Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

129. Yêu nàng quên hết sự đời sắc - không


Đàn bà là vũ trụ,
đàn ông là thi nhân.

Đàn bà mắt hồ thu,
đàn ông say lảo đảo
Các blogger thân mến ơi, hắn nói rất nhiều về tình yêu phải không, trong tất cả các entry, không có entry nào mà hắn không lấy tình yêu là cơ sở, chắc đại đa số các bạn ‘không phản đối’, vì có nhiều sự việc trên đời mà không có tình yêu thì ta không sống nổi các bạn ạ. Có bạn quan tâm hỏi ‘sao vậy!’, khó mà giải thích theo cách thông thường được các bạn ạ, các bạn hãy chịu khó nghe hắn kể lại câu chuyện dưới đây nhé.
Hắn có một người em bà con làm cho một tổ chức tư vấn ở Sài Gòn, hình như là của Anh hay Mỹ gì đó (hắn không quan tâm lắm). Y thường làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Công việc của y là hỗ trợ kỹ thuật cho một số tổ chức chuyên ngành trong nước.
Mới đây, hắn có dịp uống cà phê với y ở đường Lê Hồng Phong (thuộc Quận 5 hay Quận 10 gì đó), nơi mà mấy anh xe ôm hay taxi hay gọi là bến xe Mai Linh! Lúc đó, y có thở dài mà tóm tắt rằng: anh à, có không ít cán bộ làm việc quá máy móc (chữ ‘quá’ gọi là ‘too much’, trong Ngữ pháp tiếng Anh còn có nghĩa tiếp theo là ‘đến nổi không làm được điều gì đó’), vì thế mà làm việc với cấp trên là vô cùng phiền hà. Lãnh đạo khi phê duyệt thường quan tâm đến tầm vĩ mô của vấn đề mà thôi, nhưng một số cán bộ cấp dưới thường rất sợ khi trình lên cấp trên phê duyệt, vì họ chưa nắm rõ hay chưa vận dụng được chính sách trong nước và quốc tế, sợ trách nhiệm, đặc biệt là họ thấy không có ích lợi gì cho bản thân họ.
Hắn mới ngạc nhiên hỏi rằng:
- Ý em là sao, em có thể kể anh nghe một số ví dụ được không?
Thằng em trả lời:
- Anh à, 2 năm trước, em có tổ chức một số hội nghị, em đặt hàng cho một công ty dịch vụ ăn uống là 30.000đ/buổi/đại biểu, gồm cà phê + trái cây + bánh ngọt, vì đó là kinh phí nước ngoài nên không thành vấn đề, người ta duyệt trong vòng một nốt nhạc. Nhưng sau đó, em cần giải trình để xin phê duyệt kinh phí tổ chức hội nghị, v..v..., vì đó là kinh phí nhà nước, nên em phải làm việc với một cán bộ cấp trên thì ông ấy hỏi: 
  • Cái này căn cứ vào cái gì?
  • Quyết định của bộ nào?
  • Thông tư của vụ nào?
  • Chỉ đạo nào của cục?
  • Bằng chứng đâu?
  • Có hay không? Ai nhìn thấy? Ai biết?
  • Báo giá đâu?
  • Phải có ít nhất 3 cái báo giá!
  • Phải có chữ ký tươi và dấu đỏ của các đơn vị/doanh nghiệp cung cấp dịch vụ!
  • Phải có quy cách!
  • Phải có chủng loại!
  • Phải có đặc tính kỹ thuật!
  • Phải trình bày văn bản tuyệt đối theo ý của tôi!
  • Tại sao phải mua loại đó?
  • Để làm gì?
  • Ai đề xuất?
  • Ý của anh hay ý của ai?
  • Tôi không cần biết, không đúng luật là tôi không trình!
  • Tôi phải hỏi ý kiến của xếp tôi!
  • Xếp tôi phải hỏi ý kiến của cục!
  • Cục phải xin ý kiến của các vụ!
  • Các vụ phải xin ý kiến của bộ!
  • Rồi lấy kiến của bộ chuyển về cho anh!
  • Tất cả là lỗi của anh!
  • Tôi không có lỗi gì hết!
  • Anh phải làm lại từ đầu!
  • Rồi anh phải trình lại từ đầu!
  • Rồi tôi, xếp của tôi, các cục, các vụ, bộ sẽ xem xét! ...Và rất nhiều câu hỏi khác đếm không hết …
Tương tự cho vài chục hạng mục nhỏ khác, cái gì ông ấy cũng đòi hỏi như vậy, em phải thỏa mãn hàng trăm yêu sách, lúc thì ông ta hối như giặc, lúc thì im lặng cả 3-4 tháng, chờ mãi 2 năm vẫn chưa được trình lên cấp trên phê duyệt, mà mỗi lần em gặp là ông ta nói như ‘quát’ vào lỗ tai và chỉ nói ‘không được’, 'tại anh' hay chỉ tiếp vài phút rồi ngoảnh mặt quay lưng. Cuối cùng cái gì đến rồi phải đến, vì cấp trên hối quá, ông ta sợ bị khiển trách nên gọi em lên làm việc mấy ngày liên tục. Cũng mấy trăm câu hỏi đặt ra và cũng câu nói muôn thuở ‘phải tuyệt đối tuân theo chính sách’, có một lần em hỏi:
- Tôi không biết chính sách này, anh có thể giúp tôi được không?
Thế là ông ta loay hoay, sai bảo mấy anh cấp dưới lên mạng mất cả tiếng đồng hồ, cuối cùng ông ta cũng tìm được một cái thông tư của bộ tài chính năm 2009, ông ta đọc đến 2 ngày, em âm thầm phát hiện ra là ông ta chưa bao giờ đọc hay áp dụng cái thông tư này, thế mà ông ta bắt người ta phải tìm mọi thông tư có liên quan mà áp dụng. Mà cái thông tư này mới ác chiêu, chỉ cho có 15.000đ phí giải lao giữa giờ/buổi (gồm cà phê + trái cây + bánh ngọt như đã nói ở trên). Em không dám cãi ông ta vì bị áp cái chiêu bài là ‘phải tuyệt đối áp dụng chính sách’. Cuối cùng, kinh phí cũng được duyệt nhưng được duyệt rồi thì không thực hiện được nữa, vì ngoài thị trường tự do năm 2012 (còn mười mấy ngày nữa) hoàn toàn không có bất cứ một doanh nghiệp nào mà chịu làm dịch vụ với cái giá của năm 2009 (và các hạng mục khác như tiền thầy, tiền trò, trang thiết bị hỗ trợ, phí tư vấn, ..., cũng tương tự như vậy).
Thằng em trai mới nói tiếp, chắc chắn không hề có một lãnh đạo giỏi nào phê duyệt mà cần quan tâm đến chuyện nhỏ nhặt. Có một chuyên gia lớn tuổi lập luận rằng, chẳng hạn như ta đi chợ mua một bó rau muống thì ta chỉ cần mua theo giá thị trường chứ có ai lại mua rau muống theo giá quy định của nhà nước! Thế mà cấp dưới của vị lãnh đạo kia, từng chi tiết một, lại hỏi ‘anh căn cứ vào chính sách gì’, làm việc kiểu này thì rất mệt mỏi, ví dụ hai con mắt của em mờ đi vì bị quá nhiều hạch sách trong khi làm việc với cấp trên.
Y nói tiếp, đất nước ta đang ở trong giai đọan mở cửa, cạnh tranh, phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, làm ăn với các đối tác nước ngoài để phát triển đất nước cho kịp với ‘người ta’. Các hoạt động kinh tế hay giá cả đều căn cứ vào sự biến động thực tế của thị trường trong và ngoài nước và cụ thể hóa qua đấu thầu cạnh tranh, đàm phán và đi đến hợp đồng. Nhưng không ít người thực hiện thì thường ôm khư khư các chính sách và không hề linh động trước thực tại phát triển của đất nước ta hiện nay. Cụ thể là chuyện nhỏ như vậy thì tổ chức nước ngoài họ quyết ngay, nhưng sao ta không giao cho một cấp duy nhất chịu trách nhiệm để có hiệu quả nhiều hơn trong công tác quản lý mà phải trình qua nhiều cấp cao làm mất rất nhiều thời gian như vậy!
Y buồn, đi lang thang uống cà phê dọc đường, rồi thình lình gặp một cô gái mặc bộ đồ màu vàng, mắt thông minh, đồng cảm với công việc của y, nói tiếng Anh như gió, phọt rất đẹp, thắt đáy lưng ong, da trắng bóc và … thơm phức phừng phực. Quen biết, uống cà phê nhiều lần trên con đường đó, cuối cùng y đã có một người em gái rất ngoan, khi nào 2 người rãnh thì gặp nhau. Được gặp cô ấy và tâm sự với nhau, y thấy rất thư giãn, thoải mái và khi đó y không hề quan tâm đến chuyện phù phiếm ở cõi nhân gian mà chỉ biết vui đùa tâm sự với nàng thôi.
Y nghĩ nếu cứ đi làm việc kiểu như thế này thì có làm ra tiền cũng không hạnh phúc, nếu lỡ có tài thì cũng chưa chắc được trọng dụng, chi bằng rửa tay gác kiếm, về vườn tâm sự cùng các mỹ nhân. Vì chuyện ở trên, y thiết nghĩ là dù sao tiền cũng chỉ là phương tiện, còn tâm sự với mỹ nhân có lẽ mới là cứu cánh!!! 
Thực ra, khi nghe câu chuyện này, hắn biết rằng đại ý thằng em nó nói như sau: nó làm việc mệt mỏi quá trước tiên là về tâm lý, lý do chính không phải là vì công việc nhiều mà là vì nó phải tiếp cận với một hệ thống hành chính quan liêu có tính chất truyền thống; nó muốn nói rằng nó đã đến tuổi không tham gia vào việc bon chen danh lợi bằng cách vui thú điền viên; đặc biệt là cuối đời, nó xem tình yêu như là một ‘cứu cánh’ có thi tính: "Em rất thích câu ‘Yêu nàng quên hết sự đời sắc - không', tình yêu thật là vĩ đại anh nhỉ?" (Sunflower).
Lòng người gợn sóng là chàng
Còn người tĩnh lặng là nàng đấy thôi
Chàng đi theo sóng xa khơi
Đêm ngày lòng vẫn không ngơi nhớ nàng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét