Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

130. Thư gửi anh bạn già


8g tối, ngày 17/12/2011
Kính gửi anh Cục,
1. Anh à, em rất nhiều lần định rủ anh đến một quán cà phê tĩnh lặng nhưng đủ lịch sự để trao đổi với anh một số quan điểm, nhưng hình như em không bao giờ nhìn thấy ở anh cơ hội đó, chắc là anh chỉ lo suy nghĩ về bản thân anh mà không bao giờ quan tâm đến tâm sự của một thằng em mà anh cho là cấp dưới (!).
Trước khi tâm sự, em xin nói rằng anh là người lớn tuổi hơn em và là bậc tiền bối (có khả năng là ‘thầy’ của em!), nên mọi thái độ cư xử của em đối với anh là với tư cách của một người em hẳn hoi. Dù sao đi nữa, ‘lễ’ là rất quan trọng mối quan hệ của chúng ta, cũng không phải là vô lý khi Khổng Tử lấy ‘lễ’ là hàng đầu trong việc kết nối trật tự của các hoạt động xã hội có-trên-có-dưới.
2. Trước tiên, khi nói chuyện với nhau, chúng ta hãy xác lập quan điểm tổng thể, vì nếu em mới vừa mở miệng ra mà anh lấy cái chi tiết vụn vặt không có nền tảng hay là triết lý vụn của anh để hành hạ, để ‘xoay’ hay ‘xoáy’ em thì cho dù chúng ta có nói chuyện 10 năm nữa cũng không đạt kết quả gì và do đó anh cũng chỉ mang được những thành kiến ‘thiển cận’ của anh xuống nấm mồ một cách vô ích mà thôi.
Quan điểm đó là gì? Con người ta sống để làm gì? Em cũng được biết là anh chưa hề biết hay chưa suy nghĩ tới nơi tới chốn về thiền là gì, Phật là gì, Chúa là gì, Khổng-Mạnh là gì, Lão-Trang là gì, …, nên việc trao đổi với anh sẽ rất là khó khăn. Thôi, tạm nói nôm na vài chuyện thực tế với anh dưới đây, anh à, ... chắc khó mà từ chối là chúng ta cơ bản có 3 mục tiêu là gia đình/bản thân, công việc và tình nghĩa (bạn bè). Em không dám xác định là cái nào là quan trọng nhất.
Đối với tuổi của anh, chỉ trong vòng 1-2 năm nữa, anh phải về nhà với bà vợ già (con cái anh đã có gia đình và sinh sống ở nơi khác), đó là cái đích cuối cùng của anh, lá rụng thì về cội, anh không thể chết ở cái xứ mà anh phải tha phương cầu thực cách nhà anh rất xa. Gia đình là tổ ấm, là nơi mà cuối cùng một con người mệt mỏi, cô đơn, bị ‘thương tích’ hay già cỗi đối với cuộc đời vô thường này muốn về trú ẩn. Nói cho cùng, công việc hay tình nghĩa bạn bè cuối cùng cũng phải quy về chỗ đó - tức là gia đình.
Công việc hay nói cách khác là làm ăn để kiếm tiền, chúng ta nên quan niệm như thế nào? Mọi người đến công ty là để làm ăn, chúng ta cùng chia chung một nồi cơm, điều này có nghĩa là mỗi người đến đây để kiếm một phần ‘nồi cơm’ về nuôi vợ nuôi con/gia đình. Anh không thể, là xếp, xem cái 'nồi cơm' đó là của riêng anh mà mỗi lần duyệt chi cái gì cho cấp dưới thì anh cũng hành hạ họ như là kẻ nô lệ hay làm cho họ phải bực tức buồn khổ, rồi lúc đó anh mới hài lòng hả dạ và rên lên sung sướng mà ký duyệt. Nói vậy chắc anh hiểu, tiền là tiền của dân mà anh chỉ là người đại diện điều tiết cho đúng luật và có tình có nghĩa, anh cũng nên nhớ rằng khi anh hết làm xếp thì có người khác sẽ thay thế anh làm chủ tài khoản.
Chắc anh sẽ về nhà hay sẽ ‘ra đi’ rất sớm (đừng nói là em trù ẻo anh), khi đó anh còn lại cái gì? Khi anh từ biệt cơ quan để về nhà suốt đời, chắc mấy người trong cơ quan cũng tổ chức một bữa liên hoan nhỏ và tặng cho anh một món quà lưu niệm có tính chất ngoại giao ‘an ủi’, nhưng khi đó trong lòng họ nghĩ ‘cái thằng cha nhỏ mọn khó tính này cút đi sớm cho rảnh việc!’. Khi anh về hưu, anh nghếch dài cái mõm của anh ngóng ra ngoài cửa mà chờ ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, …, chả có cấp dưới nào thèm gọi điện cho anh vì họ không nhớ anh, mà nếu có nhớ thì họ chỉ nhớ về một thằng già vô tình vô nghĩa, ích kỷ, keo kiệt, nhỏ mọn, tự cao tự đại, độc tài và quan cách.
Vậy tiền bạc hay xếp xiếc có quan trọng ‘số một’ như anh nghĩ không, khi anh giống như một chiếc lá vàng khô trước gió, có thể rụng bất cứ lúc nào. Nếu anh chết bất thình lình trong khi đang làm việc hay sau khi về nhà, thì anh cũng chỉ là một con số không to tướng, khi đó xếp xiếc, tiền bạc, gia đình và mọi cái thứ ‘thị dục huyễn ngã’ khốn nạn của anh sẽ lập tức đi vào cõi hư vô. Vậy cuối cùng anh còn để lại cái gì trên đời này? Chắc anh cũng không đến nổi thiếu óc để hiểu khái niệm tình nghĩa là quan trọng như thế nào.
3. Chi tiết hơn, chắc khi đụng đến tiền bạc thì anh đa nghi như Tào Tháo là cấp dưới có lừa anh không, có kê thêm bớt cái gì không, có ăn bớt hay ăn xén không. Tất nhiên ở đời phổ biến là như vậy, ai mà không muốn có tiền. Nhưng nếu anh nghĩ vậy thì vô tình, thứ nhất là anh đã suy bụng ta ra bụng người, vì anh có đầu óc tham tiền nên anh nghĩ là ai cũng tham tiền như anh; thứ hai là anh có một sự nhầm lẫn vô cùng tai hại anh ạ, anh đã sĩ nhục người khác, không phải ai ở trên đời này cũng thích tham nhũng/hối lộ mà nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để ăn cắp tiền của nhà nước đâu anh ạ, anh nên nhớ rằng có không ít người làm việc vì quan tâm đến thân phận của hàng triệu người dân nghèo khổ và sự tiến bộ của xã hội. 
Còn thế nào là cấp trên và cấp dưới? Chả qua đó là sự phân công của xã hội mà trong một môi trường nào đó anh là xếp nhưng trong một môi trường khác anh chỉ là nhân viên. Chắc anh cũng hiểu điều đó, nếu vào cơ quan nhà nước khác, may lắm họ cho anh làm cố vấn quèn hay là bảo vệ vì anh quá già rồi và đặc biệt là vì anh không có tư chất của một nhà quản lý hay lãnh đạo. Anh được là xếp chẳng qua là chuyện ‘chó ngáp phải ruồi’ thôi anh ạ, và vì không biết cách quản lý lãnh đạo anh nên anh chỉ có một cách duy nhất là tôn anh lên bằng trời và hành hạ cấp dưới mà thôi. Anh đừng nghĩ rằng ai cũng ham làm xếp như anh, có vô khối nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, nhà khoa học, … , họ không màng thứ hư danh phù phiếm đó mà họ chỉ thấy hạnh phúc khi sáng tác hay làm chuyên môn thôi anh ạ. Anh cũng thừa biết là ông Einstein mặc dù lãnh lương của chính phủ Mỹ, nhưng chớ tưởng rằng ông ấy là ‘cấp dưới’ của Tổng thống Mỹ Roosevelt, khoa học có chỗ đứng độc lập của nó anh à, khoa học tự nó không phải là nô lệ cho cái mà anh vênh mặt lên xưng mình là xếp xiếc gì đó.
Thế nào là xài tiền? Anh à, em có làm việc với một người Hà Lan, nhiều lúc y có thể đi taxi đến cuộc họp và ra về hết 300.000đ, nhưng y chỉ đi xe ôm hết có 100.000đ, y có quyền đi taxi chứ, chắc chắn cơ quan sẽ thanh toán mà, nhưng y không muốn tốn tiền bạc của những người lao động làm ra. Theo em, không cần nói dài dòng về lòng yêu nước, lòng yêu nước - đó là tiết kiệm tiền bạc mà là giá trị kết tinh mồ hôi xương máu của nhân dân lao động đã vô cùng vất vả để tạo ra nó. Chắc anh không bao giờ để ý đến điểm tích cực đó từ cấp dưới vì anh quá mê say đề cao bản thân anh.
Có thể anh có tham nhũng hay không có tham nhũng, nhưng anh chớ nghĩ ai là cấp dưới của anh cũng rình rập để tham nhũng. Anh đã sai lầm lớn, anh chớ vơ đũa cả nắm, rất nhiều người cho tham nhũng là hiển nhiên, nhưng cũng có không ít người cho tham nhũng là tự hạ thấp giá trị, nhân cách và lòng tự trọng của con người, đặc biệt là tự làm nhục chính bản thân mình. Và chắc anh cũng thừa biết, tham nhũng làm tha hóa thế hệ trẻ chung quanh chúng ta, ‘1’ khối lượng từ tham nhũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến 100 hay 1000 lần cho xã hội, tham nhũng làm tha hóa ít nhất là trên 2 thế hệ, có nghĩa là nếu chúng ta nghiêm túc bắt đầu thực hiện xóa tham nhũng ngay từ bây giờ thì phải mất ít nhất là trên 50 năm nữa thì may ra ta mới có một thế hệ trẻ tương đối ‘sạch’.
Em thử hỏi anh, nếu em đi làm việc với cấp trên, em phải chi 1 triệu đồng tiếp khách thì ai thanh toán, công ty phải không, chắc anh không phản đối. Như vậy là việc thành bại của các hoạt động công ty là trách nhiệm của tập thể công ty kể cả anh, cớ sao khi thành công thì anh vồ hết về cho mình, còn khi thất bại thì anh đổ hết mọi tội lỗi lên đầu cấp dưới, trừ anh!
Anh bây giờ già đanh cú đế rồi, mới có một cái nhà chả ra hồn, đó là trời thưởng ‘xứng đáng cho cái tài năng’ của anh, mới có như thế mà cái mặt anh nghếch lên tới trời rồi. Thật là may mắn cho dân công ty chúng em, nếu mà trời cho anh vài cái nhà 4-5 tầng ở mặt tiền, đi xe ô-tô Camry láng coóng, tài khoản thì ở ngân hàng Thụy Sĩ, với cái tính của anh, chắc bây giờ đi đâu anh cũng ba hoa xích thố và coi mọi người không bằng nửa con mắt rồi.
Anh luôn luôn nói rằng ‘tôi nói là phải đúng’, xin lỗi, phải nói là anh mắc bệnh vĩ cuồng mới đúng, vì anh không có đủ óc để biết rằng ‘cái mà anh nói là anh biết là anh chả biết được bao nhiêu, còn người nói không biết mới là người biết, vì chỉ có người biết mới biết những gì mà mình không biết’. Còn nữa, anh nói anh là ‘số một’, cái gì anh cũng biết hết, cũng giỏi hết, xin lỗi, cái ngữ anh ‘rặn’ 7 ngày chưa chắc ra được một trang, anh thử nhờ ai mở cho anh một cái blog rồi anh cho cái entry với mấy dòng ‘cứt ỉa bón’, thiển cận và vô nghĩa của anh vào đó thì có ‘ma’ sẽ đọc cái entry đó của anh đấy!
Cuối cùng, thay mặt các bạn trẻ, em xin chúc anh mạnh khỏe, nhưng thú thật em không chúc anh sống lâu. Thế hệ trẻ đã học được tính khiêm tốn, tiết kiệm, ‘làm việc vì chúng ta chứ không phải là vì tôi’, đã học được kỹ năng ‘hội nhập’, …, nên em không muốn cái ‘tôi’ thiển cận của anh đè lên hết tất cả cái khát vọng sáng tạo của các bạn đó.
Một lần nữa, 'em xin cám ơn anh Cục, vì có anh, em mới thấy cái đẹp, cái hay, cái dễ thương, cái nhân ái... của những người khác'.
Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét