Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

554. Những mẩu chuyện đời thường về… thiền

'Vắng em thu tàn lối bơ vơ'
Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ
Tôi thường đi lang thang các địa đạo của trần gian để ‘gom’ các chiếc lá bàng rơi rụng trong đời, vì thế, tôi hay viết các từ như ‘thiền sư, phật, thượng đế, niết bàn, thiên đường…’ bằng chữ thường vì nó được dùng như một thứ ngôn ngữ của đời thường.
Nhiều khi tôi ghé thăm nghĩa địa, thấy ‘thánh’ nằm ở phía Tây của con đường và ‘phật’ nằm ở phía Đông của con đường, còn con đường vô tình trở thành biên giới, lúc đó tôi nghĩ rằng thiên đường và niết bàn là hai đường thẳng song song… mà có lúc tôi đã cảm hoài:
Tháng tư chưa đến, mơ em đến
Em nói rằng 'anh, quả đất tròn'
Bờ Tây xa lắc anh còn ngóng
Bờ Đông gió lộng, tim bỗng đau. …
Tôi thấy người ta luôn dùng chất liệu màu hay các bóng đèn điện để tô vẽ/trang trí các đấng giác ngộ với vòng hào quang rực rỡ trên đầu, mà có thể điều đó xảy ra cách đây vài… ngàn năm trước, còn sự thật ngày nay thì hoàn toàn không có vậy, chẳng hạn như Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay Phật sống Dalai Lama không có hào quang ở trên đầu...
*
Tôi nhớ lại một câu chuyện nhỏ, có một chàng khen nàng là:
-Hôm nay em đẹp lắm.
-‘Thế thì mọi hôm khác em không đẹp à?’, nàng phản xạ ngay tức khắc.
Có nhiều người tự xưng ‘tôi là thầy/giáo sư/tiến sĩ đây’ thì phải chăng ai đó sợ người ta nghĩ rằng mình không phải là thầy, giáo sư, hay tiến sĩ: ‘hữu xạ tự nhiên hương’, có tài thì người ta biết, không cần ai đó phải tự xưng.
Có người… tự xưng ‘tôi là thánh/phật/thiền sư đây’ thì tình hình cũng như vậy, rõ ràng là người đó không phải là thánh, phật hay thiền sư, vì kẻ đã giác ngộ rồi thì cần gì phải tự xưng, hihi…
*
Tôi nghe một người bạn:
-Tôi hạnh phúc lắm.
Tôi liền nghĩ rằng, nếu ai đó nói ‘tôi đang hạnh phúc’ tức là người đó đã trải qua nhiều đau khổ, vì không có buồn thì làm sao có vui, không có bi quan thì làm sao có lạc quan, và không có đau khổ thì làm sao có hạnh phúc, mà nếu nơi nào đó chỉ có toàn là hạnh phúc hay bất tử thì còn gì là… niết bàn hay thiên đường.
Cụ thể, một cuốn sách đọc được vì nó có chữ màu đen nổi trên nền giấy màu trắng, nếu chữ cũng toàn là màu trắng như màu giấy thì còn gì là… sách; không có Thất Nhện Tinh hay Bạch Cốt Tinh thì họ Tôn làm sao mà ‘ngộ không được’… Rộng hơn, không có đêm thì làm sao có ngày, không có tà thì làm sao có chính, không có cái chết thì làm sao có sự sống, không có địa ngục thì làm sao có thiên đường, và không có ác thì làm sao có thiện mà nếu bỏ đi từ ‘ác quỷ’ thì tất cả các triết lý của các môn phái trong mấy ngàn năm nay sẽ bị sụp đổ hoàn toàn.
*
Thiền là gì nhỉ? Chúng tôi có nghe một… triết gia giải thích là ‘4000 năm trước, có một thiền sư Ấn Độ đã đặt tên cho nó là man-tra (man = trí tuệ, tra = giải thoát), có nghĩa là giải thoát khỏi sự chế ngự của trí tuệ’, chúng tôi hài lòng với cách giải thích này.
Là người không quá đam mê các lý thuyết viễn vông, nên tôi thường nghĩ về những điều có thực ở trên đời. Tôi đã có nhiều lần vào Google, gõ chữ ‘thiền’, rồi mở phần ‘images’, và thấy rằng trong rất nhiều entry, các bloger đều đăng hình ‘một giọt nước rơi xuống mặt hồ’, ‘một giọt sương trên ngọn cỏ’, ‘một người ngồi suy tư dưới gốc cây hay trên núi cao’, ngoài ra, còn có hình những đóa hoa hoang dã trên đồng nội, những cảnh thiên nhiên tĩnh lặng/trầm mặc, những cảnh ban mai, chiều tà, đêm trăng êm đềm với nhiều sương khói…
*
Một ngày nọ, cùng nàng cùng ngồi uống cà phê bên bờ sông Sài Gòn, nghe tiếng sóng vỗ ‘ào ào’ vào bờ, thấy hoa lục bình nhấp nhô vào ra dưới chân, thấy chiếc máy bay ‘nhấp nháy’ trên bầu trời đêm cao vút, rồi liên tưởng đến hình ảnh của một cục nam châm hút được sắt, tôi thấy rằng việc đàn bà thu hút đàn ông cũng là một thứ ‘thiền’ tính có trong tự nhiên, có gì là đâu mà gọi nó là ‘sắc dục’, nếu xem tình khúc âm dương là có… tội, thì cũng như ta hủy đi ‘cục nam châm’ của đời vậy, rồi nghĩ về ‘sự hội tụ tinh hoa tự nhiên’ của con người nói riêng hay sự vật nói chung, về nhà tôi mới viết:
'Anh muốn đưa em đến một miền'
Lục bình sóng vỗ, gió man miên
Hương thơm bên cạnh tràn theo gió
Ai tỉnh ai mê rớt giọt thiền.
*
Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, tôi lặng ngắm hàng cây điều nổi bật lên nền trời xanh mà không có bóng người nhiễu loạn, và nghĩ thầm ‘ước gì có cái máy hình để chụp cảnh thiền đẹp tuyệt vời này. 
Rồi hôm đó, ngang qua chùa Bái Đính (Ninh Bình) mà đi trên một con đường dọc theo triền dốc, thấy cảnh tuyệt đẹp như đoạn đường đèo mà Tam Tạng và Tôn Ngộ Không đi qua trước khi đánh nhau với Độc Giác Tỉ vậy, tôi đã có dịp ‘chụp’ nó bằng… thơ:
Bái Đính chiều nay sương tới trời
Lữ khách u buồn, núi chơi vơi
Hãy cho ta với tâm hồn thoáng
Lỡ chốn trần gian, nặng thói đời.
Người ta thường rung cảm trước một cảnh đẹp tự nhiên và tĩnh lặng, và cho nó là cảnh thiền, còn nếu người ta rung động tự nhiên trước một người đẹp thì đó có phải là ‘cảnh thiền’ không?, có, vì người đẹp cũng là một sản phẩm của thế giới tự nhiên, hoàn hoàn bình đẳng, và là một sinh linh có tiềm ẩn ‘phật tính’:
Ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn
Chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn
Thấy em áo trắng tươi cười gió
Bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn.
*
Cuối cùng, thiền không đòi hỏi phải là một cái gì đó ‘trong suốt’ hay ‘long lanh’ mà là một thực tại, là tự tính vốn có của thế giới tự nhiên, nó tồn tại không phụ thuộc vào ai đó cho ‘tôi là phơi phới yêu đời’ mà đã làm sản sinh ra các cái ‘tôi’ như: 'rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm', ‘chúng ta sẽ không tương phùng được nữa, mộng trùng lai không có ở trên đời’, ‘người nằm xuống, nghe tiếng ru, cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ’, ‘chỉ còn một chiếc lá, cuối thu mỏng manh, chỉ còn một mình anh, xót xa chờ em’ hay ‘trả lại cho tôi, trả lại cho em, trả về hư không, giọt nắng bên thềm’…
Tóm lại, thiền là trạng thái tự nhiên của sự vật, là trạng thái an nhiên tự tại của con người. Nhưng với cuộc đời đầy nỗi ‘sầu nhân thế’ này, có mấy ai là đạt được trạng thái vô ưu (trong lòng không một chút lo lắng), ta chỉ mong sao có được vài niềm vui nho nhỏ trong ngày là sướng rồi (hay như kết quả mà các thiền sinh hàng ngày vẫn tập luyện), nên dưới một giác độ nào đó, dường như khái niệm ‘thiền’ là quá xa xôi đối với chúng ta.
Thôi, hãy quên… thiền đi, hãy để cho vũ trụ đại ngàn tha hồ vận động, hay mặc kệ sinh tử, hãy sống thực với những điều nhẹ nhàng, đơn giản mà ta thích:
Ta hát cho chiều - tiếng vĩ cầm xưa vọng lại
Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong
Ta tặng cho chiều - mối tình còn lắng đọng
Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim.

10 nhận xét:

  1. Lâu ngày ngựa đáo sang chơi
    Chuyện đang hay, tự nhiên rơi... vào... thiền!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cám ơn chị NMCR, LB viết cho vui í mà, ngày mới tốt lành.

      Xóa
  2. Lưu comt Bút Chì:
    Đóa hoa rừng, ô, trông thú vị
    Thế gian này kỳ mỹ làm sao!
    Mới qua một giấc chiêm bao
    Bình minh đã hết, chiều tà gọi... yêu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bút Chì
      Bài viết quá hay. Rất thích phong cách viết văn của anh đấy ạ !
      13 phút trước

      Xóa
    2. Cám ơn Bút Chì, LB sẽ thưởng một chầu cà phê, hihi...

      Xóa
  3. Trần Thuận Thảo
    ''Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim'' Hay đó nghen?
    33 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Trần Thuận Thảo, LB mới ăn cơm xong, đi làm về... mệt quá, tối ngọt ngào nghen.

      Xóa
  4. Lưu comt Vũ Mai:
    Chiều hoang, mắt dõi xa xôi
    Ráng chiều nhuộm đỏ mây trời - mông mênh
    Ô hay, em đứng một mình
    Đồi xanh im lặng, sông rình dáng em!

    Trả lờiXóa
  5. Tháng tư đỏ trời hoa gạo
    Mà sao anh vẫn chưa quên
    Một thuở bên nhau thơ mộng
    Đuơng xưa còn fấu chân em

    Em chúc anh vui ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, LB mãi bận sửa entry mới, sr, thơ 6 chữ hay quá,
      cám ơn bạn PH, chúc tối vui.

      Xóa