Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

52. Sự đau khổ và không-thời gian


Nằm trong phòng, ngước nhìn lên trần nhà, một không gian hoàn toàn im ắng chung quanh hắn. Hắn nằm nhìn khói thuốc bay lên, gần đó có một bức tranh có hình một cô gái trẻ, chắc là người phương Tây, da trắng, mắt sáng ngây thơ, đầu có quàng một chùm hoa, tóc dài xoả đến nửa ngực, ngực hở một phần ba, mặc áo đầm, ... Định với tay lấy cái điện thoại để xem giờ, bỗng hắn dừng lại, không biết mấy giờ, chắc là khoảng 1g hay 5g sáng gì đấy.

Nói đến không-thời gian, chắc người ta liền liên tưởng đến Vật lý học,Toán học hay Triết học, …, nhưng không-thời gian không chỉ hạn chế trong các khoa học đó. Nói đến đau khổ là đang gián tiếp nói đến hạnh phúc, nó giống như 2 đầu của một quả cầu, đầu này của quả cầu là đau khổ, thì khi quả cầu quay, lại xuất hiện đầu kia của quả cầu là hạnh phúc, đau khổ và hạnh phúc là 2 mặt của một vấn đề và là ‘một’. Nói nôm na, ngày và đêm là ‘một’.
Khi người ta đau khổ, người ta nhìn thấy một con chim đang bay tự do trên bầu trời, y thấy con chim là hạnh phúc, y ước gì mình được là con chim tự do đó; y thấy con cá bơi lội tung tăng dưới nước, y ước gì mình là con cá ‘vui vẻ’ đó; y ngắm nhìn đại dương bao la sóng vỗ rạt rào như một người mẹ vĩ đại với vòng tay êm ái dịu hiền, y ước gì mình được hoà mình vào lòng đại dương mênh mông ‘không hạn chế’ đó; y ngắm nhìn lên bầu trời và muốn tâm hồn mình nhẹ nhàng, khoáng đạt, vô tư và mênh mông như mây trời, …
Con chim, con cá, đại dương hay mây trời, vì không hề biết đến không-thời gian, nên chúng hàm chứa ‘hạnh phúc’. Nhưng con người, vì biết đến không-thời gian, nên y đã bị hạn chế, và do đó y bị trói buộc vào sự đau khổ.

Hắn kể ra một số câu chuyện mà hắn đã xem lâu lắm rồi, chủ yếu dẫn ý thôi chứ không đi vào sự chính xác từng lời hay từng câu của câu chuyện.
Trương Vô Kỵ (trong ‘Ỷ thiên đồ long ký’) luyện thành công ‘Cửu dương thần công’, luyện xong ‘Càn khôn đại nã di tâm pháp’ trong một thời gian ngắn, trở thành Giáo chủ Minh giáo và rồi Minh chủ võ lâm cũng trong một thời gian không lâu, cuối cùng lấy được người yêu thông minh, ‘ngộ đời’ và xinh đẹp tuyệt vời là Triệu Minh. Y không phải là học võ công cao siêu cho nhanh để cứu Minh giáo, cũng không có kế hoạch là nhanh chóng trở thành Giáo chủ Minh giáo hay Minh chủ võ lâm và cũng không xác lập mục tiêu là sở hữu Triệu Minh. Y không quan tâm là y sẽ thành công hay thất bại khi nào và ở đâu, chính vì vậy mà tư tưởng và hành động của y không bị ‘hạn chế’ và y thành công không ngờ, tựu trung là vì y không quan tâm đến không-thời gian.
Chu Bá Thông (trong ‘Anh hùng xạ điêu’ và ‘Thần điêu đại hiệp’) là một đại biểu xuất sắc của người không quan tâm đến không-thời gian. Y vô tư, luôn có tính tình trẻ trung như con nít, sống lâu, sáng lập ra môn võ công cao thâm là ‘Không minh quyền’, không biết mùi danh lợi là gì (mặc dầu sau này được xếp trong Võ lâm ngũ bá) và đặc biệt là không biết đến đau khổ.
Có một người đến thăm một ông bạn nọ là ‘Bá tước’. Khi y đến nơi thì ông Bá tước đi săn, 2-3 tiếng đồng hồ sau mới về. Y bèn lấy một miếng lá chuối và thắt một cái kèn mà thổi chơi. Khi ông Bá tước về thì thấy nét mặt của y vẫn khoan thai, vui vẻ và tự nhiên mà không có biểu hiện gì của một kẻ chờ đợi lâu mà sốt ruột. 
Có một ông Tiên ở trên Thiên đình, làm bể một cái ly ngọc của Thượng đế. Sợ bị ngài phạt, ông ấy bèn giấu cái ly bể sau lưng và hỏi:
- ‘Tâu Thượng đế, con người cuối cùng sẽ đi về đâu?’.
Thượng đế trả lời:
- ‘Sẽ chết”. 
Ông tiên lại hỏi:
‘Thế còn mọi sự vật cuối cùng sẽ đi về đâu?’.
Thượng đế trả lời:
- ‘Sẽ kết thúc’.
Ông Tiên liền đưa cái ly bể ra và nói:
- ‘Vậy cái ly này đã đến lúc kết thúc, tâu Thượng đế’.
Cuối cùng ông ấy vô tội.
Lại có một câu chuyện hơi đặc biệt. Có một anh chàng bị bệnh rất nặng, bác sĩ bảo vài tháng nữa là y sẽ chết và y phải kiêng cử thuốc lá, rượu chè, bài bạc, quan hệ nam nữ. Biết mình không còn gì để mất, y bèn lên một chiếc du thuyền và tham gia tất cả moi thú vui trên đó, không có giới hạn cái gì hết. Thế mà y không chết như bác sĩ nói mà lại sống lâu thêm vài năm nữa. Có lẽ, cái mà y đạt được là do có trạng thái tâm lý thoải mái, hay triết lý hơn, là y đã không quan tâm đến không-thời gian.

Bạn hãy đốt một điếu thuốc, để lên cái gạt tàn, khói thuốc bay lên tự do tự tại, điếu thuốc tàn, nó đã ‘hoàn thành nhiệm vụ’ mà không biết đó là hoàn thành nhiệm vụ, nó không ‘quan tâm’ đến không-thời gian. Nhưng là con người, phải làm việc, làm việc đúng giờ, làm mấy giờ trong ngày, làm mấy ngày trong tuần, khi nào xong, ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ cá nhân còn phải chịu bao nhiêu áp lực của ‘xếp’ hay đối tác, … Con người phải chạy theo thời gian chứ, nếu không thì lấy gì mà sống, mà lo cho bản thân, gia đình, bà con bạn bè, và phát triển đời sống vật chất cũng như tinh thần, làm sao ta có thể không quan tâm đến không-thời gian được!
Tuy nhiên, đọc qua bài này, hắn thấy bạn có thể áp dụng và kiểm nghiệm được, trong cuộc sống, không thiếu gì người đã có phong cách sống như vậy, trong đó không ít người cũng thành công không kém những người bận rộn khác. Nếu nhìn thoáng, dưới một góc độ nào đó, thì người không quan tâm đến không-thời gian thường mạnh khoẻ hơn, hạnh phúc hơn, ăn được, ngủ được và quan hệ tình dục tốt hơn. Chắc có lẽ vì thế mà một ông vua, đứng trên một toà lâu đài cao nhìn xuống một ông nông dân và thấy rằng ông nông dân đó hạnh phúc hơn mình rất nhiều.
Bạn đã từng uống cà phê phin, cà phê nhỏ từng giọt, từng giọt, cho đến khi bạn có ly cà phê để uống, tại sao ta phải vội, vội thì làm gì có cà phê ngon mà uống, vội có giải quyết được cái gì đâu. Khi trời mưa to thì cố gắng đừng ra ngoài, ‘trời’ đã không cho làm mà cố gắng làm thì có thể lợi bất cập hại. Hắn có quen mấy người Hà Lan, cứ thứ Bảy và Chủ nhật là họ vào rừng, tắt điện thoại di động, họ nghỉ ngơi hoàn toàn, không nghĩ đến công việc, đến 8g sáng thứ Hai mới thấy họ xuất hiện, nhưng họ làm việc rất siêng năng và có năng suất cao đấy bạn ạ, ...

…Nghe tiếng loa phóng thanh phường kêu ‘tíc..tíc..tíc..tíc..’, hắn với tay mở cái điện thoại, 6g rồi, đi uống cà phê thôi. Hít vào tận lồng ngực một làn hơi thanh mát của ban mai, hắn cảm nhận một làn gió nhẹ làm lay động mấy lá bàng, có tiếng chim con ‘chim chíp’ đâu đây, mấy con ong đã sớm đi hút mật vờn quanh mấy đoá hoa vàng, bà chủ quán ra bán cà phê, cha mẹ chở con đi học, anh xe tải đi chở hàng, … Gió có ‘nhiệm vụ’ của gió, chim có ‘nhiệm vụ’ của chim, ong có ‘nhiệm vụ’ của ong, hoa có ‘nhiệm vụ’ của hoa, bà chủ quán cà phê, cha mẹ, con cái và anh xe tải có nhiệm vụ của mỗi người.
Con người là một con vật biết suy nghĩ và là một sản phẩm của tự nhiên, không lẽ sự vận động của con người lại ‘nhọc nhằn’ hơn và lại có sự khác biệt lớn so với các sự vận động khác của tự nhiên?
Bạn hãy nhìn một dòng sông, bạn đang đau khổ hay đang lo lắng cho công việc làm lúc nào, ở đâu, thành công hay thất bại, còn dòng sông mấy ngàn năm nay vẫn chảy, thế thôi.

(7g sáng, ngày 31/8/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét