Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

51. Con người và vĩ nhân - Mộng vĩ cuồng

Trước đây, Pascal đã nói ‘Con người là một cây sậy biết tư duy’. Gần đây, có người nói ‘Con người là một con vật mà không bao giờ chịu nhận mình là con vật’, hay cũng mới đây, có người nói ‘Con người là một con vật biết suy nghĩ'.

*
Thiển nghĩ, khái niệm ‘tư duy’ của Pascal cao quá, vì tư duy chắc không phải là những suy nghĩ bình thường như ăn cái gì, ngủ ở đâu, biết cãi nhau bằng ngôn ngữ…, mà là những suy nghĩ sâu, có cân nhắc lựa chọn phương án…, mà con người có bao nhiêu phần trăm là thật sự suy nghĩ sâu, đề ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án (tối ưu)! Thực ra nhận xét như vậy cũng không đến nỗi quá đáng, con người thời tiền sử khi đến lúc có trao đổi bằng ngôn ngữ hay lúc bắt đầu có chữ viết thì nói là ‘tôi nghĩ’ thế này thế nọ, chứ làm sao mà nói là ‘tôi tư duy’. Hay là ông Descartes nói ‘Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại’, trong đó xem tư duy như là một động từ và đồng nhất tư duy với suy nghĩ! Và chắc có sự khác biệt giữa suy nghĩ và tư duy, dưới giác độ triết học thì tư duy là một phạm trù triết học và là một danh từ, vì thế người ta có ‘tư duy trừu tượng’, ‘tư duy lô-gíc’, ‘tư duy phản chứng’, ‘tư duy triết học’… Quan điểm thứ hai, mới nghe có người cười ha hả, nhưng tựu trung là rất có lý và hàm chứa tính phê phán tích cực, thì con người là ‘con vật’ nhưng có mấy khi chiụ nhận cái sai lầm/cái xấu của mình. Còn quan điểm thứ ba nghe có vẻ phù hợp hơn, thì đúng rồi, con người nên hiểu thấu đáo rằng mình cũng là con vật với các mặt xấu/tốt và đặc tính của động vật, và biết suy nghĩ để phát huy mặt tốt và cải thiện mặt xấu của mình.
*
Con người là con vật biết suy nghĩ, nhưng cũng đau lòng thay, kể từ khi con người biết suy nghĩ, thì mặt xấu ngày càng phát sinh bên cạnh những thói tốt hầu như cố hữu. Động vật cũng phải cạnh tranh giành giật để sinh tồn một cách tự nhiên, nhưng không phải là kẻ ‘trộm cướp’ của đồng loại có một cách có ý thức, chữ ‘trộm’ hay ‘cướp’ là dùng để ám chỉ con người mà thôi, từ ‘trộm cướp’ ở đây còn có một nghĩa rộng hơn nhiều, như bành trướng bá quyền hay xâm lược chẳng hạn. Nhiều người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng thì lại có thể xấu xa, thâm hiểm và độc ác hơn là những con người bình thường ít học; kẻ mắc bệnh vĩ cuồng (vd: Hitler) thì thật sự vô cùng tai hại; ngay cả hoàng đế/lãnh tụ cũng có nhiều khả năng gây chiến tranh hay tội ác...
Cũng khó mà không thừa nhận rằng, từ khi Chúa, Phật… giáo dục con người hành thiện, thì tội ác lại sinh ra nhiều hơn, người vô tội chết nhiều hơn, bệnh tật nhiều hơn thậm chí nảy sinh ra những bệnh tật mới lạ không chữa nổi, thiên tai nhiều hơn (động đất, sóng thần…), thiên nhiên bị tàn phá nhiều hơn, động vật bị diệt chủng nhiều hơn, vũ khí hủy diệt hiện đại hơn và nhiều hơn, chiến tranh nhiều hơn thậm chí xảy ra trên quy mô lớn hơn...  Chính con người mới là kẻ duy nhất mà có khả năng sẽ diệt chủng một hay nhiều loài trong thế giới động vật, chứ chính thế giới động vật mặc dù đấu tranh để sinh tồn nhưng không diệt chủng loài nào. Con người không bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng cái tôi duy ngã/cái tự tôn/vĩ cuồng của mình, thậm chí nhân loại sẽ bị hủy diệt bởi chính mình chứ không phải bởi thượng đế, và đó là cái giá mà con người phải trả cho tham vọng của mình. 
Xưa nay, có nhiều người nói thà sai lầm còn hơn là không tin con người, nói chung là có tính cực về mặt học hỏi rút kinh nghiệm, nói riêng có lẽ là những kẻ đó có thế mạnh về nhiều mặt, nên nếu như có sai lầm thì y không bị ảnh hưởng nghiêm trọng lắm, còn kẻ thảo dân chỉ cần sai lầm tin vào người xấu một lần, một lần thôi, thì cũng có khả năng tán gia bại sản hay hối hận suốt đời. Chả ai muốn bị lừa cả. Một Mỵ Nương (hay An Dương Vương) lầm tin Trọng Thủy đã làm cả ‘cơ đồ đắm biển sâu’. Tào Tháo vì nghe lời Bàng Thống (xui khóa thuyền) mà 83 vạn quân tiêu tan trong biển lửa, y là kẻ đa nghi không tin ai cả mà còn bị lừa một cách thê thảm và tí nữa thì bị mất mạng…
*
Vì ba quan niệm về con người như đã nói ở trên, người viết có mục tiêu là chỉ ra đã là con người thì ngoài mặt tốt, phải có sai lầm, đặc biệt là phải cảnh tỉnh với mặt xấu, đồng thời chỉ ra người tự tôn hay người tự xưng là vĩ nhân là nặng tính duy ngã và tầm thường như thế nào…
Ngoài ra, theo ý kiến của người viết, con người sống ở chế độ nào thì phải theo chế độ đó, sự vinh nhục của một quốc gia hay một dân tộc là một phần trách nhiệm của các cá nhân. Việc nói xấu một chế độ, chẳng hạn, thiết nghĩ không phải là khó, nhưng việc có trách nhiệm trước vinh nhục của dân tộc hay quốc gia hay không thì đúng mới là chuyện đáng bàn. Người viết cũng yêu thích một thái độ khách quan, đặc biệt là trong những luận bàn riêng tư dưới đây, ngược lại không thích những thành kiến hay thiên vị quá đáng hay lồng ghép thái độ chính trị cực đoan, lịch sử là lịch sử. Sống ở đời thì bị chê khen là chuyện thường, thậm chí bị chê là nhiều hơn là được khen, dù sao cũng cần nhắc lại một lần nữa rằng con người không phải là thánh.
*
Con người liên quan đến vĩ nhân như thế nào? Nói vĩ nhân là gì, thật là khó. Để xác định trước khi một người đề cập đến vĩ nhân, trước tiên hãy tự hỏi là người ấy có biết phép biện chứng không, hay ở Việt Nam hiện nay, có hiểu ‘thấu đáo’ chủ nghĩa duy vật lịch sử không? Ở đây, người viết không dám nói rằng mình đã ‘hiểu’, mà chỉ tham gia câu chuyện một tí thôi.
Các ‘vĩ nhân’ như Phật, Chúa, Khổng tử, Lão tử , Trang tử, Aristotle, Platon, Archimède, Democrite, Einstein, Newton, Shakespeare, Homère, Copernic, Galiléo, Beethoven, Michelangelo, Picasso, Pythagore, Descartes…, ta thường biết, ở đây không nhắc nữa. Thực ra, người ta thường không xếp Phật, Chúa là vĩ nhân, vì tầm cỡ của các Ngài không hạn chế trong khuôn khổ của một vĩ nhân.
Nói nôm na, vĩ nhân là người có tác động làm biến đổi to lớn đến lịch sử phát triển hay tư tưởng của nhân loại, trong đó có đem lại hòa bình cho dân tộc/nhân loại, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc và quyền con người cho dân tộc/nhân loại, hay có đưa ra những sản phẩm sáng tạo về khoa học, kỹ thuật hoặc nghệ thuật cho nhân loại hay một bộ phận lớn của nhân loại với một quy mô vượt không gian và thời gian. Cũng cần lưu ý là ‘người khổng lồ’ thì chưa chắc đã là vĩ nhân, danh nhân văn hóa/danh nhân thế giới mặc dù được quốc tế công nhận, nhưng chưa hẳn đã là vĩ nhân. Cũng cần có sự phân biệt giữa nhân tài và thiên tài, thiên tài chưa chắc là vĩ nhân.
*
               
             Hình: Albert Einstein (1879 - 1955)             
Nói như trên thì Bill Gates không phải/chưa phải là vĩ nhân, may ra thì ông ta là ‘người khổng lồ’, vì cái mà ông ta làm được, đồng ý là rất có giá trị, nhưng không đến nổi có tác động làm biến đổi to lớn trong việc phát triển của lịch sử của loài người.
Những người nằm trong danh sách 10 tỉ phú đứng đầu thế giới, hay 10 người có quyền lực nhất trên thế giới, hay người đàn bà đẹp nhất trong nhân loại từ xưa đến nay cũng không phải là vĩ nhân.
Tổng thống Mỹ Obama cũng chưa chắc sẽ là vĩ nhân.
Đặng Tiểu Bình (giải Nobel), Ngô Bảo Châu (giải Fields) là nhân tài có thể ở phạm vi quốc gia hay quốc tế, nhưng chưa chắc là thiên tài.
Nguyễn Du, Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới, là thiên tài nhưng chưa hẳn là vĩ  nhân...
Người ta có thể cho vua Khang Hy hay Càn Long là vĩ nhân, vì những thành quả mà 2 ông đem lại cho dân tộc Trung quốc là quá lớn kể về mặt chính trị lẫn và văn hóa, và có tác động đến một bộ phận của thế giới trong một thời gian dài, dĩ nhiên 2 ông cũng có một số nhược điểm nhưng xét trên toàn cục lại không chiếm tỉ trọng cao. 
Trần Hưng Đạo có thể được xem là vĩ nhân, mặc dầu là đặc dị trong phạm vi quốc gia, nhưng về phương diện quốc tế thì ông ta là người có một không hai, đó là người đã 3 lần tổ chức đánh thắng quân Nguyên Mông mà vó ngựa của họ chưa bao giờ ngừng lại bất cứ ở đâu trừ Việt Nam. Nếu không nhầm thì trong một cuốn Lịch sử thế giới (người viết đã đọc tại Thư viện Đà Nẵng năm 1976), người ta đã dành nhiều trang để nói về các chiến công này.
Có thể người ta cho Napoléon là vĩ nhân, điều này cũng có tính chất ‘nhượng bộ’ vì người ta tạm bỏ xét qua về mặt đạo đức, người ta xét về mặt mạnh của ông, vì ông có những sáng tạo về luật (biên soạn Bộ luật Napoléon) mà góp phần vào nền tảng luật cho nước Pháp và thế giới sau này, đặc biệt ông là một trong những thiên tài về quân sự của nước Pháp và của nhân loại. Vả lại cũng cần nói thêm, vì ông là người Pháp, Pháp là một nước phát triển thuộc lại top-ten trên thế giới mà có tiếng nói ‘mạnh’ trên trường quốc tế trong hàng bao thế kỷ qua, nên người ta ‘phải tạm’ chấp nhận là như vậy, chứ ở phương Đông có Khổng Minh, Tôn Tử, Nhạc Phi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp… mà tài năng quân sự có kém gì ông ta! Nếu nói ông ta là vĩ nhân riêng trên bình diện quân sự thì có khả năng đúng hơn.
Tương tự cho Tần Thủy Hoàng, người ta tạm bỏ qua yếu tố ‘đạo đức’. Có biết bao nhiêu người dân phải lầm than rên siết dưới thời đại của ông ta, nhưng người ta chỉ xét công lớn của ông trong việc thống nhất một đất nước Trung Hoa rộng lớn trải qua bao nhiêu cảnh ‘nồi da xáo thịt’ suốt từ tời Xuân Thu qua thời Chiến Quốc, và xét việc... ‘ông’ đã để lại cho nhân loại một kỳ quan thế giới, đó là ‘Vạn lý trường thành’!
Tương tự cho Thành Cát Tư Hãn...
*
Ngoài ra, cũng có một vài người được ‘phong’ là vĩ nhân có tính chất gượng ép, vì họ có cương vị có tác động lớn trên thế giới hay là lãnh tụ quá đặc dị đối với thế giới, lại thuộc một nước lớn, đông dân, hay nước ‘đặc biệt’, ‘mị’ dân, nên người ta hiện nay chưa thể xét sâu đến thôi.
Mặc dầu Voltaire với một bộ óc có thể xem là ‘vĩ đại’, nhưng theo người viết, cũng không thể xem là vĩ nhân vì ông coi thường người da đen và có dấu hiệu phân biệt chủng tộc.
Thật là sai lầm khi có không ít người, trong một khuôn khổ nào đó, xem Hitler là ‘vĩ nhân!’ về tổ chức và quân sự vì y có tác động quá lớn đối với thế giới và hễ còn lịch sử loài người thì còn có tên y (huậy ra và chủ động cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2), nhưng lưu ý rằng y cũng là một Satan của nhân loại.
Cũng cần nhắc lại, việc hiện nay nhiều người xem Thành Cát Tư Hãn, Alexandre Đại đế, Napoléon, (Hitler)… ‘cái được gọi’ là vĩ nhân, nhưng xét về quan điểm biện chứng của lịch sử, vô hình chung người ta đã và sẽ muốn ‘người sẽ gây nên một cuộc đại chiến thế giới lần thứ 3 sẽ là... vĩ nhân!’.
*
Sau đây, tạm phân tích thêm một số đặc tính có liên quan đến vĩ  nhân :
- Một trong những đặc tính của vĩ nhân là khiêm tốn và, đặc biệt là không bao giờ nghĩ mình là vĩ nhân, hay không hề biết mình là vĩ nhân (Einstein), vĩ nhân là do đại đa số của loài người xác định.
- Kẻ tự xưng mình là vĩ nhân thì lại càng không phải là vĩ nhân, vì ai mà không biết chuyện ‘thùng rỗng kêu to’. Kẻ mắc bệnh vĩ cuồng đó, có thể không rỗng, nhưng chắc chắn là y chưa hiểu đến nơi đến chốn nhiều vấn đề mà các vấn đề đó cần phải xét toàn diện nhiều khía cạnh bao hàm trong tính biện chứng của lịch sử.
- Nếu con người tự xưng mình là vĩ nhân do ‘thị dục huyễn ngã’, ‘tính tự tôn’, hay ‘tính duy ngã’ thì nói cho cùng, kẻ đó là quá tầm thường.
- Vĩ nhân cũng không được xét đến là bao nhiêu người chung quanh sùng bái ta, vì số người không sùng bái ta thì rất rất nhiều.
- Cái việc muốn cho mình là minh chủ võ lâm hay anh hùng thiên hạ vô địch, nếu nhìn kỹ thì chỉ là tính duy ngã, tham vọng, tự tôn và nghiện quyền lực mà thôi, chắc chắn quá xa lạ với đặc tính của một vĩ nhân. Nếu không nhầm, Tào Tháo hay ‘Nhậm Ngã Hành’ cũng tự xem mình là vĩ nhân đó.
- ‘Tâm sự/cãi nhau’ với vĩ nhân hay so sánh mình với vĩ nhân, thì chưa chắc là kẻ không tầm thường. Thử đặt câu hỏi là các vĩ nhân tâm sự với ai và thường so sánh mình với ai? Khi Newton phát minh ra định luật vận vật hấp dẫn thì ‘tâm sự’ với ai ? Einstein sáng tạo ra thuyết tương đối thì ‘tâm sự’ với ai ? Hay Ăng-ghen khi viết ra cuốn ‘Phép biện chứng của tự nhiên’ là ông ta có phải ‘tranh luận’ với vĩ nhân hay so sánh mình với vĩ nhân? ... Thoạt nghe thì ‘tranh luận’ với vĩ nhân thì có lẽ đúng, nhưng ta có thể nói là ta nên ‘đối chất’ với những người giỏi hơn ta, hay với những người khổng lồ, hay thậm chí với những người bình thường nhưng có ý kiến sáng tạo hay độc đáo - nó bày tỏ một thái độ khiêm tốn, mà khiêm tốn chính là biểu hiện của sự hiểu biết hay của trí tuệ.
- Đâu có cần nói cái gì cũng đụng đến 2 từ ‘vĩ nhân’, ta nói đến vĩ nhân là ta trở thành vĩ nhân sao hay là ta được ‘hưởng’ danh vĩ nhân! Ngược lại, con người, nếu đã có tính cách vĩ nhân rồi sao lại còn phải có nhu cầu muốn nhắc nhiều đến 2 từ vĩ nhân? …
*
Nói cho cùng, xét vĩ nhân là trước tiên là xét đến tinh nhân văn cao cả trong quả tim người đó, người ấy có đồng cảm với nỗi đau/đau khổ của nhân loại hay không, rồi mới xét đến các yếu tố khác (có tác động làm biến đổi to lớn đến lịch sử phát triển hay tư tưởng của nhân loại). Ngoài ra, xét đến vĩ nhân, phải loại trừ triệt để tính duy ngã, tự tôn, ham danh lợi, tính vĩ cuồng…, và cũng loại trừ tính quá-soi-mói từ người bình luận. Đồng thời cũng xét đến sự cải thiện của người đó vì vĩ nhân không phải là luôn luôn tốt.
Muốn là được hay có niềm tin thì sẽ được, nói rất đúng, vấn đề là cái muốn đó của ta có phù hợp với sự vận động của lịch sử không, nếu không dù ta có lòng tin cở nào thì lòng tin đó cũng sẽ bị ‘tắt lịm’. Vĩ nhân cũng là một con người. Và cuối cùng vĩ nhân sẽ đi về đâu? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét