Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

238. Jack London và tình yêu cuộc sống

Lâu ngày không thấy bóng nàng
Hạ buồn, hạ bỏ, phàn nàn với ai
Chờ nàng dưới nắng vàng phai
Chờ nàng hoa mắt, miệt mài tiếng yêu
Chờ khuya, chờ sáng, chờ chiều
Chờ hoài chỉ thấy bóng kiều trong mây
Hình như thu đến rồi đây
Bình minh lấp ló, sương mai ngập ngừng
(NGLB)
Con sói không những đấu tranh sinh tồn trong thế giới động vật, mà nhiều lúc phải đấu tranh sinh tồn với con người, còn con người không những phải đấu tranh 'sinh tồn' trong xã hội, mà có lúc phải đấu tranh sinh tồn với 'sói'. Con sói đó là ai?
Truyện ngắn ‘Tình yêu cuộc sống’ (Love of Life) là của Giắc Lân-đơn (Jack London, 1876-1916), một tiểu thuyết gia người Mỹ. Các bạn có thể đọc tiểu sử của ông ở hình sau:


(Thông tin bổ sung: ‘…Khả năng tài chính của Jack đã khả quan nên anh quyết định lấy vợ với ước vọng có con trai nối dõi. Nhưng Jack lại thất vọng vì nàng Bessie Maddern chỉ sinh hạ hai cô con gái… Năm 1905, Jack London ly hôn với Bessie và cưới người vợ thứ hai Charmian Kittredge. Sự nghiệp sáng tác văn học của ông cũng thay đổi từ đây. Tiếp theo Tiếng gọi nơi hoang dã chỉ có cuốn Nanh trắng (White Fang) là đáng kể… Những vấn đề tài chính cùng với sự xung đột trong gia đình (vợ sau của ông cũng không sinh được một cậu con trai nào cả) đã gây những cú sốc đầu tiên. Jack London tìm quên trong men rượu và tình hình càng tồi tệ hơn. Hiển nhiên những lá thư gửi cho Bernard Shaw cũng như nhiều văn sĩ Anh nổi tiếng khác được Jack London viết trong trạng thái khủng hoảng. Ngày 21.11.1916, ông tự vẫn trong trang trại của mình’ (theo www.trieuthanhweeklymagazine.com)

Một ngày nọ, có một chiếc tàu bị vướng bão tố và bị đắm, có hai người thoát chết và trôi giạt vào một bờ biển tại một vùng đất rộng lớn ở Bắc cực, một người đã rơi rụng, cuối cùng chỉ còn lại một mình ‘gã Bil’. Ở đấy điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, không có gì ăn, đói khủng khiếp, gã cố gắng hết sức lê lết từng mét để đến được nơi có con người: ‘Gã không còn biết mình hạ trại lúc nào và nhổ trại lúc nào. Gã đi ban đêm cũng nhiều bằng gã đi ban ngày’, rồi hoàn toàn kiệt sức, gã bèn phó mặc cho số phận, nằm đó chờ chết.
Cũng trên bãi biển đó, có một son sói già sắp chết, nó kiệt sức không xê dịch nỗi nữa, đã nhiều ngày nó không được miếng nào vào bụng, bao nhiêu lần nó tưởng như sắp vồ dược miếng mồi thì lại bất lực vượt khỏi móng vuốt của nó. Bỗng nó thấy trước mắt một miếng mồi ngon và là miếng mồi cuối cùng, một động lực sinh tồn mãnh liệt xuất hiện làm cho nó có thêm một sức mạnh vô hình, vì không còn khả năng vồ mồi, nó chờ cho con mồi chết để ăn thịt, nó ráng nhích mình từ từ tiến tới chỗ anh chàng, cách gã 5m, 4m, 3m, 2m, rồi 1m...
‘Suốt đêm, gã nghe thấy tiếng ho của con sói ốm, và thỉnh thoảng, tiếng quác quác của bầy tuần lộc non. Xung quanh gã đều có sự sống, sự sống cường tráng, rất sinh động và tốt lành, và gã biết con sói ốm bám theo con người ốm với hy vọng là con người sẽ chết trước. Sáng dậy, mở mắt ra, gã thấy nó đứng lom khom, đuôi cụp giữa hai chân như một con chó khốn khổ, thiểu não. Nó run cầm cập trong làn gió sớm lạnh giá và nhe răng cười buồn nản khi con người nói với nó bằng một giọng không hơn gì một tiếng thì thầm khàn khàn…’
Cả hai đều chỉ có một cơ hội cuối cùng, không có sự chọn lựa nào khác, một là sống, hai là chết, lúc đó, chỉ tồn tại một sự chọn lựa tự nhiên có tính cách sinh tồn của thế giới động vật bao gồm cả con người, đó là ‘phải sống’.
Mặc dầu đã buông mặc cho số phận, nhưng khi thấy thân xác mình sắp lọt vào miệng sói, một động lực vô hình đã trỗi dậy, thúc dục gã đem hết tàn sức trườn tới phía trước, lúc đó gã không còn nghĩ đến cái gì là không-thời gian, cái gì là ‘số phận’ và ‘không số phận’, cái gì là ‘thượng đế’ và ‘không thượng đế’, trong đầu gã chỉ còn có một thứ, đó là, bằng bất cứ mọi giá, gã ‘phải sống’.
Một cuộc rượt đuổi mang tính ‘sinh tồn’ vô cùng nghiệt ngã và ngọan mục giữa hai kẻ đã sức cùng lực kiệt: sói và người, may mắn là kẻ gục ngã trước là con sói, gã đã thoát chết.
Ngay sau đó, một tín hiệu ‘sống’ đã đến, một con tàu đã xuất hiện gần bãi biển, các thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy gã, họ đã đổ bộ, anh chàng được bác sĩ cứu sống và cho ăn uống.
Và y tá bất ngờ phát hiện ra dưới chiếc chăn và trong áo quần của gã, có rất nhiều bánh mì được giấu kỹ, ai cũng tức cười: anh chàng vẫn còn bị ‘ám ảnh’ nặng vì cơn đói khủng khiếp vừa trải qua!!!
Có nhiều vấn đề rất đơn giản, nhưng dưới ngòi bút của các nhà văn lớn, chúng trở nên hay và có ý nghĩa đến kỳ lạ. Có thể hiểu nôm na là ai cũng có thể nấu món thịt kỳ đà, nhưng món ‘thịt kỳ đà bảy món’ thì chỉ có những tay đầu bếp ở huyện Easúp (tỉnh Đaklak) nấu là ngon nhất! Tương tự, các hiện tượng nêu ra bởi Marquez, Jack London, Aitmatov hay Kim Dung là các ‘chuyện thường ngày ở huyện’, các blogger cũng có thể nhìn nhận được như vậy, nhưng dường như ta chưa có đủ 'nội lực thượng thừa’ để viết hay như người ta!
Một sinh viên 21 tuổi nhận xét một cách lý thú rằng: Thường thì các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… với kinh nghiệm sống của mình và khi cảm xúc thì họ viết ra, chẳng hạn khi cảm xúc thì Hàn Mặc Tử/Bùi Giáng liền làm một bài thơ, Trịnh Công Sơn liền viết ra một bản nhạc, Jack London viết nên một truyện ngắn..., chứ bản thân họ không nghĩ cái gì xa xôi vĩ đại cả. Nhưng thường thì một số người đọc/nhà phê bình hay lấy suy nghĩ riêng của mình để vẽ nên một bức tranh vĩ đại từ các tác phẩm, mà sự vĩ đại này là xa lạ đối các tác giả.
'Có lẽ ý thức sinh tồn luôn luôn tồn tại trong từng con người và muôn loài, mọi sinh vật, chẳng qua có thể ta không thấy hay cảm nhận được tất cả (blogger Kmile)'...
Con sói ‘xấu’ lắm ư? Chưa chắc. Một lẽ đơn giản là con sói ‘xấu’ thì ta biết ngay, còn người ‘xấu’ thì hầu như ta chả biết tí gì, thậm chí thấy người đó ‘tốt’ ngất trời!
Ai bảo con sói ‘ác’ hơn con người? Con sói không có ‘ác’ như con người nghĩ, vì nó có thể bị con người ‘đoàng đoàng đoàng’ tiêu diệt trong nháy mắt, còn con người thì nhiều khi giả nhân giả nghĩa (ngụy quân tử), ‘lòng lang dạ sói’, hay sói đội lốt người! Truyện Kim Dung có những nhân vật như Thành Khôn, Tiết Công Viễn và Giản Tiệp, Hà Thái Sung và Thục Nhàn (Ỷ thiên đồ long ký), hay Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần (Tiếu ngạo giang hồ), hay Mộ Dung Phục (Thiên long bát bộ)... là những ‘con sói’ như vậy.
Bóng tím nghiêng nghiêng dưới chiều tà
Si tình, ai lại dõi theo sau
Gót hài nhẹ bước buông tình khúc
Thoang thoảng mùi hương, gợi chút sầu
Ai đó chờ ai, chờ đợi ai?
Ngoài kia thinh lặng, nắng đổ dài
Em ơi, thu về anh hay chứ
Nai vàng tư lự đắm chiều phai
(NGLB)
Tình yêu cuộc sống’ không chỉ đơn giản là cuộc đấu tranh giữa người và ‘con sói’ có tên là số phận. Ngoài số phận, con người còn có hai ‘con sói’ khác nữa, đó là:
- Các định kiến ràng buộc của xã hội do con người tạo ra mà vô hình chung tồn tại một cuộc đấu tranh giữa cái định kiến ràng buộc của xã hội đó với chính con người, có không ít người muốn vượt qua ‘con sói’ đó để đạt được khát vọng tự do?
- ‘Kẻ thù nguy hiểm nhất của con người là chính mình’, con người có thể chiến thắng được hàng triệu người nhưng không thể chiến thắng được chính mình! 
‘Tình yêu cuộc sống’ là một câu chuyện đầy tính nhân văn, nó đã mở ra một cánh cửa lạc quan cho con người, nó đã chuyển tới cho chúng ta một thông điệp: hãy tin vào sức mạnh của bản thân mình. Có nhiều blogger đã đọc tác phẩm này hay được học trong nhà trường. Ngoài ra, câu chuyện này đã được bà Krupxkaia, vợ của Lê-nin, đọc cho ông nghe trước khi ông qua đời.
Nhà bác học Mỹ Edison (1847-1931) đã nói, hầu hết, con người chỉ sử dụng được có 1% khả năng của mình trong đời! Rộng hơn, có lúc con người nghĩ là mình đã hoàn toàn kiệt sức, đã tuyệt vọng, nhưng dường như không phải vậy, con người có khát vọng sống, mà khát vọng này làm nên những điều thần kỳ ngoài sức con người.
Ký ức, hình ảnh xinh xinh
Ký ức nào mãi lưu tình trong tim

Yêu mà... ngại gặp chẳng tìm
Thời gian qua mất, trái sim chẳng còn

Chiều nay sắp có mưa buồn
Gió hờn cỏ dại, gió tuồn mây ngơ

Thân hình ai, đẹp thế cơ?
Thu sầu, thu nhớ, thu mơ, thu màng

(NGLB)
Con sói đó là ai? Nói cho cùng, nó là cái mà được gọi là số phận: ‘số phận luôn đeo đuổi con người, còn con người luôn tìm kiếm số phận’ (nhà văn Aitmatov). Nhưng có những người, trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, lại chiến đấu vượt lên trên số phận đã áp đặt cho mình, cái đó thường hình thành những bản trường ca làm cho cuộc sống thêm phần diễm tuyệt.

2 nhận xét:

  1. đọc thui, em chả dám ý kiến ý cò gì vì có biết gì đâu mà giơ tay phát biểu chứ.
    Ngày mới thiệt vui, giữ gìn sức khỏe anh nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, Tám đi đâu mà lạc vào chỗ này,
      bài này viết vào tháng 8/2012 cơ, rồi blog yahoo.360 bị sập, LB mới đem chép sang bên blogspot, nên lời bình bị mất hết, híc.. híc...
      Thank nghen.

      Xóa