọc cuốn ‘Trăm năm cô đơn’ của Mác-kết (Marquez), vì còn trẻ và tò mò, mình thấy cũng thích vì các mẩu chuyện nhỏ trong cuốn đó có nhiều chỗ lý thú, ví dụ mình còn nhớ đoạn hai anh em cùng ngủ trên một cái võng…, hai anh em xức đường hết vào hai người…, hai anh em vật lộn trên gường rồi động tình với nhau… Tất nhiên bây giờ mình nhìn nhận khác.
Cách đây khoảng một tháng, mình có nghe một người bạn nói ‘đọc Mác-kết chả thấy hay chỗ nào’! Có lẽ vậy, vì đọc ‘Tình yêu và cuộc sống’, ‘Chiếc lá cuối cùng’, ‘Hàm cá mập’, ‘Đoạn đầu đài’, 'Chiếc chìa khóa'… thì ta có thể hiểu ít nhiều, chứ còn đọc ‘Ngư ông và biển cả’ hay ‘Trăm năm cô đơn’, không ít người chả thấy chúng hay ở chỗ nào, thiệt! Thực ra, cái gì mà người ta đã ‘chấm’ giải Nobel thì cái đó không phải tầm thường (mặc dù không luôn luôn là đúng), nhưng giải Nobel là vô cùng khó, vì nếu dễ thì ta đạt... mấy chục giải Nobel rồi!
Mác-kết có tên đầy đủ là Gabriel Garcia Marquez, người Colombia, sinh ngày 6/3/1928 và được giải Nobel Văn học năm 1982. Ông là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ 20 còn sống và được đánh giá là ‘vĩ đại nhất từ sau Ernest Hemingway’, và là 'một trong hai con sư tử của nền văn học Mỹ Latin' (cùng với Mario Vargas Llosa).
Ông có các tác phẩm như: Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của ngài trưởng lão, Tướng quân giữa mê hồn trận, Biển của thời đã mất, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Sống để kể lại...
Ông được đánh giá là người ‘của’ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism): ‘cả chủ nghĩa siêu thực lẫn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đều nảy sinh trên mảnh đất của nó, đều là biểu hiện tính hiện thực của sự tồn tại con người. Khác nhau ở chỗ, chủ nghĩa siêu thực phù hợp với cái vô thức của cá nhân và tư tưởng Freud, còn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì phù hợp với cái vô thức của tập thể và tư tưởng triết học Jung' (!) (theo nhà nghiên cứu văn học Auor Ocampo, nguồn 1), hay ‘đó cũng là lúc Marquez đam mê những sự việc và nhân vật kỳ lạ, khác thường, coi thực tế như tổng hòa những mẩu chuyện lạ’ (nhà văn Vargas Llosa).
Ông hiện sống ở Mexico và các báo đưa tin là ông đã bị mất trí: ‘Một cơn tiếc nuối bùng lên trong độc giả, được các mạng xã hội nhanh chóng truyền tải. Độc giả buồn, một số thất vọng, nhưng có lẽ phải một thời gian nữa họ mới cảm nhận hết sự thiếu vắng’ (theo tienphong.vn).
Vì sao số phận long đong
Mà ta chẳng được lặng trong cuộc tình
Vì sao chẳng có bình minh
Hoàng hôn lặng lẽ một mình ngắm mây 
Nửa kia ở đẩu ở đâu
Tìm em cả kiếp chịu rầu mà thôi!
Gom hoài chả được em nào
Gom đi gom lại chỉ vào ngu ngơ
(NGLB) 
Trăm năm cô đơn’ (One Hundred Years of Solitude) là tác phẩm nổi tiếng trên thế giới của nhà văn Mác-kết, đầu tiên được xuất bản tại Ác-hen-ti-na (1967), rồi Tây Ban Nha, rồi Cuba… Tác phẩm này đã được Ý, Pháp rồi Mỹ đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960 và đã mang lại cho ông giải Nobel Văn học năm 1982.
Câu chuyện kể về một ngôi làng, nhưng dường như một phần lịch sử Colombia được thu gọn vào đây, nhiều sự kiện/nhân vật là có thật, ví dụ như Macondo giống ngôi làng mà Mác-kết sống thời niên thiếu, Đại tá Aureliano Buendía có nhiều nét giống ông ngoại của Mác-kết, nhóm bạn của Aureliano Babilonia cũng là nhóm bạn của Mác-kết khi ông bắt đầu tham gia báo chí, nhân vật Úrsula Iguarán có nhiều nét giống bà ngoại của Mác-kết: ‘Anh đã tìm được giọng điệu rồi! Anh sẽ kể lại câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại khi kể cho anh nghe những câu chuyện lạ, bắt đầu từ cái buổi chiều nọ khi đứa bé được bố đưa đi xem nước đá’…
'Những nhân vật của dòng họ này bao gồm hai loại người: Những Aureliano có trí thông minh tuyệt vời nhưng trầm tư ủ dột lánh đời, và những Hose khỏe mạnh, bạo gan, sống hiện sinh, chan hoà. Vì các nhân vật Buendya càng ngày càng tách ra khỏi cộng đồng xã hội, sống trái tính trái nết… Đặc biệt nhân vật Aureliano Buendya tách ra khỏi cộng đồng. Chỉ có một người hiểu rõ tư chất ích kỉ của anh là mẹ anh - bà Ucsula. Bà nhận ra con cháu bà có đủ mọi phẩm chất tốt duy chỉ thiếu một thứ: tình yêu - trái tim yêu thương' (Nguồn 1).
Thuốc buồn hờ hững bờ râu
Mắt buồn nhấp nháy âu sầu muốn mơ
Thân buồn ra ngẩn vào ngơ
Khói buồn lơ lửng lên bờ hư vô
(NGLB)
Câu chuyện rất dài, các bạn có thể đọc truyện ‘Trăm năm cô đơn’ trên mạng, để tiết kiệm thời giờ, mình xin trích ra đây một tóm tắt:
Tiểu thuyết kể câu chuyện về dòng họ Buendya tồn tại được bảy thế hệ (khoảng 100 năm), người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuôí cùng bị kiến ăn. Đó là một dòng họ tự lưu đày đến cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.
Tội loạn luân phát sinh do việc tên cướp biển Francis Dark tấn công vùng Rioacha khiến cho các cụ tổ của bà Ucsula Igoaran phải chuyển đi lập nghiệp ở một làng hẻo lánh. Nơi đây họ gặp gỡ dòng họ Hose Accadio Buendya cũng đến đây sinh sống bằng nghề trồng thuốc lá. Hai dòng họ này kết thân và hôn nhân chồng chéo suốt ba thế kỉ. Cuộc hôn nhân cuối cùng là một thảm hoạ: đẻ ra đứa bé có cái đuôi lợn. Tấm gương khủng khiếp ấy khiến cha mẹ của chàng trai Buendya và cha mẹ của Ucsula tìm cách ngăn cản con trai con gái hai dòng họ lấy nhau. Không có sức mạnh nào ngăn cản nổi hai người đến với nhau. Khi làm đám cưới, Mẹ cô dâu Ucsula tìm cách trì hoãn việc ăn ở của con gái bằng cách may cho cô 'chiếc đai trinh tiết' dặn cô sử dụng để ngăn chặn thảm hoạ. Mới đầu sợ hãi, cô nghe lời mẹ trước khi đi ngủ nhớ mặc ‘chiếc quần trinh tiết’. Sự giữ gìn ấy kéo dài một năm, dân làng ngạc nhiên tò mò và đồn đại anh chồng bị bệnh bất lực. Buendya tyên bố:‘dù có đẻ ra con kỳ nhông anh cũng cóc cần’. Bị một người bạn thua đá gà chế giễu, Buendya nổi nóng giết chết anh ta, rồi phá đai trinh tiết của vợ. Cuộc hôn nhân của họ không còn được thanh thản, từ đây càng thêm lo lắng. Họ rủ rê nhiều cặp trai gái khác bỏ làng ra đi, tìm đến một nơi xa xôi hẻo lánh, lập ra làng Macondo. Họ chấp nhận tự lưu đày ở cái làng cô đơn tách rời quê hương suốt một trăm năm. Nơi đây, những con trai, con gái, cháu trai, cháu gái lần lượt ra đời với nỗi cô đơn, thấp thỏm phạm tội loạn luân.
Bà cụ tổ Ucsula càng già càng cố sống lâu để nhắc nhở, canh chừng, ngăn cản lũ con cháu tránh chung đụng xác thịt, tỉnh táo nhận rõ họ hàng dòng họ, tránh loạn luân để khỏi rơi vào thảm hoạ sinh con có đuôi  lợn. (Một gã đàn ông người làng quê cũ khi bị bà Ucsula từ chối tình yêu đã nguyền rủa độc địa rằng: nếu chúng mày loạn luân thì rồi sẽ lại đẻ đứa con có đuôi lợn và lúc ấy cả dòng họ mày sẽ tuyệt diệt. Từ đó bà lo sợ suốt đời). Nhưng bà không thể sống mãi để ngăn cản cô cháu gái đời thứ 5 là Amaranta kết hôn với đứa cháu trai đời thứ 6. Đôi trai gái này là hai dì cháu nhưng họ không được người lớn cho biết (vì người lớn ngoại tình sinh ra họ nên cố tình giấu giếm). Cụ bà chỉ ra sức ngăn cản nhưng không dám nói sự thật. Hai người yêu nhau mãnh liệt. Khi chàng tìm ra gốc gác của mình thì đã trễ: nàng sinh đứa con trai có đuôi lợn. Con vật huyền thoại này đã kết liễu dòng họ Buendya - Ucsula cùng với cả làng Macondo bị một cơn bão lốc khủng khiếp cuốn đi. Thế là cuộc chạy trốn tội loạn luân của họ đã không thoát khỏi sự trừng phạt. (Nguồn 1)
Không nàng tâm sự với ai
Không tình biết đến khi nào có đây
Không vui hồn lạc cõi mây
Không đi chỉ đứng nơi này thở than
Đa tình chuyện ở nhân gian
Đời người mấy cái mười năm, nỡ nào!
Làm sao cứ ngại với nhau
Làm sao giữ mãi tình đau, hỡi người
(NGLB)
Một số nhận xét về Mác-kết:
-Trung Quốc có những truyện như: Tam quốc chí, Tây du ký, Hán Sở tranh hùng, Đông Chu liệt quốc, Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị, Thủy hử…, những tác phẩm mà thường lấy ‘một gốc tọa độ thời gian’ làm nền tảng, trong khi tác phẩm của Mác-kết lại dịch chuyển và đan chéo nhiều gốc tọa độ thời gian khác nhau.
-‘Toàn bộ sáng tác của Mác-kết xoay quanh trục chủ đề chính: sự cô đơn - mặt trái của tình đoàn kết, lòng thương yêu giữa con người’ (Nguồn 2).
-‘Tư tưởng mĩ học về tình yêu còn được thể hiện ở hai nhân vật Aureliano Babilonia và Amaranta Ucsula. Hai người đã nhận ra những thất bại của dòng họ mình, và họ yêu nhau cuồng say với nguyện vọng sinh ra một Aureliano có thể chiến thắng ba mươi hai cuộc chiến, họ mong muốn tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình tốt hơn giỏi hơn. Tiếc thay cái tình yêu loạn luân diễn ra trong cảnh cô đơn cùng cực ấy chỉ đẩy nhanh thêm dòng họ Buendya đến giờ diệt vong kéo theo sự huỷ diệt của cả cộng đồng Macondo. Như vậy, thông điệp thứ nhất của 'Trăm năm cô đơn' là kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người - tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Hãy vượt qua định kiến, thành kiến cá nhân và những hố sâu ngăn cách trong cộng đồng để cá nhân hoà hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội' (Nguồn 1).
-‘Cuộc sống không chỉ là quãng thời gian ta đã sống, đã tồn tại, mà còn là những gì ta sẽ để lại dấu ấn của mình trong cuộc đời này. Trên chặng đường đó, ta được ước mơ, được trải nghiệm, được vượt qua thử thách, được thể hiện và sống thật với chính mình, cùng những nỗi buồn, hạnh phúc, sai lầm và nỗi đau. Để cuối cuộc đời chúng ta có quyền nhớ lại, hồi tưởng và kể lại những ký ức không quên đó... và chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ những ký ức tuyệt vời đó... Marquez - một tài nǎng vĩ đại với tấm lòng hồn nhiên, bao dung của trẻ thơ. Chúng ta cám ơn Marquez, một tài năng hiếm có của hiện tại và tương lai, một con người đã dám sống để có những điều kể lại. Tự truyện Sống để kể lại đã được viết trong những ngày tháng ông phải chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, giữa sự sống và cái chết… Qua cuốn sách (‘Sống để kể lại’) chúng ta đã hiểu nhiều trải nghiệm, sâu sắc từ những suy nghĩ cũng như từ chính cuộc đời gian truân, thăng trầm đặc biệt và rất thật của ông'. (Fidel Castro, nguồn 3)
Rượu đào hai chén làm say đắm
Bông hồng một chiếc khiến băn khoăn
Mỹ nhân trong trí hoài không đến
Trống vắng lòng ai mộng bẻ bàng
Rung động làm sao thấy bóng nàng
Muốn hôn ngàn phút mãi không tan
Nàng như ảo ảnh chờ không thấy
Mơ bóng hình xinh đến ngỡ ngàng
(NGLB)
Không ai được phép định đoạt số phận của người khác, nơi tình yêu sẽ cho thấy sự chân thành và hạnh phúc là có thể đạt được' (Mác-kết).
...Mình đọc truyện này hồi trẻ, bây giờ mình nghĩ, một cách độc lập, là con người thường khó kiềm chế được khoái lạc trước mắt, mà cái gì cũng có giá của nó, không sớm thì muộn, hậu quả sẽ xuất hiện...


Và mình sực nhớ mang máng là cách đây vài năm, có một ‘nhà uống cà phê học’ nào đó nói: Dòng họ Buendia là một dòng họ không có khả năng kết hợp với dòng họ khác, nên họ phải tự tồn tại và đặc biệt là tự ‘lấy’ nhau, đến nỗi cuối cùng dòng họ đó bị ‘tuyệt chủng’. Suy rộng ra, nếu một người hay một tập thể mà không biết kết hợp tư tưởng, kinh nghiệm sống, văn hóa… từ người khác hay tập thể khác, sống ‘thiếu tình yêu’ do vô cảm với nỗi đau của đồng loại, đặc biệt là lấy ‘cái tôi’ làm chủ đạo, thì không sớm thì muộn, người đó hay tập thể đó cũng sẽ bị… ‘cô đơn’. Với những gì ‘bị chứng kiến’ trên đời, mình tin rằng những lời nhận xét ở quán cà phê đó là… đúng:
‘Con người chứ không ai khác đã tự sản sinh ra tình yêu sau khi ăn trái cấm, mà thượng đế chỉ ban tặng cho họ không khác gì là hai xác thịt chứa đầy rẫy những tình dục, cô đơn và đau khổ. Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô’.
-----------------------
Các nguồn tham khảo chính:


-Nguồn 4: Entry 'Phi-Kim Dung và tình yêu' - http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/category/Kim+Dung/page/2?detail
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét