Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

698. Ông cán bộ ngơ ngác (Nền văn hóa ‘bắt chước’ - Phần 2)

 
Anh ở Sài Gòn, mây trắng trôi
Cầu qua, sông trắng xóa, gợi sầu
Lục bình trôi nổi, dập dềnh, nhớ!
Một người, hôm ấy, nay ở đâu...

PHẦN II

Hôm qua, Tiểu Quy lại kể cho Lão Quy câu chuyện sau.
1
Nó bỗng nhớ về cái phản ở nhà ông ngoại của nó - nằm giữa nhà trên, với những tấm gỗ dày cả tấc, sáng bóng, chắc là làm từ loại gỗ tốt, ít nhất là gỗ mít.
Nó nhớ lại, ngày xửa ngày xưa, trước năm 1965, vào giữa đêm, khi nó và anh nó đang nằm ngủ trên tấm phản, thì bà ngoại nó gọi dậy, có lúc cho ăn thịt gà, xôi…, còn lúc này thì đưa cho hai chén chè đậu đen (nấu với nếp) - trông giống như… cứt trâu à, ông anh nói: ‘cứt trâu đó’, thế là nó gớm không ăn, còn ông anh của nó ‘tai’ luôn hai chén một lúc, híc..híc…
Mãi sau 1975, nó mới biết là sở dĩ nó được ‘hưởng xái’ cái gan gà hay mấy chén chè đó, đó là vì bà ngoại nó nấu cho mấy ông cán bộ nằm vùng ăn: dưới cái phản là một cái... hầm bí mật!

Vâng, trong nhà ông ngoại nó có một cái hầm bí mật mà cửa vào lại ở trong buồng - nơi mà ông chặn lên một cái gường và nằm ngủ trên đó, cửa ra là một con đường hầm nối tận ra tới ruộng sau - nơi mà ông nó đã phủ lên một cách khéo léo bằng mấy bụi môn xanh mướt hay bụi chuối nước xanh pha tím đỏ...
Cũng sau 1975, nó về quê, ông ngoại nó mới đập vỡ cánh cửa nhà trên (nối với nhà dưới) ra, giữa hai tấm ván có 2 câu nói về lãnh tụ, tiếc quá, nó không thể nhớ được, đại khái câu sau! có mấy chữ là:
-Thiên hạ đệ nhất anh hùng…
2
Buổi chiều năm nọ, một buổi chiều vô cùng kỳ lạ. Bầu trời bỗng im ắng như sắp sụp xuống, báo hiệu một biến cố lịch sử khủng khiếp mà chỉ có kẻ thần giao cách cảm mới biết được.
Sáng hôm đó, không hiểu vì lý do gì, từng toán lính chạy vội về thị xã, ghé qua các hiệu cho thuê sách và rút ‘Thẻ quân nhân’, trong khi người dân vẫn làm ăn buôn bán bình thường, họ hoàn toàn không biết gì hết… Khi đó, cậu bé mới có 18 tuổi và cô bé mới có 16 tuổi, hai người mới thầm 'yêu' nhau và trao đổi thư từ qua lại được vài tháng.
Gần 3 giờ khuya hôm đó, khi cậu bé đang ngủ thì nghe tiếng gọi:
-Dậy mau, dậy mau, chạy mau, chạy mau, bộ đội đã đánh vào thị xã rồi.
Thế là cả nhà vội vàng, không kịp mang theo cái gì cả, nhảy lên chiếc xe ‘Thuận Thành’ và chạy qua một căn nhà khác được xem là an toàn hơn (vì, có lẽ, ông cậu của cậu bé là một ‘cán bộ nằm vùng’, nên ông đã biết trước diễn biến!).
3 giờ kém 10, một tiếng ‘chíu’, ‘ùm’, rồi cách đó khoảng 1km, bầu trời chợt lóe sáng lên, và ‘chíu’, ‘ùm’, đó là đợt pháo kích đầu tiên tấn công vào thị xã, tiếng pháo câu vòng cung bắt đầu từ trung tâm thị xã rồi tiến dần ra sân bay, rồi có tiếng trực thăng ‘bịch.. bịch.. bịch…’, viên tướng vùng đã bỏ chạy.
5 giờ sáng, ông cậu leo lên sân thượng và chạy xuống báo tin:
-Căn nhà của mình đã bị trúng quả pháo kích và bị thiêu rụi hoàn toàn.
6 giờ sáng, gia đình cậu mở cách cửa sắt ra, nhìn xéo xéo qua góc bên phải, trước cái ‘băng-ga-lô’, nhiều toán lính đứng túm tụm lo lắng nhìn ra ngoài, mấy phút sau đó, ‘ối trời ơi’, cua bò lỏm ngỏm khắp thị xã, đó là những chiếc T54, to, chạy lù lù trên đường, trông giống như những con cua khổng lồ. Mấy người lính kia lập tức rút sâu vào băng-ga-lô, một số bỏ chạy xuống suối, vứt cả súng ống, vứt cả áo quần, chỉ còn một cái quần đùi (hay với áo may-dô), áo quần lính bị vứt rải rác khắp 2 bên lề của đường đi xuống suối…
…Đài BBC đã phát thanh là hầu như tất cả những người dân ở thị xã đã chết!, vì thế cậu phải chạy Honda ‘Đam’ về quê ở Đà Nẵng cách đó gần ngàn cây số để thông báo với ông bà, chú bác và họ hàng là ‘chúng tôi vẫn còn sống’ để cho họ yên tâm. Trên đường đi từ Ban Mê qua Gia Lai rồi An Khê, hầu như tất cả các cây cầu đều bị đánh sập, nhiều xác lính chết nằm ngổn ngang trên đường, không có ai chôn cất, bị ‘phình trương’ lên trong lúc vẫn mặc quân phục và đang bốc lên mùi hôi thối… 
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/sau-chopin-ke-bi-choi-tu_6.html
3
(Dưới đây, ‘anh ta’ là từ đại diện)
Rời khỏi căn hầm bí mật, bị chói mắt bởi ánh vầng dương gần giữa trưa đầu hè, anh cán bộ bỗng ngơ ngác và tự hỏi:
-Ta sẽ làm gì đây?
Vâng, quả thật là anh ta không biết làm gì, ngoài cái tài năng hơn người chút chút là ‘câu kỳ đà nằm dưới mấy bụi tre - phức với đầy gai nhọn - bên bờ sông’!
Vâng, theo nó, nó biết là, dù sao thì anh ta (ông cán bộ nằm dưới hầm) cũng tập trung hết ý chí cho việc đánh Mỹ, và nghĩ ‘để đánh xong Mỹ rồi hãy tính sau’, đó là lối tư duy bình thường của đa số người Việt, tôi cũng vậy, các bạn hãy nghĩ thử xem. Không ngờ, anh ta không ngờ, mọi người cũng không ngờ, là việc ‘đánh Mỹ’ này lại thắng lợi quá nhanh, nhanh thần tốc ngoài sức tưởng tượng của con người, mà:
-Chỉ không đầy 2-tháng-của-lịch-sử-trùng-trùng-duyên-khởi, từ ngày 10/3/1975 đến ngày 30/4/1975, chiếc xe T54 đã chạy liền một mạch từ Ban Mê Thuột, đến viếng Đà Nẵng, rồi trực chỉ trung tâm Sài Gòn, đến... húc vào Dinh Độc Lập, và rồi, ‘ngồi’ uống cà phê!
*
Việc đầu tiên là anh ta hạ lệnh cho dời cái chùa làng đi. Ôi, ‘mười năm cách biệt một lần bỡ ngỡ’, đứng ngoài nhìn vào, qua một tấm cửa gỗ oặt ẹo với mấy cái thanh gỗ bám đầy bụi, nó thấy Đức Phật Thích Ca đen thui, đang rầu rỉ làm bạn với đầy bụi trần trên vai và mấy cái mạng nhện đầy vẻ ma quái, trông thê thảm làm sao!

Hôm đó, nó được chiêu đãi món thịt gà còn đỏ hỏn, dòm lên lịch mới thấy đó đúng là ngày rằm: ông bà ngoại nó (kể cả ông bà nội) đều là người sùng đạo Phật, thế mà nay, vào ngày mùng một hay ngày rằm, lại giết gà ra xơi! Lúc đó, nó còn nhỏ, nên chỉ biết là ông bà, cậu nó… đã làm một cái gì đó rất mới lạ mà thôi:
-Họ đã trở thành những người ‘duy vật’ và phải chăng đó là ‘làm cách mạng’!

Anh ta ghé một cái tủ bán thuốc lá lẻ và ít bánh kẹo gì đó, và vừa nói vừa cười nhẹ một cách ngoại giao:
-Sau này chị không được bán hàng nữa nhé, cái này sau này nhà nước sẽ quản tất, chị làm thế là làm đẻ ra ‘chủ nghĩa tư bản’ đấy!
Thế là, đại bộ phận thanh niên chúng tôi trở về quê làm nông theo phong trào ‘vô sản hóa’ bằng cách làm ruộng và nuôi… heo. 

Rồi, ông hàng xóm nhà bên có nuôi heo, khi con heo được khoảng 70kg, anh ‘cửa hàng thương nghiệp’ đến, họ vội lấy cái móc và cái cân ra cân, con heo ‘éc éc éc’ đi theo anh ta về Cửa hàng thương nghiệp, để rồi được mổ tại đó, và bán cho những người có tem phiếu, theo chế độ cỡ 0,4kg/tháng! Trước khi đi, anh ta còn cẩn thận lấy một cục phấn và ghi lên trên cánh cửa: ‘Cân heo 70kg, mùa lúa sang năm, đến hợp tác xã thanh toán’. Nhưng hỡi ôi, mùa lúa năm sau, quê nó bị bão lụt/mất mùa:
-Thế là con heo theo Đức Phật về với hư vô!
*
Nó nhớ nhất… Anh ta hạ lệnh: chống văn hóa đồi trụy phản động (lúc đó chúng tôi đã ra thành phố). Thế là ở nhà nó, từng nhóm, từng nhóm thanh thiếu niên bê đến hàng ngàn, rồi hàng ngàn cuốn sách: sách giáo khoa, từ điển, sách Tây phương, sách Đông phương, sách Thiền-Phật-Chúa, sách ‘chiêu hồi’, truyện ‘Tự lực văn đoàn’, truyện ‘Lục tử tài thư’ của Tàu, truyện Kim Dung… Tranh thủ cơ hội, nó đọc lướt qua các sách chiêu hồi (để hiểu mà làm ‘công tác thanh vận’!), giữ lại vài bộ thuộc loại Nobel, ‘Lục tử tài thư’ và Kim Dung…
Thế rồi, hàng vạn cuốn sách to nhỏ đó, đã được tập trung về UBND phường, rồi ‘đi về đâu hỡi em’, nó không nhớ!

Đó là chưa kể thêm chuyện '1 kg đậu xanh hay cà phê cũng không thể mang ra khỏi cổng nhà được'!, rộng hơn, chuyện 'lao động cải tạo', 'đấu tố', 'chống tư sản mại bản'..., rộng hơn nữa là anh không ngờ 'cái tôi vĩ đại như vũ trụ của người Việt' lại khó xử đến thế, rộng hơn nữa nữa là anh ta không biết 'nguyên lý bất định của vũ trụ' là không thể lấy 'cái tôi' để mà thay đổi thế giới được...
*
Đến đây, các bạn đừng cho những gì làm vào lúc ‘giao-thời-1975’ là dở hết nghen.
Trước đó… Biển Thanh Bình, với ký ức của cậu bé, là nơi có những căn nhà bằng gỗ Mỹ với hàng rào làm bằng kẽm gai được bao phủ bằng những ‘cây thuốc dấu’ (có mủ màu trắng, nghe nói rơi vào mắt là bị đui!), dưới những hàng rào kẽm gai đó, có những cái ‘lỗ chó chui’. Có những đêm khuya, mọi người bỗng nhiên thức giấc vì có tiếng réo rắt lúc trầm lúc bỗng của cây đàn Mandoline rung lên bài ‘Dạ khúc’: 
Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai...
Vẻ sầu của đóa cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi...  
(Franz Schubert - LV Phạm Duy) 
https://www.youtube.com/watch?v=X6WLKrYYDtM
Tiếng đàn thánh thót, mượt mà, tròn đều, nhè nhẹ rung lên, vang xa qua mấy dãy nhà, mấy ông chồng mắt thì tỉnh ngủ hẳn, nhìn lên trần nhà mơ về một cõi tình xa xăm nào đó trong quá khứ, mấy bà sồn sồn thức dậy, ‘suỵt, đừng làm ồn, để nghe’, cặp mắt của mấy bà mơ màng như đang rơi vào một cõi yêu đương ‘nghệ sĩ’ nào đó ai mà biết...
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/da-khuc-noi-niem-cua-cau-be.html

Sau năm 1975, không hiểu vì cơ duyên nào mà tôi lại sống chung với một cán bộ… lớn - cậu của tôi, rồi cũng không hiểu vì sao mà ổng lại truyền cho tôi mà không truyền cho các cháu khác, về: Triết học cao cấp (cười), trong đó có cái được gọi là ‘Mao-ít’ (= Maoism). Ông còn giỏi về tiếng Anh và tiếng Pháp: tiếng Anh của ổng thì tôi không thể kiểm tra được (vì tôi bận đi làm ở Hà Nội), chứ tiếng Pháp của ổng thì tôi biết, đó là vì sau khi về hưu, ông dịch các tài liệu về lĩnh vực giao thông/địa chất từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để có thêm thu nhập (ngoài lương hưu).
Khoảng năm 2001, tình cờ đi ngang qua Bệnh viện Việt-Xô (Hà Nội), tôi thấy cậu tôi ở đó, và đó là số phận: ông đã vô tình ra đứng trước cổng bệnh viện để… chờ tôi trước khi trở về thế giới bên kia - do bị ung thư. Khoảng 1-2 tháng sau, nghe báo tin ông chết, trong khi tôi đang chuẩn bị bay chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn, mà do gần Tết hay sao ấy, nên tôi không thể đổi vé máy bay được: Và thế là trên bầu trời với đầy những đám mây trắng trôi lang thang vô định, tôi đã nhìn xuống biển Đà Nẵng, với những giọt nước mắt rươm rướm - mà tôi tiễn đưa ông - đã về với hư vô...
http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/05/693-cai-gi-la-triet-phan-1.html
*
Và có một (trong những) yếu tố tích cực mà 'tôi' ghi nhận. Đó là một lượng sách lớn, rất lớn được chuyển từ Hà Nội (hay các tỉnh phía Bắc khác, như Tuyên Quang, Lạng Sơn) đã được chuyển ào ạt vào thư viện Đà Nẵng (Sài Gòn và các tỉnh phía Nam…, riêng thư viện Đaklak là vào tháng 8/1976).
Các cuốn sách đó hay lắm: một đại dương tri thức xã hội chủ nghĩa hùng vĩ nằm sừng sững trước mắt tôi! Vâng, tôi xin cám ơn Thư viện Đà Nẵng - người đã cho tôi đến chơi ngày ngày, trong gần 2 năm, xin cám ơn Thư viện Đaklak - người đã cho tôi vinh dự là… kẻ đồng sáng lập, và đã cho tôi có thể đọc đến… 7-10 cuốn sách/ngày! Xin cám ơn những ‘Hàn lâm viện Liên Xô’, ‘những đốm lửa’, những ‘Xi-ôn-cốp-xki, Trai-cốp-xki, Tsê-khôp, Pap-lop…’, những ‘cuộc sống và sự nghiệp’, những ‘phê phán chủ nghĩa hiện sinh’…, và xin cám ơn ‘Chiều Mát-x-cơ-va’:
Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu
Hỡi em! thấu chăng tình anh bao trìu mến
Matxcova bên em trong chiều vắng êm đềm
Dòng sông nuớc nhẹ trôi xuôi về phía chân trời
Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi
Vời vợi xa thoáng đưa lời đây bài ca đầm ấm
Matxcova chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời
Kìa em ngước nhìn ai đôi màu mắt nâu huyền
Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên
Sao không nói nên lời, trong lòng anh nàng hỡi
Muốn chia em chung ngàn nỗi tâm tình
Vừng đông chiếu tràn lan, mây dần sáng sương tàn
Cầm tay nhau em nhé ta vui lên
Hỡi em nhớ chăng mình đêm hè bao đầm ấm
Matxcova nhớ tới em trong chiều vắng thanh bình ...
4
Một cách ngẫu nhiên, tôi đã có cảm nhận như thế này: ‘Ui, cuốn Che Guevara thì mình có đọc sau 75, nay quên mất rồi, bạn nhắc mình mới nhớ, có nghĩa là nhân vật này không có ấn tượng gì với mình lắm. Còn cái anh chàng Paven và Ruồi trâu mới ghê, mình làm Paven được vài năm đó, còn thằng bạn mình mê Ruồi trâu, mà có lần súng bị cướp cò, bó bột ở bàn chân, mà nó vẫn cười hề hề! Dù sao thì cũng mấy mươi năm qua rồi, bây giờ mình tĩnh tâm lại nhiều, làm gì cái trò 'Kinh Kha' đó, nhỉ!, để cho người ta lót ổ bằng vàng, còn dân mình thì lại vác cần đi câu miếng cơm từng ngày, ôi! đời, híc..híc...’ (trả lời saumietvuon, NGLB)... Rồi:

Cà phê quán vắng một mình
Từng giọt, nhỏ... nhỏ..., chiều mênh mông chiều
Lục bình qua lại, phiêu diêu
Dòng sông trắng xóa, cô liêu bóng người

Đến đây, nghe nhạc tình đau khổ, tôi bỗng xúc động mạnh, mà không viết được nữa, tôi nhớ… nhớ… những tiền bối cha ông của tôi, xin lỗi các bạn nghen… 

--------
Chú giải:
  1. Biển Thanh Bình: là một bãi biển nằm bao quanh vịnh Đà Nẵng, dọc theo đường Nguyễn Tất Thành hiện nay, kéo dài tới đèo Hải Vân - với nhiều cây dương liễu (cây phi lao), trước kia, ở đấy, có nhiều ngư dân thường ra vào đánh cá, có vài chiếc tàu chiến Mỹ đậu xa xa…
  2. Chiều Matxcova (Moskva): là ca khúc được viết ‘theo đơn đặt hàng’ làm nhạc nền cho phim và khi mới xuất hiện lần đầu theo phim thì đều chẳng mấy ai quan tâm… Nhưng điều bất ngờ là sau đó, khi… được giới thiệu trên làn sóng phát thanh, thì đều thu hút được sự yêu thích đặc biệt của thính giả và thành công ngoài sự mong đợi của những người sáng tác ra chúng… Chiều Moskva đã nhanh chóng phổ biến khắp thế giới, được đặc biệt ưa thích ở TQ. Ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Mỹ Van Cliburn từng trình diễn Chiều Moskva nhiều lần... Chiều Moskva là một trong những ca khúc được đề nghị phát thanh nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả Liên Xô trước đây… Năm 2004, ca sĩ người Bỉ Heimut Lotti đã gây ấn tượng với thế giới khi anh trình diễn bản tiếng Anh của ca khúc này, dưới tựa đề Moscow Nights, trong album From Russia With Love. Khi về tới Việt Nam, Chiều Moskva đã trở thành bài hát Nga ‘đi cùng năm tháng’ cùng với những tình khúc nổi tiếng khác như Kachiusa, Triệu bông hồng, Kalinka... (wikipedia)
  3. ‘Dạ khúc’ (hay Serenade) là một bài hát của Franz Schubert, lời Việt của Phạm Duy, thể hiện (khá) thành công bởi Thái Thanh…
  4. 'Lục tử tài thư': ám chỉ những cuốn sách có giá trị tham khảo của Tàu - mà 'tôi' coi trọng, như: Đông Chu liệt quốc, Thủy  hử, Tây du ký, Hán Sở tranh hùng, Tam quốc chí...
  5. ‘Mười năm cách biệt một lần bỡ ngỡ’: một câu trong bài hát ‘Mười năm tình cũ’ của nhạc sĩ Trần Quảng Nam.
  6. Sách chiêu hồi: là loại sách do ‘Bộ thông tin’ miền Nam ban hành trước 1975, đặc biệt có một số sách có bìa màu đỏ!, thường là sách phê phán chủ nghĩa Marx/cncs, hay khá hơn là bàn về các ‘học thuyết chính trị’/Hồi ký về thời Ngô Đình Diệm, tiến bộ hơn là nói về ‘Đệ nhị thế chiến’…
  7. Trận chiến Ban Mê Thuột: xảy ra ở trung tâm Ban Mê vào khoảng 3g kém 10, đêm 9/3/1975, kéo dài không liên tục đến 19/3/1975!, trong đó, tướng Phạm Văn Phú đã bỏ chạy bằng máy bay trực thăng, khoảng 3g10 khuya ngày 10/3/1975...
  8. Trận chiến Đà Nẵng: xảy ra trước đó vài ngày, và kết thúc vào ngày 29/3/1975, trong đó, tướng Ngô Quang Trưởng vừa rút lui, vừa… chửi dữ dội!
  9. Trận chiến Sài Gòn: trước đó, bài hát ‘Tiến về Sài Gòn’ đã được phổ nhạc bởi Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước), khoảng 11g30 trưa ngày 29/4/1975, Dương Văn Minh đọc diễn văn ‘hạ súng’ - làm tôi ràn rụa nước mắt (mừng vì hết chiến tranh chết chóc), còn chuyện gì xảy ra sau đó, thiết nghĩ là các bạn cảm nhận rõ hơn tôi!

11 nhận xét:

  1. vomtroirieng [Blogger] Email 03.06.15@15:12
    VTR cũng muốn khóc, thôi nghe tiếp cấu cuối của bài Dạ Khúc trên nha Đại Hiệp:
    "Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu, cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau"
    Com lạc đề chút - hình như bài này là Dạ Khúc - Serenata,có gì khác so với Dạ Khúc- Serenade?
    hi hi...
    Saigon có mấy quán caphe Serenade luôn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, Serenade là 'Dạ khúc'.
      Còn Serenata là 'Chiều tà', một bản nhạc của Johann Strauss, với lời như sau:

      Lắng trầm tiếng chiều ngân
      Nhạc dặt dìu ái ân
      Người ôi! Nhớ mãi cung đàn
      Năm tháng phai tàn
      Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng
      Đã quên hết sầu chưa
      Lời này là tiếng xưa
      Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
      Bên gối ơ thờ
      Ôi tiếng tơ tình mong chờ
      Chiều êm êm đưa duyên về người
      Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời
      Người hỡi!
      Đến bên tôi nghe lời xao xuyến
      Như chuyện thần tiên.
      Niềm mơ xưa là đó
      Cho ta nâng niu lời ca
      Chiều mơ không gian
      Hờ hững cõi Thiên Đàng
      Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
      Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà
      Nhạc chiều của chúng ta
      Là câu ân ái muôn đời
      Bóng đã xế rồi
      Hãy nép trong lòng cõi đời.
      Tình Yêu mãi mãi... (Chiều tà – LV Phạm Duy)
      https://www.youtube.com/watch?v=AJ3cAna98xM

      Cám ơn VTR, chiều ngọt ngào.

      Xóa
  2. Ơ... không phải, sai rồi (ấy chết, bộ gd đã ban chiếu chỉ là khi nhận xét phải tế nhị, ko đuơc nói sai, nói dở mà nói là gần đúng rồi, gần tới đích rồi, cố lên, chậc...), nên LB Đại hiệp gần đúng rồi, gần tới đích rồi, cố lên, hi hi
    Chiều nồng nàn, hi hi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, như vậy là có... tiến bộ, hihi..., tại vì cái 'văn hóa ném đá' của ta đã trở nên quá tồi tệ rồi.
      À, tụi Tây có khác, họ không nói thẳng thừng là 'sai' đâu (vì nói vậy tức là tôi 'đúng'!), nên họ thường nói rằng:
      -I' am afraid... = tôi e rằng... (bạn đã sai, gì gì đấy), hay
      -I don't think... = tôi không nghĩ rằng... (bạn đúng, gì gì đấy)
      Cũng thú vị đấy nhỉ!

      Xóa
    2. À quên:
      -Ai nói là 'tôi đúng' thì tự nó nói lên rằng người đó đã sai ngay lập tức, còn
      -Ai nói là 'tôi sai' thì người đó đang nói... đúng, vì biết là mình sai, thì chỉ có kẻ... thông thái mới làm được; và bất chấp là ông ta/bà ta có nói lộn hay không, thì ông ta/bà ta vẫn... đúng, vì đó là kẻ thông thái!
      TM.

      Xóa
  3. Ngày xưa, lá chuối làm kèn trận
    Anh thổi bên rào, em đáp ngay
    Ngày nay, điện thoại, anh tin nhắn
    Chờ cả đêm ngày, im vẫn... im
    (Lưu comt saumietvuon)

    Trả lờiXóa
  4. saumietvuon [Blogger] Email 03.06.15@20:48
    Nó nhớ lại, ngày xửa ngày xưa, trước năm 1965, vào giữa đêm, khi nó và anh nó đang nằm ngủ trên tấm phản, thì bà ngoại nó gọi dậy, có lúc cho ăn thịt gà, xôi…, còn lúc này thì đưa cho hai chén chè đậu đen (nấu với nếp) - trông giống như… cứt trâu à, ông anh nói: ‘cứt trâu đó’, thế là nó gớm không ăn, còn ông anh của nó ‘tai’ luôn hai chén một lúc, híc..híc…
    **Phần này thì tương tự tui nè, nhưng ngược lại, tui nhớ hùi nhỏ tui rất ham ăn!, ngồi cùng ông anh thì tui luôn múc thức ăn nhiều hơn, ông anh có tật giận lẫy thấy tui thế nên đẩy chén về phía tui mà nói "nè mầy ăn lun đi", vậy là tui chén hết, ổng tức quá "khóc"... heee
    *Còn cái vụ hầm bí mật thì tui hỏng bít, nếu tui bít thì tui sẽ đổ nước sôi xuống ràu!
    **Đến vụ đốt sách thì tui rành, bởi trường tui bắt học sinh ra ruộng đào hố "chôn tập thể" hết các sách mang ra từ thư viện trường. Tui nhớ rỏ ngoài những sách quý còn có cuốn "Nhật kí của Che Guevara" mà trước đó tui có mượn đọc, sau này khi biết lão ta là anh hùng của những người cs thì tui lấy làm lạ là tại sao những quyển như rứa mà bộ văn hóa thông tin VNVH lại cho phát hành, chứ trước đó thì tui ko rõ lão là ai bởi cuốn ấy chỉ ghi nhật kí của lão đến trước khi lão bị bắn. Ghé thăm anh lang mang vài chữ cho dzui. Kính chúc anh luôn dồi dào bút lực.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cuốn Che Guevara thì mình có đọc sau 75, nay quên mất rồi, bạn nhắc mình mới nhớ, có nghĩa là nhân vật này không có ấn tượng gì với mình lắm.
      Còn cái anh chàng Paven và Ruồi trâu mới ghê, mình làm Paven được vài năm đó, còn thằng bạn mình mê Ruồi trâu, mà có lần súng bị cướp cò, bó bột ở bàn chân mà nó vẫn cười hề hề!
      Dù sao thì cũng mấy mươi năm qua rồi, bây giờ mình tĩnh tâm lại nhiều, làm gì cái trò 'Kinh Kha' đó, nhỉ!, để cho người ta lót ổ bằng vàng, còn dân mình thì lại vác cần đi câu miếng cơm từng ngày, ôi! đời, híc..híc...
      Cám ơn bạn, ngủ ngon nhé.

      Xóa
  5. Trả lời
    1. Viết về văn hóa Pháp, Nga, Mỹ, Tàu… thì các bạn sẽ ‘ứ’ thèm đọc, huhu. Bỗng tôi nhớ lại chuyện Bùi Giáng, thế là ngồi bật dậy, và bắt đầu viết… Bạn xem tiếp nhé, cám ơn.

      Xóa
  6. (Facebook) Hoài Phố, Hồng Anh, Điền Trương, Bút Chì, To Thanh Binh, Minh Tâm Lý, Kim Chi, Hoàng Anh... thích (bài) này.

    Trả lờiXóa