Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

61. Steve Jobs và 'cái chết'


(Steve Jobs qua đời ngày 5/10/2011, nhiều người biết giá trị và ngưỡng mộ)

L. à,
Anh đã đọc nhiều lần bài phát biểu ‘Sống như thế nào trước khi bạn chết (How to live before you die)’ của Steven Jobs, người sáng lập ra hãng Apple Computer, Inc. 
Anh thật sự, từ trái tim, ngưỡng mộ bài phát biểu này.
- Trước tiên, ông với tư cách là nhà thành đạt, chứng minh rằng người không học đại học cũng có thể làm nên sự nghiệp vĩ đại,
- Người ta có thể nối sự hỗn độn, từ quá khứ đến hiện tại bằng cách nhìn lại quá khứ, thành ‘ánh sáng cho sự sáng tạo trong tương lai’, hoặc hiểu một cách triết lý hơn là: hiện tại (tương lai) kết nối với quá khứ qua trùng trùng duyên khởi...
- Con người phải tìm ra chính mình thông qua sự mách bảo của trái tim mình và đừng nản lòng,
- Tìm ra cái mình thích và sau đó đam mê với nó, đó chính là tìm được hạnh phúc thực thụ,
- Việc ‘sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu’, sự đau khổ, thất bại liên miên, bệnh tật, bị ruồng bỏ, đối diện với cái chết nhiều lần…, là liều thuốc đắng cho sự vươn lên,
- Nếu sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng hay như là mình sắp chết, mình sẽ sống có ý nghĩa hơn,
- Hãy luôn khao khát, hãy luôn dại khờ - "Stay hungry, stay foolish!",
- ‘Cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống’…

Mặc dù John Rau - trong tác phẩm với tựa đề 'Secrets from the search firm files' (Nhà xuất bản McGraw-Hill, 1997) - là bậc thầy về phương pháp đào tạo cho MBA, nhưng anh thấy ông không rành về triết học phương Đông lắm, nên hoài nghi rằng các tác phẩm của ông ứng dụng có hiệu lực ở các nước phương Đông. Sự khác biệt của Steven Jobs với J.R.  là ông có nhắc đến nhân quả, biết liên kết mọi thứ ‘mốc’ trong quá khứ, và kinh nghiệm từ thất bại và đau khổ của ông là có tính chất phổ biến cho bất cứ ai, dù là ở phương Đông hay phương Tây.

Nói chung, chỉ trừ điều mà anh viết trong những đoạn cuối cùng của bài này thì các ý kiến trên, từ kẻ tầm thường đến bậc minh triết, dần dần, không ít thì nhiều cũng khám phá ra được:
- Ví dụ, có người nói rằng, họ trong trường đại học 4 năm, còn tôi vừa làm vừa tự học học 8 năm, thì tôi đâu có thua gì anh học trong trường 4 năm (tương tự cho thạc sĩ hay tiến sĩ, ...),
- Người Tây Tạng có nói là bạn có thể chết bất cứ lúc nào vào ngày mai, ý nói là hãy tận hưởng những điều tốt đẹp của ngày hôm nay, thì một là ý của ông Steven Jobs có liên hệ với triết lý của người Tây Tạng, hai là cái mà ông phát hiện từ đau khổ là tương tự như triết lý mà người Tây Tạng đã phát hiện ra từ mấy ngàn năm trước,
- Có ít người vẫn tin vào sự mách bảo của trái tim mình, vẫn tìm tòi cho kỳ được cho đến khi phát hiện ra chính mình, rồi đắm say cho tình yêu công việc đó, điều này tuy hiếm nhưng không phải là không có,
- Tương tự, việc kết nối các kinh nghiệm hay sự kiện hỗn độn trong quá khứ để có một kết quả mạch lạc trong hiện tại hay tương lai, hay  hiện tại chỉ là một dạng của trùng trùng duyên khởi - vô thủy vô chung...
- Tương tự, người càng có nhiều thất bại cay đắng thì cái ngưỡng vượt qua/phát hiện của người đó càng đáng giá, điều này tuy hiếm nhưng không phải là không có,
- Thì người ta vẫn luôn khao khát, nhưng người ta, có rất ít người, biết ‘dại khờ’ trước thế giới này, ví dụ dại khờ như ông Newton đó.
Nói riêng, từ ông ta, anh có phát hiện một điều khác biệt nữa là người ta không nhất thiết phải đọc Lão-Trang, Khổng-Mạnh hay Phật Chúa, thì người ta vẫn có thể phát hiện ra chân lý. Chân lý thì ở đâu cũng là chân lý, tư tưởng Phật/Chúa không phải là giới hạn tận cùng của chân lý của loài người. Tất nhiên kinh nghiệm làm ông ta đôi khi lộ một số triết lý giống như một triết gia nhưng ông ta không phải là triết gia.

Trước khi đọc tiếp, tạm trích vài dòng, bạn hãy bỏ ra vài phút vào google nghe nhé:
(‘Vì sao ta mất nhau’ trình bày bởi Hiền Thục):
Vì đâu lệ rơi mãi, vì sao lòng tê tái
Vì sao tình yêu ấy giờ đã phai. 
Dù em vẫn mãi yêu, vẫn yêu thật nhiều. 
Vì đâu hôm nay mình mất nhau, mãi ôm niềm đau...

(‘Mưa hồng’ trình bày bởi Hồng Nhung):
Người ngồi xuống, xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ


Đặc biệt, có điều này anh mới vừa được biết: cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Anh nghĩ là dù sao khá nhiều cuốn sách mình cũng thăm qua rồi, thế mà ông ta làm anh bị rất bất ngờ. Không cần phải mắc cở, anh tin rằng chuyện tình dục đực cái là một tuyệt tác của thương đế, anh ngưỡng mộ vô cùng, vì không có cái động lực này thì thế giới động vật không tồn tại. 
Thế mà ông ta lại nói cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Không phản đối. Ông ta nói rất đúng, đúng thì phải thừa nhận là đúng. Chỉ có người chết đi sống lại nhiều lần mới ngộ ra được điều đấy.
Ai sợ chết là chưa hiểu sáng tạo của thượng đế. Vậy thì hãy yên tâm mà chết, trước khi chết cố làm một việc gì đó có ý nghĩa, ví dụ như cái ông họa sĩ trong ‘chiếc lá cuối cùng’ đó.
11g40, sáng ngày 22/9/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét