Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

134. Thế nào là xưa, thế nào là nay?


Các bạn ơi, thế là một ngày đã qua, cà phê sáng xong, mình xin viết mấy dòng rồi chuẩn bị đi làm! Cách đây khoảng 2 tháng, có một bạn vào blog của mình, nói là ‘ông ngoại’ của cháu nói là ‘bác viết entry toàn là kể chuyện xưa rích xưa rơ như Krishnamurti, Osho, Hermann Hesse, …, chả lẽ mấy mươi năm nay bác không có đọc sách à?’. Mình đọc xong, trong nháy mắt đã cho bạn ấy vào sổ đen, không cần quan tâm tới nữa, sáng nay khi uống cà phê mình sực nhớ lại trường hợp duy nhất này. Lý do:
* Sáng sớm mình mới vừa mở mắt dậy, đã bị ‘ông ngoại’ phê cho một câu là ‘xưa’ và ‘không đọc sách’, vả lại đó là cái ‘tem’ đầu tiên cho cái entry mới của mình nữa mới bực chứ! Các bạn thử nghĩ là buổi sáng bạn mới bước ra cổng đi làm, có người chê chiếc xe máy của bạn là xưa rồi, xin lỗi, trên đời này thiếu gì người không có xe máy ‘Nhật’ để mà đi, vả lại người ta đi xe máy nào kệ người ta, mắc mớ gì đến ông ngoại! 
* ‘Ông ngoại’ phê thế nào cũng ok, việc phê bình trong blog rất có lợi vì tự ta không thể hoàn chỉnh mình được, nhưng ông ngoại lại bảo viết thế là xưa hay không đọc sách thế này thế nọ. Cái kiểu xưng ông ngoại có vẻ xách mé, hình như đó là một người bạn cũng đã biết mình từ lâu, comt vào blog của mình, xưng là cháu nhưng với cái giọng của ‘ông ngoại’. Mình chợt nhớ Tôn Hành Giả khi đánh nhau với Kim Giác và Ngân Giác, chúng hỏi:
- Mầy là ai mà đến quậy phá 'nhà' của ta?
Tôn Hành Giả trả lời:
- Ta là ‘ông ngoại’ của chúng mầy đây chứ ai. (Trước đó ông ngoại bị đè dưới Ngũ Hành Sơn đến 500 năm mà vẫn chưa chừa!)

* Theo mình, blog còn gọi là ‘nhật ký mở’, chữ ‘mở’ giống như từ ‘open’ trong ‘open question’ (là câu hỏi mở), mình viết blog là cho vui, nếu được là có thêm bạn bè tâm giao, và may mắn hơn là có được ‘tình yêu ảo’ của vài blogger! Mình không dùng blog để nói đụng chạm đến ai, ‘nước sông không động nước giếng’, thế mà có một kẻ xa lạ lại hàm ý ‘xoáy xoay’, đó không phải là quan điểm của mình, nên mình không thích các bạn ạ.
Thực ra:
- Mình mới vừa nhắc đến Thanh Tùng và bài hát ‘Giọt nắng bên thềm’, xưa hay nay?:
Lâu lắm rồi em không đến chơi
Cây sen đã lá bạc như vôi
Sỏi đá rêu phong
Sỏi đá chưa quên chân người
Bài hát rêu phong
Bài hát viết không nên lời
đã vội ... lãng quên
- Mình vừa mới nhận được một comment lúc 19g29, ngày 21/12/2011 viết là "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’ cũng là một nhắn nhủ ân tình của Đức Phật đến mọi người đấy. Ấy thế nhưng thường nhân không làm được việc đó, tuy nhiên biết đi theo ánh sáng của Người thắp đuốc âu cũng là một việc tốt lắm rồi mà. Bạn tự thắp đuốc như vậy thực bội phục!”, xưa hay nay?
- Lá bàng có từ xửa từ xưa, nhưng một chiếc lá bàng mới vừa rụng trước mắt bạn sáng nay, xưa hay nay?
- Cà phê có từ xửa từ xưa, nhưng sáng nay bạn gọi ‘cho tôi một ly cà phê đen nóng’, xưa hay nay?
- Nghe nhạc ‘Bài hát Việt’, nay hay xưa?
- Nghe bài hát ‘Vì đâu mình mất nhau’ do Hiền Thục hát, xưa hay nay?
- Hôm nay mình mở blog của các bạn ra và học hỏi từ các bạn, xưa hay nay? …
Mình ngẫm lại:
- Tư tưởng Phật hay Chúa, Lão - Trang, … có cách đây trên 2000 năm, tư tưởng đó xưa hay là nay?
- Tư tưởng ‘ngộ không’ trong Tây Du ký là xưa hay nay?
- 'Thiền' là xưa hay nay?
- Hình học Lobachevsky và Thuyết tương đối rộng là xưa hay nay?
- Tình yêu trong thơ tiền chiến/nhạc tiền chiến, thơ Hàn Mặc Tử, T.T.Kh, nhạc Trịnh, Phạm Duy, Văn Cao, tiểu thuyết võ hiệp tình cảm của Kim Dung, ..., xưa hay nay?
- Xem hài ‘Hoài Linh - Chí Tài’ là xưa hay nay?
- Tranh hội họa lập thể của Picasso là xưa hay nay?
- Cuốn sách ‘Secrets from the search firm files’ của John Raw là xưa hay nay? (xin lỗi, ông ngoại hiểu chit liền)
- Tư tưởng ‘cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống’ của Steve Jobs cách đây bao lâu?…

Mình thử đặt câu hỏi:
- Mặt trời có cách đây hàng tỉ năm (trên 4,5 tỉ năm), nếu ‘ông ngoại’ cho là xưa thì ông ngoại đừng cần mặt trời nữa thì ông sẽ biết nay là thế nào!
- Quả đất này xưa lắm rồi, ông ngoại có thể tạo ra một hành tinh ‘nay’ để mà sống!
- Kiểu này chắc ông ngoại không bao giờ dùng thuốc bắc hay thuốc nam,  không bao giờ ăn cơm niêu hay lẫu mắm, thậm chí không chấp nhận tình yêu (vì tình yêu có từ ngàn xưa), … 
Cái được gọi là xưa hay nay chỉ có tính chất tương đối, cái mà được gọi là nay chỉ là sự kế thừa của cái xưa, và cái được gọi là nay thì một thời gian sau sẽ trở thành ‘cổ lỗ sĩ’, ví dụ như chiếc xe Honđa 67 đó. Chỉ có người thiển cận, bảo thủ, câu nệ hay tự tôn mới thấy cái biết ‘nay’ của y là cái gì ghê gớm lắm - ghê gớm như hạt muối trong biển cả ấy!

Ngoài ra, cái được gọi là đọc sách thì có vô số cách, không nhất thiết là ta phải ra hiệu sách mua về đọc mới gọi là đọc sách (vả lại không ít những tác phẩm viết ra theo thị hiếu của độc giả/kinh doanh rẻ tiền), ta có thể ngay bây giờ đọc báo Tuổi trẻ/Thanh niên, đọc trong google sẽ có vô số thông tin/sách báo, cuộc họp sáng nay có thể cho ta những tin thời sự rất mới, các blogger có thể cung cấp cho ta những tâm sự rất nóng hổi, ..., đó là học!

…Nói thật các bạn, mình chả xưng mình là kẻ 'ngộ không' hay là ‘ông ngoại’ cái gì cả, mình chỉ đơn giản là nhà gom lá bàng thôi... Con gái ít nói là con gái hay, đàn ông ít nói là đàn ông có 'chất', còn viết nhật ký thì không xếp loại nhiều nói hay ít nói, vì nó là chỗ để tâm sự. Có hai người yêu nhau đã tâm sự suốt đêm mà vẫn chưa hết chuyện đó, phải hẹn đêm khác, rồi đêm khác nữa, hẹn hoài 1001 đêm, vẫn chưa hết chuyện...
Tóm lại, cái này không có xưa đâu:
Lâu lắm rồi em không đến chơi
Anh vẫn nhớ tiếng đàn đấy thôi
Nhạc khúc du dương
Hồn đắm trong cơn nghê thường
Người dáng tiên sa
Làm thổn thức anh bao đêm ngày
Ơi người có hay! (Khúc nghê thường - cảm nhạc Thanh Tùng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét